Chương 1

như hoa lá cỏ cây, như sương đêm, như mưa nhỏ... hàng ngày ở nông thôn. Trong sự chất phác ẩn tàng những điều kỳ diệu, trong những tiếng cười lấp lánh những thanh đao...

T

huở ấy tôi vẫn còn là một đứa trẻ con.

Thuở ấy tôi là đứa trẻ con hiếu động và nghịch ngợm nhất trong làng.

Thuở ấy, tôi còn là một đứa trẻ con bị người trong làng ghét nhất.

Điều làm người ta ghét đứa trẻ con ấy nhất là nó không hề ý thức được rằng người ta đang ghét nó. Chỗ nào có chuyện vui là nó có mặt; chẳng kể là ai đó nói một câu gì đó, nó đều dỏng tai lên nghe; cho dù có hiểu hay không hiểu, nó đều ngoác miệng xen vào. Nghe được bất kỳ câu gì, là nó ba chân bốn cẳng chạy khắp làng để tuyên truyền. Gặp người lớn nó nói lại với người lớn, gặp trẻ con nó kể lại với trẻ con; nếu không gặp người lớn hoặc trẻ con thì nó tự nói với chính mình; dường như nếu không nói ra ngoài được mà để trong bụng thì bụng nó sẽ nổ tung ra. Trong thâm tâm, lúc nào nó cũng cho rằng người ta rất thích nó và để làm cho mọi người vui vẻ, nó sẵn sàng làm không biết bao nhiêu là chuyện hoang đường.

Đơn cử một chuyện này. Một buổi trưa nọ, những người nhàn nhã trong làng đang tụ tập dưới bóng cây liễu bên bờ ao đánh tú lơ khơ, tôi mon men đến gần. Để cho mọi người chú ý, như một con mèo, tôi trèo lên cây, ẩn mình trong vòm lá rậm bắt chước tiếng con chim cu gáy lên mấy tràng. Cúc cù cu đến mấy lần mà chẳng có ai quan tâm, tôi cảm thấy cụt hứng bèn từ trên cao nhìn xuống theo dõi cục diện ván bài. Theo dõi một hồi lâu, miệng tôi cảm thấy ngứa ngáy, gào lên : Ông Trương Tam đã bắt được lá bài Đại Vương! Trương Tam ngẩng mặt lên chửi : La Hán! Mày muốn chết à? Khi Lý Tứ bắt được lá Tiểu Vương, tôi cũng không chịu nổi, gào lên : Ông Lý Tứ có trong tay lá Tiểu Vương! Lý Tứ quát : Nếu ngứa miệng thì mày hãy cạ vào vỏ cây cho đỡ ngứa! Nhưng miệng tôi vẫn không chịu khép lại khiến mọi người nổi xung, đồng loạt chửi lên. Họ ở dưới chửi vọng lên, tôi ở trên cao chửi xuống, cuối cùng họ không chịu nổi nữa, bỏ dở ván bài, hè nhau đi tìm gạch đá, đứng thành một hàng rồi nhắm thẳng lùm cây ném lên. Ban đầu tôi cứ nghĩ là họ hù dọa mình, nhưng rồi một viên gạch đã đập thẳng vào đầu tôi. Một tiếng "bộp" vang lên, mắt tôi nẩy đầy sao, may mà hai tay đang ôm một cành cây lớn mới không bị rơi xuống đất. Lúc này tôi mới hiểu là họ chẳng đùa với mình. Để tránh những viên gạch, tôi nhắm đầu ngọn cây bò lên. Tới đầu ngọn cây, tay tôi chộp phải một cành cây khô và thế là cả người lẫn cành rơi thẳng xuống ao đánh bùm thật to, nước bắn lên bốn phía tung tóe. Mọi người cười rộ lên. Đã có thể làm cho họ cười được rồi! Tôi cao hứng vô cùng. Họ đã cười có nghĩa là họ không ghét tôi nữa rồi, cho dù máu đang râm rấp thảy ra trên đầu, cho dù toàn thân đầy bùn nhão. Khi bò lên khỏi ao với thân thể thẳng khác nào con khỉ tắm bùn, tôi mơ mơ hồ hồ ý thức được rằng, thực ra là tôi cố ý chụp vào cành liễu khô và rơi xuống để làm cho mọi người chú ý, để thu được tiếng cười, để làm cho mọi người vui. Đầu tôi hơi choáng và hình như có mấy con vật nho nhỏ nóng hôi hổi đang bò từ trên đỉnh đầu xuống mặt tôi. Mọi người nhìn tôi, tôi nhìn mọi người và phát hiện trên mặt họ có biểu hiện của sự kinh ngạc lẫn sợ hãi. Khi tôi xiêu xiêu vẹo vẹo đứng tựa vào gốc liễu, có một người trong số ấy kêu lên : Không xong rồi! Thằng bé này chết mất! - Mọi người đứng ngây người một lát rồi vội vàng giải tán, nhanh như gió. Tôi cảm thấy buồn bực vô cùng, dựa vào gốc liễu và mơ mơ màng màng đi vào giấc ngủ...

Khi tôi tỉnh dậy thì đã thấy một đám đông đang tụ tập quanh mình. Người chú họ đang giữ chức đội trưởng sản xuất có gương mặt rỗ chằng rỗ chịt xốc nách tôi đứng lên : La Hán! - ông ấy gọi tên tôi - Mày ở đây làm gì? Đầu mày tại sao lại bị thương? Trông bộ dạng mày kìa, đẹp mặt chưa! Mẹ mày gào khản cổ họng, cả thế giới đều nghe tên mày, mày lại ở đây làm trò quỷ. Cút xéo, về nhà ngay!

Đứng dưới nắng chiều lấp lóa, tôi cảm thấy đầu mình hơi choáng nhưng vẫn nghe rõ tiếng quát của chú Mặt Rỗ :

- Rửa sạch bùn và máu trên người đi!

Nghe lời chú, tôi đứng trên bờ ao khoát nước rửa mặt mũi tay chân. Nước lạnh thấm vào vết thương trên đầu, hơi rát nhưng không đau lắm. Lúc ấy, ông Đỗ - người chuyên chăm sóc trâu của đội sản xuất dắt ba con trâu đi đến và thì thào với chúng : Trâu ơi, đi thôi! Sợ cũng chẳng tránh được đâu. Đời trâu chúng mày chạy đằng trời cũng không thoát chuyện bị thiến!

