Phần 1
R
a khỏi trại bịnh hơn mười phút đồng hồ rồi mà Lưu còn nghe choáng váng bàng hoàng.
Chàng vừa trải qua những phút chấn động tâm thần mãnh liệt, nó suýt dìm chàng vào cõi bất thức giác y như người em gái của chàng, con bịnh mà chàng vừa thăm.
Ba tháng trước, ngày Bích lên cơn điên, chàng ở trên Đà Lạt. Cha mẹ chàng đã đưa Bích vào nhà thương Chợ Quán rồi đánh điện cho chàng hay tin.
Chàng đã thăm Bích hai lần, khi về Sàigòn, lúc ấy thì Bích đập phá, la hét rầm trời nhưng chàng không hề bối rối hay hoảng sợ chút nào. Chàng đã nghe sách vở và bạn hữu của chàng, những người bạn nghiên cứu chuyên khoa về khoa tâm bịnh, nói rằng những con bịnh làm ồn và phá phách, coi vậy mà rất mau khỏi.
Vả lại, lúc ấy Bích còn tươi tốt hồng hào lắm, hồng hào quá, và rất hung hăng, trông Bích như một con ác thú, như một người say rượu, không gợi tình thương xót bao nhiêu.
Rồi thì Bích được đưa lên đây, lên dưỡng trí viện nầy mà tục thường gọi là nhà thương điên Biên Hòa.
Đường xa, chàng bận học, cha mẹ chàng, nhứt là mẹ chàng, cứ giành đi thăm Bích mãi nên chàng không thấy mặt Bích đã hơn mười tuần lễ rồi.
Cứ theo lời mẹ chàng thì Bích đã đỡ nhiều, không la, không cười vô cớ nữa, cũng không đánh đập, cào cấu cắn xé ai nữa. Nhưng chàng ngờ 1ắm. Người ta đưa Bích lên Biên Hòa, sự kiện ấy chứng tỏ một tình trạng ngược lại mà bà cụ không dè.
Chàng thì chàng biết, cũng cứ qua sách vở và lời của bạn hữu. Nhưng chàng chỉ biết vậy... vậy thôi, cho đến cái giây phút đầu mà chàng thấy mặt đứa em gái thân yêu của chàng ở lần thăm đầu, hôm tuần trước.
Lưu trông Bích không khác ngày thường bao nhiêu. Nàng giống một thiếu nữ vừa qua một cơn ốm nặng, cảm cúm, hay sốt rét rừng gì đó, nước da xanh mét, thân thể tiều tụy. Chỉ có thế thôi. Mà với sinh lực hai mươi, sự suy đồi của cơ thể của Bích không đáng ngại, hễ ăn ngon ngủ kỹ vài hôm, hoặc tiêm độ năm bảy mũi thuốc nước cốt gan là lại sức ngay. Nhưng mà...
Bích chỉ còn là một con hình nộm không hồn mà thôi. Đôi mắt lờ đờ, mất thần của nàng trước người anh ruột của nàng, nhìn chàng trân trân mà không thấy, đôi môi cứ mấp máy, lẩm bẩm những gì không nghe được, bốn ngón tay cứ xe mãi một sợi chỉ vô hình rất dài, tất cả những thứ ấy làm cho chàng thấy em gái của chàng xa chàng vạn dặm.
Chàng đã mất Bích rồi, mất hẳn, không sao tìm lại được, vì chàng lo rằng Bích đã bước qua cái giai đoạn khó khăn nhứt trong các chứng bịnh tâm trí, giai đoạn mà bản ngã của con người co rút lại để không bao giờ mở ra được nữa cả.
Lưu đã khóc, đó là những giọt lệ đầu tiên của người con trai nầy, kể từ khi hắn rời bỏ tuổi thơ ấu.
Thật ra thì chàng đã khóc ngày chàng vừa được điện tín của cha mẹ chàng đánh lên Đà Lạt. Chàng biết em chàng đau khổ từ ngày vị hôn phu của nó bỏ rơi nó để cưới con gái một triệu phú.
Cái anh vị hôn phu ấy là bạn của chàng, hắn tới lui nhà chàng thường lắm nên hai đứa nó yêu nhau, và Bích mới yêu vỡ lòng nên yêu nhiều lắm.
Chàng đã khóc hôm ấy, nhưng rồi chàng buồn cười cho chàng lắm, bật cười ra và hết buồn ngay. Chàng cứ ngỡ Bích nó trẻ con nên đau tương tư bậy bạ vậy thôi rồi vài ngày nó sẽ nguôi.
Lần thăm trước thì chàng khóc nghẹn ngào. Và lần nầy nữa, vì đây là lần thứ nhì mà chàng đi thăm Bích. Không dám đứng lâu nơi cửa phòng bịnh để nhìn mãi cái cảnh đau lòng mà chàng hoàn toàn bất lực cứu vãn, Lưu bước ra ngoài, đi thơ thẩn trên con đường viền cỏ vú sữa, bần thần như là chính mình đang đau ốm.
Khi chàng lần bước ra tới ngã ba mà con đường nhỏ nầy gặp con đường lớn, con đường chánh của nhà thương, thì chàng thoáng thấy hai người đi thăm bịnh cũng vừa bước tới đó.
Hôm nay là một ngày thường, tức ngày làm việc, nên người thăm bịnh thưa thớt lắm.
Tình trạng thưa thớt nầy lại do hai nguyên nhân khác gây ra. Người điên, điên lâu năm chầy tháng quá mà gia đình họ thì bận sống. Hơn thế từ mấy năm nay, dưới quyền cai quản của một vị bác sĩ chuyên môn đã từ ngoại quốc về, nhà thương được cải tổ lại ở nhiều mặt mà điểm cải thiện đáng kể hơn hết là giờ thăm bịnh. Với thời dụng biểu thăm bịnh mới, bất cứ vào giờ phút nào trong ngày, người nhà cũng vào thăm bịnh được cả, sự dễ dãi nầy làm khổ nhơn viên nhà thương lắm, nhưng rất lợi cho các con bịnh, họ rất cần liên lạc tinh thần với những người thân yêu của họ. Những người nầy không siêng thăm viếng, nhưng được khuyến khích như thế, họ lại đâm năng tới lui. Vì lẽ đó mà khách thăm viếng cùng một lúc, xem như là gần không có ai cả.
Nếu như đây là nhà thương khác, Lưu sẽ không ngước lên, vì người thăm bịnh đã ùa vào một lượt với nhau, đông hàng trăm hàng ngàn người, không ai buồn nhìn ai cả, chớ có phải kẻ trước người sau, cách nhau hằng giờ như ở đây đâu.
Thế nên người anh đau khổ nầy mới ngẩng nhìn hai người thoáng thấy đó, mong rằng nhìn cây, nhìn cỏ không nguôi sầu thì nhìn cái gì biết cử động có lẽ vui mắt hơn chăng?
Thình lình, chàng lặng người đi.
Không, người con gái ấy không đẹp tuyệt trần đâu. Nhưng mà... thật là kỳ dị hết sức.
Lối cho phép vào thăm bịnh thả cửa ở đây, không giúp cho những người thăm bịnh gặp nhau được, bởi họ khỏi phải cùng nhau hầu cửa để đợi giờ, kẻ nầy vào xong, mười lăm hai mươi phút sau kẻ khác mới đến.
Gặp nhau là một chuyện ít xảy ra mà gặp nhau lần thứ nhì, như giờ đây, lại là một chuyện hi hữu.
