GIỚI THIỆU

ạn đọc đang cầm trong tay một trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất mà văn chương có thể cung hiến cho con người.

Tôi có cơ duyên được biết đến Akutagawa từ rất sớm, năm lên tám hay chín tuổi. Trong tủ sách của mẹ tôi có một cuốn sách mỏng, tập truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke, bản dịch của Thụ Nhân, Nxb Nhị Nùng, Sài Gòn, 1966 (nếu tôi nhớ không lầm). Tôi đọc Trong rừng trúc, Kesa và Morito, Cái chết của một con chiên (hay Tuẫn đạo, theo bản của Thụ Nhân)… và bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của chúng, một vẻ đẹp bí ẩn, thanh cao, ám ảnh và khắc khổ. Điều cũng quan trọng như việc khám phá thế giới quanh mình đối với một đứa trẻ, ấy là tôi đã khám phá ra Nhật Bản, một đất nước, một nền văn hóa, một thế giới. Và, một khám phá còn lớn lao hơn thế, ấy là: tác giả, một con người, với tất cả những hành trang hữu hạn của đời người đã có được quyền năng để tạo nên và mang tới cho một đứa trẻ hậu sinh ở xứ sở xa xôi là tôi một phiên bản tính ròng của thế giới ấy bằng phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Khám phá của tôi - thông qua Akutagawa - thật giản dị: bằng những âm, những chữ, những câu, người ta có thể mang đến cho nhau cơ hội sống những cuộc đời khác, cảm nhận những chiều kích khác của hiện hữu, một cách sâu sắc, máu thịt, tận đáy.

Có đôi điều đáng nói hơn về tập sách này. Theo tôi biết từ trước đến nay, hầu hết tác phẩm của Akutagawa - cũng như các văn hào Nhật khác như Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, v.v… – đều được dịch ra tiếng Việt thông qua một ngôn ngữ châu Âu (Anh, Nga, Pháp…). Còn ở đây, lần đầu tiên, một tuyển tập tác phẩm của Akutagawa được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật - trong đó có những truyện được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên. Các dịch giả là những người miền Nam sang Nhật Bản du học vào thập niên 1960, theo những ngành không liên quan gì đến văn chương như nông nghiệp, cơ khí, thủy sản, kinh doanh… Đến nay, mỗi người một nơi, ở Nhật, Úc, Pháp…, cuộc sống ổn định, vẫn với những nghề nghiệp “xa lạ với văn chương” ấy - như anh Lê Ngọc Thảo hiện là kỹ sư thiết kế cho hãng Sony. Nhưng, họ đã chọn văn chương - cụ thể là dịch Akutagawa - như một cách để giữ tình thân hữu, giữ gìn tiếng mẹ đẻ, và để bắc một nhịp cầu văn hóa giữa đất nước Nhật Bản mà họ nặng lòng tri ân với Tổ quốc Việt Nam.

Thế mạnh khó ai sánh được của họ là đã sống nhiều năm tại Nhật, am hiểu sâu sắc ngôn ngữ và văn hóa Nhật. Các anh chị đã làm việc hết sức cẩn trọng, góp ý, trao đổi với nhau từng chữ, ngõ hầu mang lại cho bạn đọc những bản dịch tốt nhất có thể. Tuy nhiên, do trình độ các dịch giả không đồng đều, và mỗi người một văn phong, nên không phải bản dịch nào cũng mang lại sự thỏa mãn như ta mong muốn. Mặt khác, do các dịch giả đã sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, nên ngôn ngữ Việt của các anh chị không khỏi có một khoảng cách với tiếng Việt hiện nay. Đây là một điều cần thể tất, bởi chắc chắn các anh chị chưa hài lòng với những gì mình đã làm được và sẽ không dừng lại ở đây.

Các dịch giả đã làm một nghĩa cử đẹp là rút ngắn hơn khoảng cách giữa văn hóa và tinh thần của Nhật Bản và Việt Nam, hai nước đồng chủng đồng văn, nhưng trong sự gần gũi lại có những khác biệt có tính quyết định đối với diện mạo tinh thần và vận mệnh lịch sử của hai đất nước này. Tôi kính trọng nỗ lực và tấm lòng của họ.

