Từ ngày ông đặt chân đến Canada không ai biết ông đã đi tìm nàng. Cũng không ai biết ông đã làm thơ ( những bài thơ không đăng trên bất cứ báo nào). Cũng chẳng ai biết ông đã viết văn (không giống những bài luận của ông thường được ông thày dạy Việt văn đọc cho cả lớp nghe những năm đầu trung học). Không ai biết ông đang đau khổ.

Xa lộ QEW (Queen Elizabeth Way) những lần ông chở đứa con đi làm trên Toronto lúc nào cũng tấp nập, vội vã. Xe và người. Người trong những chiếc xe lao vun vút về phiá trước. Người không thể xoay ngang, xoay dọc. Không ai biết ông lái xe đưa đứa con đi làm. Cũng không ai biết đã có lần ông lạng tay lái, trật trớn, khi thoáng nhớ đến nàng.

Không ai biết ông đang cô đơn.

Phố Tàu-Toronto, mùa đông cũng như mùa hè, lúc nào cũng tấp nập những người. Mùa đông, người ta chen nhau trong những tiệm buôn, những thương xá, nằm dọc hai bên con đường Spadina, nằm dọc hai bên con đường Dundas. Mùa hè, người ta chen nhau trên đường phố, nhất là ở khoảng ngã tư hai con đường ấy. Phố Tàu-Toronto là một trong hai, ba khu phố Tàu lớn nhất Bắc Mỹ. Những người chen chân nhau trên hè phố phần lớn nếu chẳng phải Tàu thì cũng là Việt. Những người Việt sống trên đất Mỹ, qua Toronto chơi, chỉ nhắm một phần chuyện thăm viếng bà con, họ hàng,... phần còn lại là những trái cây nhiệt đới: xoài, ổi, chôm chôm, nhãn, vải, mãng cầu các loại, và sầu riêng. Trái cây ở đây mùa này rẻ, tươi, và ngon. Từ miền đông bắc Mỹ qua, ăn những thứ trái cây này như được nuốt hương thơm của quê hương vào người. Đó là thứ hương vị thật thà mà thiên nhiên đã tặng cho những người cần cù, chất phác nơi quê nhà ( dù ở đây chúng được nhập phần lớn từ Thái Lan, Trung Quốc,... ) Các thức ăn khác, kể cả rau trái nơi này, những người khó tính nói là ăn của giả. Làm thì làm thật, mà ăn thì ăn giả. Còn nói với nhau, chúng nó một lũ nói giả. Một gã gốc Bồ Đào Nha, làm chung một sở, cứ cuối tuần lại ghé vào tai ông: '' Chung quanh mình toàn là một lũ đóng kịch!'' Nói xong, hắn làm dấu thánh giá. Dạo mới tới Canada, một ngày hè, ông đã chạy xe một lèo tám tiếng đồng hồ từ một thành phố lớn kế cận vào ngày cuối tuần đến thành phố này. Ông nhớ nàng không chịu được. Ông đi tới đi lui trên con đường Spadina, đoạn từ Queen đến College, cho tới khi chân cẳng đã nhừ. Ông dáo dác, thất lạc. Rồi ông vào một tiệm ăn người Việt bán đủ thứ các món bún.

Ông hỏi người đàn bà, vợ của chủ tiệm:

- Thưa bà, bà ở đây đã lâu, bà có biết có cô nào tên Thủy làm cho hãng bảo hiểm không?

- Người mình ở đây làm bảo hiểm thiếu gì. Và các hãng bảo hiểm? -i! cả trăm hãng. Tôi không mua bảo hiểm, không biết ai tên Thủy, nhưng ông thử xem mấy tờ báo này coi. Mấy người làm bảo hiểm đổi việc xoành xoạch, kiếm ra chẳng dễ.

Ông cầm hai tờ báo mà bà chủ trao cho ông. Ông xem kỹ phần quảng cáo. Không có ai tên Thủy! Ông nhớ đến một bài viết đâu đó: '' Ở đây, dễ lạc nhau lắm!'' Phần ông, ông đã lạc nàng, một vài năm sau ngày ba mươi tháng tư năm 75!

