Chương 1
Vừa bước vào lớp , Thi Phúc đã bị nhỏ Ngọc Dư kéo tay ra ngoài hàng hiên : - Chuyện gì vậy nhỏ , Dư ? - Hồi hôm này , mi không có trực , phải không ? - Đúng - Why ( tại sao ) ? - Bận việc nhà. Đã báo cáo với bí thư đoàn rồi - Thi Phúc đáp rồi ngạc nhiên trước vẻ nghiêm trọng của bạn. Ngọc Dư vịn tay vào lan can , nhìn xuống sân trường , miệng lầm bầm. - Hèn gì.... Thi Phúc sốt cả ruột : - Có chuyện gì xảy ra sao ? Ngọc Dư nhìn quanh rồi nói khẽ : - Tối này trực , nhỏ Mỹ Nhung nói chuyện với.... người ta đến sáng luôn. Thi Phúc tròn mắt. Ôi ! Tin này thú vị đây. - Nhưng người ta nào vậy ? - Cây ghita lớp mình chứ ai. Phúc mím môi , xuýt xoa : - Ôi , chuyện lạ có thật à nha. - Thì đó. Xưa nay , đâu thấy tụi nó... có ý gì với nhau đâu. Thi Phúc gật gù : - Ừ. Nhưng có ai thấy tụi nó trò chuyện không , hay chỉ có mi ? - Trực cả đám lận mà. Nhưng nhỏ Sa bảo nên tế nhị , đừng có ai nhiều chuyện phổ biến sự kiện này. - Sa sư tỷ lo cũng đúng thôi. Việc này tới tai cô chủ nhiệm thì găng lắm. - Đâu chỉ có cô chủ nhiệm , còn lớp trưởng nữa kìa nhỏ - Chị Gấm hử. - Còn ai trồng khoai đất này ? Thi Phúc đưa mắt nhìn xa dưới sân trường. Nghe giọng của Ngọc Dư cũng đủ biết nó không có thiện cảm lắm đối với nữ lớp trưởng. Mà đúng , Gấm là một trong những chỉ huy rất lạnh lùng , đôi lúc hơi ... tàn nhẫn. - Vào lớp đi Dư. - Ừ. Giờ Văn của thầy Kỳ , cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp , là tiết đầu tiên. - Nào ! Xếp tập lại. Mười lăm phút kiểm tra miệng nhé. Cả lớp im lặng. - Nguyễn Văn Dũng. Tự nhiên cả nhóm trực tối qua lo lắng nhìn xuống bàn cuối. Nhưng lớp phó văn thế mỹ chẳng có vẻ gì là lo sơ. Thầy hỏi : - Trong dòng văn học hiện thực phê phán , tác phẩm nào phản ảnh sâu sắc thân phận đáng thương của người phụ nữ ? - Thưa thầy , đó là tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Thầy Kỳ gật đầu. Sau đó hỏi tiếp : - Em hãy phát biểu cảm nghĩ của em về thân phận của chị Dậu ? Trong khi Dũng trả lời , Thi Phúc kín đáo quan sát Nhung. Cô bạn hoa khôi của 12C1 đang đặt bàn tay lên bàn , chăm chú nghe từng câu trả lời của Dũng với vẻ hồi hộp. Một mảnh giấy nhỏ được truyền đến tay Phúc. Với một cử chỉ thản nhiên , Phúc áp bàn tay lên mảnh giấy và chỉ lát sau , cô bé đã xòe gọn trong lòng bàn tay. Chữ của Sa : " Hoa.... khôi đang ... run đó. Thầy mà kêu trả bài , chắc nó ... ngọng quá " Phúc viết đáp lại : " Hãy làm cho nó yên lòng đi " Khi mảnh giấy chuyền đến tay Sa thì Dũng đã đi về chỗ ngồi. Ngang qua bàn của Nhung , Dũng liếc một cái , môi hơi cười. Ngọc Dư véo vào đùi Phúc : - Á ! Thầy Kỳ ngạc nhiên : - Gì vậy Phúc ? Chết rồi. Phúc đang bối rối thì Dư đã nói : - Dạ. Tại em lỡ xoay cái ngồi viết trúng vào tay bạn Phúc , làm bạn ấy đau ạ. Xin lỗi thầy. Tất nhiên là lời thú nhận ngọt ngào ấy làm cho thầy giáo không nỡ lên tiếng trách mắng. Thầy khoát tay : - Thôi bỏ đi. Lần sau em nhớ cẩn thận đấy. Nào ! Người thứ hai lên trả bài. Nguyễn Minh Tâm. Tâm nhí , cậu học trò nhỏ nhất lớp mang tập lên : - Em cho biết , qua ngòi bút nhà văn Ngô Tất Tố , vợ chồng Nghị Quế hiện ra như thế nào ? - Thưa thầy - Tâm đáp mà không cần suy nghĩ - Trong tác phẩm Tắt Đèn , nhà văn Ngô Tất Tố đã vẽ lên hình ảnh vợ chồng.Nghị Quế keo kiệt, bủn xỉn và rất tàn ác. Điều đó thể hiện rất rõ nét qua việc mua con và lũ chó nhà chị Dậu ạ. Nhưng mà thầy ơi. Sao đọc đến những trang này, em cứ thấy Nghị Quế đang nhan nhản ở khắp nơi. Người giàu sao lại keo kiệt, bủn xỉn và đáng ghét vậy hả thầy ? Câu trả lời biến thành câu hỏi của Tâm làm cả lớp trố mắt ngạc nhiên. Có vài tiếng cười khẽ bật ra. Để coi thầy phản ứng ra sao đây ? Thế là các cặp mắt đổ dồn về phía thầy giáo: - Đó là thành công của tác giả đấy các em. - Thầy Kỳ gật gù giọng ôn tồn - Khi mà nhân vật nào đó trong văn chương sinh động như là sống thật ở ngoài đường, với cách đi đứng, ăn mặc, nói năng không lẫn lộn với bất kỳ ai khác, đó là nhờ phương pháp điển hình hóa khá thành công của tác giả. Vì vậy mà Tâm thấy Nghị Quế như sống thật ở ngoài đời vậy. - Thưa thầy, em có ý kiến ạ. Sa đấy. Trong lớp, người hay phát biểu, đặt vấn đề thì thường người ấy là Sa. - Sa ! Mời em. - Thầy ra hiệu cho Sa đứng lên. - Thưa thầy. Chuyện của Nghị Quế là xảy ra trong thời kỳ nhân dân ta sống dưới thời Pháp thuộc. Xã hội lúc ấy vô cùng đen tối. Còn ý bạn Tâm bảo là thời chúng ta đang sống cũng có Nghị Quế, như vậy có đúng không ? Theo mình điều đó sai. Câu hỏi hơi mắc mứu làm cho thầy Kỳ phải suy nghĩ. Không phải đây là câu khó trả lời mà vấn đề là giải thích thế nào để các em có thể chấp nhận được. - Tâm về chỗ đi. Tâm hí hửng mang tập vở về chỗ ngồi. Trong lúc đó, thầy Kỳ rời bàn giáo viên đi xuống lớp và dừng lại ở giữa hai dãy bàn. - Chúng ta đang phấn đấu để tiến đến một xã hội không còn bất công. Người với người sống rất bình đẳng, không còn cảnh bóc lột hay người nghèo bị ức hiếp. Để tiến tới ngày đó, chúng ta còn đang đối diện với những khó khăn. Hình ảnh những người giàu rẻ rúng người nghèo như hiện nay vẫn còn. Nhưng mức độ bi thảm như cách xử của Nghị Quế với mẹ con chị Dậu, thầy nghĩ là không đến nỗi như vậy. Các em sẽ là người chủ tương lai làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn đấy. Nào ! Bây giờ học được