Tôi ở Sầm Sơn đã hăm tám năm, ngay từ thời tôi tậu cái nhà nghỉ mát này. Năm ấy tôi vừa bốn mươi và đương làm ký lục tòa án tây ở Hà Nội. Một hôm đi chơi xa về tôi húng hắng họ Cũng tưởng cảm qua loa, rồi khỏi. Nào ngờ bệnh cứ liên miên kéo dài mãi. Nghe lời anh em, tôi đi xem đốc tờ. Thì ra, ông ạ, hai lá phổi của tôi đã lỗ chỗ bắt đầu có chấm đen. ấy là đốc tờ nói thế thì tôi cũng biết thế. Nhưng dẫu sao tôi cũng sợ hãi, kinh hoảng, cuống cuồng. Tôi lo tôi chết, nhất đốc tờ lại khuyên tôi nên nghỉ hẳn công việc về tĩnh dưỡng ở một nơi thôn quê hẻo lánh quang đãng. Tôi tin chắc rằng ông đốc tờ không nỡ bảo thẳng cho tôi biết rõ cái bệnh trầm trọng của tôi, và tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói kín đáo.
Thế là tôi xin thôi việc. Nhà tôi giàu có. Tôi chỉ làm việc cho đỡ buồn, sau hai lần thi trượt vào trường Sĩ Hoạn. Cha mẹ tôi lại đã mất cả. Tôi hoàn toàn tự chủ đời tôi. Vả lúc bấy giờ, mình còn mong gì, đời mình còn dài mấy, mà bảo mình chí thú làm ăn tính toán kia khác. Vì thế, ngay vụ hè năm thôi việc, tôi vào đây nghỉ mát, thuê cái nhà này rồi mua hẳn. Tiêu tiền, tôi chỉ nghĩ có một việc tiêu tiền, tiêu cho sướng tay rồi chết. Các con tôi thì tôi đã dành cho mỗi đứa một vài cái nhà hoặc ở Hà Nội, hoặc ở Hải Phòng rồi.
Nhưng đấy ông coi, hăm tám năm qua, nào tôi đã chết đâu? Mà lạ quá ông ạ, tôi vẫn húng hắng ho như ngày mới mắc bệnh, có lẽ tôi cứ húng hắng ho mà cứ khỏe mạnh như thế này cho tới ngày xuống lỗ.
Nay tôi quen đi rồi chứ mấy năm đầu thì khổ lắm. Lăm le chờ chết đến... Thà nó đến ngay cho, cũng xong. Nhưng sang năm thứ tư, tôi hầu quên hẳn bệnh ho của tôi. Rồi cho qua những ngày nóng nằm nghỉ trong này - vì thế hè tôi đã trở về Hà Nội - tôi đánh tổ tôm, đánh cờ, - nhất là đánh cờ. Tôi thích cờ lắm, ham mê nữa. Trong mười năm gần đây tôi rất chịu khó xem các sách trận, thế và luyện tập với các tay cao cờ ở Hà Nội, Hải Phòng, nên nay đánh cũng có nhiều nước khá, nhiều nước haỵ Ở đây, họ đồn đại tiếng cao cờ của tôi nhiều lắm và cho là tôi vô địch, nên động có tay yêu cờ vào nghỉ mát, như ông chẳng hạn, là phải tìm đến thăm tôi. Những ông ở các nơi thì tôi chả dám nói, chứ người ở vùng này ít ai hạ nổi tôi, trừ khi tôi cố ý thua thết khách một, hai ván. Họ tâng bốc mình là vô địch, thực cũng không ngoa lắm, vô địch đối với họ.
Tôi yên trí thế mãi. Nhưng một lần binh... binh gì người hạt Nông Cống tôi quên mất tên, hòa với tôi một ván rồi hạ luôn tôi ván sau. Hôm ấy tôi vừa ăn cơm sáng xong. Một người lính khố đỏ ngồi ăn quà ở hàng nước trước cửa nhà tôi. Người ấy nói nghe đồn tôi cao cờ muốn xin hầu một ván. Thằng người nhà tôi vào thuật lại với tôi. Tôi liền cho ra mời người ấy. Hắn cao thực ông ạ. Ván trước tôi chật vật mới giữ được hòa, mà ván ấy kéo dài từ mười một giờ cho tới năm giờ chiều. Đánh xong ván sau thì tối mịt. Ván ấy tôi thua.
Nhưng thua thì thua, tôi vẫn không phục, nhất là không mãn nguyện được thua một tay địch thủ, vì người lính cao thì có cao, nước cờ vẫn chỉ là nước cờ nhà nghề, không phải nước cờ phong lưu tài tử? Đánh với hắn ta, tôi tưởng tượng như đánh với một anh nhà quê xòe cái quạt hới che đầu trước một cửa đình vào đám. Những nước cờ chắc chắn, vững chãi, giữ gìn, không bao giờ lầm lẫn, nhưng tầm thường như nước "kiệu một" của con ngựa nết na chạy thẳng một mạch tới đích. Kể thì là con ngựa đã khá lắm rồi, vì nhiều người đánh cờ như lừa hay bò chạy, chán ngắt!
