Riêng trong năm nay, lần này là lần thứ ba, Lễ đến Paris. Cả ba lần du lịch đều đã được Lễ quyết định bất ngờ. Thật ra, Lễ không đến thủ đô Pháp để rong chơi, thưởng ngoạn phong cảnh. Anh có những cái hẹn với một người khác phái, hiện cư ngụ tại thành phố già nghệ thuật này.
Kể từ ngày chui ra khỏi cái hạnh phúc gia đình, Lễ soi thấy mình trẻ ra. Anh yêu đời và vô tư như những người mới lớn. Anh thầm tán thưởng anh đã có một quyết định sáng suốt. Cái lỗi lầm lớn nhất của một người đàn ông là lấy vợ, sinh con. Một nhà thơ nào đó đã than thở như thế. Một mái nhà, một người đàn bà, đã cùng chung sống đến cùn mòn, nhẵn mặt những tính tốt, thói xấu. Vài ba đứa con, mỗi ngày mỗi lớn, mỗi ngày một cách xa. Tất cả những nhân vật đó lấy lễ nghĩa,lấy yêu thương ra đãi nhau là hạnh phúc thật chăng ?
Trong cái bằng phẳng của cuộc sống, mỗi ngày Lễ một thấy anh như thừa ra và tâm thể cứ dần dà trống rỗng. Có thể nói, rất kịp thời, Lễ đã tự cứu mình, cứu luôn vợ con thân yêu của anh ra khỏi cái vở kịch mà gia đình anh có thể phải cùng nhau thủ diễn.
Có đổ vỡ nào không có nguyên nhân. Có nguyên nhân nào không chính đáng. Ở phía bên nào không luôn luôn hợp với lẽ phải. Chỉ vỏn vẹn một năm, trong phạm vi nhỏ hẹp của một thành phố, cộng đồng người Việt cao quí của Lễ đã có chín mười danh gia đưa nhau đến cõi phân tán chia ly, thì đối với anh, một kẻ tha phương cầu học đã lâu, việc tiêm nhiễm ít nhiều thói quen của xứ người có chi là lạ.
Sống lại cuộc đời độc thân, rõ ràng, Lễ đã làm cho năm tháng trẻ trở lại. Nhưng thật buồn, cùng lúc đó tâm thể anh như oằn thêm những hụt hẫng mới. Cái gì đi tiếp sau lưng cái buồn. Và lúc này anh mới khám phá ra một nhận định trái ngược:
Lầm lỗi lớn nhất của một người đàn ông là không gầy dựng nổi một gia đình. Có vợ, sinh con dù chỉ để kéo thêm dài cái khổ nhục đi lòng vòng cũng là một chức năng thiêng liêng của một người đàn ông lành mạnh, bình thường. Ấy thế mà Lễ đã tự tạo cho mình cái cơ hội thất bại lần thứ nhất, đi tiếp qua cái thất bại tự nguyện lần thứ hai, để rồi giật mình, nôn nao bủa tìm nguồn hạnh phúc mới.
Lễ gặp lại Vĩ, người tình đầu đời một cách tình cờ trong những ngày thao thức yêu thương chính bản thân mình. Và may mắn, Vĩ cũng đang nằm trong tình trạng như Lễ. "Tình cũ không rủ cũng tới" không hẳn vậy. Nhưng tình cũ, mở miệng rủ, thật dễ tới. Lễ và Vĩ trở lại với nhau. Đối với Lễ, vấn đề tình dục không quá cần thiết. Anh thường có những cõi đất Đại Hàn, Canadienne, Lào ... để vung vãi những hạt mầm không cần vườn cây. Với anh hiện nay, cái hướng phải đi, cái đích phải tới vẫn là một người đàn bà, biết làm vợ, biết làm nhân tình. Người vợ thứ nhất của Lễ hỏng ở điểm thứ hai. Người vợ thứ hai của Lễ hỏng ở điểm thứ nhất. Vĩ sẽ là người thứ ba? Và cô ta sẽ hội đủ hai mặt ?
Thật tình, Lễ thiếu tin tưởng Vĩ, và hoài nghi chính mình. Cái rung động từ những cái nắm tay ngày xưa, không còn đủ sức ngân trong lòng đến bây giờ. Những hình ảnh đẹp của một thời, tuy còn rõ nét, nhưng chỉ óng ánh những nét dễ thương mà mất hẳn chất sống động. Lễ đã tự hỏi mình, còn yêu Vĩ chăng ? Và câu trả lời thầm kín trong anh thật đáng buồn. Biết đâu Vĩ đang cùng một tâm trạng. Dù sao, hai người vẫn dành nhiều thời gian tìm đến nhau, để cho tình yêu có cơ hội. Trái tim con người hình như có phần cứng lại theo ngày tháng. Những tiếng sét tình yêu bất ngờ Lễ vẫn chờ đợi, nhưng chưa lần nào đến với anh giữa tuổi trung niên này. Lễ cũng đọc thấy trên mắt Vĩ mất gần hết những rộn rã của ngày xa xưa. Anh đã từng đề nghị :
- Thôi em bỏ quách Paris đi, qua bên này với anh. Mọi sự sẽ đâu vào đó.
