Tùy bút

Nguyên đã tìm được truyện để viết. Thế mà đã hai hôm, bắt đầu từ bữa nghĩ ra truyện, chép chép, xóa xóa, anh chưa viết được câu đầu. Anh bất mãn lắm. Không một câu nào đã làm vừa ý con người cao vọng ấy. Những hình tượng gò ép, lối văn tầm thường không hợp với cái tinh thần đẹp đẽ của Nguyên.

Anh chờ đợi mãi, không thấy đặt nên được một lối văn gì khác thường.

Cây bút ghếch ngòi lên miệng bình mực từ hai hôm. Nó cũng chờ đợi anh đến bàn làm việc.

Nguyên không muốn đi trong vết xe cũ. Anh chàng cảm thấy cuộc đời thật giàu có, phiền phức hơn cuộc đời trong sách nhiều lắm.

Có những cảm giác chưa ai nói đến. Có những lối nhận xét tân kỳ sắp đến thay những hình tượng thông thường sắp rụng với cuộc đời cũ.

Cả một tương lai đang tự xây. Tấm gương hiện tại đang rạn vỡ. Nguyên nhìn qua gương, mờ mờ thấy một lâu đài nghệ thuật nguy nga, xây bằng những viên gạch mới và lạ lùng. Những lâu đài xa xôi như nằm trong màn sương. Anh không nhận rõ được nó tráng lệ như thế nào.

ở trong văn chương cũ, người ta đã khám phá hết những hoa muôn hương sắc. Nguyên có một dạo tưởng rằng nhân loại hết chuyện nói, sẽ dùng những hình tượng điên cuồng, vô nghĩa để cho kỳ dị những cảm giác và ý nghĩa đã có từ muôn đời! Anh đã bi quan cho rằng văn chương sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Về sau anh thấy mình lầm. Vì sự sống phiền phức bao nhiêu, văn chương nghệ thuật lại càng sinh nở, đổi thay giàu có bấy nhiêu.

Nguyên như người đã quá quen thuộc và chán ghét cảnh đồng bằng. Giờ đây anh thấy ở xa kia hình ảnh của núi rừng mênh mang và cảm thấy một sự sống mãnh liệt phong phú vô cùng, say sưa hơn cảnh bình dị quanh mình anh bấy nay. Nhưng núi rừng xa cách mà đường đi tới đấy chưa ai đắp thành.

Anh thì thiếu tài, biết làm sao để cảm tưởng khác người và sống một cách "trước thời đại"?

Vì thế nên anh rụt rè, hoài nghi, bất mãn mãi và đã hai ngày ngòi bút anh vểnh lên trần nhà, như kinh ngạc thấy được anh cho phép nghỉ lâu.

Có lúc anh nghĩ rằng nếu bất tài thì thôi quách nghề văn. Nhưng mộng tưởng thì tràn đầy như biển cả mà anh như một chiếc thuyền buồm. Anh mỏi mệt, muốn dừng tay lái. Song gió vẫn thổi mạnh, phồng căng cánh buồm và đẩy thuyền lướt trên sóng bao la.

Với lại anh tự thấy còn trẻ, còn nhiều thì giờ luyện tập. Thành ra cái mộng văn chương tuy có lúc làm anh buồn bực, anh vẫn say mê nó như người ta say rượu và mê nhân tình.

Sao trời lại không cho những người nhiều mộng tưởng như Nguyên một trí sáng tác phì nhiêu?

Nguyên cố tìm những hình tượng tân kỳ, cố nghe một sự sống mới lạ Ở mọi sinh vật.

Nhưng giác quan anh bình tĩnh quá, bình tĩnh một cách khổ tâm vô cùng. Có lắm lúc người ta tự nhiên khô khan như ao mùa hạ và thần trí mờ ám hẳn đi. Đầu óc lười lĩnh, tâm hồn đực ra như một ông trưởng giả, bụng đã căng nên không muốn làm một việc gì.

Nguyên đã thúc giục trí tưởng tượng nhiều lần, mà nó vẫn nằm lì, không chịu dậy làm việc cho anh.