Tôi thuật dài dòng quá, phải không? Tôi hứa với ông một câu chuyện kỳ thú mà chưa có một tý gì gọi là thú cả. Xin lỗi ông, nhưng tôi phải kể có ngành, có ngọn thế thì ông mới hiểu gặp cụ tú tôi sung sướng biết chừng nào.
Tôi vẫn chưa hỏi thăm được tính danh quê quán của cụ tú. Tôi chỉ biết cụ là một cụ tú, thế thôi.
Một hôm - cách đây bốn năm - vào khoảng mười một giờ sáng, lúc tôi sắp sửa ăn cơm, người nhà tôi nói ở cổng có người tự xưng là một ông tú tài ở vùng này đến chơi. Tôi cho mời vào. Cụ tú là một ông già ngoài bảy mươi tuổi, y phục rất cổ, đầu đội mũ ni nhiễu, mình mặc áo thâm rộng, tay chống cây gậy trúc. Có lẽ cụ thích lối y phục ấy chứ sự thực, cụ tuy râu tóc bạc phơ mà người còn khỏe mạnh, chưa điếc, chưa lòa, chưa gù, cái gậy cụ cầm là một vật trang sức hơn là một vật cần dùng.
Tôi hỏi: "Thưa cụ, tôi chưa được biết tiếng cụ, chẳng hay cụ có điều gì đến chỉ giáo chỏ". Cụ cười to, đáp: "Tôi ở cách đây xa lắm. Sáng sớm hôm nay, vào khoảng năm giờ, tôi bắt đầu ra đi, thế mà bây giờ tôi mới tới đây. Tôi không quản đường xá xa xôi, hiểm trở, vì phải leo một trái núi, để đến xin hầu cụ một ván cờ".
Tôi kinh ngạc, cảm động nữa: xưa nay tôi mới thấy một ông già lạ lùng này, chống gậy đi bộ nửa ngày trời để đánh một ván cờ. Tôi nói với cụ tú: "Thưa cụ, cờ tôi chưa có gì mà được cụ quá trọng vọng như thế này, thực tôi lấy làm tự thẹn". Cụ tú cười sang sảng đáp lại: "Thưa cụ, chỉ vì tôi nghe đồn cụ là một kỳ thủ vô địch ở vùng này nên tôi mới trèo non vượt suối qua đây, xin cụ đừng quá nhún và cho tôi được hầu một ván".
Tôi mời khách xơi cơm. Khách chối từ nói trước khi ra đi đã ăn lót dạ và giữa đường đã dùng cơm nắm chấm muối vừng. Ông thấy chưa? Đem cơm nắm muối vừng ra đi chỉ vì nghe đồn có một tay cao cờ ở một nơi kia. Mà tôi chắc trong chiếc khăn gói nhỏ khoác vai, thế nào cụ tú cũng còn đủ lương thực để dùng trên con đường về.
Sau nể lời mời mọc khẩn khoản, cụ cũng nhận uống với tôi một chén rượu.
Rồi chúng tôi đánh cờ. Cờ cụ tú cũng khá, đại khái như cờ tôi, có kém thì cũng chỉ kém độ một tốt. Chúng tôi chơi ba ván, ván đầu tôi được, ván thứ hai cụ tú được, ván thứ ba tôi cố ý tính hòa tuy cờ tôi có phần thắng thế.
Lúc cụ tú ra về, trời đã xế chiều. Tôi hết sức giữ cụ nghỉ lại đây một đêm, nhưng cụ nhất định cáo từ, nói nhân có trăng về ngay cho được mát.
Tôi âm thầm nhớ ông bạn mới, buồn rầu tưởng tới lời hứa sẽ lại đến chơi. Sẽ lại đến chơi? Tôi tin sao được. Ngoài bảy mươi tuổi đi nửa ngày trời để đánh ván cờ. Một lần còn có thể được, chứ mãi mãi thì có tài thánh.
Tôi bỗng hối hận rằng sao không cả quyết giữ mà lại để cụ tú về. Tôi nghĩ thầm: "Đường qua núi, qua đèo, dù có trăng cũng khó nhọc cho một ông cụ già. Nói gì khó nhọc, nhỡ cụ sảy chân ngã xuống khe, xuống suối thì sao?" Đêm hôm ấy tôi băn khoăn không nhắm mắt.
Và tôi luôn luôn thấp thỏm lo lắng cho tới mười hôm sau, vào hồi mười giờ sáng, cụ tú lại chống gậy đến. Cụ mở khăn gói lấy ra cho tôi một chai rượu ngâm thuốc mà nói rằng: "Rượu ngang vùng tôi ngon lắm, tôi đem biếu cụ một chai. Tôi bỏ vào mấy miếng truật cho đoan nó khỏi bắt".