Người con gái nầy, Lưu đã thấy mặt một lần rồi, hôm tuần trước, nhưng hôm ấy nàng chỉ đi một mình thôi. Nàng không đẹp tuyệt trần nhưng vẫn đẹp, và chàng đã nhìn nàng hôm ấy cũng chỉ vì người thăm viếng vào ra thưa thớt quá, và chàng đang buồn quá. Nhìn rồi sở dĩ chú ý đến nàng là vì nàng cũng đã mặc đầm, y như hôm nay.
Dầu yêu nước, quí trọng dân tộc tính hay gì gì đi nữa, thanh niên trí thức của thế hệ nầy vẫn bị Âu hóa, mà trong đó có một số thấy là chiếc áo đầm “văn minh” hơn chiếc áo dài ta.
Người mặc áo đầm có thể chỉ là một “sến”, một kỹ nữ, họ vẫn cho ta ảo tưởng là họ có học.
Đã chú ý đến cô gái, lần nầy chàng lặng người đi, không phải vì vừa đột thấy một nhan sắc có hạng mà vì kinh ngạc cho một sự trùng phùng kỳ dị, làm thế nào mà hai người có thể ở cách xa nhau vạn dậm, thời dụng biểu khác nhau, công ăn việc làm khác nhau mà cùng đi thăm người nhà nơi cái nhà thương tự do giờ khắc nầy trùng ngày trùng giờ, trùng lúc với nhau đến hai lần? Thế nên, mặc dầu không bị sét ái tình đánh, chàng vẫn nghe cuộc tái ngộ hi hữu hôm nay 1à một cuộc hạnh ngộ.
Lần nầy, nàng đi với một ông cụ, nói cho đúng hơn là ông cụ đi với nàng, vì ông cụ vịn vai nàng và nàng dìu ông cụ, cả hai bước thật chậm. Lưu đoán thì ông cụ chỉ trạc bảy mươi thôi, nhưng ông yếu quá sức, nếu không có cô gái, chắc ông không chống gậy mà đi một mình được.
Ông cụ không gầy ốm đâu. Ông khá phương phi, hồng hào, đối với cái tuổi của ông. Ông mặc Âu phục may theo lối tiền chiến, nghĩa là áo eo, quần ống chơn voi. Tuy nhiên, tuy ăn mặc lỗi thời trang vậy mà ông vẫn đẹp, nhờ người của ông đẹp và nâng đỡ lên lối cắt lỗi thời ấy.
Ông cụ, một tay chống gậy, loại gậy Ăng-Lê, một tay vịn vai thiếu nữ, bước những bước rất nặng nề khó nhọc, không nói năng gì, không nhìn ai, hoặc nhìn cái gì cả, không buồn không vui, và Lưu rùng mình khi chợt thấy rằng ông cũng hơi giống Bích ở cái điểm mất thần nơi gương mặt.
Trong khi đó thì thiếu nữ mở to đôi mắt tròn xoe ra để nhìn cảnh vật chung quanh một cách rất yêu đời và rất ngây thơ.
Ngây thơ? Vâng. Cứ bằng vào Bích, hai mươi tuổi, thì thiếu nữ nầy chắc mới xin thẻ kiểm tra năm nay đây thôi.
Hai người ấy rẽ tay trái để đi vào con đường nhỏ mà Lưu sắp ra khỏi đó. Chàng đụng đầu ngay với họ, và Lưu nghiêng mình thi lễ, đoạn tránh sang một bên rồi nói thật to, đồ rằng ông cụ chắc phải nặng tai lắm.
- Kính chào cụ! Chào cô!
Chàng nói lớn lắm, lớn quá sức, nhưng ông cụ vẫn có thể không nghe. Tuy nhiên, hẳn ông phải thấy. Vậy mà ông cứ lờ đi, làm như là không có ai đang cử động, đang mấp máy đôi môi, đang nhìn cô gái mà mỉm cười.
Cô gái gật đầu lặng 1ẽ chào lại thanh niên. Đáng lý gì rồi sau đó ai đi đường nấy, nhưng cô ấy rất bối rối và ngượng ngùng vì thái độ của ông cụ, cô thấy rằng mình phải giải thích kẻo người thanh niên nầy ngộ nhận rằng ông cụ thị đời, khinh người chăng?
Cô gái do dự rất lâu vì cô phải bày tỏ một tình trạng không hãnh diện lắm cho gia đình của cô. Nhưng chắc cô nghĩ rằng dầu sao phân trần vẫn còn đẹp hơn là cái bất lịch sự của ông cụ mà có lẽ người thanh niên nầy đã căm giận và khinh bỉ.
- Xin lỗi anh, ông nội của em đã 1ẫn lụ rồi.
Lưu kinh ngạc hết sức. Quả mới có bảy mươi mà lẫn lụ thì cũng hơi sớm thật đó, nhưng đã lẫn lụ thì còn đi thăm viếng ai để làm gì?
Thiếu nữ lại cúi đầu lặng lẽ giã từ Lưu rồi tiếp tục dìu ông của nàng đi.
Không hiểu sao, Lưu lại rảo bước theo họ, vì tò mò về ông lão đi thăm bịnh kỳ lạ, hay vì do sư thu hút của một sắc đẹp tuy không lộng lẫy nhưng có lẽ hạp nhãn của chàng thì không rõ.
Họ tiến tới, theo hàng ba, cô gái đi giữa người ông nội đã mất trí của cô và người thanh niên tò mò.
Lưu chưa biết nói gì. Cô gái cũng không tỏ vẻ khó chịu mà bị một anh con trai lạ cà rà theo sát bên cô ta. Cô ta còn ngây thơ nên không nghĩ quấy cho ai, hay là quen giao thiệp với bạn trai, rồi thấy cỡ anh chàng nầy mà có ý định theo tán tỉnh cô ta, thì đó cũng là một việc quá thường?
Giây lát, Lưu hỏi một câu rất xoàng :
- Cô từ đâu đến?
- Gia đình em ở Bà Chiểu.
- Tôi cũng vậy... ơ... ơ... nghĩa là... tôi ở Sàigòn, cụ và cô đi thăm ai?
Một lần nữa, cô gái lại bối rối lên trông thấy, chắc là cô ta ngây thơ, chớ như người khác, họ đã đánh trống lấp, hoặc đã chỉnh kẻ tò mò. Cô gái ấp úng đáp :
- Đi thăm bà nội lớn của em.
Rồi chợt thấy rằng mình đã hớ, bấy giờ cô ta mới hoảng hồn và mới nghĩ ra lối đánh trống lảng và hỏi rối rít người thanh niên mới quen, đến đỗi hắn đáp suýt không kịp thở :
- Còn anh, anh đi thăm ai?
- Tôi thăm em gái tôi.
- Em ruột của anh hở?
- Ừ.
- Chị ấy bao nhiêu tuổi, anh?
- Hai mươi.
- Trời! Mặc dầu chị ấy lớn hơn em hai tuổi, nhưng hai mươi vẫn còn trẻ lắm. Vậy mà đã... À, chị ấy đã có đôi bạn chưa anh?
- Chưa.
Vô tình, Lưu đã bắt chợt được tới hai bí mật của gia đình cô gái. Ông nội cô thì lẫn lụ quá sớm, còn bà nội ruột của cô ta, chỉ là vợ bé thôi.