Ông rút từ trong túi một tờ giấy và một cây viết. Ông viết nắn nót mấy chữ : '' Lạc nhau cuối trời!''

Bà chủ cắc cớ:

- Ông làm thơ à?

- Vâng.

- Nhìn ông, biết ngay là nhà thơ.

- Thế à! Làm sao mà bà biết được?

- Thì cứ nhìn mặt là đủ.

- Hay nhỉ!!

Ông chủ từ sau bếp bưng tô bún ốc lên:

- Bảo đảm với ông là bún này mới đúng điệu bún ốc quê mình.

Bà chủ:

- Bữa nay tiệm mình có hân hạnh được một nhà thơ vào ăn.

Ông chủ:

- Ông là nhà thơ à?

-... ?

Ông chủ thở dài sườn sượt:

-Thơ với thẩn mà làm gì hở ông. Cứ có tiền là nhất. Ở đây, ai cũng làm tiền. Làm thơ không ra tiền đâu, mà nó lại còn ám quẻ nữa. Bữa nay tiệm chúng tôi xin tặng nhà thơ tô bún này. Lần tới xin giới thiệu với nhà thơ tiệm bún kế bên, khá độc đáo, có cả những bài thơ trên vách.

Chủ quán nói xong, nhìn khách hàng bằng cặp mắt của một gã lính tẩy. Ông không thèm đáp lời, chỉ vỗ vỗ vào cái bóp căng phồng ở túi sau chiếc quần jean.

Khi gã chủ quán quay vào sau quầy tính tiền, ông thấy ngán ngẩm. Đời ông đã trải đủ những thăng trầm. Ông đã chứng kiến biết bao đổi thay và đổ vỡ trong đời. Những thay đổi nghiệt ngã trong giặc giã liên miên, và những đổ vỡ tan tành trong tiếng đạn, bom. Ở đây, ông lại thấy những thay đổi khác và đổ vỡ khác nữa, dữ dội, tàn nhẫn cách khác.

Ông nhìn bà chủ, ướm lời:

- Khu vực này ngày xưa chắc nhiều vườn hoa đẹp lắm?

Bà chủ hứ một tiếng:

-Vườn hoa không đẻ ra tiền. Phải có mấy cái tiệm như tiệm này thì nhà nước mới có thuế mà xây dựng, mà làm đường xá, công viên và những tiện nghi công cộng khác được.

Ông múc từng muỗng bún, nhưng không sao thấy được hương vị Ốc đậm đà như ông đã từng ngồi bệt trên chiếc ghế đẩu, bên gánh bún ốc của chị hàng bún gần nhà, cạnh lối vào con hẻm dẫn vào Long Vân Tự Ở đường Bạch Đằng năm nào. Ông nhớ tới váng nước bún sóng sánh một chiều mưa, và những giọt nước mưa từ cọng lá gồi cũ trên chái nhà nhỏ từng giọt xuống đuôi mắt đã nhoè của nàng.

Ông ngồi thừ người sau khi ăn xong tô bún. Ông vừa nghĩ đến việc quay lại thành phố nơi ông cư ngụ vào ngày mai, và tiếp tục công việc với thằng giám đốc lúc nào cũng gầm gừ như một con chó dữ.

Không ai biết được ông đang buồn vô hạn.

