Bà Nhàn đang chợp mắt thì nghe tiếng huyên náo ở nhà bên cạnh. Lúc đầu còn nhỏ, sau càng ngày càng ồn ào. Bà chợt tỉnh ngủ hẳn và nằm lắng nghe, nhưng cũng không biết rõ được chuyện gì xẩy ra, bà chỉ mang máng biết đó là chuyện vui, vì chen lẫn tiếng nói là tiếng cười, khi lớn khi nhỏ. Mấy hôm nay trở trời, bà thấy thân thể như bắt đầu đau nhức, nhất là từ ngày bị tai nạn vì xe bộ đội tông phải. Từ cái tai nạn ấy đến bây giờ thế mà đã ngót hai chục năm, mỗi khi trở trời lại đau nhức trở lại, và cũng làm cho bà nhớ lại đoạn đường chông gai ấy. Nói vậy chứ bây giờ cũng đã hết chông gai đâu, mặc dầu có đỡ hơn một chút! Chả là bà bán căn nhà lầu mười mấy cây vàng cho lũ con vượt biên mà đứa nào cũng bị bắt, rồi đi tù. Cái giai đọan ấy thì khổ quá, kể thế nào cho hết. Thế là lại bắt đầu lại từ đầu.
Trong đời bà thật đã bao nhiêu lần phải bắt đầu làm lại như thế! Đến bây giờ nhà nước đã đổi mới một chút, là cho tự do làm ăn buôn bán, chứ không phải buôn chui bán lén như ngày xưa, thì lại là lúc bà không còn đủ sức khoẻ nữa, thành ra cũng không làm sao gây dựng lại được cơ ngươi. Trong lúc nhà bà như vậy thì những nhà ở chung quanh họ đều may mắn, hay ít ra cũng không đến nỗi rủi ro như gia đình bà. Bà Nhàn chợt thở dài khi nhìn ra ngoài khung cửa sổ mở rộng cả hai cánh, đến tận vườn sau, nơi mấy tàu lá chuối ướt nước mưa của trận mưa cuối mùa, lóng lánh dưới ánh đèn từ bên nhà hàng xóm hắt sang. Bà mới chợp mắt, và khi tỉnh giấc bà không biết chắc mình đã ngủ được bao lâu, nhưng thấy nhà hàng xóm còn ầm ĩ như vậy thì bà đoán cũng chẳng khuya khoắt gì. Bà còn nghe cả tiếng xay bột ì ì của nhà nào đó. Bất giác bà nghĩ đến ngày tết sắp đến. Mới tết đây bây giờ lại sắp tết nữa! Bà nhớ ngày còn nhỏ mỗi khi nghe người lớn nhắc đến tết là bà thấy lòng mình bồi hồi. Tết sẽ được mặc quần áo mới, thắt bao xanh, đeo kiềng ở cổ, được ăn ngon và còn nhiều thứ nữa. Vì vậy, khi có người nói gần đến tết là bà phải hỏi cho ra là còn bao nhiêu ngày nữa, và từ đấy bà bắt đầu đếm từng ngày. Gần đến ngày tết vui bao nhiêu thì hết tết buồn bấy nhiêu. Nhưng bây giờ thì bà sợ tết. Ngày tết sẽ tốn kém hơn thì đã đành, nhưng cái buồn hơn là tết báo cho bà biết, bà đã chồng thêm một tuổi nữa vào cái đống tuổi đời của mình, và ngày kề miêng lỗ chẳng còn xa! Bỗng tiếng súng nổ ở đâu đó, lâu lắm bà mới lại nghe tiếng súng, nhưng mỗi khi nghe bà không làm sao quên được thằng con đầu lòng của bà, không hiểu vì lý do gì nó nhất định bỏ nhà đăng lính, lại vào lính nhảy dù kia, thế là ngay trong trận đánh đầu tiên con bà chết. Bà chỉ nhận được mỗi cái quan tài rồi đem chôn, chứ chẳng mở ra để nhìn mặt nó lần cuối cùng được, vì nghe nói đã chương lên rồi. Đến bây giờ nghĩ lại bà vừa thương vừa giận, nó đâu đã đến tuổi phải đi lính thế mà dám khai tăng tuổi để đi. Bao giờ nghĩ đến nó bà cũng héo hắt trong lòng. Thế mà đã trên ba chục năm trời rồi đấy, giá mà nó còn sống đến bây giờ thế nào mà chẳng có một đàn con, không chừng còn có cả cháu nữa. Bà quay sang nhìn ông Nhàn đang nằm ở giường bên cạnh. Lâu nay hai ông bà không còn ngủ chung nữa vì