Tôi rất vui rằng bạn đã mở cuốn sách này, cũng như tôi đã mở trang đầu cuốn sách mỏng ngày xưa và, cũng như tôi, bạn sẽ bước vào thế giới của Akutagawa, nơi mà con người, với tất cả những cung bậc tư tưởng, tình cảm được đẩy tới tận cùng, cùng với thiên nhiên và vạn vật, tất cả đều xiết bao có thực và sống động trước chúng ta. Nơi đó, đất nước và con người Nhật Bản mở ra với chúng ta vừa lạ lẫm vừa thân quen, để cuối cùng ta nhận ra rằng đó là “cảnh tượng của nhân gian”, là một phần của chính chúng ta, và đó là nhân loại.

*

Akutagawa Ryunosuke vụt qua trên nền trời văn học Nhật Bản như một ngôi sao băng, thật sáng nhưng cũng thật ngắn ngủi. Người ta trầm trồ ca ngợi tài năng ông và người ta thương tiếc cho số phận ông.

Tuy cuộc đời sáng tác của ông chỉ vỏn vẹn có mười lăm năm, nhưng ông đã để lại cho hậu thế một gia tài khá đồ sộ với khoảng ba trăm tác phẩm, trong đó hơn phân nửa là truyện ngắn, vô cùng phong phú về đề tài, về nội dung và rất đa dạng trong cách viết. Đó chính là cơ sở để người ta tôn ông làm bậc thầy của truyện ngắn. Phần văn nghiệp còn lại của ông là tùy bút, bình luận, bút ký, thơ, v.v…

Sau khi ông mất, năm 1935 một giải thưởng văn chương mang tên ông - giải thưởng Akutagawa đã ra đời. Giải thưởng này rất có uy tín trong giới văn học Nhật Bản, từ khi ra đời cho đến nay luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện những tài năng trẻ. Oe Kenzaburo, nhà văn đoạt giải thưởng văn chương Nobel năm 1994, lúc còn trẻ là người đã được trao giải thưởng Akutagawa.

Ông còn là một trong những tác giả Nhật Bản rất được thế giới biết tiếng. Và ở Việt Nam tác phẩm của ông đã được giới thiệu rất sớm qua phim ảnh và qua các bản dịch. Tuy vậy những tác phẩm của ông, dịch ra tiếng Việt đang lưu hành trong nước hiện nay phần lớn không phải là những bản dịch trực tiếp từ tiếng Nhật mà qua những ngôn ngữ trung gian.

Trong chương trình thực hiện tuyển tập này chúng tôi đã chọn ba mươi tác phẩm tiêu biểu trải dài suốt cả cuộc đời viết văn của ông mà chúng tôi yêu thích, và dịch trực tiếp chúng từ nguyên tác tiếng Nhật. Chương trình làm việc này có chín người tham gia, tất cả đều là cựu sinh viên du học tại Nhật trong thập niên 1960 và hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Các tác phẩm trong tuyển tập được sắp xếp theo thứ tự thời gian ra đời của nó. Mở đầu tuyển tập là tùy bút Nước dòng sông Cái (Okawa no mizu), tác phẩm đầu tay viết vào năm 1912 khi ông còn là một sinh viên tay trắng, và kết thúc với tác phẩm Ảo ảnh cuộc đời (Shinkiro) viết vào năm 1927, chỉ mấy tháng trước khi ông uống thuốc ngủ tự vẫn. Bên cạnh phần dịch thuật là hai bài biên khảo, một bài viết về xuất xứ của tác phẩm Sợi tơ nhện (Kumo no ito), một bài giới thiệu về thời đại, thân thế và sự nghiệp văn chương của ông.

Trong quá trình xuất bản tuyển tập này, chúng tôi xin cảm ơn những giúp đỡ tận tình của anh Trần Tiễn Cao Đăng, anh Nguyễn Cảnh Bình - Công ty sách Alpha và sự tận tụy làm việc của chị Hồ Thị Hòa. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn tất cả bạn bè đã khuyến khích và thôi thúc chúng tôi hoàn tất tuyển tập.

Chúng tôi xin đón chờ những chỉ bảo vàng ngọc của quý độc giả để những lần xuất bản sau được tốt hơn.

*

Tiểu sử Akutagawa Ryunosuke

- 1892(1 tuổi) sinh ở Irifune (Tokyo), trường nam nhà Niihara. Mẹ phát cuồng, về làm con nuôi cho cậu là Akutagawa Michiaki, một văn nhân.

