- 1 -

    

ội làng Phù Đổng đã đến gần. Rằm tháng Chạp. Các vãi già ngồi chật trong chùa để tìm lấy một người ngồi tướng.

Người đó phải là một cô gái đẹp nhất làng, trong nhà không có tang lớn, lại giàu có thì càng hay.

Những cô gái đẹp trong cả hàng tổng đều xôn xao trong dịp lễ hội này. Ai được chọn sẽ được hàng nghìn, hàng vạn con mắt để ý tới. Nhiều thầy khoá, những đại thương nhân, thậm chí những nhà đại gia bên kinh thành đều chọn người sang hội Gióng, để nhằm xem có người đẹp nào là chọn về bên vương phủ mình.

Vùng Gia Lâm là vùng có nhiều người đẹp nổi tiếng. Những cung tần, mỹ nữ, những mệnh phụ phu nhân thường là con gái vùng này.

Năm ấy Đặng Thị Huệ được chọn ngồi tướng của làng Gióng.

Phù Đổng là nơi Thánh Gióng sinh ra. Riêng chọn tướng, làng khắt khe hơn những làng khác. Họ lấy tích Đức Thánh thắng giặc Ân, bọn giặc coi như là tướng giặc lại hàng, đem diễu trước thần dân trong ngày chiến thắng. Sau này, để tôn thêm ý nghĩa, họ chọn đàn bà thay vào dẫn độ những viên tướng hoá trang mặt mày xấu xí, đầu cúi xuống vì nỗi thua một cậu bé lên ba bằng những cô gái đẹp, ý muốn nói, bọn tướng giặc chẳng qua nhát nhúa như đàn bà thời ấy vậy!

Nhưng dân chúng lại thấy lệ ấy rất hay. Bởi vì đằng sau sự giễu cợt khinh bỉ của các thầy nho, thì làng làng trong tổng, thực ra lại có một cuộc thi hoa hậu trong ngày lễ lớn...

Thị Huệ trẻ tuổi nhưng sắc sảo. Nhà cô bữa ấy còn nghèo. Ông bố sinh được hai chị em. Lân thì ngang tàng, còn Huệ thì thông minh và vô cùng xinh đẹp.

Năm mười ba tuổi, Huệ ra đường đã bị người chọc ghẹo. Mười bốn, mười lăm, đi đâu cũng bị trai làng, hoặc trai làng khác, rình rập trêu bỡn. Nhưng với cái miệng bẻo lẻo, cái uy của người có sắc đẹp, cô đảo mắt một lần, nhìn kỹ đứa cầm đầu và đứa sắc sảo trong bọn, liếc đứa này một liếc, đứa kia một liếc, đủ cho chúng nổi lên trong lòng ghen tỵ và đứa nọ ngăn đứa kia không gây nổi chuyện bậy bạ với cô. Huệ tần tảo tháo vát, cha mẹ mất sớm, cô buôn bán loanh quanh, chợ này chợ khác, buôn gì cũng lãi, làm gì cũng được, chẳng mấy lúc nức tiếng ở làng.

Năm ấy chọn thị Huệ, các vãi già cũng nổ ra những cuộc bàn cãi. Bà vãi Nhất nói:

- Ta chọn người về hầu Đức Thánh Đại Vương phải chọn người vừa đẹp, vừa hiền thục. Thị Huệ được về sắc, chứ chưa được về hạnh... tôi e rằng, các làng khác họ lại nói ra nói vào.

Bà vãi Nhì nói:

- Đẹp cũng có năm bảy đường đẹp. Hiền mà đẹp thì nhiều. Đẹp mà sắc sảo, lanh lợi mới khó. Tôi thấy cô Huệ thật đáng ngồi tướng. Làng ta năm nay, lại có nhiều khác vào ra cho mà xem. - Nói đoạn, bà tủm tỉm cười.

Soi đi, ngắm lại, trông giỏ bỏ thóc, cuối cùng người ta chọn một cô gái nhà giàu, gương mặt tròn như cái đĩa, lông mày rậm mà đen, phải tỉa đến vãi nước mắt mới được hai nhánh lông mày lá liễu. Người ta phải lấy phấn tầu trát vào mặt cô mới được làn da trắng. Và chân cô, phải dùng giẻ, buộc năm ngón chân, mới nong được vào đôi hài thêu kim tuyến...

