Tập 1

Ngả đầu vào thành ghế mắt hướng lên màn hình, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang hát bài “Vùng trời bình yên”.

Chuyến đi đầy mạo hiểm nhưng Mai Khanh đã sẵn sàng, cô bỏ cả tương lai sáng ngời để đến với Minh Thường. Hai người có những tháng năm dài yêu thương.

Khi Mai Khanh quyết định chuyển công tác, bạn bè ai cũng bảo cô điên, còn ông Khương đã hỏi:

– Ba muốn biết động lực nào lôi cuốn để con bỏ cả tiền đồ xán lạn, đến nơi đèo heo gió hút mà hăm hở.

– Con muốn thử sức mình thôi ba.

– Nơi đó con không phát huy được tài năng đâu. Minh Thường không thể nào đem lại hạnh phúc cho con.

Mai Khanh nhăn mặt:

– Kìa ba! Chúng con yêu nhau gần năm năm.

– Năm năm? Nhưng Minh Thường không đủ tự tin để cưới con.

– Ảnh cần sự nghiệp ổn định mới cưới.

– Ba chịu, không hiểu tuổi trẻ bây giờ quan niệm như thế nào nữa. Ở vùng cao đầy người dân tộc sinh sống, các con sẽ lụt nghề thôi.

– Ở nơi dân trí thấp như vậy mình sẽ giúp họ tốt hơn chứ ba.

Ông Khương khoát tay:

– Ba không bàn cãi nữa, mong rằng con đã đúng khi bỏ thành phố để về vùng Tây nguyên.

Khanh cười:

– Ba hãy chúc cho con đến được vùng trời bình yên đi ba.

Hành trang của cô gói gọn trong chiếc valy, chắc chắn nơi ấy y phục sẽ là áo blouse thôi. Xe cứ băng qua các cánh đồng cô tịch làm Khanh chợt thấy lo. Lẽ nào chưa vào cuộc đã chùn bước?

Không gian buồn trập trùng những mảng mây màu xám ngắt, làm nắng sớm đã dịu đi. Tiếng sóng vi vu đùa trên sóng lúa. Khanh muốn chợp mắt một tí, dù sao đến xế chiều mới tới nơi.

Vùng cao nguyên đất đỏ.

Trời lạnh với sương mù Một người con gái nhỏ Đôi mắt tròn hồ thu Tương lai nào ai biết Gói trọn một chữ tình Yêu đương nồng thắm thiết Đẹp như buổi bình minh.

Từ ngày Minh Thường chuyển công tác anh không về thăm Khanh, nhớ nhau chỉ kết nối qua điện thoại, mỗi ngày một lần, cho nên Mai Khanh không thấy câu “xa mặt cách lòng”.

Cách đây hơn tháng, trong ca trực, Khanh nhận được một tin làm choáng đầu:

– Bác Khanh ơi! Dạo này bác Thường bận quá nên không về thăm người yêu phải không?

– Ừ, đường sá xa xôi mà công việc thì đầy làm sao bỏ đi cho được.

– Đúng, bác Thường đang điều trị cho một bệnh nhân đáng gờm đấy.

– Là sao nói đi, đừng lấp lửng nữa!

– Bệnh nhân đó là tiểu thư của giám đốc bệnh viện, chắc bác Khanh cũng đoán ra được phần nào câu chuyện rồi chứ.

– Đừng nghĩ sai lệch về anh Thường, ảnh là người có trách nhiệm rất cao.

– Báo động vậy thôi, bác Khanh có quyền không tin mà.

– Em nhặt tin này từ đâu?

– Cho em bí mật một chút nha, bác có thể tìm hiểu rồi tin sau.

Mai Khanh đem chuyện đó hỏi Thường.

– Anh chỉ muốn hỏi em tin ai?

– Dĩ nhiên là em tin anh.

– Vậy em không nên lo lắng gì hết! Bao nhiêu năm yêu nhau không đủ cho em tin tình yêu của anh hay sao.

Sau đó, Khanh lại gợi ý:

– Anh Thường! Em sẽ xin chuyển công tác lên với anh nha. Chúng ta sẽ cưới và sinh sống ở vùng Tây nguyên cũng tốt vậy, anh nghĩ sao?

– Em có suy nghĩ như vậy làm anh mừng muốn khóc luôn. Nhưng Khanh à!

Nơi đây không giống Sài Gòn, thiếu thốn đủ mọi mặt, em không có nơi giải trí ngày rảnh rỗi.

– Anh nói cho em nản lòng đấy à! Anh quên dù ở tận rừng sâu nhưng có đôi, đêm lạnh vẫn ấm áp, nóng bức vẫn mát mẻ hay sao. Em không còn sức chờ đợi nữa, năm nay chúng ta gần ba mươi hết rồi, quá muộn để lập gia đình đó anh.

– Em chấp nhận sống khổ hở Khanh?

– Vâng! Có tình yêu của anh là đủ.

– Ờ, tùy em vậy! Sau này đừng trách anh không ngăn nha.

Gần cả tháng chuẩn bị cho đến hôm qua Khanh lại chao đảo.

– Bác Khanh, nên đi du hành một chuyến, đừng hấp tấp chuyển công tác mà ôm hận.

Nhưng rồi cô tẩy não nỗi lo ngay, có thể ai đó ghen ghét muốn phá cô chăng?

Tình yêu của Thường mới kỳ diệu làm sao. Nó làm Khanh luôn vui vẻ, yêu đời. Gọi tên anh trong những ngày xa cách, gom kỷ niệm cho vơi nhớ thương.

Qua khúc quanh, xe thắng gấp làm Khanh giật mình. Không khí có khác lạ hơn, trên sườn đồi là ruộng hình bậc thang. Nhìn xa như bức tranh vẽ, vài chú cò con háo thắng lượn trên đồng.

Dọc đường đi là những nhóm người phụ nữ dân tộc mang trên vai gùi đầy, nước da đen giòn phơi cánh tay trần ra ngoài nắng. Họ trò chuyện líu lo như chim.

Nắng nhạt dần.

Mai Khanh bấm máy nhắn tin cho người yêu.

“Em sắp đến, xe đang tiến vào thành phố”.

Gấp máy lại, Khanh mỉm cười một mình. Sẽ không bao lâu nữa cô đã có Thường bên cạnh. Nói gì đây cho vơi thương nhớ? Hẳn là những nụ hôn kéo dài không dứt.

Thành phố đất bazan chào đón cô. Sao lặng lẽ quá, bến xe không náo nhiệt, không người rao hàng hoặc cười nói ồn ào.

Bước chân xuống xe, còn đang tần ngần thì có người đàn ông cao ốm hỏi Khanh:

– Cô đi về đâu?

Muốn dành bất ngờ cho Thường nên cô không hỏi cặn kẽ phải đi xe nào để về đến xã Chukơnia.

– Tôi về xã Chukơnia. Từ đây đến đó còn bao xa hở anh?

– Khoảng ba mươi mấy cây, nhưng đường đi xấu lắm.

– Anh sẽ chở tôi đi bằng xe gì?

Anh ta hất mặt về cỗ xe bò đang đậu ở đàng xa.

– Xe bò!

– Trời ạ! Đi như vậy thì bao giờ mới đến.

– Hôm nay là ngày hội của đoàn xe ôm, nên cô chỉ còn chờ đến sáng thôi.

– Hèn gì bến xe vắng quá. Anh sẽ lấy bao nhiêu tiền.

– Tùy cô!

Khanh tròn mắt:

– Làm sao tôi biết được công sức mà trả cho đúng.

– Nói thật, tôi đi ra phố có chút chuyện, trở về muốn kiếm khách đi chung cho vui, với lại có thêm chút tiền cũng đỡ ...

Không ngần ngại nữa, Khanh đặt valy lên cỗ xe. Hai con bò thật to vừa đi vừa nhai cỏ. Anh ta gợi chuyện:

– Cô đến thăm ai ở xã này?

– Tôi ...

Có nên bộc bạch cho người lạ biết không? Nghĩ vậy nên Khanh nói khác đi:

– Tôi đi tìm người quen.

– Cô nói tên đi, ở đây ai tôi cũng biết.

Khanh bịa:

– Cô bạn ấy tên Điền.

Anh ta chau mày suy nghĩ:

– Chịu, tôi chưa hề nghe đến cái tên này bao giờ.

– Có thể cô ấy mang tên chồng.

– Cô sẽ ở lại bao lâu?

– Hơi lâu một chút nếu như vui.

Xe tiến sâu hơn, hai bên là rừng cây xanh lá. Đường đi không xấu như anh ta nói, mà quá ... quá xấu, vì ổ voi nào ổ voi nấy như một hố bom.

– Đường xấu quá!

Có lúc Khanh ngỡ mình sẽ bị hất ra khỏi cỗ xe.

– Nếu cô đi xe ôm đỡ xóc hơn, các anh tài giỏi lượn lách lắm.

Trời sụp tối, anh ta đốt ngọn đèn bão mắc lên cỗ xe.

– Không có điện sao anh?

– Có chứ, nhưng dọc đường đi thì chưa. Hẳn cô đã định được ngày trở về.

Khanh cười:

– Sao anh nghĩ vậy?

– Vì nơi đây thiếu tiện nghi, với một cô gái xinh đẹp dễ gì ở được ... lâu.

– Tôi vẫn chưa có câu trả lời khi chưa đến nơi.

Đi một đoạn đường khá xa, Khanh mới thấy ẩn hiện mấy ngôi nhà sàn đèn heo hút.

– Dù là đầu nguồn điện nhưng các nhà này tiết kiệm lắm, chỉ bật đèn khi có việc cần.

– Nhà anh còn xa không?

– Một đoạn nữa.

Bỗng có tiếng gọi thật lớn:

– Nhanh đi, anh Cầu ơi.

Có mấy người đứng giữa đường dường như đợi. Anh ta hốt hoảng vút roi:

– Hây ... hây ...

– Thằng bé sốt từ chiều đến giờ, mau vào nhà đưa nó lên trạm xá đi.

Cầu lao vào nhà như cơn lốc, Mai Khanh cũng theo chân. Trên giường, đứa bé năm tuổi được ủ kín mít, vừa đưa tay định xốc con lên thì Khanh đã ngăn:

– Để đấy tôi xem nào!

Thân nhiệt bé nóng như lửa.

– Cởi bỏ quần áo cháu ra đi, đã sốt không chườm mát lại đi quấn chăn kín mít, may là chưa động kinh. Giúp tôi đem thau nước lạnh ra đây.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Khanh cho đứa bé ngồi vào thau nước lạnh. Cô mở valy lấy mấy viên thuốc sốt:

– Cho cháu uống đi lát sau sẽ đỡ. Có lẽ cháu viêm amidan nên sốt, nên đem đến bác sĩ khám là tốt nhất.

Cầu ân cần nói rối rít:

– Cám ơn cô quá. Không có cô, tôi phải đánh xe trở ra phố. Cám ơn ... cám ơn.

– Có gì đâu anh.

Cầu quay sang vợ:

– Xem chừng con nha, anh phải đưa cô xuống xã rồi ghé y tá Ký mua thuốc luôn.

– Dạ!

Đến nơi, là một trạm xá có ánh đèn điện.

– Cho tôi gửi anh.

Cầu lắc đầu từ chối:

– Thôi, tiền bạc gì hả cô! Nếu hồi nãy không có cô, tôi còn khổ hơn.

– Anh không lấy tiền tôi buồn lắm. Cháu bé đang cần thuốc, nên cầm ít tiền này đi khám đi anh Cầu.

Khanh nhét tiền vào túi áo của Cầu:

– Tôi vừa mệt vừa đói nữa, lẽ nào anh để tôi giằng co hoài.

Cầu cúi đầu:

– Cám ơn cô!

Cỗ xe bò đã đi rồi, Khanh mới bước vào trạm xá. Ở phòng trực, người đàn ông đang ngồi dán mắt vào tờ báo, nghe tiếng chân, anh ngẩng lên.

Khanh nở nụ cười thân thiện:

– Xin chào!

Nhìn chiếc valy trên tay, anh đã đoán được khách là ai.

– Bác sĩ Thường có nhờ tôi đón cô, đợi hơn hai tiếng. Cô đi lạc đường à?

– Vâng! Anh Thường bận gì mà nhờ anh đón tôi.

– Đang cấp cứu một ca tai nạn giao thông, có lẽ đến sáng mới xong. Đêm nay cô ngủ tạm ở trạm xá. Ngày mai ...

– Cám ơn, nhờ anh chỉ nơi tôi sẽ đến ở đêm nay, tôi muốn tắm táp một chút.

– Ngay phòng trực này.

Mai Khanh không vui, nhìn quanh chỉ có chiếc giường cá nhân để khám bệnh.

Giọng anh ta lạnh lùng:

– Giờ này chỉ còn mì gói thôi, cô chịu khó ăn vậy ... Nước sôi trong phích kia.

Nói xong, anh ta đứng dậy đi ra ngoài. Khanh thất vọng, ngày đầu tiên đã không vui rồi. Cô liếc mắt nhìn theo, với cái áo sơ mi rộng trông anh ta lè phè thế nào ấy. Hẳn đây là một người bảo vệ của bệnh viện xã.

Muốn được tắm táp để thay đổi quần áo, nhưng Khanh biết mình không thể, khi còn lại một mình, lẽ nào xồng xộc đi tìm nhà vệ sinh. Cô ngồi xuống chiếc ghế ngán ngẩm nhìn gói mì nằm cạnh cái tô úp xuống bàn.

Cô cầm điện thoại lên bấm số.

– Trong phòng mổ không ai đem điện thoại vào cả.

Khanh ức đến nổi giận, nhưng cố kềm:

– Còn anh, đêm nay sẽ ở đâu?

Anh ta nhún vai:

– Tôi là đàn ông ngả lưng chỗ nào cũng được. Thông cảm cho sự đón tiếp quá “nồng hậu” này đi nhé!

Nói xong, anh ta đến xé gói mì cho vào tô. Khanh nói:

– Tôi không đói!

Anh ta vẫn cho nước sôi vào, rồi đặt tô mì xuống trước mặt Khanh:

– Chặng đường quá dài, nói không đói ai tin.

Anh gác đôi đũa lên tô:

– Tôi nghĩ qua đêm nay cô sẽ có cái nhìn khác đi.

– Khác gì chứ?

– Quay về Sài Gòn thôi. Nơi đây không thể nào phát huy tài năng, cuộc sống và những dụng cụ y tế thiếu thốn, cô sẽ làm sao khi chữa bệnh.

Khanh chớp mi:

– Anh Thường sống được thì tôi cũng vậy.

– Anh ta yêu nghề, yêu người nên không thấy khó hay gặp trở ngại nào cả.

Còn cô ...

– Tôi? Tại sao anh quan tâm đến chuyện của người khác, mà nhất là vừa gặp tôi lần đầu.

– Chỉ vì tôi biết cô đến đây không phải yêu nghề, mà đến đây vì một trái tim.

– Anh ...

– Thôi, ăn đi kẻo mì nở hết.

Khanh gắt:

– Đã bảo tôi không ăn.

– Tôi sẽ tự tay đút cho, đáng lẽ cô phải trân trọng công sức của tôi.

– Tôi đâu có mượn mà phải trân trọng công sức của anh.

– Cô sẽ còn nhờ tôi dài dài.

– Tôi không thích nhờ vả ai hết.

– Rồi cô sẽ cần. Bây giờ thì quá sớm để từ chối.

– Tôi muốn nghỉ ngơi.

– Còn tô mì?

– Không biết.

– Tôi đành giải quyết nó thôi.

Và anh ta ăn ngon lành. Khanh tức tối biết mình ngốc nghếch ôm bụng đói mà ngủ.

Ăn xong, anh ta nói:

– Cô cứ nghỉ ngơi đi.

Khép cửa anh ta đi dần ra sân. Chỉ chờ có thế là Khanh ngả lưng xuống ngay.