- 1898 (7 tuổi) học tiểu học. Học giỏi. Đã biết làm thơ Haiku.

- 1902 (11 tuổi) mẹ ruột chết. Cùng bạn đồng lứa lập tạp chí văn chương. Thích đọc các tác giả Nhật Bản thời Edo (Chikamatsu, Bakin, Ikku, Sanba), thời hiện đại (Koyo, Rohan, Ichiyo, Ogai) và truyện Trung Quốc (Tây du, Thủy hử).

- 1910 (19 tuổi) tốt nghiệp trung học với bằng khen. Nhập học văn khoa trường Ikko (Dự bị đại học). Quen biết với Kume Masao, Kikuchi Kan, Yamamoto Yuzo… những bạn đồng song và chung chí hướng.

- 1911 (20 tuổi) nội trú ở cư xá Hongo trường Đại học Đông Kinh. Nổi tiếng thông minh. Làm quen với tác phẩm của Auguste Strindberg, Anatole France, Henri Louis Bergson, Rudolf Eucken.

- 1912 (21 tuổi) viết tùy bút Nước dòng sông Cái (Okawa no mi zu)

- 1913 (22 tuổi) tốt nghiệp Ikko đứng thứ hai trong số hai mươi bẩy người. Vào khoa Anh và nuôi mộng sáng tác.

- 1914 (23 tuổi) cùng với các bạn Kume, Kikuchi, Yamamoto… tái bản (lần thứ 3) tạp chí Shinshicho. Ra mắt Tuổi già (Ronen) và vở kịch Tuổi xuân và cái chết (Seinen to shi).

- 1915 (24 tuổi) viết Mặt nạ hyottokon[1] (Hyottoko), cho đăng Cổng Rashomon (Rashomon). Gặp gỡ Natsume Soseki, từ đó hay lui tới học hỏi.

- 1916 (25 tuổi) tái bản (lần thứ 4) tạp chí Shinshicho. Cho đăng Cái mũi (Hana). Viết luận văn tốt nghiệp về William Morris, đỗ hạng hai trên hai mươi người. Trong năm, lần lượt đăng tải đó đây Cháo khoai (Imogayu), Chiếc mùi soa (Hankechi), Địa ngục cô độc (Kodoku Jigoku), Cha (Chichi), Chấy rận (Shirami), Hy vọng (Kibo), Sâu rượu (Sake no mushi), Con nộm Noroma[2] (Noroma Ningyo), Khỉ (Saru), Căng buồm (Shuppan), Thuốc lá và con quỷ (Tabako to Akuma), Cái ống điếu (Kiseru).

- 1917 (26 tuổi) cho ra đời tập truyện ngắn đầu tiên Cổng Rashomon (Rashomon), và tập thứ hai mang tên Thuốc lá và con quỷ (Tabako to Akuma). Cùng năm, cho in Bản tường trình của Ogata Ryosai (Ogata Ryosai oboegaki), Số mệnh (Un), Hỏi đạo tổ sư (Doso Mondo), Trung nghĩa (Chugi), Ghi chép về một đám tang (Sogiki), Bọn đạo tặc (Chuto), Người Do Thái lang thang (Samayoeru Yudajin), Một ngày kia trong đời O-ishi Kuranosuke (Aruhi no O-ishi Kuranosuke), Hứng sáng tác (Gesaku Zammai).

- 1918 (27 tuổi), đầu năm, cưới cô Tsukamoto Fumi. Định cư ở Kamakura, viết cho nhật báo Osaka Mainichi. Theo học haiku với Takahama Kyoshi (1874 -1959), truyền nhân của Masaoka Shiki (1867 -1902). Cùng năm ấy, đăng Tướng Tây Hương Long Thịnh (Saigo Takamori), Truyện đầu rơi (Kubi ga ochiru hanashi), Truyện về gã Yonosuke (Yonosuke no hanashi), Lòng đã trót yêu (Kesa to Morito), Địa ngục trước mắt (Jigokuhen), Sợi tơ nhện (Kumo no ito), Án mạng thời mới mở mang (Kaika no satsujin), Cái chết của một con chiên (Hokyonin no shi), Cánh đồng khô (Karenosho), Tị Tông môn (Jashumon).