Đặng Thị Huệ ức lắm. Hoá ra mình là con nhà nghèo, mà không ngồi tướng được. Được rồi, để ngày lễ hội xem sao.

Huệ đem tất cả vốn liếng buôn bán được, lên kinh thành, mua một bộ đồ thật đẹp. Nhờ nước da trời cho trắng như trứng gà bóc, nhờ sự linh hoạt, sắc sảo, khi Huệ xuất hiện, đám trai làng bâu cả vào xung quanh Huệ. Huệ cười với người này, đưa mắt với người kia, và cất tiếng hát đối đáp với họ, đám mê gái càng đổ đến vây bọc lấy xung quanh Huệ. Khi Huệ bước lên cây đu, thì hầu như cả sân đu đứng khép kín cả vòng trong vòng ngoài... Người nọ truyền người kia:

- Con Huệ hôm nay đẹp thế. Cái đám gái ngồi tướng chẳng đứa nào ra hồn. Chẳng qua, chúng nó có lợn, có xôi, có tiền khao làng mà được đó thôi... Ê đu lên! Bổng lên! Tuột váy đến nơi rồi!

Huệ hôm ấy coi như là người thắng cuộc. Cô nổi tiếng là người đẹp nhất trong tổng. Em của Huệ là Mậu Lân, kém Huệ chừng vài tuổi, vốn là một đứa ngỗ nghịch. Nó nhìn Huệ, cười hì hì mà nói:

- Chị Huệ à, hôm nay chị đẹp quá! Nếu em không phải là em ruột chị, thì em cũng quyết đấu với mấy thằng hảo hán để cướp lấy chị.

Huệ rất vừa ý về câu nịnh của em trai, song cũng vờ quắc mắt mà mắng yêu:

- Ăn với nói kìa! Hàng xóm mà nghe tiếng thì đẹp mặt nhỉ.

Lân quay cổ lại cãi:

- Bởi chị đẹp quá! Em mà say rượu thì chị cũng không thoát được tay em đâu.

Huệ tức quá nói:

- Đồ mất dạy! Cút đi cho rảnh mắt.

Lân nháy mắt với chị rồi mới đẩy cửa xông ra đám hội... Khi Lân trở về thì say mềm, đầu vai, tay chân bị đám trai trong lễ hội giành gái đánh cho chỗ thì sưng bằng quả ổi, chỗ thì tím bầm, chỗ nứt máu. Huệ chỉ thấy cửa bị đẩy toang, rồi một thây người, vứt đánh bịch một cái vào trong nhà. Huệ chạy đến, thì hoá ra Mậu Lân bị đánh sau một đêm hội tắt đèn.

Huệ sợ hết hồn, chỉ sợ em chết. Tuy Lân chơi bời láo lếu, nhưng Huệ rất thương em, nhất là từ khi mẹ mất đi. Nó muốn gì, Huệ cũng chiều. Huệ cho nó học võ, học chữ, nhưng cả hai nó đều học qua loa, võ vẽ. Chỗ nào có gái đẹp là nó mò đến. Nó tụm năm, tụm bảy bầy đủ các trò bẫy bắt gái để chọc ghẹo. Nó thường bị các tay chơi, những cánh con nhà giàu, đánh cho những trận thập tử nhất sinh như bữa nay vậy.

Huệ vôi đi lấy mật gấu, pha một tý cho Lân uống, rồi bóp khắp mình mẩy cho Lân. Huệ tự tay săn sóc em, tự mình làm lấy hết cả. Từ một xác chết, Lân dần dần cựa mình tỉnh dậy, mở mắt nhìn chị, rồi lại nằm thiếp đi vì mệt nhọc. Huệ khẽ kéo chăn đắp cho em ngủ, rồi đặt nồi cháo ý dĩ, nấu với chân giò cho em ăn. Ba hôm sau, thì Đặng Mậu Lân tập tễnh đi lại được.

