CHƯƠNG MỘT

Thẻ nhà báo của Thông tin xem ra không mấy hữu dụng. Những ngày di chuyển ở cao nguyên cho tôi thấy rõ điều đó. Ở một thời kỳ mà người Mỹ đã bước qua giai đoạn cố vấn, ai cũng hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh của họ. Một cuộc chiến được nuôi dưỡng và giải quyết theo quan điểm quyền lợi nước Mỹ. Không có được một cái thẻ MACV mọi cửa ngõ đều khó lọt. Làm sao bảo người Mỹ tin được một mảnh giấy không do họ cấp. Tất cả đều có thể liệt vào thành phần khả nghi, bởi vậy không lý gì tôi được quyền hạn rộng hơn. Báo chí bị chánh quyền coi như thù nghịch và người dân nghi ngờ, không phương tiện, không sức hậu thuẫn tự vệ, bị cô lập trong những khó khăn của phận sự tôi cảm thấy bị chìm đắm. Nếu quả đúng như nhận định của nhà văn lão thành thì ở xứ mình sống lâu trong nghề báo nếu không bồi bút để vinh thân thì ít ra cũng trở nên cay đắng. Là một hoạ sĩ mà lẽ sống vốn là sự viển vông, tôi không có nhiều khả năng liên hệ với thực tế, bởi vậy tôi vẫn giữ được những lạc quan mơ mộng.

Dù chỉ chưa đầy một tháng tôi đã bị lôi cuốn vào biết bao nhiêu là biến cố nghề nghiệp và cả những thay đổi thói quen trong nếp sống. Tôi không ngờ đã dễ dàng thuyết phục được ông chủ nhiệm để trở thành một phóng viên lưu động hơn là ngồi lì ở toà soạn làm công việc tô điểm vẽ vời cho mấy trang báo. Mặc dù đã chấp nhận tôi sau thử thách, ông vẫn đưa ra những nhận định có phần nghiêm khắc. Ông bảo văn của tôi có nhiều hình ảnh màu sắc nhưng đó chưa phải là văn chương báo chí. Theo ông sự mô tả của tôi còn mang nhiều cảm tính hơn là nói lên một thực tại khách quan, mà điều đó rất cần thiết cho nghề báo. Ông bảo không có gì là ngạc nhiên nếu biết người viết trước đó là một hoạ sĩ. Dường như ông ta cũng thấy được nơi tôi một điểm đắc ý nào đó nên ông vẫn tỏ ra có những khuyến khích. Đã có lần ông bảo, làm phong phú một sự nghèo nàn ấy mới là điều khó và không nên hy vọng, còn chuyển từ một sự bay bướm trở về thể văn nghiêm trang chỉ cần tinh thần kỷ luật và một chút cố gắng. Một cách để hiểu ý ông là tôi phải tự thú nhận đã có một chút gì vô kỷ luật trong ngòi bút và lúc này là giai đoạn để tôi đi vào phép tắc và lấy lại sự nghiêm trang. Kể cũng nên biết thêm là ông chủ nhiệm vốn là một tư bản miền Nam tiếng tăm. Ông đã có một quá khứ gần bốn mươi năm với nghiệp báo. Ông là một gạch nối giữa thế hệ làm báo tiền phong và đám hậu sinh hiện tại. Ông rất mê nghề và đó là điều thiết tha có thể được của một người Việt vốn đã giàu có. Vẫn quan niệm của một phú ông, ông là người rất khoái trọng bằng cấp. Dĩ nhiên ông vẫn đủ sáng suốt để đánh giá một bài báo hay nhưng thêm vào đó nếu có ghi chú một dấu hiệu khoa bảng thì vẫn là điều được ông chủ nhiệm khoái hơn. Tỉ như cấp bằng Tiến sĩ Y khoa và tài viết phóng sự chiến trường tưởng như chẳng chút ăn nhập gì nhưng với ông đó là một ghi chú vinh hạnh và rất đáng quan tâm. Riêng với tôi thì cái nghề vẽ hay nói cho văn hoa hơn hai chữ hoạ sĩ chẳng được coi là một cấp bậc khoa bảng nên tên tuổi mình chỉ xuất hiện với một vẻ trần trụi đáng phàn nàn.