ông mang đủ thứ bệnh trong người, nằm cạnh nhau thì cũng vậy thôi mà còn gây khó ngủ cho bà. Nhưng thỉnh thoảng ông cũng len lén sang nằm chung với bà. Lúc đầu bà cứ tưởng ông lại thèm ăn của "chua", nhưng không phải, có khi chỉ là nằm cạnh nhau vậy thôi. Bà chưa bao giờ sang giường ông nằm cả, bỗng bà có ý muốn sang nằm cạnh ông, nhưng bà biết bà sẽ không bao giờ làm điều ấy. Bên kia giường ông Nhàn trở mình nhưng rồi lại thấy nằm yên. Bà Nhàn thì vẫn chưa làm sao ngủ được, bà ngước nhìn lên trần nhà, một mảng trần như sáng hơn những chỗ khác, vì một vũng nước mưa còn đọng lại ngoài vườn phản chiếu ánh điện hắt lên trần nhà, bà Nhàn nhìn mãi vào khoảng sáng lung linh ấy và rồi bà ngủ lại lúc nào không biết. Đến sáng khi thức dậy bà ngạc nhiên vì thấy trên bàn có gói bánh kẹo, hỏi ra thì mới biết cậu Ẩn mới ở Úc về tối hôm qua, thảo nào mà nhà ồn ào thế! Bỗng chốc hiện ra trước mắt bà chàng thanh niên gầy gầy, mặt choắt lại, đen đủi, tóc tai lúc nào cũng như phủ gần kín mặt, lại nhếch nhác đầy mồ hôi. Ngày trước phá làng phá xóm lắm đấy, chẳng biết đã tiến bộ được đến đâu rồi. Nghe nói bây giờ làm ăn khá lắm, chủ hãng kia mà! Bà lại chợt nghĩ đến đàn con của bà, bán cả cái nhà lầu ba tầng để cho tụi nó đi mà rồi chẳng thằng nào thoát, đã vậy còn đi tù hết năm này sang năm khác, khi trở về còn bị quản lý, đi đâu một bước cũng phải xin phép. Còn con người ta đi lọt thì bây giờ tiền bạc rủng rỉnh, lại còn "áo gấm về làng".
*
Một hôm bà vừa đi chợ về, đang tính tiền, thì ông Nhàn từ phòng khách đi vào gọi bà ra:
-Bà ra đây tôi bàn với bà chút việc.
Bà Nhàn hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng bước ra nhà ngoài, ngồi xuống cái ghế ở cạnh đấy chờ đợi. Ông Nhàn đằng hắng một cái rồi mới bắt đầu nói:
-Thằng Ẩn nó muốn lấy con Hằng nhà mình đấy, bà nghĩ thế nào?
Bà Nhàn tưởng mình nghe nhầm, nhưng rồi bà hiểu ra ngaỵ Bà cảm thấy lòng mình hỗn độn mà bà cũng không biết là vui hay buồn. Thằng Ẩn, ngay từ ngày còn nhỏ đã là một thằng nghịch ngợm, phá phách, học hành thì chẳng ra gì. Và ngay cái bề ngoài của nó hình như lúc nào cũng làm cho bà ngứa mắt. Nếu là con trai bà, thế nào bà cũng phải mắng cho mấy câu thì mới đỡ bực mình. Ấy vậy mà bây giờ nó lại muốn lấy con gái bà, đứa con gái đẹp nhất nhà, lại học giỏi. Nhưng hoàn cảnh bây giờ khó khăn quá, biết con học giỏi mà không có tiền cho con đeo đuổi việc học, cái gì cũng phải có tiền mới xong! Thời trước cũng chưa đến như vậy! Nhưng bà cũng biết cái thế của gia đình bà. Đói thì quả thật chưa đến nỗi, nhưng chạy ăn từng bữa! Còn người ta thì dù sao cũng là Việt kiều, muốn gì thì còn khó chứ lấy vợ thì có khó gì đâu...
Bà thừ người suy nghĩ, khiến ông Nhàn phải giục:
-Sao bà thấy thế nào?
-Tôi cũng chả biết. Con mình như thế, gả cho thằng ấy thì phí cả đời!
Ông Nhàn "hừ" một tiếng, rồi nói:
-Người ta là Việt kiều, lấy chỗ nào không được vợ. Còn con gái bà, bà cứ khen nó thế này thế khác, nhưng tôi hỏi bà, từ khi nó lớn lên đến giờ đã có ai đến hỏi nó chưa? Định để làm mắm nữa à? Người ta hỏi là may lắm rồi!
-Nhưng mà ai nói với ông mới được chứ?