Ba con trâu này đều chưa xỏ mũi, đang ngẩng cao đầu trong nắng cưỡng lại sợi dây buộc trên sừng nối với tay ông Đỗ. Chúng đều là bạn tôi. Những ngày mùa đông thức ăn khan hiếm của năm ngoái, tôi và ông Đỗ thường dắt chúng thả rông trên những đồng cỏ đã bị vùi trong tuyết. Giống như những con trâu được sinh ra trên vùng tuyết phủ chiếm một nửa thời gian trong năm, chúng đã học được cách dùng chân cào tuyết để kiếm những cọng cỏ vàng úa bị vùi lấp trong đó từ loài trâu Mông Cổ. Lúc ấy chúng còn bé lắm, không ngờ chỉ không đầy một năm mà chúng đã lớn đến ngần này. Tất cả đều là trâu đực, trong đó có hai con gốc loài trâu Lỗ Tây giống nhau như hai anh em sinh đôi, đều có bộ lông vàng và chiếc mõm trắng. Còn con có màu lông đỏ rực như lửa kia là kết quả của sự phối giống giữa con trâu nái Mông Cổ có chiếc đuôi cong vẹo và trâu đực bản địa, trên lưng có hai đường gờ nhô lên trông như hai chiếc sống lưng, tôi đặt tên cho nó là Song Tích. Song Tích rất lưu manh, mùa đông năm ngoái, lúc gặm cỏ bên bờ sông, nó cứ lì lợm trèo lên lưng con trâu nái Mông Cổ mẹ nó. Ông Đỗ rất khinh thường Song Tích, cho rằng nó trèo lên lưng mẹ chẳng qua là trò đùa vui, nhưng ngay lập tức ông ấy đã phát hiện ra rằng, Song Tích đã có thể làm chuyện loạn luân nên vội vàng dùng dây thừng trói chặt hai chân trước của nó. Nhưng trói chặt cũng chẳng ngăn được Song Tích chồm lên lưng những con trâu nái khác, kể cả mẹ nó. Ông Đỗ vẫn thường nói : La ngựa là loài động vật quân tử, còn trâu dê thì chẳng bao giờ biết đến mẹ là ai!

- Ông Đỗ, mau lên một tí có được không? - Chú Mặt Rỗ quát lớn - Chậm như rùa, để đồng chí Đổng chờ quá lâu rồi đó!

Đứng bên cạnh bức tường rào nhà Tiểu Quý, lão Đổng phì phèo nhả thuốc lá, nói :

- Không sao, không sao! Chẳng có gì mà phải vội vàng!

Lão Đổng là nhân viên ở trạm thú y công xã, vóc người to lớn mặt đen sì, môi thâm xịt, mắt sâu, đeo kính đen, lưng cong như lưng tôm. Lão này là tay nghiện thuốc lá hạng nặng, đốt hết điếu này là nối điếu khác, ho khùng khục và nhố đờm xoành xoạch, mấy ngón tay trên bàn tay phải đen sì khói thuốc bám. Hai ngón tay kẹp điếu thuốc của lão cực kỳ điệu nghệ, chẳng khác những ngón tay của những diễn viên ca kịch. Sau này lớn lên, cách kẹp điếu thuốc của tôi là học từ lão đồng chí Đổng này.

Chú Mặt Rỗ đi vòng ra phía sau ba con trâu, đấm hai đấm vào hai con trâu Lỗ Tây, đá một đá vào con Song Tích. Cả ba chồm về phía trước mấy bước, đứng dưới gốc cây liễu.

Ông Đỗ bị chúng lôi đi xềnh xệch, kêu lên oai oái :

- Làm ăn kiểu gì lạ thế?

Chú Mặt Rỗ gằn giọng :

- Ông kêu gào cái gì? Tôi đã bảo ông dắt trâu đến thật sớm kia mà !

Lão Đổng đứng dậy, nói :

- Vội gì, vội gì. Chỉ mấy phút là xong thôi.

- Cái gì, chỉ mấy phút thôi à? Ông bảo chỉ có mấy phút mà thiến xong ba con trâu à? - ông Đỗ lắc lắc cái đầu trọc lóc, đôi mắt trợn tròn - Lão đồng chí Đổng, tôi đã chứng kiến tận mắt người ta thiến trâu như thế nào rồi đấy!

Lão Đổng ngậm thuốc lá đi vòng ra sau gốc liễu, vạch quần đái tong tỏng xuống ao. Tiếng nước vừa dứt đã thấy lão quay trở lại, khuỳnh hai thân vén ống quần, xoa tay hỏi :

- Ông thấy thiến trâu từ bao giờ?

- Trước giải phóng... Hồi ấy người ta dùng một sợi dây thắt chặt dái trâu để cho các mạch máu không lưu thông nữa, kê dưới dái trâu một hòn đá to, sau đó dùng một chiếc chày gỗ đàn hương đập nhẹ cho đến khi hòn dái nát nhuyễn. Thiến được một con phải mất cả buổi sáng, con trâu nào cũng phải trợn tròn mắt trắng, chắc là đau lắm.

Lão Đổng phun mẩu thuốc lá bay đánh vèo, nói một cách khinh thường :

- Cái cách thiến dã man ấy đã bị chúng tôi bỏ lâu rồi. Xã hội cũ, người chịu tội, trâu cũng phải chịu tội như người.

- Quá đúng! Xã hội mới, người hưởng phúc trâu cũng hưởng phúc! - Chú Mặt Rỗ chêm vào.

Ông Đỗ trầm giọng nói :

- Nhưng xã hội cũ không hề nghe đến chuyện thiến dái người, xã hội mới lại có chuyện này...

- Ông Đỗ! Có lẽ ông thấy mình sống đã quá đủ rồi chăng? - Chú Mặt Rỗ gầm lên - Về nhà tìm chiếc dây thừng mà treo cổ đi, đừng đứng đây tuyên truyền xằng bậy!

Ông Đỗ khom người, đôi mắt kèm nhèm nhấp nháy, lắp bắp :

- Tôi đã nói gì nhỉ? Tôi chẳng nói gì cả...

Lão Đổng đưa tay lên xem đồng hồ, nói :

- Bắt đầu! Lão Quản, ông hãy cầm chiếc đồng hồ này để xem tôi thiến một con hết bao nhiêu thời gian.

Nói xong, lão cởi chiếc đồng hồ đưa cho chú Mặt Rỗ, vén ống tay áo, rút chặt thắt lưng rồi moi trong túi ra một con dao nhỏ hình lá liễu sáng lấp lánh dưới nắng. Tiếp theo, lão lôi từ trong túi quần ra một lọ thủy tỉnh nhỏ màu đỏ, mở nắp rồi nhón một miếng bông tẩm cồn xoa nhẹ lên lưỡi dao và mấy ngón tay rồi vất xuống đất. Ngay lập tức, nó đã được Đào Thất - một người đến xem thiến trâu nhặt lên và xoa vào những vết thương lở loét trên chân.

