Như những người Việt Nam khác, tôi vượt biển tìm tự do, tìm đất lành cho chim đậu. Như những người Việt Nam khác, tôi lo ăn, lo học, lo làm, cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ ở cái xứ không phải của mình. ... Nhưng khác những người Việt Nam khác, tôi xấu trai vô cùng! Và chuyện «xấu trai» trở thành quá đáng kể trong cuộc đời của tôi ở đây, nơi đất lành cho chim tôi đậu. Tôi biết ra cái xấu của mình không phải nhờ khi soi gương, việc đó rất không cần thiết, vì tóc tôi thì loe hoe vài sợi, lúc sinh cho tới khi lớn lên chỉ khác nhau là cái đầu tôi to ra, số lượng tóc vẫn như lúc mới đẻ, tôi có hỏi me tôi, bà cho biết sinh tôi ra như vậy, cho nên tôi khỏi chải đầu và cái gương trở thành vô ích. Tôi biết mình thuộc loại xấu từ lúc chơi với mấy đứa bạn trong xóm... - Mầy làm ông chủ. Thằng Bi chỉ vô Tám, bạn cùng xóm của tôi, nó quay qua con Nương: - Mầy làm bà chủ. Con Nương cười toe, bước tới bên Tám. - Tao làm tài xế, con Cơ làm y tá... là vợ tao - Còn tao? Tôi mau mắn hỏi Bi - Thì mầy làm thằng ở như mọi khi, đâu thay đổi gì! Khi chơi «tập trận» thì y như rằng tôi bị làm mọi Da Đỏ, hoặc quân phiến loạn, có nghĩa là tôi thuộc loại «kẻ thù», tụi nó tha hồ bắn, hoặc pháo kích... Và như vậy, suốt cái tuổi nhỏ của tôi, chỉ vì cái tướng xấu xí mà tôi thiệt thòi. Lớn lên một chút, tôi đi học, có thêm bạn và tôi biết mình xấu hơn. Trong lớp, mấy đứa con gái lúc nào cũng sai tôi, từ quét lớp dùm, thay bình mực dùm, làm vệ sinh sân trường dùm... giờ văn nghệ thì ông thầy chọn đứa đóng vai Trần Bình Trọng, đứa vai tướng hộ vệ, quấn khăn, đeo gươm, rồi vai tướng Tàu v.v... Riêng tôi, vì máu mê đóng kịch, năn nỉ mãi, thầy cho vai lính Tàu. - Mắt hí như vậy là giống rồi! Tội nghiệp cho cái xấu xí bẩm sinh của tôi, suốt vở kịch tôi im ỉm lon ton chạy ra, chạy vào, không nói được một câu. Nhân dịp bãi trường, me tôi có tới dự, về nhà, bà hỏi: - Sao con làm lính Tàu? -... Tại thầy nói con mắt hí, đóng hợp vai. - Vậy sao không xin làm vai Tướng? - Tại Tướng thì phải cao Me tôi cười: «Tại con không đẹp đẽ như người khác. Cố học đi con, con trai đâu có cần!» ... Nhưng khi lớn lên, tôi thấy cần... rất cần. Vào những năm Trung học, bạn bè Việt Nam cùng trường, đứa nào cũng có bồ, có đứa còn có hai, ba bồ... , tôi quen hết đám Việt Nam trong trường, nhưng tuyệt nhiên không có cô nào nhìn xuống tôi (tại tôi lùn, mà con gái thì hay nhìn lên). - Sáng nhớ tới sớm nghe Đắc? - Ừa! Mai cả đám đi cắm trại nhân lễ Độc Lập. Tới nơi, mấy cặp bồ bịch thì đeo dính, dựng lều chung, lấy nước chung, chuẩn bị đồ ăn chung, mấy anh chị mới