CHƯƠNG 1

rời xế bóng nhưng những tia nắng quái vẫn còn gay gắt chiếu vào khu chợ giờ đây đã thưa thớt bóng người. Cái tất bật bương bả không còn nữa. Chợ làng chỉ là khoảng sân đất nện phẳng lì, tứ bề trống hoác, dăm  cái cột lỏng khỏng đỡ  mái lá tạm che mưa nắng.

Trên cái sạp xập xệ, xiêu xiêu, người đàn bà ngồi bất động, đầu hơi vẹo, dáng vẻ mệt mỏi, lát lát lại tì cằm lên đầu gối, lờ đờ nhìn ra trước. Nụ cười mời khách cũng đã mỏi không tươi như buổi sớm nếu không nói chỉ còn như cái nhếch mép, tuyệt nhiên không đon đả mời chào.

Có ai đó tiến sát lại gần nhìn xuống cái mâm leo teo vài miếng bánh đúc. Chị mở miệng mời bằng những lời nhát gừng. Đã lâu từ khi đứa con nhỏ không còn nữa, chị mất luôn cái cảm giác xốn xang bồn chồn, chưa ngồi xuống bán đã lo về nhà, chưa sáng đã lo chiều.

Nắng lùi dần đọng lại nơi góc chợ chỗ chị đang ngồi nhưng chị  vẫn không buồn nhúc nhích tránh nắng.

Chợ chiều đã hoàn toàn vắng vẻ xác xơ. Chả còn gì ngoài ba cái mẹt hàng ế ẩm vo ve những đám ruồi nhặng. Chợ ngập ngụa rác. Lá sen, lá chuối dập nát héo úa  vung vãi trên nền đất. Cơn gió lướt qua cuốn theo đám bụi cùng vài mảnh giấy đốt vía xui xẻo chưa cháy hết bay lên vướng trên cái mẹt, lác đác bám vào bề mặt đã khô se  của những miếng bánh đúc. Người đàn bà vẫn ngồi thẫn thờ trong cái không khí  tanh tưởi  khắm khú ủng thối  của bao thứ vứt bỏ đang bốc mùi. Cái váy đen thô nhàu nát, lưng lưng bắp chuối để lộ bàn chân trần đầy vết xước vì quen tiếp xúc với nắng mưa, bụi bẩn với chai sạn gồ ghề của đất đá.

Thừ người ra thế không biết bao lâu đến nỗi không nhận ra  chẳng còn ai trong chợ.

Chợ im lìm khi nắng chiều sắp tắt, lại ngồi thu lu một đống trong góc, người đàn bà càng chìm đắm trong những suy tư mông lung. Ngày mai là ngày giỗ nó. Mới đó đã tròn năm. Đứa con đang lẫm chẫm biết đi tại sao lại rớt xuống ao được kia chứ?. Có thể nó ngủ trưa dậy không thấy ai, bà hàng xóm vẫn hay nhờ, hôm đó  mắc việc bất thình lình không về kịp đã một lẽ, còn bố nó? Bố nó làm gì mà để nó ra bờ ao? Hắn ta say! Lúc nào cũng say. Con ngủ dậy không thấy ai chắc chắn nó mếu máo chạy ra cửa rồi có thể nó ngồi mé hiên vừa khóc vừa gào chị.. sao nữa nhỉ?.

Phải có cái gì khiến đứa bé như nó mò mẫm ra tận bờ ao chứ! Có thể nó thấy con bướm đậu  trên những bông bí vàng gần đó?. Hay con chuồn chuồn đít đỏ?. Chuồn chuồn hay bay là là trên mặt nước con thấy lạ chạy theo rồi rơi tỏm xuống ao. Mà cũng biết đâu chừng tại cái con ếch ngồi trên lá súng  kêu ộp ộp mỗi chiều cũng nên. Trời ơi sao vô vàn những điều xung quanh đe doạ con tôi thế! Con nít mà! Cái gì chẳng lạ, có hiểu gì! Đã biết sợ đâu! Đến khi biết sợ thấy đau, hơi thở không còn nữa.

Người đàn bà gục đầu xuống đầu gối khóc rưng rức kể lể: "Tép ơi! Sao con bỏ mẹ ra đi sớm vậy hả con? Sao con không về báo mộng  cho mẹ hay tại sao con rớt xuống ao? Con có còn đau còn lạnh không con? Mẹ không bỏ bê con! Mẹ tần tảo sáng chiều chỉ vì con thôi  Tép à! Mẹ dặn dò người ta, nhắc nhở bố con để mắt tới con không biết bao lần!"