*

* *

Huệ đang yêu một khách thương giàu có. Hiện nay, chị em Huệ sở dĩ có đồng ra đồng vào lại mua sắm những thứ đắt tiền, cũng nhờ người tình chu cấp. Thương nhân họ Đỗ, có cửa hàng ở Kinh thành, hay về buôn tơ ở vùng Gia Lâm, đem bán ở hải ngoại, rồi lấy gấm vóc lụa là ở Tô Châu, Hàng Châu đem về bán cho những nhà quý tộc trong nước. Ông giàu có, tiền tiêu như nước. Muốn gì cũng được. Huệ mới quen ông vài tháng nay, nhân lọt mắt ông, trong một bữa đem chè xanh, bán cho một trưởng giả ở làng Bịu. Ông nhìn thấy Huệ, đem lòng quyến luyến ngay. Hôm sau, tìm cách lân la đến nhà. Huệ ra tiếp lời lẽ rất khéo léo. Lòng rất ái mộ. Từ đấy khi nào rảnh việc ông đều mò sang làng Huệ, tìm người đẹp. Vừa gặp Huệ, ông đã tặng chị em Huệ một tấm lụa và năm lạng bạc để ăn Tết. Huệ cố chối từ mà không nhận, ông năm nỉ rất chân tình. Bởi ông mê Huệ, nên giữ gìn chưa tỏ ra suồng sã. Huệ chỉ tiếc rằng, ông ta dáng người xấu xí cục mịch, mà Huệ đang ở tuổi dậy thì. Trai làng và những cậu ấm, các công tử trong vùng đều đang mắt la mày lét mỗi khi gặp Huệ... Huệ biết mình đẹp, có giá. Nhưng chọn ai bây giờ, thì Huệ còn đang tính toán.

Nhờ có tiền lụa của gã thương nhân, mà Huệ thành người đẹp tưng bừng nhất của cả đám hội của hàng tổng. Khi vãn hội, ngày hôm sau, chẳng ai còn nhắc nhở đến cái đám ngồi tướng ở làng này làng nọ, mà chỉ nhắc đến chuyện của Huệ. Từ sáng đến tối, Huệ đã gây ra đến năm đám đánh lộn nhau, đến về đầu chảy máu. Lại có con quan Đốc Đồng tận trấn Sơn Tây, định bắt cóc luôn Huệ, may mà nhờ có đám trung nam hàng tổng, xúm lại đánh trả. Không khí đằng đằng như trận mạc thật. Có một gã nho sinh liền đặt một bài thơ:

Gái làng Phù Đổng đẹp như tiên sa

Áo mớ bảy, mớ ba...

Các nữ tướng đều nhường làm hoa hậu

Trai làng mắt hau háu,

Cậu ấm nho sinh dãi giỏ ròng ròng...

Có một gã thương nhân

Đi theo cười tủm tỉm....

Sau những lần áo mỏng

Là làn da trắng ngà.

Sau những lần áo mỏng

Ngực mơn mởn, diết da

Gái Phù Đổng như tiên sa

Áo mớ ba, mớ bảy...

Có người đọc cho Huệ nghĩa bài thơ ấy, Huệ cười thích thú và thuộc lòng ngay.

Gã thương nhân vẫn còn lẽo đẽo bám theo Huệ. Huệ tiếp nửa mặn mà, nửa khủng khỉnh, do thế gã càng lao vào như thiêu thân thấy lửa.

Một buổi chiều, Huệ mới đi làm về đã thấy người chú họ đến bảo:

- Huệ, về, ngay, về ngay. Tắm rửa cho sạch sẽ, thay xống áo đẹp rồi ra đình.

- Có việc gì thế, thưa chú?

- Việc gì nữa. Chúa Thượng sai người về để tuyển cung phi.

- Cung phi là thế nào hả chú?

- Mày có biết bà Chúa Huyền bên làng Nành không?

- Cung phi là vợ Vua, vợ Chúa, bà Chúa Huyền trước được tuyển làm cung nữ, bây giờ cũng dự vào bậc phi của Đức Hiển Tông rồi đấy. Làng ấy có ba phi, được ưu đãi lắm. Thuế má nhẹ hơn các làng khác đến mấy bậc. Ruộng công cũng được nhà nước cắt đất cho thêm. Các quan tổng trấn, đốc đồng đều coi là đất bên ngoại của hoàng tộc ra sức mà cho hết mọi ưu đãi. Kỳ này nhà Chúa kén cung tần, nếu cháu mà trúng tuyển, thì cả làng được nhờ đấy!

- Tại sao là vợ Chúa thì lại hơn làm vợ Vua hở chú?

