Vườn Maria nằm giữa khu nhà vườn mênh mông. Đấy là nơi chính quyền ĐR đã quy hoạch, chia cho công nhân các nhà máy xung quanh, làm khu vườn nghỉ cuối tuần. Để tới đó, tôi phải đạp xe hai chục phút. Vòng vèo trên con đường rải đá dăm màu nâu, men theo dải rừng thông xanh, vòng qua cái đầm rộng, ngọn đồi thấp trồng đầy sồi và bạch dương, tôi đến một nơi hoàn toàn tĩnh mịch. Một không gian khác hẳn, cách biệt hẳn với sự Ồn ào, bụi bậm, đêm cũng như ngày, của thị trấn công nghiệp, nơi tôi đang làm việc.
Bấy giờ đang vào xuân. Cơ man loài hoa đủ sắc mầu, tươi thắm nở sau hàng rào thưa. Những trảng tuy líp đỏ thẫm, như những ngọn lửa nhỏ, lung linh, huyền ảo. Thấp thoáng trong các lô vườn, tôi nhìn thấy nhiều ngôi nhà xinh xắn, đủ kiểu dáng, nép bên những tán cây. Đang mùa hoa kết trái, cả không gian như được ướp hương. Thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ chợt tới, cuốn ra cơ man nào những cánh hoa mỏng phớt hồng, phớt tím, bay la đà. Nom tựa hồ như một đàn bướm khổng lồ vờn rỡn trong nắng vàng, trong tiếng líu lo không nghỉ của chim chóc các loại.
Vợ chồng Maria chờ sẵn tôi trong vườn. Dưới tàn cây, trên thảm cỏ xanh biếc được cắt tỉa công phu, họ trải sẵn tấm khăn mầu sặc sỡ. Chai rượu vang đặt bên đám cốc, đĩa đã bày. Kế bên, kê cái giá nướng. Than củi phừng phực cháy và những xiên thịt đã bắt đầu tỏa mùi thơm phức. Tôi trao cho Maria một gói quà nhỏ như thông lệ Ở đây. Vợ chồng Maria tươi cười kéo tôi ngồi xuống thảm cỏ mịn.
Chúng tôi nói dăm câu thăm hỏi xã giao. Sau đó, trong khi chờ Maria nướng thịt và xúc xích, chồng Maria mời tôi đi thăm khắp khu vườn rộng tới mấy ngàn mét vuông của họ.
Trong vườn, anh đào đã lác đác vài chùm tím. Từng dãy dài táo và lê hồng rực màu hoa, báo hiệu một mùa quả bội thụ Rất nhiều cây ăn quả, với những cái tên nghe lạ hoắc. Chúng tôi dừng lại trước một nhà kính nhỏ. Chồng Maria chỉ cho tôi xem những luống xu hào, cải bắp, hành tây mơn mởn và đám cà chua leo đầy những trái quả mũm mĩm, rồi nói : " Cậu không thể tưởng tượng ra buổi đầu tiên chúng tôi đến nhận mảnh vườn này đâu ! Khắp mặt đất toàn gạch vụn và mảnh bom. Cứ rời khỏi nhà máy là chúng tôi đến đây để dọn vườn. Công việc kéo dài tới hai ba năm, mọi sự mới tạm ổn. Chúng tôi chở đi cơ man nào gạch vụn, lại mua rất nhiều mùn tro đổ lên mặt đất cằn cháy để có mảnh vườn trông màu mỡ như ngày hôm nay ! ".
Thì ra, khu vực này trước đây là mục tiêu bắn phá của máy bay đồng minh. Bên trái là nhà máy chế tạo phụ tùng xe tăng. Bên phải, cách khu đất không xa là kho quân trang của quân đội phát xít Đức. Giữa vườn, trước kia nghe nói có một biệt thự lớn. " Tất cả sau chiến tranh không có một mầm cây nguyên vẹn ! ".