Không ai biết ông đang nghĩ: '' Làm sao em có thể tồn tại nổi trong cái thế giới đầy những con sói dữ dằn này!!!''. Lúc ông nghĩ là 6h00 chiều ngày thứ bảy đầu tuần của tháng bảy, năm 1992.

x x x

Nàng ngồi nhìn đống hồ sơ cao nghệu. Nhìn vào núi hồ sơ, nàng thấy hoa cả mắt. Nàng uể oải lần dở đống hồ sơ theo thứ tự A,B,C,... mà con nhân viên phụ tá cho nàng đã sắp lại để sẵn trên bàn. Tới vần C , nàng bỗng khựng lại. Lần nào cũng vậy, cứ tới vần này, nàng như người đang ăn, bỗng dưng mắc nghẹn. Mới đấy mà đã gần hai chục năm. Trừ một đôi lúc bất ngờ như sáng nay, nhìn thấy vần C trong xấp hồ sơ, còn thì tất cả những người thân xưa giờ đã nhạt nhoà trong trí nhớ của nàng. Như những giọt nước mắt hoen trên má. Như lớp tuyết mỏng tan nhoè nhoẹt trên mặt kiếng bên ngoài cửa sổ. Đất nước, và cả bố, mẹ, rồi những đứa em trong gia đình không ai hiểu được nàng, không ai cảm thông được với nàng; họ cũng đã nhoè đi, tan đi trong lòng nàng. Họ tưởng nàng đã lên tới thiên đàng khi thoát được đến vùng đất này!! Họ tưởng nàng đã hái ra vàng trên những nhánh thông lung linh qua những tấm thiệp giáng sinh nàng gởi về nhà mỗi dịp cuối năm, cùng với những món tiền không phải là nhỏ. Và mẹ nàng, người đàn bà lạ lùng! Tại sao mẹ nàng đã không như mẹ của những con bạn của nàng?! Bà ấy đã đẻ ra nàng; nhưng lúc nào nàng cũng chỉ là một đứa con ghẻ trong gia đình. Những thằng em trai mới là những đứa con ruột. Nàng đã không thể nói về mẹ nàng bằng cái giọng thiết tha, thương nhớ, và biết ơn như chàng đã nói về mẹ của chàng. Mẹ nàng lúc nào cũng gay gắt, dằn vặt bố nàng. Và bố nàng: một người đàn ông lúc nào cũng như một chiếc bóng mờ khuất, xám xịt, ra vào lặng lẽ trong căn nhà với những bức tường loang lở vôi cũ trong con hẻm gần trại gia binh đường Ngô Tùng Châu năm nào. Nàng không thể chịu được cái không khí lúc nào cũng hầm bức, bực dọc ấy. Và những đứa em của nàng: chúng đi học, chúng về nhà , chúng ngồi ăn, giữa cái bầu khí ngột ngạt, lo âu sau 75, như thể mọi chuyện tự nhiên là vậy. Chúng chưa tới tuổi phải lo. Dạo còn kẹt lại VN, mẹ nàng chỉ muốn thấy nàng ngồi lê giữa chợ, giữa những mớ rau muống mẹ nàng tự tay hái từ dưới con rạch ở xóm trong đường Bạch Đằng. Chỉ có cách này mới hy vọng che mắt được bọn chúng. Mẹ nàng còn nhớ cảnh đấu tố ở làng của bà trước khi bà kịp theo gia đình thoát ra Hải Phòng, và trốn vào Nam. Bà đã biết và sợ cái ác của lũ người này. Còn nàng, mỗi lần cắp rổ rau đi ngang qua trụ sở phường đội và trụ sở công an khu vực, không cần nhìn, nàng cũng biết chúng đang hau háu nhìn theo nàng. Cái con bé trắng trẻo, xinh xắn trong bộ quần áo cũ đi nép về phiá bên kia đường là con gã trung úy ngụy già... ''Gần hai chục năm qua rồi! Chuẩn ơi!!... '' Thỉnh thoảng, nàng đã nghẹn giọng như thế. Gần hai chục năm qua rồi. Đã biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Nàng đã vượt qua một cái eo biển sóng gió phũ phàng. Những năm tháng đầu tiên khi đặt chân tới vùng đất này, nàng đã có những ngày lang thang đến những văn phòng tìm việc dưới trời nắng và lộng gió. Nàng cũng đã thất thểu nhiều ngày bão tuyết. Những ngày bị những cơn cảm cúm đè nàng xuống giường, người hâm hấp, và bụng dạ cồn cào, chỉ một mình mình trong căn phòng nhếch nhác, trong một khu vực đầy những tội ác. Tình yêu vừa chớm ở VN những ngày trước ngày nàng vượt biên chợt biến đi, thảng thốt, tắt ngúm. Trước mặt là một đấu trường, mà nàng chỉ là một cô gái yếu đuối, mong manh.

