Trước ngày theo đợt sóng người di cư vào Nam tìm tự do, gia đình tôi trốn CS. bỏ làng chạy lên Hà Nội và có đem theo một U Già. Chúng tôi, từ lớn đến nhỏ đều gọi U là U Duệ. Mẹ và chị lớn tôi ngày nào cũng bận bịu với cửa hàng vải ở phố Hàng Đào nên ít khi ở nhà. Nhờ có U Duệ chúng tôi được chăm sóc chu đáo và mẹ tôi đỡ vất vả rất nhiều. U Duệ rất chăm làm và thương yêu chúng tôi như con đẻ nên chúng tôi rất quý U. Người U thon thả, tầm thước, nước da bánh mật. U vui tính, hay cười và nhất là hay kể truyện. Truyện của U thì nhiều lắm. Những lúc rảnh rỗi hoặc những buổi tối mưa dầm, tôi hay sà vào lòng U, bắt U kể truyện. U kể truyện rất có duyên, ai cũng thích nghe. Một trong những câu truyện mà tôi còn nhớ đến bây giờ là truyện Thằng Lếu. Lần nào cũng vậy, U có thói quen là nhổ miếng cốt trầu vào ống phóng rồi dùng ngón trỏ và ngón cái chùi hai bên mép trước khi bắt đầu câu truyện. - Trong làng ai cũng gọi nó là thằng Lếu. Bố nó chết vì bị Tây ruồng năm nó lên hai tuổi. Mẹ nó làm thuê cấy mướn ở nhà ông Bá Hộ lấy tiền nuôi nó. Thương tình mẹ goá con côi, ông nuôi cả hai mẹ con. Thấy mặt mũi nó sáng sủa, ông cho nó đi học ở trường làng cùng với con trai út của ông cho đi về có bầu có bạn. Thằng Lếu thông minh, học đâu nhớ đấy. Do đó, nó đâm ra kiêu ngạo và thường chế nhạo những trò kém cỏi hơn. Năm lên chín, nó đã làu bốn phép tính và đọc viết thông thạo. Nhiều người trong làng nhờ nó viết thư và đọc giúp những đơn từ nên tính kiêu ngạo hỗn hào của nó cũng tăng thêm đến nỗi người trong làng không ưa và bắt đầu quên đi tên thật của nó mà gọi nó là Thằng Lếu. Mẹ nó tục huyền vài năm sau đó. Vốn tính hỗn hào, nó cãi nhau với bố dượng và bỏ nhà đi ở vạ Ở vật với cái nhà bác Láo. Không biết nhà bác Láo dạy nó những gì mà càng ngày nó lại càng mất nết. Đã thế, nó còn có vẻ thù đời và càng thêm tai ngược. Nó không còn biết yêu thương, xúc động, phải trái nữa. Ngược lại, lòng nó đầy thù hận. Nó căm ghét mọi người và lúc nào cũng nghĩ đến cách làm tổn thương đến người khác, mặc dầu người ta chẳng ai làm gì nó cả. - Tại sao lại tên là bác Láo hở U ? U Duệ dừng lại, nhổ bãi cốt trầu, lau mép và chậm rãi : - U cũng không rõ, nhưng nghe người trong làng nói là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" nên thằng Lếu ở với bác Láo là đúng. Bác cháu nó thật hỗn láo giống nhau! Bác Láo không phải là người sinh trưởng trong làng mà từ phương xa đến. Bác ta là một kẻ xảo quyệt và bất lương lắm. Có chị, có anh nhưng bác ta không nhận và luôn đổi họ thay tên để làm điều ám muội. Lưu lạc đến đây, Bác ta không có bà con thân thích gì nhưng có một đám bạn trộm cướp và lái heo. Vài năm đầu, bác ta ở giúp việc cho bà Dậu bán bún riêu ở đầu làng. Công việc của bác Láo nhẹ nhàng lắm. Mỗi chiều bác ta vác giỏ ra đồng bắt cạa. Khi được đầy giỏ, bác ta đem về cho bà Dậu nấu riêu. Sáng hôm sau bác Láo ra quán quét dọn, lau chùi mấy cái chõng cho sạch sẽ. Mỗi khi có khách, bà Dậu múc bún ra tô cho bác Láo bưng ra mời khách. Công việc ấy, làng ta gọi là thằng ở nhưng sau này văn minh hơn, U thấy người ta bắt chước Tây, gọi là thằng bồi hay sao ấy. U cười và chép miệng : - Thật lắm chuyện, thằng ở hay thằng bồi thì cũng vẫn là một việc bưng tô hầu khách chứ có khác gì đâu !. - Rồi thằng Lếu ra sao hở U ? U cười : - Thằng Lếu ấy à? Càng ngày nó càng lếu láo, lỳ lợm và mất dạy hơn. Đến nỗi, cả làng chẳng ai thèm dây với nó. Họ bảo không thèm dây với hủi. Thậm chí đến cả nghe nó chửi, người ta cũng để ngoài tai. Nhưng nó làm sao biết được điều đó. Nó lại nghĩ là người ta sợ nó mới buồn cười! Có được dăm ba chữ, nó cho thế là nhất nhì trong làng, trong xã. Nó tụ bè họp đảng với bọn đầu trộm đuôi cướp làm nhiều điều xằng bậy. Nó ăn nói ngạo