Cuối mùa nên trăng chỉ còn như chiếc thuyền úp. Đán ngồi xuống gờ đá rồi châm thuốc, đêm nay không trực nhưng anh biết mình sẽ thức trắng.

Lúc Khanh thức giấc, bình minh vừa hửng sáng, cô vội vàng ngồi dậy ra khỏi phòng. Ngoài sân, Đán đang ngước mắt lên cây bơ sai quả.

– Cô ngủ ngon chứ?

Khanh ngượng, cô đã đánh một giấc đến sáng không hề cựa mình.

– Vâng!

– Minh Thường có việc họp đột xuất nên đến chiều mới về ... gặp cô.

Khanh nhăn mặt hỏi:

– Anh ấy làm việc ở bệnh viện phố nhưng ở tại đâu.

– Nhà tập thể ngoài phố luôn.

Khanh sửng sốt, nhưng Đán đã nói:

– Còn cô sẽ công tác tại trạm xá này, cho nên được bố trí đến đây chắc cô sẽ bị hẫng.

– Trạm xá này ư? Chỉ ngồi chơi xơi nước thôi sao?

– Bởi vậy, cô vẫn còn kịp thời gian để quay về, kẻo chốn khỉ ho cò gáy này mai một tài năng đang lên đỉnh điểm.

– Có phải mọi người làm cho tôi nản?

– Mọi người? Không có ai cả! Còn cô ngoan cố sẽ hối hận, hối như có dằm ghim vào tim đó.

Khanh bặm môi:

– Xin lỗi, anh là ai, có vị trí nào nơi đây mà luôn muốn tôi phải trở về.

Đán nhún vai:

– Tôi ... chỉ là tôi thấy chuyện bất bình dù không muốn can thiệp, nhưng không thể bỏ mặc cô - một bác sĩ có năng lực.

– Rất cám ơn. Nhưng tôi không thích người khác quan tâm, anh thông cảm nha.

– Đó là một quyết định sai lầm, và lần cuối cùng tôi sẽ không chõ mũi vào để cô phải nghi ngờ.

Không khí yên lặng bao trùm. Đán lại châm thuốc kín đáo nhìn cô gái. Mai Khanh không đẹp nhưng có nét ưa nhìn, dáng đi nhanh nhẹn hẳn thao tác trong công việc không tệ.

– Chắc cô đói rồi, chúng ta đi ăn sáng nhé.

– Vâng!

Khanh không từ chối đi theo Đán. Chiếc xe Dream dính đầy bụi đỏ đưa hai người đi ngược về xã.

Đán dừng xe trước quán ăn được xây dựng dã chiến. Anh nói:

– Điểm tâm sáng chỉ có nui và cháo thôi, cô dùng gì.

– Anh ăn gì gọi tôi món đó cũng được.

– Cho hai tô nui đi chị Sáu ơi!

Khanh ăn rất ngon miệng có lẽ vì nhịn đói từ chiều qua.

Ăn xong, Đán nói:

– Cô vẫn còn giữ ý định ở lại làm việc thì tôi sẽ đưa cô đến gặp giám đốc.

– Vâng! Nhờ anh vậy.

Đán cười:

– Hình như chúng ta có duyên với nhau.

– Anh nói sao?

– Chỉ mình tôi hiểu thôi.

Lẽ ra Thường nhờ Quốc đi đón Khanh, nhưng cuối cùng Quốc pát-xê qua cho anh, để giờ này phải kẹt ... ngồi ngắm đôi mắt hồ thu với sự thương hại, con gái khi yêu đương không nghĩ đến chuyện xa vời.

Bệnh viện ở phố rất lớn, nhìn sơ qua cô biết phòng ốc rất sạch sẽ dù quá cổ.

Đán đưa cô đến trước phòng giám đốc:

– Mời cô. Tôi sẽ chờ cô ở phòng cấp cứu.

Mai Khanh gõ cửa.

– Mời vào!

Người đàn ông qua tuổi ngũ tuần có gương mặt nghiêm nghị nhìn Khanh.

Cô chìa hồ sơ ra trước mặt ông:

– Thưa giám đốc, tôi là Mai Khanh.

Ông Huy thoáng ngạc nhiên rồi chìa tay:

– Ngồi đi cô Khanh!

– Dạ.

– Tôi đã biết trước nhưng không ngờ cô đến nhanh quá, cứ tưởng đến đầu tháng.

– Tôi yêu công việc, phải nghỉ một ngày không nghe mùi cồn, không thấy bệnh nhân chắc là ăn ngủ không yên.

– Tôi muốn biết động lực nào làm cô chuyển công tác lên vùng cao.

– Động lực này rất đỗi bình thường, nhưng xin giám đốc cho tôi miễn nói ra được không?

Ông Huy gật đầu:

– Được thôi! Cô sẵn lòng được phân công hả cô Khanh.

– Dạ!

– Tạm thời cô hãy làm việc ở trạm xá ...

– Nơi tôi ở đêm qua?

– Đúng! Chỉ là tạm thời thôi, vì nơi ấy đang khuyết. Bác sĩ Chi vừa nghỉ hậu sản.

– Tôi sẽ nhận việc ngay chứ ạ!

– Cô không nghỉ ngơi đợi đầu tháng sao.

– Không được làm việc ngày sẽ dài như trăm năm.

– Tôi rất ngưỡng mộ cho dù chưa biết cô sẽ hành động có đi đôi với lời nói hay không?

Bỗng có tiếng gõ cửa.

– Vào đi!

– Thưa bác sĩ, cô Thư đã tỉnh.

Ông Huy bật dậy đi ngay, bỏ mặc cho Khanh ngồi đó, cô đành nối bước theo sau khép cửa lại đi tìm Đán.

– Sao rồi cô Khanh?

– Được phân công làm ở trạm xá xã.

– Ông ấy có nói gì nữa không?

– Hình như có bệnh nhân nào đó vừa tỉnh lại cho nên ông hấp tấp đi rồi.

– Về chứ?

– Tôi muốn tìm gặp anh Thưởng.

Đán nhún vai:

– Tôi sẽ không đợi.

– Cám ơn anh đã giúp. Lát nữa tôi sẽ tự về.

– Chào nhé, chúc may mắn.

Khanh đến phòng trực:

– Cô ơi cho hỏi muốn gặp bác sĩ Thường phải đến khoa nào.

Cô y tá Tuyền nhìn Khanh:

– Bác ấy đang bận, không thể tiếp khách. Cô cần trao đổi gì hãy đến gặp trưởng khoa. Người nhà của cô đang nằm ở khoa nào?

– Không! Tôi là bạn anh ấy.

Muốn gặp bác Thường chắc hơi khó vì anh ấy đang nhận trực một ca rất đặc biệt, bệnh nhân chưa tỉnh anh ấy sẽ không rời đi nửa bước.

– Là sao, tôi không hiểu.

– Mà cô cần hiểu làm gì chuyện riêng tư của người khác.

Khanh cám ơn rồi quay đi, trong lòng nôn nóng lạ kỳ. Tại sao Thường bỏ mặc khi biết cô đã đến. Buồn bã nhưng Khanh gọi xe trở về trạm xá.

Ở phòng cấp cứu.

Trong áo blouse và khẩu trang, Khanh vẫn nhận ra người ấy là Đán. Mũi khâu cuối cùng vừa xong, anh ngước nhìn thấy cô, nhưng không tỏ thái độ gì cả.

Anh dặn dò bệnh nhân:

– Uống thuốc cho đều nhé, mỗi ngày phải đến thay băng.

– Dạ, cám ơn bác sĩ.

– Anh có thể nằm nghỉ khi nào thấy khỏe hãy về.

Ở phòng trực, Khanh hằn học:

– Tại sao anh lại giấu tôi, và còn biết bao nhiêu chuyện để anh giấu giếm nữa.

– Ủa! Tôi giấu gì cô?

– Anh là bác sĩ tại sao phải giấu chứ?

– Trời đất! Có gì quan trọng đâu.

– Làm tôi tưởng ... À, còn chuyện anh Thường nhờ anh đón tiếp hẳn có ẩn khuất gì đó.

– Cô suy đoán hay đấy! Nhưng mà đừng đoán nữa, hãy làm việc đi.

Một ca bị rắn cắn, một ca leo cây bị gãy nhánh. Khanh không còn thời gian để đoán những ẩn khuất.

– Cô rất duyên dáng, ngay trong lúc tất bật cũng ... xinh.

– Ngoài tài năng nghề nghiệp, anh còn có thêm một nghề tay trái nữa à!

– Không khen phụ nữ là không có con mắt, tôi chỉ nói lên sự thật.

Có tiếng động cơ xe dừng lại. Đán nói:

– Cô sẽ có câu trả lời cho sự ẩn khuất gì đó.

Mắt Khanh sáng lên khi thấy Thường đang tiến vào, cô ào ra như cơn lốc ôm chầm lấy người yêu:

– Anh! Em nhớ anh quá!

Nước mắt tủi thân đã chảy dài làm Thường hốt hoảng:

– Kìa, Khanh đừng trẻ con nữa!

Khanh run giọng:

– Tại sao biết em đến mà không đón.

– Thông cảm nha Khanh, anh ... bận.

– Em hiểu anh bận trực chăm sóc cho cô Anh Thư nào đó.

Trả lời Khanh nhưng Thường đưa mắt nhìn Đán, Đán nhún vai tỏ ý không hài lòng cách nói dối.

Thường nói:

– Đi với anh một chút nha!

– Em đang làm việc.

– Anh không có thời gian đợi.

– Nếu anh quá bận thì đừng miễn cưỡng. Không có anh, em cũng nhận được công việc mình yêu thích.

– Đã bảo đừng chuyển công tác mà em cứ ngoan cố.

Giọng Khanh buồn:

– Nếu không đến làm sao em biết mình không còn quan trọng đối với anh.

– Sao em nói vậy Khanh?

– Bản năng và linh cảm của phái nữ luôn chính xác.

– Gặp nhau không vui mừng, mà em toàn nói gì đâu.

– Cám ơn anh đã đến dù đến muộn. Hãy trở lại công việc của anh đi. Khi nào anh thấy mình thật rảnh rỗi chúng ta sẽ gặp nhau.

Thường ngần ngừ chưa biết nói gì thì có bệnh nhân đang ngất, bỏ mặc Thường, cô lao vào phòng cấp cứu.

Đán nói nhỏ:

– Cậu quá đáng lắm! Dù sao cũng không thể bạc bẽo như vậy với Khanh.

– Cậu không biết Anh Thư ...

– Bệnh của Anh Thư cả viện ai cũng biết cả, nhưng cô ta sẽ không chết nếu như cậu đi đón Khanh.

– Lương tâm của cậu để đâu mà nói vậy.

– Thế cậu có lương tâm đấy sao? Không có cậu sẽ còn bao bác sĩ khác, đừng kiếm cớ để bảo chữa cho sự vô tình của cậu, vô tình đến độ tàn nhẫn nữa kìa.

– Mình phải làm sao đây, có ai hiểu mà thông cảm.

– Không một ai có thể thông cảm cho cậu muốn bắt cá hai tay đâu. Chức phó giám đốc sẽ không còn xa nếu như ...

Thường kêu lên:

– Đán! Cậu.

– Tôi nói sai sao?

– Tôi còn có Mai Khanh.

– Cô ta giờ đây chỉ là cái bóng mờ bên đời cậu thôi, có gì mà sợ. Vả lại, cậu sẽ giấu được đến bao giờ, trong khi cô ấy vì tình yêu lớn mà hy sinh cuộc sống sung sướng để đến với núi rừng. Sẽ được gì hay chỉ là sự thật phũ phàng không ngờ đến.

– Mình cần có thời gian ...

– Thời gian ấy dành cho ai, Thư hay Khanh?

– Cậu làm khó mình hoài.

– Mắc mớ gì đâu, chỉ tại thấy cậu không có bản lĩnh. Dù y đức có đi nữa nhưng với cái nhìn của riêng tôi cậu chỉ là một thằng tồi, không học thức cạn nghĩa tình.

Thường tái mặt, định nói gì đó nhưng cuối cùng anh quay lưng phóng lên xe chạy bạt mạng.

Con đường đất đỏ gồ ghề, bụi tung theo tốc độ của xe. Thường không hề giảm ga, anh muốn thoát ra khỏi cái xã nghèo khổ, hay thoát ra khỏi tâm trạng lo lắng? Tình yêu của Khanh đối với anh là cả chuỗi ngày thơ mộng. Còn với Thư thì sao? Phải đem cả hai lên bàn cân để so sánh, có đoán được cán cân sẽ lệch về bên nào.

Về đến phòng hồi sức, y tá Bảo nói:

– Cô Thư đã khóc suốt từ lúc bác đi đó.

Thường bước thật khẽ:

– Anh về rồi đây!

Thư nhìn anh bằng đôi mắt đỏ:

– Sao anh đi lâu quá, làm em lo.

Thường vuốt tóc Thư:

– Em nhìn đồng hồ xem, chưa đầy một tiếng rưỡi anh đã có mặt.

– Có gặp chị ấy không?

Mai Khanh được ở trong căn phòng nhỏ sau lưng bệnh xá, phải mất cả buổi tối cô mới dán xong những tờ giấy hoa lên vách.

Mặt trời chiếu qua cửa, rọi vào giường ngủ, Mai Khanh mới giật mình. Nhìn qua song cửa màu mây thật đẹp, cô lười quá nên chuồi người vào trong chăn.

Hôm nay không trực cô sẽ được một ngày thoải mái, ra phố chợ đi mua sắm.

Lát sau, cô đã gọn gàng chuẩn bị ra đi, Đán đến chắn lối hỏi:

– Cô đi ra phố hả?

– Vâng! Anh muốn mua gì à?

– Không! Cô nên lấy xe tôi mà đi.

– Tôi ...

– Giờ này khó bắt xe ra phố lắm, tôi bận trực cho nên giậm chân tại chỗ rồi.

– Vậy thì tôi không khách sáo.

Khanh cho xe chạy theo con đường gồ ghề, lòng thầm nghĩ:

Mục đích chính của cô hôm nay là gì? Đi tìm Thường hay đi mua sắm? Cô tự ái cao ngất trời chứ, dù nhớ mong cũng phải dằn lòng. Phải cố chịu đựng thôi, vì lẽ giữa cô và anh đã có khoảng thời gian cách xa, làm sao dám chắc anh không thay đổi.

Cuộc sống và luôn cả ý nghĩ vui tươi bỗng chốc đã thay đổi khác đi không như cô đã hình dung. Trái tim nghe xót như có ai lấy muối xát vào.

Vào chợ mua một ít vật liệu làm bánh, Khanh rất thích nấu nướng trong những ngày nghỉ, dù rằng hiện giờ cô chỉ một mình.

Xế trưa, cô đi vào quán cơm. Đối thoại của hai người bên cạnh làm cô chú ý ...

– Không biết bác Thường hay cô Thư là người có diễm phúc.

– Dĩ nhiên là cả hai, một đàng được chồng tài ba, một đàng được quyền chức và tiền bạc mà. Chỉ có một đứa con gái rượu, ông Huy cưng như ngọc, như vàng. Dám hy sinh tất cả miễn con ông ấy được sống khỏe.

– Thôi, lo rửa ruột đi, đám cưới này tổ chức lớn lắm đó.

Mai Khanh biến sắc. Họ đang nói về Thường của cô hay một Thường nào khác. Chờ hai người ra khỏi quán, Khanh đi theo sau, và cô tin chắc câu chuyện vừa rồi là của Thường vì hai người phụ nữ ấy đang đi vào bệnh viện.

Khanh cũng gởi xe vào bãi đến phòng trực, gặp cô y tá lần trước:

– Cô ơi, cho tôi biết muốn gặp bác sĩ Thường phải đến khoa nào?

– Cô đến phòng săn sóc đặc biệt ở lầu một đó.

– Cám ơn!