- Lão Quản, bắt đầu thôi! - Lão Đổng nói.

Chú Mặt Rỗ đưa chiếc đồng hồ lên sát lỗ tai nghiêng đầu nghe ngóng, gương mặt vô cùng nghiêm trang. Tôi chạy đến trước mặt chú, trong lúc thú chưa kịp phản ứng vì không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi nhảy chồm lên và đoạt lấy chiếc đồng hồ, la lớn :

- Cho cháu nghe một tí!

Tôi vừa đưa chiếc đồng hồ lên tai nhưng thưa kịp nghe thấy gì tay tôi đã bị chú Mặt Rỗ chộp lấy và giật chiếc đồng hồ lại, thuận tay chú còn giáng vào đầu tôi một cú thật mạnh.

- Cái thằng ngỗ nghịch này, sao mày lại dám đụng tới đồng hồ của đồng chí Đổng? - Giọng chú hết sức giận dữ - Sao mày lại thích làm phiền người khác thế nhỉ?

Vừa chửi, chú vừa tiếp tục giáng vào mặt tôi một bạt tai nữa, nhưng tôi lại thấy mãn nguyện vô cùng mặc dù mặt tôi bỏng rát. Cuối cùng thì tôi cũng đã sờ được vào chiếc đồng hồ của đồng chí Đổng, không chỉ sờ mà tôi còn đặt nó bên tai để nghe và hình như tôi đã nghe được một âm thanh nào đó.

Lão Đổng bảo ông Đỗ đưa dây thừng buộc hai trong số ba con trâu cho người khác giữ hộ. Ông Đỗ nghe lời, đưa sợi dây buộc con Song Tích và con Lỗ Tây lớn cho hai người đứng bên cạnh, trong tay ông ta chỉ còn dây buộc con Lỗ Tây nhỏ.

Lão Đổng hạ thấp giọng - một chất giọng không phải người vùng này, nói :

- Tốt rồi, bây giờ ông đừng quan tâm đến tôi, chỉ cần ông dắt nó đi thẳng về phía trước.

Ông Đỗ làm đúng như lời của lão, miệng làu bàu gì đó nhưng không ai nghe rõ ông ta nói gì.

- Lão Quản, khi ông thấy tôi cúi xuống là phải nhìn đồng hồ nhé. Khi tôi chưa cúi xuống, ông không được nhìn đâu đấy! - Lão Đổng nói với chú Mặt Rỗ.

Chú Mặt Rỗ có vẻ lúng túng :

- Đồng chí Đổng à, không giấu gì ông, tôi không biết xem đồng hồ...

Lão Đổng đành phải bước về phía chú Mặt Rỗ để dạy cho chú cách xem đồng hồ. Tôi nghe lão nói : ông cứ nhìn cây kim nhỏ có đầu màu đỏ này, nó chạy đúng một vòng là một phút.

Lúc này, ông Đỗ đã dắt con Lỗ Tây nhỏ quay trở lại. Lão Đổng nói :

- Dắt nó quay lại và đi tiếp đi! Ông chỉ có việc dắt nó đi thẳng, tôi chưa bảo ông quay đầu lại thì chớ có mà quay đầu.

- Nếu tôi quay đầu thì sao? - ông Đỗ hỏi.

- Ông mà quay đầu lại là máu sẽ tưới đầy mặt ông ngay! - Lão Đổng nói với giọng cực kỳ nham hiểm.

Lúc ấy, nắng chiều rất rực rỡ, lông của con trâu như được bôi một lớp dầu trơn mượt. Ông Đỗ đi trước con trâu, kéo căng dây thừng trong tay như muốn kéo nó đi nhanh thêm một tí, nhưng không hiểu vì sao nó lại dùng dằng không muốn bước. Nó ngước đầu lên, toàn thân đổ về phía sau như muốn bước thụt lùi. Đáng ra nó phải bước về phía trước thật nhanh, bởi nguy hiểm đang rình rập ở phía sau chứ không phải là ở phía trước. Lão Đổng đi cách sau đuôi nó vài ba bước chân còn chứng tôi lục tục kéo theo sau lão với khoảng cách khoảng mười bước, mắt không rời lưng lão một giây. Thình lình chúng tôi nghe lão hô giật giọng :

- Lão Quản, bắt đầu!

Ngay lập tức chúng tôi thấy chiếc lưng cong như lưng tôm gập xuống ngang với sống lưng của con Lỗ Tây nhỏ, hai tay tuồn vào giữa hai đùi của nó. Chúng tôi không thể thấy đôi tay giữa hai đùi ấy đang làm gì nhưng chúng tôi biết đôi tay ấy đang làm gì. Chúng tôi thấy sống lưng lão chuyển động nhưng chúng tôi lại không hiểu vì sao con Lỗ Tây nhỏ lại không chạy được về phía trước mấy bước. Chúng tôi còn nghe nó kêu lên đau đớn nhưng lại không hiểu vì sao nó lại không tung đôi vó sau lên để đá lão Đổng văng ra. Kể lại thì chậm nhưng mọi việc diễn ra vô cùng nhanh, thỉ một loáng lão Đổng đã đứng thẳng dậy, một hòn dái trâu đã nằm lăn lóc run rẩy trên đất, một hòn nữa đang nằm trong tay lão. Miệng lão Đổng đang kẹp con dao lá liễu, như bị nghẹt mũi, lão nói :

- Lão Quản, xong rồi!

- Không hết ba vòng, thôi thì cứ cho là ba vòng! - Chú Mặt Rỗ nói.

Đôi mắt của chú Mặt Rỗ chỉ dán vào chiếc kim đồng hồ, không hề nhìn thấy những tuyệt chiêu của lão Đổng đã thi thố để cắt dái con Lỗ Tây. Lúc này chú mới ngước mắt lên, hỏi :

- Thế nào, xong rồi à? - Nhưng ngay lập tức chú dã nhìn thấy cái gì nằm dưới đất và trên tay lão Đổng, bèn kinh sợ la lên - Trời ơi! Chỉ không đầy ba phút mà ông đã thiến xong một con trâu! Đồng chí Đổng, ông đúng còn lợi hại hơn cả Ngưu Ma Vương!