Rồi cũng như mọi buổi sáng khi tờ báo lên khuôn là lúc tôi có thể rời toà soạn xuống tán dăm ba câu chuyện gẫu với cô thư ký hay ra đầu ngõ kêu một ly cà phê bít tất đắng, ngồi nói chuyện tầm phào với bất kỳ người nào có mặt ở đó, thường là đám công nhân nhà in hay thợ sắp chữ. Cái còn lại của một ngày là tất cả sự vắng lặng êm ái. Từ một cầu thang xoắn ốc và mờ tối, không khí căn phòng như ngưng đọng lạnh lẽo. Những chiếc bàn máy đen sẫm im ngủ. Bàn ghế cũng có những tương quan chỗ đứng của chúng. Đôi khi sự quen thuộc cũng nhuốm vẻ xa lạ như ngày mới tới. Nếu còn vẽ chắc tôi có thể làm việc với những cảm giác đầu tiên như vậy. Bỏ xa khung vải tôi không tránh được những cảm giác nhớ nhung. Sau vụ cháy thiêu huỷ tất cả, tôi đã dứt khoát từ bỏ giá vẽ chưa biết đến bao giờ. Dù vậy mà ở lần triển lãm mới nhất tôi vẫn góp mặt với bốn bức tranh lớn, những bức tranh còn lại rải rác trong đám bạn hữu. Sự kiện có thêm tên tôi cũng không có gì để phản đối và thêm ý kiến. Nhưng điều ngạc nhiên là ngay trong buổi đầu, tôi là người đầu tiên có tranh bán được, ba trong số bốn bức. Riêng bức Mèo Đen Trên Thảm Hồng do một người đàn bà tên Như Nguyện hỏi mua, còn hai bức kia do một người khách Mỹ mà sau này tôi được biết là nhà báo Davis. Tranh tôi thuộc loại khó được ưa thích và vì khó bán nên giá thường rất cao. Cũng bởi vậy lần này tôi đủ tiền để trả những món nợ lớn, sắm thêm một bàn máy đánh chữ nhỏ và một ống ảnh thật tốt. Như một nhà nông hưởng vụ gặt trái mùa, tôi dứt khoát từ bỏ hội hoạ với những ưu đãi thật trễ muộn của nó.

Trời đầy bụi và nóng. Davis như đoán được sự bực bội của tôi tại các cơ quan khi sáng, anh quay sang hỏi dò ý:

“Tôi thì vẫn muốn được chính anh cộng tác, vả lại với danh hiệu một tờ báo Mỹ anh sẽ có tất cả giấy tờ một cách dễ dàng.”

Vì những giao kết với toà báo, lúc này tôi không thể trả lời dứt khoát. Tôi hướng sang bảo đùa Davis:

“Không kể ký giả ngoại quốc, chỉ vài phóng viên của hãng thông tấn chánh phủ mới có đặc quyền đó, tấm thẻ MACV cũng là một ưu thế nghề nghiệp có thể đem khoe.”

Sự thật vẫn được Davis cười như một châm biếm trào phúng. Chiếc Jeep chạy rất xóc trên một mặt nhựa bốc mù bụi đỏ. Dưới sàn xe sắp đầy ắp những bao cát khiến cuộc di chuyển thêm nặng nề. Chẳng thà chậm chạp như vậy khi đụng mìn người ta vẫn hy vọng còn mạng hoặc khỏi mất chân. Đã nằm trong vùng kiểm soát, ngày nào cũng có lính Mỹ đi mở đường nên con lộ khá an ninh. Dù không sợ những vụ tấn công hay phục kích, nhưng vài lần trong tháng cũng không tránh được những chuyến đụng mìn hoặc các vụ bắn sẻ. Viên cố vấn Mỹ khuyên nên đi trực thăng nhưng không có bởi vậy chúng tôi quyết định mượn xe di chuyển bằng đường bộ. Davis bảo:

“Ở Việt Nam phương tiện di chuyển là cả một vấn đề, có khi phải mất nhiều ngày để tới một nơi chỉ xa hai ba chục cây số.”

