Con Nhẫn thi hỏng. Cả nhà chưa ai nói gì. Bà mẹ thì không biết đâu mà nói, ông cha lờ phờ không chú ý, và có vẻ muốn để cho Xuyên ngỏ lời, hoặc "hỏi tội", hoặc vỗ về con bé, tùy lòng chàng.Nhưng Xuyên lặng thinh, như cây đa ngủ nằng nặng dưới nắng rát của trưa hè. Chàng không nói, nhưng mà chàng kín đáo mở mắt để quan sát con bé, quan sát cái phản lực của con bé trước kỳ thi trượt. Chàng tin chắc rằng sẽ gặp được những tình cảm mạnh, xấu hoặc tốt chưa biết, nhưng nhất định là chàng sẽ phải dự vào với tất cả nhiệt độ của lòng chàng.Con Nhẫn mấy buổi có ý lẩn tránh mọi người. Phần nhiều, nó cúi mặt xuống, môi hơi hé mở, cố làm như tự nhiên, bình thường. Nhưng rõ ràng má nó phịu, vồng tròn tròn beo béo gần như quai bị: ấy là cặp má của những giờ bất mãn. Lại thêm mặt nó cúi xuống chỉ là nơi ẩn náu kín đáo cho hai con mắt mau như chớp giật dưới mi, trong một giây liếc như gươm đưa, là đủ hiểu được cảm tình của đối phương trước việc nó thi hỏng. Con Nhẫn ít nói lắm; ai hỏi gì, nó trả lời nhát gừng.Bà mẹ nông nổi tưởng là nó buồn. Một bữa, bà nói to lên cho cả nhà nghe:- Học tài thi phận ấy mà!...Xuyên cáu vô cùng. Cáu nhất là lối dùng phương ngôn để diễn tả một ý sai lầm của mình, gán cho nó một giá trị độc đoán, một giá trị triệt để, y như là con chiên thần phục các lời Kinh thánh. Thần phục như là điều nghiệp dĩ, như là một luật lệ không lay động, không xê dịch, không nghi ngờ và thay đổi được. Đã lâu nay, Xuyên thỉnh thoảng nghĩ tới ít nhiều câu phương ngôn, và nhận thấy nó chỉ nói một chiều, phần đúng rất ít, mà phần sai lầm, nguy hiểm, phản động thì nhiều không tính nổi, nhiều không đong nổi!Nhất là trong việc con Nhẫn hỏng thi. Xuyên đã hỏi nó bài vở làm như thế nào. ám tả năm lỗi; luận và tính, theo sức nó, thì Xuyên biết là cũng chẳng tốt đẹp chi hơn. Bà mẹ không hiểu những điều ấy; bà phải sống từ nhỏ đến lớn một cuộc đời vô văn tự, thì làm sao bà hiểu được. Như thế. Bài vở con bé như thế đó... thì nó hỏng thi là một chuyện dĩ nhiên, chẳng có số phận nào chui vào chỗ ấy; nó hỏng thi chỉ là vì nó dốt, nó kém, là con chim nhỏ yếu chưa đủ lông cánh để mà bay cao, bay xa. Xuyên chẳng đem việc con Nhẫn, mà so sánh với nhiều chuyện hỏng thi vì các lý do khác, có thể làm cho người ta nhận lầm là do số phận, chính ra có những căn nguyên sâu xa, hợp lý mà những người cận thị không nhìn thấy.Xuyên cáu vì câu phê bình ngu muội của bà mẹ. Xuyên hiểu sâu xa rằng nói xong câu ấy, bà mẹ thấy yên tâm làm sao! Dễ chịu làm sao! Yên chí và bình thản như ăn xong một bữa cơm ngon. Chàng nhận như đã bao nhiêu lần, tất cả kết quả tai hại, kết quả sài mòn của mấy nghìn năm nhồi sọ. Văn hóa và lý thuyết của ngàn xưa, một phần rất lớn, đã làm cho nhiều người trụy lạc tinh thần, trụy thai tư tưởng, khuất phục như tượng con voi quỳ trước