Cũng là tù, cũng cùng chung một cảnh ngộ, nhưng do cái tập quán ở ngoài nên vào tù, mỗi người hay mỗi bọn đều có tánh chất khác nhau.

Một anh nông dân thiệt thà, vì ghen tuông lấy dao chặt khúc tình nhơn của vợ mà mang án chung thân, thì vô tù, thế nào anh cũng hết sức làm lụng, tiện tặn, ngay thẳng. Anh là tù án.

Anh khác vô nghiệp nghệ, thả rểu theo phố, móc túi, ăn cắp xe máy, ăn trộm, góp chóp một mình năm bảy án, đến lần chót tòa kêu lưu, thì mặt mày anh cũng láo liếng, gian xảo trông anh em bạn tù để hở quần áo, tiền bạc thì chớp, ban đêm không đèn, đến mồi thuốc hút, rồi giựt luôn thuốc đi mất.

Anh là tù lưu. Xã hội nó không nhận anh, sa thải anh vào hạng cặn bã nên để chỗ riêng cho anh ở.

Rồi đến tù chánh trị.

Ngó mặt một anh tù, có thể đoán mười lần không trật một rằng anh là tù lưu, tù án hay là chánh trị.

Nhơn nói chuyện tù chánh trị với Quản đốc ở Đảo, ông W... , một gácdan, nói câu ngộ nghĩnh:

- Chúng nó là tù chánh trị. Ở ngoài, chúng nó đã có tổ chức thì vô tù, không làm thế nào mà phá cái tổ chức vô hình của chúng nó được. Qúy hồ chúng nó không phá rối trị an ở đảo thì thôi...

Mà tôi thấy chúng nó nói chuyện thế giới, ở đâu, chớ không nói đến chuyện ở đây. Còn chúng nó góp tiền để mua thuốc phòng khi ốm đau, nuôi nấng cho nhau, cái đó không sao ngăn cản được...

Phải! Tù chánh trị đối với nhau có một tình bầu bạn chặt chịa, mà tình ấy chỉ ở tù mới có thấy.

ở một trường hợp khốc liệt, cái sướng, cái cực nó vô hạn, thì họ phải làm thế nào chia sớt nhau những sướng cực ấy. Hơn nữa, họ cần phải duy trì cái sống cho nhau, chia nhau những khổ dịch mà tìm cái lạc lợi.

Trần truồng lội xuống biển lúc đêm khuya, để lấy đá san hô, giữa mùa gió đi dùng, họ để lại trên xà lan những anh đau yếu. Người nào gần mãn án, sắp được về quê thì khỏi làm những chuyện nguy hiểm - như đứng nhún đòn. - có mấy anh chung thân họ đảm đương bảo lãnh.

Xe đá xuống dốc núi, thì họ lựa những anh mạnh dạn, lanh lẹ cầm cỗ xe, khỏi bị cần xe đập vô hông, té xuống, xe cán chết.

Mấy đều ấy gácdan, thầy Chú khỏi mệt nhọc coi chừng! Công việc chẳng những được mau rồi, mà nhờ sự tổ chức, không có gì lộn xộn.

Đau yếu, có thầy thuốc ra toa theo lối thuốc nam, rễ cây, lá cỏ, có người sắc thuốc, đánh gió, thay phiên thức canh bịnh như bà mẹ Ở nhà.

Nước, không khí nặng nề, bịnh rét, bịnh lao dằn vặt liên miên, không hiệp nhau mà tự vệ cuộc sinh tồn cho nhau, ắt chẳng thế nào mà sống được.

Tù án có người theo tù chánh trị; họ đối với nhau, những người cùng chung một vụ, có cảm tình nhau đặc biệt. Tù lưu không được vậy. Với họ, mạnh ai nấy lo nịnh hót, lo kiếm chác riêng. Họ bị nhốt trong một cái "banh" tồi túng, hôi thúi, ở sở Bông Hường, họ bực mình, ghét ai, đập nhau chết lu bù.

Qua mùa mưa, phần thì họ Ở dơ, phần thì ai đau nấy chịu, tù lưu cũng chết nhiều hơn hết thảy.