Tôi cười bảo điều đó càng đúng khi khu vực hoạt động lại là vùng cao nguyên. Cũng trên con đường này, ông mục sư bị tụi nó bắn trúng vai khi lái xe về buôn lúc xẩm chiều. Vậy mà ông vẫn cố chạy gần mười cây số đường núi về tới nơi mới ngất vì mất quá nhiều máu. Cộng sản vẫn coi các nhà truyền giáo da trắng là những chiếc gai mà họ muốn nhổ đi, nhất là với bác sĩ Denman.

“Davis, anh cũng muốn lái xe một tay như ông mục sư sao?”

“Nếu biết sắp được về Mỹ chắc tôi cũng ngán, chứ còn phải sống lâu dài với cuộc chiến tranh này... Những lính Mỹ mới sang Việt Nam đều như vậy cả, can đảm liều lĩnh chẳng biết sợ là gì vậy mà đến những ngày cuối sắp về nước, anh nào còn nguyên vẹn sống sót đều nhát như cáy, về đến Sài Gòn rồi vẫn còn sợ chết vì lựu đạn hoặc vì plastic.”

Tôi cười bảo điều đó chắc là không đúng với bọn lính Mũ Xanh. Davis công nhận ý kiến đó và cho biết họ là một bọn người ngoại khổ:

“Họ là một giai cấp mới của triều đại Kennedy, ngoài khả năng ưu tú giết người thì đó là một bọn cứng đầu vô kỷ luật, nhiều tướng lãnh Mỹ vẫn không chịu nhìn nhận họ là một thành phần nghiêm chỉnh của quân đội như các binh chủng khác.”

Phải mất hơn ba giờ để vượt qua một đoạn đường không quá bốn chục cây số. Chúng tôi bắt đầu đi vào một buôn Rhadé rất lớn. Đó là một bộ lạc tương đối văn minh, nổi tiếng là hiếu chiến và chuyên sống về săn bắn. Do ảnh hưởng của viên mục sư, một số khá đông đã theo đạo Thiên chúa. Những mái nhà chòi thấp thoáng dưới tàn cây. Những đứa trẻ đen đủi trần truồng thấy xe lạ chạy ra hò reo mừng rỡ. Đám đàn ông vác mác và đeo gùi, đầu tóc cứng xù da cháy nắng, lẹ làng đứng nép cả vào men lộ. Họ nhe cả lợi ra cười, dạn dĩ quen thuộc với máy móc và văn minh. Qua khỏi một nhà Rông là tới chỗ ở của bác sĩ Denman. Căn nhà đứng biệt lập và gần trại Lực lượng Đặc biệt. Ở đó vẫn là thứ vũ trụ tinh khiết của thế giới người da trắng với tất cả tiện nghi của một xã hội sung túc Tây phương. Bàn thờ Chúa sáng rực ánh điện, máy truyền thanh, tủ lạnh và những thực phẩm nguồn gốc mang từ bên Mỹ. Ở góc nhà là cả một điện đài tài tử. Davis giới thiệu tôi với bác sĩ Denman. Tôi đã từng biết tiếng ông mục sư, đọc các bài điểm sách của ông trên các tờ báo lớn, được nghe những huyền thoại rất khác nhau về ông. Chính danh ông là một mục sư truyền giáo, một nhà ngữ học, một giáo sư chuyên về khoa nhân chủng, tác giả của bộ sách nghiên cứu nổi tiếng Ethnic Groups of Mainland Southeast Asia. Là một người Việt đọc sách ông, tôi cũng tự ngượng do sự thiếu hiểu biết về đất nước mình. Và điều lạ lùng là các chuyên viên về vấn đề Việt Nam thường là những giáo sư ngoại quốc, trước kia là Pháp bây giờ là người Mỹ. Hiện thời trên cao nguyên, ông mục sư là người có rất nhiều ảnh hưởng, nhờ ông mà LLĐB Mỹ xây dựng được những cơ sở đầu tiên trên các bộ lạc hẻo lánh. Vùng ảnh hưởng của ông mục sư cũng là vùng mà ảnh hưởng cộng sản bị đánh bật. Sống ở cao nguyên nhiều năm, ông rất được cảm tình của một số đông dân Thượng, vì những giúp đỡ thực tế đem lại cho họ. Cũng vẫn theo Davis thì gần đây, nhờ sự tiếp tay của LLĐB Mỹ, bác sĩ Denman thiết lập được một bệnh xá và mở rộng tầm hoạt động ra xa hơn. Ngoài tiếng Việt nói lưu loát, ông mục sư còn thông thạo một số thổ ngữ. Ông thiên về hoạt động xã hội và nghiên cứu hơn là công tác truyền giáo. Công việc sau này đã có sự giúp sức đắc lực của bà vợ. Hai ông bà chung sống với một đứa con gái tám tuổi, chính nó được sinh hạ ngay giữa vùng đồng núi hoang vu của cao nguyên. Ông mục sư tự tay giót vào những ly sứ trắng dòng cà phê bốc hơi đặc sánh, ông nói:

“Cà phê trồng trên này có vị thơm đặc biệt, cả trà cũng vậy nữa. Tôi tin là không thua bất cứ loại cà phê nào ngon nhất của Nam Mỹ.”

Ông nâng ly nhắp một chút để tự tán thưởng rồi tươi cười quay qua hỏi thăm tôi. Ông sẵn có những cử chỉ vồn vã quen thuộc. Rồi ông đưa ra nhận xét về cái giá trị đáng phàn nàn của báo chí Việt ở đây. Ông có những nhận định chỉ xác đáng với phương tiện phong phú và nền dân chủ quá rộng rãi của nước Mỹ. Riêng tôi thì chờ đợi ông ở một lãnh vực khác. Ông vẫn hỏi ý kiến tôi về những nguyên nhân, tôi chỉ trả lời chiếu lệ, đổ lỗi cho thiếu phương tiện và những khắt khe của chế độ kiểm duyệt. Rồi ông lại xoay qua bàn tới sự cần thiết giới hạn tự do báo chí trong những xứ đang có cộng sản, ông nhắc tới trường hợp của một vài nước Nam Mỹ mà ông đã kinh nghiệm để tự biện minh.

Như đoán được sự nôn nóng chờ đợi của tôi, Davis nhắc ông mục sư về mục đích cuộc gặp gỡ. Nhưng vẫn không có vẻ gì vội vã sốt sắng, ông thản nhiên kể sang một chuyện khác. Ông nói:

“Sáng nay tôi tới thăm một buôn Rhadé cách đây chừng tám cây số, tình cờ tôi phải chứng kiến một cuộc mua bán giằng co giữa một người Mỹ và viên tù trưởng. Viên Đại uý LLĐB thì nài nỉ mua cho được ít thớt voi để vận tải tiếp tế cho mấy trại tân lập trong rừng rú, thương lượng giá cả mãi cũng chẳng được, tức mình viên Đại uý phải hằn học hét lên: - Sao ông không chịu giúp chúng tôi diệt hết bọn cộng sản, thì đằng nào tụi nó cũng là người Việt mà ông thì muốn giết bọn họ có phải vậy không? ... Và kết quả thật kỳ lạ không ngờ, các anh có biết sao không, chỉ với một giá rẻ mạt, viên Đại uý có ngay số thớt voi cần thiết.”

Kể câu chuyện đó, bác sĩ Denman không bày tỏ một thái độ nào. Đến lúc này ông mới bắt đầu đi vào câu chuyện chi tiết:

“Theo tôi trên thực tế vẫn có mối cừu hận thường xuyên giữa đám dân miền núi và số người Việt ở đồng bằng, tất cả bắt nguồn từ một mặc cảm kỳ thị và khinh bỉ; mối tương quan Kinh Thượng hết sức suy đốn do bởi những đối xử tệ hại của đám người Kinh với một thiểu số mà họ khinh miệt quen gọi là Mọi. Thực sự cũng có những người Thượng học thức, họ vẫn chẳng được tham dự chánh phủ, họ không được hưởng thêm một quyền lợi gì khi làm một công dân Việt Nam. Đôi lúc họ lại bị ném lên xe như những con vật, chở về thành phố để đón rước một số ông lớn tới thăm họ. Mỗi lần như vậy là họ phải giết trâu ăn thề làm lễ rửa chân đeo vòng để tỏ sự trung thành và tình thân hữu đối với quan khách. Sau đó họ lại bị ném trả vào rừng núi, tiếp tục cuộc sống đói khát thiếu thốn.”