Nàng nhoài người nhìn qua chiếc cửa kiếng lớn trông xuống con đường Union ở thành phố Toronto và bỗng thấy tất cả đều xa lạ, hệt như cái cảm giác lạ lẫm mọi thứ khi đặt chân trở lại VN cách đây vài năm. Nàng cúi xuống nhìn xấp hồ sơ có vần C khởi đầu. Không hồ sơ nào có tên Chuẩn. '' Chuẩn ơi! Bây giờ anh ở đâu? Lần về VN thăm nhà, em nghe mấy đứa em của em nói là gia đình anh đã vào Canada lâu rồi mà!... Đã nhiều năm nay, em vẫn cứ cố tìm cho ra một cái tên Chuẩn trong thành phố này, nhưng không một ai !!!..Chỉ có những tên như Conrad, Charles, Cumberland,... !!! Anh có biết không? Em đã phải qua biết bao nhiêu cửa ải gian khổ để giữ được cái job này. Ở đây, không có tình yêu! Ở đây, không ai giúp được mình đâu anh !!! Chỉ có mình với mình mà thôi. Em đã có lúc muốn lao đầu xuống đường!... Chuẩn ơi! Lúc này anh ra sao rồi? Nhớ đến anh, thèm thấy anh, nhưng em lại không muốn gặp lại anh một chút nào cả!!! Chúng mình đã chẳng là gì của nhau. Mà chúng mình cũng đã là của nhau, tất cả, trong tan nát. Anh biết không? Em đã tan tành rồi. Em đã tan trong cái Bắc Mỹ quay cuồng này. Em đã có một người bạn trai. Không phải! Em đã có hơn một người bạn trai. Em đã đến hơn một lần với một người đàn ông. Em đã đến hơn một lần với hơn một người đàn ông. Em đã có lúc thân mật lắm với một người đàn ông có vợ. Và ông ta đã tái mặt mỗi khi chạm mặt những thằng con đã lớn. Cái giống trắng họ thích những gì rõ ràng, dứt khoát. Nhưng mà, cái thứ quan hệ của em chỉ là những nhì nhằng, trai gái, đổi lại chút quyền lợi nơi sở làm. Mà phải kín đáo. Bọn trắng bề ngoài lịch sự, nhã nhặn, nhưng chúng nó nhiều thằng đểu và mất dạy vô cùng. Nó mới chiều chuộng đằm thắm đấy, mà nó đã quay ngoắt trở mặt với mình. Lúc nào chúng nó cũng chực hất cẳng mình. Vậy mà em đã tồn tại được, đã ngoi lên được ở chốn này. Anh mừng cho em chứ, phải vậy không nào? Không có chúng nó, em không tồn tại được, không ngoi lên được. Ở đây, chúng nó gọi em là Theresa. Theresa là tên một bà thánh như anh vẫn nói. Nhưng bà thánh đã phải trả cái giá chẳng rẻ của bà ấy để có thể tồn tại nơi này. Mới chỉ nói đến tồn tại không thôi em đã điếng người. Anh không biết những đêm bị sốt hành, nằm một mình, nó kinh khủng như thế nào đâu! Vậy mà em đã tồn tại gần hai chục năm trên đất này. Sống theo kiểu VN ở xứ này em cũng sống không nổi nữa rồi. Em đã lấy một thằng chồng người Việt, nhưng em cũng đã bỏ hắn ta rồi. Hắn là một thằng Việt Nam tồi tàn, hèn kém, không dám đương đầu với sóng gió cuộc đời. Hắn chỉ cần vài điếu thuốc trong ngày, và cuối ngày ngồi ghếch cẳng hài lòng với chai bia và những bộ phim truyện,.. Hắn sống như không có ngày mai. Thỉnh thoảng hắn nói chuyện về Phật. Hắn nói cả về Chúa nữa. Hắn nói như những tín đồ ngoan ngoãn. Nhưng em biết chắc chắn là hắn không tin vào những điều hắn nói. Bây giờ em không còn tin ai nữa. Em chỉ tin ở chính mình. Anh chưa biết là em đã chửi thề ngon lành như thế nào, và em cóc cần. Em bây giờ là một phụ nữ Bắc Mỹ tự do. Em ghét cái gốc của em. Em ghét mẹ em. Em thù những đứa em của em. Em đã bảo lãnh chúng nó qua đây. Và cuối cùng chỉ qua một trận cãi vã nặng lời, chính chúng nó đuổi em ra khỏi nhà, dưới trời bão tuyết.