ngược. Gặp người lớn, đáng tuổi cô tuổi bác nó, nó cũng chả chút kiêng nể gì. Nó lại hay gây sự. Thế nên, dù thân hay sơ, quen biết hay không quen biết, và người ta chẳng có thù oán gì với nó, nó cũng xỏ xiên xách mé. Bác nó, ông Láo, đã không dạy bảo nó điều khôn lẽ phải thì chớ, mà lại còn cho thế là hay và hãnh diện về nó lắm. Một hôm, nó thấy trong làng cờ quạt trống phách linh đình, hỏi thăm, nó được biết là, vào buổi trưa, giờ ngọ hôm sau sẽ có một vị quan to trảy qua vùng và dân làng làm cổng chào, chào đón. Nó tự nhủ : - Cái "thằng" quan này là thằng nào mà khiến cả bày dân ngu phải kính trọng đến thế?. Được, để đó, giờ ngọ ngày mai thằng Lếu này sẽ cho mọi người thấy "thằng" quan kia to đến đâu cho biết." U Duệ lại cười, nụ cười thật vô tư : - Thế rồi đúng vào giờ ngọ hôm sau, một đoàn quân lính ăn mặc chỉnh tề khiêng một cái kiệu đi qua làng. Các bô lão khăn đống áo chùng đứng hai bên đường chắp tay thi lễ. Vị quan nọ ngồi trong kiệu vui vẻ đưa tay ra vẫy chào các quan viên. Khi đi ngang qua gốc đa cổ thụ đầu làng, trời đang nắng ráo đẹp đẽ bỗng đâu một vòi nưóc từ trên một cành đa cao rót ngay xuống kiệu của quan. Ông quan ngũ phẩm triều đình bèn cho kiệu ngừng lại tìm nguyên do. Mọi người nhìn lên cành đa, chỗ phát ra vòi nước thì thấy thằng Lếu đứng trên đó vừa kéo quần lên, vừa cười khoái chí. Các kỳ hào bô lão trong làng sợ hãi bảo nhau quỳ xuống xin quan tha tội thất kính. Ông quan vốn có lòng nhân, hiểu chuyện xảy ra do một đứa trẻ vô hạnh thì cũng không trách cứ gì các cụ bô lão mà còn cảm thương cho thằng bé dại dột kia. Vị quan bèn cho gọi thằng Lếu xuống, khen là can đảm, dám làm những chuyện mà người thường không ai dám làm. Ngài còn sai lấy tiền ra khen thưởng trước sự ngạc nhiên của đám dân làng. Từ đó, thằng Lếu trở thành bất khả xâm phạm. Chỗ nào có bác cháu nó là chẳng có người dân làng hiền lành nào muốn tới. Ai ai cũng sợ cũng ghét và tìm cách tránh càng xa, càng tốt. Riêng thằng Lếu thì càng bắt nạt bọn trẻ trong làng và khi bọn trẻ có gì là phải nộp cho Lếu. Không nộp, nó kiếm đủ chuyện, khó yên thân Một hôm, vào mùa Thu, tiết trời mát mẻ, dân làng lại nhộn nhịp chào đón một vị quan đi kinh lý ngang qua. Lếu nghĩ rằng chắc ông quan này phải lớn lắm. Có thể còn lớn hơn ông quan trước nữa. Vì không thì sao dân làng lại lấy cả cờ quạt chiêng trống của những buổi đại lễ ra mà nghinh đón. Nếu điều đó là đúng thì ông này hẳn là phải có quyền thế và tiền bạc nhiều hơn. Nghĩ thế rồi Lếu uống cho một bụng đầy nước và leo lên cành đa ngồi đợi. Đoàn quân tiến vào làng, Lếu thấy vị quan này không đi kiệu, mình mặc áo giáp, uy nghi ngồi trên một con chiến mã to lớn. Tay ông ghì cương cho ngựa đi chậm lại. Trên gương mặt nghiêm trang, Ông để lộ nét hân hoan như trầm trồ khen ngợi sự phồn thịnh và khung cảnh sống động của dân làng. Ngay lúc đó, thì một vòi nước từ trên cành đa tuôn xuống xối xả trên đám quân lính và vị quan nọ. Quan nhìn lên, thấy thằng Lếu vừa cười vừa nhìn ông như thách thức. Giận cho hành vi vô lễ, hỗn hào, Ông sai lính bắt thằng Lếu xuống, chém đầu. - Thế bác Láo nó đâu, Ủ, sao không bênh nó ? U Duệ lại cười : - Ừ, bác nó hả ?, U nghe đâu lão ấy chết lâu rồi. Mà nếu có còn sống thì chắc gì lão ấy bênh nó. Người ta đặt tên lão là Bác Láo thì cũng phải có lý do chứ! Vả lại, con ạ, dân ta là một giống dân hiền lành, đầy lòng nhân đạo, tin tưởng vào thuyết ác giả ác báo. Nghĩa là kẻ làm điều ác thì sẽ gặp ác, không ai cứu được. Người lành, làm việc thiện, nếu có gặp chuyện không may thì sẽ có hiền nhân giải cứu. Thôi, bé đi ngủ đi, mai còn dậy sớm đi học. Chóng ngoan, U thương ! Tôi ngước nhìn U Duệ, mỉm cười. U Duệ cũng cười. Nụ cười hiền như U Duệ vậy. Tài liệu theo:doanket.web1000.com