Ông chú ghé vào tai Huệ nói nhỏ:

- Con ơi, Chúa mới thực quyền, còn Vua chỉ ngồi làm vì thôi. Nhà Trịnh khôn thế đấy. Họ nhận là Chúa đương đầu trăm quan, nhưng đấy mới là Vua thật, còn Vua Lê kia dẫu cả Chúa cũng chịu Vua ban tước cho, nhưng chỉ là Vua giả thôi.

Đặng Mậu Lân, đứng ở ngoài cửa nghe lỏm, liền nhảy bổ vào, miệng bô lô, ba la, hát toáng lên:

Rằng Lê mà chẳng là Lê

Vườn thần, miếu ngự đã về tay ai.

Rằng oai thì thực là oai

Phủ Chúa tấp nập gấp mười phủ Vua.

Nịnh, trung, trung nịnh vào hùa

Nịnh Chúa thì mập, nịnh Vua thì gầy...

Ông chú quát và giơ chiếc hèo lên:

- Thằng súc sinh kia, có cút ngay ra ngoài không?

Đặng Mậu Lân nhảy phốc ra, còn ngoái lại nói:

- Chị cứ làm ái phi của Chúa cho em, em sẽ giúp chị gây thế lực.

Đặng Thị Huệ vội vàng đi sửa soạn để ra mắt các vị thái giám của nhà Chúa về tuyển cung tần.

*

* *

Khi Đặng Thị Huệ từ trong nhà bước ra, đến ông chú cũng phải ngạc nhiên. Trang điểm tí chút, xống áo đẹp mặc vào, Huệ đã như một người khác. Huệ đẹp đến chim sa, cá lặn. Đặng Mậu Lân nhìn chị, mắt đờ đẫn, đầy tính gian manh. Nó lóp ngóp theo chị, hồi hộp mong chị được tuyển vào phủ Chúa. Tiên chỉ, lý trưởng của làng đích thân vào đón Huệ. Cả làng này, có tất thảy chín cô gái được ra mắt quan thái giám để ngài chọn cung tần. Tám cô gái kia, chỉ cắn gót so với Huệ. Đến những ông già, mắt kèm nhèm, răng rụng, khi đối mặt với Huệ, râu trê cũng vểnh lên, và đôi mắt nửa mù, nửa sáng cũng vờ vĩnh dí gần sát vào mặt vào ngực người đẹp. Huệ hơi khó chịu, lùi ra xa, tránh hơi thở chua và hôi hám của họ.

Huệ đứng vào hàng ngoài cùng của các cô gái. Viên thái giám béo mập, gọi từng cô vào một gian phòng riêng vây kín bằng gấm điều ở phía tảo mạc. Ở đó, để một chiếc ghế cao, phủ nỉ đỏ, ông ta bắt các cô cởi hết áo mớ ba mớ bảy, chỉ mặc một chiếc yếm mỏng và chiếc váy. Ông ta điều khiển các cô như một con rối. Đi lên, đi xuống, sang phải, sang trái, ngẩng mặt lên cúi mặt xuống. Ông ta đưa mắt từ trên xuống dưới, nhìn trán, lưỡng quyền, nhìn mắt, nhìn nhân trung, cằm tai, ngấn cổ. Ông ta bắt cởi yếm mà nhìn hai bên vú, hết nhìn trái, lại nhìn phải, màu đầu vú, da vú, nhìn rốn, nhìn bụng, nhìn lưng nhìn eo. Ông ta xoè bàn tay rộng đo xương hông, phía trước và phía sau. Ông ta bắt nâng váy để nhìn đùi, nhìn cẳng, bắt xoè tay giơ tay để nhìn bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân. Một viên lại ngồi bên ghi ghi chép chép vô cùng tỉ mỉ.

Mỗi một cô ngồi trong phòng kín đến tàn một nén nhang. Bên ngoài tuần phiên vẫn phải dẹp đám người tò mò đến mỗi ngày một đông, chen lấn, xô đẩy, lúc tràn vào tận cửa tảo mạc, lúc lại giãn ra tí tận bờ đầm. Cứ mỗi một cô gái từ trong buồng kín bước ra họ ùa lại, ngăn không nổi, cản không được. Họ reo hò như sấm. Người từ xa nói vọng vào những lời bông lơn, quấy quá, khiến hào lý, lính lệ lại phải quát vọng ra, mắng chửi những thằng sai quấy!