Bỗng dưng thiếu nữ khả ái nầy trông dễ ghét lạ kỳ đối với hai con mắt mới của Lưu. Em của chàng đã bị tình phụ nên mới ra thân tàn ma dại thế kia. Mà nó bị tình phụ vì có kẻ đến sau. Chàng oán hận tất cả phụ nữ đến sau, vì tin rằng kẻ đến sau nào cũng làm cho người đến trước hóa điên vì ghen, không thể có ngoại lê.
Bà nội của cô gái nầy cũng 1à một kẻ đến sau. Và chàng oán tuốt luôn cháu nội của bà cụ ấy.
Chàng muốn trở gót đi ngay, nhưng vừa lúc ấy cô gái đáng ghét kia nói 1ên một câu còn dễ ghét hơn vì chàng ngỡ nghe thấy sự giả dối trong đó.
- Tội nghiệp! Em thương chị ấy lắm!
Lưu phá lên cười một chuỗi cười rất mỉa mai rồi hỏi :
- Cô thương vay như vậy ắt hẳn phải dư tình cảm nhiều lắm?
Chàng muốn nói thêm: “Vì cô có máu trăng hoa của ông nội cô và máu đa tình của bà nội cô, hèn chi cô không dư tình cảm sao được”. Nhưng chàng không nỡ tàn nhẫn.
Thiếu nữ không hiểu sự chế giễu của chàng, ngây thơ đáp :
- Em không biết em dư hay là thiếu thứ đó, hoặc chỉ có vừa đủ thôi. Nhưng em thương chị ấy như em đã thương bà nội lớn của em.
- Ha... ha... ha...! Cô thương bà nội lớn của cô? Thật là đúng y theo luân lý Khổng Mạnh: con cháu của các bà thứ vẫn phải kính yêu bà lớn, và về sau cũng phải đại tang phục cho bà chánh, y như bà ấy là bà nội, bà cố ruột của họ. A... ha... ha... đúng theo Văn Công Thọ Mai Gia Lễ đó mà!
Người thiếu nữ ngây thơ và hiền 1ành như một con cừu non nầy thình lình tím mặt, dừng bước lại rồi xẳng giọng nói thật to :
- Bà nội ruột của tôi không phải 1à bà vợ thứ của ông nội tôi. Ông đừng có hiểu lầm rồi ức đoán và xuyên tạc hàm hồ.
Lưu đang hách dịch bỗng rụng rời kính sợ trước cơn thịnh nộ ấy, nó giúp chàng hiểu tức khắc rằng cô gái nầy hẳn phải vô cùng uất ức trước một ngộ nhận và một xét đoán bất công nên mới đang cừu lại hóa sói thình lình như vậy.
Và chàng rất buồn trước sự thay đổi 1ối xưng hô. Giờ thì tôi và ông, chớ không em và anh nữa.
Từ nãy tới giờ, cả ba vẫn đi chớ không phải đứng lại mà nói chuyện với nhau. Nhưng ông cụ yếu quá, nên bước chậm không thể tưởng được, và họ chỉ mới đi được có nửa chừng đường, con đường nhỏ viền cỏ màu, đưa vào trại bịnh phụ nữ nhà giàu.
Nếu như bây giờ mà chàng chạy trốn luôn thì êm chuyện. Thiếu nữ nầy ngây thơ và hiền lành lắm, không phải thuộc hạng người hay gây sự, nhứt định không nghe cho kẻ nào đã xúc phạm nàng đến tự ái, đến danh dự của cô.
Một ngàn năm nữa, chưa dễ họ có thể gặp lại nhau lần thứ ba, mà rủi ro có gặp nhau đi nữa, chưa chắc cô ấy sẽ dám hạch sách mắng nhiếc gì chàng.
Nhưng chàng không chạy trốn. Người con gái không có nhan sắc đổ nước nghiêng thành nầy, lại rất ưa nhìn đối với con mắt riêng của chàng. Và là kẻ có học, có giáo dục, Lưu quyết ở lại để tạ tội với người vừa bị mích lòng nặng.
Hơn thế, cái điều mà nàng đã thố lộ ra để đính chánh sự hiểu lầm của chàng, cái điều ấy kỳ lạ quá, khiến chàng rất thèm khát biết ẩn tình bên trong, thế nên chàng nhứt định không buông tha cô gái nầy.
Cái gì mà bà nội nhỏ lại không phải là bà vợ thứ? Bí mật nầy cộng với bí mật trước là việc một ông cụ đã lẫn lụ còn đi thăm vợ, mà lại là một người điên nữa, để rồi cả con bịnh lẫn người thăm, không ai nhận ra ai hết, hai bí mật ấy hợp lại làm cho trí tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ thoáng thấy một tấn bi kịch gia đình nào, thu hút hắn vào người mới quen còn mạnh gắp mười nhan sắc trung bình của thiếu nữ nữa.
Lẽo đẽo theo sau nàng, mà đi thụt ra đằng sau hai ông cháu, chớ không dám đi hàng ba như khi nãy nữa, và bước được vài mươi bước, Lưu thỏ thẻ nói :
- Cô ơi, xin cô tha tội cho tôi!
Thiếu nữ đã dịu được cơn giận dữ, vì cảm tình với người con trai nầy cũng có, mà vì thấy rằng sự hiểu lầm của hắn cũng không có gì là cố ý, bởi tình trạng gia đình của nàng quá đặc biệt, ai mà hiểu rõ cho được, qua thố lộ kỳ lạ của nàng, thế nên nàng đáp :
- Không hề gì, miễn ông bỏ ngộ nhận của ông.
Lưu chưa lấy lại được trọn vẹn cảm tình của người thiếu nữ nầy, vì lối xưng hô nước lã vẫn còn được cô ta dùng.
Mặc dầu vậy, chàng cũng tiến lên để đi hàng ba như khi nãy. Chàng thấy cô ta châu mày, nhưng không nói gì, không phản đối, và mặt cô ta buồn dàu dàu.
Chàng lại nói lên một câu mà nếu ai nghe được, chắc họ buồn cười lắm, vì đó không phải là một lối xin lỗi khôn khéo, câu ấy không ăn nhằm gì với cuộc xung đột nhỏ vừa mới xảy ra giữa hai người. Câu đó là thế nầy :
- Cô ơi, em gái tôi, tôi thương nó lắm.
Vậy mà đó là một thủ đoạn rất giảo quyệt của thanh niên nầy. Chàng đã tin chắc rằng thiếu nữ nầy thương xót em chàng một cách thành thật, nghĩa là nàng nhiều tình cảm lắm, nên chàng mới đánh vào nhược điểm ấy của nàng.
Chàng đánh trúng ngay bon, vì quả nhiên thiếu nữ đổi giọng rồi nói, nói khẽ như nói một mình :
- Chị ấy chưa có chồng, mà ngày kia thì anh sẽ lập gia đình. Rồi còn ai mà lui tới để viếng thăm chị ấy! Bịnh tâm trí kéo dài lâu quá, có khi trọn cả đời người, như trường hợp của bà nội 1ớn của em, mà con người thì ai cũng bận sống. Người điên giống như người chết, tệ hơn người chết nữa, bởi còn có lễ Thanh Minh cho người chết mà không hề có bắt buộc nào để ràng buộc ai với những cuộc viếng thăm người điên.
- Nếu như vậy thì bà nội lớn của cô rất có phước, chớ đâu có gặp cảnh huống như em gái tôi, nhưng sao cô bảo rằng cô thương, nghĩa là thương xót bà nội lớn của cô lắm?