Tôi ngồi uống rượu vang chát, nghe vợ chồng Maria nhẩn nha kể về những năm tháng xa xăm sau đại chiến. Tôi mường tượng, theo lời họ, mặt đất nham nhở, khét lẹt. Những đụn khói âm ỉ và tiếng nổ ùng ục của bom đạn. Từng đoàn người đói khát, rách rưới, kiên nhẫn cắm cổ đào bới, dọn dẹp trên khắp mặt đất, khắp các thành phố hoang tàn, đổ nát...
Tất cả với họ, mọi việc đều qua rồi, để hôm nay tôi được mục kích, khu nhà nghỉ dài tới bốn năm cây số, tươi đẹp như cõi thiên thai nơi hạ giới.
Giọng Maria đều đều trong gió nhẹ, nghe mơ hồ như tiếng vọng từ cõi xa xăm đâu dội về, hoàn toàn không ăn nhập gì với cảnh vật, không khí tuyệt diệu ở nơi đây. Tôi muốn ngả mình xuống cỏ, ngủ một giấc dưới ánh nắng ấm áp, vàng như mật của mùa xuân...
Từ buổi đó, thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, tôi lại ghé thăm vườn của Maria. Còn gì tuyệt vời hơn, sau một tuần làm việc đến đứt hơi, chúng tôi được nằm dài trên thảm cỏ êm ái. Không phải chui rúc, tù hãm trong khu nhà lắp ghép cao dễ sợ, chúng tôi được thở hít thứ không khí trong sạch, chỉ có mùi thơm của các loài hoa và cỏ ngọt, lắng nghe tiếng líu lo không nghỉ của chim chóc đủ loại và đôi khi nếm món xà lát tươi mát, ngọt lịm tự tay Maria vừa cắt trong vườn.
Sau này tôi được biết thêm, công việc vườn tược gần như một đam mê cuốn hút cuộc sống của vợ chồng Maria. Họ không mua ô tô, ít đi nghỉ mát. Dành được đồng nào, cả hai anh chị đều ném vào việc tôn tạo nhà vườn. Theo thời cuộc, họ xây nhà tạm, mắc nước, điện, mua giống má, làm nhà kính và thay đổi nhiều lần những thiết bị làm vườn. Maria có lần nói, ô tô chỉ mang lại tiếng ồn và khói bụi. Sống trong khu nhà cao tầng, với những ô cửa sổ tò vò, chị luôn có cảm giác như bị nhốt. Chỉ có ở vườn mới thực là nghỉ ngơi và thư dãn. Tôi đồng ý với chị như vậy ! Trên thực tế, phải làm việc khi nền công nghiệp hiện đại của châu âu đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thần kinh của chính tôi cũng trở nên rất căng thẳng. Nhà vườn chắc không chỉ là ước mơ của riêng Maria, mà còn là cuộc giải thoát có tính cấp thiết cho con người trong xã hội phát triển này. Chẳng thế mà chồng Maria bảo, hè tới, anh sẽ cơi rộng thêm hai phòng nhà vườn. Anh đã đặt mua hệ thống sưởi nước nóng, lắp thêm nhà kính, mở rộng việc trồng rau và hoa trong mùa xuân. Maria hồ hởi hẹn : " Xây xong nhà mới, vợ chồng mình sẽ chuyển hẳn về đây sống. Mùa đông này, cậu đến đây chơi nhé ! Khi ấy, băng tuyết sẽ phủ trắng khắp nơi. Cây cối, vườn tược dưới ánh nắng mặt trời sẽ toa? sáng lấp lánh như dát bạc. Chúng ta không phải đi đâu nghỉ đông hết. Cậu sẽ nằm trên đệm ấm, uống cà phê nóng, ăn bánh ngọt và nhìn ra ngoài trời, ngắm muôn ngàn bông tuyết xốp lững lờ buông rơi ! ".
Hết hè rồi đến thụ Tôi thấp thỏm chờ mùa đông tới để nghiệm xem lời Maria nói thế nào. Rồi mùa đông cũng đến, nhưng mọi việc lại diễn ra không đúng như lời mời tốt đẹp của Maria.