Khanh tìm phòng không khó, cô đẩy nhẹ cửa. Thường đang để tay cho Anh Thư gối đầu, anh cất giọng ngọt ngào:

Ta yêu nhau đẹp như mây trời xanh ngát Lâu đài tình ái anh xây để ta chung mộng Có nhau đêm dài trở thành ngắn Đêm đông lạnh ấm áp trong vòng tay Đời bỗng đẹp như vầng trăng giữa tháng ...

Với Khanh không còn là sự ngạc nhiên nữa, yêu cô Thường không có sự lãng mạn như hôm nay. Tình yêu của hai người chỉ là dòng sông phẳng lặng, không phải ngọn sóng ồn ào đầy đam mê.

Khanh quay đi bằng đôi mắt ráo hoảnh, sao lệ không rơi? Trái tim cô tan nát tơi bời, những lời khuyến cáo đã trở thành sự thật. Rồi cô sẽ làm gì, trơ mắt nhìn người yêu đi lấy vợ ư? Đành lòng được không? Còn không, cô sẽ làm gì, khóc lóc hay van xin?

Cô trở về bệnh xá bằng nỗi buồn. Đán cùng cô y tá đang trò chuyện. Thấy Khanh, anh đoán được vì sao cô mang gương mặt ảm đạm.

– Đừng nói là cô gom nỗi buồn ở phố chợ về đây nha.

Khanh cười nửa miệng:

– Nếu đã gom về rồi anh tính sao?

– Tôi không chấp nhận giữ.

– Tôi có nhờ anh giữ đâu mà ...

– Cô nghĩ sao nếu như cả bệnh xá này nặng nề vì nỗi buồn đó? Cô nên quẳng nó lại trước cổng khi bước vào đi.

Khanh ngượng vì Đán đã nói đúng, cô không thể đem nỗi buồn xen vào công việc. Nhìn Đán, hồn trắng xóa như bông, anh đã quá hiểu nên cứ rào đón với cô ngay từ đầu:

– Tại sao anh phải vòng vo mà không nói rõ sự việc cho tôi biết.

Đán ngạc nhiên:

– Sự việc gì?

– Tôi bị tuyệt vọng chết đi, anh là người góp phần đó.

Đán trợn mắt nhìn theo Khanh:

– Cái gì mà chết sống ở đây?

Khanh mở cửa, nằm dài xuống nệm trong nỗi chán chường.

– Nè, cô là một bác sĩ đấy!

Khanh giật mình nhổm lên, Đán đứng trước cửa phòng.

– Anh muốn nhắc tôi điều gì?

– Cô không được nghĩ quẩn.

– Tôi có thể hiện như thế sao?

– Vừa rồi cô đòi đi tìm cái chết, nhớ khi đi gọi tôi một tiếng.

Nhìn gương mặt lo lắng của Đán, cô bật cười:

– Biết rồi, đã nói anh là người góp phần thì tại sao tôi phải tha.

– Thấy cô còn cười được, tôi yên tâm một chút.

– Anh nghĩ buồn có thể quật ngã tôi sao?

– Tôi không biết, nhưng buồn không được trút cho ai dễ sốc, và sốc thì ...

– Đi tìm cái chết?

– Cô hiểu ra vấn đề rồi đó.

Khanh thấy quý Đán, ít ra nơi chốn xa lạ này còn có một người quan tâm đến cô. Khanh chớp mắt lòng đau gờn gợn.

– Cô vẫn giữ quyết định lưu trú nơi đây chứ?

– Anh nghĩ tôi sẽ nhanh chóng bỏ cuộc hay sao?

Đán nhún vai:

– Cái đó còn chờ thời gian ngắn hay dài và cô có bản lĩnh hay không nữa.

Thôi, nghỉ ngơi đi nhé!

Trời có bóng râm, mây che ngang qua bệnh xá, không gian sao buồn chi lạ.

Khanh ngồi một mình, hàng cây bên đường cứ chao động theo cơn gió. Có phải tình yêu của cô chưa đủ đắm say và cuồng nhiệt, nên Thường quay lưng đi thật nhanh.

Cô ngồi lặng hàng giờ quên hết khái niệm về thời gian, cho đến lúc Đán thò đầu vào nói:

– Đi ăn cơm chứ!

Khanh vẫn ngồi im nói vọng ra:

– Tôi chưa đói.

Đán bước vào kéo tay Khanh:

– Muốn tuyệt thực vì tình sao?

Khanh trì lại.

– Anh làm gì vậy?

– Không no bụng làm sao đủ sức trực, mà đêm nay tôi chắc sẽ có nhiều ca cấp cứu.

– Anh nói gở gì vậy, tự nhiên mong cho người ta bệnh.

– Tin tôi đi.

Và Khanh không thể cưỡng một khi Đán đã quyết.

Tô canh mướp thơm tiêu làm bụng Khanh cồn cào. Đán múc cơm ra chén, hạt gạo trắng thơm mùi lúa mới ăn với cá kho tiêu rất tuyệt.

– Cô ăn đi!

Đúng như lời Đán nói ban nãy, có mấy ca tiêu chảy cấp đưa đến. May mà cả hai vừa ăn cơm xong.

Vừa khám, Khanh vừa hỏi:

– Tại sao anh đoán việc như thần vậy.

Đán nheo mắt:

– Thần thánh gì, tôi biết vì tình cờ nghe thế thôi.

Khanh nhìn Đán, anh có đôi mắt màu nâu đen, lông mày rậm và xếch, nét mặt vuông vừa ngang tàng vừa đa tình với nụ cười cùng đôi mắt sáng. Cô lắc đầu, tại sao phải ngắm anh ta rồi nhận xét. Bất giác Khanh mỉm cười một mình.

– Cô đang cười tôi đấy à?

Khanh giật mình hỏi lại:

– Anh đáng được cười sao?

Từ đó Khanh cười nói như chim, cô xếp nỗi buồn thành từng chồng rồi cất vào đáy tim. Có phải tình yêu của Thường là sự thử thách đầu đời cho cô?

Làm việc chung với Đán cũng vui vì anh hay pha trò, cho nên Khanh khó mà buồn.

Đêm Ban Mê hút sâu với những âm thanh vi vu của mấy rặng cây đầu rừng.

Tiếng con chó tru lên từng hồi trong đêm. Khanh lật gối xếp lại cho cao để kê đầu. Cô không thể nhắm mắt dỗ giấc ngủ.

Có tiếng xe dừng lại trước cổng. Lại một ca cấp cứu. Khanh nhỏm dậy.

– Mai Khanh!

Tiếng gọi làm cô rung động toàn thân, đến bây giờ anh mới đến tìm sau hai tuần cô chuyển công tác lên đây.

Cửa mở, bóng Thường lênh khênh dưới ánh trăng mờ nhạt. Mái tóc hớt cao lộ ra gương mặt gầy.

Khanh lùi lại mấy bước.

– Là anh đây mà.

Cô đăm đăm ngó Thường, nụ cười của anh thật đẹp nhưng sao xa lạ quá.

– Hết bận rồi sao Thường?

– Ừ, hết nhiệm vụ, anh đến với em liền.

Thường bước đến gần hơn.

– Bệnh nhân không cần anh hát ru ngủ nữa hay sao?

Thường khựng lại nhìn Khanh:

– Em nói gì vậy?

Khanh cười:

– Đùa thôi! Anh ngồi xuống đi!

Thường cầm lấy tay Khanh:

– Có giận anh không?

– Có ... nhưng bây giờ thì hết rồi, em biết anh còn nhiều công việc và trách nhiệm lo cho bệnh nhân mà. Chuyện tình cảm chỉ để những lúc rảnh rỗi mới nhớ đến há Thường.

– Hôm nay anh đến nghe em trách móc đây.

– Anh đã làm gì sai trái để phải nghe em trách.

Thường im lặng rồi châm thuốc.

– Anh biết hút từ khi nào?

– Đêm Ban Mê lạnh lắm.

– Em hiểu rồi.

– Hiểu gì?

– Trời quá lạnh nên người ta dễ dàng quên dĩ vãng.

Thường phà khói:

– Em có tin số phận không Khanh?

– Không! Vì số phận của mỗi con người là do mình chọn lấy, không thể nói tại ông trời. Muốn nói gì với em, anh cứ mạnh dạn nói ra đi, đừng rào đón hai chữ số phận nữa. Chúng ta đã trưởng thành đủ sức chịu đựng nỗi đau do mình chuốc lấy.

Nhìn Khanh thật lâu, Thường hỏi:

– Vẫn còn yêu anh hở Khanh?

Cô giương mắt, lắp bắp nói không thành câu:

– Anh hỏi ... với ý gì?

Mắt Khanh đã long lanh nước, tiếp:

– Em có một trái tim, một tình yêu chân tình nên không ngại xa xôi tìm đến.

Nhưng em chợt hiểu ra khoảng cách đó đã làm cho trái tim anh xa dịu vợi rồi, nhịp đập lạc điệu đi dần ra khỏi quỹ đạo yêu thương. Phải không anh?

– Anh đã ngăn em ...

– Chính vì điều ấy càng làm cho em mong muốn hơn nữa. Em đã đến rồi sao anh không vui, không nói lời mong nhớ như đã từng nói cho em nghe. Lời nói dối cũng dễ ru ngủ em lắm.

Thường đau đớn quá, anh biết nói gì đây. Khanh vẫn đều giọng:

– Em không muốn tình yêu chỉ là một sự tính toán, đắn đo hơn thiệt, nên em vẫn còn đây một trái tim hừng hực lửa yêu anh. Không biết em có chịu đựng nổi không nếu như ... anh bảo “mình chia tay đi Khanh”.

Và cô đã khóc, lệ ràn rụa chảy dài xuống má. Thường chỉ còn biết thở dài, anh ngồi bất động, không đến lau nước mắt hay dỗ dành như trước đây. Khanh tủi thân và biết Thường đã trọn tình với người khác rồi.

– Khanh à!

– Anh nói đi.

– Chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc đi em.

– Anh nghĩ em đang đùa hay sao?

Thường thở dài:

– Em sống và làm việc như thế nào?

– Đến hôm nay anh mới quan tâm chắc em không còn là Mai Khanh nữa rồi.

– Anh quá ...

– Quá bận phải không? Không ngờ lương tâm nghề nghiệp của anh quá cao, khám chữa bệnh không ngại gì ngày đêm.

– ...

– Mà thôi trời quá khuya rồi, anh nên về đi kẻo bệnh nhân trở bệnh, làm sao cho kịp.

– Em đã biết gì hả Khanh?

– Mới chân ướt chân ráo đến, em biết gì hở?

– Em có ân hận khi cãi lời anh không?

– Không đâu! Em luôn hài lòng với quyết định của mình cho dù thành bại.

– Em khác trước quá!

– Có lẽ sự xa cách làm cho em trưởng thành hơn, không hay hờn dỗi để được anh dỗ dành.

Thường buồn bã đứng dậy:

– Anh về đây.

– Mục đích chính anh sẽ nói vào lần khác phải không?

Thường đi thẳng như không nghe Khanh nói gì cả. Về đến phòng, anh ngạc nhiên khi thấy Thư.

– Trời ạ! Sao em lại đến đây?

– Em nôn nóng muốn biết kết quả.

Thường dìu Thư:

– Người lạnh vì ngồi ngoài gió đêm, em muốn nằm trên giường bệnh hoài hay sao.

Thư mỉm cười:

– Dĩ nhiên là em không muốn rồi.

Cô cởi áo khoác, trong bộ đồ gấm màu mỡ gà trông Thư gầy như liễu.

Nhưng ở gương mặt ấy dù bệnh hoạn vẫn toát lên vẻ đẹp đài các.

– Cô ấy nói sao hở anh?

– Anh chưa nói được gì cả Thư à!

Mắt Thư sụp buồn.

– Rất muốn nói nhưng không có cơ hội, tại Khanh đang nhận bệnh, sợ em trông nên anh phải về.

Thư e dè:

– Hay anh vẫn còn yêu cho nên ngại.

– Anh không thích câu nói của em.

Thấy người yêu giận, Thư giả lả:

– Cho em xin lỗi.

– Em vẫn chưa tin anh.

– Không phải em không tin mà sợ, bởi cô ấy có tình dày hơn, muốn quên cũng đâu phải dễ phải không anh?

– Em cứ suy nghĩ lung tung rồi buồn. Anh không muốn giải thích mãi một điệp khúc nhàm chán ấy đâu.

Thư rưng rưng:

– Anh chỉ thương hại em.

Thường rất sợ nước mắt, anh kéo Thư vào lòng:

– Chúng ta sắp cưới nhau rồi, em còn lo gì.

– Trong một khắc, một giây cũng có thể thay đổi, huống gì còn những hai tuần nữa hở anh.

– Anh sẽ không vui nếu như em cứ có suy nghĩ lo lắng hoài. Nếu không yêu em, anh đã không chuyển công tác lên đây.

Thư lấy lại niềm tin và nở nụ cười:

– Xin lỗi anh ... em hiểu rồi.

Tiễn Thư xong, Thường ngồi trầm ngâm. Anh đã nhận rõ trái tim mình yêu ai chưa? Một bên Mai Khanh có biết bao kỷ niệm, một bên là Anh Thư tuy nghĩa tình chưa được bao nhiêu, nhưng anh đành quay lưng với Khanh để cưới Thư. Điều ẩn khuất chỉ một mình anh biết.

Thường gục đầu trên đôi tay gọi thầm:

– Đành lỗi hẹn với em rồi, Khanh ơi!

Tâm hồn anh đột nhiên trống rỗng, không biết rồi những ngày tháng tới Khanh có chịu đựng nỗi đau đầu đời quá lớn này không?

Ông Huy đứng cạnh cửa gọi khẽ:

– Còn thức không cậu Thường?

Thường bật dậy nhanh chóng mở cửa.

– Thưa bác!

– Anh Thư vừa ở đây về phải không?

– Dạ!

– Bệnh chưa khỏi hẳn đã đi rong.

– Con đưa về nhưng cô ấy không chịu. Bác ngồi đi bác.

– Không! Chúng ta nên tản bộ để nói chuyện sẽ hay hơn, ở trong phòng rì rầm sẽ đánh thức mọi người đấy.

– Dạ!

Thường khép cửa, song đôi cạnh ông Huy.

– Đêm nay có vẻ im ắng quá.

– Dạ!

– Tôi muốn biết cậu đã giải quyết thế nào chuyện của cô Khanh.

– Khanh sẽ hiểu ra thôi bác.

– Đó không phải là cách giải quyết ổn thỏa đâu, đợi cô ấy hiểu ra sẽ không êm thắm. Cậu phải dứt khoát đi, ngày cưới gần kề, tôi chỉ có một đứa con gái này thôi, không muốn nhìn thấy nó đau khổ.

– Dạ, con hiểu.

– Nội trong tuần này tôi muốn sự việc phải rõ ràng.

– Dạ!

– Tôi sẽ đến gặp riêng cô Khanh khi cậu đã giải quyết xong.

Thường nhăn mặt, miễn cưỡng gật đầu. Thật tàn nhẫn cho Mai Khanh, lòng anh đau như cắt, giá như cô nghe lời anh đừng đến đây làm gì.

Anh chợt nhớ lại lời tình xa xưa ...

– Sau này lấy nhau em muốn mình hưởng tuần trăng mật ở đâu?

– Tùy anh chọn vậy.

– Đà Lạt nhé! Anh sẽ dắt em đi dạo khắp núi đồi và ... tự do được quyền hôn mà không sợ em từ chối nữa.

...

– Mỗi lần hôn là anh bị cấm cửa cả tuần mới được gặp nhau, người đẹp mà ác.

– Anh kỳ ghê.

– Có phải cá đâu mà có kỳ với vi ...

Giờ đây thì sao? Lời hứa của anh bay vèo theo gió.

Ông Huy vực Thường ra khỏi suy nghĩ.

– Sao hả cậu Thường?

– Dạ, con sẽ làm như vậy ạ!