ngôi đền.Xuyên nghe bà mẹ nói, mà máu tràn lên nóng rực cả người, chẳng khác gì trong một cuộc đấu tranh sinh tử. Nhưng chàng gắng tự chủ lòng mình.Xuyên không muốn bước ra ngoài nẻo đi hôm nay, ngoài mục đích chính của trường hợp hiện tại. Điều mà chàng quan sát, giờ đây, không phải là bà mẹ, không phải là cái phần tai hại và độc địa của lý thuyết từ ngàn xưa truyền lại. Chỉ là con Nhẫn, và tính tình nó, nhận thức của nó, mà Xuyên muốn nắm chắc ở trong tay.Vả lại... Xuyên cười, nghĩ chẳng có lẽ chàng phun vào mặt bà mẹ cả một ngọn thác căm hận, khinh bỉ, tức tối hay sao. Bà là người mà chàng thương, chàng yêu, chàng đau đớn vì nhận thấy cả đời bà đau đớn. Bà có nói dại dột và nhảm nhí. Nhưng đó không phải lỗi của bà, không phải ý của bà, đó là nhân ngôn của đời trước xa xăm và lầy lụa tiêm vào tim óc của bà.Xuyên lắc đầu cho bùn cát tình cảm ấy rơi xuống hết, bình tĩnh mà ngắm kỹ con Nhẫn.Mấy bữa đầu, nó như thế đó, nó cúi đầu xuống, nhìn trộm mọi người và xa lánh mọi người, Xuyên nghe xào xạc bàn rằng: chị Nhẫn buồn... Chị ấy hỏng thi, chị ấy buồn... Xuyên bĩu môi, thầm nhủ những lời mai mỉa:- Buồn! Trời ơi, họ làm như con bé cường lực và say sống kia, lại có thể buồn vì một điều mà nó không coi là quan trọng. Với nó, thi đã có phải là cơm, là áo, là mầu mỡ chi đâu! Buồn! Mỉa mai chưa, trời đất ôi! Họ làm như con bé là viên chánh tổng mẫn cán hụt mất chiếc kim khánh...Xuyên căng con mắt, kín đáo quan sát con bé, biết là tâm linh nó có những làn sóng khác hẳn dự đoán của mọi người.Mấy ngày đầu, nó cúi xuống, nhìn trộm mọi người và xa lánh mọi người. Mấy bữa sau, không thấy sức tấn công nào hết, tưởng chiến thuật đỡ đòn của mình đã công hiệu, con bé chui ra ngoài vỏ ốc, và đã chịu cọ xát với mọi người, mắt ngẩng lên đôi chút, và đã chuyện trò nho nhỏ, gần nhiều.Xuyên thầm nhủ lúc này đã gần nói chuyện với em được rồi. Không, chàng sẽ không đánh đập nó, như có người đã làm. Phải, hễ con em họ, hoặc thi hỏng, ăn hỏng, học hỏng, nịnh hỏng, không được như lòng sở cầu của họ, lập tức họ nọc ra đánh như mưa, như bão. Đánh mà không một lời giải thích, đánh tới vãi máu, trặc tay, phát sốt rét. Không, nhất định Xuyên chẳng theo phương pháp lầm lạc, điên đầu ấy. Xuyên sẽ nghiêm nghị mắng con bé sao quá dốt nát, quá lười lĩnh không chịu suy nghĩ để ám tả bị những năm lỗi, và luận với tính chẳng có điều chi đặc sắc. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều chính; đó chỉ là một dịp để chàng thôi thúc con bé phải tận tâm học, cũng như nó đã tận tâm chơi; phải đặt linh hồn vào công việc nó làm, phải coi đời không phải như một trò đùa ơ hờ và hời hợt, mà chính là một cuộc thi tài, thi sức, gay go như trời giông thi sóng, thi chớp, sự nỗ lực, sự cố gắng phải đem lên cho tới cực độ.Phải, Xuyên sẽ nói khó khăn như thế, triết