Đáng 1ý gì không có tiếng vang đáp lại câu hỏi của thanh niên nầy. Hắn quá tò mò. Nhưng có lẽ cô gái đã bị tiếng sét rồi chăng, hay vì muốn xóa cho thật sạch trơn ngộ nhận không hay của người con trai nầy, mà rồi cô ta lại kể lể chớ không nín đi về chuyện gia đạo không tốt lành gì của cô. Cô nói :
- Bà nội lớn của em ở vào một trường hợp đặc biệt. Cứ theo 1ời bà nội ruột của em kể lại năm bà còn sanh tiền thì...
- Té ra bà nội ruột của cô đã qua đời rồi?
- Vâng.
Thật là kỳ lạ. Gia đình nầy, không còn ai dính líu gì với người bịnh trong kia cả, trừ ông cụ đây, mà ông cụ 1ại 1ẫn lụ rồi. Nhưng vẫn còn có cuộc thăm viếng.
- Ông nội của em, nàng tiếp, như anh thấy, cũng không còn bao lâu nữa sẽ về núi. Ba em, chú, cô em đều bận sống, mà rồi ngày kia chắc em cũng không còn rảnh rang. Như vậy bà nội lớn của em sẽ bị bỏ rơi. Em không thương sao được. Em đâu có thể nhờ người thứ nhì nào khác lên đây thăm bà.
Thiếu nữ cũng nói ra ý nghĩ của Lưu trên đây, Lưu ngạc nhiên vì không hiểu tình thương của gia đình đối với con bịnh, còn thiếu nữ thì cắt nghĩa tình thương ấy, tuy ổn nhưng không hữu lý cho lắm.
Ổn! Ổn vì con bịnh bị bỏ rơi nên chàng thương. Nhưng tại sao kẻ không dính líu đến con bịnh lại thương con bịnh? Ổn mà không hữu lý là vì thế.
- Bà nội ruột của cô đã kể gì?
- À, em nói không có đầu có đuôi. Ông nội của em chỉ mới lẫn lụ từ một năm nay thôi...
- Cụ đã thọ được bao nhiêu rồi cô?
- Dạ bảy mươi mốt. Còn bà nội ruột của em với bà nội 1ớn của em đồng niên với nhau là sáu mươi sáu.
- Tôi cứ ngắt lời cô mãi, xin cô miễn phiền.
- Không hề gì. Cho tới năm ngoái đây, mặc dầu chưa lẫn, ông nội em cũng đã quá yếu lắm rồi, nhưng tới kỳ thì cứ đòi đi thăm bà nội lớn của em, và dĩ nhiên là bắt em đưa đi. Em còn một người anh nhưng anh ấy đã đi du học hơn bốn năm rồi.
Lắm khi em bực mình, hỏi sao em lại phải làm cái phận sự không phải là phận sự ấy.
Bà nội ruột của em, còn sanh tiền năm kia, đã giải thích rằng bà nội với bà nội lớn của em là một đôi bạn gái rất thân, thì đó là phận sự của bà, mà bà cũng đã yếu lắm thì nhờ con, nhờ cháu vậy.
Vả lại, bà lại giải thích thêm, em đi là để bảo vệ ông nội em, không dám giao phó cho người tài xế không đáng tin cậy lắm, chớ không phải để thăm viếng ai. Thăm viếng là công việc của ông nội em.
Ban đầu thì như vậy. Nhưng mà đi một lần rồi thì em đâm ra thương bà nội lớn em quá, vì vậy mà giờ ông nội em đã lẫn lụ rồi mà em vẫn đưa ông nội em đi, đây là một cuộc hành hương đó anh à.
- Nhưng tôi mới gặp cô tuần trước đây, cô có nhớ ra hay không?
- Vâng, em nhớ, và em đã nhận diện được anh ngay khi nãy.
- Cám ơn cô.
- Vâng, tuần trước em đã đi... một mình, định rằng từ đây em cứ đi một mình thôi, nhưng rồi em lại đau xót quá nên tuần nầy em phải đưa ông nội em lên đây. Mấy năm trước lần nào bà nội ruột của em cũng cố ngăn ông nội em đi, vì thấy ông đã yếu, sợ ông mệt, chớ không phải vì ghen tương đâu, vì ông nội em đi thăm bà nội lớn của em như vậy đã bốn mươi lăm năm rồi, hồi ba em chưa ra đời lận.
- Bốn mươi lăm năm?
- Ừ.
- Trời ơi, ngót nửa thế kỷ! Thuở cả hai chúng ta còn ở trong cỏi u minh nào không rõ!
- Ừ, thuở ba má em còn chưa sanh ra lận kia mà!
- Trời ơi, tôi thật không dè trên đời nầy lại có được một tình thương dai dẳng đến như thế.
- Cứ theo 1ời bà nội ruột của em thì ông nội em cưới bà nội lớn của em được một năm rồi thì bà mất trí. Ông nội em đợi hai năm, nghe nhà thương nói rằng không hy vọng gì, nên ông nội em mới cưới bà nội ruột của em đó anh à.
- Vậy à? Hèn chi! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mà bà nội nhỏ lại không phải là vợ thứ của ông cụ. Vâng, bà nội ruột cô là vợ kế chớ không phải vợ thứ.
- Đúng như vậy.
- Một lần nữa tôi xin cô thứ lỗi cho tôi.
- Chuyện đó đã qua rồi, còn trở lại làm gì! Bà nội lớn của em còn khỏe ghê lắm anh à, bà ắt còn sống nhiều năm nữa. Bác sĩ bảo rằng sức khỏe về thể chất đôi khi không đi đôi với sức khỏe tâm trí, và bà nội lớn của em mặc dầu đã hết hy vọng trở về thế giới tri giác, vẫn có thể rất trường thọ.
Em nghĩ đến ngày em không còn rảnh rang nữa, chẳng hạn như em đi lấy chồng rồi đùm đề con dại, em thương xót bà nội lớn của em quá. Bà sẽ bơ vơ ở đây một mình, như là xác chết dưới mồ hoang, mả lạnh, bị cả thế gian quên mất rằng trên đời có bà.
Phía bên bà, bà còn có cháu kêu bằng bà dì, bằng bà cô, nhưng họ xa lạ với bà quá...
Cô gái nghẹn ngào ở câu cuối cùng nầy, có lẽ còn dài nữa. Lưu nói cho có chuyện để mà nói :
- Họ hẳn không xa lạ bằng cô.
- Anh lầm. Em mời anh đi theo em vào buồng của bà nội 1ớn của em. Anh sẽ thấy rằng chẳng những em gần bà mà thôi, mà cả anh cũng sẽ gần nữa. Ai mà chứng kiến một lần cuộc thăm viếng kỳ lạ của ông nội em thì nghe mình không thể quên con bịnh được nữa.
Lưu mừng không thể tả. Đó là mục đích của chàng, chàng 1ẽo đẽo theo thiếu nữ vì mong mỏi được biết thêm cái gì, cái đó có thể là ở tại buồng của bịnh nhân cũng nên, nhưng chàng đã bươi trí từ nãy giờ mà không tìm được cớ gì chánh đáng để xin cái ơn huệ nầy mà đến phút chót chàng lại nhận được một cách bất ngờ.
Vâng, đây là phút chót và thiếu nữ đang xoay trở để giúp ông nàng bước lên thềm của trại bịnh. Lưu giành lấy công việc ấy để giúp cô gái, và chàng rất lo rằng lần sau không có chàng, ông cụ có thể ngã lắm, bởi ông thì như đứa trẻ mới biết đi lững chững mà lại nặng cân quá thì cô gái yếu đuối nầy làm thế nào mà đỡ nổi ông nếu ông rủi ro vấp chân khi leo mấy bực tam cấp nầy.