- 1919 (28 tuổi) cho ra mắt tập truyện ngắn thứ ba, Thầy tuồng múa rối (Kairai - shi). Thôi làm giáo viên Anh văn ở trường hải quân, ông chính thức làm cho báo Osaka Mainichi nhưng không đến sở hàng ngày mà chỉ đăng độc quyền mỗi năm một số truyện. Bố đẻ - Niihara Toshizo mất, ông bỏ Kamakura dọn trở về nhà cũ vùng Tabata ở Tokyo, viết Hang quỷ đói (Gakikutsu). Năm này, tháp tùng Kikuchi Kan đi Nagasaki chơi nên chuyển qua những đề tài liên quan đến giai đoạn người ngoại quốc vừa tới Nhật. Viết Thầy Mori (Mori sensei), Tôi hồi đó (Ano koro no jibun no koto), Truyện thánh Christopher (Kirishitohoro shoninden), Những chuyện tôi đã gặp: mấy trái quýt, bãi lầy (Watakushi ga deatta koto: mikan, numachi), Trên đường (Rojo), Con mụ phù thủy (Yoba). Thêm tập phê bình Nghệ thuật và những vấn đề khác (Geijutsu to sonota).

- 1920 (29 tuổi) Ra tập truyện thứ tư Đèn kéo quân (Kagedoro). Sinh trưởng nam Hiroshi (phiên âm Kan của tên bạn Kikuchi Kan đặt cho con). Viết Cậu bé thợ săn Jirokichi (Rokozo Jirokichi), Tiệc khiêu vũ (Butokai), Niềm tin (Bisei no shin), Mùa thu (Aki), Thánh mẫu áo đen (Kokui Seibo), Chúa Kito ở Nam Kinh (Nankin no Kito), Cậu bé Đồ Tử Xuân (Toshishun), Bóng (Kage), Nàng O-Ritsu cùng lũ con (O-Ritsu to kodomo to).

- 1921 (30 tuổi) Ra tập truyện thứ tư Hoa nở về đêm (Yarai no hana). Cho ra mắt Bức họa núi thu (Shuzanzu), Cuộn tranh vẽ kiếp lai sinh (Ojo emaki), Thượng Hải du ký (Shanghai yuki), Mẹ (Haha), Đa tình (Koshoku).

- 1922 (31 tuổi) lại đi thăm Nagasaki. Tháng năm, cho ra tập tùy bút Điểm tâm (Tenshin), tháng tám, tuyển tập Hoa thiêng Shara[3] (Shara no hana), tháng mười một tập tiểu thuyết trung biên Tà Tông môn (Jashumon), coi như là phần tiếp theo của Jigokuhen. Sinh Takashi, con trai thứ. Lúc bấy giờ, sức khỏe của ông bắt đầu kém, có triệu chứng suy nhược thần kinh, thêm suy tim, rối loạn tiêu hóa vì lạm dụng thuốc ngủ. Khoảng thời gian này, viết Sư Tuấn Khoan (Shunkan); Bốn bề bờ bụi (Yabu no naka), Tướng quân (Shogun), Chiếc xe goòng (Torokko), Một truyện đền ơn (Ho - onki), Bà chúa Sáu (Roxu no miya no himegimi), Chợ cá (Uogashi), Trinh tiết (O - Tomi no Teiso), Hoa loa kèn (Yuri).

- 1923 (32 tuổi) cho đăng liên tiếp Lời phát biểu của một người hèn kém (Shuju no kotoba) trên Đungei Shunju. Tháng năm, cho ra mắt tập truyện thứ sáu nhan đề Áo Tết (Shunfuku). Quen biết với vợ chồng Okamoto Kanoko và Hori Tatsuo, cả hai sau đều là nhà văn có tiếng. Đi thăm Kyoto và viết B à à à à (Obabababa), rồi. Ba vật báu (Mitsu no Takara), Mấy con nộm (Hina), Trích sổ tay của Yasukichi (Yasukichi no techo kara), Bệnh của con (Kodomo no byoki), Cúi chào (Ojigi).

- 1924 (33 tuổi) Ra mắt tập truyện thứ bảy Gió Đông Nam (Kojakuhi). Biên tập sách nói về Văn chương Anh hiện đại (The modem series of Engỉish Literature) mất tám tháng ròng.