Miệng vẫn bập đều chiếc píp, từng làn khói xanh thở ra mơn man. Ông mục sư có một lối nói chuyện rất bình thản. Biết ông còn là một nhà nhân chủng, tôi hỏi ông về những yếu tố chủng tộc trong những mâu thuẫn dị biệt hiện tại. Ông nói:

“Theo lịch sử truyền kỳ thì cả miền Trung và cao nguyên xưa kia là của người Thượng với kinh đô ở gần bờ biển phía đông, có lẽ là tỉnh Nha Trang hiện giờ. Những người già cả còn sống sót cũng kể lại rằng quê hương ông cha họ trước kia cũng ở phía mặt trời mọc, cho đến vị vua cuối cùng của họ vì say mê cưới một nàng công chúa người Việt ở phương Bắc, và chính nàng công chúa này đã âm mưu hãm hại nhà vua. Kể từ đấy họ hoàn toàn bơ vơ không ai hướng dẫn và bị người Kinh tàn ác xua đuổi họ vào mãi tận rừng sâu sống khổ cực cho đến ngày nay.”

Bản chất thơ mộng của tôi lại bị kích thích mãnh liệt vì một quá khứ bi đát nhưng đầy lãng mạn của một dân tộc bị điêu đứng chỉ vì tật mê gái của nhà vua. Có tiếng Davis xoay qua hỏi bác sĩ Denman về kết quả của những ấp Tân sinh Thượng. Ông mục sư chán nản lắc đầu cho biết:

“Họ bị khinh bỉ về tinh thần, chịu sự bóc lột tàn nhẫn về kinh tế, đa số người Thượng chán ghét gia nhập xã hội đời sống người Việt. Đang tự do sống quen thuộc giữa thiên nhiên và rừng núi, họ bị cưỡng bách tập trung vào những làng ấp của chánh phủ, đó là những thay đổi khó chịu về nếp sống, hơn nữa an ninh của họ cũng không được bảo vệ. Mỗi đêm cộng sản lại mò về hăm doạ quấy nhiễu cướp bóc thực phẩm của họ. Nhưng nếu họ tìm cách thoát ly cả hai phía chánh phủ và cộng sản, bằng cách trốn ra ngoài xây dựng những buôn ấp riêng thì chính họ lúc đó trở thành mục tiêu cho không lực chánh phủ bỏ bom oanh kích không chút thương tiếc. Nói tóm lại họ không còn gì, kể cả tương lai tồn tại của dân tộc họ.”

Bức tranh Kinh Thượng được ông mục sư mô tả thật u tối. Sau khi gõ lanh canh chiếc píp trên một chiếc khay gỗ, ông mục sư lại bậm môi nhả những cụm khói xanh biếc. Ông có đủ cái phong thái nhàn nhã của Đông phương, không có cái vội vã thôi thúc của cuộc sống nơi thành phố. Khác hẳn với khuôn mặt mà tôi đã tự vẽ trong trí tưởng, ông có tất cả vẻ hiền lành vô tội. Tôi chú ý tới vết thương ở vai ông đã trở lại bình thường, cử chỉ của ông vẫn giữ được sự mềm mại đầy bao dung. Với một giọng điệu nhiều bày tỏ ông mục sư tiếp:

“Kể từ khi kế hoạch bình định cao nguyên rơi vào tay người Mỹ, đã có nhiều điều được cải thiện. Khác hẳn với người Việt, dân Thượng sống rất thoà thuận với những người lính da trắng. Họ tin cậy vào các viên chức này sẽ bênh vực họ. Những lãnh tụ Thượng khi gặp tôi họ đều có vẻ tin tưởng rằng sau người Pháp, người Mỹ có thể giúp họ kiến thiết lại một xứ cao nguyên tự trị. Đó là nguyện vọng của dân tộc họ, tôi không có thêm ý kiến. Nhưng có một điều rất lạ lùng là người Việt tỏ ra rất nhạy cảm về vấn đề chủng tộc như vấn đề đen trắng ở Mỹ, vậy mà chính họ dường như không thấy được vết nhơ đó ngay tại quốc gia này với không thiếu những áp bức đen tối. Và sự tiếp tay giúp đỡ của người Mỹ vẫn bị tai tiếng vi phạm chủ quyền hay xâm lấn nội bộ của người Việt. Chính tôi cũng không hiểu tại sao.”

