Chương 1

Người tôi gặp đầu tiên trong chuyến về thăm làng sau ngày hòa bình lập lại là Hức. Tôi chào gã nhưng gã chẳng hé răng, chỉ giương đôi mắt trắng dã lên nhìn tôi, vẻ hung dữ. Mẹ tôi bảo: "Chấp nó làm gì, nó điên đấy!".

Những cơn điên của Hức thật đáng sợ. Gã đi dọc làng, chân tay múa may, nói lảm nhảm không ngớt. Thỉnh thoảng gã lại gào lên. Gã đập nát tất cả những gì gã nhặt được trên đường. Vô phúc đứa trẻ nào chạy theo, trêu chọc gã, gã tóm được là bị ăn đòn ngaỵ Có lần, gặp một cô hàng thuốc lào, gã tụt ngay quần ra, đứng chạng háng ở giữa đường và cứ thế cười lên sằng sặc... Sau khi đã kiệt sức, gã đi lại lừ đừ, thất thểu về cái quán hoang ở đầu xóm, nằm gục xuống, ngủ như chết. Cho đến khi cơn đói đốt cháy bụng gã lên, gã mới tỉnh dậy. Gã dụi mặt, nhìn gian quán trống trơn một lượt rồi lùi lũi ra đi. Gã lên phố huyện, vào hàng cơm, ngồi riêng một bàn, đàng hoàng và cứ giương đôi mắt trắng dã lên nhìn những người chạy bàn. Người ta phải cho gã ăn. Xong, gã đi phất phơ quanh phố. Có lần, ở bến ô-tô, gã gặp một ông hàng bánh dày gánh hai hòm kính để phơi ra những chồng bánh trắng muốt. Gã thèm quá, liền tới gần người đi xe rơm cho công trường đê đang ngồi nghỉ bên lề đường và nói với ông cụ già nhất:

- Ông cho cháu xin vài trăm, cháu mua bánh về ông cháu ta cùng ăn cho vui nào!

Gã làm hai miếng, hết gọn đôi bánh. Và gã lại chìa tay ra, nhăn nhó cười:

- Chỗ ông cháu ta, đàn ông đàn ang với nhau, chẳng nhẽ ông để cháu đi xin bọn đàn bà, xấu hổ bỏ mẹ!

Nói tóm lại, khi nổi cơn điên gã như một tên say máu và khi cần kiếm ăn gã lại có đủ mánh khóe của một tên lưu manh thạo đời. Tuy vậy, cũng có những lúc gã tỉnh táo và tỏ ra biết điều. Những lúc đó gặp ai trên đường gã cũng nép sát vào tường, chào hỏi cẩn thận rồi cúi gầm mặt xuống, nhìn né đi chỗ khác. Gã biết điểm mặt từng người trong làng xem có thể đến nhà ai, xin được cái gì.

Nhà tôi thuộc số gia đình gã thường hay lui tới xin xỏ nhất, vì mẹ tôi vẫn thường giúp gã, đã hàng chục năm nay.

Gã vốn con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đến ở với ông xã Thịnh là bác ruột. Ông xã Thịnh giàu có nhưng cả hai vợ chồng đều keo kiệt, thấy nuôi gã chẳng béo bở gì nên càng về sau đối với gã càng tồi tệ. Lúc nhỏ, chưa biết gì, gã đành cam chịu, bị chửi mắng nhiều quá thì trốn vào một xó, nằm khóc, thế thôi. Lớn lên, gã lì ra, gã cãi lại và khi đã trưởng thành, gã phản kháng ra mặt, gã bỏ nhà ra đi. Gã lên phố huyện đẩy xe bò thuê hoặc làm các việc linh tinh khác.

Cũng có khi ông xã Thịnh cần người làm đi gọi gã về, cũng có khi vì đói bụng gã tự bò về, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại hoàn đấy. Gã như con ngựa bất kham và cứ hư hỏng dần. Về làng, gã để cái đầu bù xù, tóc mai dài và nhọn hoắt, áo bao giờ cũng phanh cúc ngực. hễ chó nhà ai xồ ra cắn là gã nhặt gạch ném văng mạnh vào sân nhà người ta và trợn mắt lên quát:

- Ồ, ồ... mẹc-xà-lù, cu-sông!

Gã đọc tiếng tây cứ thoắng đi. Ai diễu cợt hoặc tỏ ra nghi ngờ là gã sinh sự rồi nhổ toẹt và nói:

- Suốt đời chỉ ru rú ở nhà rúc váy vợ, biết cái đếch gì!

Nhưng gã năng lên phố huyện còn vì một duyên cớ khác nữa.