lý như thế, dầu con bé chỉ mới chừng mười hai tuổi. Xuyên tin chắc rằng dầu bé, nó đã có thể hiểu điều cao xa ấy, nhờ những thí dụ rõ ràng rút tỉa ngay trong cuộc đời học trò của nó.Nhưng đó không phải là điều chính.Xuyên thấy công việc của mình, chỉ riêng đối với các em, đã nặng nề lắm, mất nhiều thì giờ và hơi sức lắm. Chàng thấy học đường tạo nên chẳng được bao nhiêu khối óc vững vàng, phần nhiều chỉ là những dây bún, tơ rêu. Phương pháp dạy, chưa được hoàn thiện, nhất là điều kiện học chính còn trăm điều thiếu sót, và nhất là trình độ chung của non nước chưa tới những ngày đầy trời hoa trái...Gần gũi bên chàng, là các em nho nhỏ mà chàng muốn huấn luyện cho thành những đầu vững chắc, có căn bản, có rễ lớn ăn sâu xuống lòng trái đất. Phần khó, trước việc em chàng thi hỏng, không phải là việc mắng mỏ, rầy la nó. Phần khó là phải rèn luyện lại cho nó, dắt chân nó lên ít viên đá tảng thật vững, ở trên đó, nó sẽ xây cả một tháp đẹp tương lai. Và việc ấy mất thì giờ vô hạn, mất thì giờ của Xuyên đương tham lam ôm nghìn công việc, và lúng túng trước nghìn công việc.Xuyên lắng tai nghe lời con Nhẫn kể chuyện đi thi cho các em và bà mẹ nghe. Nó chẩu mỏ:- úi cha! Chị Lan và chị Bích thế mà cũng đỗ! Làm tính, chị Bích được cô bầy cho mãi, ám tả được cô bảo cho đến mấy chữ... Còn chị Lan thì tập đọc tồi quá, học trò con trai nó cười cho, rứa mà cô cũng cho chị ấy đến bảy điểm...Bà mẹ vênh mặt lên hằn học; các em nhỏ nhấp nháy con mắt, lạ lắm, nghi ngờ cuộc đời sao lại có những chuyện quá bất công như thế, óc chúng nó không tưởng tượng được.Nhưng mà Xuyên cau mày lại. Mấy lần chàng toan gọi con bé, mắng thẳng vào mặt nó:- Thôi em! Em liệu khóa máy nói xấu lại! Em câm mồm rắn độc đi! Có những câu chuyện, em có thể nói tới người khác được. Nhưng lúc này, em hãy lo lấy cái xác em đã, em hãy lo nghĩ tới những lầm lỗi, khuyết điểm của thân em. Chị Lan, chị Bích có thể dốt đúng như lời em nói, các chị ấy có thể đỗ một cách thiên vị, bất công. Nhưng xin em để yên cho người ta, xin em đừng bới mả họ lên. ở ngoài đời, có nhiều người ngu dốt, kém hèn mà hiện nay đương vênh váo, nhưng mặc kệ họ! Chúng ta hãy lo làm cho chúng ta có giá trị thực đã, có chân tài đã; em làm sao cho em đỗ đáng đỗ, nhận lời khen xứng đáng, chứ không hối lộ. Thế rồi, tự dưng em sẽ đánh bại những cỏ cằn, nấm mốc, em chẳng cần chẩu mỏ ra để nói xấu làm gì... Em ơi! Anh tưởng chúng ta nên tập cho trong sạch hơn đôi chút, em ạ!Nhưng Xuyên suy nghĩ toàn thể một bài diễn văn như vậy, mà miệng chàng vẫn không mở, lòng thầm nhủ cứ im đi, đợi những dịp tốt hơn, đợi chân tướng của em chàng lộ ra hoàn toàn, rõ rệt như bức tranh vẽ đến phút cuối cùng.Trưa hôm đó, một người bạn của gia đình chàng đến chơi, nhìn tất cả mọi người, tươi tắn chào hỏi. Rất tự nhiên, ông Chuẩn nhìn con Nhẫn, cười vỗ về, an ủi, và nói với nó:- Để năm sau thi lại, Nhẫn ạ!Xuyên thấy con bé phịu mặt, mặt nặng như nghìn cân tạ, lông mày trong một giây cau lại hỗn hào. Nó quay lưng chạy đi nơi khác.Xuyên lạnh cả người, lòng tan hoang như tha ma... Đúng quá rồi! Đó thực là hình ảnh năm xưa của chàng, của chính chàng.Vụt hiện trong óc chàng một gian gác khá rộng, kê một chiếc bàn dài. Quanh bàn năm sáu đầu thanh niên cúi xuống chăm chỉ hoặc viết, hoặc đọc. Đó là tòa soạn tờ báo Gió Mạnh, đương vào giờ sinh sản quyết liệt nhất. Xuyên vừa đạp xe ở nhà in về, giơ các bản in thử cho bạn xem. Chàng giữ việc xếp đặt bài vở trên báo, sửa lỗi ở nhà in, coi sóc việc trình bày tờ báo. Thấy chàng về, mọi người xúm lại xem. Họ yên lặng suy nghĩ, thận trọng như làm đại sự. Thế rồi, anh Xướng nói ôn tồn và rõ rệt:- Chỗ này, không được! Ai lại đặt bài khôi hài lên trên bài tư tưởng thế này! Bài khôi hài chỉ để góp vui cho tờ báo, lôi kéo số người chưa biết yêu tư tưởng; chứ còn những bài quan trọng máu thịt của mình, thì tất nhiên phải nêu rõ rệt, đàng hoàng lên chứ. Anh làm thế này không được, tôi thấy cần phải sửa lại.Xuyên giận tái người, môi cắn chặt lại, nhưng vẫn đứng yên chờ các bạn kia ngỏ ý. Xướng nói đúng quá, toàn thể anh em đều gật đầu. Có anh Đặng là già dặn hơn cả, hiểu người hơn, từ từ nói khéo:- Không, bài khôi hài này thực khá lắm, có giá trị lắm. Nhưng Xướng nói cũng phải... ừ, đặt bài khôi hài vào một đoạn trang ba, trang tư, đủ cho người ta chú ý là đủ rồi. Xuyên ạ, anh chịu phiền làm lại chỗ này một chút; kỳ này anh xếp bài đẹp lắm, chỉ còn một lỗi nhỏ này thôi.Mọi người khác cúi đầu không nói. Họ hiểu lòng Xuyên đầy tự ái, phải khéo léo như anh Đặng mới nói được, còn thì im đi là hơn hết. Ai nấy giả chăm chỉ đọc.Xuyên dần dần cảm thấy lòng mình đổ vỡ đôi chút, đổ vỡ một cái gì đây... Xuyên tức rằng sao anh em lại đồng ý với Xướng đến chừng mực ấy; sao họ xa xôi chàng quá... Sao chẳng có một ai khen chàng cả? Sao chẳng có một ai bênh chàng cả? Chẳng người nào yêu chàng cả? Lòng Xuyên nặng lắm, nghe chừng lại đến những giờ phản động đây, khó làm việc đây, đến những giờ mà chàng thấy không vui lòng làm việc nữa...Bỗng Xướng lại nói lên:- Sao lạ chưa này?Lòng Xuyên xao động vô cùng, chính đây là một điều chàng biết sẽ to chuyện... Phải, Xướng đương đọc một bài của Xuyên, một bài mãnh liệt, táo bạo, một bài mà anh em đã duyệt, nhưng có bảo sửa đổi mấy chữ quá ngông cuồng. Những chữ ấy, Xuyên đã khoái lắm, đắc ý lắm, và muốn cứ để nguyên. Khi anh em chỉ trích, chàng lờ mờ gật đầu, nhưng sâu xa trong lòng thì không chịu, không ưa, mà cũng chẳng nói ra để tự bênh vực. Rồi tới nhà in, chàng cứ cho xếp y nguyên bản thảo, không sửa một cái chấm, một cái phẩy. Hèn nhát, chàng muốn cho anh em không ai đọc tới, để cho khi in ra thì sự đã rồi...Nhưng Xướng chăm chú nhìn vào bài văn ấy. Chàng khẽ hỏi Đặng:- Bài này có mấy chữ phải sửa, phải bỏ, vậy anh đã nói cho Xuyên sửa chưa?