Tiếng nói của ông Thiều cũng như khuôn mặt của ông nhòe đi bên tai và trước mặt Phàm. Ông đang nói về lá thư của người một đàn bà nào đó gởi đến trường này để phỉ báng Phàm về tội danh đang tằng tịu với ông Trí, chồng bà, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nào đó kiêm một nhà thơ nghiệp dự Phàm đang hướng mọi tập trung vào bức hình có cặp hồng hạc đang xoãi cánh bay trên cánh đồng lau sậy, được chụp bởi người hiệu trưởng trước là ông Du.

Nói gì nữa bây giờ. Người đàn bà đó Phàm không quen. Chồng của bà, Phàm không hề yêu dù ông cứ đi rêu rao với mọi người rằng Phàm là nàng thơ, là mối tình đầu của đời ông. Và điều lớn nhất khiến Phàm không chịu nổi đến độ phải xóa đi mọi thứ chính là vẻ hả hê của ông Thiền. Ông là người đứng đầu ngôi trường này được một năm sau khoảng tám năm nhọc nhằn mưu tính. Với khá nhiều người, ông thường đóng vai người anh hai của Phàm, một người anh xót xa trước đứa em gái mãi sống đời đơn độc, một đồng nghiệp tức tối vì người đồng chí của mình không được trọng dụng, khiến mai một tài năng. Vợ Ông đã từng gặp riêng Phàm, làm ra vẻ tin vào những điều bà nói:

- Hãy thông cảm cho anh chị. Anh muốn lắm nhưng không thể đề bạt em làm hiệu phó vì bên ngoài cứ ngờ em và anh Thiền có tình ý với nhau.

Đó là lời phỉ báng nặng nề nhất mà Phàm bị nghe vì cô nghĩ rằng chẳng cô gái nào tìm ra một nét nhỏ gợi cảm giác yêu thương nơi khuôn mặt trào vẻ hòa hiếu giả tạo của ông Thiền.

Bức hình có cặp hồng hạc là vật duy nhất Phàm thích trong văn phòng hiệu trưởng. Cô không quên được những lần hiếm hoi theo chị Hạc vào đó gặp ông Du và nghe người hiệu trưởng cũ nói về vùng đất huyền thoại đầy sếu đầu đỏ mà ông đã lớn lên. Đó cũng là vật duy nhất ông Thiền cho giữ lại, sau khi đã thay toàn bộ ghế thanh nhã ngày xưa bằng những vật dụng chói chang nhiều sắc màu tạo cảm giác muốn ói nơi Phàm mỗi khi cô được gọi vào.

Câu nói gằn mạnh của ông Thiền đưa Phàm trở về thực tại:

- Giờ tính sao đây, cô Phàm?

Cô đáp khẽ khàng:

- Tôi xin nghỉ!

ông Thiền đứng phắt dậy:

- Không được! Cô không được quyền nói năng vô trách nhiệm như vậy. Cô đã ở trường này từ lúc nó mới lập. Lẽ ra cô còn phải ngồi ở chiếc ghế của tôi.

Phàm thở hắt:

- Tôi không được khỏe. Chuyện tôi xin nghỉ không dính gì tới lá thư này. Nếu không cho nghỉ luôn được thì cứ tạm thời cho tôi nghỉ không ăn lương.

o0o

Và bây giờ cô đang ở trên vùng đất huyền thoại của ông Du ngày xưa. Có vẻ không giống chút nào hết với những gì cô vẫn tưởng tượng. Qua lời ông Du lúc ấy sen súng bát ngát trải mãi tới đường chân trời, chiều chiều chim từng đàn bay rợp, ông thưở 12 tuổi được mấy bà cô trẻ chèo xuồng đưa đi trên một biển ngợp hương sen. Và mãi, không biết đâu là bờ, là bến.

