Nhìn bên ngoài, ai cũng tưởng gia đình Lâm và Sương sung sướng lắm. Mặc dầu chỉ là công chức nhỏ, nhưng cả hai cùng có việc làm, nên cũng dễ thở. Kể tiền để dành thì không nhiều, nhưng đủ tiêu dùng rộng rãi, không phải giật gấu vá vai như các bạn tiểu công chức khác. Sương sinh được một bé gái rất kháu khỉnh, lại mướn được một vú em tốt. Ai cũng khen ngợi và thèm thuồng cảnh gia đình của hai người. Thực ra nỗi khổ tâm của họ tế nhị quá, nên lắm khi chính “ khổ chủ” cũng không phân tích được.
Sau một ngày dài đằng đẵng ngồi ngay ngắn trong sở, nặn đầu vắt óc với những con số từng xâu từng chuỗi như một sợi dây xúc xích vô tận, đầu óc Lâm choáng váng, mắt cũng hoa cả lên. Về dến nhà thay áo xong, Lâm nằm trên ghế xích đu đợi bữa cơm chiều. Anh giở tờ báo hàng ngày ra xem nốt câu chuyện dài lý thú anh đeo đuổi từ lúc bắt đầu. Xem đến đoạn đánh nhau kịch liệt thì Sương cũng đi làm về. Nàng thay áo quần xong, cũng nằm vật lên giường thở dốc.
• Chớp bóng em nhé. Phim hay lắm.
• Phim gì?
Sương định nói “ đi thì đi” nhưng mắt bỗng nhìn thấy Ái, con nàng đang ngồi trên chân vú em, chơi búp bế ngoài hiên.
• Ái, vào đây với mẹ. Vú em sắp sẵn nước, me tắm cho em.
Thấy Ái dùng dằng không chịu vào vội, Sương có vẻ không vui. Vú em phải dỗ mãi,Ái mới chịu vào. Đưa Ái cho Sương rồi, vú em vào bếp sắp nước nóng cho Ái tắm.
• Chớp bóng em nhé!
Sương nhìn Ái, nhìn vú em, rồi khẽ lắc đầu:
• Em muốn ở nhà chơi với con. Anh xem, cả ngày đi biền biệt, tối đến mới về nhà, lại đi chơi nữa, con nó không nhìn biết bố mẹ đấy!
Lâm gượng cười. Anh lại cúi đầu xem nốt câu chuyện bỏ dở.
Lâm thấy bực mình, nhưng không lẽ lại đập phá hay mắng chửi. anh
không rầy la ai được, vì chẳng ai có lỗi gì cả. Anh nhận thấy từ ngày sinh Ái, Sương và anh hình như cách xa nhau nhiều lắm. Ái là tất cả của Sương. Ái vui, Ái buồn, Ái ốm, Ái không ăn,Ái không chơi . . .bất cứ một cớ nhỏ mọn gì cũng đều làm cho Sương lo sợ xanh mặt. