Chương 1

Trong phòng xem sách tại khách sạn Angkor-les-Ruines, đèn điện thắp sáng choang, những cánh quạt trần tung ra cái không khí mát mẻ, những cậu bồi mẫn cán quần áo sạch sẽ, cử chỉ lễ phép, đã khiến cho khách du quan đến trọ Ở đây không phải phiền lòng về sự bỏ nhà ra thất nghiệp, được thảnh thơi mà xem xét những di tích lâu đài thành quách rải rác khắp chung quanh. Khách sạn này trước kia chỉ có mấy cái nhà gạch đơn sơ nhưng từ khi Chính phủ đặt ra phòng du lịch, nhờ về sự quảng cáo đắc lực mà khách phong lưu giầu có năm châu đến đây vãn cảnh một ngày một đông: khách sạn đã phải mở rộng ra: phòng ngủ, phòng ăn, phòng xem sách, phòng tiếp khách hàng ngang dãy dọc san sát qui mô rất to tát xếp đặt rất tối tân.

Hồi ấy về tháng sáu đang là vụ mưa nên khách du quan đến đây rất ít, có chăng chỉ một vài viên chức Nhà nước nghỉ phép, một vài nhà đại phu hiếu kỳ cũng đâm lo thủy quan, thừa lúc tầu đỗ bến Sài Gòn tiện thể lên thăm cổ tích mà thôi.

Trong phòng xem sách khách sạn, tối hôm ấy, chỉ có hơn một chục người vừa Pháp, vừa Nam. Ở góc phòng bên trái, một thiếu nữ đang ngồi dựa lưng vào cái ghế xích đu nói chuyện với người hướng đạo (guide). Nàng trạc độ hai ba hai tư tuổi, ăn mặc rất lịch sự, quần cẩm châu trắng, áo cẩm quít màu da giời. Đôi bông tai, chiếc vòng ngọc và mấy sợi dây chuyền nạm kim cương phản chiếu ánh sáng đèn điện nẩy ra những tia sáng lóe mắt làm cho con người ngồi đó đã xinh lại càng thêm xinh. Một mái tóc cánh phượng đen nháy, một bộ mặt trái xoan nõn nà, một khổ người óng ả, điểm thêm nụ cười tươi tỉnh: đó là cái biểu hiệu cho vẻ đẹp của đàn bà xứ Nam. Nàng chẳng những kiều mị lạ thường, lại nói năng rất hoạt bát, cử chỉ rất lịch thiệp chẳng có vẻ rụt rè, e lệ của người xứ Bắc. Nhưng đừng thấy thế mà đã vội bảo nàng có vẻ lả lơi tầm thường đâu. Không, nàng có vẻ trang nghiêm, sắc sảo khiến ta trông thấy phải đem lòng kính nể.

Tờ báo La Tribune indigène ở trên tay ngọc ngà kia đủ tỏ cho ta biết rằng nàng chẳng phải là người vô học, mà trông cách phục sức, cách đi đứng ta có thể đoán được rằng nàng không phải là kẻ mới ra đời vậy.

Nàng chính tên là Bella Như Nhang, nhưng đám phong lưu công tử đất Sài Gòn lại đặt cho cái huy hiệu "Cô ba Cần Thơ" vì nàng chính quê ở Cần Thơ và lại là con thứ hai. Ai có qua con đường Legrand de la Liraye ở Sài Gòn, mà chẳng phải dừng chân lại, nhìn tòa nhà ba từng nguy nga ở đầu phố. Trong bảy năm giời lăn lộn với đời, nàng đã dùng cái sóng khuynh thành kia đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp để lấy tiền tậu ngôi nhà lộng lẫy ấy.

Trong cái đội tình nhân của nàng (nói cho đúng những người mê nàng) quan sang có, điền chủ có, hiệu chủ có, nàng chẳng hề yêu ai, mà thứ nhất đối với những hạng công tử xác thì dẫu xinh xắn như Phan An, tài tình như Tương Như, nàng cũng chẳng thèm để mắt đến bao giờ. Nàng chỉ coi bọn phú quý kia như những cái máy đúc tiền cho nàng, mà hạng công tử xác kia, nàng chỉ coi như những vật vô dụng vậy thôi. Một cuộc thí nghiệm rất đau đớn về tình ái xưa kia đã làm cho thui cái mầm tình ái nó sắp nẩy nở ở trong lòng nàng. Nàng bước chân vào cõi phong tình đã bảy năm giời nay mà tự thân mình chẳng hề vướng víu, nhưng khách tài hoa đã vướng víu vì nàng chẳng phải là ít. Nàng đã làm nghiêng ngửa bao nhiêu cơ đồ, tan nát bao nhiêu gia đình!!!