Ra tập tùy bút thứ hai Tạp thảo (Momokusa). Người chú chết, cậu em vợ thổ huyết, gây xúc động mạnh. Sức khỏe suy yếu dần. Trong năm viết Lời nhắn của cô dệt cửi (Itome oboegaki), Cục đất (Ikkai no tsuchi), Hòn đảo kỳ lạ (Fushigina shima), Cậu bé (Shonen), Cái lạnh (Samusa), Cuốn tiểu thuyết ái tình (Am ren - ai shosetsu).

- 1925 (34 tuổi) Ra mắt Tuyển tập Akutagawa Ryunosuke. Con trai thứ ba Yasushi ra đời. Phát hành Chuyến đi Trung Quốc (Shina Yuki) và sáng tác Thời trẻ của Shinsuke chùa Daidoji (Daidoji Shinsuke no hansei), Chân ngựa (Uma no kyaku), Tin tức từ trạm suối nước nóng (Onsendayori), Bên bờ biển (Umi no hotori). Có làm vài bài thơ nhưng vào thời điểm này, không những sức khỏe suy sụp mà hứng sáng tác cũng có vẻ cạn.

- 1926 (35 tuổi) Lại rối loạn tiêu hóa, suy nhược thần kinh phải lên suối nước nóng nghỉ ngơi. Cho phát hành tập tùy bút Ngựa, hoa mơ và chim cuốc (Ưma, ume, hototogisu). Đăng Cây quạt Hồ Nam (Konan no uchiwa), Một ngày cuối năm (Nenmatsu no ichinichi), Người đất Việt (Etsubito) (gồm 25 bài thơ đối đáp), Nhớ chuyện xưa (Tsui - oku), Đêm xuân (Ham no yo), Sổ điểm danh những người đã khuất (Tenkibo), di cảo Điềm gở (Kyo).

- 1927 (36 tuổi) về lại Tabata. Người anh vợ tên Nishikawa Yutaka tự sát sau khi đốt nhà, để lại một món nợ to, ông phải chạy đông chạy tây lo thanh toán. Bút chiến với Tanizaki Jun - ichiro chung quanh quan điểm nghệ thuật. Tập truyện thứ tám nhan đề Cây quạt Hồ Nam (Konan no Uchiwa) là tập truyện cuối cùng. Đêm 24 tháng 7 uống hai liều thuốc ngủ rất nặng, tự sát. Bên gối có đặt quyển Thánh Kinh. Để lại nhiều di thư cho thân nhân và bè bạn, trong đó có Thư gởi một người bạn cũ (Aru kyuyu e okuru tegami) viết cho Kume Masao. Ngày 27, đàn anh như Izumi Kyoka, bạn đồng lứa như Kikuchi Kan, lớp sau như Kojima Seijiro chung sức tổ chức tang lễ. Tác phẩm phát hành trước khi chết có Sơn trang Genkaku (Genkaku sobo), Ảo ảnh cuộc đời (Shinkiro), Hắn (Kare), Lại hắn (Kare daini), Biệt thự an nhàn (Yuyu - so), Xã hội thủy quái Kappa (Kappa), Dụ dỗ (Yuwaku), Nỗi u sầu của Taneko (Taneko no yu - utsu), Guồng máy - Chương đầu (Haguruma dai issho), Ba cánh cửa sổ (Mitsu no mado). Các di cảo được in trong năm gồm Hỏi và đáp trong bóng tối (Anchu mondo), tiếp đó là Lời phát biểu của một người dốt nát (Shuju no kotoba), Guồng máy (Haguruma), Đời một chú ngốc (Aru aho no issho), Người phương Tây (Seiho no hito) và Tục biên - Người phương Tây (Shoku Seiho no hito).

Tháng mười một, Toàn tập Akutagawa Ryunosuke gồm tám tập ra đời. Ngoài các tập luận thuyết văn học thì tùy bút cũng như các thi tập (mà ông viết với bút hiệu thơ Trừng Giang Đường) cũng được in lại.

Nguyễn Nam Trân

Chú thích:

[1] Mặt nạ có mõm chu chu như người đang thổi lửa. Mang lúc nhảy múa làm trò.

[2] Con nộm múa rối mà thầy tuồng Noromatsu Kampei dùng để diễn lần đầu năm 1670 ở Edo (Tokyo bây giờ).

[3] Trong kinh Phật, hoa này mọc ở vườn Kỳ Viên bên Thiên Trúc.