Mùa đông đến. Người ta bảo, mười mấy năm nay mới lạnh đến thế ! Hai ba tuần liền, tuyết cứ trùng trùng rơi xuống, trắng xoá khắp mặt đất. Nhưng điều ấy không phải là nguyên nhân đảo lộn dự kiến của Maria và tôi. Thời tiết chính trị của nước Đức lên cơn sốt làm lộn phèo tất cả.
Bắt đầu là sự kiện đám thanh niên Đông Đức đang du lịch tại Tiệp nhảy vào tị nạn trong sứ quán Tây Đức. Sau đó là những cuộc biểu tình ở Halle, Leipzig... Người ta đồn đại nhiều khả năng xấu có thể xảy ra trên mảnh đất gần bốn chục năm yên bình. Những lời đồn ấy cùng với các cuộc tranh luận chính trị triền miên trên các hệ thống thông tin làm cánh thợ khách Việt Nam chúng tôi lo ngại cho một cuộc hồi hương bất ngờ. Tôi và nhiều người Việt khác chẳng có bụng dạ nào mà chơi bời thăm thú. Tôi dùng mọi thời gian rảnh tìm kiếm hàng, gửi về nhà.
Thế rồi, nước Đức phá tan bức tường chia cắt trong đêm giáng sinh. Mọi diễn biến, từ việc thủ tướng Kohl tới diễn thuyết ở Đông Đức, đến việc đổi tiền... đã xảy ra liên tục như trò chơi đô-mi-nô, dẫn tới việc nước Đức thống nhất.
Nước Đức mới với sự ngự trị của đồng Mác Tây Đức kéo theo nhiều đổi thay về kinh tế trên phần đất Đông Đức. Nhà máy chúng tôi dãn thợ rồi sau đó đóng cửa. Tôi nằm trong số người thất nghiệp đầu tiên và để kiếm sống, tôi ra đường phố buôn bán qua ngày. Tôi nghe tin, Maria thất nghiệp sau tôi nửa năm. Chẳng bao lâu, tiếp tin chồng Maria thất nghiệp, rồi lại xin được một chân đào đất trên công trường nào đó tận Berlin. Chính vì thế, chúng tôi ít khi gặp nhau như ngày làm cùng một nhà máy. Thỉnh thoảng, Maria có lại chỗ tôi chơi, nhưng không thấy chị nhắc nhở đến việc kiến tạo khu nhà vườn. Sợ Maria buồn, tôi tránh hỏi tới việc ấy, dù đôi khi không khỏi không nghĩ tới. Nhất là những ngày tuyết ngừng rơi, trời trở nên lạnh buốt. Nhìn hàng phong đã trút hết lá, được bao phủ trên cành một lớp băng lấp lánh, trong suốt như pha lê, tôi luôn tự hỏi, bao giờ thì Maria có đủ tiền xây dựng một nhà vườn như dự tính ? Bao giờ, chị nằm trên nệm ấm, mặc mùa đông trôi ngang, cùng chồng nhắm li rượu vang màu thẫm đỏ và nhìn ra trời ngắm tuyết bay?
Thời gian trôi đi hai năm. Một bữa chồng Maria đột ngột đến nhờ tôi giúp đỡ. Anh tới, hớt hải báo tin Maria bị mệt và buồn rầu nói : " Chúng tôi đã có lệnh của toà án trả lại khu nhà vườn cho chủ cũ. Phải dọn dẹp sạch sẽ trong vườn trước khi trao trả ! ". Anh nhờ tôi dùng xe ô tô chuyên chở giúp anh chuyển mấy chuyến đồ từ nhà vườn về khu tập thể.