Buồng của bà cụ là buồng nhà giàu nhưng gồm hai giường. Có 1ẽ đó là một trong nhiều trị liệu của nhà thương, để hai con bịnh nằm chung cho họ đỡ cô đơn chăng? Nhưng cái giường thứ nhì, hiện trống, không có người chiếm từ lâu, hay là người ấy vừa khỏi và đã ra nhà thương rồi thì không biết.
Ba người lặng 1ẽ dừng bước tại ngưỡng cửa buồng bịnh nhơn chớ không vào.
- Anh!
- Em!
Hai ông bà cụ gọi nhau như thuở họ còn thanh xuân.
Thời gian đã ngừng trôi chảy trong tâm trí họ từ nửa thế kỷ rồi, đã ba thế hệ người qua rồi.
- Ấy, ông bà vẫn còn nhận được nhau, thiếu nữ giải thích, nhưng thực giác của ông bà dừng lại tức thì liền ngay sau cuộc nhận diện. Thế rồi thôi.
- Bà gọi ông cụ bằng “anh” thì hữu lý, vì cứ tưởng rằng bà là một thiếu phụ hăm bốn, Cớ sao ông cụ lại gọi bà bằng “em”? - Lưu hỏi.
- Ông nội em chỉ gọi như vậy từ ngày ông nội em lẫn lụ, còn trước đó thì ông nội em kêu bằng “bà”.
- Ừ, có thế chớ. Bây giờ thì chính ông cụ cũng tưởng rằng mình còn thanh xuân?
- Chắc là như vậy.
Lưu nhìn hết ông cụ đến bà cụ và thấy được rõ rệt một sự nỗ 1ực vô biên của hai người già nầy, họ cố gắng đến độ tột cùng của ý thức mong manh hấp hối nơi họ để nhớ lại cái gì. Nhưng họ đã hoài công.
Lưu nghe như bị một tảng đá thật to đè lên ngực chàng khi chàng theo dõi nỗ lực của hai cái ký ức hao mòn nầy theo dõi trên mắt của họ. Bốn con mắt khờ khạo nhìn nhau trân trối, mí mắt của họ không hề nhấp nháy lần nào hết, ánh sáng của thức giác chốc chốc lại lóe lên như một con đom đóm rồi lại tắt đi ngay.
Thức giác của họ lặn hụp, bảy nổi ba chìm, nhưng nếu nó có trồi lên mặt nước ý thức thì cũng chỉ trong khoảnh khắc mà thôi, cái khoảnh khắc ấy chắc không dài hơn một giây đồng hồ.
Chắc chắn là như vậy vì Lưu thấy rằng cả bốn mắt đều rơm rớm 1ệ. Nếu họ hoàn toàn không biết gì hết thì không thể nào ngấn lệ mong manh ấy lại trào ra.
Đau xót là ở chỗ đó. Thà là họ không biết gì cả, hoàn toàn chìm đắm trong đêm tối của sự điên loạn, chớ còn ý thức và nhớ lại trong nháy mắt như thế, họ chắc chắn là có biết đau khổ trong những 1úc ngắn ngủi và một dĩ vãng đau thương nào bỗng sống dậy.
Bây giờ Lưu mới tin được cái câu của thiếu nữ khi nãy: “Ai mà chứng kiến một lần cuộc viếng thăm kỳ lạ của ông nội em thì nghe mình không thể quên con bịnh được nữa”.
Chàng day lại nhìn thiếu nữ thì thấy mắt mũi nàng đỏ cả. Một người thứ tư đang đứng sau lưng nàng mà sắc phục cho chàng biết ngay rằng đó là một nữ giám thị.
Bà nữ giám thị già nầy cũng mủi lòng rơi lệ, mặc dầu làm việc thâm niên hẳn bà phài quá quen với những cảnh thuộc loại nầy.
Nhìn sự nỗ lực của hai thức giác tàn lụn ấy, Lưu tin chắc rằng phải có một tấn bi kịch cũ gần nửa thế kỷ mà có thể thế hệ thứ ba là người thiếu nữ ngây thơ đang đứng cạnh chàng, không hay biết gì cả.
Thế hệ thứ nhì là cha của cô gái, có lẽ biết, bởi còn nhân chứng của tấn bi kịch ấy, họ bép xép, nếu tấn kịch công khai, họ xầm xì nếu tấn kịch được giấu giếm.
Những nhân chứng nầy không hẳn đã chết hết rồi, nhưng chuyện đã hóa thành chuyện thời sự của thế kỷ trước mà họ lại già quá rồi, không thích ngồi 1ê đôi mách nữa nên bí mật gia đình nào cũng đến thế hệ thứ ba là được chôn luôn.
- Thôi đi về ông!
Hai ông bà lặng lẽ nhìn nhau ngót nửa tiếng đồng hồ nên cô cháu của họ thấy rằng bấy nhiêu đó đã đủ lắm rồi.
Thiếu nữ nói xong, cầm tay ông cụ đặt lên vai nàng, lặng lẽ nhìn bà cụ người dưng lần chót rồi trở gót, ông cụ máy móc xây lưng theo cháu.
Cả ba im lặng bước ra, bà nữ giám thị già hỉ mũi rồi cũng đi.
Không, không thể nào Lưu chịu bỏ cuộc sau trận chấn động tâm thần lần thứ nhì nơi chàng, trong buổi sáng nầy cả. Chàng phải quen với gia đình nầy mới được.
Tò mò tìm biết chuyện riêng tư của người ta thì xấu xa lắm, nhưng có những chuyện riêng tư lại không phải là riêng tư nữa đối với hạng người nào đó, chẳng hạn đối với một thanh niên hơi hơi muốn vào làm rể ở gia đình ấy!
Hắn có quyền kín đáo theo dõi và điều tra như một nhà trinh thám có cái quyền ấy, chỉ khác là quyền của hắn vì lợi riêng cho hắn, còn quyền của nhà trinh thám thì vì công ích.
Lưu nhớ ra là khi nãy, thiếu nữ cứ thẳng thắn mà nói chuyện chồng con của nàng về sau, không e lệ chút nào thì làm quen với nàng lâu dài không khó lắm đâu.
Tuy nhiên mãi cho tới khi họ để chơn lên chiếc cầu gỗ bắc ngang qua con suối chảy xuyên cái sân nhà thương, con suối từ trong rừng sâu đổ ra, để trôi về đâu không rõ. Lưu mới tìm được cách ra khỏi cảnh ngậm câm của chàng. Chàng hỏi :
- Không chắc gì ta sẽ được may mắn gặp nhau ở đây nữa, mà tôi thì rất muốn gặp lại cô. Vậy làm thể nào để...
Cô gái quay lại nhìn người thanh niên nầy rồi cười rất giòn mà đáp :
- Rất dễ, xin mời anh đến nhà em chơi, hôm nào đó, tùy anh.
- Té ra cô được tự do có bạn trai?
- Vâng. Anh đã thăm bà nội lớn của em, đáng lý gì em cũng thăm chị ấy mới phải cho. Nhưng coi bộ ông nội em đã mệt. Xin anh thông cảm, và em chúc chị ấy mau lành.
- Cám ơn cô, và cô khỏi phải xã giao về cái vụ thăm viếng không cần thiết ấy. Xin cô cho tôi biết địa chỉ và quí danh.
- Em tên Liễu. Còn nhà em thì... à, anh về bằng gì?
- Tôi có xì-cút-tơ [1] ngoài kia.