Trong cuộc gặp gỡ này tôi thấy không có lợi gì để gây ra một cuộc tranh biện nhiều mâu thuẫn. Tôi chỉ muốn gợi chuyện để nghe ông mục sư nói. Tôi cũng nhắc tới một bài báo ở Mỹ chỉ trích gay gắt rằng cường quốc Mỹ trợ giúp Việt Nam để chống cộng nhưng không lý gì sức mạnh hoả lực của Mỹ lại cùng một lúc tiếp tay cho quốc gia cỏn con này thực hiện giấc mộng ngớ ngẩn về đế quốc của họ trên những thiểu số chủng tộc khác. Tôi cố tưởng tượng ra một khuôn mặt đế quốc của đám cùng dân nghèo khổ bị ông Diệm cưỡng bách bỏ làng mạc đi vào rừng khai hoang với từng tấc đất. Tôi cũng nói ý nghĩ đó ra với ông mục sư nhưng giọng ông vẫn lạnh lùng mai mỉa:

“Cũng không hoàn toàn là như vậy. Sự vùng dậy của những dân tộc nghèo khổ cùng cực cũng vẫn có những lý lẽ chánh đáng của nó.”

Tôi phải kìm hãm để khỏi có phản ứng giận dữ. Một điếu thuốc ấm giúp tôi lấy lại sự bình tĩnh. Bằng một giọng tình cờ tôi hỏi ông mục sư:

“Với bức thư gửi ông Đại sứ Mỹ và cả Liên Hiệp quốc của nhóm lãnh tụ Thượng, dường như ông mục sư đã nhiều lần được họ hỏi ý kiến.”

Chỉ thoáng một dấu kinh ngạc, nét mặt ông mục sư lại không gợi thêm một cảm xúc gì sau đó. Ông mục sư hỏi tôi đã biết gì về nội dung bức thư. Tôi trả lời đã có đọc và không chắc gì giống với nguyên bản. Sau một chút do dự nhìn tôi và đưa mắt thăm dò Davis, ông mục sư trở lại giọng thản nhiên của khi nãy:

“Như tôi đã nói vừa rồi, mọi sáng kiến là của họ, tôi không có ý riêng để bàn góp. Hơn nữa tôi không muốn để xảy ra những ngộ nhận có hại cho cánh đồng truyền giáo của tôi tiến triển rất tốt đẹp từ hơn mười năm nay. Cộng sản gán cho tôi đội lốt mục sư làm gián điệp tay sai đế quốc Mỹ, điều đó không làm tôi khó chịu vì nó nằm trong sách lược bôi nhọ và tuyên truyền của cộng sản. Nhưng còn mọi phía khác tôi rất muốn giữ tiếng. Tôi đã nhiều lần từ chối nhưng họ thì van nài tôi giúp. Điều mà tôi nhận làm chỉ là dịch bức thư đó ra các bản tiếng Anh và tiếng Pháp, rồi họ đánh máy ra nhiều bản để gửi cho ông Đại sứ, ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc và nhiều nơi khác. Sau đó xảy ra cuộc bạo động đẫm máu, như anh đã biết, là điều mà tôi hoàn toàn không đồng ý và tôi không còn liên lạc nào với họ nữa. Vậy mà sau đó tôi gặp biết bao nhiêu khó chịu và ngộ nhận về phía một số người Việt nhất là với ông tướng Thuyết.”

Một vài điều hiểu biết của tôi đã như sợi dây vô hình ràng buộc tôi với ông mục sư vào câu chuyện. Hướng về phía tôi, bằng một dáng điệu bày tỏ ông muốn gây nơi tôi một không khí tin cậy. Ông mục sư bảo có thể đưa cho tôi coi bức thư nếu tôi muốn, nhưng theo ông thì chưa phải lúc để đưa lên mặt báo. Vì làm như vậy ông tự thấy là không “fairplay” với những người đã tin cậy ông và họ đang theo đuổi cuộc tranh đấu.

