Sau khi vợ chồng vị thiếu tướng người Mỹ ngồi xuống ghế sofa, Sơn mời họ uống tách nước trà nóng, ướp bông lài. Vị trà đặc biệt, với hương thơm nồng đậm, hình như chỉ có ở miền Nam Việt nam. Bổng nhiên, người đàn bà cất tiếng hỏi: - " Nghe chồng tôi nói, lúc xưa, ông và ông ấy đã từng đánh giặc ở Mỹ Tho, Bến Tre, phải không?" Chàng giựt mình, nhìn người đàn bà. Chàng lại càng ngạc nhiên đến độ sửng sốt. Tuy, lúc bà ta mới bước chưn vào nhà, chàng cũng đã ngơ ngẩn, bàng hoàng rồi. Vì ,vẽ mặt bà ta mường tượng một người con gái miền Trung, cách nay ba mươi năm, chàng đã từng một thời yêu đương dan díu. Cũng vành môi cong vừa đủ gọi mời. Cũng đôi mắt to tròn đen láy - đôi mắt hình như lúc nào cũng ướt át, hay dỗi hờn, gây nhiều ấn tượng xót xa, thương cảm. Một hình ảnh đẹp mong manh nhưng dễ vở, làm khá nhiều xao xuyến lòng người. Dù rằng, tiếng bà ta trầm đục hơn, và lối phát âm tiếng Việt có phần ngọng nghịu lơ lớ của người xa xứ lâu ngày; nhưng nghe kỹ, thì cũng chính là giọng nói đặc biệt của người miền Trung - vùng đất xơ gầy sỏi đá khó nghèo đó. Hình ảnh ba mươi năm trước - thời gian đã quá lâu, tưởng chừng đã xoá mờ hình ảnh, câu chuyện. Nào ngờ, sự hiện diện của người đàn bà hôm nay đã quay quắt đưa chàng trở về miền ký ức tình cảm năm nào... * * * * *Năm đó, đơn vị chàng đã chạm địch khá nặng ở tại xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định... Với cặp mắt quân sự, thì đây là một vùng đất chết, dễ lọt vào ổ phục kích hoặc phải đương đầu một cuộc tấn công cường tập chớp nhoáng của địch, vì địa hình rất bất lợi, gồm thế đất mấp mô, lùm bụi rậm rạp, những chòm nhà bỏ hoang giấu mình trong gộp đá. Và, một con đường đất xám xịt ngoằn ngoèo nằm thười bên cánh đồng lúa mỏng và hẹp, chia làm hai nhánh, một nhánh chạy ngược về huyện Phù Mỹ (có mật khu Văn Canh, là nơi giặc bám trụ làm đầu mối tiếp nhận bộ đội vũ khí từ đường biển); nhánh kia, rẻ phải, chạy lòng vòng vào đến chiến khu An Lão - một trong những chiến khu nổi tiếng Nam Ngãi Bình Phú của miền trung VN. Đơn vị biệt lập của chàng đã từng chạm địch tại vùng đất giao lộ nầy. Chàng biết rõ ràng thói quen điều quân của tên giặc chỉ huy tiểu đoàn cơ động tỉnh. Nhưng lực lượng địch lần nầy, theo tin tức dân chúng, vừa mới xuất hiện, tăng cường trung đội pháo, và đội đặc công tỉnh, chưa từng ghi nhận danh hiệu trong hồ sơ trận liệt. Bọn chúng đã ra lịnh dân chúng tản cư khỏi vùng, và sẵn sàng nghinh chiến với đơn vị chàng. Như vậy, có nghĩa là, chúng nó đã dành quyền lựa chọn bãi chiến trường, gài độ, chờ con mồi sập bẫy, hoặc nắm chắc khả năng trên cơ đối phương khá nhiều. Nhưng chàng vững tin đơn vị thiện chiến của mình, bọn giặc khó lòng đạt được ý đồ đen tối đó. - " Ông ở lại đây nguy hiểm lắm ! Dân chúng, được lịnh của bọn họ, gồng gánh chạy đi tản cư lánh nạn hết rồi ! " Người con gái cố gắng kềm giữ sự xúc động, nhưng khó che giấu giọng nói run run. - " Sao cô không chạy đi? - lại đây nguy hiểm lắm! " Chàng dí dỏm nhái lại câu nói vừa rồi của nàng. Cô gái chẩu môi, liếc phớt nhìn chàng, rồi bước nhẹ vào căn nhà tranh. Nàng là con gái út của một viên chức hành chánh xã đã tử trận trong trận công đồn của giặc năm trước. Đồn bót nghĩa quân, địa phương quân, và các trụ sở xã ấp, phần nhiều bị đánh úp là do bọn nội tuyến nắm rõ plan phòng thủ, từ vị trí súng cộng đồng, vọng gác, đến sơ đồ bãi mìn chôn giấu ra sao, rồi chuyển lên núi, và dẫn lực lượng chủ lực cộng sản vào, mở trận đánh công kiên. Phần thắng, chắc chắn về tay chúng nó. Biết bao nhiêu lần, đơn vị chàng súng đạn gọn nhẹ, chạy việt dã - tuôn rừng lướt bụi băng đồng - để kịp thời đến tiếp viện cho đồn bót, trụ sở xã ấp... Nhưng khi đến nơi, đơn vị chàng hầu như chỉ còn mỗi một công tác là lục soát để... thu gom thi thể bạn, sắp hàng các xác chết cong queo, xuôi cò, cho thân nhân khóc kể nhận diện, hoặc bảo vệ an ninh cho bên hành chánh, tiểu khu tiến hành thủ tục kiểm kê tổn thất, hay uỷ lạo gia đình thương binh tử sĩ. Thôn xóm nàng đã bị bom đạn đánh sập tả tơi lâu rồi. Nàng theo mẹ tản cư lên tỉnh lỵ. Đôi lần, nàng về thăm lại quê cha đất tổ, giờ chỉ còn người anh cả, bám víu vào mãnh đất xơ gầy để giữ phần đất mồ mả tổ tiên, và canh tác gieo trồng, gặt hái kiếm sống qua ngày. Người con gái chợt trở ra, cúi xuống, đặt mâm cơm lên chõng tre, mời chàng dùng bữa. Mùi hương tóc gội bằng trái "bồ kết" - phù họp với mùi con gái đồng nội trinh nguyên, thỏang đưa dìu dịu lên mũi chàng. Mái tóc rũ dài xuống, che nghiêng nửa khuôn mặt trái xoan, trắng hồng gợi cảm, đẹp mờ trong bóng đêm. Chàng liên tưởng người con gái mờ ảo liêu trai, từ trong bức tranh tố nữ bước ra, dịu dàng chăm sóc bữa ăn cho chàng thư sinh khó nghèo chăm học, trong mẫu truyện liêu trai chí dị xa xưa. Sơn buông trôi dòng mơ mộng lãng mạn. Chàng quay về hoàn cảnh hiện tại. Chiến tranh tàn nhẫn, không buông tha ngay cả những người con gái ngây thơ, dịu dàng như nàng. Mà, về tình hay về lý, họ đáng được đặt vào những vị trí trang nhã, thanh tao, cho người đời thưởng thức - như một bức tranh tuyệt mỹ của hóa công - để quên bớt những giây phút bon chen vật lộn với đời. Chàng thân mật hỏi: - " Sao cô còn chưa chịu chạy đỉ! " Chàng bỗng nhiên thể hiện tâm tình chia xẻ âu lo, đối với người con gái chừng như xa lạ, nhưng cũng gần gũi dễ thương nầy. - " Anh của em nói ở lại đây đánh giặc cùng với mấy ông. Ảnh xin ông cấp phát cho ảnh một khẩu súng. Và... em nữa." Chàng trố mắt ngạc nhiên, đớ người. - " Cô mà cũng biết đánh giặc nữa à?! " - " Em có học lớp bán quân sự ngoài tỉnh. " - " Nhưng cô không phải là lính. " - " Vậy có sao đâu. " Nàng cười, chút e thẹn phớt đỏ đôi má. Nụ cười để lộ một chiếc răng khểnh nhí nhảnh duyên dáng. Nụ cười như toát ra chất men ngọt, mùi say êm, làm thắm dịu, và nhẹ hẵn đi sự căng thẳng suy tư trong lòng người trai binh lửa. Quả thật, sau giây phút hai phe chuẩn bị cuộc so găng, địch điều động toàn bộ lực lượng đến, định " làm cỏ " đơn vị chàng. Địch đánh giá quá sai lầm trình độ tác chiến của một đơn vị biệt lập xừng xỏ, gồm những chiến binh có thừa độ dày kỷ thuật tác chiến cá nhơn, và chiều cao kinh nghiệm chiến trận... Cuối cùng, chúng nó đành phải vắt giò tháo chạy, bỏ lại nhiều xác chết và súng đạn, la liệt, rải đầy trên vùng chiến trận còn đang bốc cháy đây đó, trong màn đêm đậm đặc. Sơn kiểm tra đơn vị. Chàng nghe như còn thiếu một người: người con gái ấy! - " Xuân Viên ơi ! " Chàng buột miệng gọi tên nàng. Người con gái xuất hiện, hình dáng đẹp mờ, tựa hờ bên khung cửa gỗ. Khói súng vẫn còn vương trên mái tóc xõa rối. Ánh mắt nàng long lanh như mèo đêm, tha thiết nhìn chàng. Một ánh mắt êm nhung kỳ diệu, quyện lấy trái tim người vào nơi nào bàng bạc, miên man, như chất thuốc gây mê, lâng lâng, tê rần trong từng sớ thịt bịnh nhơn. Da thịt nàng thoáng nhẹ mùi hương " bồ kết ", trộn lẫn mùi khói lửa giao tranh dâng lên dào dạt, và quấn quít vây bọc chàng, trong giữa vùng không gian sương mờ lãng đãng. Một bức tranh có mùi hương - không giống mùi hương nhân tạo nào khác - toát ra từ bờ môi, làn tóc, và từ da thịt khiêu gợi kín đáo của người con gái. Sơn thờ thẩn, đờ người giây lát. Chàng chưa từng chiêm ngưỡng một bức tranh tố nữ, với một vài nét vẽ đơn giản, và màu sắc