Năm cha đi, hình như tôi lên sáu tuổi. Tôi chạy theo níu lấy áo cha mà khóc tức tưởi. Cha khẽ khàng gỡ tay tôi ra, bước đi lầm lũi. Khi ấy cha còn trẻ lắm. Mẹ cũng còn rất trẻ, cố xiết tôi thật chặt trong đôi tay mảnh dẻ của người. Ngày hôm sau, tôi lại vui đùa chạy nhảy bình thường, chỉ thi thoảng mơ thấy cha, giật mình dậy khóc dé lên rồi quên bẵng. Mẹ không khóc nhiều, làm việc liên miên suốt cả ngày, mắt mẹ rộng thênh thang và buồn hun hút.
Cứ mỗi mùa đông, mẹ lại cặm cụi bên các que đan len suốt cả buổi tối. áo len của tôi nhiều lắm, toàn là những màu sắc sặc sỡ. Mẹ bao: "Con mặc màu này, trông nhà minh ấm áp hơn". Ở trường, cô giáo vẫn gọi đùa tôi là Bướm. Tôi về kể, mẹ cười nhẹ nhàng: "Là Nắng, con thích không?" Tôi ngoan ngoãn gật đầu, vùi mặt vào chiếc áo len xanh lơ của mẹ. Từ ngày cha đi, mẹ chưa đan cho mình thêm chiếc áo nào. Tôi mở tủ ra kiếm tìm, những chiếc áo mẹ dành cho cha qua các mùa đông vẫn còn mới nguyên và lành lạnh vì chưa từng có hơi người. Lâu lâu, mẹ lấy chúng ra thẫn thờ, mắt mẹ đã kéo vài vệt đuôi dài buồn bã.
Mẹ mang tôi về nhà nội rồi lặng lẽ bỏ đi. Một mùa đông gió thổi vi vu qua vườn ngọc lan bên hông nhà nghe rờn rợn. Tôi phải ngủ một mình bên một mớ chăn gối ấm áp mà vẫn cảm giác buôn buốt lạnh. Tôi thôi cắt tóc ngắn ôm hai bờ má bầu bĩnh mà để tóc dài ngang vai, thích ngồi một mình ở vườn ngọc lan nhà nội. Cứ mỗi lần chải tóc cho tôi, nội bảo: "Mẹ con đẹp lắm. Người đẹp thường bạc phước". Tôi soi mặt mình trong chiếc gương con, gắng cười: "Con sẽ là người hạnh phúc. Con không giống mẹ phải không?". Nội im lặng, nhíu đôi mày bạc, âu lọ Tôi đem ảnh mẹ ra ngắm nhìn, lòng quặng lên vì mình chẳng thừa hưởng một đường nét nào trên gương mặt mẹ.
Hoa ngọc Lan trắng ngần và toa? hương ngan ngát. Bạn bè đến chơi với tôi đông lắm, đơn giản vì mê vườn ngọc lan nhà nội. Tôi chỉ thích một mình ngồi giữa vườn hoa mà tưởng tượng, rồi có khi ngủ quên, dì Lan phải vực vào nhà, xoa dầu khắp người vì sợ tôi cảm lạnh. Tôi nhắm nghiền mắt, tận hưởng cảm giác ấm áp từ đôi bàn tay mềm mại của dì mà nhớ mẹ quay cuồng. Nghe đâu, mẹ đã có gia đình, sinh ra một bé gái, mắt tròn và long lanh như có nắng. Tôi khóc khi cứ đến mùa đông mẹ lại gửi áo len về, những màu áo nền nã và dịu dàng. Người nhắn rằng: "Con gái lớn rồi, phải thế". Tôi trách âm thầm: "Mẹ đã có nắng rồi, nên đâu cần... " rồi tự mắng mình ích kỉ, ngồi tẩn mẩn đếm lại những chiếc áo len từ lúc bé thơ, giật mình vì những năm, những tháng đã qua đi nhanh quá.
Cha chẳng thấy về, dường như đã có gia đình mới. Cha không gởi áo len cho tôi mà chỉ gởi những gì bảo đảm cho tôi sống đầy đủ và yên ả. Thi thoảng, tôi thử hình dung xem cha ra sao, nhưng ký ức mờ nhạt quá nên hình ảnh cha chẳng bao giờ hiện lên rõ rệt. Cha có viết thư hỏi thăm về vườn ngọc lan nhà nội. Nội quét hoa rụng trắng xoá dưới gốc, lại hồi tưởng: "Mẹ con yêu ba con cũng vì vườn ngọc lan này. Hồi ấy, nó vẫn sang đây xin hoa về, chẳng biết để làm gì... Có lẽ là do duyên nợ". Tôi không ra ngồi hàng giờ ở vườn hoa nữa, nhưng đêm đêm vẫn nghe hương lạc vào tận chỗ nằm. Mùi hương cứ quấn quýt một nỗi nhớ nhung da diết. Nơi mẹ sống bây giờ, hẳn không có hoa ngọc lan. Nếu có mẹ sẽ chẳng bình yên để tạo nên đốm nắng rất xinh của mẹ. Mẹ đang ấm áp, bao giờ cũng ấm áp, cho dù ở giữa mùa đông Những ngày lạnh, tôi thường ăn rất vội bữa cơm chiều, sợ đối diện với vẻ cô độc già nua của nội, với nét lặng lờ trong dáng ngồi lơ đãng của dì Lan. Tôi mong hơi hướm của người đàn ông trong gia đình. Tự hỏi sao chừng ấy tuổi, dì Lan không đi lấy chồng, khi mà hương ngọc lan nhà nội nồng nàn da diết. Tôi băn khoăn. Nội kể âm thầm: "Dì Lan là người yêu của ba con. Chẳng biết sao bọn nó... ". Tôi gục mặt vào hai bàn tay run rẩy. Cha vẫn đi biền biệt không về.
Tôi xa căn nhà của nội vào thành phố học, nhắn mẹ thôi đan áo len cho mình. Thế nhưng cứ đến mùa đông, mẹ vẫn gởi áo về cho cha, và dì Lan lại cẩn thận xếp vào ngăn tủ. Tự hỏi có bao giờ cha quay về, đếm đủ tình yêu của những người ở lại dành cho cha không?
Cứ đến mùa đông, tôi lại trở về nhà nội, chỉ mong mang về một đốm nắng cho nhà ấm lên một chút, nhưng chẳng thể xua đi mùi ngọc lan lan toa? bồn chồn...