Hay là tại cảnh trí chung quanh anh khô khan không có gì làm cho anh náo nức? Chẳng phải, phòng làm việc của anh sáng nay sáng sủa như pha lê. Trong ánh sáng yên lặng, nguy nga, mọi vật đều tươi cười, say sưa nắng mới và có một sự sống hồng vàng, tuy âm thầm nhưng rất giàu về mầu sắc và âm nhạc.

Trước bàn giấy của anh kề sát cửa chấn song, từng đoàn mây trắng thong thả trôi trên nền trời xanh. Một cây gạo vươn lên cao, hoa lấp lánh trong ánh sáng. Và giữa cảnh bình yên, xán lạn ấy, tiếng hót một con chim chìa vôi vốn từ xa tới nghe như một nỗi nhớ thương bao quát cả đất trời.

Cảnh trí lung linh đầy thanh âm ấy có lẽ nào không cho anh một ít rạo rực ngây ngất và một hứng khởi sâu xa?

Ngồi triền miên trong những cảm giác bâng khuâng và những ý vẩn vơ một lúc, Nguyên bỗng nhớ lại câu chuyện chưa mở đầu.

Nhìn bản thảo rối bét và những gạch ngang dọc chi chít, anh cau mày quả quyết:

- Nào làm việc đi!

Anh cầm bút cúi đầu im lặng, suy nghĩ và đợi chờ ý tưởng đầu tiên. Nhưng từng đoàn ầm ĩ những ý tưởng vu vơ khác xô nhau ùa vào anh. Đầu anh nhức hoa lên như gối đá bờ bể bị sóng liên tiếp đến đập loạn xạ.

Anh hằn học, vứt bút xuống bàn, đứng dậy đội mũ và đi ra ngoài đường. Anh cần tự quên trong giây lát. Để mong sau cơn khủng hoảng nặng nề, ngao ngán ấy, nỗi thanh thản trở về lòng, xây đắp cho anh một công trình gì.

Người thanh niên ấy bị dằn vặt bởi không biết bao nhiêu là tình cảm trái ngược. Ôm cái mộng văn chương bên lòng, anh không còn tự hiểu nữa. Có lúc bình tĩnh quá, anh khổ sở. Anh mong luôn luôn được sống trong mơ mộng và quay cuồng trong những cảm giác. Nhưng đến khi lòng anh rối loạn, anh muốn trở về trạng thái bình tĩnh ngay lập tức. Nhưng lúc ấy, tâm trí anh bàng hoàng như trong giấc chiêm bao, người ta thấy muôn hình ảnh đi qua trước mặt, nhưng không thể nhận rõ một hình ảnh nào. Khi anh muốn bình tâm để theo đuổi lâu một tư tưởng gì, thì không biết từ đâu hiện ra trăm nghìn ý nghĩ khác nhảy múa trước mặt anh và không cho anh đi tới.

Có một dạo đọc sách, anh thấy đó là một bệnh của thần kinh. Nghe người ta nói ý chí có thể dứt hẳn được bệnh ấy, anh quyết theo lời.

Trong một tháng, ngày nào anh cũng dậy rất sớm để thở lâu và tập trung tư tưởng. Anh cho rằng lâu nay anh lầm lắm, cứ nghĩ rằng đã yêu văn thì tâm trí phải luôn luôn nghĩ đến văn, không ngừng một phút, bất cứ lúc nào, khi ăn, khi ngủ, lúc nằm, lúc ngồi. Anh tự bảo:

- Té ra mình khờ quá. Có biết đâu rằng trong một sự nghiệp, dù phi thường đến đâu, sự quân bình của thần trí cũng là sự cần thiết, rối loạn không thể gây dựng một cái gì. Chỉ khi nào bình tĩnh, người ta mới thu nhận được những cái mới mẻ trong bầu trời hay trong tâm tưởng. Cũng như không khí có thanh tịnh êm ả, ta mới nhận được cái tha thiết hay ham mê của một bản đàn.