Mục sư Denman đi về phía tủ sách, Davis thì đang ngồi nói chuyện với bà mục sư, thỉnh thoảng hai người lại cất tiếng cười to có vẻ tương đắc. Từ phía tủ nói vọng lại, bác sĩ Denman còn cho biết vì có sự bao vây rình rập của chánh quyền Việt Nam thời bấy giờ, nhóm đại diện tranh đấu xuống Sài Gòn không sao tiếp xúc được với toà Đại sứ Mỹ và cũng theo ông ta thì vì họ quá khẩn nài, ông đã giới thiệu họ với một đồng nghiệp lúc đó đang dạy Đại học Huế, giáo sư Milton Ross. Và sau đó bức thư dường như đã êm thấm tới tay ông Đại sứ Mỹ qua sự chuyển giao trực tiếp của ông Viện trưởng Đại học Michigan. Tôi ngạc nhiên về vai trò hiện diện của giáo sư Ross trong biến cố này. Davis đang mải nói chuyện với bà mục sư nên có vẻ không quan tâm. Denman trở lại trao vào tay tôi một tập bìa cứng kẹp giữa những trang giấy đánh máy. Tôi không hy vọng gì có trong tay những tài liệu quý như vậy, đây là cơ hội bắt buộc tôi phải vận dụng tất cả trí óc để ghi nhận. Tôi chọn lấy bản Pháp văn đọc rất nhanh và giản lược mọi chi tiết. Những dòng chữ tràn lan chỉ gồm những lời kêu than thống thiết. Tôi thấy khổ tâm để biết thêm những điều đó. Nỗi cảm xúc của tôi như đang bị theo dõi. Khi nhìn lên, tôi bắt gặp vẻ mặt rất lạ của ông mục sư. Ánh mắt ông vẫn chứa đầy những nghi vấn dò xét. Đọc tới những dòng cuối với những tiếng những chữ là mũi kim đâm trong óc. Ông mục sư cũng cho biết là dường như có cuộc tiếp xúc và hứa hẹn giúp đỡ trong giới hạn có thể được của toà Đại sứ. Sau đó nhóm lãnh tụ tranh đấu tỏ vẻ thất vọng vì những hậu thuẫn quá yếu ớt không được như ý họ mong muốn. Một số đã bắt đầu có liên lạc với cộng sản cốt để làm săn-ta với chánh phủ Mỹ. Một số khác ly khai rút vào rừng với đủ khí giới tính chuyện trường kỳ chiến đấu, dù có hay không sự giúp đỡ của Hoa Thịnh Đốn.

“Anh cũng thấy sự khó khăn về phía người Mỹ là thế nào.”

Tôi trả lại bức thư cho bác sĩ Denman khi đã tự cho là nhớ tạm đủ để có thể ghi lại trên bàn máy vào buổi tối. Buổi chiều hôm đó, tôi và Davis ở lại dùng cơm với ông bà mục sư. Nhằm ngày lễ, tôi vẫn được bà Denman mở cho ăn riêng những món thịt hộp. Chúng tôi uống cả rượu, không phải thứ rượu cần đựng trong hũ và uống bằng ống hút mà là whisky rất gắt... Tất cả đơn giản trong không khí ấm áp. Nhìn lên tường là bức tượng Chúa Vàng. Chưa bao giờ xem tranh tôi lại thấy cảm động như vậy. Quên đi nỗi giận hờn và những tham vọng đấu tranh nhọc mệt, bỗng chốc thấy mình trở lại bản chất một con người đa cảm và như chưa từng bao giờ, tôi tự thấy mình thực sự là một hoạ sĩ. Nửa đêm trở về tuy có hơi say nhưng chưa bao giờ tôi tìm lại được sự hứng khởi làm việc đến như vậy. Vào bàn máy ghi lại bức thư chỉ còn lại một phần ba với những nhận xét đáng chú ý của cuộc nói chuyện buổi tối.