Tôi bảo người nhà sắp thức nhắm, rồi bày bàn cờ ra đánh. Đi được dăm nước, tôi nhận thấy ngay rằng cụ tú đã về nhà mở trận ra luyện để phá nước pháo thăng hà của tôi. Tôi tự nhủ: "Không ngờ ông già bảy mươi này lại có chí phấn đấu và tính hiếu thắng đến thế". Và điều này nữa, chẳng rõ ông có để ý không, chứ tôi thì tôi nhìn không sai, là người làm sao nước cờ hiện ra làm vậy. Người bủn xỉn, bẩn thỉu, nhỏ nhen thì nước cờ giữ gìn, bo siết từng tí: đó là nước cờ của các bác nhà nghề đi giựt giải ở các đám hè, đám hội. Những người rộng rãi, phóng túng, liều lĩnh, anh hùng, nước cờ cũng rộng rãi phóng túng, liều lĩnh, anh hùng. Những người ác, nước cờ không thể hiền lành được. Những người nhã nhặn có lễ độ, nước cờ không bao giờ lấc cấc, du côn. Những người quân tử không thèm đánh trộm, những kẻ tiểu nhân lừa lọc từng miếng. Nước cờ cụ tú tỏ ra rằng cụ là một ông tướng can đảm sáng suốt, có mưu trí lúc lâm nguy hay lúc khởi thế công. Nhưng thế thủ của cụ hơi chểnh mảng một chút. Tôi chưa rõ cụ Ở vào hạng người nào trong xã hội, nhưng tôi đoán cụ có óc cách mạng. Mãi sau, trong câu chuyện thân mật tôi mới biết trước cụ có dính dáng vào việc văn thân và đã bị đày mấy năm ra Côn Đảo.
Lần thứ hai ấy chúng tôi chỉ đánh có một ván. Cụ tú đòi về ngay cho được sớm sủa, vì hôm ấy không có trăng.
Từ đó cứ mươi mười lăm hôm cụ tú lại đến chơi đánh cờ, cho tới hết hè tôi ra Hà Nội.
Rồi vụ hè năm sau cuộc chơi cờ lý thú của chúng tôi lại nối.
Một hôm tôi tiễn cụ tú một quãng dài khỏi làng Trường Lệ. Chúng tôi noi theo đường núi tới chỗ rẽ xuống xóm Sơn mới ra bãi biển theo ven làng Trường Lệ. Khi đứng trên ngọn núi cao, tôi trỏ một làng xa xa mờ mịt dưới mấy khóm phi lao và hỏi: "Cụ Ở vùng kia, phải không?"
Cụ lắc đầu đáp: "Không, xa hơn đấy nhiều". Rồi cụ đứng rướn thẳng người lên, nhắm gậy trúc về một phương, nói tiếp: "Tận nơi kia, sau hòn núi đá xanh xanh và như hình một bức bình phong đó".
Tôi ngắm cụ tú, tôi ngắm diện mạo dáng bộ cụ, tôi ngắm cảnh biển chung quanh và tôi mơ màng như sống lùi lại hàng nghìn năm, vào thời người và tiên thường gặp nhau trên núi cao, trên biển cả; cụ tú với cái mũ ni nhiễu tam giang, với cây gậy trúc màu vàng ngà đã hiện ra trước mắt tôi thành một nhà đạo sĩ đi tìm thuốc trường thọ. Dưới kia, trên mặt nước phẳng lặng, khúc nhạc chất phác nghìn xưa của bọn dân chài cũng đang diễn lại: Tiếng gõ mạn thuyền theo liền với những tiếng kêu mọi rợ "Ơ! ới... Ơi!" kéo dài mãi một điệu. Họ dọa nạt cá đấy. Hẳn ông cha ta về thời Trần, thời Lý, thời Đinh cũng dọa nạt quân địch như thế. Và đoàn thuyền đánh cá kia so với thuyền trận của các cụ ta nào có khác nhau mấy tí?
Qua làng Trường Lệ, cụ tú nhất định mời tôi trở về cho kỳ được mới nghe. Rồi cụ rẽ lên đường đi biệt vào trong rừng phi lao.
Thế là tôi chỉ biết cụ Ở vào phía sau dẫy núi bình phong mơ hồ, như một ông tiên trong một nơi động khuất nẻo.
Năm ngoái, chờ mong mãi không thấy cụ tú ra đánh cờ, tôi nhớ quá. Nhớ mà chả hiểu làm thế nào để dò thăm tin tức. Hỏi người vùng này thì họ chẳng rõ cụ tú già ấy là ai và ở đâu.
Đã có lần cùng một người nhà, tôi mò mẫm về tận vùng trái núi bình phong, nhưng cũng chịu không tìm được di tích cụ tú kỳ dị.
Đến năm nay, đã gần hết hè rồi mà vẫn chưa thấy cụ tú ra, thì tôi đoán chắc rằng cụ đã quy tiên.
*
* *
Kể dứt câu chuyện, cụ ký uể oải bày quân ra bàn cờ để cùng tôi đánh giải khuây một ván.