-Buổi sáng lúc bà đi chợ thì bà Chắt sang đây dò ý mình xem như thế nào rồi họ mới chính thức hỏi. Tôi cũng chưa cho bà Chắt biết là mình bằng lòng hay không, tôi nói là phải hỏi xem ý cháu nó thế nào đã. Mà phải hỏi nó thật, ngày nay chứ không phải thời xưa mà đặt đâu ngồi đó được. Nhưng nếu mình bằng lòng thì lựa lời khuyên giải, chắc rồi cũng xong.
Chuyện chỉ mới có thế thôi mà đêm đó bà mất ngủ, trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp đi được một chút. Kể ra Việt kiều cũng có giá thật, chứ cái ngữ thằng Ẩn thì chẳng đáng xách dép cho con nhà mình, thế mà bây giờ nó dám hỏi! Nếu phải gả cho nó thì ấm ức trong lòng mà không gả thì lại tiếc! Có mỗi hai ý tưởng ấy mà bà không biết quyết định thế nào. Dầu phân vân vậy nhưng chắc là cũng phải gả thôi, nếu không thì cũng điếc tai với ông ấy. Đàn ông gì mà nói dai như dẻ rách!
Sáng hôm sau bà gọi Hằng lại, nói
-Mẹ nghe người ta bắn tiếng là thằng Ẩn nó muốn hỏi con đấy. Con có biết không?
Hằng chợt đỏ mặt:
-Không, con chẳng biết gì cả. Ai nói với mẹ?
-Nghe bố mày nói là bà Chắt, họ chỉ mới đánh tiếng thôi. Nhưng ý cô thế nào?
-Tưởng ai, chứ bà Chắt thì mấy hôm nay bà ấy đi hỏi tùm lum. Gặp nhà nào có con gái coi được được một chút cũng hỏi có muốn lấy thằng Ẩn không, làm như kén vợ cho hoàng tử không bằng. Bà ấy làm như bà ấy mới ở Úc về! Nào là lấy thằng Ẩn sướng lắm, một bước lên bà chủ vì nó có hãng may gì đó ở Úc. Mình chẳng biết nó như thế nào thật nhưng nghe có vẻ khó tin quá. Ý mẹ như thế nào?
Những điều Hằng nói rất hợp với ý bà Nhàn, ấy vậy mà không hiểu sao khi nghe Hằng nói vậy bà lại không vui, bà nói hơi gắt:
-Ý tao thì ăn thua gì, điều quan trọng là mày. Nếu mày bằng lòng thì nói cho tao biết để khi người ta sang hỏi còn biết lối mà trả lời người tạ Cứ như bố mày thì ông ấy bằng lòng rồi đấy!
Hằng không nói gì, bà Nhàn cũng không nói nữa, hai mẹ con chấm dứt câu chuyện và cả hai đều không quyết định được gì vì chưa có gì xác thực, nhất là Hằng thì nàng không tin lắm, vì trong đám bạn của nàng hình như thằng Ẩn muốn lấy tất cả! Nhưng nếu bây giờ Ẩn thật sự muốn lấy Hằng thì nàng cũng khó nghĩ. Từ trước đến giờ Ẩn chưa bao giờ gây trong lòng nàng một chút phân vân nào. Trước khi hắn đi vượt biên, cái thế giới của Ẩn và của nàng là hai thế giới riêng. Nàng phải bỏ học, đi buôn bán chợ trời để kiếm tiền cho gia đình, còn Ẩn thì suốt ngày chạy nhông nhông ngoài đường với lũ bạn và đi phá làng phá xóm. Rồi không hiểu sao có hồi còn đi Thanh Niên Xung Phong, sau đó thì lại vượt biên. Nhờ gia đình khá giả nên đi mãi cũng có ngày thoát! Trong một thoáng mà bao nhiêu hình ảnh kéo qua ký ức, có phần hơi hỗn độn vì Hằng cũng chẳng chủ tâm ôn lại từ đầu, hơn nữa cái tin Ẩn muốn hỏi nàng là tin mới mẻ và hơi bỡ ngỡ, nên chính Hằng cũng chưa biết nên quyết định thế nào đây! Từ lúc nghe tin ấy mỗi khi thấy Ẩn là Hằng lén quan sát kỹ một chút. Hình ảnh cũ cũng vẫn vậy thôi, không sáng sủa được hơn bao nhiêu, nhưng cứ nghĩ đến việc phải ở với Ẩn suốt cả cuộc đời thì cuộc đời này dài quá! Hằng biết rõ lòng mình như vậy nhưng lại cũng không quyết định dứt khoát được. Biết đâu thánh nhân đãi kẻ khù khờ, nên hắn nên danh nên phận thật, có kẻ hầu người hạ trong nhà, thì lấy hắn cuộc đời cũng mát mẻ! Bây giờ có phúc