Khóc một lúc như chợt nhớ ra chỉ còn một mình một chợ, chị đưa tay áo lên gạt nước mắt vội đứng lên xốc gánh hàng, rảo bước, dáng vẻ cam chịu chìm dần trong bóng hoàng hôn. Con nhỏ không còn nữa, tình cảm vợ chồng hoàn toàn tan vỡ. Chị đi về ầm thầm như cái bóng, chồng hỏi gì, nói gì cũng ừ hử cho qua hoặc câm lặng.  Không khí trong nhà càng nặng nề nồng nặc mùi rượu, chồng chị càng bét nhè.  Khi con còn sống nếu hôm nào chồng say chị còn chịu khó dìu vào tận tấm phản, chăm sóc, thức  trắng, cho đến khi anh ta tỉnh hẳn mới quầy quả gánh hàng ra chợ bán. Tất cả vì đứa con trai lẫm chẫm bập bẹ đáng yêu. Chị mong lắm tiếng reo non nớt của con khi nhận quà mẹ cho, lúc tan chợ chiều. Con chính là nguồn sức mạnh vô song khiến chị chịu đựng cảnh say sưa tối ngày của chồng. Bây gìơ hết rồi, nguồn sức mạnh ấy không còn nữa.

Vừa lầm lũi đi chị vừa suy ngẫm quãng đời bất hạnh đã qua của mình. Từ cái buổi chiều nhìn thấy thân thể bé nhỏ của con được người ta xốc ngược lên vai, đầu nó chúc xuống. Ngưòi ta chạy đi chạy lại nhiều vòng nhưng thằng bé không tỉnh lại. Chợt nhận ra sức mạnh giúp mình vượt qua mọi khổ nhọc đã không còn, ôm xác con trai, vật báu duy nhất trên cõi đời này, chị ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần trước khi buộc phải trả con về với lòng đất.

Từ đó hình như lúc nào chị cũng chơi vơi trong nỗi nhớ. Chồng chị bây giờ  là của nợ, cái gánh nặng chị không muốn oằn lưng ra chịu nữa. Nhưng cũng không biết bao giờ thoát nợ. Thoát bằng cách nào đây? Mong lắm cái ngày ấy. Mặc dù đôi khi tỉnh táo suy ngẫm thấy đó chỉ là mơ ước hão huyền. Nỗi đau mất con cứ gặm nhấm tâm hồn. Không gì có thể xoa dịu. Đau quằn quại, có khi quay quắt đến nỗi quên con đã mất, đang bán hàng tấp nập tíu tít, chị bỗng dưng thu dọn quên cả lấy tiền của khách tất tả về nhà. Khi về trước ngõ, cửa nhà vắng vẻ đìu hiu, không nghe tiếng con, chỉ toàn giọng lè nhè của chồng từ trong nhà phát ra, bừng tỉnh ngồi bệt xuống hiên nhà, chị bưng mặt khóc réo tên con: “Tép ơi! Tép ơi! về với mẹ đi con”.

Chị đã đi qua cổng làng. Lâu lâu  kéo cái chéo khăn đội đầu quệt mồ hôi, hổn hển tăng nhịp bước để còn về xay gạo xào bột gói bánh cho kịp sáng sớm  luộc cúng con nhân dịp giỗ đầu. Những căn nhà le lói ánh đèn dầu. Đây là lúc mọi người đang quây quần  bên mâm cơm. Hình như chỉ còn chị bước ầm thầm trong bóng tối. Tiếng côn trùng  rỉ rả.

Đột nhiên chị dừng lại trước một căn nhà bề thế nằm lọt giữa khu vừơn đầy những chậu cây cảnh. Tất cả các phòng chỗ nào cũng lập loè ánh nến. Dãy hoa sứ đang toả hương thơm ngào ngạt, theo làn gió bay ra tận ngõ. Mệt mỏi chán chường tạm lắng, chị thò đầu qua cánh cổng cất tiếng gọi:_ Sa ơi! Vân Sa ơi!

Có tiếng chó sủa tiếng guốc khua, bóng người xuất hiện trên lối đi nhìn về hướng cổng hỏi:

_ Ai đó?