Lúc này, em ngồi đây bận rộn với đống hồ sơ, và sửa soạn đi chào tạm biệt đám nhân viên ngoài phòng kia. Em đã thuộc công việc lắm rồi. Em đã quen nói suốt ngày cái thứ tiếng Anh mà bọn manager ở đây vẫn dùng. Quanh em, chúng nó đã biết kiêng nể em, nhưng lòng em đã trở lạnh rồi !!! Chuẩn ơi!!!... ''

Nàng đã miên man nghĩ như thế khi nàng lật xấp hồ sơ có vần C vào sáng nay.

Hôm nay, nàng sẽ phải giao hết hồ sơ lại cho thằng lưu manh đã dành chỗ của nàng. Tuần tới nàng sẽ qua Bắc Cali. làm ở một văn phòng bên ấy.

Nàng ra đi một mình.

Không ai biết là nàng đang buồn.

Cũng không một ai hay nàng đang đau khổ.

Không một ai rõ nàng đang cô đơn. Nỗi cô đơn biền biệt, heo hút. Nơi nàng làm việc, người người vẫn đi lại rần rần, tiếng máy của chiếc máy in nối vào mạng điện toán của con mụ nhân viên của nàng ở bàn bên kia vẫn chạy rào rào.

Năm nay nàng đã bốn mươi hai tuổi. Nàng không có con. Lúc nàng xách chiếc xách tay ra khỏi hãng là 4h00 chiều ngày thứ hai, tuần cuối của tháng sáu, năm 1998.

x x x

Ông cùng ba người bạn vừa sửa soạn ra khỏi cái thương xá ngay góc Dundas và Spadina thì ông chợt thấy một phụ nữ trẻ dừng lại ngay trước mặt ông, nơi cửa chính ra vào, trên vai là túi xách như ông vẫn thấy ở những người hành nghề điện toán:

- Anh Chuẩn!

Ông nhìn sững người phụ nữ, thấy quen thuộc lắm, mà không sao nhận ra ngay được.

-Thủy đây anh!

-Trời ơi! Thủy!!

Chỉ trong tích tắc ông nhận ra đầy đủ từng chi tiết trên khuôn mặt nàng. Ông không gặp nàng đã hai mươi ba năm. Ông nắm chặt lấy hai bàn tay nàng giữa lối ra vào như thể vừa tìm lại được một viên ngọc quí. Nàng cũng nắm thật chặt lấy những bàn tay của ông. Những bàn tay của nàng và của ông đan vào nhau, và đều còn mềm dịu. Mắt nàng vẫn trong, vẫn sáng, và da mặt nàng mịn màng, hồng hào hơn những ngày cùng đi họp với ông ở tổ dân phố hơn hai chục năm về trước. Chỉ có màu tóc đã đổi, đã nhuộm sang màu hạt dẻ. Còn ông, tóc đã nhuốm bạc.

-Tưởng anh không nhận ra em!

