Và Khi Tro Bụi - Chương 01
And when this dust falls to the urn, In that state I came, return. Và khi tro bụi rơi về, Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương. Henry Vaughan 1622 – 1695 (The Retreat) 1. Sau ngày mù sương Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh. Tôi muốn mang chiếc bình lên một ngọn đồi ở miền trung du, đổ mớ tro của anh xuống đám cỏ và mang chiếc bình không về đặt ở thành cửa sổ, nơi tôi đã đứng suốt bảy ngày nhìn xuống con đường trước nhà. Nhưng không ai cho tôi làm như vậy. Mẹ anh sắp xếp để có một buổi lễ ở nhà nguyện nghĩa trang Friedsdorf. Sau buổi lễ đó, người ta mang anh đi thiêu và chiếc bình đựng tro từ thân xác anh được đem về đặt trong một toà nhà được xây để chứa những chiếc bình như vậy. Luật lệ không cho tôi đem chiếc bình về nhà. Tôi không biết họ sẽ cất giữ những bình tro trong bao lâu. Tôi cũng không biết bao nhiêu năm là thời gian cần thiết để lưu giữ những mớ tro có mang tên họ của một người, để nói rằng người đó đã một thời có mặt trên mặt đất, dưới bầu trời này. Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là mầu tang chứ không phải đen. Tôi tưởng đã quên điều này, vậy mà tôi lại nhớ, và khi nhớ lại rồi điều đó trở nên quan trọng. Quan trọng tuyệt đối trong một cuộc đời không còn gì là quan trọng nữa. Ngày tang lễ anh tôi mặc một chiếc áo trắng, dài. Lúc tôi bước vào nhà nguyện, mọi người nhìn tôi rồi vội quay đi, như tế nhị tránh nhìn một điều sai sót lớn lao. Tôi nghĩ: đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh. Có một người đàn bà ở cùng khu phổ tôi ở, chồng chết, bà buông tất cả các màn che cửa xuống, sống trong một căn nhà tối và không gặp ai nữa. Một người bạn của chồng tôi kể tôi nghe về bà ấy và nói: “Chị phải chấp nhận chồng chị chết rồi. Chúng ta ai cũng chết. Chị khóc bao nhiêu cũng được nhưng sau đó thì phải tiếp tục sống như một người bình thường, đừng để cái tang này biến chị thành một hồn ma.” Tôi trả lời: “Anh không phải lo cho tôi. Tôi sẽ không sống với bóng tối. Tôi sẽ quên anh ấy, tôi hứa.” Và tôi cố gắng quên, từng chuyện, từng chuyện một, từng ngày, từng ngày một trong khoảng đời ấy của tôi, từ ngày tôi gặp anh cho đến ngày anh chết. Tôi trút lên mặt bàn những tấm ảnh của anh và những tấm ảnh anh đã chụp. Những thành phố và những núi rừng anh đã đi qua, một cái bông mới nở trong chậu, một tách cà phê đang uống, một đôi dép… Nếu tôi nhìn lâu, không gian phía sau của những bức ảnh cũ còn dẫn tôi đi xa hơn, đưa tôi chìm sâu hơn vào những đoạn đời anh đã sống. Tôi không muốn xem những ảnh đó để quay lại quá khứ. Tôi trút chúng lên mặt bàn để tìm cách tách bỏ chúng ra khỏi đời tôi. Tôi phân loại những tấm ảnh theo nơi chốn, theo thời gian, bỏ chúng vào các túi giấy. Tôi viết lên bên ngoài túi những bức ảnh đã được chụp trong chuyến đi nào, rồi lấy giây buộc những túi giấy ấy lại. Tôi không biết làm gì với chúng, nhưng ít ra, sau những ngày những đêm ngồi sắp xếp, tôi cảm thấy tôi đã tìm được chỗ nằm có tên tuổi cho những bức ảnh, và một khi có nơi ở rồi, chúng sẽ thôi không ám ảnh tôi nữa. Tôi không thể đốt một đống lửa lớn mà đốt hết những đồ vật anh để lại. Để đẩy những dấu vết rằng anh đã sống ra khỏi đời tôi, tôi phải thức ngày thức đêm để nhìn chúng, rồi cất chúng đi. Một cuốn sách đọc chưa xong, một chai thuốc nhỏ mắt, một cái khăn lông thưa có in sọc mua ở một cái chợ nghèo nào đó ở Kenya, một cái bình để mang cà phê ấm đi đường xa. Những đồ vật không biết nói nhưng không im lặng. Chúng thở khẽ khàng vào ban ngày, trở mình vào ban đêm vì mất ngủ. Tôi phải cầm chúng trên tay, từng món một, ngồi nhìn chúng đến khi chúng biết rằng tôi hiểu, thì chúng mới chịu thôi không trở mình. Và tôi bỏ chúng vào rương đóng nắp lại. Tôi hiểu gì? Cái chết? Có khi tôi nghĩ tôi không còn nhớ anh. Nhưng có khi tự nhiên, một khoảnh khắc kỳ lạ chợt trở về. Không phải là một câu chuyện, mà chỉ là một khoảnh khắc ngắn và rõ ràng. Anh ấy hay hút một điếu thuốc đến nửa rồi dụi tắt và bỏ nó vào túi áo để dành lúc khác hút tiếp. Rồi anh quên mất những nửa điếu thuốc ấy. Ngày xưa tôi thường thò tay vào túi những chiếc áo anh thay ra để lấy chúng đem vất đi. Nhiều năm sau khi anh chết, tay tôi chợt chạm lại những mẩu thuốc ấy trong tâm tưởng, có khi vẫn còn một chút ẩm ở đầu lọc đã nằm trong miệng anh khi anh hút nó. Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa khoảnh khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại. Mất ba tháng tôi mới cất xong đồ đạc của anh vào những cái rương. Tôi gửi đến nhà cha mẹ anh và họ giữ chúng trong cái kho dưới hầm. Chừng mươi năm sau sẽ có người không biết những thứ đó tại sao ở đó và chở chúng mang đi bỏ. Sau khi mang đi hết những gì có thể sẽ nhắc nhở tôi rằng anh đã từng có mặt trên đời này, cương quyết giữ lấy lời hứa sắt đá rằng tôi sẽ quên anh, rằng sự quên lãng sẽ trọn vẹn, tôi chợt hiểu rằng tôi sẽ chết theo anh. Nếu sống trong thương nhớ se sắt tôi sẽ sống như một bóng ma u uất, nhưng tôi cũng không thể chịu đựng nổi thêm một sự quên lãng nào nữa trong đời. Đôi lần đốt đi ký ức, tâm tưởng tôi chơi vơi trong một nỗi hao hụt không có gì lấp nổi. Tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro. Tôi chỉ mất một ngày để bỏ những đồ đạc của tôi. Tôi đem cho tất cả quần áo và sách vở, ly chén và đồ dùng trong nhà bếp. Tôi giao chìa khóa nhà cho một công ty địa ốc, nhờ họ bán nhà cùng những bàn ghế trong đó. Và tôi đi tìm cái chết trên đường. Đáng lẽ tôi nên chết đi trong vòng hai tuần sau khi chồng tôi chết. Chết lúc chưa tin rằng anh ấy không còn; lúc chưa kịp hiểu cái chết có thật. Lúc còn chưa chịu nhận mình bất hạnh. Chết vào một trong những đêm ngủ thức giấc không thấy buồn vì tưởng chồng còn nằm gần bên; lúc còn hoảng loạn, ngày còn mơ màng nhìn thấy bóng của anh ở mọi góc phố, tối còn nhìn thấy cái đốm sáng nhỏ từ điếu thuốc anh đang hút, thấy làn khói mỏng vương lại không muốn tan đi. Chết không hề biết rằng cái chết cần được hiểu. Nhưng tôi đã không chết vào những ngày đó. Không còn có thể có cái chết mông lung, tím ngắt ở giữa trung tâm cơn gió xoáy của nỗi bi thảm. Chỉ còn lại cái chết được chọn lựa. Nó cần được hiểu, cho dù người hiểu nó chỉ là tôi mà thôi. Tôi đi khỏi nhà, một ngày nào đó sẽ chết trên đường, ở một nơi chốn không tên. Trong ba tháng tôi sẽ nhặt nhạnh lại mình. Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết. Tôi sẽ sống trên những chuyến xe lửa. Ở đó, tôi sẽ gặp nhiều người, nhưng tôi sẽ không gặp bất cứ một người nào biết tôi là ai. Tôi muốn họ mãi mãi là người lạ và mỗi khi tôi nói chuyện với ai đều không có lần thứ hai. Nếu tôi có một địa chỉ để ở, một tiệm bánh mì để mua bánh mỗi sáng, một con đường mà tôi biết từng khung cửa sổ của những căn nhà, thì rồi tôi cũng sẽ có người quen, có kỷ niệm, có một nơi chốn thuộc về mình. Quê hương là gì nếu không phải là sự lập lại. Tôi không muốn tất cả những thứ ấy. Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu. Tôi đã cần ba tháng để cất những cái chăn chồng tôi đã đắp vào trong rương. Tôi cũng cần ba tháng để nhặt nhặnh, cất giữ những gì mà tôi có vào một nơi nào đó. Lần này không phải là những cái rương. Những gì tôi có, nó vô hình. Tôi chưa biết cất chúng ở đâu, cũng như không ai biết gió thì cất ở đâu. Xong việc, tôi sẽ uống thuốc độc chết. Tôi không còn người quen, không còn việc gì trên đời để làm, nơi chốn nào để đến. Ba tháng nữa, tôi sẽ mua chiếc vé cuối cùng và trên đó nơi đến sẽ không còn là một thành phố. Nó là một nơi nào khác. Tôi nhuộm nâu mái tóc, chọn mầu phấn trắng và màu son tối. Tôi mua một cái va li và vài túi xách sang trọng, cho vào đó quần áo mới: quần tây, áo lụa, áo ngủ… đồ lót mềm mại, xà phòng và mỹ phẩm đắt tiền, lược chải đầu, gương cầm tay. Những thứ đắt tiền để bù đắp cho sự thiếu tiện nghi khi sống trên tầu. Những thứ đắt tiền mang trên người nó những giá trị giả dối, làm cho người dùng nó cũng thấy mình không thật và cách xa thế giới bình thường. Khi cần ngủ, tôi đi tàu có toa nằm. Khi cần yên vắng, tôi mua vé hạng nhất. Nhưng thường tôi tìm một ghế ngồi gần cửa sổ ở toa hạng hai. Giữa những chuyến tàu có khi tôi xuống những thành phố lạ, bỏ quần áo ở tiệm giặt, gội đầu ở tiệm, rồi đi lên đi xuống những con phố, vào quán cà phê, tiệm giày hay tiệm sách. Khi ăn tối trong một thành phố, tôi chọn rượu ngon, rồi không bao giờ uống hết. Tôi tránh ngủ lại các khách sạn. Tôi tránh nằm xuống một chiếc giường êm ấm trên mặt đất. Tôi luôn luôn trở về những sân ga. Dần rồi tôi quen tiếng rầm rập của xe lửa trong giấc ngủ, cũng như những thủy thủ quen chiếc thuyền của họ.