Ông Đỗ đi vòng ra phía sau con Lỗ Tây nhỏ, nhìn chăm chăm vào chỗ trống không giữa hai đùi của nó. Máu tươi đang nhỏ giọt từ mảnh da nhăn nheo còn sót lại. Hình như ông Đỗ đã nhận ra chỗ sai sót của lão Đổng, bèn nói :

- Đồng chí Đổng, ông phải khâu vết thương lại chứ?

- Nếu các ông cần khâu, tôi sẽ làm một loáng là xong - Lão Đổng nói - Nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, khâu lại không bằng cứ để nguyên như thế.

- Ông Đỗ! Ông nói nhăng nói cuội gì thế? Đồng chí Đổng của chúng ta đã tốt nghiệp đại học thú y, cả đời chỉ nghiên cứu mỗi công việc thiến trâu. Câu này nói ra có vẻ khó nghe nhưng cũng phải nói là, số dái trâu mà đồng chí Đổng đã lấy được còn nhiều hơn cả số trứng gà mà ông đã ăn bao nhiêu năm nay rồi đó!

- Lão Quản, ông thích nói phóng đại quá rồi đấy. Có lẽ ông cũng chẳng khác nào Lý Bạch khi nói rằng “Hoa tuyết Yên Sơn to như tấm chiếu” rồi!

Vừa nói lão vừa dùng ngón tay đẩy gọng kính lên cao rồi cẩn thận nhặt hòn dái nằm dưới đất lên, đặt xuống bên gốc cây liễu, nói :

- Ông Đỗ, tiếp tục dắt con khác lại đây!

Ông Đỗ đưa dây thừng buộc con Lỗ Tây nhỏ cho người đứng bên cạnh rồi quay sang cầm lấy sợi dây buộc con Lỗ Tây lớn kéo đi. Đôi mắt ông Đỗ chăm chăm nhìn vào mắt lão Đổng, còn lão thì hất hàm ra hiệu cho ông Đỗ cứ dắt trâu đi về phía trước. Giống như con Lỗ Tây nhỏ, con Lỗ Tây lớn này không hề tự nguyện khi bị dắt đi, tôi cảm thấy lo lắng thay cho nó. Lỗ Tây lớn, tại sao mày không chạy biến đi? Lẽ nào mày không trông thấy tình cảnh của em mày hay sao? Lão Đổng chẳng nói chẳng rằng khom người cúi xuống, chú Mặt Rỗ cũng chẳng nhìn đồng hồ nữa mà đôi mắt dán vào đôi bàn tay lão Đổng. Đôi chân của tất cả mọi người đều bước theo một cách vô thức. Chỉ chớp mắt, một hòn dái màu trắng đục rơi xuống đất, tiếp theo là một hòn nữa - vẫn nằm trên tay lão Đổng, miệng lão vẫn kẹp con dao lá liễu. Chú Mặt Rỗ vỗ đùi kêu lớn :

- Đồng chí Đổng, tôi bái phục ông! Đ. mẹ, khẩu phục tâm phục luôn! Ngón này của ông còn độc hơn cả chiêu "Dưới lá trộm đào" của con khỉ họ Tôn ngày xưa!

Lão Đổng cầm hai hòn dái của Lỗ Tây lớn đi đến gốc cây liễu và đặt xuống bên cạnh hai hòn dái của Lỗ Tây nhỏ rồi quay người lại, dùng ngón tay đầy máu đẩy gọng kính râm trên sống mũi lên, hất hàm có ý bảo ông Đỗ dắt con Song Tích đến. Đôi mắt ông Đỗ lấm lét đến độ thảm hại nhìn thú Mặt Rỗ, hỏi nhỏ :

- Đội trưởng, lẽ nào không lưu lại một con để làm giống sao?

- Giống má cái quái gì! - Chú Mặt Rỗ gằn giọng - Tôi đã dặn đi dặn lại các người rằng hãy chú ý đến nó, nhưng các người đã làm được gì nào? E rằng trong bụng các con trâu cái của toàn đội đã mang phái giống của loài tạp chủng này rồi!

Lão Đổng lấy lưỡi dao ra khỏi hàm răng, hoảng hốt hỏi gằn :

- Cái gì? Con này đã làm chuyện ấy với trâu cái rồi à?

Đây là dịp để tôi ngoác mồm chen vào câu chuyện của họ :

- Ba mươi con trâu cái trong đội đều đã bị nó nhảy lên lưng làm chuyện bậy bạ, ngay cả mẹ nó cũng không thoát...

- Cái thằng này, mày đang đánh rắm thối hoắc ra đấy! - Câu nói của tôi bị tiếng quát của ông Đỗ cắt ngang - Mày đã biết trâu cái đái ở chỗ nào đâu mà nói lung tung!

- Chính mắt tôi trông thấy nó nhảy lên lưng toàn bộ trâu cái trong đội - Tôi gân cổ cãi - Chuyện này chỉ có tôi mới có quyền phát ngôn. Ông Đỗ chỉ thấy có một lần Song Tích nhảy lên lưng mẹ nó nên nghĩ rằng cột chân nó lại là xong, rồi sai tôi coi trâu để ông ấy nằm trùm áo da dê ngủ trên bờ mương. Mọi chuyện chỉ có mình tôi trông thấy. Lỗ Tây lớn và Lỗ Tây nhỏ cũng rất muốn làm chuyện bậy bạ nhưng chẳng ra làm sao cả vì cái của ấy của chúng chỉ lớn hơn quả ớt nên vừa nhảy lên lưng bọn trâu cái thì đã bị bọn này quay lại húc cho nhừ tử. Song Tích thì không tệ như thế. Nó giả vờ như chăm chú gặm cỏ và mò mẫm đến gần bọn trâu cái, xem thấy vừa đúng tầm là dựng đứng người lên rồi đổ ập xuống lưng bọn trâu cái từ phía sau. Tôi đã dùng roi đánh liên tục vào mông nó nhưng nó có bao giờ chịu xuống đâu...

Tôi đang say sưa khua môi múa mép thì một tiếng gầm giận dữ của chú Mặt Rỗ đã vang lên bên tai. Hình như đất đang nứt toác dưới chân tôi....

Tôi vừa húng hắng ho, vừa liếc nhìn gương mặt rỗ chằng rỗ chịt tái xanh của chú. Đôi mắt chú cũng đang nhìn vào tôi và trong cái nhìn ấy, tôi nhận ra hàng nghìn quả chùy nặng nghìn cân vùn vụt lao về phía mình.

- Nhà họ Quản của tao bao đời tích đức hành thiện, sao lại chui ra cái giống trời ơi đất hỡi như mày kia chứ?