chưa ? oOo Sau tiết học, Tâm nhí tha hồ nổ: - Nè ! Tụi bây thấy tao hay không ? Huy bĩu môi: - Vì đó là giờ của thầy chủ nhiệm, chứ còn nếu là giờ của thầy Hòa, mi sẽ được lãnh một câu quát : "Hãy trả lời đúng trọng tâm của câu. Cậu mà đi thi thế này, rớt là cái chắc đấy". Nghe Huy giả giọng của thầy Hòa thật giống, cả bọn vỗ tay hưởng ứng. - Đúng rồi. Chỉ vì thầy Kỳ hiền và thông cảm đó thôi. - Ừ. Tụi bây biết làm sao không ? Tối qua, nó đâu có học bài, ngồi đánh cờ tướng tới lúc đi ngủ mới thôi. Sáng vô lớp, vừa mới lấy tập ra đọc sơ sơ ... Thấy các bạn không khen tài ứng phó của mình mà còn công kích, Tâm nhí ỉu xìu: - Làm gì tụi bây cạn tình cạn nghĩa với tao vậy ? - Là giúp cho bạn đó mà. Cả nhóm con trai quay lại chỗ phát ra tiếng nói. Gấm, cô lớp trưởng đang vân vê bím tóc dài trước ngực đi tới. - Gì nữa đây ? - Tâm cảnh giác nhìn Gấm. Gấm ôn tồn, nhưng nghiêm nghị: - Khi nãy không nhờ Sa thì bạn bị phát hiện ngay đấy. Tự ái đầy mình, Tâm cãi: - Ý bạn muốn nói gì ? - Điều đó bạn biết rõ mà - Cái nhìn của Gấm như thấu tim gan. Nhưng không biết nghĩ sao, Gấm dịu giọng - Năm nay là năm thi mà. Nếu không cố gắng ngay từ đầu, các bạn sẽ hối tiếc đó. Nói xong, Gấm bước đi. Cả bọn con trai đưa mắt, le lưỡi nhìn nhau. Chợt Dũng buông một câu: - Ai cần dạy đời ? Hứ ! Ngồi cách đó không xa, Thi Phúc nghe thấy tất cả, cô bé thấy ái ngại cho Gấm. Một số bạn trong lớp không thích cô lớp trưởng nghiêm nghị, nguyên tắc, dù Gấm đã hết lòng vì tập thể mà mình cùng học hành, sinh hoạt. Thế là Phúc đuổi theo Gấm: - Nè ! Các bạn ấy nói gì thì nói, Gấm đừng để ý. Gấm quay lại nhìn Phúc, cười: - Mình đâu có giận, mình quen rồi. - Gấm cũng hay thật đó. Còn mình, với cái lớp nhiều thành phần cá biệt này, chắc mình đầu hàng từ khuya rồi. - Phải khẳng định mình chứ. Ba mình dạy rằng, biết cách vượt qua khó khăn thì mình sẽ lớn lên. Thi Phúc nhún vai, nhìn bạn, vẻ nể vì: - Dù sao cũng cảm ơn Phúc. Mình có cảm giác Phúc luôn ủng hộ mình. Phúc cười, không nói gì. Gấm nói tiếp: - Có một chuyện mình muốn nhờ Phúc. - Chuyện gì vậy ? - Mình đã nghe chuyện tối qua, Mỹ Nhung và Dũng đã ngồi bên nhau suốt đêm. - Chỉ trò chuyện thôi mà. Có lẽ bạn bè năm cuối ... Gấm ngắt lời: - Đối với bọn mình bây giờ, việc quan trọng nhất là học hành. Dây dưa vào những chuyện tình cảm không tốt đâu. Đúng y như lời của người lớn vậy. Thi Phúc nghĩ thầm. Và cô bé nghĩ cũng không dễ dàng thuyết phục được Gấm đâu. Gấm nói tiếp: - Vì vậy, Phúc hãy tìm hiểu mức độ tình cảm của Nhung và Dũng rồi lựa lời khuyên Nhung. Nghe đến đây, Thi Phúc thấy tức. Cô bé nhăn mặt: - Sao Gấm không tự