Ông chỉ biết lắc đầu, mỉm cười, tay xiết chặt nàng hơn. '' Nếu em không gọi anh thì chỉ xém tí nữa anh đã lại lạc em cho tới lúc anh về với cõi vô cùng. Xứ này, lạc nhau dễ dàng quá! '' Ông nghĩ và thấy xót xa như vết thương vừa qua cơn tê điếng, trở nên nhức buốt.

Ông xin lỗi những người bạn. Họ cười thông cảm, dù họ từ xa đến xứ này thăm ông.

Ông và nàng vào một tiệm nước. Nàng để yên tay nàng trong tay ông. Ông nghe thấy hơi ấm rất lạ nơi tay nàng, như vừa vào thẳng tim ông.

Ông nói:

- Anh nghe nói em làm bảo hiểm, mà đọc báo, hỏi thăm, không ai biết em. Em có đổi tên đi không?

- Em vẫn giữ tên cũ, nhưng hãng em làm là một hãng tái bảo hiểm. Em làm trong văn phòng chứ không ra bên ngoài. Nếu anh hỏi những người trong ngành bảo hiểm thì thế nào cũng có người biết em. Em cũng có ý tìm kiếm anh mà chỉ biết là anh đã qua Canada từ mấy năm trước mà thôi. Em đã rời Toronto cách đây ba năm. Hiện nay em làm bên Mỹ. Em về lại đây lo cho xong thủ tục, giấy tờ, và ngày mai em lại bay lại qua Mỹ đi làm trở lại.

Ông thấy buốt nhói nơi tim. Vừa gặp lại nhau, chưa kịp hàn huyên, ngày mai nàng đã lại sớm lên đường. Ông nhìn nàng lắc đầu nhè nhẹ. Một thoáng đau xót trên khuôn mặt ông. Tất cả chúng ta đều đã bất lực trước những thử thách oái oăm của Tạo Hoá. Mới tối hôm nào, nàng còn đi bên cạnh ông, mong manh như một đọn chuối non xanh , mà nay đã hơn hai mươi ba năm. Ông nắn nhè nhẹ những búp tay thon thả của nàng và nhìn thấy rõ những đường gân xanh trong lòng bàn tay của nàng, nơi những gò tiếp giáp bàn tay với những ngón tay của nàng.

- Bây giờ anh làm gì? Và chị có khoẻ? Mấy đứa nhỏ ra sao rồi?

- Anh đã nghỉ việc, và đã về hưu sớm vài năm. Sống cho qua ngày em ạ. Còn bà ấy vẫn còn đi làm. Mấy đứa nhỏ cũng đều có công ăn việc làm đều đặn. Nói chung, không đến nỗi nào.

- Em mừng cho anh đấy. Thế là ổn rồi. Anh còn nơi chốn để đi, về. Còn em, bây giờ em vẫn sống một mình. Với em, thế giới này thật chẳng dễ dàng chút nào, nhưng em đã thuộc về nơi này rồi. Em là một loại banana(#1) rồi. Cái ruột của em đã Bắc Mỹ hoá rồi. Không như vậy, không thể tồn tại nơi này được. Em cũng đã về lại VN một thời gian, nhưng không thể nào sống lại ở đó được nữa. Không ai có thể là người thân của em nữa cả. Họ đều đã thành kẻ lạ.

- Sao vậy em?

Ông hỏi nàng, nhưng chẳng hỏi, ông cũng đã hiểu tất cả.

- Chồng em trước kia là kỹ sư ở VN, qua đây đi học lại, làm được một thời gian thì nghỉ việc. Nhưng tụi em đã thôi nhau. Hạng đàn ông ấy không thể ở với nhau lâu dài được. Hắn đã lười mà lại chi li, tính toán kỹ càng quá. Hắn chỉ muốn mình đi làm và phục vụ cho hắn. Nghỉ chơi với hắn cho khoẻ anh ạ. Khi em đưa ra toà đòi ly dị, hắn vẫn còn tưởng em không dám. Hắn không hiểu được em. Còn anh, anh có hiểu em không? Anh không thể là một banana như em được đâu. Em không được biết đến hạnh phúc.