Một cú tát như trời giáng đập vào mặt khiến tôi văng sang một bên. Chẳng nói gì thêm, chú Mặt Rỗ quay người đi, quát ông Đỗ :

- Dắt trâu đi về phía trước đi, nhanh lên!

Lão Đổng vội vàng nói :

- Gượm đã, để tôi xem qua một tí!

Nói xong, lão thò tay vào giữa hai đùi con Song Tích mân mê hồi lâu. Song Tích rướn thân hình về phía trước và chân sau của nó vung lên đập thẳng vào đầu gối lão Đổng. Lão kêu lên thê thảm, chiếc mông nặng nề rơi bịch xuống đất.

Chú Mặt Rỗ vội vàng chạy đến đỡ lão đứng dậy, lo lắng hỏi :

- Đồng thí Đổng, có bị làm sao không?

- Không sao, không sao! - Lão Đổng cúi người xoa nắn đầu gối nói.

Ông Đỗ đập tay thật mạnh vào lưng con Song Tích, vừa cười vừa chửi :

- Đồ tạp chủng! Sao mày lại dám đá đồng chí Đổng? Tao e rằng mày đã sống đủ kiếp trâu của mày rồi đấy.

Lão Đổng nhảy lò cò thẳng vào nhà Tiểu Quý, ngồi xuống vừa thở vừa nói :

- Lão Quản à, con trâu này không thể thiến được rồi.

- Sao lại không thiến được?

- Nó giao phối quá nhiều khiến mạch máu bên trong nở to ra rồi, thiến thì được nhưng e là máu không cầm đâu.

- Ông nghe thằng nhóc ấy nói bậy nói bạ làm gì. Con trâu này còn bé tẹo, so với hai con trước còn non hơn cả mấy tháng...

Lão Đổng đưa tay về phía chú Mặt Rỗ, nói :

- Đưa cho tôi!

- Đưa cái gì?

- Đồng hồ !

Chú Mặt Rỗ đưa tay lên, nhìn chiếc đồng hồ, nói :

- Lẽ nào ông nghĩ là tôi sẽ lấy thiếc đồng hồ của ông? Quả là nực cười!

- Tôi không nói là ông lấy đồng hồ rủa tôi.

- Đồng chí Đổng à, mời được ông đến đây không phải dễ dàng, hãy nghe tôi nói. Ở đây chúng tôi thiếu thức ăn cho trâu trầm trọng, cỏ cũng chẳng có. Nếu không như thế, việc gì chúng tôi phải đi chăn thả chúng trong những ngày đông tháng chạp giá rét cho khổ. Nuôi được những con trâu này thật cũng chẳng dễ dàng gì. Trâu là gia súc lớn, là tư liệu sản xuất, cho nên giết trâu là phạm pháp. Giết cũng không được mà nuôi cũng không xong. Năm ngoái tôi đã từng răn đe ông Đỗ rằng, nếu ông ta còn để cho con trâu cái nào có chửa, tôi sẽ trừ công điểm. Ai ngờ ông ta lại để cho toàn bộ trâu cái có chửa hết rồi. Đồng chí Đổng, ông thử nghĩ mà xem, nếu thiến không được con trâu này, đội sản xuất chúng tôi tan hoang mất. Năm ngoái chúng tôi đem ba con trâu nghé vất ngoài chợ, cứ nghĩ là đã vất được ba cục nợ, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến chiều tối chúng lại chạy về. Không chỉ về ba con, mà lại rủ rê thêm hai con nữa, dùng gậy đánh cho tóe máu mông mà chúng chằng chịu bỏ đi cho. Tay phụ trách nuôi trâu dùng gậy đánh trâu lại bị ai đó tố cáo lên đến đảng ủy cách mạng công xã nên bị tập trung học tập cải tạo một tháng ở Miêu Phố. Người ta thường nói, chẳng thà xuống âm ty địa ngục còn hơn là vào Miêu Phố thành Nam - Người ta gán cho hắn cái tội danh phá hoại sản xuất, là phản cách mạng, đánh cho què một thân, bây giờ chỉ biết bò lê trong nhà...

- Được rồi, được rồi! - Lão Đổng ngắt lời chú Mặt Rỗ - Lão Quản, ông đã nói như vậy tôi càng không dám làm. Nếu tôi thiến xong mà con trâu này lăn đùng ra chết, e rằng tôi không tránh được chuyện lao động cải tạo ở Miêu Phố thành Nam đâu!

Nói xong, lão bốc một vốc đất lên xoa máu dính trên tay, đi cà nhắc về phía chiếc xe đạp, mở khóa rồi ngồi lên yên. Chú Mặt Rỗ chạy vù tới, khóa trái lại rồi rút chìa khóa nhét vào túi quần, nói :

- Đồng chí Đổng! Bữa nay ông không thiến con trâu này thì đừng có hòng mà rời khỏi làng này!

Mặt lão Đổng xanh rờn rồi chuyển sang tím tái, lắp bắp :

- Lão họ Quản kia! Ông dám làm như thế với tôi sao?

- Tôi vốn đã từng làm những điều không ai nghĩ tới, ông làm gì được tôi nào? - Chú Mặt Rỗ cười ngạo mạn.

- Ông... đúng là đồ lưu manh!

- Đúng tôi là đồ lưu manh, ông làm gì được tôi?

- Mấy năm nay, đồ rác rưởi các người đã học được cách coi thường người khác, tôi còn làm gì được các người. Nào là bần nông cố nông trung nông, nào là giai cấp lãnh đạo, nào là...

- Đồng chí Đổng! Ông chớ có nói những lời khó nghe như thế. Nếu ông muốn còn là bạn tôi và mọi người ở đây, ông hãy thiến con trâu này cho tôi. Nếu ông không muốn làm bạn, chúng tôi cũng chẳng có cách nào ép ông được, nhưng chiếc đồng hồ và chiếc xe đạp của ông hãy để lại đây, chúng tôi sẽ mang ra chợ bán, được bao nhiêu tiễn chúng tôi đem mua thức ăn cho trâu tất tần tật. Để cho trâu của công xã chết đói là chuyện vô cùng nghiêm trọng đấy, ông biết không?

Lão Đổng khinh khỉnh nói :

- Lão Quản ơi! Ông nói nhặng xị gì thế? Trâu công xã chết đói có liên quan gì đến lão Đổng tôi đây?

- Sao lại không liên quan? - Chú Mặt Rỗ nói - Toàn bộ trâu của công xã chết ráo thì trạm thú y của ông còn tồn tại để làm quái gì. Ông cũng thế, cái chức bác sĩ thú y cũng vất cho chó gặm. Ông nên nhớ rằng công xã nhân dân có trâu thì ông với cái chức bác sĩ thú y mới vênh váo lên được.