Tôi có người chị họ tên là Nuột. Nuột sợ làm ruộng nên đem mẹ già lên phố huyện, đi bán quà bánh ở bến ô-tộ Nhờ gánh hàng, không phải dầm mưa, dãi nắng, Nuột phổng phao hẳn lên, hai cánh tay để trần cứ trắng ngồn ngộn. Chiều đến, Hức thường diện bộ cánh thật bảnh, chải đầu bằng nước lã rồi lượn qua, lượn lại trước hàng Nuột. Gã mua đĩa lạc luộc hoặc dăm cái kẹo bột ngồi ăn và liếc mắt cười tình với chị. Ban đầu, chị nguýt gã và chỉ muốn xua đuổi gã đi. Nhưng càng thế gã càng ngồi dai, đôi mắt gã càng sáng long lanh, nhấm nhảy đủ các trò. Nuột không sao cưỡng lại được, chốc chốc lại phải ngước nhìn gã một cái thật nhanh, hai má đỏ ửng. Tuy vậy Nuột thừa biết Hức xác như ve, lại lông bông nên chỉ đối đãi với gã vừa đủ mức giữ gã làm khách hàng. Mấy bác ét ô-tô, phu kéo xe nhà, anh nhỏ ở hiệu thuốc bắc... chiều chiều cũng thường ra đây ve vãn Nuột. Nuột chẳng màng ai. Lúc nào chị cũng mơ tưởng đến cảnh sống của anh chủ hàng cơm ở trước bến ô-tô: Chồng đứng chặt thịt chó côm cốp, vợ ngồi canh nồi nước xáo, cả hai cứ béo mẫm ra...

Một hôm, trời trở lạnh, thấy Nuột chít cái khăn vuông bạc phếch, ngồi co ro, Hức liền tán:

- Tớ có cái khăn vuông len đẹp lắm, hôm nào tớ đưa cho đằng ấy chít, chít cái khăn kia phí hoài cả đời người đi!

Nuột bĩu môi:

- Tôi thì thèm vào của nhà anh!

- à hà, thèm và... ào... à?

Hức cười ngật ngưỡng rồi bỏ đi. Hôm sau, gặp phiên chợ, bến ô-tô chật ních người. Hức trông thấy một bà lái buôn béo ị, đang chen vào chỗ lấy vé xe, mồ hôi ướt đẫm tấm lưng to bè, chiếc khăn vuông len kẻ ô vuông tụt xuống, vướng hờ ở trên vai. Hức xoáy luôn chiếc khăn vuông len no...

Từ đấy, Hức sinh ra trộm cắp. Gã bị đội xếp bắt giải về làng, giao trả ông xã Thịnh. Và cũng từ đấy ông xã Thịnh có cớ để trút tất cả mọi tội vạ lên đầu gã. Ông ta xỉ vả gã thậm tệ, làm như từ xưa tới nay vợ chồng ông vẫn đối xử với gã tốt nhất trần đời và tống gã xuống ở xó nhà ngang, cạnh chuồng trâu. Gã chẳng nói năng gì hết, nhưng thỉnh thoảng lại cuỗm của nhà ông ta một mẻ các đồ dùng đáng tiền và chuồn đi. Dần dần, gã quấy nhiễu đến những nhà khác, những nhà thường tỏ ra đồng tình với ông xã Thịnh, miệt thị gã, ruồng rẫy gã.

Riêng đối với gia đình tôi, gã vẫn rất tử tế. Mẹ tôi vốn sẵn lòng thương người nên thường tỏ ra ái ngại cho cái tình cảnh khốn khổ của gã và lựa lời khuyên bảo gã điều này, điều khác. Vả lại gã còn muốn nhờ mẹ tôi làm mối cho đám chị Nuột tôi. Bấy giờ, thấy mẹ tôi nhận lời giúp gã tôi cứ ngấm ngầm cáu mẹ tôi, tội gì mà lại chuốc vạ vào mình, gã chẳng tốt đẹp gì mà chị Nuột tôi cũng vậy... ấy thế mà, thật không ngờ, về sau chính tôi lại là người vun vén cho họ.

Cuộc kháng chiến nổ ra được hơn một năm thì địch tràn đến chiếm đóng phố huyện, chỉ còn cách làng tôi tám cây số.

Mẹ chị Nuột tôi đã chết, chị trở về làng và đến ở nhờ nhà tôi. Ông xã Thịnh, cũng như nhiều gia đình giàu có khác trong làng đã tản cư đi xa, chỉ còn mình Hức ở lại trông nom nhà cửa và, theo lời ông ta nói, thay mặt gia đình ông đóng góp vào công việc hàng xã. Bấy giờ, phong trào làng tôi đang lên cao. Người ta bận rộn túi bụi suốt ngày về việc chặt tre rào làng, đào giao thông hào, đắp ụ, đục tường nhà mở lối đi bí mật... Đêm đến lại tập mã tấu ở sân đình cho tới khuya và ngủ tập trung đầy cả dãy tảo mạc. Ngoài những việc ấy ra, hầu như tất cả mọi việc khác đều bị ngừng trệ. Thằng Tây đã đóng ở phố huyện rồi, chỉ nay mai là nó sẽ tiến đến đây, nếu mình không giết nó thì nó sẽ giết mình. Hoàn cảnh ấy đã tạo nên một tâm trạng chung hết sức căng thẳng đồng thời cũng tạo nên nhu cầu phải hành động thực mạnh mẽ, giản dị và rõ ràng.

Các cô gái làng, bạn bè cũ của chị Nuột tôi đã lôi cuốn chị vào phong trào. Thỉnh thoảng chị lại mở cái hòm gỗ đỏ cũ kỹ của chị ra, giở cho tôi xem những bộ quần áo đẹp nhất của chị, chiếc khăn vuông len kẻ ô vuông và các thứ vặt vãnh khác toàn là của giai cho và chị thở dài, vẻ nhớ tiếc điều gì không bao giờ còn trở lại nữa. Nhưng rồi chị vẫn tặc lưỡi, nói với tôi:

- Thôi, chú cầm lấy mấy nghìn bạc này đi mà đong thóc xay cho anh em du kích ăn.