- Nếu không, mời anh cùng đi xe của em, và như vậy, anh sẽ biết nhà. Em ở tại đầu cầu bên nầy, cây cầu nối liền đường Hàng Thị và đường Hàng Sanh, anh biết khu phố đó chớ?
- Biết.
- Cầu không có tên, nhưng có người gọi là cầu Hội đồng Sầm.
- Nhưng bên nầy là bên nào?
Liễu lại cười và nói :
- Dĩ nhiên người thành phố phải đứng ở vị trí thành phố mà nói. Bên nầy tức là bên trung ương thành phố Gia Ðịnh.
- Chắc cô ở đó đã lâu lắm rồi chớ không phải mới tới?
- Đúng. Nhưng gì làm cho anh đoán như vậy?
- Cô dùng toàn địa danh cũ. Chẳng hạn Gia Ðịnh, cô gọi bằng Bà Chiểu, đại lộ Bạch Đằng, cô kêu bằng đường Hàng Thị, còn cái Hàng Sanh ấy nữa.
Liễu cười giòn lên mà rằng :
- Em đã quen miệng rồi. Thuở em còn bé, người trong vùng kêu như vậy. Anh thật có tài trinh thám.
Lưu cũng cười, và nói :
- Tôi rất muốn có tài đó, chỉ lo rơi vào câu lạc bộ bảy người mà thôi.
- Câu lạc bộ bảy người là gì?
- Chuyện dài lắm, và buồn cười lắm, để hôm nào tôi kể cô nghe.
- Em chỉ nhà chưa trọn. Hay là để em thử tài trinh thám của anh chơi. Anh cứ tìm, mà không giao hỏi thăm ai hết.
- Tôi sẽ tìm ra cho cô coi.
- À, anh có đến thì đến ban đêm, sau 8 giờ rưỡi, vì ban ngày em bận đi học.
- Nhưng đường Hàng Sanh hay Hàng Xanh?
- Hàng Xanh là danh từ của vài ông nhựt trình, chớ thật ra là Hàng Sanh.
- Nhưng Hàng Sanh là gì?
- Anh có trồng cây si ở đâu chưa?
Lưu bật cười và hỏi :
- Trồng cây si có dính líu gì đến Hàng Xanh?
- Rất có. Cây Sanh cùng loại với cây Si và cả hai cây đều từa tựa như cây Đa. Hồi trước, qua cầu rồi thì hai bên đường có trồng hai hàng cây Sanh. Đó là nơi mà ba em tả chớ em cũng chẳng thấy hai hàng cây Sanh ấy, nó bị đốn năm em chưa đẻ. Nhưng em có biết cây Sanh. Ngay ở trong sân nhà em cũng có một cây, nhưng nhỏ xíu trồng trên non bộ.
Họ đã ra tới cổng nhà thương. Bác tài xế già thấy bóng chủ vội mở cửa băng sau của một chiếc Simca 9 đã cũ và đỡ ông cụ lên đó trước.
Liễu lên sau rồi y đóng cửa lại. Cả hai người bạn mới nầy đều đưa tay lên một lượt để vẫy tạm biệt nhau, và khi xe chạy khỏi đó hơn 10 thước, Lưu nhìn theo, thì thấy Liễu cũng nhìn lại chàng, qua tấm kính sau.
Họ lại vẫy tay một lần nữa.
* * * * *
Mười hôm đã qua, từ ngày gặp gỡ trên Biên Hòa mà Lưu vẫn chưa quyết định được có nên đi thăm Liễu hay là không.
Nơi người con trai nầy rất nhiều mâu thuẫn xung đột ngấm ngầm với nhau. Hắn bị Âu hóa rất đậm ở vài điểm nhưng trái lại, nơi vài điểm khác, hắn rất là Việt Nam, rất là Á Đông.
Chẳng bạn như vấn đề trai gái đánh bạn với nhau. Chàng không quan niệm có tình bạn suông giữa trai gái được. Người ta đánh bạn với nhau luôn luôn có hậu ý.
Rồi sau một thời gian tìm biết nhau, không yêu nhau được, người ta bắt buộc phải tiếp tục tình bạn một cách chán phèo trong giả dối.
Vì quan niệm như vậy nên chàng chưa hề có bạn gái bởi cái lẽ rất giản dị là chàng không buồn tìm bạn gái.
Chàng định làm quen với Liễu chỉ vì bí mật mà chàng thoáng thấy, với lại chàng ngỡ rằng chàng đã hơi yêu Liễu.
Nhưng rồi chàng không dám tin lắm là mình yêu.
Nhứt định là trọn đời, chàng sẽ không qua đường với ai cả, từ ngày mà em gái chàng bắt đầu đau khổ vì tình.
Đó là một kinh nghiệm gần như là bản thân. Chàng đã đau niềm đau của em gái chàng thì không thể nào chàng bắt người khác đau như vậy.
“Mình có thật yêu Liễu hay không?” Ðó là câu hỏi hằng ngày hằng đêm của người con trai nầy, câu hỏi nó ám ảnh chàng cả khi chàng ngồi nghe giảng trong giảng đường Luật Khoa nữa.
“Đành rằng mình phải biết rõ nó hơn, mới nói chuyện yêu đương một cách nghiêm trang, nhưng đó 1à giai đoạn của lý trí. Giai đoạn đầu, riêng biệt của tình cảm, mình có yêu nó hay không từ lúc mới gặp gỡ lần đầu?”.
“Mình tin rằng có tiếng sét ái tình và phải nghe yêu ngay ai thì mới thật là yêu, còn tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhơn hay không, thì đó là chuyện khác nữa. Nếu không nghe yêu tức khắc thì không nên tìm biết ai cho mất thì giờ”.
Hằng đêm, người sinh viên nầy cứ cố thử “thấy lại” người thiếu nữ ấy xem sao.
Cả hai lần, nàng đều mặc camisole [2] màu mỡ gà, có lẽ may bằng một thứ vải gì như là tussor-shantung [3], nhưng lần đầu chiếc camisole của nàng là thứ camisole tối tân, có lằn xếp lớn nơi cái eo và dưới trôn không có bó lắm.
Lần sau, nàng mặc camisole xưa, chỉ mới xưa có một năm thôi, nhưng trong giới theo mốt, xưa một năm là xưa lắm rồi đó.
Tuy nhiên nhờ xưa nên rất hợp với cảnh. Lần sau là một đứa cháu bé gái dìu ông nó đi, mà chiếc camisole xưa rất là ngây thơ, cho người mặc áo ấy một phong cách học trò rất là dễ thương.
Hình dung ra chiếc áo camisole của thiếu nữ, nghĩ đến tên của chiếc áo. Lưu bỗng bật cười.
Hồi Pháp thuộc, nhà thương điên Biên Hòa, cấm các ký giả viết phóng sự về nhà thương vì thuở ấy y học tâm bệnh chỉ biết có hai trị liệu dã man, xịt nước và bắt con bịnh mặc một thứ áo tên là camisole de force [4] mà ta dịch rất đúng là “áo bó”.
“A... ha... ha... mặc camisole để đến một nơi mà ngày xưa người ta chuyên mặc camiso1e de force!”
Liễu mặc camisole rất đẹp. Ấy, mỗi loại áo chỉ có một số người là mặc nó vào trông đẹp mà thôi, chớ không phải bất cứ ai cũng có thể mặc bất cứ kiểu áo nào hết đâu.