Lão Đổng chẳng biết phải đối đáp thế nào, đành gượng cười chua chát nói :

- Gặp phải thằng vô lại như ông, tôi cũng chẳng còn cách nào hơn. Thảo nào người ta thường nói, mười thằng mặt rỗ thì chín thằng hư hỏng, còn thằng thứ mười là đồ vô lại!

- Nói gì thì tùy ý ông, xem ra chuyện này phải chấm dứt ở đây thôi làm hay không thì tùy ý ông - Chú Mặt Rỗ cười rất đểu cáng, đưa chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay lên sát tai nghe ngóng, nói - Quả đúng là rất tuyệt, tiếng tích tắc nghe rất giòn, lại còn có cả tiếng chuông kêu nữa, tất cả đều hoàn hảo!

- Ông trả đồng hồ lại cho tôi! - Lão Đổng quát lớn.

Đôi mắt ti hí của chú Mặt Rỗ trừng to hết cỡ, nói :

- Ông dựa vào đâu mà bảo đây là đồng hồ của ông? Ông bảo nó là của ông, vậy ông thử gọi, nó có thưa không? Nếu ông gọi mà nó thưa, nó lại là của ông!

Lão Đổng giận đến tím mặt, nói :

- Đ. mẹ! Bữa nay quả là xui hết cỡ tôi mới gặp phải cái đống thịt dai nhách như ông. Được rồi, tôi làm. Thiến xong con trâu tôi sẽ thiến nốt ông luôn!

- Thiến tôi thì đâu phải cần đến tay của bác sĩ thú y như ông. Mùa xuân năm ngoái, tôi đã nhờ tay Lưu ở bệnh viện công xã làm chuyện đó rồi - Chú Mặt Rỗ cười to, nói.

- Lão Mặt Rỗ kia, nói câu này khó nghe nhưng phải nói trước. Nếu con trâu này ba sống hai chết, ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm!

- Ba sống hai chết cái cục cứt! Cắt cái đó chẳng qua là cắt một thứ đồ thừa thôi mà.

Lão Đổng lấy con dao ra khỏi túi áo, hướng về phía mọi người nói :

- Các đồng chí cố nông bần nông trung nông hãy làm chứng cho tôi. Tôi không muốn thiến con trâu này nhưng lão mặt rỗ này đã ép buộc tôi...

- Được rồi, được rồi! - Chú Mặt Rỗ nói - Chuyện này là do tôi ép ông làm, có gì không hay tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm.

- Thế thì tốt đã nói ra lời thì giữ lấy lời đấy!

- Ông đừng có phí lời nữa, thưa Đổng tiên sinh!

Lão Đổng chăm chú nhìn Song Tích, nó cũng đang đưa mắt liếc nhìn lão ta. Khi lão Đổng vừa đưa tay ra vừa đi vòng ra sau đuôi nó, nó lại vẩy đuôi và bước về phía sau lưng ông Đỗ. Ông Đỗ vội vàng vòng ra trước đầu nó, nó tiếp tục vẩy đuôi và vòng về phía sau lưng ông ta. Ông Đỗ lẩm bẩm :

- Đồ quái quỷ này, mày thành tinh rồi sao?

Lão Đổng nhìn chú Mặt Rỗ, nói :

- Thế nào, lão Quản! Không phải là tôi không muốn thiến đâu nhé!

- Nghe những lời ông nói, tôi đã cứ tưởng là ngay cả hổ ông cũng thiến được, thế mà ngay cả một con trâu bé tẹo ông lại bó tay. - Chú Mặt Rỗ châm chọc - Đưa dao đây cho tôi đứng tránh về một bên mở to mắt mà xem nhé, xem thằng cố nông chưa hề đặt chân đến trường đại học thú y thiến trâu đây. Ông không xứng đáng được ăn lương nhà nước đâu!

Mặt lão Đổng xanh như chàm, nói :

- Lão mặt rỗ kia! Đúng là ông đã dùng mắt chó để nhìn người quá thấp. Lão Đổng này bữa nay không thiến được con trâu này thì sẽ đi ngược đầu xuống đất trở về công xã cho ông xem.

- Đừng có nói dóc nữa, ai nói dóc mà chẳng được? - Chú Mặt Rỗ bồi thêm.

Chẳng thèm đôi co nữa, lão Đổng cúi người nhẹ nhàng đi ra phía sau đuôi con Song Tích. Nó chẳng chờ lão đến nơi đã vội vàng tránh qua một bên, lão Đổng cùng di chuyển theo. Nó đi vòng quanh ông Đỗ, sợi dây vốn được ông Đỗ buộc vào thắt lưng lúc này đã quấn quanh bụng ông ta đến ba vòng khiến ông ta hết đường cựa quậy, con trâu cũng chẳng đi thêm được nữa. Ông Đỗ hét lên thất thanh :

- Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Chớp lấy cơ hội này, lão Đổng thọc tay vào giữa hai đùi nó. Vừa muốn động thủ thì bụng lão đã nhận một cú đá hậu trời giáng của Song Tích, hực lên một tiếng đau đớn và ngã ngồi xuống đất. Con trâu đi ngược trở lại, chiếc đuôi dài ve vẩy đập thẳng vào mặt lão làm gọng kính trên sống mũi lão văng tít ra xa. Với kinh nghiệm tiếp xúc lâu năm với loài trâu, lão không hề quan tâm đến chiếc kính, cũng không quan tâm đến cơn đau thắt bụng mà lăn một vòng, tránh xa nơi nguy hiểm. Chú Mặt Rỗ xông đến nhặt gọng kính lên, còn mấy người đàn ông vội vã đỡ lão Đổng dìu vào nhà Tiểu Quý, để lão ngồi xuống bên cạnh bức tường. Mặt lão vàng ệch, những giọt mồ hôi to bằng hạt đậu rịn ra trên trán. Chú Mặt Rỗ trờ tới, hỏi một cách rất quan tâm :

- Đồng chí Đổng, ông không sao chứ? Không bị thương chứ?

Lão Đổng không trả lời, dường như lão cũng không thể thở mạnh nữa. Rất lâu sau, lão mới mở miệng, lại là một câu chửi :

- Lão mặt rỗ kia! Tôi đái vào mặt con mẹ nhà ông!

Giọng chú Mặt Rỗ có vẻ bất nhẫn :

- Thành thật xin lỗi đồng chí Đổng. Thôi, đừng thiến nữa vậy. Đi thôi về nhà tôi. Biết ông sẽ đến nên tôi đã bảo mụ vợ bán mấy cân khoai khô để mua lít rượu chờ ở nhà rồi.