Trên xuồng có một nhà sư xống xếnh áo vàng, một người đàn ông áo nâu nhấp nhổm đứng ngồi hối cậu nhỏ chủ xuồng chèo lẹ, một thanh niên quần xanh áo trắng xắn tay ra dáng thanh niên thành thị, mắt sáng lấp lánh sau khung kính trắng. Phàm vừa xuống xuồng, cậu đã xà lại ngồi kề và tíu tít nói như không muốn để phí từng giây sống trôi qua:

- Chị Ở thành phố xuống hả, hay ở nước ngoài về? Đi mua đất hay ghé thăm chim? Mà sao chị gan quá, tới xứ lạ đơn thương độc mã.

Đơn thương độc mã! Một ngựa một thương à, nhưng mình làm gì có thương, chỉ hai bàn tay trắng sau gần hai mươi năm xông xáo (hay lơ láo?) nhiệt tình tung rải. Phàm tự cười mình. Cậu thanh niên vênh mặt:

- Hồi ba em mới tới đây cũng như chị thôi, cũng một mình với hai bàn tay trắng. Nhưng ba em định cư luôn, còn chị thì chắc dễ gì!

ông áo nâu lại bồn chồn:

- Nhắm ông Đốc có đi không cậu Hoài, hay để tui chở vợ tui lên?

Hoài cười trong một vẻ thư thái ngược lại:

- Ai biết được! ổng thấy chuyện cần phải đi là đi ngay, không phải kỳ kèo. Tánh đó ai cũng biết!

Rồi thì thào vào tai Phàm, cậu nói:

- Ông sư kia xuống đất này một lượt với ba của em. Ông ấy đứng ra mua hàng mẫu ruộng mẫu đất cho chùa rồi thuê dân ở đây làm ruộng. Đất ruộng của chùa đúng là cò bay thẳng cánh, nếu còn có cò.

Phàm buột miệng hỏi:

- Còn ba cậu?

Hoài khoát tay:

- Tài sản của ba em chính là tụi em.

Xuồng dừng lại ở một trạm gác có xây đài coi chim cho Phàm lên. Hoài đã kịp cho cô nhiều thông tin thú vị về vùng đất này nhưng theo cô lên bờ chỉ gọn lại bốn chữ:"Nếu còn có cò!". Và khi được gặp vợ chồng người bảo vệ nơi chòi canh này, cô hiểu tại sao Hoài đã nói vậy. Chị Sáu bày ra một bó ảnh sếu đầu đỏ cho Phàm coi:

- Hạc còn về đâu nữa mà coi! Cô à, nếu thích mang hình về thành phố khoe là đã tới chốn này thì cô cứ lựa đi, một tấm năm ngàn đồng thôi. Của tụi nước ngoài tới đây chụp rồi gởi vợ chồng tui bán, cho vui đó mà, lời lóm gì đâu!.

Phàm ngó những chú sếu thất thế lạc thần, chân đeo vòng màu cam có ghi số, đứng lóng cóng trong những chiếc chuồng bằng kẽm thưa mà cảm giác rớt tim như vừa được thấy người yêu mình hôn cô gái khác. Chị sáu thì thào:

- Cô ở lại thất công, tôi đem đầu ra cá, hạc bay đi xứ khác hết rồi!

Phàm nói như đứt hơi:

- Sao dân nói mùa này là mùa tụi nó kéo nhau về, trong đêm khuya, và sẽ hót nếu có hứng.

Chị Sáu lắc đầu ngao ngán trước sự bướng bỉnh của Phàm:

- Đó là chuyện xưa, cách đây vài năm. Cá một trăm ăn mười tui cũng cá. Hay khuya nay, giao xuồng cho thằng nhỏ chở cô đi mai phục chỗ nào cô thích kẻo cô lại cho vợ chồng tui bày chuyện bán hình.

Bỗng mưa, mưa bạc trời bạc đất, tiếng ầm ầm như một nỗi tuyệt vọng không còn lối quay lui. Mặt Phàm tím ngắt tím ngơ khiến chị Sáu ái ngại:

- Mưa không ngớt cô cứ ngủ lại đây, vợ chồng tui sẽ nhường cô cái giường tốt nhứt.

Phàm lắc đầu:

- Nếu thiệt như chị nói thì lúc nào có xuồng khách đi qua, cứ gọi giùm. Còn hình thì thông cảm cho, tôi không thể mua bất cứ tấm nào.