Nhưng Vĩ vẫn nấn ná, chần chờ. Đứa con trai vị thành niên đang ở giữa năm học là cái cớ hoãn binh của Vĩ. Lễ cũng đành bấm bụng chờ đợi. Mặt trời mọc. Mặt trời lặn. Vĩ đến. Lễ qua. Vĩ cho Lễ tất cả những gì mà thời mười tám tuổi chưa kịp cho. Thật ra, cả hai bên trao quà cáp lẫn nhau, đề huề vui vẻ. Tình yêu hay tình dục ? tình dục hay tình yêu ? sự hổ tương không phải là không quan trọng.
Chuyến đi Paris lần thứ ba này, Lễ không gặp được mặt Vĩ như đã hẹn. Người tình đầu đời và mới nhất của anh chỉ gởi lại một mẩu giấy, ghi vội :
" Anh thương, Thi, em của em, ốm nặng bất ngờ. Em phải qua Đức mấy ngày. Không muốn gọi cho anh, sợ anh bỏ chuyến đi. Em muốn nhân dịp này, anh ghé qua thăm gia đình Thi. Nhớ gắng đến, em đợi. Địa chỉ :
Schleissheimerstr 200 - 46Y Munchen 4.
Hôn anh " Lễ đọc đi đọc lại liên tiếp ba lần những giòng chữ trên, hình như anh vẫn lờ mờ chưa hiểu. Đâu có phải anh không nắm được mặt chữ và nội dung của nó; mà đúng ra anh chưa hiểu nên quyết định qua Đức hay không. Chuyến đi này anh chỉ có sáu ngày phép. Cũng phải đi thôi, Lễ tự nghĩ. Anh gấp mẩu giấy làm đôi cho vào túi quần. Tuyết phất phơ bay, mơ hồ va vào những ngọn tóc, gió thổi rối trên đầu anh. Anh nghe ươn ướt hai bên má. Hơi ấm nồng nàn từ cơ thể anh thoát ra hình như đã làm tan những vụn tuyết buông thả, thong dong.
" Ông có cần vào nhà uống một chút gì không ?" Câu hỏi tiễn khách khéo léo của bà láng giềng sát vách nhà Vĩ, đã giúp Lễ kịp mỉm cười cảm ơn, khẻ cúi đầu chào rồi quay ra xe.
Lễ không có thói quen đi bộ. Anh không biết thưởng thức cái thú dùng cặp chân của mình đi loanh quanh trên mặt đất, cho dù rất thảnh thơi. Cái thú của anh là lái xe, nhất là chạy xe một mình. Trong lúc xe chạy, anh tha hồ ngắm tràn chung quanh. Ngắm mà không ghi nhận bất cứ cái gì vào đầu, kể cả tên đường. Tốc độ tăng giảm cũng tùy hứng. Những lúc như thế, có thể xem anh như đang tọa thiền cùng lúc với hành thiền. Anh vẫn tự xem anh là một người có căn tu ngay trong lúc hưởng lạc. Vì mê lái xe nên đâm ra lười biếng đi bộ, dù chỉ đi những đoạn ngắn. Cũng vì thế, đi đến đâu, việc đầu tiên của Lễ là tìm thuê một cái xe "con".
Ở thủ đô Pháp lần này, Lễ vẫn phải thuê một chiếc xe không được ưng ý. Ngồi trong xe, Lễ có cảm giác như cả thân thể mình co cụm lại. Mặt kính như dán liền trước mắt. Hộp số cồng kềnh. Nhỏ người mà thô bạo là điểm nổi bật của phần đông xe dành cho giới phó thường dân Pháp. Lễ chưa mở máy. Anh đăm chiêu nhìn thành phố đang đi sâu vào buổi chiều. Cặp mắt thiếu trình độ nghệ thuật của anh hững hờ bay là là trên những nóc nhà, những ô cửa. Công viên lững thững những người đá. Anh gặp lại những giọt tuyết thật khiêm nhường. Khí hậu lừng khừng, không nóng, không lạnh lắm. Trong cái không gian chập chờn, Lễ cũng thiu thiu buồn... ngủ; miệng lưỡi thật lạt lẽo, vô duyên. Giá đừng bỏ thuốc lá, giờ này hẳn anh đã có những sợi khói để cùng phiêu bồng nổi trôi một cõi. Lễ loay hoay như muốn gãi ngứa một nơi nào đó trên thân thể mà chưa tìm ra vị trí đích thực. Cái ngứa ngáy cựa quậy thầm lặng mà ráo riết y như cái thời anh cai thuốc lá, chừa rượu. Sao bỏ hết vậy ? Những thói hư, tật xấu dễ thương này chỉ giúp cuộc sống thêm thi vị chứ có hại cuộc đời là bao ? Còn đàn bà thì sao ? Lễ ghiền đàn bà vì yêu đàn bà. Yêu đàn bà nên ghiền đàn bà. Nếu bất ngờ được ai đó phỏng vấn về cái bệnh mê yêu của anh, chắc anh sẽ lẩm cẩm trả lời như thế. Và nếu lỡ thành một người không bình thường như các ông thi sĩ, anh nghĩ, cũng chỉ nên ba hoa đến vậy. Lễ chợt thở một hơi dài, đột nhiên lần tay vào túi quần tìm mẫu nhắn tin của Vĩ đọc lại.