bình dị, nhưng lại trưng bày hết mực sức quyến rũ đa tình, có hấp lực, lôi cuốn kỳ lạ, rung động tận cùng. - " Xuân Viên ơi! Em có sao không?! " Chàng vừa rối rít hỏi, vừa tiến nhanh đến bên nàng lúc nào, và áp chặt hai bàn tay cô gái lên lồng ngực mình, trong niềm bồi hồi xao xuyến say mê. Niềm bồi hồi say mê hiếm có ở người chiến binh dạn dày như chàng. Và, sau phút đa tình ấy, là đóm lửa yêu đương được cả hai tiếp tay khêu ngọn, cháy bùng... ... Nhưng ngọn lửa nào cũng chỉ bùng cháy lên một lúc, phút yêu đương nào rồi cũng tới phút giây lắng đọng. Như trận chiến bốc lửa nào rồi cũng tàn, và để lại cảnh hoang tàn đổ nát. Còn lại chăng, là tấm thân nhục mê mệt, rã rời. Như nỗi bơ phờ của người chiến binh gối súng trên đê, sau một trận đánh gay cấn. Lính thờ thẩn đếm xác bạn xác thù, rồi bâng khuâng chợt nhớ những mối tình đã xa thật xa, đã khuất chìm vào nơi nào trong cuối miền hò hẹn, trong tận cùng nguồn cội tương tư, tưởng nhớ. Người lính lại vác sùng đạn balô lên vai, dấn bước vào bốn miền chiến trận điêu tàn đất nước. Dấu đạn lỗ bom tiếp tục lở lói mãnh đất mãnh đời. Những bước chân bùn sình vẫn xông lên mùi máu. Những tảng đá, cành cây, và lùm bụi đâu đây như vẫn còn vướng lại những mẫu da thịt của bạn của thù. Lâu ngày, rồi cũng quên lãng. Bắt buộc phải quên, vì lính có quá nhiều điều lo toan chiến đấu khác. Lâu ngày rồi cũng chai sạn, vô tri, lầm lì dạn mặt trước những thương yêu hờn giận... Để rồi, có những đêm mơ, hồn phách lại quay về đứng buồn bên tăng lều, doanh trại. Lính thấy mình vẩn vơ trên giải núi Kong Hà Nừng - một cao điểm cuối cùng của đường mòn Hồ chí Minh; hay trên đỉnh Chu Prong, đèo Thần, hoặc vùng đất biên giới Bong Tul, Dakrotah, Bang Het của miền cao nguyên Buôn mê Thuột, Pleiku, Kon Tum. Lính kiễng chân ngóng về phương hướng quận Hoài Ân, xã Hoài Nhơn, nơi ấy có một người con gái tóc xỏa buồn đứng đợi, tựa vào chiếc "xe guồng" , cót két bánh xe, đưa nước tưới tiêu cho đồng ruộng khô cằn miền Trung khó nghèo, mà tháng năm lửa đạn khói bom mịt mù không ngớt... Lính sững sờ, rối rít , kêu gọi tên em. Rồi, chụp bắt. Bóng hình nàng vụt tan loảng, hoà vào biển lạnh mù sương. Tiếng pháo dập, đạn bay nửa khuya vỡ đau gốc bờ tâm sự. Trở giấc chiêm bao, bừng tỉnh. Lính chỉ nghe tiếng chim kêu lạc lỏng đoạn trường trong rừng núi: "thương em đứt ruột", làm gợi sâu thêm mạch đời thương tưởng. Thời gian gớm ghiếc, bốn mùa, cứ bình thản ngỗ ngáo bước qua, bên thành lũy chiến hào, ngàn bao cát xám xịt đắp dày hầm hố. Hàng rào phòng thủ concertina chằn chịt. Mắc lưới kẽm gai móc rách trái tim người lính. Máu đổ, lòng đau. Nhưng gương mặt người lính vẫn phải nén đau, lầm lì chai sạn như năm tháng. Sự mâu thuẩn, trái khoái chất chứa ứ đầy trong tâm trạng, tâm tình người lính chiến. ... Xảy đến ngày 30 tháng 4 năm 75, lính bị dìm vào vũng bùn hôi tanh khốn nạn tù tội. Vùng rừng núi âm u rùng rợn của núi rừng Việt Bắc Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan ; hoặc Lào Kay,Yên Báy, có con sông Hồng, bến phà Ô Lâu, cuồn cuộn dòng nước đỏ màu phù sa, như đỏ màu hỏa ngục; rồi chuyển đến trại "cổng trời", nơi cọc mốc tử thù, miền biên giới hai nước cộng sản phi nhân, trời mây che kín bốn mùa ; hay trong tận cùng vùng đầm lầy, chôn vùi thân phận, tên gọi "Đầm Đùn" , tỉnh Hà Nam Ninh... ... Người cựu tù nhơn chính trị đó, giờ đây đang trên xứ lạ tạm dung. Một xã hội có nhiều đám người kỳ thị thiểu số da màu, tuy họ cũng có bằng quốc tịch công dân. Như đất nước VN, trước năm 75, vẫn có nhiều tầng lớp người kỳ thị anh lính chiến. Miền tiểu bang sa mạc cháy bỏng. Gió tháng tư, hú gọi