Đặng ung dung đáp:- Bảo rõ cả rồi.Xướng kinh ngạc, mau mắn một tay vỗ vai anh Đặng, một tay chỉ vào trang giấy:- Này, anh xem này!Đặng cúi đầu đọc, lặng người đi không nói gì hết. Người già dặn này đã hiểu lòng trí thức lắm, đã hiểu rõ tâm hồn phần đông thanh niên, biết ung thư tự ái đã đục khoét sâu xa cả cõi lòng họ, gây nên biết bao nhiêu tai họa từ trước đến nay... Đặng gặp ở Xuyên một phát lộ kỳ quái và quá mãnh liệt của lòng tự ái. Đặng ngài ngại, phiền phiền. Con chim trời ấy đã nhiều phen mắc nạn cung tên, nên nay nó sợ, nó sợ lắm, nó lo lại gặp một phen tai họa, một phen thất lợi cho công cuộc chung của nghìn vạn con người... E lại có một thần dân bước vội ra miền non nước, quay ra phản lại việc lớn lao và tốt đẹp này chăng. Đặng im thin thít, mặt lộ vẻ buồn.Xướng không hiểu. Xướng thấy lỡ lầm, thì hăng máu lên mà tố cáo, tính Xướng thẳng vô cùng:- Bài này tất cả anh em đều đồng ý phải sửa mấy chữ... Đây tôi thấy để y nguyên như cũ...Chàng chưa nói hết, Xuyên tiến mau lại phía chàng, giơ thẳng tay đấm mạnh vào hàm, đấm như chày nặng ngàn cân.Mặt Xuyên hốc hác, ngơ ngẩn... Không, không phải ngơ ngẩn... Mặt Xuyên dữ tợn, như điên cuồng, như lạc trí, Xuyên đưa tay ra, và trong lòng như sóng gió mưa bão, nghìn cơn giông tố hớp cả hồn chàng, làm cho ngây ngất, đờ đẫn cả người. Mơ hồ, chàng cảm thấy chỉ một giây vừa qua, tay chàng thoi lên hàm bạn, có một chuyện gì lớn lao đã xuất hiện, có cả một sự thay đổi phi thường, có một trọng sự hiếm hoi đã giật chớp...Thật là một giây quá chừng giầu, quá chừng đầy.Xuyên chưa kịp quan sát và phân tách thâm tâm cho kỹ, chàng đã phải chú ý hết sức đến tình cảm phát lộ nơi anh Xướng, bạn chàng.Xuyên đấm bạn xong, lùi lại đứng thế thủ. Khốn nạn chưa, trời! Chẳng khác gì con chó cắn trộm, lùi lại phòng thân, tin chắc rằng người ta cũng hèn kém như mình, người ta cũng lăn vào con đường hục hặc...Xuyên nhìn chăm chăm lên mặt bạn, Xướng cắn chặt lấy đôi hàm, môi khíp lại như may vững. Mắt chàng có một giây đờ đẫn. Xuyên chú ý nhất làn má chàng, gầy gầy, xương gò nhô thực cao, giờ đây nó in hằn rõ rệt cả khuỷu xương cứng cáp, căng da thịt lên; Xướng nghiến răng mạnh quá, nghiến răng chịu lấy sự đau đớn, và chắc là để tự chủ những tình cảm quá mạnh trong tâm hồn chàng.Rồi khó khăn, - nhưng mà cao thượng chưa! - Khó khăn lắm, chàng mỉm cười, cái cười vàng làm sao, cái cười chập choạng đi vướng víu giữa muôn tức giận và đau đớn. Chàng mỉm cười, mà khó nhìn ra đó là một cái cười, miệng chàng mở méo méo, hai hàm răng nhô trắng nhởn, coi như nhe ra dữ tợn. Rồi thấy chàng nói ra mấy lời nghẹn ngào như những cục đờm bướng bỉnh nhổ chẳng ra, nuốt chẳng vào:- à! Xuyên... Xuyên, tao không đánh lại mày đâu...Rồi chàng với tay, nắm lấy tay Xuyên bóp thực chặt, mặt nhìn thẳng mặt Xuyên, kiêu hãnh như một ông thầy chắc mình cao vòi vọi hơn học trò đứng trước mặt:- Xuyên... tao tha lỗi cho mày.Lòng Xuyên hoang mang không nhận thấy gì nữa, không cảm thấy gì nữa, không nghĩ một điều gì nữa.Bấy giờ, thực là Xuyên đờ đẫn.Chàng như mù và điên.Xuyên bước xuống thang gác, chầm chậm và nặng nề. Chàng thoảng nghe tiếng anh Đặng gọi chàng; nhưng chàng không đáp cứ đi xuống, bước ra đường. Nhìn chàng hốc hác, xa vắng, hồn như gửi ở những xứ nào xa lạ không về. Có nhiều người kinh dị nhìn chàng. Một người lính Tây khoác tay bạn, nhìn Xuyên và hỏi một câu:- Mày ốm đấy ư?Xuyên bước như cái máy, không hiểu gì nữa hết.Chàng lưởng vưởng nghĩ phải tìm một chỗ nào để mà nằm, để mà nghỉ, buông xuôi hai tay, và giận đắm chìm tâm não. Không! Lúc này không thể làm gì được nữa đâu. Sét đánh mạnh quá, bạt cả vía chàng, ngấm đầy quá trong da thịt chàng, phải làm sao chờ nó tiêu tan đi đã. Bỗng Xuyên như víu được một tấm ván giữa cuộc trôi nổi giông bão của lòng chàng. Xuyên sực nhớ đến một cô gái giang hồ ở đường Lò Đúc, có gian phòng đẹp lắm, nhã lắm, và có một thân hình tuyệt mỹ.Chàng ra Bờ Hồ, đi tầu điện đến phố Huế, vội vàng chạy đến núp bóng lông mi của con người đẹp, chắc rằng sẽ tìm ra một cái hang trú được cơn mưa quá chừng ghê gớm. Xuyên giải trí mà hồn đi vắng; Xuyên tiếp chuyện nhát gừng với cô gái; Xuyên cười vàng; Xuyên xa lạ; Xuyên hết nghĩ đến người.Chàng thấy bực tức, bất mãn lắm. Da thịt đẹp này chẳng vỗ về, khuây lãng giải trí cho chàng như khi nãy chàng đã tưởng. Đúng rồi, hận lòng chàng đã to quá ra bờ xác thịt, to quá ra hồn nguyệt hoa. Dần dần, bao nhiêu tình cảm chàng cố giẫy ra, nay lại bu tới như đỉa, gọi nhau mà bu tới...Chàng thoáng có ý muốn đi xa... cho thực xa... cho khỏi vướng mắt nhau nữa... xa bao nhiêu cũng được... càng xa bao nhiêu, càng hay bấy nhiêu... Chàng dường như giận dữ các bạn, như giận dữ chính thân mình, bất mãn đến cùng cực. Khỉ! Sao chúng nó lại cay nghiệt thế? Có mấy chữ con con, be bé, sao chúng nó gay go thế?... Mà khỉ nữa! Sao mình lại đấm thằng Xướng? Thực là điên dại...Chàng vẫn tràn đầy tự ái, không chịu nhận giá trị của Xướng, chỉ trách mình tại sao lại đấm nó, để cho nó có dịp ra mặt anh hùng...ừ, đi quách đi, là xong chuyện... Thôi đừng dây dướng chi nhau nữa...Nhưng trong một giây, Xuyên tưởng tượng chàng trở lại sống như mọi người thường, nộp đơn thi làm thư ký, hay chạy chọt đi buôn.