* Lời Người Dịch *
Có một hôm lâu lắm rồi, Lộc, (em chùa của tôi), chở tôi đến gặp thầy Thích Chân Thường, hay phải nói cho đúng hơn là cố hòa thượng Thích Chân Thường, lúc ấy đang trụ trì chùa Quán Âm ở ngoại ô Paris, kinh đô nước Pháp. Thầy cầm trong tay bản thảo của quyển Phổ Đà Sơn Dị Truyện, và cho biết rằng từ lâu, thầy muốn in cuốn sách này để giúp Phật tử có thêm tín tâm khi họ đọc qua những câu chuyện thần kỳ, những giai thoại hiển linh của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng thầy chưa tìm ra người để lo cho thầy việc đó, thế là hai chị em chúng tôi lo việc đánh máy và trình bày. Trong suốt thời gian chúng tôi làm việc, thầy cứ trông đợi từng trang để chăm chút sửa từng chữ theo ý của thầy một cách cẩn thận, chu đáo. Đồng thời thầy cưng chìu chúng tôi hết mực, nào gọi tới chùa ăn cơm mỗi khi có dịp cúng kiến lớn, nào gởi quà bánh và gọi điện thoại tới nhà để khích lệ. Cảm dộng biết mấy khi nhớ lại căn gác xép nơi thầy để máy điện tử của chùa, lúc thầy cho mang lên từng ly cà phê cho "mấy đứa đang làm việc". Theo ý thầy, cuốn sách này ra đời sẽ có ích lợi lớn cho Phật tử và đó sẽ là hành trang phúc đức rất lớn cho những ai đã góp công trong việc ấn tống. Hai chị em thường thắc mắc, ăn thì nhiều mà làm thì có ra thể thống gì không đây ?Cụ đã sửa chữa, duyệt đi duyệt lại cuốn sách nhiều lần trước khi tuyên bố là hài lòng và quyên tiền ấn tống, nhưng trước khi cuốn sách thành hình, cụ đã theo ngài Quán Âm về Cực Lạc thế giới.Từ khi cuốn sách ấy ra đời, chúng tôi được biết là nhiều chùa đã ấn tống lại khá nhiều lần mà người xin thỉnh vẫn không ngớt tăng lên. Lộc bàn với tôi "Theo Lộc thấy, mình không có nhiều chuyện cổ Phật giáo cho bà con Phật tử mình đọc. Hôm nọ xuống chùa Pháp Vương thăm thầy Thắng ở Noyan (miền trung nước Pháp) , Lộc thấy thầy có cuốn Phật giáo cố sự đại toàn, thầy lấy ra dịch cho Lộc nghe một, hai chuyện, nghe xong Lộc cứ ngẩn ngơ và thèm rõ rãi ! Hay là chị mượn sách của thầy dịch vài chuyện sang tiếng VN rồi mình in cho những ai muốn đọc ? Theo Lộc nghĩ, chỉ cần có một người nào đó đọc chuyện Phật giáo rồi tìm ra một ý nghĩa, một con đường đi mới để thay đổi cuộc đời của họ, thì chuyện dịch sách của mình đã có lợi ích lớn".Qúy thầy giỏi Hán văn không phải là ít, nhưng quý thầy thường không có thì giờ để đọc và dịch... chuyện cổ tích. Thế là tôi bắt tay vào việc, tuy hơi sợ là vốn hán văn của mình còn rất nhỏ nhoi và khiêm nhường. Nhưng nếu chờ cho tới khi mình giỏi thì biết đến bao giờ ? Thế là "đánh liều nhắm mắt đưa chân", và cầu nguyện chư Phật, chư Đại Bồ Tát gia trì cho mình, đặc biệt là Ngài Văn Thù, xin Ngài cho tôi trí huệ để làm việc này, cũng như hy vọng nếu có sơ xuất nào, các vị tôn túc sẽ tha lỗi cho, và các vị bồ đề bằng hữu sẽ sửa chữa chọ Chúng tôi thành thật tin tưởng rằng, một câu chuyện cổ tích đơn sơ, dễ hiểu cũng có thể truyền trao một thông điệp cho những ai đọc được đúng thời, đúng lúc. Riêng phần tôi đã có lợi lạc lớn : từ khi dịch những mẫu chuyện này, tôi đã thấy có những thay đổi trong đời sống của mình, thí dụ như tôi thận trọng hơn trong việc tạo nhân chiêu quả, tôi tin chắc vào phúc báo của việc bố thí cúng dường, và quan trọng nhất là tôi thấy gần gũi đức Thích Ca Mâu Ni Phật một cách lạ thường. Ngài không còn là một bức tượng trang nghiêm được đặt cao trên bàn thờ, mà là một vị cha lành rất thật, rất mực thương yêu từng chúng sinh một như con ruột, trong đó có tôi nữa. Và trong tôi khởi lên niềm ao ước được gặp Ngài, được gặp Phật, để sống chung một thời đại với Ngài, để được Ngài cứu độ. Nhờ những câu chuyện cổ ngắn ngủi này, tôi biết rất rõ phải làm cách nào để có thể gặp Phật trong những kiếp tới... Nay nhóm Phật tử Đạo Tâm có ý định muốn ấn tống, chúng tôi hoan hỉ không bút nào kể xiết, và vô cùng tán thán công đức của các anh chị em trong nhóm. Chúng tôi xin hồi hướng công đức có được cho giác linh thầy Chân Thường và cho tất cả chúng sinh, hy vọng Pháp Âm của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sẽ lan truyền càng ngày càng rộng, vì nơi nào có Pháp Âm của Ngài là nơi ấy có ánh sáng, có từ bi, trí huệ, để xóa bỏ bóng tối của vô minh, cuồng loạn. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.Diệu Hạnh Giao Trinh