đi mà tìm hiểu. Tớ không thể tò mò chuyện người khác được đâu. Gấm nhìn phản ứng của bạn, vẻ ngỡ ngàng, cô cố gắng diễn đạt cho Phúc hiểu: - Không phải là tò mò mà mình nói ... chỉ vì ý tốt muốn giúp Nhung thôi mà. Sở dĩ mình nhờ Phúc nói chuyện với Nhung vì mình hiểu hai người thân nhau. Phúc nói, Nhung sẽ dễ chấp nhận hơn. Phúc nhún vai, dù sao Gấm cũng có lý do chính đáng khi nêu đề nghị vừa rồi. - Thôi được, để mình xem lại. Thế là Gấm vui lên. - Ừ. Cố gắng đi Phúc ha. Vừa về đến nhà, Thi Phúc đã thấy ông Mạnh, bà Mạnh ủ rũ trên ghế. Cô bé thưa xong, liền đến bên mẹ, hỏi: - Có chuyện gì vậy mẹ ? Bà Mạnh buồn bã nhìn con gái: - Anh Minh của con bị ... công an tạm giam rồi. Thi Phúc hốt hoảng kêu lên: - Anh Minh đang làm việc ở công ty đàng hoàng mà. Có chuyện gì xảy ra vậy mẹ ? Trông ông Mạnh có vẻ cứng cỏi hơi. Ngồi thẳng lưng, ông nhìn Phúc: - Không biết làm ăn kiểu nào mà công ty của anh con bị thất thoát một số tiền lớn. Cả phòng kế toán, trong đó có anh Hai con bị tạm giữ để điều tra. - Bây giờ anh Minh bị giam ở đâu hở ba ? - Trại giam của quận. - Bà Mạnh nói muốn không nổi. Thi Phúc vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái tin này. Mới hôm qua, anh trai của cô còn hướng dẫn cô thực hành trên máy vi tính. Bộ máy hơn mười triệu đồng, Minh nói là mua về bằng tiền dành dụm hai năm của anh. Minh muốn dành cho mọi người một điều bất ngờ. Mà đúng, vốn là một gia đình không mấy khá giả, sắm được bộ máy vi tính thì trông phòng khách nhà Phúc sang trọng hẳn lên. - Vậy trưa nay, ba mẹ có đem cơm cho anh Hai không ạ ? Câu hỏi của Thi Phúc vô tình làm bà Mạnh thêm đau lòng. Bà sụt sịt khóc: - Nó bị bắt chứ đâu phải đi làm đâu mà đem cơm hả con ? Tội nghiệp, hồi xưa đến giờ có bị nhốt bao giờ đâu. Chắc nó run sợ lắm. - Thôi đi mà. - Ông Mạnh an ủi vợ - Năm nay, nó đã hai mươi lăm rồi, chắc nó phải biết tự lo cho mình. Bản thân Thi Phúc cũng nghe xót xa vô cùng. Có thể là anh Minh đã làm sai, nhưng vẫn mãi mãi là người anh tốt của cô. Biết gia đình không dư giả như người ta, anh không bao giờ dám tiêu xài phung phí. Nhưng nếu Phúc chỉ ngỏ lời xin một ít tiền mua sách vở hoặc dụng cụ học tập, anh rất sẵn sàng. Giờ nghĩ đến cảnh Minh nằm thui thủi trong trại giam, cô bé thương anh quá chừng. Ngay buổi trưa hôm ấy, khi ba mẹ đã đến trung tâm y tế quận làm việc, Thi Phúc đã đạp xe đến tận công ty của Minh. Thấy Phúc rụt rè trước cổng, bác bảo vệ lên tiếng: - Cháu tìm ai vậy ? - Dạ thưa, cháu xin gặp anh Duy. Suy nghĩ vài giây, bác bảo vệ hỏi: - Thế cháu là gì của cậu Duy ? Muốn nói mình là em gái của Minh, nhưng sợ bác bảo vệ không