gặp thì lượng lờø với nhau... - Anh Đắc! - Gì? - Sao đứng không vậy? - Chớ làm gì? - Thì tới đây! Ngọc, học sau tôi một lớp, gọi tôi. - Làm gì đây cô? Tôi hỏi. - Thì thấy anh đứng không, tới phụ tui chút. Với riêng tôi thì Ngọc thuộc cỡ có nhan sắc, đã vậy cái giọng miền Tây lúc nào cũng dẽo nhẹo, thấy thương lắm lắm! Tôi cứ tò vè hoài, nhưng Ngọc tỉnh bơ, chưa một lần hẹn hò. - Phụ gì? Tôi mau mắn. - Thì anh đốt dùm cái lò! Tôi đốt lò nướng. - Anh lấy thịt cá trong thùng lạnh ra dùm. Tôi lấy thịt cá... - Sẵn tay sắp lại cái bàn ăn, rồi anh nướng luôn. Tôi lừng khừng: - Còn Ngọc? - Em bị nhức đầu từ tối tới giờ, mệt quá! Anh ấy dùm «hơơớttt» đi, em tới gốc cây nghỉ chút xíu à. Tôi trúng chưởng... , tiếng «hơơớttt» dài thượt của Ngọc đốt bùng cái khí đàn ông trong người tôi, tôi lăng xăng làm hết mọi chuyện... Ngọc tới gốc cây, trải tấm mền nằm ngủ ngon lành. Tôi đốt lò, lấy thịt, lấy cá ra nướng, soạn rau, thức uống, sắp xếp lại cái bàn... , chén dĩa, muỗng, khăn giấy... chỉ thiếu cái cắt cỏ, làm vườn, xách nước, rửa chén, chùi xe, tôi nghiễm nhiên trở thành người ở. Trong lúc các bạn tôi du hí và Ngọc thì đưa cái mông tròn lẵng nằm ngủ phơi phới bên gốc cây. Cứ như vậy, lần nào vui chơi ngoài trời, hoặc trong nhà, tôi đều làm những việc có quan hệ tới bếp núc, bàn ăn, chén dĩa, thịt thà... Vì xấu trai, tôi tự chán mình, dành hết cuộc đời đang có cho chuyện học, trong lúc bè bạn tôi yêu đương bồ bịch, vui chơi suốt mùa... Nhưng trừ mùa thi! Mùa thi năm đó tôi đậu cao, ra trường, và phom phom trở thành ông nha sĩ. Tôi thực tập, phụ việc với một nha sĩ lớn tuổi khác. - Đắc! - Dạ anh! - Cậu dọn dẹp dùm cái bàn phía sau nhà dùm. - Dạ được! Tôi ra phòng sau dọn dẹp cái bàn đầy đồ nhắm, ly chén ngổn ngang. Ông nha sĩ già có chân trong hội, trong đảng gì đó cho nên mỗi sáng thứ bảy đều có bạn bè tụ tập, trước thì xì xào bàn chuyện, sau thì ăn nhậu tưng bừng cho đến chiều tối trong lúc tôi bận tíu tít với những cái răng đau của khách hàng ở phòng trên... Vì tiết kiệm, không thuê người dọn dẹp vào cuối tuần, cho nên trước khi cởi cái áo choàng trắng của nha sĩ máng vào tủ, ông ta thường gọi tôi dọn dẹp sạch sẽ căn phòng sau. Quả thật chuyện chén dĩa dọn dẹp cứ đeo đuổi tôi hoài. Nhưng ông ta lại là một nha sĩ tài năng và có tiếng, do đó chẳng bao lâu tôi trở thành một nha sĩ kinh nghiệm và mát tay. Lời me tôi vẫn văng vẳng: «Con trai mà con, xấu có sao». Tôi cần mẫn làm việc như một con kiến xấu xí... mà kiến tha lâu thì đầy tổ, không cần đẹp hay xấu. Tôi sắm sửa, tôi ăn xài đủ thứ trước những thèm thuồng của bạn bè. Lúc nào cũng