Cái ví dụ ấy làm cho anh tự tin mình. Và anh tập, anh tập. Anh không mơ mộng nữa. Công việc hằng ngày anh làm để sống, anh không bỏ liều như trước. Trong khi anh làm việc, liệu hồn cho một kỷ niệm đột khởi lên để làm rầy anh! Lập tức anh sẽ túm lấy đầu, để bóp chết tươi hay dìm xuống tận đáy hồ Quên!

Như thế được một tháng.

Một hôm ngồi vào bàn viết văn, anh ngạc nhiên tự hỏi: "Sao ta bình tĩnh thế này? ít ra ta cũng không nên bằng lòng quá cái cảnh hiện tại. Thì cứ cho tâm hồn ta ăn những mộng tưởng nó thèm thuồng để nó sống mạnh mẽ tốt tươi thì đã sao nào!".

Anh hoài nghi. Anh chắc cách luyện ý chí không có lợi cho đời văn sĩ. Và theo cái dốc tình cảm ấy, anh hí hửng nhảy về chốn cũ, suốt ngày tình tự mê si với nàng mộng tưởng. Nàng đã cho anh những khói thuốc say sưa, huyễn hoặc. Có khi anh thấy cái thú yên hàn ấy hại vô cùng. Tuy thế anh không ruồng bỏ nó nổi.

Lang thang ở đồng quê suốt buổi chiều, lúc trời sẫm tối, Nguyên bơ phờ về gian phòng bé nhỏ. Cả một ngày đã tiêu tan vô ích!

Một nỗi ngao ngán trống rỗng chiếm lấy anh như bóng tối chiếm lấy cánh đồng. Cái ngao ngán của những người tìm hết cách cũng không đánh dấu được một ngày bằng một công trình gì có giá trị.

Anh đã đi ngắm mùa xuân, định đem đổi sự sống một ngày lấy vài hàng chữ nhỏ. Nhưng văn chương đã lừa dối anh và anh đã mất cả một ngày toi.

Về đến nhà, anh thắp một ngọn đèn con đặt trên bàn, anh ngồi ôm đầu suy nghĩ vì sao anh đã chẳng sáng tác được gì.

Và đến ngày mai anh thấy ở quyển nhật ký của anh những dòng sau này:

"Hỡi sách vở! Các ngươi đã làm ta cao quý, nhưng cũng đã bắt ta làm nô lệ! Nhục nhã cho ta biết bao! Khi các ngươi ra đời, hẳn không ngờ rằng sẽ gặp một nhân loại mau vâng lời như một đứa con nít và mãn nguyện như một kẻ giàu sang. Họ đã yên trí sống theo lời các ngươi khuyên bảo và vui vẻ nằm trong những khuôn khổ mà các ngươi đã tạo tác. Họ nhận cuộc đời như các ngươi đã trình bày cho họ biết, chẳng gắng công tìm kiếm những cuộc đời khác phong phú hơn muôn phần.

Ta nằm trong khuôn khổ cũ, cố đặt bày những hình thức mới để che đậy cái tầm thường của những ý tưởng nghìn xưa. Nhưng bao nhiêu hình thức nhân loại đã dùng rồi. Ta ngây khờ, bấy nay tưởng mình nghèo khó. Có lẽ ta chẳng có tài sáng tác được như ai. Nhưng sáng tác làm gì, nếu chỉ để bồi thêm một nước vôi nhợt nhạt lên muôn nghìn lớp vôi khác phủ một pho tượng quá thời?

Hỡi sách vở! Các ngươi là những cây thơm mát mọc ở trên con đường thời gian mờ mịt. Mỗi cây chỉ làm thêm được một đoạn đường. Đừng bắt khách bộ hành dừng mãi dưới chân các người. Khách bộ hành sẽ chậm bước và nghèo nàn vì chỉ biết có một thứ hương.

Ta sẽ bỏ các ngươi, chẳng phải vì bạc bẽo, mà chỉ để kịp bước với thời gian. Ta sẽ siêng năng đi dựng nhà ở xứ Tương lai, tìm cho nhân gian những hoa quả chưa từng có ở đời.

Và một ngày kia ta sẽ làm thơ ca ngợi những bước đi của một con vi trùng".

(Bạn đường số 5 ngày 16-4-1941)