Thứ bẩy, theo lời hẹn, tôi đánh chiếc xe Bus của mình tới khu nhà vườn. Bấy giờ đã cuối hè. Có lẽ do vườn sắp bị trả nên vợ chồng Maria chẳng xén tỉa cỏ nữa. Thảm cỏ không có ai chăm sóc đã mọc dài tới gối. Cái nhà kính mới tu bổ hôm nào, nay bị tháo dỡ dang dở, trơ bộ sườn gầy gò và những tấm kính vỡ. Mấy luống đất đầy rau mơn mởn bữa nọ, ngả mầu bạc phếch, lơ thơ còn lại dăm cây cà chua héo rũ. Chỉ có đám cây ăn quả là chẳng biết gì tới những thay đổi của thời cuộc. Táo sắp chín, ngả mầu phớt hồng. Trên rặng anh đào còn sót mấy chùm quả tím sậm như những giọt máu. Năm ấy lê sai lắm ! Từng chùm quả mọng nước vít chĩu cả cành. Tôi nhìn đám mận tím rụng đầy mặt đất mà ngơ ngẩn.
Khi tôi đến vườn, chồng Maria đã khuân gần hết đồ trong nhà nghỉ ra ngoài hiên. Maria chạy ra đón tôi với nét mặt buồn buồn và thốt nhiên ôm chặt lấy tôi. Khi ấy, tôi chưa hiểu hết những giọt lệ của chị. " Mất mát nào chẳng buồn ! " Tôi ôm lấy Maria và xoa nhẹ bàn tay lên vai chị.
Đồ đạc trong nhà vườn của họ không nhiều. Chỉ hai chuyến Bus là tôi đã giúp họ tống mọi thứ đến chỗ cần chuyển tới. Tuy thế, đến chiều thì công việc mới tạm ổn. Maria mời tôi dùng cơm tối ngay trong nhà vườn. Vừa ăn Maria vừa kể về cuộc đời của chị.
Cho tận tới khi ấy, tôi mới biết, Maria không phải là người Đức. Maria sinh ra trong một trang trại mà nơi đó bọn phát xít dồn những tù nhân Đông âu tới làm việc. Chị không biết mặt mẹ. Người ta kể, mẹ chị mất ngay sau khi chị ra đời. Những người nông dân Đức tốt bụng sống quanh trang trại đã giấu giếm và nuôi dưỡng chị, giúp cho người mẹ tù Bungari xấu số. Sau đó, Hồng quân Xô viết đã tiến qua trang trại và giải thoát những tù nhân. Cha chị vốn là một chiến sĩ chống phát xít nên ông tham gia ngay vào binh đoàn quốc tế tiến về giải phóng Berlin. Hai năm sau, Maria được biết, ông đã hi sinh trong trận chiến cuối cùng. Maria, sau đó được đưa vào trại mồ côi nuôi dưỡng. Đó là những năm tháng nặng nề. Maria kể với nét mặt rất buồn : " Tôi sinh ra trong trại như một người tù, lớn lên trong nhà trẻ mồ côi. Cuộc sống sau chiến tranh rất thiếu thốn và với tôi, mãi mãi là những ám ảnh khủng khiếp. Những ám ảnh trại tù, những ám ảnh của tháng năm không một người thân, theo đuổi tôi. Tôi rất nhớ, thứ bảy và chủ nhật là những ngày đáng sợ nhất. Tôi bám song sắt nhà trẻ nhìn ra ngoài trời. ấn tượng ấy đọng lại tâm trí ngay cả khi tôi trưởng thành và lấy chồng. Cuộc sống yên bình những năm tháng qua phần nào bào mòn quá khứ ấy. Nhất là từ khi có mảnh vườn này. Tôi cảm thấy cuộc sống dễ thở và tươi sáng ". Maria lau nước mắt : " Suốt mấy chục năm qua tôi luôn mơ ước sẽ cải tạo nhà vườn thành nơi ở tử tế. Tôi coi mảnh đất có khu vườn này như mảnh đất quê hương, xứ sở của tôi. Tôi đã sống và sẽ chết tại đây. Mùa hè cũng như mùa đông, tôi không phải giam hãm trong khu nhà tập thể chật chội và tù túng nữa. Sống hẳn trong nhà vườn, tôi sẽ thực sự quên đi tất cả dĩ vãng. Chúng tôi đã dồn tiền bạc xây cất khu vườn. Tôi hi vọng. Thế mà giờ đây chẳng còn nhà vườn nào nữa ! ".