" X Ave Stephen Pichon... " Cái gì thế này ? Lễ lật qua, lật lại mẫu giấy. Không phải lời dặn dò ngắn gọn của Vĩ. Đây chỉ là một địa chỉ. Của ai ? Sao không ghi danh tánh trước số nhà ? Lễ vận động trí nhớ, nhìn chăm chăm vào những con số, có cả số điện thoại hẳn hoi. Ạ.. Lễ chợt nhớ ra. Cái địa chỉ của một con bé, bạn của một thằng bạn. Trong khoảnh khắc, Lễ nghe vang bên tai lời của Trí, bạn anh :
- Cho mày cái cõi phúc này. Qua bên đó, nếu có thì giờ, hoặc đêm không nồng, ngày không thắm với bạn vàng cũ, thì tìm đến em này. Tao bảo đảm, em sẽ là hướng dẫn viên tốt nhất cho mày ở mọi nhu cầu.
Lễ nghe thấy trong lòng anh có tiếng cười không lịch sự của mình. Anh tự nhủ ngày mai sẽ lấy vé qua thăm chị em Vĩ. Bây giờ nên ghé ra mắt cô bạn văn nghệ của Trí một chút cho phải phép. Lễ mở máy, vừa chạy, vừa gióng mắt tìm trạm điện thoại công cộng.
Thu, người đẹp gốc trung phần Việt Nam, bén rễ trên đất Pháp gần mười sáu năm nay. Chị là người đàn bà không chồng mà làm nên tất cả, kể luôn việc sinh con. Rất thành công trong việc buôn bán nhỏ. Chỉ sau vài năm quậy lật trên xứ người, chị đã có một cửa quán xinh xắn, bán đầy đủ những món bún bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu, bò viên... Từ một thôn nữ, vét đìa, tát nước, nhổ mạ, cấy lúa... chị trở thành một bà chủ lộng lẫy, ăn diện hợp thời trang. Một cuộc đổi đời như thế này làm sao có thể oán trách những nguyên nhân tạo nên. Ấy thế mà khắp năm châu bây giờ, đâu có ít người như chi.( ... ) Có thể chị là một người ti tiện, chỉ ham mê vật chất, nên không thấy được tâm can của những người đồng cảnh yêu nước. Vậy cũng vui, chị sống thoải mái theo cuộc đời, tự nó đi tới. Mặc dù ít học, mới chỉ qua nửa niên khóa đệ thất. Nhưng Thu có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Ngày mới đặt chân trên hè phố văn minh này, tiếng tây, tiếng mỹ hoàn toàn xa lạ, thế mà bây giờ chị có thể nói năng trôi chảy cả Pháp lẫn Anh, kèm theo luôn một loạt tiếng Miên, tiếng Lào, tiếng Thái, tiếng Tàu... Chuyện khó tin nhưng có thật. Chính nhờ khả năng đấu hót này mà chị Thu sớm tạo dựng được chỗ đứng cho mình trên lãnh vực thương mại và đang phát triển qua phần đất thường được những người giàu chữ nghĩa, giàu mơ mộng cho là văn học, nghệ thuật.
Sáu giờ chiều. Mây đọng từng cục xám chì trên những nóc nhà đang thiu thiu ngủ. Những mẩu tuyết vụn làm duyên cho những tháng cuối năm chờn vờn đuổi nhau như một đám bù hong rối bời. Trang vừa lau cái bàn cuối cùng, kê gần cửa sổ, vừa ngó ra đường. Con đường X hôm nay sao có vẻ trống vắng quá chừng. Trong cái tịch mịch mênh mông, mặt đường như đang tắm, óng ánh túa lên những tảng màu, được rót xuống từ những ngọn đèn đường, những nét chữ néon của các bảng hiệu, mà rực rỡ nhất là màu đỏ ối của chữ LOVE ngoằn ngoèo, bảng hiệu quán ăn, Trang đang làm việc.
- Ê nhỏ Trang, đêm nay vắng khách, chị cả có chịu đóng cửa sớm không mày ?