Mãi đến xế chiều, công việc hoàn tất, viên thái giám trở về kinh thành. Chín cô gái đẹp ai về nhà nấy. Dân làng vây bọc từ sáng sớm giờ cũng giải tán thưa dần, trừ những anh con trai háu gái, rỗi việc, có tiền, cứ đứng ngoài như kiến mất mồi, hết thở ngắn, than dài lại quay ra chọc giận lẫn nhau, dẫn đến đôi lần xô xát, suýt ẩu đả.

Gã thương nhân cũng có mặt từ sớm đến giờ ở cái vòng vây xem hội tuyển cung tần ấy. Khi Huệ trở về nhà, hắn cũng vội vàng theo về ngay.

Huệ mệt nhoài. Cô kiếm lưng cơm dâng lên tổ tiên, cô thắp hương ở cây nhang thờ Huyền Thiên công chúa, lầm rầm khấn vái trời phật, tiên thánh, ông bà, ông vải phù hộ cho mình được thoả ước muốn. Huệ mơ đến cảnh vàng son ở trong cung đình, cô mường tượng đến những sinh hoạt vương giả, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng ở trong ấy... Huệ mơ đến được hầu Chúa rồi được Chúa yêu thâu đêm suốt sáng, đến nỗi Chúa bỏ các buổi chầu.

Cơm nước xong, mọi người đã ra về, Huệ còn ngồi bần thần ở trước sân, bát đĩa cũng không kịp rửa. Chợt có tiếng chào quen thuộc:

- Chào người đẹp, làm gì mà ngồi thừ ra đấy! - Huệ nhìn ra, thì ra chính là gã thương nhân. Cô vội đon đả:

- Kìa chào ông, ông đã tới.

Người đàn ông nhìn Huệ hồi lâu, rồi thở dài, khẽ nói:

- Tôi ở trong đám đông xem quan thái giám tuyển phi tần từ sáng đến giờ. Lúc này cũng theo chân em về đến tận nhà. Mấy lần lăm le toan bước vào song ngại bị đuổi, nên lại lảng ra, tìm quán ăn qua quít cho xong chuyện rồi mới trở lại.

Huệ cười, vồn vã:

- Mời ông vào trong nhà!

Người đàn ông theo chân vào. Huệ rót nước mời khách. Nhưng khách thì vẫn đắm đuối, mắt không rời khỏi người đẹp, người thì phờ phạc, thờ thẫn. Ông ta thốt ra những lời vội vã, sợ không nói thì chẳng bao giờ mới giãi bầy được:

- Em Huệ, em đã cuốn hút linh hồn tôi. Tôi đã nghiệm ra, nếu thiếu em, tôi không thể nào sống nổi. Em hãy đi theo tôi. Tài sản của tôi lúc này có khoảng năm trăm lạng vàng, vài ngàn lạng bạc. Vàng bạc ấy là của em. Trên kinh thành, tôi có khoảng vài ba cửa hàng tơ lụa gấm vóc. Cửa hàng ấy là của em. Em thương tôi đi, lấy tôi đi. Vàng tôi cũng chẳng cần. Nhà cửa điền trang tôi cũng chẳng cần, tôi chỉ cần được em yêu thương thôi. Chúng ta sẽ sinh con với nhau. Anh van em đấy!

Huệ nói:

- Ra thế, ông lấy vàng bạc, cửa hàng cửa hiệu để dụ tôi ư? Ông coi thường tôi quá!

- Trời ơi, em lại hiểu sai anh rồi. Anh chỉ muốn nói: giàu sang với anh chẳng là cái quái gì? Anh chỉ cần tình yêu của em.

Huệ cười tinh quái:

- Thế là ông lầm rồi! Ông ngu mất rồi! Tiền bạc, giàu sang mới là thứ người ta cần, chứ tình yêu, nếu nhờ nó mà sống, thì cũng chỉ sống được dăm bữa nửa tháng, thậm chí sống được một vài năm là hết đất. Nào ai sống ở trên đời này được bằng tình yêu!

Huệ phá lên cười, gã thương nhân sửng sốt. Gã chồm mình ra phía trước mà nói:

- Sao, em nói sao hả! Em cho rằng mọi thứ trên đời này đều giả dối hay sao?