Rõ cả rồi ! Tôi đã hình dung ra mọi việc đã xảy ra. Tôi hoàn toàn thấu hiểu, thông cảm cho những giọt nước mắt lã chã rớt xuống từ đôi mắt mở to đầy đau khổ của Maria lúc này.
Chúng tôi ngồi im lặng đến chục phút. Sau đó, để phá tan không khí nặng nề, chồng Maria kể cho tôi nghe diễn biến chính của việc chủ cũ trở về đòi lại mảnh đất.
Tôi hình dung qua lời kể, một người đàn bà lạ hoắc, từ phía Tây thình lình đến. Với tờ khế ước đất đai đã ố vàng mấy chục năm, bà ta xuất hiện, như một phù thủy có sức mạnh tuyệt đối, phá tan cõi mơ yên bình, giản dị, chân chính của người bạn tôi. " Mọi sự kiện của bốn mươi năm trên đông Đức đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa ! ". Chồng Maria nhăn nhó nói tiếp : " Luật pháp là luật pháp mà ! Người ta không thèm tính toán gì tới công sức của vợ chồng tôi bấy lâu naỵ Tay luật sư đại diện cho bà ta còn nói rằng, những rặng cây, luống hoa cũng trồng không đúng trật tự cũ. Lão ta cho hay, bà chủ dự tính, sẽ xây lại biệt thự theo đúng vị trí thủa xưa. Như vậy, họ sẽ đốn hầu hết những cây ăn quả trong vườn ! ông bà quả thực có nhiều công sức để trồng đám cây này ! Nhưng tương lai, nó không còn ý nghĩa gì với bà chủ nữa. Nhất là khi biệt thự được xây cất ! Chúng tôi còn chưa tính tiền công thuê đốn hạ cây đâu nhé ! Tốn vô khối thời gian và tiền bạc đấy ! Tay luật sư đã nhẫn tâm nói với tôi như thế ! Đấy cậu xem ! Gần hết cả đời người chăm chút cho mảnh vườn này, vậy mà giờ đây ! ".
" Thế họ không bồi thường gì à ? ", tôi hỏi. " Đó là một việc hết sức tế nhị ! ". Chồng Maria nói tiếp : " Thực ra luật pháp mới không quy định việc bồi hoàn cho những người được chính quyền ĐR cấp đất vườn. Nhưng chính quyền mới cũng không muốn xảy ra sự kiện tụng rắc rối. Họ khuyến cáo một sự bồi hoàn nào đó, giữa hai bên tự nguyện thoa? thuận. Thường là để nhanh chóng lấy lại đất, các chủ cũ đều bồi hoàn ít nhiều. Nhưng cậu tính đi ! Ba chục ngàn bạc họ dự kiến sẽ bồi thường. Với nó, chúng tôi sẽ mua được cái gì ? Một mảnh đất khoảng hai ba trăm mét vuông, trơ trụi không một bóng cây, bây giờ cũng đến hai ba trăm ngàn DM rồi ! ".
Tôi rời nhà vườn Maria mà không nói được lời an ủi. Có an ủi cũng vô ích khi tôi tự mình đặt vào cảnh huống ấy. " Nhưng vẫn cần phải đòi tiền ! ". Tôi nói với họ câu nói duy nhất khi chia tay và thực sự cầu mong họ mau chóng nhận được tiền. Vớt vát được ít nào hay ít đó ! Họ đều có tuổi rồi. Vả lại, Maria đang thất nghiệp, chẳng khoẻ mạnh gì cho cam. Tôi nghĩ vậy.
Suốt cả tuần ấy tôi hồi hộp chờ cú điện thoại của Maria báo tin đã nhận được tiền. Chồng chị đã bảo, đầu tuần, bà chủ cũ sẽ đến xem vườn lần cuối và họ sẽ làm biên bản bàn giao tiền. Vậy mà, đến cuối tuần Maria vẫn chưa điện tới. Sốt ruột cho bè bạn, tôi lấy xe phóng lại nhà Maria. Cả hai vợ chồng Maria đều không có nhà. Có thể họ Ở vườn ! Tôi suy đoán rồi chạy xe tới khu nhà nghỉ.
Đúng như tôi dự tính. Vợ chồng Maria đều có mặt tại đó.
Trong đám bụi mùn cưa mù mịt, chồng Maria nhễ nhãi mồ hôi đang dùng máy cưa băm nhỏ bộ xương của nhà kính. Lưỡi cưa thép quay tít, phăm phăm cắt ngọt những thanh gỗ vừa mới sơn hôm nào. Tiếng lưỡi thép sắc lẹm chém vào gỗ, rít lên từng hồi chát chúa, nhức nhối, phá tan bầu không gian vốn tĩnh lặng, thanh bình của khu vườn.
Thấy tôi đến, Maria lau vội tay lên tạp dề chạy ra đón tận cổng.
Không nén được tò mò, tôi hỏi ngay Maria việc đền bù của chủ cũ. Nghe thế, chồng Maria ngừng tay xếp củi. Anh kéo tôi ra giữa vườn và chỉ vào hai mô đá mọc đầy rêu nhô trên đất khoảng hai chục phân nói : " Nhẽ ra mọi việc đều xong cả rồi, nhưng còn vướng hòn đá chết tiệt này. Ngay phút đầu tiên tới đây, bà ta đã nhong nhong đi khắp vườn và tìm ra những mô đá này. Bà ta săm soi, nghiêng ngó, vạch vòi rồi nói rằng, chỗ này, ngày xưa có đặt ba hòn đá. Hòn đá của ông nội tôi, của bố tôi và hòn đá thứ ba của tôi. Hòn đá thứ ba của tôi đâu? Bà ta đã đưa ra những câu hỏi mà khi đó tôi không sao hiểu nổi ". Chồng Maria mặt đỏ gay, không hiểu vì nắng hay vì giận dữ. Tôi kéo anh ngồi xuống một cái ghế rồi bình tĩnh hỏi chuyện.
Thì ra, theo lời bà chủ cũ, từ cái thủa tít mù khơi nào đó, cứ mỗi thế hệ Ở đây sinh ra, người chủ gia đình, trong ngày sinh nhật đầu tiên của con mình đã đặt một hòn đá. Hòn đá thứ ba, hòn đá của bà ta, đặt trong một ngày nào đó từ thập kỉ xa lắc, giờ đây không còn nữa.
" Điều ấy, cái hòn đá chết tiệt có thật hay không, tôi không hề được biết. Còn hiện tại thì bà ta kiên quyết không giao đủ số tiền ba chục ngàn nữa. Tôi trừ của anh chị một chục ngàn ! Bà ta đã kiên quyết nói vậy. Chúng tôi cũng thề thốt và nói hết lời rằng, chúng tôi không hề đào hòn đá to như thế mà khuân đi được. Nhưng bà chủ không tin, càng tỏ ra giận dữ. Bà bảo tôi, các anh đã phá hoại nó, đánh mất nó ! Đấy là biểu tượng duy nhất của tôi đã hiện hữu tại đây và tôi mong chờ bao nhiêu năm để gặp lại kỉ vật ấy. Vậy thì nó ở đâu? Cả chúng tôi và bà ta đều cãi vã trước mặt tay luật sư, làm gã ta cũng ngớ ra, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả ". Chồng Maria vò đầu bứt tai nói với tôi.
Tôi đến sát hai mô đá nhô trên mặt đất. Trông chúng chẳng khác gì những hòn đá bình thường mà người ta dùng để làm móng nhà cổ. Loại đá trắng này, tôi đã nhìn thấy nó rất nhiều dưới những bức tượng bị dỡ bỏ, trong vườn hoa trước cửa nhà máy chúng tôi, khi nước Đức thống nhất. Tôi cúi xuống. Hai hòn đá gần như giống nhau, mỗi chiều không đầy bốn chục phân.
Thật ra khi đó, tôi cũng không rõ hư thực ra sao cả. Tôi gặng hỏi chồng Maria : " Thái độ của bà chủ đất khi nói về hòn đá, có đáng tin cậy không ? ". Hiểu ý tôi, chồng Maria thật thà nói : " Bà ấy kể về kỉ vật của bà với một vẻ rất xúc động. Có thể trước đây đúng là có hòn đá như vậy. Nhưng ai biết được bây giờ nó ở đâu? Chiến tranh đã tàn phá tan hoang cả nước Đức ! Đến ngôi biệt thự nhỏ của bà ta cũng chẳng còn, nói chi tới một hòn đá ! Chẳng nhẽ những người dân đông Đức chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm về mọi sự thay đổi sau chiến tranh ư ? ". " Hay là bây giờ nó còn bị vùi trong lòng đất ? ". Tôi thả một câu vô duyên. Chồng Maria nhún vai yên lặng. Tôi quay lại phía Maria. Từ nãy đến giờ chị hoàn toàn trầm mặc. Hình như chị đương thả hồn về đâu đó. Tôi nhìn thấy đôi mắt Maria thật buồn. Không hiểu sao, tôi bất chợt nghĩ tới mùa đông sắp đến. Ồ, rồi tuyết lại rơi. Nhưng chị chẳng còn nhà vườn để từ trong đó chiêm ngưỡng mùa đông âu châu nữa. Tôi tưởng tượng ra cái ô cửa nhà tập thể như những tổ tò vò. Maria của tôi, đôi bàn tay bíu chặt vào song sắt, đôi mắt vô vọng nhìn ra ngoài trời, vô vọng nhìn những bông tuyết lạnh nhẹ nhàng, lặng lẽ rơi ! Bất giác tôi thấy lòng mình buồn vô hạn.
Chiều hôm đó, về tới nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi không sao dập tắt được những hình ảnh đã được nghe kể về cuộc đời của Maria.
Vợ chồng chị với tôi, ngoài tình bạn chân thành suốt mấy năm nay, Maria còn là một đồng nghiệp rất tin cậy của đám thợ Việt Nam chúng tôi trong nhà máy cũ. Bây giờ tôi mới hiểu rõ, vì sao Maria giúp đỡ những người công nhân nước ngoài như cánh Việt Nam và Cuba, tận tâm, tận lực hơn cả những người Đức. Vì sao, khi nghe kể về cuộc chiến tại Việt Nam, chị luôn tỏ ra xúc động, có khi không cầm cả nước mắt. Con người tốt bụng ấy, đã từng lao động quên mình, đã từng đi đầu trong những cuộc biểu tình, ủng hộ tổ quốc tôi, giờ đây không còn mảnh vườn mơ ước nữa. Đến việc nhận tiền cũng bị trắc trở vì một nguyên nhân hết sức vô lý kia. Maria phải nhận được đủ số tiền bồi hoàn ! Tôi phải giúp chị !
Ngay tối hôm đó, tôi đến nhà Maria và tỏ ý định sẽ đến vườn để đào xới tìm hòn đá thứ bạ Nghe ra, lúc đầu Maria cũng ái ngại lắm, song thấy tôi quá quyết tâm, anh chồng liền trao cho tôi chìa khóa vào vườn.
Thực ra không bao giờ tôi làm một công việc ngớ ngẩn ấy ! Đá nào chẳng là đá ! Tôi nghĩ vậy, và lập tức thuyết phục vợ tôi đến khu vực cửa nhà máy tìm được một hòn đá như ý muốn.
Phải tới hai tiếng đồng hồ, hì hục mãi, hết bảy lại kéo, chúng tôi mới đưa hòn đá khá nặng lên xe và chở tới nhà vườn Maria. Tôi lùi chiếc xe tải nhỏ, khéo léo qua những rặng cây, tới khu vực hai hòn đá lớn. Một giờ đồng hồ nữa trôi qua, rồi chúng tôi cũng chôn được viên đá chìm hẳn xuống lòng đất xốp và lập một hiện trường, như đã thực sự đào xới tìm thấy nó. Xong xuôi, tôi gọi điện cho Maria báo tin rằng, hòn đá chết tiệt của bà chủ bấy lâu nay vẫn nằm trong lòng đất.