Xem ra lão Đổng đang rất đau. Lão móc gói thuốc nhàu nát trong túi áo, lấy ra một điếu rồi run rẩy đánh lửa, rít một hơi thật sâu. Hơi thuốc bị ém chặt trong bụng đến nửa phút mới từ từ tuôn ra từ hai lỗ mũi lão.

- Thành thật xin lỗi ông, đồng chí Đổng! - Chú Mặt Rỗ cầm gọng kính chùi lên vạt áo rồi trang trọng đeo vào mắt lão Đổng, cởi đồng hồ và lục tìm xâu chìa khóa, nói - Tất cả đều trả lại cho ông đây!

Lão Đổng xua tay, không cầm đồng hồ và chìa khóa đứng dậy.

- Ôi chao, ông giận rồi à, đồng chí Đổng? Đùa với ông một tí thôi mà! - Chú Mặt Rỗ nói - Đi thôi, về nhà tôi uống rượu thôi! Vừa nói, chú vừa lôi tay lão Đổng, đồng thời quay lại bảo ông Đỗ - ông Đỗ, dắt trâu về đi! Rồi chú bảo tôi - La Hán, mày lượm bốn hòn dái đem về nhà tao đưa cho thím mày, bảo bà ấy xào lên để tao và đồng chí Đổng nhắm rượu. Bảo bà ấy lọc sạch những thớ gân bên trong trước, nếu không thì không nhai nổi đâu...

Chấp hành lệnh chú Mặt Rỗ, tôi nhặt bốn hòn dái dưới gốc cây liễu lên. Ông Đỗ nhìn chằm chằm vào chúng thật lâu rồi miễn cưỡng cầm lấy mấy sợi dây thừng. Đúng lúc ấy, lão Đổng quát lên :

- Gượm đã!

Tất cả đều khựng lại. Chú Mặt Rỗ hỏi lớn :

- Sao thế, đồng chí Đổng?

Lão Đổng không thèm nhìn thúng tôi, cũng chẳng nhìn chú Mặt Rỗ. Đôi mắt sau cặp kính đen đang nhìn chăm chú vào bộ dái treo lủng lẳng giữa hai đùi con Song Tích.

- Bà tổ cô cái đồ hung hãn này! Bữa nay ông mày không cắt được dái mày, ông mày không còn mang họ Đổng nữa!

Chú Mặt Rỗ nheo mắt, lôi ống tay áo lão nói :

- Thôi đi đồng chí Đổng. Một bác sĩ thú y có danh như ông chẳng đáng phải điên như thế vì một con trâu nghé. Một cú đá của nó đập vào bụng ông đã khiến chúng tôi cảm thấy mình có lỗi, vạn nhất nó cho vào dái ông một cú nữa, chúng tôi đảm đương không nổi đâu...

Lão Đổng trừng mắt cắt ngang :

- Đ. mẹ ông! Quản Mặt Rỗ! Ông đừng có chửi khéo, cũng đừng hòng dùng cách này để khích tướng tôi. Đừng nói là một con trâu, mà ngay cả một con voi, một con hổ, bữa nay tôi cũng phải xử lý nó.

- Đồng chí Đổng, theo tôi là bỏ qua đi cho rồi! - Chú Mặt Rỗ nói.

Lão Đổng vén tay áo, thắt chặt dây nịt lưng, hít hơi thật mạnh rồi bước về phía Song Tích. Nó kéo ông Đỗ chạy thẳng. Ông ta ngã ngửa về phía sau, kêu gào :

- Đội trưởng! Tôi phải thả dây thừng đây, tôi phải...

- Mẹ kiếp, ông mà buông tay, tôi bắt ông thiến thay nó!

Chú Mặt Rỗ nói xong thì vội vàng chạy theo giúp ông Đỗ kéo con Song Tích lại. Lão Đổng trầm ngâm :

- Xem ra là phải dùng biện pháp mạnh thôi.

- Biện pháp mạnh là thế nào? - Chú Mặt Rỗ hỏi.

- Trước tiên là buộc nó vào gốc cây liễu - Lão Đổng nói.

Ông Đỗ buộc Song Tích vào gốc cây liễu. Lão Đổng ngước cổ nhìn lên vòm cây liễu, nói :

- Tìm hai sợi dây thừng và một chiếc đòn - Lão Đổng bảo.

- Sao? Phải trói lại à? - ông Đỗ hỏi.

- Với con trâu hung hãn thế này, e rằng chỉ còn cách ấy!

Chú Mặt Rỗ bảo chú Tám Hậu đi tìm tay coi kho của đội để mượn dây thừng và đòn. Loáng một cái, Tám Hậu đã biến khỏi đám đông.

Lấy ra một điếu thuốc, lão Đổng đưa lên miệng rồi đánh lửa. Xem ra thái độ của lão đã nhẹ nhàng từ tốn khá nhiều. Lão cũng vất một điếu cho chú Mặt Rỗ. Chộp lấy điếu thuốc đang bay trên không, thú Mặt Rỗ ríu rít cám ơn, nhưng hình như lão Đổng chẳng quan tâm đến những biểu hiện ấy, bảo :

- Năm ngoái, nông trường quốc doanh Giao Hà có một con la cực kỳ hung hãn, có đến ba hòn dái, đá và cắn người rất lợi hại, chẳng có ai dám đến gần. Cuối cùng tôi đã phải dùng đến cách này mà nhấc nó lên khỏi mặt đất.

- Tôi đã nói từ lâu rồi - Chú Mặt Rỗ nói - Đưa cho ông một con hổ, ông cũng có cách.

- Ông cứ thử tìm hổ về đây, tôi cũng thiến được thật cho mà xem - Lão Đổng nói - Chỉ có những chứng bệnh trị không xong thôi chứ không có loài súc vật nào không thiến được.

- Đúng là chỉ biết nói dóc, nói dóc không cần giấy chứng nhận - ông Đỗ làu bàu.

Lão Đổng hằn học nhìn ông Đỗ, không nói gì nữa. Tám Hậu vác đòn và dây hộc tốc chạy đến. Lão Đổng rít vội vàng mấy hơi thuốc nữa rồi vất tàn thuốc xuống đất. Nhanh như chớp tôi xông đến nhặt lên rồi kẹp mẩu thuốc còn lại giữa hai ngón tay đưa lên miệng rít một hơi. Tiểu Lạc đứng bên cạnh van nài :

- La Hán, cho tớ thử một hơi có được không, xin cậu đấy...

