Chiều thứ sáu Thy ở trường về, ngang qua phòng chị Thảo thấy chị hãy còn cặm cụi bên cạnh chồng sách, tóc chị quấn cao, dáng chị gầy, khuôn mặt mệt mỏi. Cho kỳ thi cuối năm! Học đến quên mùa nắng ấm đang về, chan hòa trên đất, trên cây; những cây anh đào quanh nhà đã trổ hoa thật lớn, những chùm có màu hồng dễ thương; và chị em Thy có thể đi shopping mà không phải khúm núm trong những cái áo măng-tô nặng người. Thấy chị học mà Thy phát mệt, nói đùa:
-Học hành như chị trông khổ sở quá! Lấy chồng quách cho rồi!
-Sao mi không làm trước đi, mà xúi người ta hoài vậy?
Thy kêu to:
-Ý! Đâu có được! Phải cô chị đi trước rồi mới tới cô em cơ! Cô em đi trước, thiên hạ nghĩ là cô chị ế sao?
Chị Thảo lườm dài:
-“Ở cái xứ Mỹ này” mà đi sợ những thứ hão huyền!
Và sau vài lời bắt đầu giống me “ở cái xứ Mỹ này”, chị tuyên bố tiếp:
-Việc của chị Thảo bây giờ là phải có ít nhất là BA.
-Ít nhất là BA! Vậy thì bằng chi chị thích, Ph.D chăng?
-Có bằng cấp, có khả năng, tương lai về sau đỡ phải lo nhiều Thy ạ. Chồng con sớm khổ lắm!
Ô hay! Lập trường của chị Thảo đổi hồi nào mà Thy chẳng hay? Chị vẫn thường bảo, con gái cần nhất là phải công dung ngôn hạnh, học vừa đủ thôi, nghĩa là vừa đủ để dạy dỗ con cái và vừa đủ để chồng khỏi bắt nạt (?), học làm dáng, học lấy đẹp. Đâm đầu vào cái học quá sức có ngày thành ra “mát” và thêm nữa dung nhan con gái tàn phai đi theo tháng năm, mà mấy anh thì chỉ muốn nhìn thấy mấy bé tươi mát, mấy bé ăn diện dễ thương thôi. Một khi mấy anh đã ăn đi học, mấy anh có bằng cấp, lương bổng cao, mấy anh đâu cần cái bằng học cao của mấy bé.
Bây giờ với chị Thảo là phải học, mà là học chí tình, học thật cao cở Cho dù dung nhan có héo úa! Sau một đường dài dòng “dạy dỗ” nhỏ Thy, chị tiếp tục cắm đầu vào đống courses, mải mê học, lâu lâu lại đưa tay điều chỉnh vị trí của cặp kính cận, không hay rằng chị đang gieo vào đầu nhỏ Thy một con dấu hỏi to tướng. Mà một khi nhỏ Thy thắc mắc, nhỏ đâu có chịu bỏ qua, hẳn chị Thảo cũng biết. Ngắm chị Thảo một hồi lâu, Thy lắc đầu, cứ cái đà học này đâu còn là chị Thảo của Thy nữa? Giọng điệu giống ai đây? Á à! Thy nhớ ra rồi. “Có bằng cấp, có khả năng, tương lai về sau đỡ phải lo nhiều. Chồng con sớm khổ lắm!” Đó là những lời bác Khuyết nói hôm Tết. Thì ra?
Đang nằm trên giường chị, Thy nhảy bổ đến bên bàn – làm chị Thảo giựt mình –nheo mắt, hỏi to:
-Bao giờ chị Thảo?
Chị ngạc nhiên hỏi lại:
-Bao giờ cái gì?
-Thì bao giờ như chị em nhà bác Khuyết đó.
Chị cười rũ:
-Ớ ờ! Con này nghĩ quẩn hoài! Đã bảo mi có muốn “nổi” ở cái xứ ruộng này thì tìm đường khác mà nổi, đừng có xúi dại chị Thảo, để chị Thảo học.
Thy nhắc lại lời:
-“Để chị Thảo học” nghĩa là để ba tháng sau chị Thảo “đi” sớm, phải không?
-Học là học, và đi là đi, sao mi chẳng thông minh chút nào!
Thy thắc mắc:
-Em vậy mà chị bảo em không thông minh! Ứ ừ, quả thật có hơi chậm hiểu một chút, nhưng mà rồi thì em cũng hiểu mà. Chị bảo rằng “phải học, đừng chồng con bồ bịch sớm, khổ lắm!” Và bây giờ thì chị còn kêu “để chị Thảo học”. À! Có khác là “Để em nó học, em nó còn bé lắm” thôi. Mà chẳng lẽ chị xưng em với Thỵ Đó là những lời bác Khuyết khuyên lơn chúng mình hôm Tết đó thôi, và sau đó thì nhà mình nhận thiệp cô chị tuần trước, nhận thiệp cô em tuần sau, tuần thứ ba Thy còn chờ bánh quế nữa cơ mà. Chị còn nhắc nhà ấy hết con gái rồi. Bây giờ chị cũng nói y hệt. Chị xem Thy Hoàng này “thông minh, học giỏi, con nhà giàu” chưa?
Chợt hiểu, chị Thảo phá lên cười, rồi gõ nhẹ vào đầu Thy mấy cái:
-Thy Hoàng quả là thông minh, có điều... thông minh quá đi thôi!
Thy còn ngây thơ:
-What's wrong with that? À mà chị Thảo này, chừng nào chị đi chị phải nhớ mời em đấy!