Đến đó, Xuyên mới hiểu hết sự khờ dại, điên rồ của mình:- Mày chết rồi! Con ơi con! Con ơi con, thử hỏi con ngoài địa hạt này, ngoài bè bạn này, ngoài cuộc đời sôi nổi mà con vừa lảng tránh, thử hỏi con, với tính tình con, với máu thịt con, với linh hồn con, thử hỏi con còn sống ở đâu được nữa? Chính thế, con ơi! Ngoài đây ra, con sống ở nơi nào được nữa; con vui ở nơi nào được nữa?Xuyên đi lang thang mấy nơi nữa, bơ phờ, chán nản, trong lòng biết chắc rằng thế là câu chuyện xong rồi, đã giải quyết rồi. Nhất định thế nào chàng cũng trở về tòa báo; bây giờ muốn đi đâu thì đi, muốn la cà mấy đi nữa, thì cũng chỉ là về muộn mà thôi.Giờ mọc trong đầu chàng một ý lớn như cây sung già, vững như cây đa trăm rễ:- Thực dễ dàng chưa, con ơi! Con người ta dễ phản bội biết bao nhiêu! Nguy như thế đó, con ạ! Chỉ một chút thôi, nó đã quên cả công cuộc chung lớn lao, quan hệ chỉ còn nhớ đến mẩu lòng thối nát... Con mở mắt lên mà trông con ơi!Tối hôm ấy, chàng kiếm nhà bạn ngủ một giấc lờ vờ, chập choạng, ngủ như gà. Sáng bữa sau, trên tòa soạn Gió Mạnh có một cuộc hội họp của tất cả các nhân viên nhà báo, để nghe Xuyên xin lỗi Xướng và trở lại vui lòng làm việc...Xuyên đi tìm con Nhẫn, lòng tự nhủ:- Họa này lớn lắm đây! May mà có ta hiểu rõ và quyết trừ diệt cho đến cỗi rễ; nếu không bỏ mặc cho thứ cây cứt lợn này nó nảy ngành, xanh ngọn ra thì khó lòng mà chữa chạy nổi...Chàng đánh con Nhẫn mấy roi và quăng vào mặt nó những câu tàn bạo:- Mày tưởng mày giỏi lắm hay sao? Mày có biết tại sao mày hỏng không? Mày đừng nghĩ là học tài thi phận nhé! Mày thi hỏng là vì mày viết ám tả mất năm lỗi, làm tính và luận đều sai cả; mày đỗ làm sao được? Chàng quay ra hỏi:- Tại sao khi nãy, trước mặt ông Chuẩn, mày lại phịu mặt, cau trán, sao mày dám hỗn hào như thế?Con bé mở to mắt nhìn anh, và từ tốn nói:- Thưa anh, tại ông ấy làm em tức lắm.- Ông ấy làm gì?- Ông ấy khoe con làm bài tính đúng, và thử viết bài ám tả thì không có một lỗi nào... ông ấy lại bảo em thôi nên nghỉ ở nhà.Xuyên cắn môi nhịn cười. Chàng hơi ngạc nhiên sao một người oai vệ như ông Chuẩn lại nuôi nổi những ý ganh tị đua tranh với một đứa trẻ đến như thế... Nhưng chàng không dừng lại bài xích con người ấy, chàng nhắm thẳng đường chàng:- Nếu ông ấy thực như thế thì mày cứ mặc ông ấy... Ta còn thấy mày nói xấu chị Lan, chị Bích nhiều lắm... Mày nên biết rằng: chính mày kém, mày hỏng thi thì người mà mày phải nhìn tới trước, phải chỉ trích trước, phải mắng mỏ trước, chỉ là mày mà thôi, chỉ là mày mà thôi, mày nghe chưa? Mày không phải thẹn gì hết; mày cứ nhận rõ là mày kém, mày non, để mà học lại, nghiến răng mà học lại, mặc kệ những lời chế giễu vô lý.Chàng đưa tay lên cằm, nói như tuyên án:- Từ nay nếu tao thấy mày còn phụng phịu vì chuyện thi cử nữa thì mày chết! Mà từ mai trở đi, cho mày chơi lấy nửa tháng, rồi học với tao.Chàng đổi giọng hiền từ hơn:- Rồi mày sẽ biết: học chẳng phải là chơi đâu, em ạ. Học, cũng phải nghiến răng lại, như khi mày vác nặng.Đăng báo Bạn đường (Thanh Hóa) khoảng 1940 - 1941