Và không để Trang kịp trả lời, Hạnh, từ quầy thu tiền, nói một hơi như tự bảo mình :
- Đêm lạnh quá trời, khách đâu mà dám mò ra đường. Đóng cửa quách cho rồi còn về với ông Bao Công cho vui vẻ.
Trang rủa thầm :
Bao Công, bao bố cái con khỉ nhà mày, rõ điên, và cô hầm hầm quay về phía con bạn :
- Con quỷ, tao đã dặn mày nhiều lần, không được gọi tao con nhỏ này, con nhỏ nọ. Sao cái mỏ thúi của mày không vạt bỏ đi được mấy cái chữ đó hả ? Đồ con mụ húm nhỏ.
Trang nguýt dài. Hạnh không ngạc nhiên trước sự nổi cáu cộc cằn quen thuộc của Trang. Nhưng cô cũng nhoài người qua khỏi lọ hoa trên mặt quầy, khoe khoang, thách thức :
- Nè, nè, cô bé, ai húm nhỏ ? Em mở mắt lớn ra, thử ngó cái eo của chị hai em đây này, nó nhỏ xíu thấy chưa ? tròn vo vo à.
Hạnh vừa nói, vừa co tay chống nạnh, cô ả dùng cả hai bàn tay rờ rẫm, vuốt ve quanh vòng eo của mình. Trang liếc xéo, nín thinh, Hạnh đắc ý ba hoa :
- " tiểu yêu........" em à. Cổ nhân mình dạy thế đấy.
Trang cũng dư biết cái eo Hạnh nhỏ nhén dễ thương hơn cái eo hơi có khổ của mình, nhưng cũng tròn mắt hạch sách :
- Cổ nhân nào ? Cổ nhân nào ? Sao ổng biết ?
- Tại sao ổng không biết. Ổng là thánh hiền mà.
- Thánh hiền mà cũng biết chỗ ấy à ?
- Sao không biết ? Chỗ ấy của chị em mình.
Hạnh chợt cười nắc nẻ. Trang cũng ngắt nghẽo cười theo trong nhịp bước lơn tơn về phía Hạnh. Trang và Hạnh là đôi bạn thân kể từ hôm hai cô cùng vào làm việc cho cái quán LOVE của chị cả Thu. Cả hai cô cùng có nhan sắc. Cái mặn mà tươi mát của hai cô, cọng thêm cái mùi hương da thịt gợi mở của bà chủ quán Thu, đã trở thành một thứ gia vị độc đáo, quí hiếm, làm cho bát phở, tô mì trở nên hấp dẩn, ngọt bùi hơn. Quán LOVE trên đường X quận Y Paris trở thành một cái địa chỉ quen thuộc cho các ông anh mặt mày nghi ngút vẻ tài tử, văn nhân.
Tuy khắc khẩu, thường hay cãi nhau, nhưng chỉ đôi ba phút là xong chuyện. Trang, Hạnh đã nghiêm chỉnh ngồi đối diện nhau, gần quầy thu tiền. Quán vẫn chưa có khách. Trang chống tay lên mặt bàn, cằm tỳ trên bàn tay có năm móng đỏ chót. Bình trà, tách nước nằm im bên ống đựng muỗng đũa. Hạnh nhúng ngón tay trỏ phải của mình vào tách nước đang uống dở, rồi rút ra, vu vơ vẽ chữ love trên mặt bàn. Cô tưởng chừng như nghe rõ nhịp trái tim của mình và cả hơi thở của Trang. Hạnh băn khoăn hỏi khẻ, không nhìn người đối diện :
- Trang có thấy mấy bữa nay chị cả có vẻ hơi buồn ?
Trang thốt giật mình, vì cũng đang đeo đuổi một ý nghĩ riêng, cô buông bàn tay khỏi cằm :
- Hình như thế...
Im lặng.
Trang hớp một ngụm nước, liếc nhanh về hướng cửa mở lối lên gác, tò mò hỏi bạn :
- Cái ông gì cặp kè với chị cả , sao lâu nay không thấy tới.
Hạnh hơi ngạc nhiên :
- Xàm không à. Ông nào cặp kè với chỉ ?
- Thì cái ông văn sĩ, đạo sĩ gì đó.
- À, cái thằng cha đó đâu có phải bồ chị cả. Thằng chả có bồ rồi, Trang không biết à ?
- Ai ?
- Ai, ai mà biết, nhưng nghe nói bồ chả không giống tụi mình.
- Dĩ nhiên, làm sao giống hai hoa khôi này được. Trang liếng thoắng, trong lúc Hạnh có vẻ lưỡng lự, úp úp mở mở :
- Không phải, không phải. Người ta nói không giống ở chỗ ở chỗ... thôi bỏ đi.
Trang hậm hực mắng :
- Cái con quỷ, lại trổ chứng, biết cái gì sao không nói cho người ta nghe với. Bộ ủm riêng để bán độ nhật hả ?