mới lấy được Việt kiều ở các nước Tây phương. Nhiều cô không phải là Tàu mà phải lấy chồng tận Trung quốc, Đài loan. Rủi hơn nữa là lấy phải mọi Trung quốc, mọi Đài Loan mà vẫn phải chịu, muốn trốn về cũng không được! Nghĩ loanh quanh một hồi Hằng đâm tủi thân và hình ảnh Qúy lại trở về. Nếu Qúy còn sống thì chắc là nàng đã trở thành vợ của Qúy rồi! Trong thời kỳ buôn bán chợ trời Hằng gặp Quý. Qúy bán thưốc tây nên bao giờ cũng sáng suốt hơn người ta, hàng hoá lại nhẹ nhàng, lúc nào công an đến là thoát thân một cách dễ dàng. Nhưng Qúy luôn luôn phụ giúp Hằng trong việc đem giấu hàng hoá ở những nơi an toàn. Có lần hai đứa phải chui xuống gần sàn chợ để chạy trốn. Khi công an đã đi rồi mà cả hai còn nấn ná ôm nhau dưới gầm sàn dơ bẩn và tối tăm. Ở trong cái cảnh chẳng có gì là đẹp đẽ ấy thế mà đã gây cho Hằng những ấn tượng không bao giờ quên được. Sau lần ấy rồi Qúy vượt biên bị bắt, rồi đi tù và không bao giờ trở về nữa. Nghe nói bị bệnh gì đó, chỉ xoàng thôi, nhưng vì không có thuốc mà chết. Cuộc đời thật éo le, lúc thì bán thuốc, lúc thì chết vì không có thuốc.
Đêm hôm đó Hằng cũng trằn trọc mãi không ngủ được vì hình ảnh Quý. Giá Qúy lần ấy vượt biên mà thoát thì bây giờ thế nào chẳng trở về để tìm Hằng. Hằng cũng được sống ở Mỹ ở Úc, nhưng mà với Qúy kia chứ không phải cái ông Ẩn dấm dớ này. Đã khuya lắm mà Hằng vẫn chưa ngủ được, nàng cũng không ngờ chỉ vì cái tin Ẩn đánh tiếng hỏi nàng mà làm nàng bận tâm đến thế. Bố mẹ Hằng hình như cũng bận tâm về chuyện này nên buổi chiều Hằng thấy hai cụ to nhỏ với nhau gì đó, mặc dầu nàng nghe không rõ nhưng nàng đoán chắc cũng chuyện ấy thôi. Hằng nằm nghe tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng nhạc vàng văng vẳng từ nhà hàng xóm vọng sang. Tiếng nhạc gợi nhớ đến những ngày xa xưa, đã lâu lắm rồi, vào cái thời Hằng còn rất nhỏ. Hằng chắc là người hàng xóm thường nghe nhạc trong những lúc khuya khoắt mà những đêm trước nàng không biết chỉ vì ngủ mê quá nên không nghe được. Vừa nghĩ đến đấy thì bản nhạc cũng chấm dứt và Hằng không nghe được bản nào nữa.
*û
Bẵng đi một thời gian, chuyện Ẩn muốn hỏi Hằng không nghe bà Chắt nhắc đến nữa. Ông bà Nhàn bắt đầu ấm ức trong lòng. Mỗi khi nhìn thấy bà Chắt ông lại muốn gọi lại chửi cho một trận. Con gái ông, tuy không phải là cành vàng lá ngọc, nhưng nó cũng không đến nỗi để mà đem ra bông đùa! Nhưng ông cũng chỉ nghĩ thế thôi chứ không có hành động gì. Còn bà Nhàn thì bắt đầu tiếc cái thằng mà trước đây bà đã chê bai, nhất là mỗi khi gia đình túng thiếu, mua con cá, mớ rau cũng phải tính toán từng tí một.
Dù bố mẹ không nói gì, nhưng nhìn dáng điệu, cử chỉ, Hằng cũng biết là hai cụ buồn bực về chuyện của mình. Riêng Hằng thì nàng chẳng những không tiếc mà còn cảm thấy là may mắn thoát khỏi tình trạng khó nghĩ cho chính bản thân mình. Nếu Ẩn vác trầu cau sang hỏi nàng thật, Hằng cũng chẳng biết quyết định thế nào. Lấy thì buồn mà bỏ thì lại tiếc!
Rồi ngày Ẩn cưới vợ cũng đến. Người vợ của Ẩn không phải là cô nào ở trong xóm. Mấy cô trước đây được bà Chắt bắn tiếng đều chửi thầm bà Chắt, nhưng không cô nào ra mặt, cả Hằng cũng vậy. Riêng ông bà Nhàn thì hôm đó bỏ đi chơi thật xa, xuống tận xóm Mới để thăm gia đình một người bà con mà đã lâu lắm hai ông bà không gặp.