Nhận ra giọng người quen chị trả lời:

_Bôn đó à? Mai mời em với Sa qua nhà chị chơi, mai nghỉ một bữa nhân tròn năm ngày mất  cu Tép.

Bóng đen không tiến lên mà nói với ra:

_ Được rồi chị! Tụi em không quên đâu! Sao về trễ thế? Cứ về nghỉ đi mai tụi em qua sớm.  Sa vừa mới nhắc cu Tép của chị đó!

Người đàn bà quẩy gánh quay gót vừa đi vừa đáp trả:

_Ừ chị về đây!

Cuối cùng chị ta cũng dừng lại trước một mái lá, thở dốc lấy khăn lau mồ hôi quanh cổ. Chỉ một thoáng chị đã khuất dạng dưới cái chòi tối tăm tựa như cái cửa hang đen ngòm bốc mùi chua loét. Mùi mồ hôi, mùi rượu. Chị đẩy cánh cửa bếp len vào, khép lại nhẹ nhàng.. Mò mẫm trong bóng tối một lúc rồi đánh lửa. Ánh sáng yếu ớt in bóng chị lên bức vách. Cúi xuống khêu to ngọn đèn,  cầm dĩa dầu leo lét tiến lại góc khuất của bếp,  chị thắp nén hương.

Góc khuất này chính là nơi để bát nhang cũng là nơi duy nhất chị muốn sà lại ngồi thật lâu mỗi khi từ chợ về. Ngoài cái góc này, chả còn gì để vương vấn nữa.  Từ lâu chị chỉ còn lửng lờ như cái bóng. Xa rồi những ngày tháng con trai bé bỏng vừa ăn cơm vừa bi bô  líu lo kể đủ thứ chuyện, kể tội bố nó với cái giọng ngọng líu khiến chị cứ cười rũ ra. Dầu ao ước trăm vạn lần con cũng không thể sống lại.

Nén hương cháy đỏ, khói bay lên làm ấm góc nhà lạnh lẽo khiến nỗi nhớ con nhẹ đi. Hạnh phúc ngắn ngủi quá, đâu rồi cái thời được đu mình trên võng ru con trước hiên nhà, cu Tép nằm gọn trong lòng say giấc sau mỗi lần bú no nê,  thời cơm bưng nước rót mỗi khi chồng đi làm về đói quá sà xuống mâm cơm cắm đầu ăn hối hả.

Ôi! mái ấm nho nhỏ vang tiếng cười trẻ thơ…cái thời ấy sao xa xăm quá như  chưa từng có bao giờ hay đó chỉ là giấc mơ?  Từ ngày con mất, hắn ta, cái thằng chồng khốn nạn lại càng uống rượu như hủ chìm. Trước hắn còn đi cày, trông ruộng cho ông Mạc, ông chủ có cánh đồng cò bay thẳng cánh, lại có nghề dệt lụa và là em ruột ông hương trưởng.  Cũng có lúc hắn ta được ông tín nhiệm trông coi việc nhuộm lụa với anh Bôn mỗi khi có dịp tiến cung vua. Chỉ vì không muốn lao động siêng năng nặng nhọc, muốn có tiền nhiều muốn làm giàu nhanh chóng chokhoẻ thân  nên làm được bao nhiêu  cũng nướng vào cờ bạc ăn thua.

Từ bạc đến rượu nào có xa gì?. Say bí tỉ cờ bạc bệ rạc, ông chủ đuổi việc. Không có tiền hắn chờ chị sơ hở là ăn cắp  đi đánh bạc. Càng đánh càng thua, càng thua càng uống rượu. Cái vòng luẩn quẩn loanh quanh. Hết chôm tiền được, hắn chờ chị ra khỏi nhà là chôm đồ đạc, đắt rẻ gì cũng bán tuốt tuột. Căn nhà ngày càng trống trải, mái thủng mái xiên hắn cũng mặc. Ngõ ngách trong nhà đâu đâu cũng nồng nặc mùi rượu. Gáo dừa múc nước trong lu cũng nặc mùi rượu.  Lúc nào hầu như cũng thấy hắn ta không lê la lả lơi trong quán nhậu cũng nằm chình ình ngoài đường  vỉa hè. Hắn nhậu từ sáng đến tối. Lúc nào cũn ngà ngà hơi men chưa bao gìơ thực sự tỉnh táo. Con nợ có kéo tới đòi cũng chỉ uổng công. Ăn vạ cái đầu gối còn hơn. Mọi người ngày càng xa lánh  dần. Nhiều khi uất ức đau đớn vì bị chồng đánh đập, áp bức bóc lột trắng trợn, chị gào lên  khóc lóc, kêu cứu nhưng chẳng ai buồn chạy lại dòm vào trong cái chòi lụp xụp lộn xộn như cái chuồng heo này làm gì. Đau mãi, kêu mãi, khóc mãi rồi cũng hết. Tất cả chìm vào im lặng. Ngày mai chị lại gánh hàng đi bán từ tờ mờ sáng chỉ trở về khi đã nhọ mặt người.