Vợ chồng Maria rất ngạc nhiên và mừng rỡ khi nghe tôi báo tin. Tôi hình dung thấy Maria rất phấn khởi qua giọng nói của chị trong điện thoại.
Tôi hy vọng, mọi chuyện sẽ kết thúc như tôi mong muốn. Bà chủ mảnh đất chắc sẽ không thể nào nhận ra hòn đá năm xưa. Maria sẽ nhận đủ tiền bồi thường. Và, vợ chồng chị, trước cũng như sau, chẳng có trách nhiệm gì với hòn đá quái quỷ kia.
Thời gian chờ đợi tin hồi âm của vợ chồng Maria trôi qua rất chậm. Mãi tới cuối tuần, tôi đột ngột nhận được cú điện thoại của Maria. Chị báo tin, mọi việc đã ổn thoả. Gia đình chị, mong muốn tôi đến vườn, với tư cách như một người thân trong nhà họ, chứng kiến việc bàn giao nhà vườn cho chủ cũ.
Cũng cần kể thêm, tôi đã hồi hộp thế nào, trong buổi gặp gỡ của chúng tôi trên nhà vườn. Nhất là, khi tay luật sư, một gã cao lớn, có bộ mặt nhẵn nhụi phô cái quai hàm bạnh ra như gọt từ sắt thép, cứ nhìn xoáy mãi vào hòn đá thứ bạ Hòn đá do tôi tìm thấy nằm tơ hơ giữa khoảnh đất nham nhở.
Thật hú vía, may mà hòn đá chẳng biết nói ! Tôi thở phào khi tay luật sư rút máy điện thoại, báo cho người chủ cũ từ khách sạn gần đó, có thể đến ngay vườn.
Người chủ cũ tới nhận vườn. Đó là một người đàn bà hơn bẩy tám chục tuổi, già quắt như cây muồng khô, từ trên xe Mercedes lộng lẫy bước xuống. Bà như ngọn gió mong manh, lướt qua mặt vợ chồng Maria, lướt qua những hàng cây ăn quả, qua luống hoa hồng còn nhiều bông rực rỡ, gần như đổ xụp xuống mặt đất, ôm chầm lấy tảng đá thứ ba, nói trong nức nở :
_ Trời ơi ! hơn bốn chục năm nay, tao mới được nhìn thấy mày !
Cũng chỉ cách bà ta vài bước chân, Maria của tôi mếu máo, dở khóc, dở cười, tay cầm tờ biên bản và chiếc séc ba chục ngàn từ tay luật sư lạnh lùng.
Trong giây phút cuối cùng nơi nhà vườn ấy, tôi chợt cảm giác, mình như một nhân chứng hết sức trớ trêu của cuộc sống. Tôi vòng nhanh ra cổng vườn.
Khi ngang qua ngôi nhà trống hoác của Maria, tay luật sư đã tới đó từ lúc nào. Gã quay ra nhìn vỗ vào mặt tôi và đột nhiên nháy cặp mắt ranh mãnh, tủm tỉm cười. Cái nhìn và điệu bộ ấy dường như có ý bảo : " Này anh bạn ! Tớ biết tỏng cái trò của chú mày rồi. Cái trò ấy, chỉ có thể qua mắt được mấy bà già kia thôi ! ".
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của gã.
Lúc ấy, tôi muốn quát to lên rằng, tôi chẳng có một trò chơi nào bỉ ổi cả. Tôi đã lấy lại mười ngàn cho Maria. Ta cũng mang lại cho các ngươi kỉ vật, hòn đá mà thật ra, chính các người đã đánh mất nó, hủy diệt nó, bằng sự hoang phí thời gian một cách tàn nhẫn và biết bao điều dối lừa !
Nhưng tôi im lặng. Có điều gì đó nghèn nghẹn, không thể cất thành lời.