âm hồn trong rừng cây, bờ buội, vạt đất , bai? tha mạNỗi gọi buồn chan chứa. Đỉnh núi Sandia trong kia phủ mờ tuyết trắng, như phủ mờ niềm thương tưởng. Tám năm không về. Và, ba mươi năm chia tay, vắng bóng, chưa một lần gặp mặt người cũ... * * * * *- " Tôi là Xuân Viên đây !... " Sơn nghe như có tiếng nổ kinh hoàng phá toang bến mơ, vùng trời hoài niệm. Một chấn động cảm xúc tột độ. Cơn choáng ngộp buốt nhói trong trái tim. Cảnh vật như quay cuồng đảo lộn trước mắt chàng. Sơn vội tựa hẵn người lên thành ghế, kềm giảm mức độ chấn thương. Nàng đây ử! Những mong sao người đàn bà nầy không phải là người con gái thuở ấy. Để chàng còn tự do sống trong suy niệm, tha hồ hồi tưởng vẽ vời một cuộc tình ba mươi năm, vẫn còn y nguyên, hong đầy dấu dạng. Dù mái đầu đã tóc trắng, sáu mươi. Những khi tình người bốc trần, bạc thếch. Người đó, tình đây. Trong gang tấc, mà ngàn trùng, thăm thẳm. Trong khoản cách vừa tầm, nhưng chàng không đủ can đảm với tay nắm giữ. Đã xa rồi, một thời hương lửa tình nồng. Một thời nằm bên nhau trên bãi cát, lắng nghe tiếng gió reo đùa đuổi bắt vi vu trong hàng cây phi lao. Ngoài kia, sóng biển nhấp nhô theo từng nhịp điệu ân ái dập dồn. Điệu nhạc tình dìu dặc ru êm , cho đôi vành môi hôn thêm ngọt, cho hương tình thêm say. Đèn màu quán có càphê, ở cuối ghềnh bến lưới, những đêm về sáng, trăng treo trên rừng cây, và dáng em hả hê xoải dài trên bãi cát yêu đương nồng mặn. Người đó, tình đây. Chuyện chừng đã phôi pha, hay cũng tự giấu nhẹm bên trong, khỏa lấp bên ngoài. Một màu đen bạc thời gian, tháng năm bụi mù tưởng đã cuốn xa mờ hình bóng. Nào ngờ... Sau phút choáng váng, ngỡ ngàng, Sơn trở về tư thế tuổi đời trầm tỉnh. - " Thưa bà! Tôi cũng có chút nghi ngờ, bà là người xưa, ngay trong phút giây đầu tiên chạm mặt. Nhưng tôi mong là mình đã nhìn lầm người, do hình bóng mộng du , người cũ lâu ngày, thoáng mắt chiêm bao. Nhưng nay đang là sự thật! Giờ đây, bà lại là vợ của một chiến hữu đồng minh khi xưa của tôi. Thuở ấy, tôi và chồng bà đã bao phen sát cánh chiến đấu, có mặt trong khắp vùng mặt trận Mỹ Tho, Bến Tre. Ông ấy đã cùng tôi ngồi trong quán cóc nhà sàn bên bờ sông nước Cửu Long, tỉnh Mỹ Tho, huyện Cái Bè. Ông ta kể tôi nghe, quê nhà ông ấy ở miền Mississipi, cũng có dòng sông nước phù sa đục màu chảy ra láng biển, vịnh Mexico. Ông ta rơm rớm xúc động, mắt nhìn vào xa xăm, và nói tiếp : - " Sông Mississipi như sông Tiền Giang miền Nam, cũng mang đầy đủ hai đặc tính, vừa hiền lành đôn hậu, vừa man dại dữ dằn. Cũng có hoa lá rợp bóng, và cây trái bốn mùa trong khắp vùng đồng bằng delta trù phú phì nhiêu ". Ông ta mong sớm đến ngày về lại đất Mỹ bên kia. Nơi đó, ông ta sẽ có một người vợ, tạo dựng được một trang trại trồng bông vải, và những đứa con bụ bẫm tìm vui cuối đời. Chợt, ông ấy quay sang hỏi tôi : - " Hạnh phúc bình dị của tao thế đó, liệu có thực hiện được, hay không !? " Tôi cười buồn, không đáp. Vì chính trên quê hương ruột thịt của tôi, tôi vẫn chưa tìm thấy một người yêu, một niềm hạnh phúc đích thực. Ông ta, dù sao, vẫn có nơi để tìm về. Còn tôi?! Dấu đạn lổ bom ngăn cản bước đi. Địch đang ở trước mặt, sau lưng. Bạn thù lẫn lộn, khó biết. Người tình có thể là nữ địch vận, dẫn đưa tôi vào cõi chết. Chỉ còn lại tôi là có thể tin cậy. Chỉ còn lại tôi, là thứ không giả mạo, có giá trị hiện hữu, thực sự. Trong góc chiến hào, hay trên hè phố, tôi nhìn tôi hoang vắng, xa lạ với hậu phương. Một hậu phương biểu diễn thứ tình tự núm ruột giả trá. Đời lính chiến có mặt, nhiều khi rất ngao ngán, ghẻ lạnh, vì bị cái nhìn bỉu môi từ hai phe hai phía. Tuổi thọ người lính