… Ngày xưa có một người mời khách, mời được bốn vị bằng hữu. Đến ngày hôm đó, có một người bận việc không đến được. Chủ nhà thuộc mẫu hay nhớ nhung, trong bữa tiệc cứ than mãi: “Ôi, người cần đến thì chẳng đến.” Một hai lần còn coi được, nhưng y cứ nói mãi không thôi. Trong số khách mời có người nóng tính, cuối cùng nhịn không nổi, hừ lạnh nói: “Hẳn mỗ là kẻ không nên đến rồi!” Đoạn đứng dậy, bỏ đi. Chủ nhà không giữ kịp, đành quay lại rồi than vãn mãi trong bữa tiệc: “Ôi, người không nên đi lại đi mất rồi.” Nói tới mức khiến cho người thiếu sự khoan dung hơn trong hai người còn lại chịu không thấu: “Vậy là mỗ nên đi hử?” Đoạn cất bước đi thẳng khỏi cửa. Chủ nhà đuổi theo sau, vẫn không giữ lại được, chỉ đành nhìn bóng lưng mà kêu lớn: “Người ta nói không phải là huynh…”
… Người khách duy nhất còn lại có thêm hàm dưỡng nữa cũng không ngồi lại nổi.
Cuối cùng, chủ nhà chỉ còn biết một mình ăn hết cả bữa tiệc, uống trọn bầu rượu sầu.
… Thực ra cũng không có gì, chỉ là đột nhiên nghĩ tới cái từ “Tuyển Vĩnh” (1), Thương Ngưng mới nhớ lại câu chuyện đó.
Thương Ngưng thường nhớ lại câu chuyện đó, bởi vì hắn nhớ phụ thân mình. Họ Thương ở Giang Tây là một đại tộc, sống ở Ưng Đàm nhiều đời nay, danh tiếng trong giang hồ rễ sâu cành rộng. Chẳng qua trong dòng tộc, phụ thân lại là một người cha quá ư bất đắc chí (2). Hắn, cũng là đứa con quá ư bất thành khí (3).
Hắn từ nhỏ tới lớn tướng mạo bình bình, luyện công luyện đao mãi cũng chỉ tới mức ấy. Thân người tuy cao là thế, nhưng tuyệt chẳng phải đứa thông minh, làm việc gì cũng chẳng nên hồn, nhưng hắn luôn luôn nhớ tới phụ thân mình. Bởi cho rằng hắn rất có hi vọng, phụ thân từng nói với hắn rằng: “Đao pháp của con, nếu ngày nào đó có thành quả, cha nghĩ, chỉ có thể là cảnh giới của hai chữ đó thôi: Tuyển Vĩnh…”
“Tuyển Vĩnh?”
Cậu trai Thương Ngưng mới mười sáu tuổi nghĩ ngợi mơ hồ, cái gì mới là Tuyển Vĩnh đây?