– Tốt! Tôi muốn đây là tình nguyện chứ không phải miễn cưỡng. Đừng để cưới nhau rồi lại ly dị là điều không thể chấp nhận.

Đêm vút cao, lòng Thường mênh mang.

– Xin chào!

Đán mím môi nửa như cười, nửa lại không:

– Đêm qua chắc cô ngủ ngon.

Tiếng “ngon” anh kéo thật dài.

– Anh đang trêu tôi?

– Câu hỏi thật đấy chứ!

– Anh thừa biết đêm qua Thường đến gặp tôi còn gì.

– Vậy à! Tâm sự cho thỏa lòng mong nhớ hả?

– Anh thôi cái giọng điệu chọc tức tôi đi.

– Ơ, sao nổi nóng bất tử vậy.

– Bởi anh cứ chọc mũi vào chuyện riêng của tôi bằng cách giễu cợt.

Đán kêu lên:

– Ơ, tôi không có ý đó đâu.

– Anh có biết nói cho người ta đau đớn mang tội gì không?

– Tôi chỉ giúp cô thôi mà.

– Giúp tôi bằng cách lấy dao phạt thẳng vào tim hay sao.

– Xin lỗi, tôi không có ác ý ấy đâu. Tôi chỉ muốn giúp cô nhận ra sự thật để khỏi chịu đớn đau thôi. Thú thật, tôi rất quý mến cô.

– Nếu muốn giúp xin anh cứ im lặng đừng quan tâm đến nữa, tôi sẽ mang ơn anh rất nhiều.

Đán lắc đầu:

– Không ngờ thành ý của mình bị hỏng bét.

Hết một buổi sáng, Khanh ngồi xuống dưới gốc cây bơ. Ở đó có chậu cúc đất nở hoa thật đẹp, cô với tay mân mê cánh hoa vàng, mắt chợt ngợp sầu nhớ màu hoa cô và Thường đều yêu thích.

Đán tiến đến gần nói nhỏ:

– Cô đang làm thơ đấy à?

Khanh ngồi im với nụ cười, cô đã hứa với lòng không để Đán nhận ra cô vẫn buồn.

– Anh nghĩ sao?

– Thi sĩ và bác sĩ là anh em đó.

– Tôi không biết. Còn anh?

Đán nheo mắt:

– Bác sĩ không biết làm thơ, không có sự lãng mạn, lâu dần đầu óc và trái tim sẽ bị xơ cứng, ung thư xuất hiện.

Khanh bật cười:

– Anh yêu nghề đến độ ....

– Ăn sâu vào máu thịt tôi rồi, cho nên cô đừng giận tôi nghe.

– Trên đời nếu giận ... chắc tôi chỉ giận một người thôi.

– Hy vọng cô chỉ giận mà không hận.

Khanh nhếch môi, cành hoa trên tay run run:

– Tôi chưa hề nghĩ đến chữ hận mà anh vừa nói.

– Giận thì mau quên, còn hận thì mang xuống tuyền đài chưa tan.

– Anh thích xem cải lương lắm hả?

– Sao?

– Cho nên đem toàn văn vẻ ấy vào khi nói chuyện với tôi, nào là “có dằm ghim vào tim”, “mang xuống tuyền đài chưa tan”.

– Chắc tôi nhiễm lời ấy từ bà nội.

– Anh còn nội?

– Ừ!

– Thích há.

– Cô không còn à?

– Tôi không may mắn cho nên ... mồ côi mẹ từ ... rất nhỏ, cả bà nội nữa.

– Xin chia buồn, vô tình tôi lại làm cho cô ...

– Có sao đâu, tôi quen rồi.

Khanh ngồi chống cằm, đôi chân dài thon thon nằm trong chiếc quần Jean màu xanh bạc. Trước kia Thường từng khen:

“Em có đôi chân đẹp nhất!”. Giờ còn ai ngắm để trầm trồ ...

– Cô lại nhớ kỷ niệm nữa rồi.

Khanh ngẩng mặt:

– Sao anh nghĩ vậy?

Đán nâng cằm Khanh:

– Bởi mọi thứ đã hiện lên trong đôi mắt hồ thu cả rồi.

– Anh chê tôi có đôi mắt buồn.

– Không chê mà ...

Đán kịp dừng lại, lẽ nào anh dám nói mình “mê” mất rồi đôi mắt ướt đó.

– Mà gì, sao không nói đi!

– Không chê thì khen đẹp ấy mà.

– Anh cũng giỏi tài lượn lách quá. Đàn ông bây giờ miệng lưỡi dữ lắm.

– Nếu không, làm sao tán gái đây.

– Hừ!

Đán đưa tay chỉ lên trời, nói:

– Nhìn xem kìa cô Khanh.

Có một cơn gió lốc, xoay trên các cánh lá khô.

– Ôi!

Khanh đứng lên nhìn, lần đầu tiên trong đời tận mắt chứng kiến.

– Không dẹp được nỗi buồn, tâm trạng người ta cũng xoáy tròn như cơn lốc đó vậy.

Khanh quay sang nhìn Đán, bốn mắt chạm nhau. Cô vội vàng quét sang hướng khác, tia nhìn ấy làm lòng cô gờn gợn xốn xang.

Buổi chiều ấy hồn Khanh lênh đênh như hạ trắng mênh mông. Nhìn chim sải cánh bay cao, lẫn trong mùi đất thở ngây ngây kỳ diệu.

Khanh không còn những chiều thứ bảy rong chơi cùng bạn bè, sáng chủ nhật ở đây trông tẻ nhạt, không có hàng cây nơi những con phố lao xao bóng nắng.

Cô nhìn lên đỉnh đồi có gió mênh mông thổi đi tám hướng, nhưng gió không thổi tóc dài, không đẩy nỗi buồn đi xa.

Bỗng có tiếng đàn ghi-ta vang lên:

“Tình chết không đợi chờ Tình xa ai nào ngờ Tình đã phai nhạt màu, còn đâu.

Tình trót trao về người Thì dẫu lỡ làng rồi Người hỡi xin trọn đời lẻ loi ...”.

Nghe bài “Tình khúc chiều mưa”, mắt Khanh đã sũng nước. Cô có một mối tình chết không đợi chờ rồi.

Đán vừa đi vừa khảy đàn, đến ngồi xuống cạnh. Khanh trách:

– Anh biết cách làm cho người ta khóc quá.

Anh không nói gì cứ đàn đi đàn lại ca khúc đó. Đến điệp khúc Đán cất giọng:

“Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa Tin yêu bây giờ trả lại người xưa”.

Khanh khen:

– Anh có giọng ca hay quá.

– Đáng lẽ tôi đi làm ca sĩ nhưng ...

– Sao anh luôn có lối nói lấp lửng làm cho người nghe phải nôn nóng.

Đán cười:

– Ở trường âm nhạc ấy toàn là con gái, sợ quá chuyển tông làm bác sĩ hay hơn, và ...

Khanh trừng mắt, Đán bật cười khanh khách.

– Nhờ làm bác sĩ cho nên giờ này tôi mới ngồi đàn cho cô nghe để đánh giá đó.

– Cái tật lớn hơn cái tuổi hả?

– Nhưng quan trọng có làm cho cô vui không?

– Bực mình thêm thôi.

Đán đặt cây đàn dựa vào tường:

– Bà Tư gọi chúng ta kìa.

Bệnh xá này ngoài hai cô y tá ra chỉ có Khanh và Đán là bác sĩ nòng cốt, thay nhau trực. Nhưng Đán có mặt suốt.

Khanh đem thắc mắc ấy hỏi anh:

– Tại sao ngày anh được nghỉ mà không chịu nghỉ?

– Cô không biết tại sao ư? Để cô làm việc một mình tôi không an tâm.

– Anh chê tay nghề tôi còn yếu sao.

– Không phải! Không được tôi pha trò, cô sẽ buồn như cây sầu đông cho coi.

Khanh gắp một miếng thịt kho bỏ vào chén cho Đán rồi nói:

– Thưởng cho anh đó. Nhưng nói thật anh đừng có buồn, nếu được làm việc một mình chắc tôi sẽ giảm buồn nhanh hơn.

– Tại sao?

– Bởi không có anh nhắc nhở.

Khanh bàng hoàng đến độ ngây người, dù cô đã đoán trước sẽ có ngày hôm nay, nhưng sao lòng vẫn quặn đau.

Giọng Thường thật khẽ dường như nói qua hơi thở:

– Thông cảm cho anh đi Khanh!

Mắt Khanh mờ lệ nhìn tấm thiệp hồng trên tay người yêu. Cô đang mơ hay tỉnh. Chuyện giống như trong phim hay sao?

– Anh Thư rất cần anh.

– Còn em thì sao? Không ngờ anh đối xử với em quá tàn nhẫn. Lời chia tay để nói cho em biết bằng tấm thiệp cưới đó hả Thường.

Nước mắt Khanh tuôn như suối.

– Anh không có can đảm nói gì với em trước khi anh cưới Thư cả. Nhưng anh xin em hãy tin anh luôn quý trọng em.

Khanh gào lên:

– Cái em cần là tình yêu của anh chứ không bằng sự quý trọng đó. Em không ngờ yêu say đắm là thế, đổi thay lòng cũng nhanh quá, giống như một sáng bình minh chưa kịp hửng nắng, chiều đã tàn. Những gì anh đã nói với em quên hết rồi sao Thường?

Thường bặm môi rồi cố nói:

– Ừ, anh đã quên ... và em cũng nên quên đi.

– Không ngờ xa cách nhau chưa đầy ba năm anh đã đổi khác, quá khác đấy.

Minh Thường của em ngày xưa đâu rồi, mà nay nhìn thấy một người đàn ông không có trái tim.

– Đúng đó Khanh, bởi trái tim ấy anh đã đem phó thác cho Anh Thư mất rồi.

Khanh mở to mắt nhìn Thường.

– Những lời lẽ này là con dao thật bén để anh đâm thẳng vào tim em, phải không?

– Em biết không cuộc đời ngắn ngủi lắm Khanh à!

– Ngắn hay dài có liên quan đến chuyện anh bỏ em đi cưới vợ không?

– Không liên quan đến em, nhưng sự ngắn ngủi ấy lại dành cho người khác, giá mà em hiểu được.

Khanh gật đầu cay đắng nói:

– Em hiểu chứ. Hiểu được lời yêu thương đầu môi chót lưỡi của anh, hiểu mình đã ngu ngốc tin vào tình yêu này. Cho nên càng hiểu thấm thía hơn nữa lời chia tay quá phũ phàng dành cho em.

Thường đặt tấm thiệp xuống bàn:

– Mong rằng ngày cưới em sẽ đến.

– Đến chứ, đến để nhìn thấy anh hạnh phúc mà nhanh chóng giã từ kỷ niệm.

Có tiếng kèn xe ngoài kia, Khanh đưa mắt nhìn. Vợ sắp cưới của Thường đang đợi anh ấy nãy giờ sao?

Cô đã mất Thường thật rồi, anh nói lời chia tay mà không hề xúc động hay áy náy vì tàn nhẫn với Khanh. Có lẽ trong tay đang ôm hạnh phúc còn biết gì lý lẽ phải trái.

Khanh nấc lên, hai hàm răng cắn vào nhau:

– Thường ơi! Anh đã lấy trái tim của em đi theo rồi.

Đán chìa chiếc khăn tay cho Khanh:

– Lau nước mắt đi!

– Tôi yêu anh ấy, tại sao trời bắt xa nhau thế này.

– Không có ông trời nào bắt cả, chỉ có lòng người mau thay đổi mà thôi.

Cũng nên khóc một lần cho hả đi, nếu cần tôi sẽ cho cô mượn bờ vai đấy.

Nấc nghẹn từng cơn, lệ tuôn như suối nguồn. Đán cứ rỉ rả bên tai:

– Khóc được cũng là điều hạnh phúc. Cứ khóc đi vì như thế cô sẽ vơi bớt khổ đau.

Tự nhiên Khanh cảm thấy tin tưởng Đán như một người thân tình. Thật lâu, cô mới dằn được nghẹn ngào, xấu hổ nói:

– Tôi tệ quá hả anh Đán.

– Theo tôi, cô có đầy dũng cảm nhận lấy sự việc. Chỉ có người gây ra chuyện mới tệ, mới đáng trách.

– Lời an ủi của anh chân tình không?

– Đời tuy ngắn nhưng cô còn tuổi trẻ, biết đâu sau này một người khác sẽ bù đắp lại cho cô.

– Trái tim tôi đã tan thành nước mất rồi, lấy đâu yêu được ai.

– Hiện giờ thì đừng nói gì cả, hãy tìm cách đẩy nỗi buồn ra đi. Tôi sẽ giúp cô.

Khanh hững hờ hỏi:

– Giúp như thế nào?

– Nhất nhất phải nghe lời tôi.

– Khỏe hở anh Cầu?

Cầu ngạc nhiên:

– Bác sĩ biết tôi?

Biết chứ, anh quên tôi rồi sao?

Khanh gỡ khẩu trang. Cầu mừng rỡ:

– Ôi! Cô là ... nghe mọi người nói có bác sĩ mới chuyển về rất mát tay, có ai ngờ là cô đâu.

Khanh cười:

– Thôi, ta khám bệnh nhé!

– Tôi cứ nói với bà xã không biết muốn gặp cô phải tìm ở đâu nữa.

– Có gì không anh Cầu?

– Tôi quý mến cô ... Chiều nay mời cô đến nhà.

– Phải từ chối thôi, hẹn hôm khác nha, bởi vì đến trưa mai tôi mới ra ca.

– Cô vất vả quá.

– Công việc ở đây quá nhàn hạ, làm tôi muốn lụt nghề rồi.

Cầu tò mò:

– Sao cô chuyển về đây làm gì?

– Ở đâu dù có đông đúc hay vắng vẻ tôi cũng đều làm việc cả.

– Khó tìm được một bác sĩ yêu nghề như cô.

Khanh không tự hào vì lời khen, bởi có ai hiểu cô lên đây đâu phải vì công việc, mà cô vì một trái tim.

– Cháu bé khỏe hẳn rồi hả anh Cầu?

– Dạ!

– Còn anh, tôi sẽ giới thiệu ra bệnh viện tỉnh, xin nội soi nha. Bao tử có vấn đề, phải định bệnh xong mới chữa được.

Cầu rụt cổ:

– Nghe nói đến nội soi tôi sợ quá.

– Có sao đâu, anh đừng sợ. Không chịu khó, uống thuốc hoài không khỏi sẽ tốn tiền hơn. Giờ thì anh ra quầy lấy thuốc đi.

– Khi nào thì cô đến chơi?

Khanh cười:

– Tôi sẽ đến mà, nhưng không hẹn trước được đâu.

Bỗng nhiên lòng Khanh thấy vui. Bên ngoài nắng ấm vẫn chói chang.

Đán đột ngột dừng xe trước cửa. Khanh hỏi:

– Anh ra phố ư?

Đán cười nụ:

– Tôi sắp xa cô rồi đấy!

– Lý do?

– Bác sĩ Chi đã hết thời hậu sản, tôi được về bệnh viện tỉnh.

– Buồn nhỉ!

– Sao?

– Không có anh bên cạnh chắc ...

Khanh nhìn lên bắt gặp đôi mắt Đán đang nhìn cô.

– Tuy làm ở phố nhưng tôi vẫn ở đây mà. Cô yên tâm nha. Tôi còn muốn được nghe cô trút tâm sự.

Khanh đỏ mặt:

– Anh trêu tôi.

– Tôi nói thật lòng đấy, bởi những lúc cô buồn sao gương mặt kỳ lạ, làm ...

khắc khoải nao nao.

– Tôi nghi quá, chắc lúc ấy tôi quá xấu cho nên anh không thể diễn đạt, nên mới gọi kỳ lạ chứ gì.

– Không những cô kỳ lạ mà tôi cũng thấy mình lạ kỳ luôn.

Khanh tròn mắt:

– Là sao tôi không hiểu?