rất mong manh, ngắn ngủi, tính từ giây phút leo lên xe GMC, hay trên chuyến trực thăng ra tiền tuyến. Thế nên, lính rất e ngại sẽ để lại những vấn vương bi lụy nào đó, để lại những ngậm ngùi khăn tang, chít vội trên đầu người quả phụ còn quá trẻ. Lính xót xa đời làm thân con gái, tuổi học trò vội xa, để đón nhận nỗi bất hạnh khổ đau cận kề, kể từ ngày làm người yêu lính chiến. Tôi đã xa lánh bà, sau những ngày trăn trở suy tư phiền muộn thế đó! Giờ đây, gia đình chồng vợ con cái chúng ta là sợi dây mầu nhiệm vô hình khắn khít trói chặc thân thế, tâm sự chúng ta từ lâu rồi. Hai cuộc đời phân lập. Hai cuộc sống riêng tư. Con chim bìm bịp rầu rầu gọi buồn con nước lớn. Cánh chim bay xa, một chiều chợt muốn bay tìm về tổ cũ, e đã hoài công vô ích. Con chim đa đa sao không đậu nhánh đa đa. Mọi sự đã lỡ làng, hụt hẩng.Trưốc mắt chúng ta là bức tưồng thành kiên cố ngăn cách. Như bẫy cạm hầm chông bén ngót và hiểm nguy. Chúng ta buộc lòng phải dừng lại, lùi bước; và, tìm một hướng đi khác. Một hướng đi quên lãng, nhưng ngậm ngùi. Một cuộc hành trình tiến về mục tiêu cuối đời, âm thầm xế bóng. - " Xin ông đừng quá suy tự" Người đàn bà ngưng nói, kín đáo lấy khăn tay ra chặm nước mắt. Rồi tiếp : - " Chồng tôi đã hiểu rõ chuyện tình của chúng mình. Vợ chồng chúng tôi đã cất công tìm kiếm, thăm dò tin tức ông từ bao năm nay. Vì, ông ấy muốn gặp lại người bạn quí. Còn tôi... muốn gặp lại... (bà ta bắt đầu tấm tức khóc) người cha của con gái chúng mình! " Sơn thất sắc mặt. Người chàng chòng chành. Tay chàng run rẩy cầm bình nước trà. Sơn như đang tìm cái phao, cố bám tựa, nương nhờ vào sức hỗ trợ - cho dù là vật nhẹ bỗng - để lòng mình khỏi chao đảo, khủng hoảng, sụm xuống. Chàng có một đứa con! Một đứa con ba mươi năm không được người cha hoạn dưỡng ấp bồng. Ba mươi năm, con chỉ biết mặt cha qua tấm ảnh cũ kỹ nhạt mờ, sờn rách, loang lổ nước thuốc phim ảnh. Con vẽ vời, mường tượng hình dáng của người cha thân yêu, theo lời thêm bớt, thêu dệt làm đẹp mặt tình yêu, của mẹ con. - " Con ơi ! ba có lỗi với con nhiều lắm ! " Sơn thầm nói, và gục đầu, ứa nước mắt. Người đàn bà giọng trầm buồn, đều đều kể tiếp : - " Chắc ông chưa quên, tôi đã dâng hiến cho ông một đời con gái, ngay trong đêm chiến trận năm đó. Tôi không hề toan tính, đo lường hậu quả. Sau thời gian hạnh phúc ngắn ngủi, ông giũ áo ra đi. Tôi cố gắng dò theo vết chân ông. Nhưng tôi hụt hơi tìm kiếm. Tung tích ông vẫn mịt mù bóng chim tăm cá. Những nơi nào tôi đến tìm, thì nghe ông cũng mới vừa rời khỏi. Hình như ông cố tình lánh xa tôi. Nhưng tình yêu ông lại bắt tôi hy vọng có ngày tái họp. Những dạn dày sương gió bụi đường xa lạ đi tìm chồng, những đói khát bất hạnh tả tơi, những thói đời trêu mời, bày chuyện trăng gió, trước chút nhan sắc, trước người đàn bà thất thế, lẻ loi cô độc như tôi. Nhưng tôi vẫn giữ được một tấm lòng kiên trinh, tuy gặp phải nhiều cơ hội, mai mối, tôi suýt buông thân, ngã gục... Tôi khám phá ra mình đã có mang. - lại quê cũ thì xấu hổ với chòm xóm, thứ gái chửa hoang. Tôi đành nuốt nước mắt xa lìa quê hương, lên KonTum, tá túc nhà người quen, chờ ngày sinh nở. Ngày ngày, tôi đi lang thang trong đường phố cao nguyên, đất đỏ hoang vu, như con ăn mày. Nhưng kẻ ăn mày còn được người ta rũ lòng bố thí. Còn tôi, người ta chưởi bới, rẻ khinh. Rồi cứ đến buổi chiều, tôi lủi thủi quay về nơi xóm nghèo, phường Phương Lâm, ở mút tận trong sâu, bên kia dốc tòa tỉnh trưởng.Trường Thérêsa dưới trủng sâu bên nầy. Trong sân trường, đỏ ối, ngập đầy cánh hoa phượng vỹ. Như sân trường Qui Nhơn, cũng màu hoa phượng vỹ, biểu tượng cho tuổi học