xe mới, loại đắc tiền, nghỉ hè thì lòng vòng những nước Âu châu, mấy đảo rẻ tiền khu Nam Mỹ thì không bao giờ có tên trong danh sách, lâu lâu ghé Trung Quốc ăn mì ở Vạn Lý Trường Thành, mùa thu qua tận bên Nga nhậu trứng Cá Hồi với Vodka hảo hạng hoặc bay một vèo qua Tokyo nhấm nháp Sushi thưởng thức mùi vị Geisha… Nhưng đi đâu cũng một mình, vì cho dù tiền bạc rủng rỉnh như vậy, tôi vẫn chưa có nổi một cô gái làm bạn. - Ngọc hả? - Ừa! có gì không anh? - Thì tính mời Ngọc đi chơi. - Đâu vậy? - Đi ăn! - Thôi, em đang cử mà. - Thì nhảy đầm. - Mấy chỗ đó lộn xộn lắm, em hổng đi. - Đi shop? - Được, em cũng định xuống phố coi đồ mùa hè! năm phút ghé rước em. Tối đó, tôi ghé tiệm ăn tối một mình, Ngọc thì chắc đang ở nhà thử hết quần này áo nọ, chỉ «coi đồ mùa hè thôi» cũng hết vài ngàn... tôi không thấy tiếc vì chỉ Ngọc là có can đảm đi phố với tôi, mấy đứa khác thì lúc nào cũng: - Đi ăn không? - Thôi anh Đắc, gọi tiệm giao tận nhà đi. - Đi nhảy không? (Chuyện này thì tụi nó hoàn toàn không thích vì cái lùn tự nhiên của tôi). - Thôi, em bị phong thấp. - Đi shop không? - Thôi mua «on line» đi anh, chút nữa em Ẹmail cho anh cái list. Đi du lịch thì không bao giờ, cho dù đi từ đây tới một cái hồ trên núi chừng mấy tiếng đồng hồ, chung quanh hoàn toàn không có ai, đại khái thì: tôi cứ mang mọi thứ tới thì xong hết! Và tôi cũng thấy chán cho mình! Càng chán, tôi càng làm việc và càng có tiền, bởi vậy tôi tính tới chuyện mua nhà, không phải nhà thường mà là ngon, nhà đẹp, khu sang trọng... Ông mua bán nhà với nụ cười nghề nghiệp trên môi: - Westmount? - Tôi không hợp! (vì lở có chuyện gì, lên núi xuống núi tội cho cái thân lùn của tôi lắm). - TMR? - Khu đó già quá. - Lakeshore? -... ! - Hampstead? -... Được à! 3 tháng sau tôi bán cái nhà hai tầng ở Jean Talon dọn về căn nhà xây bằng đá, có sân cỏ bao quanh, nằm ngay trung tâm Hampstead. Tôi vui mừng với chính mình... xấu xí đâu có ăn thua gì con! Lời me tôi cứ như đâu đó bay nhảy khắp mấy căn phòng, chờn vờn trên thảm cỏ xanh ngoài kia. Đúng vậy, xấu trai thì sao? Có ngon lành như tui không... Hà, hà!... nhà cao cửa rộng, khu sang trọng... an địa của những người nổi tiếng giàu có ở thành phố Montreal này... Bữa tiệc tân gia diễn ra trong những hớn hở vui mừng của tôi và sự nể mặt của những người bạn, thì ra cái thằng bạn xấu trai này đã làm ra chuyện, trong những cái nhìn thán phục của bạn bè, tôi thấy mình như cao lên được vài phân. - Mừng ông. - Cám ơn. Tôi tiễn mọi người ra cửa. - Mừng anh Đắc. Ngọc đến bên tôi. - Cám ơn Ngọc, sao chuyện hôm trước anh bàn, em tính sao? - Công