– Thì tôi cũng vậy có hiểu gì đâu.

Khanh không nói nữa, lảng chuyện:

– Giờ này không biết có cơm chưa?

– Cô đói bụng hả, hôm nay mình ra phố ăn đi, tôi khao.

– Sẵn sàng thôi.

Nửa tiếng sau, Đán cùng Khanh đã đến quán ăn. Đán hỏi:

– Cô đi chợ nha?

– Anh có đủ tiền không, chứ tôi gọi món ăn cao cấp đó.

– Đừng sợ! Lỡ kẹt, tôi sẽ ở lại rửa chén trừ nợ.

– Vậy thì không khách sáo.

Khanh gọi các món ăn cô thích, rồi hỏi:

– Hôm nay là buổi ăn chia tay hả anh Đán?

Đán cười không trả lời. Bên hông quán có cây si thật to, những cụm dây chùm gởi rủ xuống xanh tươi. Khanh lơ đãng tâm hồn cho đến lúc nghe Đán nói:

– Thức ăn dọn ra rồi cô Khanh.

Khi thức ăn đã vơi, Khanh gợi chuyện:

– Anh không phải là dân Ban Mê hả anh Đán?

– Thử đoán xem?

– Tôi dở phân biệt giọng miền Trung lắm.

– Hay thật! Dở phân biệt mà đoán ngay phóc hà.

– Là sao, không lẽ anh là dân miền Trung.

– Chính xác, gốc gác ở Bình Định đấy.

Khanh nhận xét:

– Nghe nói các bà mẹ miền Trung rất khó tính.

– Cô sẽ không làm dâu vì nghe đồn vậy chứ?

– Tôi chưa nghĩ đến sẽ quen ai là dân miền Trung cả, mà có lỡ gặp chắc không dám yêu.

– Tại sao?

– Ai về Bình Định mà coi Đàn bà con gái cầm roi đi quyền Đán bật cười khanh khách:

– Quả thật ở đấy mọi người đều biết võ thuật cả.

Khanh cầm ly nước lên hớp từng ngụm nhỏ, mắt vô tình chạm phải Thường và vợ sắp cưới đi tìm bàn. Nỗi đau tạm lắng giờ phút này lao xao đau buốt.

– Khanh! Mai Khanh!

Dường như không nghe Đán gọi, cô đang hướng mắt vào khoảng không.

Đán gằn giọng:

– Khanh!

Cô giật nẩy người:

– Sao ạ?

– Cô không có bản lĩnh gì hết! Thấy người ta, cô bỗng quên hết ... hiện tại có tôi đang ngồi đối diện.

– Xin lỗi!

– Tôi ghét hai từ “xin lỗi” lắm.

– Nếu anh không hài lòng, ta về thôi.

– Cô ngốc lắm đó Khanh!

Cố gắng giữ bình tĩnh để không bị Đán xem thường, cô nói:

– Tính tiền rồi chúng ta đi tìm chỗ hát karaoke nha.

Đán gật đầu nhưng phán một câu:

– Có lẽ mớ thức ăn vừa rồi sẽ làm cô khó tiêu đấy!

Khanh lén tìm Thường, anh bận lo lắng chăm chút cho cô gái. Cô cúi mặt, tủi thân. Từ bao giờ anh biết ga-lăng đến vậy, yêu cô chưa sâu đậm cho nên Thường không thể hiện cử chỉ yêu thương như hôm nay ...

– Anh hại tôi.

– Kỳ vậy?

– Nếu anh không mời tôi dùng cơm ở quán này, thì làm sao cái bụng tôi khó tiêu cho được.

Đán nhún vai:

– Thật là “làm ơn mắc oán” mà.

Vắng Đán, Khanh thấy buồn tẻ dù bác sĩ Chi cũng là người vui tính, cô ngồi xem quyển sách y học đốt thời gian.

Có tiếng xe dừng lại trước cổng, Chi nói:

– Giám đốc đến kìa Khanh!

Ông Huy đang tiến dần về bệnh xá.

– Chào giám đốc!

Ông vui vẻ cười với Chi:

– Hôm nay các cô thất nghiệp hả?

– Dạ!

Ông quay sang Khanh:

– Cô Khanh đi với tôi nhé!

– Dạ!

– Có chuyện cần trao đổi với cô một chút. Bác sĩ Chi trực thay luôn nha.

Khanh nói khi ngồi trong xe:

– Giám đốc làm tôi thấy lo.

– Ồ! Không có gì quan trọng cả!

Ông đưa cô đến quán lần trước mà Đán đã khao.

– No bụng rồi nói chuyện sau nhé cô Khanh.

– Dạ!

Bụng Khanh đánh lô tô, cô không làm tốt công việc hay sai trái gì khác?

– Cô Khanh à! Tôi muốn đầu tháng này sẽ điều cô về bệnh viện tỉnh, ý cô thế nào?

– Thú thật, nơi nào làm việc cũng tốt cả.

– Ở viện sắp khuyết bác sĩ nội, tôi thấy cô sẽ lấp được chỗ đó.

– Giám đốc phân công phải chấp hành thôi.

– Ngoài việc đó tôi còn một chuyện.

– Giám đốc cứ nói.

Ông xoa cằm:

– Thật khó mà mở lời. Cô Khanh này! Bây giờ tôi trao đổi với cô không ở cương vị giám đốc, mà thay vào đó là trách nhiệm của một người cha thương con.

Bỗng nhiên Khanh rợn khắp người.

– Chắc cô đã biết rõ chuyện con gái tôi và cậu Thường, không còn mấy ngày nữa hai đứa sẽ cưới nhau. Thật phũ phàng cho cô vượt đường xa đến đây với người yêu, nhưng nay thì mọi chuyện đã khác đi rồi ...

– Giám đốc đặt vấn đề này với tôi để làm gì?

– Xin cô thông cảm đừng oán hận, hai đứa nó đến với nhau bằng tình yêu chân tình.

– Ông lấy gì khẳng định được?

– Cậu Thường sẵn lòng ... quên cô.

Khanh cười gằn:

– Giám đốc phải nói anh ấy sẵn lòng bỏ tôi là đúng hơn.

– Cô phải chấp nhận sự thật.

– Thú thật, tôi không biết mình đang tỉnh hay mơ, không ngờ tình cảm bấy lâu đã được anh ấy đem ra đùa giỡn. Tôi không cam tâm đâu!

Ông Huy sửng sốt:

– Cô sẽ làm gì?

– Tôi không muốn mất Thường.

– Muộn rồi, vì thiệp hồng đã được mời hết rồi.

– Tiệc cưới chưa diễn ra cũng xem như chưa có gì cả, tôi không thể ôm đau đớn nhìn người yêu đi cưới vợ, trong khi tôi không có lỗi gì cả.

– Đúng vậy! Cô không có lỗi, nhưng nhịp tim của cậu Thường đập lỗi nhịp rồi, cô có hiểu không?

– Giám đốc chấp nhận một người con rể đã từng ... à không, đang có người yêu. Liệu con gái giám đốc yên tâm được khi trong tâm trí chồng mình vẫn còn lẩn khuất một bóng hình.

– Tôi có thể làm cho bóng ấy tan đi. Cho nên sau khi cưới hai đứa nó sẽ đi xa ...

Khanh cười buồn:

– Thì ra bệnh viện khuyết bác sĩ nội là vậy.

– Cô đã hiểu ra vấn đề rồi đó. Mọi chuyện được trôi chảy như vậy, tôi lấy tư cách một người cha van xin cô hãy cố quên cậu Thường đi, nếu như cô biết được cuộc sống của nó ngắn ngủi lắm.

– Ngắn đến khi nào mà tôi phải chịu khổ cho cô ta chứ?

Ông tỉ tê:

– Tôi là người từng trải nên hiểu lắm, cậu Thường cưới con gái tôi không vì tình yêu.

– Biết vậy sao ông còn đem con gả đi?

– Bởi con tôi yêu Thường say đắm, nó sẽ không chịu đựng nổi nếu như mất cậu ấy.

– Còn tôi thì sao?

– Cô lại khác ...

Khanh nói gắt giọng:

– Tôi không là con người sao?

– Cô có sức khỏe, tài năng, y đức, sắc đẹp. Những thứ đó cộng lại cho cô đủ sức vượt qua cú sốc này. Còn con tôi, sức khỏe không, tài năng cũng không thì làm sao.

– Rốt cuộc phần thắng cũng thuộc về ái nữ giám đốc.

– Tôi sẽ bù đắp cho cô.

– Bằng tiền à? Tôi không đem tình đổi lấy tiền, giám đốc hiểu cho.

– Tôi xin cô đấy cô Khanh. Tôi muốn đám cưới này được suôn sẻ.

Khanh nhìn sững ông:

– Ông đánh giá tôi thấp quá.

– Cô vừa nói không cam tâm ...

– Ái nữ của giám đốc quá may mắn có được một người cha vĩ đại, một người chồng rất tuyệt vời. Có đau đấy nhưng tôi không hạ cấp để phá bĩnh đám cưới này đâu, ông cứ yên tâm mà tiến hành.

Khanh đau đớn ra về. Thường chưa mở lời nói chia tay. Tấm thiệp cưới anh mời là cách bày tỏ quá dứt khoát rồi còn gì. Đi loanh quanh phố chợ đến tối cô mới về.

Khanh ngước mắt nhìn trời, sao khuya lấp lánh trên nền trời thăm thẳm.

Lòng cô đơn sụt sịt khóc thương thân, giá như cô đừng lên đây biết đâu không đau đớn. Cô gọi tên Thường mà dấy niềm hận tủi.

Từ trong vùng tối có tiếng động, một bóng đen nhô ra lênh khênh dưới trăng mờ.

– Mai Khanh!

Cô lùi lại nhìn sững người vừa gọi tên mình:

– Là anh à?

– Anh chờ em lâu rồi.

Khanh đăm đăm ngó Thường:

– Chờ em làm gì, mọi chuyện giám đốc đã thay anh nói hết rồi, lẽ nào vẫn chưa đủ ý.

– Cứ trách đi rồi nghe anh nói.

– Còn chuyện gì quan trọng hơn nữa sao Thường?

– Anh chưa nói gì cho em hiểu ...

– Không cần phải nói nữa đâu! Còn nói ra chỉ là sự trơ trẽn tàn nhẫn cho em lắm. Hôm anh đến mời cưới, tấm thiệp hồng đã thay anh nói đầy đủ cả rồi. Anh về đi, khuya rồi!

Thường chạm vào vai Khanh:

– Khanh!

– Một người sắp cưới vợ không nên đi gặp riêng cô bạn gái cũ trong đêm khuya khoắt. Không giữ cho mình, anh cũng nên giữ cho em. Đừng để mọi người nhìn em hạ cấp quá.

Khanh thở dài, đôi mắt Thường hiện điều thống khổ. Cô nhẹ giọng:

– Bây giờ thì em tin có duyên số rồi Thường ạ!

Thường lầm lũi bỏ đi khuất bóng sau vườn cây rậm.

Khanh quay về phòng. Đán đứng đốt thuốc ở cửa nhìn cô lom lom.

Khanh làm ngơ mở cửa vào phòng nằm dụi mặt vào gối. Cô không đến “vùng trời bình yên” mà đi vào trung tâm bão mất rồi.

Bên kia, tiếng đàn của Đán trỗi lên:

“Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau Cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu Cho duyên tình mình đừng có thương đau Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi.

Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi.

Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa.

Tin yêu bây giờ trả lại người xưa ...”.

Bản “Tình khúc chiều mưa” làm lòng Khanh sũng nước, hồn dật dờ như bóng ma, mất người yêu một cách lạ lùng. Thời gian trước, những lời mong nhớ của Thường khi gọi điện cho cô chỉ là lời gian dối.

Cơn mưa lớn nào rồi cũng tạnh, hạnh phúc nồng rồi lại cũng bay. Cô nên lấy lại phong độ như ngày đầu vừa đến đi.

Khanh làm thinh.

– Nè, đi hát karaoke không?

Ngần ngừ vài giây, Khanh gật đầu:

– Hôm nay tôi khao.

Cô thay quần áo đi cùng Đán. Chiều sắp vào tối.

– Rất may còn có anh là bạn.

– Tôi không thích làm bạn.

– Anh khinh tôi hả?

– Không phải! Tôi không thích làm bạn với cô vì lẽ ...

– Lại nói lấp lửng!

Đán cười loãng trong gió chiều.

– Tôi thích một vị trí khác hơn.

Chọn phòng xong, Khanh gọi:

– Sáu lon bia, khô mực tẩm, bưởi luôn!

Đán kêu lên:

– Chà! Hôm nay định nhờ bia mới có chất giọng để hát hay sao?

– Anh sợ à?

– Tôi không sợ cho tôi.

– Sợ cho tôi ư? Một kẻ thất tình đi tìm niềm vui, anh phải ủng hộ chứ.

Cô vừa uống bia, vừa hát tưng bừng. Đán nhận ra Khanh cố thoát ra khỏi tâm trạng đau khổ. Anh không vỗ về hay an ủi được cô, chỉ nghe trái tim mình xót xa thương cảm quá.

– Khanh à! Đừng uống nữa! Chỉ có hai lon mà cô đã hát lạc nhịp hết rồi.

– Tôi muốn say để quên.

– Say quá thì còn vui thú gì mà hát hò.

– Tôi phải làm sao?

– Thôi được, tôi sẽ không cản, cô cứ uống cho đến lúc không tiếp nạp nữa thì thôi.

Giọng Khanh nhựa hơn:

– Tôi ngốc quá! Phải chi nghe lời các bạn ngăn thì sẽ không buồn như hôm nay.

– Cô đang tiếc!

– Ừ, tiếc hết mọi thứ.

– Tôi hy vọng sau cơn say này cô sẽ quên được hết.

Đến lon thứ tư Khanh đã mềm nhũn, cô nằm rũ xuống xa-lông. Đán lắc đầu chào thua, sửa lại tư thế ngay ngắn cho cô.

– Phải làm sao đây, gần mười một giờ rồi!

Anh không thể đưa cô về bằng chiếc xe Dream. Phải nói đủ điều chủ nhà mới đồng ý cho hai người ở lại.

Đán ngồi ngắm viền mi cong cong, sống mũi thanh thanh. Anh cảm thấy đêm nay mình là người bầu bạn để Khanh trút hết tâm sự vào đây. Một đêm thật đẹp nhưng chỉ tồn tại với anh trong vài giờ.

Khi Khanh chớp mi, cô mới nhận ra sự việc. Đán tựa đầu vào thành ghế ngủ ngon lành. Cô đã trải qua một đêm suy tư như thế sao? Và đi qua được nỗi buồn không?

Đán cựa mình:

– Xin chào!

Khanh vuốt tóc:

– Tôi tệ quá hả?

– Dĩ nhiên rồi, say xỉn đẹp với ai.

Khanh nguýt mắt:

– Anh không biết nói dối à?

– Với phụ nữ lại càng không. Sẽ phạm tội trọng nếu như tôi nói cô vẫn đẹp hơn sau cơn say bí tỉ.

– Anh bực vì phải chịu đựng tôi?

– Dĩ nhiên! Đương không gánh nạn giùm người khác, bị một đêm muỗi cắn tơi bời.

Khanh nhìn quanh phòng:

– Có muỗi sao?

– Có muỗi với người tỉnh táo như tôi thôi. Còn cô nằm như xác chết biết gì.

Khanh hối hận, cô để lại một hình tượng chắc khó quên với Đán.

– Về nhé!

– Trời chưa sáng mà.

– Đợi đến sáng cho mọi người thấy tôi bèo nhèo như con mèo ướt hay sao?

– Còn về bây giờ cô không sợ mọi người nghi ngờ chúng ta đã qua đêm ... với nhau.

– Hừ ...

Khanh đỏ mặt:

– Kệ, ai muốn nghĩ sao cũng được, miễn tôi với anh rõ là tốt.