giúp, nên Phúc nói bừa Duy là người thân. - Dạ ... dạ ... là em gái ạ. Bác bảo vệ chỉ chiếc ghế dài ở trong nhà khách, cách đó không xa. - Vậy cháu ngồi đó chờ một chút nhé. Nói xong, ông ta nhấc máy điện thoại lên. Thi Phúc thở phào và bước vào phía trong. Chỉ lát sau, thấy Duy từ trong đi ra, Phúc mừng quá. - Ủa ! Hôm nay, không đi học sao Phúc ? Vừa bước đến, Duy vừa hỏi lớn như cố ý để cho bác bảo vệ cùng nghe. - Chiều nay, em không có học thêm. Hai anh em cùng ngồi cạnh nhau. Thi Phúc sốt ruột hỏi ngay. - Chuyện gì xảy ra với anh Hai của em vậy, anh Duy ? Duy là bạn thân của Minh. Đối với anh, việc Minh bị bắt cùng với một số người trong công ty cũng làm anh bất ngờ. - Bây giờ thì anh cũng chưa rõ nữa. Công ty vừa bị thanh tra, phát hiện có một số tiêu cực liên quan đến tiền bạc. Cách đây mấy hôm, giám đốc của công ty bị bắt. Hôm nay lại đến anh Minh của em. Thi Phúc sốt ruột hỏi: - Nhưng anh của em có làm gì sai không ạ ? Duy nhíu mày, nghĩ ngợi. Xưa nay, Minh là người làm việc rất thận trọng, lại đúng nguyên tắc. Quả thật, Duy cũng không hiểu rõ bên trong còn có vấn đề gì. Định mở miệng nói, nhưng bắt gặp vẻ lo lắng trên khuôn mặt của cô bé, tự dưng Duy không nỡ. Anh biết Minh rất thương yêu cô em gái của mình. - Phúc nè ! Anh nghĩ có lẽ có sự việc sai sót nào đó trong công việc của Minh, anh tin Minh không phải là người xấu. Hãy bình tĩnh chờ cơ quan điều tra kết luận em à. Cũng là những nhận định rất chung chung, Thi Phúc thở dài. Xem ra cuộc nói chuyện hôm nay chẳng thu nhập được gì rồi. - Hai bác ra sao rồi Phúc ? - Duy hỏi, làm gián đoạn suy nghĩ của cô. - Dạ, ba mẹ đang lo lắm. - Để chiều anh đến thăm. - Ồ ! Không dám làm phiền anh đâu. Duy cau mày: - Sao hôm nay khách sáo vậy ? Anh đâu có lạ gì gia đình em. Phúc cười buồn: - Vâng. Nếu vậy thì anh cứ đến đi. Nhìn Phúc dẫn chiếc xe đạp ra về, Duy thấy tội nghiệp. Anh hy vọng mọi việc sẽ mau chóng được làm rõ. Duy quay vào phòng làm việc. Từ sáng đến giờ, anh cũng rất lo cho Minh. Nhưng không ai đưa ra một kết luận nào chính xác cả. Tất cả đều là dự đoán. - Hà, hà. Cô em gái của Minh xinh đẹp quá nhỉ. Duy giật mình, ngẩng lên. Phong, trưởng phòng của anh đứng bên bậc tam cấp từ nãy giờ. Anh ta đang cười cười, nhưng ánh mắt đầy vẻ dò xét. - Cô bé còn đang đi học đó - Duy nói và bước qua mặt Phong. Phong cười, nói đuổi theo: - Càng hồn nhiên ngây thơ càng hấp dẫn chứ sao ? Rõ ràng là Phong đang kiếm chuyện đây. Duy quay lại, cười nhạt: - Hãy suy nghĩ trong sáng hơn đi, ông trưởng phòng ạ. Nói rồi, Duy quay bước đi thẳng, chẳng thèm quan tâm đến cái mím môi hậm hực của Phong.