Một vài thí dụ trong nghìn việc đã xẩy ra đủ khiến cho ta biết nàng là hạng người thế nào.

ông điền chủ họ Nguyễn ở Bặc Liêu là một trang thiếu niên rất lanh lợi đã đem một tấm tình si yêu nàng. Ông bỏ vợ dại, con thơ, bán hết điền sản lên ở Sài Gòn cho được gần gũi nàng. Không đầy một năm giời, cái gia tư mấy chục vạn kia đã thành ra luồng khói: tiêu tan trong cuộc đổ bác, cuộc vui chơi cả. Lúc biết ông đã hết tiền, nàng liền cự tuyệt ngaỵ Ông bèn năn nỉ mà rằng: quá vì yêu em mà ra cái thân thế dường này, nếu em dứt tình cùng qua thì thà rằng qua chết trước mặt em, chứ qua không đành lòng mà xa em đâu. Ông vừa nói, vừa rút súng ra. Nàng thấy thế cứ điềm tĩnh mà bỏ đi. Hai phát súng lục đinh tai cũng không làm cho nàng quay đầu lại.

Dư luận ở Sài Gòn đã một phen sôi nổi. Tuy pháp luật có can thiệp vào nhưng vì chẳng đã chứng cớ nên không kết án nàng được. Từ đấy người ta đặt cho nàng cái biệt hiệu "Con cọp cái". Tuy biết chắc là "Con cọp cái" nó ăn thịt người đấy mà bọn phong lưu tài tử cũng vẫn tranh nhau lăn mình vào.

Lại một lần nàng nhận được một bức thư:

Sài Gòn, ngày...

Cô Ba,

Tôi là học trò kiết mà lại muốn ăn ngon, muốn gái đẹp, muốn có tiền tiêu, nhưng tự xét mình chẳng có một cái tài năng gì để làm cho thỏa được những điều sở nguyện, vậy xin mong ở tấm lòng nghĩa hiệp của cô.

Phạm Bích Ng...

Nàng xem xong, viết giấy hẹn ngày, mời lại chơi nhà,

Đúng hẹn, anh chàng vác cái "mặt dày" lại. Sau một bữa tiệc đủ cả rượu ngon, vật lạ, nàng giữ "cu cậu" ngủ lại một đêm. Sáng dậy nàng cho một tấm giấy phiếu ngân hàng mà bảo rằng:

- Từ nay thày đừng có trở lại đây nữa nhé.

Nàng lại cho gọi hết gia nhân đầy tớ đến mà dặn rằng:

- Hễ từ nay chúng bay thấy người này lại, cứ việc đuổi cổ ra, không cần phải hỏi han gì. Phải nhớ lấy nghe không... ?

Cái bản lĩnh nàng đã như thế thì bọn nam tử trong con mắt nàng chẳng qua là những "bồ nhìn" mà thôi. Mà ngày nay nàng đã trở nên giàu có, chẳng cần phải lợi dụng bọn si tình nữa, thì cái giá trị của bọn đàn ông đối với nàng, ta chẳng cần phải nói cũng đủ biết là thế nào rồi vậy.

Ngày nay, nàng lại xem chùa Đế Thiên Đế Thích, trong khi nàng biết chắc rằng đương vụ mưa này, ít kẻ đến, cũng là muốn tìm lấy cái thú tịch mịch, để được thư lòng xem xét những dấu vết của một nền văn minh rực rỡ mà nay đã mai một đi, mà có lẽ vì nàng đã chán cảnh ngựa xe huyên náo đất Sài Gòn rồi.

Trong khi nàng đang ngồi nói chuyện với người hướng đạo, thì cái sắc đẹp của nàng đã làm cho bao nhiêu người Pháp ngồi đấy phải ước vọng, mắt nhìn chầm chập mà bàn ra nói vào. Nếu ta để tai nghe thì thấy tiếng xì xào:

- Morceau de roi (Đồ ngự của vua) - Extra chie (Lịch sự quá) Trop sérieuse (Đứng đắn quá) - Ce n'est pas à vendre, c'est dommage (Thế mà không đem bán, tiếc nhỉ?)