Tôi búng mạnh tàn thuốc xuống đất khiến những sợi thuốc còn lại bung ra, giấy quấn rách toạc, cười một cách đểu cáng :

- Đấy, lượm lấy hút đi!

Tiểu Lạc tái mặt, chửi :

- La Hán, mày hãy chờ đấy. Từ nay đến chết, tao nhất định sẽ có cơ hội cho mày biết tay Tiểu Lạc này!

Chú Mặt Rỗ xô chúng tôi đứng dạt sang một bên. Dưới sự chỉ huy của lão Đổng và chú Mặt Rỗ, mấy người lớn lòn chiếc đòn dưới bụng con Song Tích, lùi về sau một tí, chỗ giáp giữa hai đùi và bụng. Lão Đổng hô lên một tiếng, bốn người đàn ông ở hai đầu nhất tề nhấc chiếc đòn lên, hai chân sau của Song Tích rời khỏi mặt đất nhưng cả thân hình nó vẫn quẫy đạp dữ tợn. Lão Đổng tự tay trói chặt hai chân sau của Song Tích lại rồi đưa hai đầu dây thừng cho hai người đứng bên cạnh. Sau cùng, lão chộp lấy đuôi nó buộc chặt vào một dây thừng khác rồi quăng lên cành liễu nằm ngang phía trên đầu, kéo căng ra rồi đưa đầu dây cho tôi, bảo :

- Giữ chặt, không được thả tay!

Tôi rất vinh dự vì được lão Đổng giao cho nhiệm vụ quan trọng nên nắm thật lấy đầu dây kéo thật mạnh khiến đuôi con Song Tích căng cứng thẳng đuột. Ông Đỗ kêu toáng lên :

- Các người đâu có phải là đang thiến trâu! Các người đang muốn giết nó thì có!

Song Tích thở phì phò, mấy người đang nhấc đòn khiêng cũng thở hồng hộc, có ai trong số đó kêu lên :

- Đội trưởng, không chịu nổi nữa rồi!

Chú Mặt Rỗ tát vào đầu người ấy một cái rõ mạnh, chửi :

- Sao yếu như mụ già rụng răng thế! Bao nhiêu cơm ông ăn chui đi đâu hết rồi? Giữ chặt lấy! Chiều nay ghi cho mỗi người nửa ngày công điểm!

Lão Đổng rất nhàn nhã ngồi ở phía dưới, lầm bầm trong miệng :

- Mày nhảy cỡn lên đi chứ, đá nữa đi chứ! Bản lĩnh của mày đâu rồi?... Vừa nói lão vừa vất một hòn dái to bự xuống - Tao đá thay cho mày vậy nhé! - Nói xong thì đứng dậy, quát lớn - Xong rồi, hạ xuống đi!

Mọi người đồng loạt hạ đòn khiêng xuống, tôi cũng buông lỏng sợi dây. Đôi thân vẫn còn bị trói của Song Tích quẫy đạp lung tung, sợi dây chực đứt. Ông Đỗ sợ hãi nấp sau lưng mọi người, lẩm bẩm :

- Điên rồi, đúng là điên thật rồi!

Không biết ông ấy bảo trâu điên hay người điên!

Cuối cùng Song Tích cũng đã đứng yên, lão Đổng nói :

- Sao? Mệt rồi à, nhảy đạp nữa đi chứ!

Một tia máu màu đen bắn mạnh xuống đất, hai đùi sau của Song Tích nhuộm trong máu, dưới đất máu cũng đã đọng thành vũng. Đầu nó gục hẳn vào gốc cây liễu, toàn thân run lên từng đợt. Mặt lão Đổng bỗng nhiên vàng khè, những giọt mồ hôi to tướng rịn ra trên trán và thảy xuống mặt lão. Ông Đỗ kêu lớn :

- Máu chảy nhiều quá! Máu chảy nhiều quá!

Chú Mặt Rỗ cáu tiết :

- Chảy máu cái đồ con mẹ nhà ông! Ông biết đếch gì mà nói chảy máu nhiều thảy máu ít!

Lão Đổng vội vàng chạy về chiếc xe đạp, mở chiếc túi màu đen buộc sau xe lấy ra một ống tiêm bằng thép cắm vào đó một mũi kim. Xong xuôi, lão lấy ra ba ống thuốc nước. Chú Mặt Rỗ kêu lên :

- Đồng chí Đổng, đội chúng tôi nghèo rớt mồng tơi, không có tiễn trả tiền thuốc cho ông đâu!

Lão Đổng chẳng hề để ý gì đến lời thú, bẻ đầu ba ống thuốc rồi hút vào ống tiêm. Chú Mặt Rỗ càu nhàu :

- Một con trâu giẻ rách mà lại có phúc khí như thế này sao!

Lão Đổng bước đến gần Song Tích chọc mạnh ống tiêm vào đùi nó. Song Tích chẳng hề có một chút phản ứng, hình như chút đau đớn này thẳng thấm tháp gì so với cực hình mà nó đã chịu vừa qua. Lão Đổng quỳ xuống phía sau đuôi nó quan sát thật kỹ vết thương, hình như lão không còn sợ chuyện con Song Tích vùng chân đá hậu nữa. Tia máu phun ra yếu dần, cuối cùng chỉ còn rịn ra thành giọt và rơi xuống. Lão đứng dậy, thở ra một hơi thật dài. Chú Mặt Rỗ nhìn trời đã xế chiều nói :

- Được rồi, mọi người giải tán và ra đồng làm việc đi. La Hán, đem mấy hòn dái này về đưa cho thím mày. Đồng chí Đổng đi thôi! Uống mấy ly cho đỡ căng thẳng!

- Bắt đầu từ bây giờ phải cử người theo dõi chúng. Nên nhớ cho dù là ban ngày hay ban đêm cũng không được để chúng nằm xuống. Chúng mà nằm là vết thương mở miệng ra ngay - Lão Đổng bảo.

- Ông Đỗ! Việc thăm sóc mấy con trâu này tôi giao cho ông lo liệu! - Chú Mặt Rỗ nói lớn.

- Nên đắp lên lưng chúng một tấm vải bố, đừng để cho chúng bị lạnh. Nhớ kỹ là không được để chúng nằm, đặc biệt là con này - Lão Đổng chỉ vào Song Tích.

- Đi thôi, ông nên nghĩ đến cái bụng là hơn - Chú Mặt Rỗ kéo tay lão Đổng đi, còn quay đầu lại chửi tôi - Thằng oắt con kia, mày có nghe tao nói gì không, sao còn đứng như trời trồng ở đó?