Lướt xe đi trong đêm, gió lồng lộng lạnh thấu tim. Khanh khẽ rùng mình, Đán cho xe dừng lại hỏi:

– Cô lạnh à?

– Ừm ...

Đán lấy trong yên xe trao cho Khanh cái áo mưa:

– Mặc vào đỡ lạnh đấy.

– Anh có ân hận đã quen biết tôi?

– Có một chút.

– Sao chỉ một chút?

– Cô đừng hỏi tới nữa.

Khanh im lặng, chợt ước nếu như người đàn ông này là Thường hẳn cô sẽ ngả đầu lên vai, ôm choàng qua hông để không thấy gió đêm lạnh.

Đán đưa cô về trong đêm tĩnh lặng, xe bò lên con dốc cao cao, cây xào xạc theo gió đưa. Trăng non đã tàn, sao khuya lặn mất. Đến bao giờ Khanh mới lấy lại được an bình cho tâm hồn? Buồn đầy kéo về cho cô nhớ Thường ơi là nhớ.

– Cái gì mà thở dải sau lưng tôi hoài vậy?

Khanh giật mình:

– Tôi có vậy sao?

– Lẽ nào cô không làm chủ được mình.

– ...

– Cái đà này cô phải tìm yêu một người khác mới xong.

– Hả!

Khanh chớp hai hàng mi, hiểu được rằng không bao giờ quên được Thường thì còn tìm yêu ai nữa.

Không biết Đán cố tình chạy xe chậm hay đêm lạnh làm con đường dài thêm:

– Cô giận tôi sao?

– Việc gì phải giận anh.

– Nên lấy những gì trong tầm với, đừng mơ chuyện xa vời nữa Khanh ơi!

Lời Đán thật chân tình:

– Có đêm rồi sẽ có bình minh. Trong cuộc đời không chắc ai cũng thành với tình đầu, cho nên đừng lấy đó ôm buồn cho ngày mau tàn.

– Sao anh không dùng chữ “cho người mau tàn” có vẻ hợp lý hơn.

– Tôi không cố ý nói vậy đâu.

– Bỏ đi!

– Sao?

– Anh không chán khi cứ nói về tôi. Mọi chuyện để lại ở quán karaoke rồi, sẽ không nói gì nữa ngoài công việc nha anh Đán.

– Đồng ý!

– Không biết tôi có nên tiếp tục ở lại công tác hay không.

– Nản rồi ư?

– Ông Huy có trao đổi đầu tháng này về làm việc ở bệnh viện tỉnh.

– Nơi đó tốt hơn ở bệnh xá nhiều.

– Tôi không nghĩ vậy, gần ánh mặt trời là chết ngắc. Ông Huy cũng biết tính toán lắm.

Về đến bệnh xá ...

– Cô vào phòng nghỉ tiếp đi, còn lâu lắm mới sáng.

– Còn anh?

– Đi pha cà phê.

– Cho tôi uống với.

– Con gái mất ngủ, da sẽ không đẹp.

– Anh cũng biết quan tâm đến chuyện phụ nữ quá ha.

Đán ngượng:

– Ừ, không biết tại sao nữa. Có lẽ vì tôi cứ lo cho cô.

Lát sau, Đán gõ cửa.

– Xong rồi nè, cô Khanh!

– Ủa! Sao kỳ vậy?

Trên khay hai ly cà phê một đen, một trắng.

– Cà phê đen của tôi. Còn cô chỉ cần ly sữa nóng cho khỏe thôi.

Khanh cười, đôi mắt lộ vẻ biết ơn.

– Anh làm cho tôi cảm động quá.

– Đừng rơi nước mắt cá sấu ra nha.

Khanh vờ cầm ly sữa, nếu không có Đán, cô còn buồn biết bao nhiêu.

– Sao anh không đàn đi.

– Tôi cũng muốn nhưng ngại mọi người thức giấc.

– Tôi rất thích bài hát anh hay đàn.

– Hẹn chiều mai đi.

Uống cạn ly sữa, Khanh nói:

– Cám ơn anh rất nhiều.

– Cô ăn mì không?

– Anh đói hả?

– Ừ, thức đêm dễ đói lắm.

Lát sau, hai tô mì bốc khói được đem qua phòng cho Khanh, cô trêu:

– Sau này có vợ rồi chắc anh chiều hết ý luôn.

– Sao cô nghĩ vậy?

– Thấy anh chịu khó.

– Hổng biết sao tôi thích phục vụ cho cô.

– Ôi, tôi may mắn quá.

– Thấy cô vui cười tôi đỡ lo một chút.

– Khanh à! Hôm đám cưới cô Thư chắc chị gửi thiệp chứ không đi dự được.

– Sao vậy?

– Em xem, sanh xong thân hình nở nang hết biết, có quần áo nào mặc cho trông được đâu.

Quả thật, cặp ngực Chi to quá khổ.

– Thiệt thòi nha.

– Có gia đình phải chịu thôi nhỏ ơi. Ngoài việc chăm con khỏe, chị còn mơ gì nữa.

– Em hỏi nhỏ chị nha.

– Hỏi đi.

– Chồng chị có phải là mối tình đầu.

Đột nhiên Chi buồn hiu:

– Dĩ nhiên là không! Tình đầu thật đẹp đã dở dang rồi.

– Lúc ấy chị đã sống ra sao?

– Tuyệt vọng ... Nhưng một thời gian sau chị bằng lòng lấy anh Tuấn. Không có phương thuốc nào hữu hiệu cho bằng tìm một tình yêu mới để chữa vết thương lòng.

– Vậy à!

– Muốn hỏi để rút kinh nghiệm hả nhỏ.

Khanh cười cười:

– Cứ cho là vậy.

Chợt nhớ ra, Chi hỏi:

– Em và cậu Đán sao rồi?

– Sao là sao hả chị?

– Thấy hai người thân nhau quá.

– Chúng em xem nhau là bạn bè thôi.

– Cậu Đán rất tốt, đừng bỏ lỡ cơ hội nha Khanh.

– Ơ ...

– Đừng ngại, chị sẽ giúp em.

Khanh kêu lên:

– Chị Chi ...

– Ôi! Vừa nhắc là cậu ấy xuất hiện liền.

Trên tay Đán là con vịt quay và mấy ổ bánh mì.

– Xin mời cả hai.

Chi vỗ tay:

– Đang đói, cậu hiểu ý ghê.

Đán đặt mọi thứ xuống bàn:

– Nhưng mà ...

– Sao, chưa ăn được à?

– Tôi quên không bảo họ chặt nhỏ ra giùm.

Chi pát-xê:

– Cái này phải nhờ bàn tay khéo léo của Khanh thôi.

Cô cùng Đán sang nhà bà Tư. Đán nói:

– Để tôi, cô rớ vô dơ tay lắm.

Đán điệu nghệ sả con vịt ra từng miếng nhỏ. Thấy Khanh nhìn không chớp mắt, Đán chìa miếng thịt sát môi cô:

– Thử đi! Tôi nhờ người mua từ Sài Gòn về đó.

Chỉ có ba người ăn với nhau, nhưng không khí thật vui.

Chi bắt chuyện:

– Đầu tháng này phải chia tay với Khanh, chị buồn quá.

– Làm việc ngoài phố nhưng em vẫn ở trong này mà chị.

– Đường xa thấy mồ.

Đán vui vẻ:

– Tôi sẽ cho Khanh quá giang, lãnh lương khao chầu cà phê là xong.

Chi cười:

– Chà! Xem chừng lỗ đó nha, lúc này xăng đắt lắm.

Đán nheo mắt:

– Kìa chị! Người ta tình nguyện mà cứ bàn ra cho cô Khanh ngại.

Khanh đùa:

– Em không ngại đâu, khao một chầu cà phê dại gì từ chối.

– Tôi muốn khao trước được không?

– Khôn ghê.

Chi tán đồng ý kiến của Đán:

– Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn đó. Đán tính vậy cho chắc.

– Hai người ăn hiếp em há.

Tan ca, Khanh cùng Đán ra phố.

– Khanh à! Cô có thích xem phim không?

– Thích chứ!

– Hôm nay có chiếu phim tình cảm, mình đi xem nhé!

– Được thôi!

Rạp hát quảng cáo cái phích thật lớn, đôi diễn viên tài tử chính của Hàn Quốc trong bộ phim “Tình đầu không quên”. Khanh lén nhìn Đán, tình cờ hay cố ý anh đưa cô đi xem bộ phim có tâm trạng giống Khanh.

Suốt thời gian bộ phim chiếu, Đán tôn trọng tình cảm ủy mị của Khanh, để mặc cho cô khóc thương số phận cô gái.

Ra về, đôi mắt của Khanh sưng đỏ. Cô ngượng ngùng trách:

– Anh ác lắm!

– Xin lỗi nha, tưởng giúp cô giải trí, nào ngờ lệ tuôn dài như suối.

– Tôi biết anh muốn nhờ chuyện phim giúp tôi ngộ ra một điều.

– Điều gì?

– Không có gì tuyệt đối hay duy nhất trong tình cảm, trong cuộc sống.

– Tôi chưa nghĩ xa như thế đâu. Tôi muốn biết cô khóc vì đặt mình vào vai diễn chính phải không?

Khanh nhìn sững Đán:

– Câu hỏi của anh có tàn nhẫn đó.

Đán đưa tay kêu trời:

– Thành ý của tôi đặt không đúng chỗ rồi. Còn bây giờ ...

– Sao?

– Ta đi ăn nhé!

Bất ngờ Khanh nói:

– Anh Đán, có lẽ mọi người sẽ hiểu lầm mất thôi ...

Đán cười:

– Cô cũng bắt đầu bắt chước cách nói bỏ ngang của tôi.

– Gần mực thì đen mà.

– Ơ, tôi là ngọn đèn néon sáng choang chứ không đen như mực đâu. Ờ, mà cô nói mọi người hiểu lầm chuyện gì?

– Lúc nào cũng thấy anh kè kè theo tôi.

Đán vờ nhăn mặt:

– Ơ, nói lại xem nào! Cô kè kè theo tôi thì có. Mà đâu có sao, chúng ta hoàn toàn tự do.

Đán nhỏ giọng tỉnh bơ:

– Thử yêu nhau đi Khanh!

Cô sầm mặt:

– Anh đùa hay thật? Tôi chưa quên được Thường đâu.

Đán tiu nghỉu:

– Bướng lắm!

Khanh rủ:

– Hát karaoke không?

Đán lắc đầu:

– Tôi sợ rồi, bị một đêm muỗi đốt muốn sốt rét luôn.

– Đàn ông gì mà dở.

– Nếu giỏi tôi đâu sôlô.

Mắt Đán có màu nâu đa tình.

– Anh sôlô ai tin.

– Từ ngày đến đây, cô thấy tôi có ai đến tìm không?

– Ai đi hẹn hò nơi làm việc.

– Thôi cứ cho là vậy.

– Dễ chịu quá ha.

– Tôi luôn muốn chiều lòng con gái.

Khanh ngúng nguẩy:

– Sao cứ thích trêu tôi.

Về bệnh xá, Khanh lủi thủi vào phòng. Một lá thư nằm dưới ngạch cửa.

Khanh nhặt lên, dòng chữ trên bì thư làm cô mím môi. Cô không hiểu sao Thường bày trò gởi thư từ để làm gì.

Bóc vội lá thư, nét chữ lả lướt trên nền giấy trắng.

“Khanh!

Không biết anh đã gọi tên em bao nhiêu lần, cái tên dễ thương như người mang tên nó.

Mai Khanh!

Hy vọng em sẽ đọc cho đến dòng cuối của lá thư này. Thông cảm vì anh không có can đảm để nói trực tiếp với em.

Mỗi lần nhìn thấy em song đôi bên bác sĩ Đán là lòng anh đớn đau vô cùng.

Chắc em sẽ bĩu môi nói:

anh quá vô lý, đã quay lưng còn tiếc gì. Khanh ơi. Anh nhớ em kinh khủng, muốn ôm em trong vòng tay như trước đây. Nhưng định mệnh đã ngăn anh lại rồi.

Em biết không, anh tự phấn đấu với mình để không còn yêu, không còn nhớ em. Nhưng anh đã bất lực chịu thua con tim. Chắc chắn em sẽ bảo:

còn Anh Thư thì sao? (Anh không thể giải thích cho em hiểu).

Ngày xưa còn là sinh viên, anh đã từng mơ sau này sẽ yêu tha thiết chỉ một người mà thôi. Đến khi gặp em, anh tin điều mơ ước đó trở thành sự thật.

Nhưng, hôm nay tình yêu tha thiết ấy đã vụt tắt đi đơn giản vì một điều ...

Anh không thể nói cho em hiểu. Tình yêu chúng mình bàng bạc như mây, sâu đậm nồng nàn dấu yêu.

Vậy mà, anh đã quay lưng đến với người con gái khác, không một lời trần tình ... Mất nhau, không riêng gì em chịu đau đớn, mà chính anh còn đau gấp ngàn lần.

Khanh ơi!

Đời em tràn đầy mộng. Rồi em sẽ quên anh để yêu một người khác. Em thật hồn nhiên, trong sạch như chiếc áo blouse mặc trên người vậy.

Đời anh là một dấu chấm hỏi. Bởi anh vẫn còn bàng hoàng vì một quyết định quan trọng cả cuộc đời mình. Anh sợ có một ngày tình yêu sẽ tan thành mây khói, và anh sẽ còn gì ở sự mất mát đó hở Khanh?

Muốn nói với em thật nhiều, nhưng anh quên hết rồi khi đặt bút viết. Có tin rằng anh vẫn nhớ em từng giây, từng phút?

Nếu có kiếp sau anh vẫn cầu xin được yêu em, nhưng đừng mang dang dở.

Tạm biệt em!

Minh Thường.

Đọc xong lá thư Khanh không biết mình vui hay buồn. Ngoài trời từng giọt mưa rơi xuống mái nhà, từng sợi buồn giăng tơ. Sao Thường cứ muốn làm cho cô đau đớn, anh viết thư này để nói lên điều gì.

Gió và mưa cứ thi nhau đùa giỡn, trên nền trời cao trăng sao lặn mất. Khanh ứa nước mắt tiếc Thường vô cùng. Cô hận người con gái đã cướp người yêu của cô. Cô đến đây là vì ai? Giờ này chung quanh cô không một ai thấu hiểu nỗi buồn này.

Ngày ấy, Khanh còn là sinh viên thực tập. Thường đã trải qua ba năm tay nghề, gặp nhau trong buổi thực tập, Thường cứ len lén nhìn cô gái có sức hút lạ kỳ.

Trong một ca cấp cứu, Thường rất ngạc nhiên khi thấy Khanh tỏ vẻ thành thạo công việc hơn các sinh viên khác.

Thường hỏi ngay:

– Cô đã đi thực tập thường xuyên rồi hả?

Khanh lắc đầu:

– Mới lần đầu đó, bác sĩ.

– Sao thuần thục thế nhỉ!

Cô nở nụ cười giải thích:

– Tôi không tài giỏi gì đâu, thuở nhỏ thằng em trai quậy phá lắm, đi chơi về là có sứt đầu mẻ trán, tôi băng bó hoài riết rồi quen tay thôi.

– Cô nói đùa mà như thật vậy.

– Bác sĩ không tin?

– Tin sao nổi! Muốn tôi tin không?

– Đâu cần thiết để bác sĩ phải tin.

Thường cười:

– Chiều nay tôi ra ca.

– Nói với tôi làm gì?

– Có liên quan chứ, vì tôi muốn mời cô đi ăn, xem như cô đã giúp tôi làm nhanh gọn ca cấp cứu vừa rồi.

Khanh cười mỉm:

– Đây là cách làm quen cổ lắm.

Nói vậy nhưng cô vẫn đi với Thường, anh không biết ga-lăng nhưng luôn gây cho Khanh sự thích thú vì cái miệng thật dẻo ...

Khanh chớp mắt, mới đó mà thời gian hạnh phúc đã qua đi. Giờ đây cô còn lại gì ngoài một nỗi đau xé nát tâm tư.