Tiếng ngáy phát ra từ phía ngoài cùng tiếng trở mình, chõng tre kêu kẽo kẹt. Tiếp đó một tràng ho sù sụ xen lẫn với văng tục. Chị cầm đèn dầu đi ra.  Ánh sáng lờ mờ nhợt nhạt nhưng cũng đủ cho chị thấy mọi vật. Một khối lù lù trên cái chõng tre. Cái mẹt dưới đất ngổn ngang lỏng chỏng đủ mọi thứ. Rau sống, vài ba miếng dồi heo đen thui nham nhở. Những thứ này  hắn vẫn bảo là “đưa cay”. Những chén rượu nằm lăn lóc ngổn ngang, cái nguyên, cái mẻ, cái vỡ tan tành.

Chị nhìn lướt một vòng, lãnh đạm thờ ơ quay gót trở lại bếp thì nghe một giọng khàn khàn: “Cái con đĩ kia!  Đi đâu giờ này mới về. Mày đú đởn với thằng nào mà tối thui mới mò về tới? Khốn nạn thân ông chưa, chờ con đĩ đến rã cả người. Mày có đưa tiền cho ông mua cút rượu không thì bảo? Mấy hủ rượu nếp dưới bếp đâu rồi?  Mày bán mẹ mày đi rồi phải không con kia? Mầy bắt ông ngày nào cũng ra quán mụ Dậu ăn chịu phỏng? Đưa ông tiền hay để ông nện bể đầu mới nghe?"

Chị dừng không bước tiếp quay đầu lại. Khuôn mặt bì bì, hơi thở phều phào nồng nặc rượu nhìn phát tởm. Chồng đó ư? Người chồng mình cưới bốn năm trước đó ư? Đâu rồi thân hình lực lưỡng, cặp mắt sáng đầy hăm hở thiết tha?. Không còn chút gì của ngày tháng cũ. Hai mí mắt múp míp, lúc nào dường như cũng sưng húp lờ đờ, lâu lâu lại nhứơng lên ti hí như mắt heo hầm.

Tức quá! một ý định quái gỡ loé lên trong đầu, chị muốn cầm con dao chém tơi  bời lên cái thân thể mềm nhũn, say bét nhè kia mới hả dạ. Không biết từ lúc nào sự đau đớn câm lặng khiến chị đôi khi có những ý nghĩ lạ lùng. Muốn phá tan, đập bể  lu vại,  nồi niêu bát đĩa chứ không muốn giữ gìn nâng niu cần kiệm nữa. Mọi thứ trong nhà này đều vô nghĩa kể cả khối thịt đang cục cựa kia.  Nhưng chợt nhớ ngày mai là ngày thằng bé  mất được một năm, chị vội vã thoát ra khỏi  ý nghĩ điên rồ ấy đi nhanh ra phía sau bếp, săm soi, lôi cái cối đá tính xay  gạo xào bột gói ít bánh. Chưa kịp múc gạo ra rá một bàn tay từ phía sau nắm vai chị siết mạnh. Giật mình quay người lại, thì ra hắn ta. Hắn đang nhìn chòng chọc vào chị. Chị hất tay hắn ra. Hắn gầm gừ rồi bất thình lình xô chị thật mạnh làm chị ngã chúi vào trong góc, chưa kịp gượng dậy hắn ta nhào tới kéo ngược  lại bồi thêm cú đá khiến chị ngã bật ngửa dưới đất. Bị đánh bất ngờ nhưng chị cũng nhận ra sau giấc ngủ hắn đã tỉnh rượu. Trong bóng tối lờ mờ mặt hắn không đỏ mà nhợt đi, hắn mạnh kinh khủng. Hắn vờ say để tra khảo tiền mình đây! Chị cũng kịp nhìn thấy cái góc lúc đầu mình ngã xuống là nơi để bát nhang con trai giờ đã vỡ tan tành. Cái góc khi còn sống có lúc đứa con nhỏ tội nghiệp đứng nép vào khóc thút thít khi thấy bố mẹ rên la đấm đá, biến túp lều tranh thành địa ngục trần gian. Cái góc ấy, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi leo lét ấy đã khiến cho niềm hận thù của chị có lúc vơi lúc đầy nhưng không bao giờ trào dâng đến nỗi mất cả lý trí. Thế nhưng giây phút này khi nhìn thấy bát nhang nhỏ bé của con bị vỡ tan, tro nhang, chân nhang văng tung toé, xót xa đến lịm người đầu óc cứ như tê dại đi. Cùng lúc đó thấy như có con gì bò buồn buồn ở phía dưới, nhìn xuống, máu lan ra đất, dính vấy cả hai bắp chuối. Từ khi làm vợ làm mẹ hình như chị đã nếm đủ vị ngọt bùi cay đắng trong thân phận của một người đàn bà. Ngọt bùi ít, đắng cay nhiều, Tự hỏi không biết đây là máu gì? “Máu tháng” hay mình đã bị thương ở đâu đó rồi?.

