Phần 1

Nhật ký lợn

Thiên chi đạo: tổn hữu dư bổ bất túc

(Đạo trời : bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu)

Phản giả Đạo chi động

(Quay trở lại (cái Quân Bình ) đó là cái Động của Đạo)

Lão Tử

L’homme n’est ni ange ni bête,

et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bête

(Con người chẳng thiên thần cũng không thú vật ,

song khốn thay ai đó muốn làm thiên thần

thì thành ra lại là thú vật )

Pascal

Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo , kiêm nghề nuôi lợn .

Có lẽ , khi làm nghề cầm bút , ông đã phạm một cái cái ”húy” gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu. tuy chưa đến tuổi. Ông là ngươì lớn tuổi, lại mắc bệnh nghề nghiệp nên thích ghi chép. Ông đã ghi lại khá tường tận, thú vị công việc chăn nuôi của mình.

Xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đọc .

Ngày… Tháng…

Nhà tôi đã có ba chú lợn ỉn khoảng 10 cân mỗi con rồi, hôm nay tôi lại mua thêm một chú lợn rất đặc biệt : Chú Lợn Bò

Chú lợn này chỉ nhỉnh hơn cái phích lít rưỡi một chút . Lông nó mầu hung vàng, có một chút óng ánh, giống như mầu cỏ tranh vàng

khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc . Mặt nó như thơ dại, ngơ ngác như mặt bò , đôi mắt có dân dân, nhưng đẹp. Người chủ bán hàng giới thiệu với tôi một cách hoang đường: Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm thành công, họ đem tinh trùng của bò thụ tinh cho lợn; kết quả thu được một con thú nửa bò nửa lợn (1)

Nó biết ăn cả cỏ, cả cám. Giống này được các nhà chăn nuôi sành sỏi và tài ba rất mê , bởi vì nó tăng trọng lượng rất nhanh, có thể nói phi thường, và nó có thể đạt tới trọng lượng ba trăm ki lô gam, thậm chí năm trăm … Nghe lời giới thiệu có vẻ siêu khuếch đại tôi liền vỗ tay đánh đốp vào tay ông lái lợn và cười hơ hớ. Cà chủ nhà và khách hàng đều có chút khoái nhau, cái tiếng cười hớ hớ ấy, cái bắt tay ròn rã ấy, cái kiểu giới thiệu hoang đường làm cho cuộc mua bán trở nên dễ dàng thoải mái. Tôi hí hửng suốt dọc đường từ chợ tỉnh Phú Yên về Hà Nội; hí hửng vì vớ được một con lợn tốt bằng giá rất hời. Thậm chí tôi còn dám tự khen thưởng mình bằng cách sà vào một quán nhậu ở bến đò chèm để uống một chén rượu với dăm củ lạc .

Khi tôi định thả con lợn Bò vào chuồng, vợ tôi theo ra xem, cô ta nói rất mê tín:

- Ông không được thả . Người ông gầy đét, ăn uống cảnh giả , tay ông không mát. Để tôi thả cho, lợn mới hay ăn chóng lớn.

Tôi lắc đầu sốt ruột, đưa cho bà vợ lắm điều của tôi chiếc bao tải dứa trong đó đựng con Lợn Bò quí giá. Khi chú lợn lông vàng sợ hãi ngơ ngác từ cái bao chui ra, vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên :

- Lợn gì mà kỳ quái ! Lông đỏ như con sâu róm!

Cơn hứng của tôi như bị dội một gáo nước lạnh; tôi cáu kỉnh vặc lại:

- Lợn quí đấy! - Vợ tôi bĩu môi, nhưng biết tính tôi khi đã thích cái là lập tức lên cơn như mê như dại, nên cô ta chẳng dám dây với tôi.

Còn tôi, thực sự lúc này đang lên cơn mê lợn. Đời tôi đã khối lúc lên cơn: cơn bộ đội, cơn viết báo, cơn gác đêm, cơn lý tưởng, cơn mê gái, cơn thợ may, cơn đọc sách...

Vậy thì, giờ đây tôi lên "cơn mê lợn" cũng chẳng có chi lạ. Mà chẳng cứ gì tôi, có thể nói, hiện giờ Hà nội đang lên cơn mê lợn. Cao trào nuôi lợn đang dâng; giới nuôi lợn dạo này rất vinh dự, bởi vì không những người nghèo nuôi lợn, mà có cả những vị quyền cao chức trọng nuôi lợn. Người ta kể ra: ông tổng bí thư nhà máy gạch N mới bán đôi lợn đại bạch trên hai tạ; ông thứ trưởng bộ X cũng nuôi bốn con lợn F1, lai giống Landrat, to như bốn con bê; ông T thành ủy viên, cứ đi làm về là vội thay quần áo và cởi trần trùng trục, chỉ mặc độc chiếc quần đùi và xông thẳng vào mê say cùng đàn lợn đẹp như tranh của mình; rồi cả ngài chủ tịch K, hễ mỗi lần đánh xe con đi công vụ nông thôn là khi về thế nào trong cốp xe cũng lỉnh kỉnh những bao ngô, bao gạo, bao thức ăn gia súc, và những rọ lợn giống buộc đàng sau xe mốt cô vích tấu lên một khúc nhạc eng éc, rền rĩ, rùng rợn, nhưng vui tai đối với người Hà Nội.

____________

(1) Thực ra giống lợn lông màu hung đỏ này là giống Durox