Đêm thênh thang nỗi nhớ.

Cô tắt đèn, nằm trong lòng chăn ấm mà nghe toàn thân run lạnh. Tại sao cô đành yên lặng để mất Thường? Giờ thì có giành lại được không khi anh đã chọn lấy tim yêu mới.

Giữa bóng tối, chiếc giường cá nhân chợt rộng thênh thang. Mọi người ai cũng ngủ, chỉ có một mình Khanh thao thức, đôi mi lì lợm không thể khép. Cô lăn qua phải, nghiêng bên trái, mở to mắt nhìn lên trần nhà nhớ Thường đến quay quắt.

Có ai biết đêm nay có người con gái bị tình phụ nằm trăn trở, chịu đựng nỗi đau một mình. Gió rít từng cơn, sao đêm trôi chậm chạp? Họ sắp kết đôi rồi mà Khanh chỉ biết lặng im trong đau đớn.

Có tiếng chân ai đó dừng lại trước cửa phòng của Khanh, rồi tiếng thở dài thườn thượt bật ra. Khanh lắng nghe rồi chồm dậy.

Kéo chốt cửa, mùi thuốc lá nồng xộc vào mũi cô. Trong tranh tối tranh sáng, Đán đứng dựa vào cửa, anh quay lại nở nụ cười.

Khanh ào đến ôm chầm nức nở hỏi:

– Nhớ em, anh đến tìm đó hả Thường?

Nước mắt ướt ngực, anh vẫn để yên.

– Đừng bỏ rơi em nghe anh, nơi đây em không có ai ngoài anh cả. Chúng ta còn đủ thời gian xây lại hạnh phúc từng mơ phải không anh. Hãy cùng em rời bỏ nơi đây đi anh.

Bàn tay anh vuốt ve làn tóc mềm, cô nói qua hơi thở:

– Hãy trả lời em đi sao anh không nói gì cả.

– ...

– Phải chăng em không còn lực hấp dẫn để anh quên em dễ dàng. Bao lời yêu ngọt ngào để đâu hết rồi, sao anh không dỗ ngọt cho em yên tâm. Hay anh xem như trái banh đã cũ nên đá lăn lóc vào xó nhà.

Gió bỗng rít mạnh, thân gầy run rẩy.

– Bình tĩnh lại nào!

Khanh ngửa mặt, kiễng chân tìm môi người yêu.

– Cô Khanh!

Tiếng gọi như chuông gọi hồn ai làm cô mở bừng mắt vì bị từ chối. Thân gầy đã mềm nhũn trong đôi tay anh.

Đán bế thốc Khanh vào giường, toàn thân cô đã nóng dần lên. Anh chép miệng:

– Tội nghiệp!

Đán chườm mát cho cô, không dám bỏ về phòng ngồi nhìn đăm đăm, đối diện với nỗi đau của Khanh. Không ngờ tình yêu làm cho con người đau đớn vật vã thế này.

Anh nhìn xuống ngực áo. Lệ buồn đẫm thấm tận tim anh sao?

Cạnh gối, lá thư tuyệt tình nằm hờ hững. Anh cầm lấy đọc nhanh và chợt hiểu nguyên nhân làm cho Khanh đau đến độ mê sảng.

Đôi mày dù cau lại nhưng ở gương mặt Khanh vẫn toát lên vẻ dịu dàng. Anh đang quá gần cô, có thể tay chạm vào đôi má mịn màng, mái tóc mượt dài màu hạt dẻ.

Mỗi ngày Đán càng nhận ra cái cảm giác thật êm đềm mỗi khi ở bên Khanh.

Lâu lắm rồi anh mới có những giây phút vui tươi, nhưng muốn được trái tim này anh phải làm sao?

Đán không dám bỏ mặc cô. Thật lâu sau, Khanh mới cựa mình.

– Sao rồi cô bác sĩ?

Khanh bừng mắt ngồi dậy:

– Là anh à!

Đầu cô choáng váng.

– Uống viên hạ sốt nha!

Không đợi Khanh có đồng ý hay không, Đán đã đi về phòng lấy thuốc.

– Đừng ngã bệnh, tôi khổ lắm nha.

– Ai bắt anh chăm sóc đâu mà khổ.

– Tôi vốn là bác sĩ.

– Vậy thì kêu ca gì.

Đán cầm viên thuốc đưa sát vào miệng Khanh:

– Uống đi! Tôi sẽ pha cho cô ly sữa.

Khanh mỉm cười:

– Tự anh tình nguyện đấy nhé.

Uống thuốc, uống sữa xong mắt cô đã ríu lại. Đán nói:

– Cứ ngủ đi, tôi trực cho. Nếu không khỏe ngày mai nghỉ vậy.

Khi Khanh thức giấc, bình minh vừa hé, có tiếng chim hót chuyền cành. Đầu cô không còn nhức buốt như đêm qua. Khanh dậy để sửa soạn ra phòng khám.

Có tờ giấy trắng dằn trên bàn.

“Tôi có nhờ dì Tư nấu cháo cho cô, cố gắng ăn nha. Hẹn chiều gặp lại.

Đán”.

Khanh mỉm cười thầm cám ơn Đán. Chi phải kêu lên khi thấy cô:

– Mất ngủ hay sao mà người phờ phạc vậy Khanh?

– Hôm qua em sốt cao.

– Uống thuốc men gì chưa?

– Chị lo ư! Em làm bác sĩ mà, phải biết tự lo thân chứ.

– Ừ, nói thì hay nhưng làm thì dở.

Khanh nhìn mây bay mà lảng chuyện:

– Hôm nay trời đẹp quá!

Chi gật đầu:

– Cho nên bệnh nhân đang đến kìa.

Bệnh nhân ấy không ai khác với cô. Cầu chìa hồ sơ bệnh án cho Khanh xem:

– Rắc rối rồi cô ơi!

Khanh lướt nhanh qua trang giấy, kết quả dương tính.

– Anh đã đi khám ở đâu?

– Bệnh viện tỉnh đó, cô nhắm xem mổ đi có khỏi bệnh không?

– Có chứ! Mọi bệnh tật nếu được xử lý kịp thời đều khỏi cả.

Mắt Cầu buồn bã:

– Nhưng tôi đang ở thời kỳ cao điểm liệu cuộc sống kéo dài được bao lâu.

– Đừng bi quan như vậy, anh Cầu. Người ta thường nói câu “còn nước, còn tát”, anh phải dũng cảm lên.

– Lấy dũng cảm ở đâu ra. Tiền bạc không có, ăn bữa sáng, chạy bữa tối. Liệu tôi còn dũng cảm đối mặt với bệnh tật.

Khanh an ủi:

– Anh an tâm đi, thuốc điều trị lúc này rất tốt, kiên trì sẽ khỏi thôi.

– Tôi cũng lo lắm, mổ xong phải nằm dưỡng bao lâu mới có thể đi làm lại.

– Trước mắt anh phải phẫu thuật điều trị bệnh, có sức khỏe mới làm việc kiếm tiền nuôi vợ con chứ. Anh đừng lo, tôi sẽ giúp anh theo khả năng của mình.

– Không biết sao ngay từ đầu gặp cô, tôi đã thấy thân quen rồi.

Khanh cười:

– Tôi không có anh trai, em gái nên rất cần tình thương. Cứ xem như chúng ta có duyên với nhau, kết nghĩa anh em cũng tốt.

Nhìn theo dáng Cầu ra về, bỗng dưng Khanh xúc động một cách lạ thường.

Cuộc sống mưu sinh vất vả làm cho người ta mất tự tin khi đối mặt với bệnh tật.

Anh Thư xoay tròn chiếc áo cưới cho Thường xem:

– Được không anh?

Thường gật đầu:

– Rất đẹp!

Anh đứng dậy nói nhỏ bên tai Thư.

– Dường như chiếc áo này may để dành cho em vậy, cô dâu trẻ.

Gò má mịn màng ửng lên một chút hồng.

– Nịnh hở, em không còn tiền lẻ.

Thư đưa mắt nhìn vào gương, thân hình dong dỏng cao trong chiếc áo cưới màu trắng. Cô đẹp thật, nhưng chỉ là nét đẹp tiềm ẩn sự bệnh hoạn, làn da tái xanh nhờ lớp phấn che chắn. Cái cổ gầy, vùng ngực nhô xương. Thường không thấy điều đó hay sao? Sắp cưới rồi mà lòng Thư vẫn nơm nớp lo. Đời luôn xảy ra những chuyện bất ngờ, tình yêu của cô có nằm trong vòng tròn bất ngờ ấy không?

Thường hỏi:

– Không lẽ em chọn ba cái áo đều màu trắng cả.

Thư ngây ngô:

– Không được hở anh?

– Theo anh, mỗi cái một màu sẽ hay hơn.

– Em thích màu trắng.

– Thôi tùy em vậy, anh chỉ sợ em sẽ mất đẹp thôi.

– Tôn trọng ý thích của em một lần đi anh.

– Anh chỉ góp ý còn em có quyền quyết định mà.

Thư phụng phịu:

– Giận em hở?

– Không hề.

– Vậy thì cười lên em mới tin.

Thường chành miệng ra, Thư kêu lên:

– Nụ cười quá xấu! Anh đang ở thế kỷ nào vậy, định nhát ma em sao?

Anh vờ le lưỡi thật dài:

– Sợ không? Ta là ma luôn đi tìm yêu các cô gái đẹp như nàng.

Thư cười khanh khách:

– Xạo quá trời!

Lát sau họ rời phòng chụp ảnh cưới. Thư nói:

– Đưa em đi ăn đi Thường.

Nhìn đồng hồ xong, anh từ chối:

– Anh còn ca mổ ung thư bao tử nữa Thư à. Đành đưa em về nhà thôi.

– Không ai làm thay anh được sao?

– Anh ta là bệnh nhân do anh chẩn đoán, cho nên sẽ không ai khác mổ đâu.

Em thông cảm nha, chúng ta sẽ còn mấy ngàn ngày đi ăn.

Thư không vui:

– Sau này lấy nhau rồi chắc em phải luôn ăn cơm một mình.

Thường vuốt mũi người yêu:

– Ai biểu em chọn chồng làm bác sĩ.

– Tại sức khỏe của em không tốt.

– Kìa Thư!

Gương mặt cô lộ vẻ buồn làm Thường phải dỗ dành:

– Anh đùa đó, đừng giận nghe vợ yêu.

Anh đặt nụ hôn nồng lên má Thư:

– Về thôi em, anh sắp trễ rồi.

Không vui nhưng Thư không thể làm khác đi, vì Thường có trách nhiệm rất cao, anh sẵn sàng hết mình khi gặp ca phẫu thuật đặc biệt. Và cô, từ một bệnh nhân chịu đựng với cơn đau đã gặp một bác sĩ có lương tâm, dù không phải là ca của anh.

Xe dừng trước cổng nhà, Thường mở cửa cho Thư:

– Em vào đi. Anh chỉ còn năm phút hơn để đến bệnh viện.

Thư dịu dàng:

– Xong việc gọi điện cho em nha!

– Ừ. Nhớ ăn cơm đấy.

Ông Huy ngồi ở phòng khách nhìn Thư đang đi vào, trên gương mặt nó hiện rõ nét vui tươi sau lần bệnh nặng. Cuộc sống tươi trẻ tính bằng năm hay bằng tháng.

– Thưa ba!

– Minh Thường đâu con?

– Đưa con về, ảnh đến bệnh viện, có ca phẫu thuật đó ba.

– Ờ, ba quên! Sao, con chụp ảnh xong hết rồi hả.

– Dạ!

– Cố giữ sức khỏe kẻo hôm cưới làm cô dâu xấu xí đó Thư.

– Con biết rồi ba.

– Thôi, vào nói tụi nhỏ dọn cơm cho con đi.

Anh Thư như cánh hoa rực rỡ trong ánh bình minh, nhưng nay cánh hoa ấy mong manh dễ tàn, nếu như có cơn gió đi qua liệu hoa còn ở được trên cành.

Trời vừa hửng sáng, Anh Thư đã tỉnh dậy nhưng cô chưa muốn rời khỏi giường. Kê đầu lên tay lắng nghe tiếng chim hót, chúng ríu rít trên cành, Thư chắc chắn đó là đôi chim sẻ, và hôm nay mây trời hẳn rất đẹp.

Thư vươn đôi chân dài rồi nhỏm dậy. Kéo màn cửa để lộ ra một khung trời rực sáng, Thư mỉm cười cảm thấy như trong mạch máu có sự hưng phấn lạ kỳ đang dâng trào.

Điện thoại di động rung lên, cô cầm và lắng nghe.

– Em đã dậy rồi hả Thư?

– Dạ!

– Chuẩn bị anh đến đón đi ăn sáng.

– Cho em mười phút nha.

– Không được! Năm phút thôi!

– Đừng có keo kiết thời gian với em.

– Anh không keo mà chỉ nôn nóng gặp em thôi.

– Chà! Lý do này làm em nghi ngờ quá.

– Năm phút nữa chưa xuất hiện ở cửa, anh sẽ ...

Thường đã cúp máy, Thư quýnh quáng nhào vào phòng tắm. Chiều chuộng là thế nhưng Thường không thích chờ đợi.

Khi cô bước ra cửa, Thường đã đứng từ bao giờ, Thư mỉm cười:

– Xin lỗi đã bắt anh phải chờ.

– Đi thôi!

Đến quán phở ngon nổi tiếng, Thường vòng tay ngang lưng Thư tìm chỗ ngồi.

Đán nói khẽ với Khanh:

– Cố nhân của cô kìa!

Đang xì xụp húp nước, Khanh ngước mắt lên. Tim cô thắt lại.

– Đau hả?

Khanh trừng mắt:

– Anh ác lắm ...

– Tôi nói sự thật mà.

– Nhưng lời thật của anh làm người ta chết ...

– Tôi cũng muốn cho cô chết đi, nhưng chỉ chết một nửa trái tim thôi, nửa còn lại ...

– Sao?

– Chết từ từ thôi.

– Vậy mà anh luôn miệng bảo muốn tôi hết buồn, nụ cười nở lại trên môi.

– Đúng vậy, nhưng không phải là bây giờ.

– Tôi chưa hiểu.

– Tôi sẽ hành động, sau khi họ cưới nhau. Cô còn ý định đi thăm anh Cầu nữa không?

– Có chứ, nhờ anh đưa tôi đi!

Trong phòng hồi sức, Cầu cũng mới vừa tỉnh lại, anh đau đớn vì vết thương.

Ngọ nguậy không được vì tay chân đã bị cột chặt.

Tiếng rên thoát ra khỏi đôi môi, anh cố mở mắt khi nghe hỏi:

– Tỉnh rồi hả anh Cầu?

Trước mắt anh là bác sĩ Khanh.

– Tôi đau quá ...

Khanh an ủi:

– Rồi cái đau ấy cũng qua thôi. Sau khi mổ, ai cũng vậy hết. Chúc mừng anh sớm hồi phục nha.

– Bác sĩ Thường đã mổ cho tôi đó.

Thường! Cái tên vẫn quanh quất theo cô mãi. Không lâu nữa cô chẳng dám nghĩ đến anh, huống gì là gọi tên.

– Ghé thăm anh một chút, tôi về nhé!

– Cám ơn cô ...

Khanh bước ra khỏi phòng hồi sức với tâm trạng buồn.

Đán vẫn còn chờ nơi ghế đợi.

– Đừng nói là cô mang thêm nỗi buồn ra đây nha.

– Anh sao cứ làm khó tôi hoài.

– Có đi shop mua quần áo không?

– Có, cũng cần phải đẹp khi đi dự cưới. Hôm ấy cho tôi quá giang với nha.

– Sẵn lòng thôi, và nữa tôi sẽ đem theo nhiều khăn giấy.

– Để làm gì?

– Giúp cô lau nước mắt.

– Hừ! Toàn là dọn đường, phân cảnh cho tôi không hà.