Tù lâu năm, thạo công việc, khôn ngoan, trung thành thì được làm cặp rằng. Quần áo xanh mà sạch sẽ, cầm cây, roi, tay đeo lon, tù cặp rằng ở đâu bộ tịch cũng vác hất, thích chí mà được những quyền hành họ ao ước. Quyền hành ấy họ lạm dụng thả cửa: Đánh anh em bạn, ăn hối lộ, bắt làm trối chết, cho họ được ban khen.

Tù áo trắng sung sướng. Làm thơ ký, làm bồi, họ khỏi dầm mưa, dãi nắng, khỏi công việc nhọc.

Hễ có tiền, có học, "xạo" giỏi thì bao giờ cũng lướt qua kẻ ngu si, tránh được nỗi bi khổ nó trút vô đầu kẻ ấy.

Đoàn kết là cái bản năng của tù.

áo xanh, áo trắng, phần tù đỏ, không tên họ, mất giá phẩm người, chỉ còn một số đính bài như con vật, họ không khéo, họ phải nghĩ cái giấc ngủ ngàn thu ở Hàng Keo, như vô số anh em trước của họ.

Người chung một vụ, ra Đảo, thế nào trong ấy cũng có anh thầy dùi, mưu sĩ nhiều, ăn nói giỏi mà chung đó em út theo phục tùng, hầu hạ. Anh ấy chết, em út có được địa vị cao, làm cặp rằng, nuôi gà vịt, có tiền bạc, thì cái mộ của anh chị ấy được sùng tu tử tế, có đá tấn chung quanh, đôi khi có trồng bông bên cạnh. Đến ngày kỷ niệm, em út, bấy giờ đã già còm, cũng lui cui đem nhang đèn lên Hàng Keo tế lễ.

Nhưng, nghĩa kim bằng, tình bầu bạn theo truyện Tàu, bây giờ phai lạt nhiều.

Cái đời mả cạo, khó sống, nó đánh tan nghĩa đào viên kết cấu cao thượng, anh võ của một thời kỳ đã qua, chỉ còn một ít di tích nơi Côn Đảo.

Hồi tưởng lại lúc mới ra Đảo, tôi bị nước độc, hai mắt lờ mờ, đêm không thấy đường mà phải bị xuống biển lấy đá san hô, nhờ anh em dìu dắt, tôi chẳng làm sao không cảm động.

Trên thì thầy Chú chưởi rán, lấy sào quơ chung quanh "xà lan" mà đuổi những anh tù núp lánh, còn dưới chơn đầy những "lôm chôm" đá bén, cắt thịt, đi trên ấy như đi trên chông, tình cảnh này mà mắt không trông thấy, thật là tuyệt hiểm.

Tôi, lỏa thân như sâu rọm, gió biển lạnh thấu xương, tay xách "ki", vai mang "cúp", lần mò, lập cập rung en như gà xuống nước. Rồi anh em dắt tay, để ngồi một chỗ, người đưa thuốc hút, kẻ lấy đá giùm, chừng thầy chủ điểm lại, tôi vẫn cũng có bốn chục cục đá bằng cái nón lá, như ai không thiếu.

Những khi kéo cây suốt ngày trên núi, đẩy xe xuống dốc An Hải, và lúc tôi đau gần chết, ngắt ngủi, hấp hối, liệt chiếu liệt giường ở nhà thương, nếu không có anh em bao bọc, đỡ vớt, nuôi nấng, thì ngày nay tôi đã ở nơi nghĩa địa tù như anh Chiến, anh Xuân, anh Cưng và nhiều anh khác nữa, đã được sớm mất sợi dây xiềng, vùi chôn thân thể dưới bóng mấy cành keo, lặng lẽ giấc thiên thu trên bãi cát vàng rì rào gió đưa sóng bủa.

Lôm chôm (oursin): San hô có gai (chú thích của tác giả).

1938

Rút từ tập Tình trong tù,

Đông Phương thư xã,

Mỹ Tho năm 1938.

Hết