Những tấm hình tăm tối được xốc lại, buộc bằng dây thun. Chị Sáu chép miệng, lặp lại ý của Hoài:

- Vô trong tui đáng gió cho rồi đi đâu cũng được. Đờn bà con gái, sao lặn lội về xứ đầm lầy ẩm ướt này chỉ có một thân một mình.

o0o

Khuya, nghe nói xuồng ghé, Phàm cương quyết về. Cũng thằng bé đầu húi gần trọc chèo nhưng trên xuồng chỉ còn mỗi một người đàn ông lạ, đèn ở trạm gác cho thấy tóc đà lấm tấm trắng hai bên màng tang. Phàm xuống xuồng, còn thẩn thờ vì còn mang theo ánh nhìn đau đáu của đàn sếu đầu đỏ bị đáng số trong chuồng. Xuồng đi một khúc, ngang qua những quảng đồng không mông quạnh, lờ mờ đùm bụi đậm nhạt sắc đen, bỗng ở đầu mũi bên kia vang lên tiếng Huế xưa:

- Phải Công Tằng Tôn Nữ Tiên Phàm không?

Mưa chưa dứt hẳn, còn lớt phớt như sương sa, Phàm nghe nổi gai ốc khắp người như vừa được gọi hồn từ kiếp khác:

- Ai rứa? Ai mà biết Tiên Phàm.

Bóng người ở đầu xuồng bên kia không chuyển động:

- Dự bị 5 hồi xưa con trai đông quá. Phàm ở trong Nam ra học Dự bị 6, không chơi với ai nên chắc cũng chẳng nhớ ai. Bao nhiêu năm rồi, tuổi trẻ của Trứ, Huế của Trứ luôn gắn với hình ảnh Phàm ôm cặp đứng, chờ bọn Hương Nhu, Vĩnh Thủy dưới dàn hoa giấy bên nhà bác sĩ Chương ở cổng trường sau.

Phàm quấn thêm khăn ấm, lắc đầu, không nhớ nổi Trứ xưa ra sao. Hình như có một nhóm mấy cậu chơi với nhau tên toàn là vần T: Thức, Tuấn, Tao, Tình, Trương, Tú, Trứ. Con trai Dự bị 5 Phàm chỉ nhớ Kỳ vì Kỳ vẽ mặt Phàm với mái tóc con trai trên túi áo blouse trắng mỗi giờ thực tập làm bọn Nhu, Thủy phải so bì. Và còn gì để nhớ nữa trong hai năm phù du trong một thành phố đầy vết xưa u tịch.

Để coi, trận đi cứu lụt ở phá Tam Giang. Bên kia bờ phá, người ta phải luộc xương rồng ăn để đỡ đói; những lá thư không ghi tên người viết cứ được đặt lén dưới chiếc kính hiển vi mà họ biết chắc Phàm sẽ ngồi vào. Trứ cứ miên man nhắc lại những ngày tháng cũ, xen kẽ với những ngày tháng khắc nghiệt sau đó của anh. Trứ ra trường được nhận làm thầy dạy lại ngôi trường vừa học xong đâu độ vài năm thì gặp sự biến phải trôi xuống tận cùng đất nước rồi giạt ngược về khúc đất đầy năng lác và mất dần sen, hạc này.

Trứ kể trên chiếc xuồng đưa Trứ lơ ngơ mới xuống, không ai tin anh là bác sĩ. Mãi tới ca mổ đầu, bệnh nhân chính là anh Công An, chồng của người phụ nữ trên xuồng ấy cứ kêu mọi người cảnh giác, cao lắm anh chỉ là một y tá, về đây "nổ văng miểng" để lòe người. Ca mổ thứ nhì cho một bé lên năm, Trứ mở cửa phòng mổ bước ra là bên ngoài mù mịt khói nhang của thân nhân bé khấn nguyện con họ còn sống sau khi giao mạng cho một tay-lang-bạt-tự-xưng-bác-sĩ.