Nhiều cô gái thô kệch, đen đúa, mặc đầm thì đỡ xấu xí hơn là mặc áo dài ta. Trái lại những cô gái quá mình hạc xương mai, chỉ có thể coi được khi mặc ta mà thôi.
Muốn mặc camisole cho đẹp, không được gầy lắm, mà cũng không được béo lắm, bé nhỏ quá cũng không xong, mà cao lỏng khỏng lại càng dị kỳ hơn.
Đã gọi là áo bó thì nó bó thật đấy. Mà hễ nó bó thì không giấu được cái gì hết, và nếu thân thể của cô gái nào mà suông như chiếc gối thì không làm sao mà độn nó có eo được.
Nhiều thiếu nữ người mình, mặc camisole, lại mang dép. Cho dẫu là dép mắc tiền đến đâu, trông cũng cứ như là họ mặc bi-da-ma ở nhà. Có cô lại đi giày y ta-lông [5]. Đâu có được. Camisole là áo thiếu nữ, mà thiếu nữ thì chỉ đi giày đơ-mi ta-lông thôi. Liễu đã ăn mặc đúng điệu nên phục sức của nàng không chỗ chê.
Nàng không có đánh phấn và chắc mộ thể thao nên hơi đen. Ðó là nước da đen “duyên” mà trời cho nàng, nước da mà nhiều cô phải giả tạo bằng thuốc, vì con trai bây giờ rất mê cái đen duyên ấy!
Chắc là Liễu sẽ còn lớn nữa, và chừng ấy, nàng sẽ thanh lịch kinh hồn. Chỉ có người phụ nữ nào cao lớn mới thanh lịch được.
Chàng đoán rằng Liễu sẽ còn lớn nữa vì giờ nàng đã trung bình rồi, đối với tầm vóc một phụ nữ Việt Nam, mà nàng thì mới có mười tám thôi. Vả lại ông nội của nàng lớn người lắm.
Bà nội lớn cũng cao lớn, và chắc bà nội ruột, cha mẹ nàng cũng thế, vì thường thường người ta hay tìm vợ tìm chồng cho xứng với nhau về vóc dáng.
Liễu chỉ ngây thơ vì còn quá trẻ thôi, chớ đó là một gương mặt láu lỉnh và thông minh, không cười cũng cứ thấy là nàng vui vẻ mà cả cho đến khi nàng xụ mặt giận dữ, cũng không thấy nét nào ác hiểm lẩn lút trên đó.
“Mình có bị tiếng sét hay không? Nếu không, sao mình lại nhận diện được nó khi gặp nhau lần thứ nhì? Nếu không sao một trăng rồi, mình cứ nghĩ mãi đến nó, không giờ phút nào mà cô bé ấy không lởn vởn trong tâm trí của mình!”
Lưu quyết định đi thăm Liễu trưa mai nầy. Bỗng chợt nhớ ra lời dặn của nàng, chàng dời buổi thăm viếng lại tối mai. Tuy nhiên, sáng mai không có buổi học, chàng sẽ đi vào trong ấy.
Chàng phải trổ tài trinh thám thì không thể trổ tài ban đêm được vì chỗ ấy không được sáng đèn lắm. Phải tìm nhà ban ngày trước để có đi thăm bạn ban đêm thì biết nơi mà đến cho đúng chỗ ngay.
Nhớ lại cuộc thử thách của cô bé, Lưu buồn cười và thích chí lắm. Nàng rắn mắc một cách rất dễ ưa, trẻ con một cách ngộ nghĩnh quá.
Người sinh viên Luật khoa nầy ra đi hồi chín giờ cho chắc ăn. Liễu có thể đi học trễ mà chàng thì không thích bị nàng bắt gặp đang ngơ ngác tìm nhà.
Bà Chiểu với Sàigòn, chỉ cách nhau một cuốc Taxi mười hai đồng thế mà ở đây có không khí tỉnh rõ rệt. Lưu nhớ ra rằng Liễu không cho chàng được phép hỏi thăm ai.
Hỏi thăm ai? Vâng đó là một điều chỉ có thể làm được ở tỉnh thôi, chớ ở đô thành thì không mong hỏi thăm ai về nhà của người nào cả.
Người trinh thám hạng bét của một nước thái bình yên ổn nhứt cũng tìm được nhà Liễu, nếu người ấy thông minh. Nàng đã nói rằng nàng ở đây từ bé đến lớn thì ngôi nhà hẳn phải cũ. Mà ở đây chỉ có một ngôi biệt thự cũ thôi.
Đó là một ngôi nhà cất bằng gạch, nhưng lối kiến trúc lại nhại lối châlet bằng gỗ của xứ Thụy Sĩ.
Nhưng châlet Thụy Sĩ luôn luôn cất trên núi mà ngôi biệt thự nầy lại xây trên một đám đất nê địa, nên trông hơi dị kỳ.
Phải, ở đây là nê địa vì đó là đất bờ rạch. Và phải biết rằng rạch Sàigòn giống rạch Hậu Giang, bờ rạch là đà mặt nước chớ không phải rất cao như các bờ rạch miền Đông.
Tuy nhiên, địa thế nầy giúp cho ngôi nhà rất nên thơ, khi nước lớn, bùn non ở mé rạch bị nước che lấp hết trông như nhà cất dựa bờ hồ nào. Một cây phượng vĩ tàng xanh đang nhuộm máu và soi bóng trên mặt rạch phẳng lì. Chỉ khi nào nước ròng, chảy mau, thì mặt rạch mới bị xao xuyến mà thôi.
Đó là cảnh bên hông trái của ngôi nhà, tức bên phải của khách đứng ngoài nhìn vào.
Bên phải của châlet giả nầy, Lưu thấy nhà xe và chiếc Simca 9 cũ nằm yên trong đó. Ấy, dấu vết ràng ràng như vậy thì họa là có mù mới tìm không được.
Nhà vắng hoe. Ngoài vườn cũng không thấy bóng người bóng vật nào cả.
Ðó là một ngôi nhà xa lạ, mà có lẽ chàng đã thấy hàng trăm lần rồi, một cách dửng dưng, nhưng hôm nay bỗng nhiên sao mà nó như là có hồn và chàng nghe ngôi nhà nầy thân yêu với chàng không biết bao nhiêu mà nói.
* * * * *
Tám giờ đêm. Dưới nhà, cửa đóng nhưng bên trong sáng đèn. Trên lầu, các cửa sổ đều mở có ánh đèn chong.
Chỉ bây giờ, Lưu mới chợt thấy là nhà nầy thật là nhà Tây: cửa sổ không có chấn song sắt, trái với nhà của ta, kể cả những ngôi biệt thự to lớn và tối tân.
Xứ ta ngay hồi không có chiến tranh, cũng trộm cướp như rươi [6] nên ta đành phải cất nhà tù mà ở chăng?
Cửa sổ không chấn song sắt làm nổi bật lên giá trị của bức màn, và trông sang trọng vô cùng, bức màn sang trọng, khung cửa sang trọng, ngôi nhà cũng hưởng lây vẻ sang trọng ấy.
Lưu đẩy xe lên lề cỏ, đạp bàn chống xuống, khóa xe lại rồi bước tới trụ cổng để bấm chuông.
Có tiếng chó sủa, nhưng bị bịt câm mồm ngay, rồi một chị người nhà chạy ra. Chị ta lặng lẽ chào khách, do dự giây lát rồi hỏi :
- Thưa thầy, thầy tìm nhà ai?
Lưu có cảm giác rằng nhà nầy không bao giờ có khách hay sao mà chị người mà nầy hơi ngạc nhiên, hơi sợ hãi và đã do dự khá lâu :
- Tôi là bạn của cô Liễu.