việc bận rộn quá... chưa nghĩ tới anh. - Lúc nào anh cũng sẵn sàng chờ em trả lời. Ngọc hôn nhẹ trên má tôi, lái xe ra khỏi cổng. Mùi son môi, mùi nước hoa, mùi thơm con gái của Ngọc trở thành điều mất ngủ của tôi từ hôm đó... Đúng rồi, phải có bồ, phải có vợ. Mình còn đợi gì nữa, công việc, tiền bạc, xe cộ nhà cửa sang trọng đã nằm trong tay... đợi gì? Có tiền mua tiên cũng được mà... Tôi thường nghe người ta nói: Tiền sinh tướng, nên bây giờ tôi soi kính thường xuyên, không phải để chải đầu, mà để tìm ra những thay đổi nào đó sở dĩ có thể làm khá hơn trong cái nhan sắc không mấy bình thường của tôi. ... Nhưng... vẫn không có gì thay đổi trên tôi, và bằng chứng hùng hồn trong việc tất cả những gì tôi có, tất cả những gì tôi hy vọng cho tôi đều đã «không ảnh hưởng gì»... là chuyện em Ngọc. - Anh Đắc hả? khỏe không? - Khỏe! Em sao, chiều nay đi shop không? - Ừa đi, em cũng tính gặp anh, 5 giờ hén. Như mọi lần , 5 giờ shop tới 7 giờ, về nhà gọi đồ ăn, ăn xong tôi ngồi nhìn Ngọc vui chơi với chồng CD. 10 giờ Ngọc về, tôi đi ngủ với cơn khó chịu trong cái thân thể đàn ông sung sức của mình. - Bữa nay mình đi ăn đi anh. Tôi giựt mình. ... Chà! có thay đổi à nhen. - Thì đi, ở đâu? Tôi run run hỏi Ngọc. - Tiệm Tây. - Sao không tới nhà hàng Việt Nam? Ngọc làm thinh, tôi chợt hiểu phần nào cái im lặng của nàng. - Thì tiệm Tây. Buổi ăn tối đầy ứ ,tôi cố nuốt cho hết dĩa súp nhỏ. - Anh Đắc, em rất cám ơn những tình cảm anh đã dành cho em bấy lâu nay. - Có gì đâu. - Nhưng em muốn cho anh hay chuyện quan trọng... - Gì em? - Em lấy chồng! Tôi buồn, nhưng không ngạc nhiên gì vì đã nghe phong phanh. - Anh đừng giận em. - Anh không giận. Tôi đưa Ngọc về. - Cám ơn anh, tụi mình vẫn là bạn. Tôi cười khi thấy Ngọc nhí nhảnh vô nhà với mấy xách đồ vừa mua hồi chiều. Mùa hè tới, tôi không còn trò dạo phố mua đồ nữa, vốn tiết kiệm, tôi tự mình làm hết những việc quanh nhà, cuối tuần nào cũng vậy, sau khi chùi rửa bóng loáng chiếc Jaguard là tôi lấy máy cắt cỏ, hoặc xén lại hàng cây chung quanh hàng rào, coi vậy cũng quên phần nào chuyện em Ngọc lấy chồng và tôi vẫn hy vọng mạnh mẽ vào chuyện thay đổi tướng tá của mình... nhà cao cửa rộng như vầy không lẽ tệ vậy sao! Đang cắt mấy nhánh cây nhỏ bên rào thì tôi nghe có giọng con gái: - Hi! chào anh. Tôi nhìn chung quanh, à thì ra cô ta bên kia hàng rào. - Chào cô! Cô ta có vẻ mặt Á Châu, coi còn trẻ, đang vun mấy đống lá cây trên sân cỏ. - Anh khỏe không, coi bộ công việc nặng nhọc hả? Tôi cười. - Thì từ từ cũng quen. Cô ta bước tới gần rào hơn, tôi có dịp nhìn thấy rõ hơn đôi mắt đen có đôi mày