trò đượm nhiều khí chất lãng mạn. Tôi như bông hoa đỏ thắm khi yêu, nhưng giông tố chợt nổi lên, cánh hoa oan trái rơi rụng giữa cuộc đời Tôi chưa từng đong lường nhận thức được tình yêu là sắc màu giả trá phấn son - một màu bội phản, lọc lừa, và làm quáng mắt người con gái hai mươi tuổi ngờ nghệt, mới nhập cuộc như tôi. ... Bên vách nhà hàng xóm, vọng sang tiếng cười đùa suồng sã giữa khách đa tình và cô gái gọi. Tôi chợt tủi thân, vì nghĩ mình cũng chẳng hơn là thứ gái gọi của ông. Ông đã cất giấu tôi trong gian nhà ổ chuột thuê mướn, vì ông không muốn các cô nhân tình của ông biết được, là ông có một người vợ quê mùa thôn dã. Nhưng tôi vẫn giữ tròn bổn phận. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng. Ngày đêm, tôi quanh quẩn ra vào, nghĩ thương cho đời lính, dữ nhiều lành ít, mù quáng bao che tôi. lỗi ong bướm của ông... Ông đâu dè, ông có một mụn con gái đầu lòng. Tên nó là Phượng Giang - biểu tương cho dòng sông phượng vỹ. Con sinh ra tại miền cao nguyên đất đỏ địa đầu hiu hắt. Mẹ con tôi bồng bế lang thang bên dòng sông Dakbla, bước qua cầu ra vùng ngoại ô, nơi ông đóng quân ngày trước. Tôi đi tìm chút hơi hướm kỷ niệm tình yêu. Tôi thủ thỉ với con: - " Ba con lúc trước ở nơi nầy." Tôi mong được bắt gặp hình bóng ông trong doanh trại hoang phế đó, dù ông có là hồn ma bóng quế chăng nữa. Gái một con, da thịt căn phồng, nhiều đêm đòi hỏi thôi thúc, vì lâu ngày... Tôi chỉ cần nhích vài bước chân, là vào trong căn nhà giăng tơ, đi khách. Tôi, chẳng những được thỏa mãn, mà còn được tiền dư dật nuôi con. Nhưng hình bóng ông vẫn còn đầy âm ấp trong tôi. Tại sao tôi vẫn còn si mê con người phản bội đó?! Tôi không trả lời được tại sao. Tôi phải tiếp tục đóng trọn vai trò làm vợ làm mẹ. Một thiếu phụ Nam Xương. Một người mẹ Ôm con chờ chồng hóa đá. Để sau nầy, chừng gặp lại, ông vẫn còn nhìn được dấu xưa vẫn còn nguyên vẹn, nồng độ tình yêu vẫn ngọt liệm như thuở nào. Tôi định quay về nơi chôn nhau cắt rún, theo lời thơ nhắn gọi của mẹ của anh. Phải chăng, người đàn bà nào cũng đều mang tội đại nghịch - bất hiếu - là đã đành đoạn bỏ hết những người ruột thịt thân yêu, để cắm đầu chạy theo một người đàn ông xa lạ, gọi là chồng. Tôi muồn về quê cũ ôm con đợi chồng. Nhưng, lý trí cho tôi biết: ông là con bướm hút nhụy rồi bay. Những nụ hoa thanh lịch duyên dáng khác đang khoe sắc đón chờ. Đời lính, lẽ nào ông không mệt mỏi, dừng chân đôi ngày !? Dù ông dừng lại vì mất một phần chi thể. Mẹ con tôi sẽ bù lỗ vào những bất toàn đó cho ông.Tôi chỉ cần trái tim và nhịp thở của ông. Tôi hoàn toàn không so đo tính toán bằng dạng loại vật chất dung tục con người. Nếu không, tôi đã sa ngã, quên ông từ lâu rồi. Một cuộc đời chất phác, khoai sắn có nhau, bên con trâu cái cày là niềm hạnh phúc tuyệt vời, đầm ấm biết bao, là mạch sống đời đời tôi rưng rức thèm khát. Thời gian khủng hoảng nầy, tôi lại gặp chồng tôi hiện tại. Trước khi hết hạn phục vụ Ở VN, ông ấy đi chào từ giã những chiến trường năm cũ. Gặp tôi, ông ấy hiểu được hoàn cảnh éo le mẹ con tôi, ông ta rất thông cảm, và đề nghị cưu mang bảo bọc, xin đưa mẹ con tôi về sống trên đất Mỹ. Tôi bối rối, và khóc rất nhiều ngày. Ngày xưa, tôi đã hết lòng, trao cho ông tất cả, thân phận đầu đời. Ngày nay, tôi có còn chút chính chuyên nào nữa để gìn vàng giữ ngọc. Một đời hoa đã nát rụng. Chút son giá thôi cũng hoen ố lâu rồi. Cầm bằng xem như nước chảy qua cầu, buông thân, mặc cho dòng đời đưa đẩy. Mà, cũng vì chuyện đã bao năm, ông như con sáo sang sông, con sao sổ lồng bay về phương trời mờ mịt. Ông đã không còn nhớ gì chiếc lồng son hạnh phúc, tôi