Ông nhìn nàng, thấy cay cay nơi mắt. Mắt nàng vẫn trong nhưng đã như pha chút sắc lạnh. Nàng vẫn để nguyên tay trong tay ông.

Một cảm giác đầm ấm rất lạ trỗi lên trong nàng, nhưng lập tức nàng cũng thấy ngay một cảm giác hụt hẫng như vừa bước hụt một nhịp chân trên một bậc cấp cao bất thường. Không nên nói với chàng như thế ngay lúc này. Đừng làm vỡ tan cái giây phú quí báu, hiếm hoi này. Cả một đời người, chỉ có phút giây này là nàng thấy có được hạnh phúc, thấy được an toàn, thấy được an ủi, và tin cậy. Đừng để mất đi cái giây phút mong manh này.

Không nghe ông nói nhiều về quãng đời đã qua, nhưng nàng đã đoán được ngay những ngày tháng không kém nhọc nhằn của ông. Nhưng ít nhất ông còn một chỗ ra vào an toàn, ông còn những người thân đùm bọc, che chở ông, như ông đã từng bảo bọc, che chở họ. Ông đâu nào biết nàng đã bao ngày vật vã trên đất này. Và ngay lúc này, nàng bỗng thấy tay mình run lên, rồi cả toàn thân nàng run lên. Nàng muốn ông ôm lấy nàng thật chặt, thật lâu, tự nhiên như chỉ có hai người giữa một cánh rừng êm ả mạn bắc Ontario. Nhưng nàng cũng biết ngay là ông không thể làm như thế được. Ông là một người đàn ông Việt Nam mà nỗi bi phẫn trong giọng nói không che lấp nổi những thân rễ văn hoá chằng chịt của vùng đất tối tăm, u ám, và bất hạnh nằm xa xôi bằng khoảng cách của cả một Thái Bình Dương rất ít thanh bình. Hạnh phúc nào cũng mong manh quá đỗi. Không thể cứ run lên mãi như thế này được. Ngày mai nàng phải có mặt ở San Jose, và phải tiếp tục cuộc đấu, để tồn tại. Nàng còn không ít năm trước mặt.

Ông nhìn nàng, chậm rãi:

- Mình ngồi đây một lúc, rồi chút nữa anh đưa em đi ăn cơm chiều. Xong rồi, anh sẽ đưa em về lại khách sạn để em nghỉ và sửa soạn cho chuyến bay sớm ngày mai.

Nàng bảo:

- Em chưa thấy đói bụng. Ngồi ở đây người qua lại nhiều quá. Hay là mình lại tiệm sách Indigo. Ở đó có cà phê khá ngon. Em muốn giới thiệu với anh một vài cuốn sách.

Ông đưa nàng lại Indigo nằm trong Eaton Center ở ngay trung tâm thành phố. Ông lặng lẽ ngồi nghe nàng kể hết những ngày tháng sóng gió của nàng. Nàng cũng loáng thoáng kể cho ông nghe một vài gặp gỡ qua đường của nàng. Có lúc nàng nói: '' Mấy chục năm mà anh! Chẳng còn gì nguyên vẹn cả! Cũng may là em không có con cái! Như thế cũng nhe... '' Ông chỉ biết lặng lẽ xoa nhẹ những bàn tay thật mềm, thật ấm của nàng, thấy một nỗi thương cảm bùng dậy như đã có lần ông nhìn thấy một con diều nhỏ ưỡn ngực chao người trong bầu trời lộng gió. Lúc này, ông hiểu rõ ràng thế nào là tuyệt vọng, và tại sao đã có những kẻ nổi điên tàn sát những người quanh mình; và cuối cùng tự sát cùng với người mà họ đã trong phút giây thương yêu quá đỗi. Ngay bàn cạnh ông và nàng đang ngồi là một vài cô gái có lẽ là banana gốc Tàu, Nhật, hay Đại Hàn, tóc nhuộm những màu xanh, đỏ, môi tím, áo chẽn hở những khoảng bụng trắng ngần và những cái rốn xinh, gọn. Thỉnh thoảng họ văng tục bằng những câu có chữ f...