- Dạ, nhưng tôi báo tên ai?
À, thì ra nhà nầy vẫn có khách. Câu hỏi của chị người nhà rất là Tây, chứng tỏ rằng chị ta thạo tiếp khách lắm, mà toàn 1à khách phải được báo tên với chủ nhà hẳn hòi.
- Chị cứ nói người ở nhà thương Biên Hòa.
- À, ra vậy.
Chị ta mở cổng cho khách vào, và khôn ngoan, chị dông đi thật lẹ. Đó là lối bỏ khách khéo léo, hắn đứng chờ mà không tức mình, vì thấy rằng chị kia bận chạy vòng để vào trong báo tin, chớ không phải bỏ bê khách.
Nếu chị ta đưa khách thẳng tới cửa, rủi trong nhà không chịu mở vì không biết khách là ai, bởi cái tên lạ hoắc, thì chị ta sẽ phải ngỡ ngàng với khách.
Nhưng chàng không phải đợi lâu. Chàng đứng trước cửa chánh chỉ đâu lối một phút thôi thì cửa lớn mở ra và chính chị người nhà khi nãy xuất hiện nơi khung cửa.
- Dạ, mới cậu vô.
Chị ta đã thay đổi lối xưng hô.
Có lẽ vì Liễu đã đoán biết đó là chàng và đã xác nhận với chị rằng chàng là bạn của nàng.
Chàng bước qua khỏi ngưỡng cửa thì thấy chị người nhà mở đèn ngoài sân. Dầu sao, người ta vẫn phải đề phòng. Liễu chưa thấy mặt chàng thì chàng còn có thể là một tướng cướp.
Khu phố nầy vắng vẻ lắm, chắc nhà nào cũng phải cẩn thận đối với khách lạ như vậy cả.
Chị người nhà mở đèn ngoài sân, do cái công-tắc đặt ở tường, cạnh khung cửa chánh. Xong rồi chị mời khách ngồi rồi đi vô buồng. Khách chưa kịp ngồi và chị cũng chưa qua khỏi cửa buồng thì chủ nhà xuất hiện.
Chủ nhà? Chỉ là một lối nói vậy thôi, chớ thật ra cô bé Liễu còn lâu lắm mới được làm chủ nhà thật sự.
Đã hay tin khách đến mà Liễu vẫn mặc bi-da-ma. Nhưng Lưu thích như vậy hơn. Liễu không khách sáo tức là cho phép chàng thân mật vậy.
- A anh! Em cứ tưởng anh xạo rồi không tới.
Liễu từ trong buồng vừa đi vừa nhảy vừa reo lên câu trên đây. Vừa đi vừa nhảy là tác phong con gái hư hèn, đối với con mắt của các cụ. Nhưng nó hay vô cùng đối với Lưu.
Chàng thấy Liễu là một cô em gái rất dễ thương, tánh trẻ con nầy không gợi ngay tình yêu, nhưng thấy đà thương liền.
- Gì làm cho “em” nghĩ vậy?
Tự nhiên, Lưu đổi lối xưng hô, đổi xong rồi mới hay là mình đã bất giác mà bước ngay tới chỗ thân mật.
- Tại mỏi mòn trông đợi anh chớ gì.
Liễu nói câu nầy, nửa đùa, nửa thật, giọng là giọng tuồng. Nửa thật nghĩa là vẫn có sự thật trong đó phần nào, khiến Lưu sung sướng vô cùng.
Chàng không buồn cắt nghĩa tại sao mãi cho tới bữa nay chàng mới đến, vì chàng đâu có hẹn đúng ngày nào, với lại không thể giải thích một sự kiện mà lý do sẽ làm mích lòng cô bé: chàng đã không tin rằng chàng yêu Liễu.
Chị người nhà lấp ló nơi cửa buồng, tức sau lưng Liễu, nàng ngồi ở chiếc ghế sa-lông [7] phía trong. Có lẽ nàng biết như vậy nên nàng hỏi khách :
- Anh uống gì?
- Nước lạnh.
- Nước lạnh, chị Tư ơi.
Câu đó là tiếng vang của Liễu, tiếng vang ấy dội lên cho người sau lưng nàng nghe.
Rồi Liễu cười nói với bạn :
- Em rất nóng nghe chuyện “câu lạc bộ bảy người”.
- Té ra em chỉ mỏi mòn trông đợi câu chuyện đó chớ không phải trông đợi anh?
- Em trông đợi cả hai nhưng trông đợi anh hơn vì có anh mới nghe được câu chuyện. Thế nào, nhà thám tử đại tài tìm nhà em có khó lắm không?
- Khó như lấy trong túi ra một bao thuốc.
- À, thuốc! Chị Tư ơi, cho gói thuốc nữa nha.
- Không, anh không có hút thuốc.
- Vậy à? Trong lớp học của em, các anh ấy hút thuốc như là un muỗi.
- À, em học ở đâu?
- Em học lớp dự bị Cao Đẳng Mỹ Thuật.
- Vậy là nghệ sĩ rồi.
- Đâu có. Người ta chỉ dạy kỹ thuật thôi, còn nghệ sĩ được hay không cũng do tâm hồn mình chớ! Trường Mỹ thuật nước nào cũng vậy.
- Nhưng mỗi anh mỗi chị nào học ở đó chắc cũng đều tin rằng mình có tâm hồn nghệ sĩ?
- Không biết. Nhưng nếu không tin, họ cũng đến phải tin vì chịu ảnh hưởng của một số giáo sư nghệ sĩ.
- Giáo sư nghệ sĩ là thế nào?
Chị người nhà đã bưng hai ly nước lạnh ra tới nơi, với lại một gói thuốc, một hộp diêm. Không thấy nước đá trong ly, nhưng thành ly lại rịn mồ hôi, chắc là nước ướp trong tủ lạnh.
- Giáo sư nghệ sĩ tác phong họ thế nào?
Lưu lặp lại câu hỏi, lần nầy chàng hỏi rõ hơn một chút.
- À, có một ông giáo sư tên là ông Tú. Ông ấy ở bẩn không thể tưởng tượng được. Ông thường liếm những cây cọ dính đầy dầu sơn, thường bôi tay dơ lên áo quần và bảo rằng dám làm như vậy mới thành nghệ sĩ được.
Thế rồi anh nào cũng liếm cọ sơn, cũng bôi tay bẩn lên áo quần hết thảy.
Lưu cười ngả nghiêng, ngả ngửa, lâu lắm mới nín được và hỏi :
- Chắc Liễu cũng ở bẩn như vậy?
- Không, học trò con gái không chịu bắt chước ổng, nên ổng thường nói: “Con gái trong lớp nầy sẽ không có đứa nào nghệ sĩ hết ráo”. Mời anh uống nước.
- Nữ nghệ sĩ đừng có khách sáo. Anh đang mê nghe chuyện trường Cao Đẳng Mỹ thuật thì em cứ kể tiếp cho anh nghe là hơn. Còn cái vụ hút thuốc?
- Em đã nói lớp dự bị là một cái lò Bát Quái khói đặc nghẹt. Ấy đó cũng là để làm nghệ sĩ theo lối ông Tú. Các anh ấy thích có được hai ngón tay vàng khói thuốc thơm như tay ông Tú. Mà muốn được thế, phải hút thuốc cho nhiều vào, và phải hút lâu ngày chầy tháng. À, anh học ở đâu, anh chưa hề cho em biết tên, biết trường gì cả.