- Tôi không nói thế! Nhưng tôi thấy, ông đem tình yêu đặt lên trên tiền bạc, nhất là một nhà buôn lớn như ông, thì tôi buồn cười.

Gã thương nhân, nói gần như hét:

- Sao, nghĩa là em cho tôi là giả dối!

Huệ nói:

- Chứ sao nữa! ông có thể nói với tôi câu ấy cũng như nói với bao nhiêu người khác. Đó là câu cửa miệng, là câu nghe vui tai mà không có thể làm chiếc gậy chống được.

- Em!

- Tôi chờ một thứ gì chân tình, hết mình, thậm chí có thể vì tôi mà chịu nhục, chịu khổ, chịu oan uổng, thậm chí chết được trước mặt mọi người kia. Nhưng bây giờ thì lỡ hết mọi thứ rồi. Tôi đang chờ để vào hoàng thành.

Tên lái buôn kêu thốt lên:

- Đừng em, Huệ ơi! Anh xin em đừng có ảo tưởng làm cung tần mỹ nữ. Đó là một nhà tù giam lỏng sắc đẹp bằng vàng son thôi. Vua Chúa nhiều vợ lắm. Đến hoàng hậu hoàng phi, cũng chẳng ăn ai, huống hồ là thứ cung tần. Đó chẳng qua là một thứ con đòi, nô lệ ở bên nhung gấm, phí uổng cả một đời con gái đẹp. Hãy nghe anh, hãy trốn đi với anh. Anh sẽ đưa em đến một nơi cũng có đủ vàng son, cao lương mỹ vị, hơn cả một cuộc đời vương giả! Anh hứa, anh xin hứa.

Huệ cười khẩy:

- Muộn mất rồi, người tình tuyệt vời giàu có của tôi ơi! Tôi nhìn vào con mắt và cái đầu gật gù của ông, tôi biết đích xác, tôi sẽ là vợ nhà Chúa nay mai rồi. Từ phút này, người ta thấy ông buông lời bất cẩn với tôi, ông cũng dễ bị khép vào tội mạn thượng, không chết chém, cũng tù mọt gông đấy!

Gã thương nhân van nài:

- Trốn cùng anh đi, em có vào phủ Chúa thì cũng chỉ làm được cung nữ thôi. Suốt đòi chết khô chết héo, cũng chưa biết mặt Chúa là gì... Chi bằng trốn theo anh.

Huệ đanh đá, nhìn thẳng vào mặt tên lái buôn:

- Ông coi thường tôi quá nhỉ! Còn mặt ông, còn mặt tôi đây. Ta đặt cuộc nhé! Một ngàn lạng bạc, ông có dám cược không? Tôi mà chịu làm cung nữ hả, rồi ông xem, rồi ông xem... Thôi cút đi cho rảnh mắt tôi, một kẻ tầm thường, nhìn người không qua nổi cái bóng của mình, thế mà cũng dám thỉnh cầu tình yêu của ta...

Huệ nổi giận thật sự. Gã thương nhân im tít, há hốc mồm. Huệ còn chưa nguôi cơn tức:

- Ông cho ta xuất thân từ dân chúng không phải là hạng quyền quý, là con nhà nghèo, chứ không phải nhà tam thiên mẫu, vạn khoảnh chi điền chứ gì! Do đó, vào phủ Chúa, ta chỉ làm cung nữ. Người đàn bà như ta, tự biết giành lấy chồng về mình, không cần thầy thợ nào hết. Ta nói cho ngươi biết, mả nhà ta để ở ngôi quốc mẫu đấy! Rồi ngươi xem!

Vừa lúc ấy, Đặng Mậu Lân đi ve gái về, thấy chị to tiếng, liền nhảy vào trong nhà. Gã thương nhân ngồi rúm ró, còn Huệ thì đang đi đi lại lại, vẻ bừng bừng tức giận. Lân quát:

- Lại thằng chó đẻ này hả! Nó làm gì chị thế, chị Huệ, để em sai người tống cổ nó ra... Thằng này láo, láo thật...

Nói đoạn, Lân túm cổ áo, kéo lão thương nhân, lôi xềnh xệch ra cổng, rồi đóng sầm hai cánh cổng lại...