Tiện có cuốn sách trên tay, chị vừa ném vào người Thy, chị vừa kêu:
-Bây giờ thì quả thật mi dumb dumb Thy ạ! Sao ăn nói lộn xộn thế?
Rồi chị em cười dòn, nhất là nhỏ Thy, cười đến nổi nước mắt muốn chảy ra.
-À há! Thy quên. Dĩ nhiên chị không mời cũng có em. Chị Thảo biết tại sao em hơi “lộn xộn” không? Tại cứ mỗi lần có cái đám cưới nào, đi học gặp tụi bạn là được nghe hỏi, có được mời đi ăn đám cưới không, sao nhà tui không được mời? Và cái đám bạn ồn ào của chị nữa, gặp lần nào cũng hỏi cứ mỗi lần Tacoma có đám cưới. Nhà người ta chỉ mới rục rịch tính toán là đã sửa soạn may áo mới rồi. Mà không ai mời cũng buồn thật! Đã bảo mà, Tacoma này nó bé lắm cợ Có tin vui thì cũng nên mời hết cho bà con cùng vui với, mời người này quên người kia là mất lòng ngay.
Chị Thảo nói:
-Nhiều khi cũng sơ suất chứ, với lại ngày vui dĩ nhiên là bận rộn, nên đâu nhớ hết được mà mời.
-Cứ tưởng tượng điều này nhé. Nhà đằng bác Minh sắp có đám cưới. Em không thân với gia đình ấy, chỉ gặp chào hỏi vài lần vào dịp có văn nghệ. Để gọi là có tính cách cộng đồng, em sửa soạn áo quần chỉnh tề, đi may ở Seattle đàng hoàng đấy nhé, rồi ngày cưới chẳng ai mời em cả, sao mà họ hờ hững với em, em chẳng buồn sao được. Ấy là em thí dụ thôi nghen, chứ em cũng không thích đến những nơi không thân, phải trịnh trọng giữ lời ăn tiếng nói, bắt mệt. Chừng nào chị đi, em sẽ là tên ngồi viết thiệp mời giùm chị.
Đầu óc chị Thảo xem chừng còn lẩn quẩn với sách vở, nên chị chỉ cười và đuổi:
-Ừ! Chừng đó hẳn hay, còn bây giờ làm ơn về phòng để yên chị học.
Thy kêu thầm, trời ơi, lại cũng học, học gì học dữ thế, có ngày thành “old maid” hồi nào chẳng haỵ Rồi cái đám đàn em, là bạn Thy –Quỳnh, Diễm, Nhi, Uyên –nhìn gương chị Thảo mà dậm chân tại chỗ, thiên hạ lại đồn con gái Tacoma chẳng có duyên, nên không ai thèm rước! Mấy ông con trai nhà Thy lại có dịp cười trả thù:
-Ha! Ha! Ha! Cứ tưởng chỉ có tụi ta là ế! Ha ha ha! Nhất là Thế Hoàng, ông anh của Thy, còn mớ ngủ về thời vàng son của con trai Sài Gòn, nên vẫn mơ cao, đòi vợ đẹp, đảm đang, cơm nước giỏi và biết... hầu chồng! (Hay là chính anh phải biết nấu cơm, đi chợ, rửa chén, babysit thì mới mong có được vợ cở Thy vẫn đánh thức anh hoài đó thôi, xem chừng anh cũng sợ tỉnh mộng phải nhìn sự thật phũ phàng.) Anh sê tha hồ xách xe chạy cùng khắp Tacoma để thấy yêu đời hơn (!) khi thấy bọn con gái cũng... (ế).
Không được! Phải lôi chị Thảo ra khỏi chồng sách khô khan sỏi đá này mới được. Mấy thuở được một ngày nắng ấm như hôm nay, phải rủ bà ấy đi movie mới được. Chiều thứ sáu mà cũng học, có chán không cơ chứ, lại cặp kính cận, “anh” (của chị) mà nhìn chắc xỉu mất thôi!
Thy thỏ thẻ dụ:
-Chị Thảo ơi! Hôm nay có phim tình cảm hay lắm! Chị em mình đi không? Em vừa móc túi áo anh Thái sáng nay, nên đủ tiền mua vé bao chị.
Chị ngẩng nhìn Thy rồi lắc đầu:
-Mi mà coi cái gì, chuyên vào rạp ngủ không hà! Về nhà nói chuyện movie với mi đầu đuôi chẳng nhớ. Ở nhà ngủ không được sao? Chị mi thì bận tối tăm mày mặt, có rảnh rang đâu. Học gấp, học rút, học cả giờ ăn, học cả trong giấc ngủ để kịp theo bạn bè Mỹ. Vừa vật lộn với môn học, vừa quần quật với đám chữ nghĩa mới, người cứ mòn đi, tan tác như cuốn tự điển lâu năm!
-Ôi! Lại thở than! –Thy phải lên tiếng thở đài –Em rành sáu câu vọng cổ của chị quá rồi. Không muốn nghe nữa đâu. Em đi nói với me là mình không ăn cơm tối nghe!
Thy nói, Thy quyết định, và chị Thảo thì chỉ “Ớ ờ! Thy này!”, nhưng mặc, đi movie về, ngủ một giấc, và ngày mai chị có thể gạo lại đống courses chẳng muộn. Chị cần phải ra khỏi phòng lúc này.
Đến trước rạp hát, Thy dặn:
-Khoảng nào em miss, tối về chị bổ túc nhé!
Nụ cười chị hiền hòa, và Thy biết rằng nhỏ lại sắp sửa được một giấc ngủ bình yên bên vai người chị thân yêu.