Vừa lúc đó, Thu từ trên gác xuống tới. Chị nhìn quanh quán một vòng rồi nhỏ nhẹ bảo :
- Thôi hai em thu dọn về sớm đi. Đêm nay nghỉ sớm một bữa.
Được lời như cởi tấm lòng, Hạnh, Trang liếc nhau nhanh nhẹn đứng dậy thu vén áo xách của mình. Trước khi ra cửa hai cô cùng áp môi hôn thật kêu lên hai má bà chủ trẻ.
Thu khóa cửa tiệm, tắt bớt đèn rồi lên gác.
Đêm ập tới, Thu nhìn quanh phòng, đồ đạc nhạt nhòa, mênh mông. Những tiếng động quen thuộc từ phòng đứa con trai duy nhất cũng biến mất. Nó đã đi dự dạ vũ cùng chúng bạn. Thu cảm thấy mình như hụt chân. Chị rơi, rơi mãi miết xuống một vực thẳm không đáy. Một vực thẳm im lặng, bát ngát nỗi buồn. Bất thần chị thở ra, giật mình, tỉnh táo như sau một giấc ngủ dài.
Thu đứng trước gương soi rọi mình. Cái mini jupe quá ngắn không che lấp nổi những mô hình sống động trên cơ thể Thu. Chị không có một khuôn mặt giàu nét khả ái. Nhưng toàn thể da thịt chị lộng lẫy lời mời gọi. Chị băn khoăn tại sao với những đường nét tuyệt vời thế này mà không đánh thức được những cái đang lịm ngủ trong Đường ? Hương nước hoa chị xức, hương phấn chị thoa, cọng thêm cái mùi vị biết biến hóa vô thường của một cõi khai mở sự sống, vẫn không đủ sức cù rủ, dắt dìu một người đàn ông mà chị yêu thích, hào hứng biết đến một trò chơi quan trọng nhất, lý thú nhất đời người. Thu bất lực. Chị đã khóc cho chị và cũng khóc cho Đường, người đàn ông trung niên, Thu đã gặp, đã yêu bằng trái tim trong vắt của một người con gái. Xin đừng ngờ, Thu đã từng sinh nở. Nhưng Thu chưa yêu. Thu đã và sẽ tiếp tục hành lạc nhưng Thu sẽ không yêu bất cứ ai dù được phép chung vui cùng chị.
Thu thoa nhẹ một lớp phấn hồng lên má. Mùi phấn thơm ngọt. Chị chấm vào hai nách vài giọt nước hoa. Chị mở cả mười ngón tay vuốt lại mái tóc. Chớp mắt mỉm cười với bóng mình. Thu nghe như cả cơ thể đang dãn nở. Lòng không quét nước vôi. Nhưng da thịt nhất định phải bồi dưỡng. Bón tưới nó phải bằng chính dược chất phù hợp trời cho. Nguyên tắc sống của Thu giản dị như vậy. Chị mỉm cười. Đường, tình mộng của chị vẫn sống trong lòng. Hãy để anh yên với những đam mê riêng của anh :
ăn trầu, hút thuốc, làm thơ, viết văn, nói dối... Thu lại mỉm cười, trực nhớ cú điện thoại vừa nhận. Quyết định của chị có gì không ổn ? Lát nữa đây, một người đàn ông xa lạ, sẽ mang cái rét tuyệt hảo từ xứ Toronto Canada đến thăm. Chị sẽ dạy cho anh chàng rảnh rỗi chân tay ấy một bài học yêu thương để đời. Một bài học mà chị đã dạy cho rất nhiều đấng mày râu có danh, có phận khắp nơi. Gần đây nhất là anh chàng họa sĩ, cả đời chỉ biết có yêu vợ, đã sáng mắt ra trước những hơi ấm da thịt mới. Anh chàng mau chóng hồi xuân, sức sống nức ra đâm thành thơ, Thu nghĩ công mình thật đáng thưởng.
Nhớ lại giọng nói hào sãng, đầy tin tưởng qua cuộc điện đàm vừa xong, Thu đoán người đàn ông sắp đến... dĩ nhiên vẫn là một gã trung niên. Không là một "trung niên thi sĩ" cũng là một trung niên quần vợt rất yêu đời. Hơi thở khỏe mạnh, các bắp thịt, gân cốt hẳn chắc chắn. Thu phát thảo ngay trong đầu một chương trình sẽ thực hiện.