vẫn bao năm mở cửa ngóng chờ. ... Vợ chồng chúng tôi sống ở tiểu bang Mississipi, nơi có nhiều đồn điền trồng giống cây bông vải nhiều nhứt của nước Mỹ. Sông Mississipi, còn gọi là Father of Water, như sông Cửu Long - VN, vừa hiền lành êm trôi, vừa hung dữ chết người. Tiểu bang còn có nhiều giống hoa Magnolia - tên của loài hoa Mộc Lan màu trắng và vàng ; và những loài hoa Mãn đình hồng, Phù dung... như bên quê nhà chúng ta. Cảnh vật và thành phố phủ trùm lên một màu xanh của cây cỏ hoa trái, êm ả, hiền hoà, trầm lặng, thắm dịu vào lòng người xa xứ một nỗi buồn thương nhớ man mác. Điểm nghỉ mát trên bờ biển Biloxi, càng gợi lòng tôi se sắt nhớ về miền biển Gành Ráng, Qui Nhơn, nơi từng đêm ông dìu dắc tôi ngụp lặn theo triền sóng dào dạt ân ái. Nơi nào chỗ nào cũng dày đặc hình bóng quê hương và người tình. Tôi sống dập vùi trong nỗi nhớ không quên, quay cuồng ray rức, xáo trộn nhiều năm. Con chúng ta, càng lớn lên, nó càng giống ông như đúc. Ngày ngày, con ra vào, như nối nhịp cho một điệp khúc, gợi nhắc bản tình ca mặn nồng thuở trước. Đến chừng, hiểu ra, cha đứa bé lại là ông, chồng tôi chẳng những không có chút ghen hờn ; mà trái lại còn thúc hối tôi phải tìm ông cho bằng được. Phải nói, ông ta là một người chồng độ lượng hiếm có. Vợ chồng chúng tôi qua hết những trại tị nạn Thái Lan, Hồng Kông, Mã Lai, Phi Luật Tân; và còn đến nhiều nơi nào nghe nói có cựu tù nhơn chính trị cư ngụ, trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Danh sách trong các trại tị nạn không có tên ông. Còn ở đất Mỹ thì mênh mông, xô bồ, và lắm chuyện khai tên đổi họ, khi nhận bằng quốc tịch. Từ tên : Xoài, Ổi, Mít... , đã biến ra là, Johnson, Helen, Jacqueline... Biết đâu, ông là Nguyễn Băng Sơn, lại trở thành Icy Moutain Washington, ngụy trang làm dân Mỹ chính gốc, bịt đầu mối cha mẹ tổ tiên, như bao nhiêu người Việt tị nạn đã làm. Nhiều đêm, tôi thao thức, lo nghĩ, mà bổng dưng rùng mình. Không chừng, ông đã chết trong trại cải tạo đọa đày hiểm ác ; hay đã chết dưới lòng biển khơi gió bão; hoặc chết dập vùi trong rừng núi bụi bờ, biên giới nước độc ma thiêng. Tôi nghĩ đến mà không cầm được nước mắt. Con chúng ta hỏi :- " Bộ mẹ nhớ ba con, mẹ khóc hả ? " Tôi càng tủi thân, khóc nhiều hơn. Chuyện tình tưởng chừng đã chôn lâu, đã xây mộ, nhưng kỷ miệm như bóng ma thường xuyên hiện về trêu ghẹo đau buốt, không cách nào xua ra khỏi vùng thương nhớ. Tôi giận ông, rồi liền sau đó, tôi vẫn mong chờ, cái con người phản bội. Như tấm trinh tiết bị người tình xé toang, thì trọn đời vẫn còn hoài hoài mang chứng tích. Một vết thương đau tê da diết, không có thuốc men nào chữa lành, và, đố ai quên được. Tôi có ý định lập bàn thờ thờ ông. Ít ra, con chúng ta nó cũng còn nhớ đến chuyện nhang khói thờ lạy cha nó. Tôi dạy con không thể quên đi, và đánh mất truyền thống cội nguồn gia tộc, luân lý tình tự cha con - dù nay nó là Karen Mangolia, dân Mỹ chính thức, từ ngày con còn để chỏm qua đây.Tôi nhắc con luôn luôn soi gương để thấy mình - da vàng mũi tẹt - vẫn là đứa con Việt Nam. Còn tôi, cũng phải giỗ chạp, cho tròn tào khang đạo nghĩa người vợ. Dù tôi đã thực sự mất ông, từ ngày ông giu? áo ra đi, ba mươi năm trước. Rồi, những tháng gần đây, nhơn buổi tiệc khoản đải các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến bên VN, vợ chồng chúng tôi trong câu chuyện thăm hỏi bạn bè, ôn lại quá khứ đấu tranh, nhắc lại kỷ niệm những miền đất VN đã đi qua, chợt - có người biết đến tên ông! Ông ta tên là Kirby, nói là đã từng làm cố vấn tiểu đoàn ông vào thời gian năm 66 - 67. Tôi không tin đây là sự thật! Hay, chỉ vì sự thật