Trứ nhắc lại Phàm còn nhớ không bộ sưu tập tim của cá, ếch, rắn, thằn lằn ngâm formol tử tế của bọn 6T gói đẹp làm quà tặng hôm cô vừa 20 tuổi. Nói tới ếch Trứ lại miên man kể những năm đầu không có đèn mổ ở bệnh viện huyện, Trứ phải gắn đèn soi ếch lên đầu để khi mổ xong, cổ gần như không xoay chuyển được. Phàm nhớ không nổi hồi đó mình có yêu ai không trong số những chàng trai trẻ, chỉ nhớ ba đứa Nhu, Thủy, Phàm đã chọn "yêu" ba thầy dạy môn chính chỉ với mưu đồ bắt buộc phải học thật giỏimôn của "thầy yêu".

Thủy đã hai con, ly dị. Nhu thì hạnh phúc hơn với con đầu vừa vào đại học, chỉ còn rớt lại mỗi Phàm. Bóng của những cây cầu nơi khu vực ngả tám sông đã thấp thoáng đằng xả Phàm định chuyển xuống vùng giữa xuồng để nghe rõ hơn những mẩu chuyện thú vị thời Trứ mới đến. Dường như biết được ý cô, Trứ ngăn lại:

- Phàm ngồi yên đó! Ngó bạn ở góc này không khác dáng hạc ngày xưa. Nếu thật bạn không ở lâu được thì buổi tối trước khi đi bắt buộc phải ghé nhà cho hai đứa con gặp, nhất là con bé Tiên Phương, rất "ái mộ" cô Phàm.

Thằng bé chèo xuồng giờ mới nói:

- Hồi lượt đi, cô này ngồi chung xuồng với sư Ngọ, ông Bảy và anh Hoài, con của bác sĩ.

Rồi nó nói riêng với Phàm:

- Anh Hoài học ở Sài Gòn về chơi. Bác sĩ mới đi đỡ đẻ cho vợ Ông Bảy xong, còn sư Ngọ thì đợt này xuống đây để thay mặt nhà chùa xắn lại mấy công ruộng, mẫu đất tặng lại cho xã nghèo nhất huyện này.

o0o

Buổi tối cuối cùng ở thị trấn, sau buổi cơm chiều với đoàn, còn đến hai tiếng nữa mới tới giờ hẹn với Trứ và các con anh, Phàm đi dọc theo mấy cây cầu vào phố chính. Nhà nhà lần lượt lên đèn. Ở một ngả rẽ có căn phố gắn bảng tên Trứ lau nhau nhiều nam phụ lão ấu áo quần bạc bụi ngồi đứng đợi tới phiên.

Cuối phố là bưu điện huyện, nơi có chiếc tháp sắt sơn đỏ trắng ngất cao. Những ông bà cụ cùng đoàn với cô đang đứng xếp hàng ở các cabin để chờ đến lượt mình vào. Có lẽ họ gọi về nhà để đỡ nhớ con, nhớ cháu.

Phàm đứng quanh quẩn đó chờ. Khi không còn một ai, vẫn chưa tới giờ hẹn, cô lấy một tờ phiếu, ghi một số điện thoại vẫn nằm chặt tự lúc nào trong tiềm thức, tình cờ truyền xuống tay cộ Khi điện thoại bên kia chưa được nhấc lên, cô hình dung ra người thầy, cũng là người may mắn chụp được đôi hạc như chút gì mong manh còn sót lại trong văn phòng hiệu trưởng. Hẳn là ông vẫn đang ngồi một mình cặm cụi làm việc trong căn phòng rộng thênh thang với những kệ sách màu xám cũ. Từ lúc chị Diệu Phi của Phàm ra đi, ông vẫn chưa chịu lập gia đình dù bao người đẹp, giỏi các lứa tuổi vẫn dìu dập tìm cách tiếp cận ông.

Tiếng của ông Du bên kia ấm áp và vẫn hết sức quen thuộc dù đã bao năm Phàm mới được nghe lại: "Alô! Tôi Du đây."

Cô nhắm mắt lại, trước mắt cô, một cánh hạc xám bay vút trong mưa bạc rồi như tan nhập vào chân trời bạc xám bão giông.

Hết