Trước nhất phải mời gã an tọa trong cái ghế bành này. Gã sẽ được tha hồ nhìn ngang liếc dọc, nhấm nhí hương vị của chất trà Mai Hạt từ Việt Nam mới gởi sang. Còn Thu, chị sẽ giả vờ khép nép, xin phép vào trong chỉnh trang lại cái dung nhan chút đỉnh. Gã sẽ mời đi ăn. Hẳn thế. Không từ chối. Nhưng thong thả đưa ra đề nghị, cho nó có vẽ màu mè văn hóa, văn nghệ tí xíu :
Đi tản bộ một vòng trên lối đi nhân tình của đại lộ Champs Elysees. Chui vào một quán ăn thật bảnh, vừa ăn vừa chờ chuông nửa đêm. Gã sẽ mặc tình thưởng thức những nụ hôn vô bờ bến bên ngoài cửa kính. Gã sẽ nắm, sẽ bóp nhè nhẹ đôi bàn tay này. Thả lỏng nhé. Thả lỏng tất cả nhé Thu. Đôi mắt dịu dàng vừa đủ lẳng lơ, vừa đủ đoan trang, vừa đủ hờ hững. Đôi môi không cần tô son màu, nhưng nhất định phải tráng một lớp vaselin có mùi thơm hảo hạng, cho thật ướt, cho thật mọng. Miệng nói môi cười phải đủ ví von, dí dõm, ranh mãnh, thông minh. Nhất là phải từ tốn, khéo léo, nhuần nhuyễn ở cái lưỡi, vành môi khi thưởng thức cái ngọt ngào mát lạnh của những ly kem. Và sau cùng, phải điêu luyện thút thít vài mươi giây về đêm...
Lễ gác dao nĩa, ngước nhìn Thu đang kín đáo nhỏ nhẹ nhai thơm từng hạt dẻ, anh dịu dàng săn sóc :
- Thu ăn ít quá, Thu nên dùng thêm một chút gì.
Cặp mắt trong ướt, không rời khôn mặt sắc nét của Lễ, Thu cười ra tiếng nói :
- Qúa đủ rồi anh. Đêm nay mừng gặp anh, Thu đã tự cho mình vượt qua tiêu chuẩn rồi đó. Anh ăn thấy ngon miệng không ? Cái quán này đứng hàng đầu cù rủ khách á đông anh biết không ?
Lễ dựa lưng vào thành ghế, vừa nhai vừa gập đôi cái khăn lau, lau miệng. Anh ăn uống rất chăm chú, thường ít nói chuyện khi đang ăn, nhưng nghe Thu hỏi, anh xuống giọng thật tình :
- Được, cũng không tệ lắm.
Lễ là người sành ăn. Hàng quán gần như là gia đình của Lễ trong vòng mấy năm nay. Nhìn cử chỉ tự nhiên, thảnh thơi, gần như không một chút giữ gìn ý tứ trước một người đàn bà vừa làm quen, Thu thầm đánh giá. Người đàn ông này, quả có bản lĩnh, rất đàn ông. Ít nói nhưng cỡi mở. Ngang bướng và lì lợm chắc có đủ. Thu cảm thấy rõ ràng ở trên người đàn ông này có cái gì đó rất hấp dẫn, đang thu hút chị. Ngồi nhìn Lễ tận tình thưởng thức các món ăn, Thu cảm thấy vui vui. Đôi mắt chị đi từ đôi bàn tay nắm dao nĩa, đến cặp môi mở ra, lấp ló hàm răng trắng đều đặn và hình như có những hạt nước bọt mềm mại mà Thu chợt cảm biết rất ngọt. Còn nữa, ở trong lồng ngực nở nang đang nhịp nhàng trước mặt hẳn có một trái tim thật tinh xảo. Thu chợt chớp mắt, ném khẻ lời săn đuổi, thăm dò :
- Anh Lễ đến Paris lần này vì công vụ hay vì gia đình ?
Rất thong thả, Lễ trả lời tự nhiên, giọng không bợn một chút đùa cợt, làm dáng :
- Tôi không có công vụ gì dính dáng với cái thành phố này cả. Đến đây lần nào cũng chỉ để thăm một người bạn gái.
Lễ tiếp tục nhai thức ăn. Thu thoáng thấy một chút khó chịu. Nhưng chị cười được ngay :
- Vợ con anh Lễ bỏ đâu mà qua tận bên này thăm bạn gái ? Cô ta hẳn rất đẹp ?
Lễ nhìn nhanh sang Thu, đôi vai rung lên như một cái nhún nhẹ :
- Con thì vẫn còn, hai cậu. Vợ thì đã chia tay khá lâu.
Thu khẻ "à" ... Tiếng à như dính trong cổ họng chị, trong lúc Lễ thong thả nói tiếp :
- Cô bạn mới mà cũ của tôi bên này có nhan sắc, có cả chức nghiệp. Nhưng hình như giữa chúng tôi thấp thoáng một cái gì đó không ổn mấy.
- Sao vậy anh ? Tại sao mới mà cũ ?
Thu tò mò ngó chăm cái miệng của Lễ.
- Chúng tôi cặp bồ với nhau thời trung học. Rồi tự nhiên chia tay. Sau hơn hai mươi năm, gặp lại; mỗi người đã có vài đứa con. Nhưng cùng bắt chước cái bệnh thay đổi ở bên này. Gặp nhau thì gặp vậy chưa tính đến đâu.