Ông nhìn nàng. Nàng nhìn lại ông. Ông vẫn còn nguyên cặp mắt buồn, ướt. Đàn ông xứ này không được quyền buồn. Nàng nghĩ: '' Anh không phải là người của thế giới này. Anh khó lòng tồn tại ở nơi này được. Đây là một đấu trường. Nhưng ít nhất anh cũng còn may mắn hơn em. Anh còn chỗ ra về an toàn với những đứa con của mình. Còn em, em vẫn phải tiếp tục trận đấu của em. Đấu trường ngày mai của em là vùng San Josẹ''

x x x

Ông đưa nàng về lại khách sạn cách không xa lắm Eaton Center. Căn phòng nàng ngụ Ở tầng thứ 14. Nàng mở cửa phòng mời ông vào. Khi bỏ chiếc cặp xách của nàng xuống chiếc ghế dựa ngay cạnh giường nệm giữa phòng, ông choàng tay ôm lấy người nàng. Ông cảm thấy một nỗi ấm áp toa? lan khắp người. Ông cảm thấy những cánh tay mềm mại của nàng cũng xiết chặt lấy ông, và tiếng hơi thở gấp trên vai ông. Ông cúi đầu xuống hôn trên tóc nàng. Một thứ mùi tóc rất đàn bà, không lẫn với bất cứ ai được. Ông không thấy một mùi nước hoa nào. Chỉ còn là một món tóc nhẹ như tơ và một mùi hương gây nhớ: mùi của món tóc của cái thân hình mảnh dẻ như một đọn chuối non nhiều năm về trước. Ông hôn trên gáy nàng, phiá sau trái tai. Ông thấy nàng dán chặt hơn vào người mình. Hai người giữ thế đứng như thế có dễ đến hàng chục phút. Ông thôi không hôn trên chiếc cổ trắng ngần của nàng. Ông ngẩng lên nhìn ra ngoài, qua khung cửa sổ, trông xuống cả một thành phố đã bắt đầu lên đèn. Nàng dán chặt lấy ông, nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra nhìn xuống chiếc giường nệm màu xanh dịu trong cái khách sạn bốn sao này...

Bỗng nhiên, ông buông nàng ra. Ông muốn hôn lên môi nàng. Ông ầm ừ hai ba tiếng rì rầm trong họng mà chính ông nghe không ra tiếng. Còn nàng, nàng không chờ đợi gì. Nàng đã sẵn sàng. Nàng đã là một banana rồi ! Những người đàn ông, cuối cùng,... !

Nhưng không phải vậy. Ông nâng khuôn mặt nàng lên, hôn thật nhẹ trên môi nàng. Nước mắt ông trào ra. Ông chỉ thấy đôi mắt của nàng mở thật lớn, lẫn vào ánh đèn nhoè nhoẹt của thành phố vội vã phiá dưới. Ông buông nàng ra, hẹn nàng một dịp gặp gỡ (rất mong manh) trở lại.

Khi ông đã ra khỏi phòng. Nàng thấy tất cả nỗi cô đơn bỗng oà chụp tới. Nàng nhào lên giường, bật khóc tức tưởi: ông ấy vẫn là người của cái vùng đất xa xôi và tối tăm kia. Nàng đã muốn quên đi, nhưng cái bóng ấy vẫn choàng lên cuộc đời nàng!

Ở đây, người ta đã lạc nhau như thế!!!...

Sầu Đông

Chú giải

(1-) Banana: Tiếng lóng dùng để gọi những thanh niên nam nữ da vàng, lớn lên trên Bắc Mỹ. Khuôn mặt, màu da của họ là của người Á Châu, nhưng họ đã sống, đã suy nghĩ, đã hành xử như cư dân da trắng Bắc Mỹ. Cái vỏ bên ngoài màu vàng, nhưng ruột bên trong đã 'trắng' rồi!"

Hết