lại... quá thật, quá bất ngờ, làm tôi bàng hoàng, không kịp chuẩn bị đón nhận nó?! Sau phút ngơ ngẩn, lạc thần, tôi cố gắng che đậy cơn xúc động trước mặt chồng tôi. Nhưng tôi không kềm lòng được. Tôi bụm mặt khóc ngất ! - " Anh ơi !... " ... Chồng tôi vội vã check các dữ kiện tôi cung cấp liên quan về ông: như tên tuổi, ngày tháng, năm sinh... Liền sau đó không lâu, sở di trú (và các cơ quan đầu nảo tị nạn liên hệ) gởi mail phúc đáp: " Ông đã theo diện refugee, và có mặt trên đất Mỹ từ cuối năm 1993. " Tôi mừng đến ngất xỉu! Khối tình đã chôn chặt. Mộ tình lại do chính tôi đào lên, cải táng. Một cuộc tình đã rã bèn từ lâu. Nhưng trong mạch sống tôi, khốn thay, luôn luôn có dòng máu ông tuôn chảy. Những gì xảy ra sau ngày nầy?! Tôi sợ e mình sẽ vi phạm bản hợp đồng chồng vợ với người đàn ông đến sau. Nhưng tôi hy vọng, thời gian là liều thuốc. Tôi và ông có còn vóc dạng nào để nhìn để ngắm. Hay cũng chỉ là vóc dạng mới toanh, lối tình đã rẽ. Tình yêu nay chỉ còn là tấm bài vị, cúi đầu tưởng niệm tôn thờ, thế thôi. Dù sao, tôi có trách nhiệm tìm kiếm một người cha, mà ba mươi năm trời con chúng ta vẫn đau buồn nhắc đến. Tôi sung sướng hoàn thành bổn phận! Nhưng tôi vẫn còn bán tín bán nghi, nên giục chồng tôi cùng đến thành phố Albuquerque nầy! ... Khi bước vào căn appartment nầy, chạm mặt ông, tôi chết điếng, lạnh người, xuýt bật khóc! Quả thật là người xưa đây rồi! Dù ông đã nhiều thay đổi. Nhưng tôi không tin là mình nhìn lầm. Người đàn bà, họ yêu bằng cảm giác, bằng hương vị không hai. Mùi hương vị đặc thù chỉ riêng của người tình mới phân loại nhận biết được. Xác thân ông có gầy gò tiều tụy thế mấy, tiếng nói ông có khao khao vì tuổi già chăng nữa, thì trăm phần - Ông đúng là... cha của đứa con gái chúng mình! Tôi xót xa chăm chăm nhìn ông. Thời gian nào đã bào mòn, làm ông biến dạng đến như vậy!? Cuộc đua tranh nào đã làm ông thua cuộc - trắng tay, xơ xác, tong teo; và già khọm trước tuổi?! Tình yêu còn sót lại trong tôi xúi tôi chạy đến ôm ông, cho vơi bớt bao nhiêu năm trời tôi quay quắt chiêm bao tưởng nhớ. Nhưng, tôi lấy hết can đảm mà kềm hãm lại! Tôi thoáng nhìn chồng tôi. Giờ đây, tôi đã an phận! Tôi không còn náo nức và dám làm chuyện phiêu lưu như ngày xưa nữa. Điều tôi mong mỏi là, ông cho phép con chúng ta được gặp lại cha nó. Tôi tin chắc rằng, người đàn bà sau tôi, cũng không nỡ nào hẹp lượng, chối từ ! " Người đàn bà ngưng bặt tiếng nói, thở gắp! Bà ta cúi mặt xuống. Hai bàn tay run rẩy quìu quào đỡ lấy tách nước trà, như cố che đậy cất giấu cơn xúc động ngỡ ngàng vào trong gốc nào tâm sự. Nước mắt bà ta ướt sủng. Từng dòng chảy nhạt nhòa trên má. Hình như, dòng nước khổ đau dồn nén lâu ngày, nay mới có dịp bựt trào. Và, chảy ra cho hết, lần sau cuối?! Có dòng nước mắt khổ đau nào sẽ cạn kiệt? Hay nghìn đời con người vẫn chứa đầy bể nước mắt khổ đau?! Sơn ngậm ngùi nhìn giọt nước mắt đậm đà cay đắng của tình cũ năm xưa. Rồi, quay đi, lau nhanh dòng khổ lụy vẫn chảy theo vào tận cuối đời. Người bạn Mỹ, từ đầu buổi gặp đến giờ - sau khi tay bắt mặt mừng thăm hỏi, ông ta vẫn đi qua lại trong phòng khách, ngắm nghiá mấy bức tranh ngư tiều canh độc VN, treo trên vách căn nhà nhỏ hẹp housing. Bỗng, ông ta chợt nêu lý do, muốn được nhìn cảnh tuyết rơi muộn, trái mùa, bèn vội mở cửa, bước ra ngoài. Cơn mưa tuyết bất ngờ đổ nặng hột, bám dính đầy cửa kiếng, như hối hả muốn giúp che trắng, và phủ mờ tâm sự: một cuộc tình buồn, vương vấn ba mươi năm, giữa hai người trong câu chuyện. Mà, giờ đây, tưởng chừng như xa lạ! Cơn mưa tuyết trái mùa, tháng 4 thành phố Albuquerque, NM 2001 Băng - Sơn