Không hiểu sao, Thu cảm thấy thật hài lòng với câu sau cùng của Lễ, chị mỉm cười, cố ra vẻ tinh nghịch :
- Vậy cô bồ cũ mới của anh hôm nay ở đâu ? Sao thả anh lông bông thế này ?
Lễ tỉnh táo :
- Cô ta có việc phải qua bên Đức bất ngờ.
Thu lại "à" lên một tiếng. Lần này tiếng à không còn nằm trong cổ họng, mà theo ra cùng những cái gật gật làm rung rinh những ngọn tóc ngắn vươn ra trước trán mịn màng của chị.
- Sao anh không theo chân người đẹp sang Đức ?
Lễ tình thật :
- Cũng định sáng mai. Nhưng bây giờ ... Lễ ngập ngừng nhìn Thu với ánh mắt tinh nghịch, thăm dò :
- ... quyết định ở lại Paris này mấy ngày.
- Tại sao ?
- Tại sao. Đâu biết tại sao. Thêm một tình cờ vậy thôi. Lễ ý nhị vừa nói vừa nhìn Thu thật âu yếm. Dạn dày bản lĩnh như Thu mà bất ngờ chị cũng cảm thấy má mình như nóng lên. Cái không khí thoải mái, dễ chịu lan rộng cả quán ăn. Thu khéo léo tra gạn, biết Lễ đang hành nghề bác sĩ tại Toronto. Chị càng cảm thấy dễ chịu. Đang âm mưu gì đây ? Thu nhìn Thu phản chiếu từ tấm kính lót bàn. Dĩ nhiên cũng sẽ lặp lại như những lần trước. Cái chao đảo tức thời không phải là tình yêu. Tình yêu như thế nào ? Thu chưa được biết. Nhưng chắc chắc không phải là cái đau đớn pha trộn một chút gì lâng lâng như năm mười sáu tuổi, khi Thu bị đè trong đám mía, để tình cờ được làm mẹ. Đường, một khuôn mặt văn chương chữ nghĩa, lâu nay vẫn được Thu cố tình dựng một chân dung tình nhân trong cõi tim chị. Người tình đó vừa có thật, vừa là ảo ảnh. Có thật, vì anh có xương thịt, biết đi đứng, biết suy nghĩ. Ảo ảnh vì anh không phải là người đàn ông bình thường, anh là một người đàn bà trong nhân dạng nam nhi.
- Đêm nay, Thu có thể cho tôi một đêm không ngủ với Paris được không ?
Thu thốt giật mình vì câu tấn công khéo léo của ông bác sĩ. Thu thả lơ lửng đúng theo chiến thuật :
- Anh Lễ cứ ăn thật no đi. Mọi chuyện sẽ giải quyết sau.
Và chị rẽ qua chuyện khác :
- Ngày mai anh định làm gì ? Lang thang những đâu ?
Lễ búng ngón tay vào vành cốc cà phê, rạng rỡ :
- Thì Thu đi đâu, tôi xin theo đó.
- Thôi đi cái ông này. Tôi không dám thuê một chú hầu nặng ký cỡ ông đâu.
Vừa nói Thu vừa cười. Lễ cười theo song song lời đề nghị của Thu :
- Ngày mai Thu sẽ đưa anh đi thăm người đẹp của Léonard de Vince thích không ? Anh sẽ ngắm nụ cười thật của nàng Mona Lisa.
Giọng Lễ như vấp phải cái gì, chỉ bung ra được hai chữ :
- Tùy Thu.
- Anh có vẻ không hào hứng ? Anh không thích cái đẹp ?
Thu nhìn sâu vào mắt Lễ, thầm nghĩ :
thằng cha này sao trống rỗng đến như vậy. Người hầu bàn mang cho Lễ một cốc cà phê nóng. Anh cảm ơn rồi quay sang Thu :
- Đẹp, thích lắm chứ. Chỉ tiếc tôi không đủ trình độ nghệ thuật để thưởng thức kiệt tác La Joconde.