– Rồi đây tôi sẽ phân vai cho cô đóng trọn bộ phim tình cảm.

– Kết có hậu không?

– Dĩ nhiên, vì tôi là kẻ luôn thích vẹn toàn.

Vẫn biết ngày hôm nay phải đến, nhưng lòng Khanh cứ xót đau. Nhìn vào gương, cố tình trang điểm đậm cho cô khác ngày thường một chút. Chiếc váy đen có đính cành hoa trắng trên ngực là biểu hiện Khanh để tang cho một cuộc tình.

Không gì đau đớn cho bằng đi dự lễ cưới của người mình yêu.

Đán gõ cửa:

– Xong chưa?

– Anh chờ một chút.

Khi Khanh xuất hiện, Đán đã kêu lên:

– Trời ạ!

– Sao vậy?

– Có người chết mất thôi.

– Vì thấy tôi giống như hồn ma hả?

– Cô biết cách chọn trang phục quá, nhưng bảo đảm trong tiệc cưới chỉ có một mình cô mặc áo đen.

– Và tôi biết chắc chỉ một mình anh hiểu, tôi bị tình phụ.

Đán nhăn mặt:

– Nè, dũng cảm lên nha, nước mắt rơi sẽ nhòe đi lớp phấn đẹp.

– Tôi không đẹp cho nên mới bị người bỏ để đi cưới vợ. Rồi đây đời con gái của tôi sẽ buồn tênh như trời thu lá đổ, cô đơn bên hạnh phúc của người ta.

– Nói một lúc nữa chắc cả tôi và cô sẽ không đi dự cưới được. Cô phải vui lên để chúc mừng hạnh phúc của họ chứ. Yêu nhau đâu cần phải sống chung mới là yêu.

Khanh ngẩng nhìn Đán:

– Anh an ủi tôi?

– Cô quá ngốc nếu như cứ buồn hoài. Đêm nay tôi sẽ tình nguyện phục vụ cô đến giờ phút cuối cùng.

– ...

– Vì tôi biết chắc cô sẽ cần tôi. Đi thôi, kẻo trễ giờ, ngại lắm.

Khanh khóa cửa.

– Không đem theo áo khoác, đêm về lạnh lắm.

– Tôi sẽ không lạnh.

– Ngoan cố thì đừng hối hận nha.

– Tôi chịu lạnh được mà.

Đán nổ máy, xe lướt đi. Lúc đến nhà hàng, anh đã kéo tay Khanh:

– Đợi một chút!

Cô ngơ ngác khi thấy Đán đưa tay sửa lại tóc, đoạn đường dài gió bay làm tóc rối.

– Cám ơn!

Từ cổng đứng đón khách, tim Thường run lên khi thấy cảnh âu yếm của hai người. Cứ tưởng Khanh đau đớn lắm, nào ngờ đâu cô đã vội vàng tìm người lấp vào thật nhanh.

Đán đặt tay hờ sau lưng Khanh. Nhìn thấy đôi tân nhân đang chào đón khách, Khanh nghe lạnh lùng tràn trong máu tim.

Cô nở nụ cười nhạt nói với Thường:

– Xin chúc mừng!

Thường lạnh lùng:

– Cám ơn hai bạn.

Đán gật đầu đẩy nhẹ lưng Khanh, họ bước vào tiền sảnh. Bỗng đâu mưa giăng giăng bay mờ trong lòng cô vô cảm.

Đán chọn bàn gần sân khấu:

– Ngồi đây nha Khanh!

Cô khẽ gật đầu. Đồng nghiệp vẫy tay gọi Đán nhưng anh cười khoát tay từ chối.

Khanh bảo:

– Anh đến với họ đi.

– Trong giờ phút này tôi không muốn rời cô đâu.

– Họ sẽ hiểu lầm anh.

Đán nhún vai:

– Tôi là đàn ông chẳng ngại gì cả.

Bắt đầu buổi lễ, Thường dìu vợ từ ngoài đi vào. Tim Khanh thắt lại, máu như ngừng chảy khi nhìn gương mặt mãn nguyện của Thường. Anh quá hạnh phúc nên không thấy áy náy khi bỏ rơi Khanh sao?

Mái tóc anh bồng bềnh như mây trời, đôi môi luôn tham lam khi hôn cô. Thế mà giờ đây Thường đã lấy dao đâm thẳng vào tim cô, đôi bàn tay mướt mồ hôi lạnh ngắt. Đán tìm tay cô để dưới bàn, Khanh hối hận đã không nghe lời anh đem áo khoác. Hơi lạnh từ máy điều hòa cùng cái lạnh buốt ở con tim làm cô rợn người.

Vô tình Khanh đã làm chứng nhân cho người tình ngày cưới. Anh Thư hân hoan bên cạnh chồng khoác tay nhau đi chào khách từng bàn.

Chén đã đầy thức ăn do Đán lấy.

– Tôi không nuốt nổi đâu, anh rót cho tôi ly bia đi.

– Nơi đây là ngày vui của người ta, cô đừng để mọi người biết mình đang đau khổ. Muốn say thì lát nữa ra về tôi hứa sẽ khao.

Khanh như kẻ mất linh hồn ngơ ngác làm theo lời Đán.

Một người ngồi cùng bàn đã nói:

– Trông họ đẹp đôi nhỉ!

Đán nhìn Khanh. May mà cả thành phố này chưa hề biết cô - người bị chú rể bỏ rơi.

Khanh kề tai Đán:

– Tôi muốn về.

– Tiệc cưới chưa tàn mà.

– Tôi không chịu đựng nổi nữa rồi.

– Đừng làm trò cười cho thiên hạ nha, vẫn có một số người biết cô là người yêu cũ đó. Cô không thương thân thì cũng vì chút tình xưa cho Thường không phải chịu ray rứt đi.

– Sao anh bênh Thường?

– Vì tôi đã hiểu ...

Đán nói chưa dứt câu, Thường đã đến, anh cầm ly rượu trên tay.

– Xin mời!

Anh cố tình chạm vào ly của Khanh nở nụ cười, làm tim cô gờn gợn.

Đán cụng ly:

– Chúc mừng hạnh phúc!

Gương mặt Thường đỏ gay hỏi:

– Bao lâu? Trăm năm hay trăm ngày.

Khanh hoảng hốt nhìn cô dâu, nhưng Thư bận uống cạn ly rượu mời, chắc cô sẽ không nghe câu nói đó.

Thường nhìn Khanh, ánh mắt sao lạnh như băng tuyết:

– Còn Khanh, bao giờ mời cưới lại đây?

Cô trả đũa:

– Không lâu, có thể tháng sau.

Mặt Thường từ đỏ chuyển sang tím.

– Nhớ mời anh nhé!

– Dĩ nhiên rồi ...

Đến lúc Đán chịu đưa cô về là tiệc gần tàn. Ra ngoài, Khanh ngẩng mặt nhìn trời đêm. Hôm nay nhiều sao quá. Không biết ngôi sao cô đơn của cô nằm ở hướng nào.

Đán dắt xe ra khỏi bãi đến cạnh cô:

– Đừng thèm nghĩ đến anh ta nữa, họ bạc như vôi rồi, có buồn đau chỉ làm người ta yêu vợ nhiều hơn thôi.

Gió đêm làm cô run lạnh.

– Lên xe đi!

Khanh như người vô hồn mặc cho Đán quyết định, anh đưa cô đến quán ăn thật sang trọng.

– Vào đi Khanh!

– Không về sao?

– Cô đã ăn gì đâu ở tiệc cưới.

Anh đưa cô đến chiếc bàn trải khăn trắng, hoa, đèn, ly, chén đã dọn sẵn dường như được đặt trước.

– Gì vậy?

– Buổi tiệc này mới dành riêng cho cô đây.

Đèn bỗng được tắt bớt đi, trong không gian mờ mờ, Đán đốt nến. Hai ngọn lửa màu vàng nhạt lung linh soi hàng mi dày.

Đối diện cùng nhau, Đán kéo tay Khanh:

– Hôm nay anh chính thức đến với em nha Khanh?

Cô nhướng mắt ngạc nhiên vô cùng. Đán tiếp:

– Họ có đôi rồi, và anh đã được quyền hò hẹn với em chứ?

– Tôi ...

– Anh sẽ làm cho nỗi buồn của em tiêu tan đi. Đêm nay muốn say bao nhiêu anh cũng đồng ý. Nhưng sáng mai em phải là một người khác, chỉ biết và thấy có anh thôi, được không?

Giọng Khanh rời rạc:

– Anh giúp tôi quên buồn đấy à?

– Anh thích em, và không muốn thấy em gục đổ như cây sầu đông.

Mắt Khanh mờ mờ:

– Tôi là kẻ bị tình phụ, hẳn có nhiều khiếm khuyết, anh không sợ sao còn ...

– Anh phải cám ơn người ấy đã đem em đến cho anh nữa kìa.

– Anh dám yêu người đã có một mối tình đầy ắp khó quên được sao?

– Anh có cách làm cho mối tình ấy chỉ còn là một vết nhỏ trong dĩ vãng thôi.

Khanh thở dài nhìn Đán:

– Tôi là con gái không thể chóng quên mau như vậy đâu.

Đán để mặc cho cô uống hết ly này qua ly khác.

Anh không hiểu sao mình lạ quá, yêu một cách mù quáng. Nhưng anh tin mình đủ sức đem máu hồng chảy ngược vào con tim cạn khô đó.

Khanh nhất định dùng Đán để trả thù Thường cho bõ ghét. Vì hôm nay cô đã chính thức làm việc ở bệnh viện tỉnh.

Cô sẽ đi chơi liên miên với Đán, vui cười mỗi khi gặp nhau. Nghĩ vậy rồi cho nên cô không còn u buồn nữa.

Khanh cảm phục Đán nhiều hơn là có một chút yêu thương. Cô được phân công ở khoa cấp cứu cùng Đán.

Buổi sáng thật im vắng không ồn ào. Tất cả trở nên đơn điệu khi mỗi người ở khoa cấp cứu “ngồi chơi”, Đán nói:

– Trưa rồi xuống căn tin ăn cơm đi Khanh!

Khanh ngoan hiền gỡ khẩu trang.

– Dạ!

Sánh bước bên nhau, Đán quan tâm hỏi:

– Em thấy thế nào?

– Anh hỏi tôi vì công việc hay vì gì khác?

– Cả hai luôn.

– Cứ xem là tạm ổn đi.

– Anh nửa mừng nửa lo ...

– Tại sao?

– Mừng vì em đã vui trở lại, lo là nỗi đau đó đang âm ỉ trong lòng sẽ làm em quỵ mất thôi.

Khanh nhíu mày nghĩ ngợi.

– Anh thấy tôi đang vậy sao.

– Ừm ... Khanh nè! Khi anh được phép về thăm nhà ... thời gian đó em sẽ làm sao.

– Làm sao là làm sao?

– Buồn không có người an ủi, muốn say để quên, ai là người phục vụ.

– Tôi không ngốc để chịu khổ đâu, anh yên tâm.

– Mười ngày phép lần này anh cảm thấy quá dài.

– Thôi, đừng nghỉ phép, để dành năm sau đi luôn cho nhiều.

– Em thích vậy hả?

– Tôi chỉ nói vậy thôi, còn tùy anh quyết định chứ.

– Anh sẽ chiều theo em, để dành phép khi cưới nhau há!

– Hứ! Ai thèm!

– Nói chắc nha không thôi hối hận đó.

Khanh chìa tay ra định móc ngoéo rồi lại thôi, nhưng Đán đã kéo tay cô:

– Hãy chuẩn bị chung sống với anh suốt đời đi.

– Hổng dám đâu.

Hai người phải nín bặt khi thấy ông Huy.

– Cô cậu đi dùng cơm đó à?

– Dạ!

Khanh cúi đầu thật sâu nhìn theo bóng ông xa dần. Đán nói:

– Ông ấy là người cha vĩ đại.

– Anh nghĩ vậy ư?

– Không ai yêu con cái cho bằng cha mẹ cả, họ có thể hy sinh tất cả miễn sao con mình được hạnh phúc. Và con gái ông ta đã hạnh phúc.

– Anh chắc chứ?

Tình yêu luôn đi qua sự đau khổ và hy sinh. Đã từng yêu, cô hiểu gì về tình yêu? Hay chỉ là sự mong nhớ khi xa cách, có đôi cho đời thêm vui.

Khanh nhăn mặt:

– Tôi không thích phân tích chuyện yêu đương vào lúc này đâu, bao tử cứ cào loạn xạ lên đây nè.

Vào căn tin, Đán kéo ghế cho Khanh. Bác sĩ Thành ngồi ở góc trái, cầm ly nước bước sang, hỏi Đán nhưng mắt nhìn Khanh:

– Ra trực chưa cậu?

– Đến sáng mai. Còn cậu?

– Mình muốn biết thành viên mới này ở khoa nào?

Đán trả lời:

– Mai Khanh cùng khoa với mình và hôm nay là ngày làm việc đầu tiên.

Thành trêu:

– Hèn gì cậu ga-lăng hết biết.

Anh chìa tay ra bắt:

– Hân hạnh! Lần sau đi ăn cơm tôi mời nhé bác sĩ Khanh.

Khanh nở nụ cười:

– Anh chưa giới thiệu mình là ai cả.

Thành không khoác áo blouse.

– À, tôi là Thành cùng khoa với Minh Thường.

Cô hờ hững:

– Vậy ư?

Đán lảng chuyện:

– Gọi cơm luôn nha Thành.

– Không! Hai bạn dùng đi, mình xong rồi.

Thành không giấu giếm ánh mắt ngưỡng mộ Khanh trong khi ăn, cô phải vờ thản nhiên như không thấy gì.

Thành kề tai Đán:

– Mình xí trước nha, cậu có ý kiến gì không?

– Không!

Nhưng lòng Đán đã bắt đầu lo:

Thành giỏi tài tán gái. Anh sẽ ra sao nếu như ...

– Trông cậu không được vui.

– Hừ!

– Trong tình trường ai chạy nhanh sẽ thắng cuộc, cậu đồng ý không?

– Đồng ý!

Khanh thản nhiên vờ như không quan tâm đến cuộc đối thoại của hai người.

– Cô Khanh à! Động lực nào đưa cô đến vùng Tây nguyên này vậy?

– Động lực nào ư? Tôi cũng chưa biết tại sao nữa, có thể đó là sự thử thách cho bản thân.

– Bác sĩ trẻ đẹp như cô sẽ không bao giờ chọn thử thách mình nơi miền đất đỏ. Tôi cảm thấy ngại cho cô vì quyết định quá sai lầm này.

– Rất may sai lầm này đã khiến cho tôi quen biết anh, cũng như anh Đán và các đồng nghiệp khác.

– Tôi thấy mến cô rồi đấy!

Khi Thành đi rồi, Đán nói nhỏ:

– Anh có thêm một địch thủ đáng gờm nữa rồi.

– Không ngờ tôi có giá ghê.

Hôm sau, giao ca xong, cô cùng Đán ra về.

– Đi ăn sáng nha Khanh!

– Tôi thấy người như mập ra, anh cứ rủ rê ăn hoài chắc ...

– Sợ mất phọt hả, anh không lấy đó làm quan trọng đâu.

Đán kéo tay Khanh bóp nhẹ. Trong cuộc đời này anh chưa từng yêu ai như yêu Khanh, tình cảm thật dịu dàng mà từ từ đi vào trái tim anh thật sâu lắng.

– Khanh à!

– Anh nói gì?

Nói gì đây? Trên thế giới này chỉ có duy nhất một Mai Khanh đang khổ vì tình làm cho anh lao đao rồi sợ hãi, sợ sẽ không giữ được cô cho riêng mình.

– Có lẽ không nói sẽ hay hơn nhiều.

Lần đầu tiên cô ngả đầu lên vai Đán, tim đập mạnh liên hồi. Sao cô không quay đầu lại để yêu Đán cho xong.