rậm. - Tôi thấy anh làm đủ chuyện mà... rửa xe, cắt cỏ, tỉa cây... mình anh làm hết. - Thì việc mình, mình làm mà. - Thấy anh nhỏ con mà có sức quá há. Tôi hơi nhón chân lên cho cao được chút, bên kia cô gái cười có vẻ thân tình hơn. - Trước ở đâu? - Dưới Jean Talon, mới về đây chừng 6 tháng. - Uống bia không? tôi có sẵn đây. Cô gái đến bên chiếc bàn gần đó mang lại hai lon bia. - Uống cho đỡ mệt, làm hoài cũng vậy à. Cô ta khui lon bia, làm một hơi, tôi thì nhấm nháp nhìn cô gái có duyên này. - Anh biết không, tôi vừa giặt ủi đồ, dọn dẹp nhà cửa, lâu lâu còn phải cắt cỏ quét vườn... Mệt muốn chết. Uống đi anh, còn nhiều bia lắm, hôm qua đãi tiệc mà! Lúc nào tiệc là muốn chết luôn, đã vậy còn phải coi thằng nhỏ 6 tuổi. Cô ta thò lon bia qua hàng rào. - Cụng anh, vô hết há. - Chúc mừng cô. Cô ta ngửa cổ làm một hơi, tôi cũng vậy. - Anh biết không! lúc đầu đâu có, tôi chỉ làm chút ít việc nhà thôi, càng lúc càng đẩy hết cho mình, không ai tốt với mình đâu anh ơi. Tôi làm thêm ngụm bia nghe cô ta kể lể. - Nhiều lúc buồn lắm, nhưng đành chịu, nhiều đứa khác hên lắm. Cô gái có vẻ rầu rầu. - Rồi cái gì cũng qua, cũng xong mà, sao đâu. Tôi nói cầu âu. - Đã vậy cứ bị chả rờ bóp hoài hà... mà keo nữa, có cho thêm cắt nào đâu. Anh đàn ông cũng đỡ. Tôi hoàn toàn chưa hiểu gì. - Còn anh thì sao?. - Thì vậy vậy. -... Cũng hợp đồng hai năm hả? -... Hợp... hơơơợp đồng gì? - Thì ký hợp đồng lúc nhận việc đó! -... ? - Nhưng làm nhiều như anh vậy lương khá không? -... ? - Ông chủ đối xử tử tế không? -... ? - Bên Phi Luật Tân anh còn gia đình không? Tôi lùng bùng lổ tai, đầu hoa lên, lùi xa hàng rào, ném mạnh lon bia xuống cỏ, ù té chạy vô nhà... ... Trời đất ơi, con nhỏ tưởng tôi là dân Phi Luật Tân, chuyên môn qua đây ở đợ, tôi tức muốn ói máu. ... Mẹ! mầy biết không, tao là Việt Nam, là ông nha sĩ đàng hoàng, đâu phải dân ở đợ chuyên môn như tụi mầy. Tao là chủ nhà này... tao là... tao là... Tôi đi tới đi lui trong phòng tức muốn điên lên... ... Tao là chủ của chiếc xe kia, là chủ của nhà này. Làm sao mà tao là thằng ở được... đồ không có mắt. Tôi đi ngang qua chiếc kính treo bên tường. Tôi bổng ngừng lại, len lén nhìn tôi trong kính... Nắng mùa hè đã làm cho tôi đen sậm lại, da dẻ mông mốc không khác gì Phi Luật Tân, đã vậy khu Hampstead lại là nơi tụi nó thường xuyên hành nghề ở đợ... hơn nữa... tôi quay người lại, nhìn thẳng vô tôi, vô cái tướng xấu xí của tôi... Té ra vẫn không có gì thay đổi được... Tôi vẫn như tôi: là thằng ở, là tên lính Tàu... là phe địch... ... Có thể là con nhỏ không phải là không có mắt. Hồ Đắc Vũ Montréal