Lễ hớp một ngụm cà phê. Không hiểu có phải nhờ vị nồng nàn thơm ngát của loại nước đen đậm đà này không, mà Lễ đâm ra hào hứng, phơi bày một hơi cái nông cạn của mình :
- Tôi quả rất dốt về nghệ thuật, nhất là hội họa. Đứng trước một tác phẩm, tôi thường đi lạc vào từng chi tiết, từng mảnh màu cô đọng ở đó; để mở ra cho mình những suy tưởng rất mộng du. Tôi đi lang thang, lòng vòng trong thế giới của họa sĩ để cuối cùng trở lại và rơi vào tiếng đập của chính trái tim mình. Thức dậy, dù chưa ngủ. Hoàn toàn không hiểu gì những điều mà hình tượng, màu sắc đang nói với người thưởng ngoạn. Riêng với nàng Italienne, Mona Lisa, cả thế giới, qua bao tháng năm đã chiêm ngưỡng thưởng thức nụ cười mím của nàng. Hồi còn ở trung học, tôi được một thằng bạn cho một cuốn lịch, hình như của công ty Shell ấn hành. Một trong mười hai tác phẩm hội họa là bản sao La Joconde. Tò mò và cũng để trắc nghiệm sự hiểu biết bập bẹ của mình, tôi đã bỏ liền nhiều đêm ngày, ngồi đối diện với bức họa. Sau những giấc mộng du, sau những phút chiêm bao giữa thanh thiên bạch nhật, tôi không thấy rõ mấy nụ cười kéo dài nhưng khép kín ở hai khóe môi nàng Lisa. Nhưng tôi đọc được những lời cù rủ, hẹn hò từ đôi mắt tràn đầy lòng đen với đôi dòng lông mày nghiêng mãi về cuối mắt, thật đáng nhớ nhung. Hai bàn tay nàng Lisa khép vào nhau phơi phới mười ngón nuột nà. Tôi thầm đoán trong phút giây thiêng liêng của bàn tay và tấm lòng Léonard de Vince, nàng Mona Lisa không suy nghĩ gì hơn là chú tâm nghe chính hơi thở của mình. Hơi thở của nàng chắc thơm ngát cả cảnh sắc phía sau. Mây khói ở đâu ở yên đó, còn đến muôn đời.
Lễ chợt nhớ Thu đang ngồi trước mặt, anh cười chữa thẹn :
- Xin lỗi Thu, tôi lẩm cẩm quá. Ngày mai xin phép được tháp tùng Thu đến Louvre. Lần này, tôi sẽ giới thiệu với Lisa người đẹp mới của tôi.
Vừa nói, Lễ vừa chờm người, táo bạo nắm bàn tay Thu đang úp hờ trên mặt bàn. Thu lặng lẽ để yên. Chị tình tứ thả một cái nguýt dài, rồi bất thần nắm bàn tay của Lễ, véo một cái rõ đau :
- Ghét quá đi. Yêu... nghệ thuật đến thế mà làm bộ.
Lễ đổi lối xưng hô ngay sau câu nói đầy ngụ ý của Thu.
Từ phòng tắm bước ra, Lễ ngạc nhiên thấy Thu ngồi im lặng phía cuối chân giường, mắt chị hơi đỏ.
- Em sao vậy ? Không được vui ?
Thu yên lặng bất động. Lễ ái ngại :
- Anh làm phiền em điều gì không ?
Thu khẻ lắc đầu. Chị khéo léo thở ra. Hơi thở chan chứa một tâm sự, nửa như muốn giấu kín, nửa như muốn bày tỏ.
Lễ nắm cả hai bàn tay Thu ân cần :
- Có gì cho anh biết ?
Thu mỉm cười nhìn Lễ lưỡng lự :
- Có điều này, nói ra, anh có hiểu lầm em không ?
- Suỵt, chuyện chi mà hiểu lầm, nói nghe đi.
- Anh có biết em... mến anh lắm không ?
- Sao lại không ? Em vừa cho anh tất cả...
Lễ hôn nhẹ lên trán Thu như để cảm ơn. Thu dựa hẳn đầu vào ngực Lễ, nói nhỏ nhưng thật rõ ràng :
- Em vừa mới nhớ ra, tối hôm qua em quên thanh toán tiền công cho hai cô người làm của em.
- Thì sáng mai có muộn gì đâu.
- Kẹt một cái, tháng này em đang định tu bổ lại cái quán...
Thu chưa đi hết những điều chị muốn nói. Nhưng Lễ đã hiểu. Anh nới lỏng hai tay Thu, nói vu vơ :
- Không sao, không sao.
Miệng lưỡi anh chợt nhạt nhẽo vướng víu. Cái mùi vị thuốc lá đã bỏ được từ lâu, bỗng nao nao dồn về. Lễ nhìn quanh phòng, nhìn Thu đang dán đầu vào ngực mình, chua xót nghĩ. Thì ra mọi vật ở đây đều vừa tầm tay mọi người. Anh đẩy nhẹ Thu, với tay tìm chiếc ví nằm trong túi quần còn vắt bên kia giường. Lễ băn khoăn tự hỏi bao nhiêu? Lâu rồi, anh không thực hiện những cuộc mua bán quá sòng phẳng. Đột nhiên anh cảm thấy ân hận, ngượng nghịu. Anh nắm lại tay Thu, áp sát đầu chị vào ngực mình :
- Không sao đâu, không sao đâu, để anh giúp em. Thôi em vào tắm đi.
Thu chợt bàng hoàng, chị vừa vấp ngã vào một thế giới rất lạ, êm ả, bềnh bồng. Chị vùng bá cổ Lễ, nói nhỏ, như nói với chính mình :
- Thôi, không cần nữa anh. Em vừa thấy mình giàu ra từ phút này...