Đôi mắt mở to, chị gượng đứng lên, tóc tai dã dượi, váy bê bết máu. Không cảm thấy đau, tỉnh táo lạ!

Từ lâu chị không còn cảm thấy hoảng sợ khi nhìn thấy cái chất lỏng đỏ lòm tanh tanh kia. Khi còn nhỏ  bất cứ cái gì đo đỏ cũng làm chị chóng mặt. Vậy mà từ lúc nào chị đã biến thành con người khác. Máu không còn làm chị sợ nữa. Hồi đó mỗi lần thấy vết thương, máu chảy trên cơ thể ai đó chứ đừng nói là của mình chị thường rú lên gần như hoảng loạn xay xẩm mặt mày.

Tiếng nồi niêu lại va nhau loảng xoảng. Hắn ta muốn doạ muốn làm chị khiếp sợ đây mà! Có lòi tiền ra hắn mới ngừng. Những chộn rộn lo toan, cáng đáng, mất mát đau đớn, những cú đấm,  những vết thương, tất cả bị dồn đống, kìm nén, rồi lại ứ lên, cố nuốt vào,cổ họng bỗng nghẹn lại nhưng rồi cái gì bật trào ra cuồng dại đến nỗi không chận lại được nữa. Đĩa dầu trên bàn vẫn cháy lờ mờ nhợt nhạt.

Chị lùi dần sát chạn bếp bỏ tay ra phía sau quờ quạng. Tay chị chạm vào cán gỗ cứng, nhích lên tí nữa…sắt thép lạnh buốt…con dao chặt thịt đây mà…nó đây rồi! Vừa lúc đó hắn ta cũng đang lảo đảo tiến đến. Hắn ta ngoác cái mồm nồng nặc rượu gào lên: “Tiên nhân con đĩ kia! Mày có đưa cái ruột tượng (1) cho ông nắn không thì bảo? Tiền mày lấy nuôi thằng nào mà để ông đói meo ở nhà?" Chị lẩm bẩm: nhịn nhục chịu đựng ư? hết rồi! Nhếch mép nở một nụ cười lạnh lẽo méo xệch rồi bất thình lình vẻ lãnh đạm biến mất, ánh mắt chị loé lên lập loè như có lửa, từ từ tiến lại phía hắn. Lưỡi dao sáng bỗng quơ lên không trung, bất ngờ lướt ngang cổ làm hắn ta không kêu gào chửi rủa nữa mà lặng đi. Ánh mắt ngây dại sững sờ như vừa trông thấy điều gì rất lạ. Định thần lại hắn rú lên, nhát dao thứ hai quơ tiếp, chém ngang họng. Tiếng rú tắt nghẽn. Bây giờ thì hắn không thể thốt ra nổi một âm thanh nhỏ. Người hắn nhũn ra, rũ xuống đất. Lưỡi dao trong tay chị từ từ hạ xuống. Một lớp đỏ bao phủ lưỡi dao đang nhiễu từng giọt. 

Chú thích:

(1)Ruột tượng là một túi dài may bằng vải  dùng để cất giấu tiền quấn trong người thừơng thấy ở vùng đồng bằng bắc bộ thuở xưa.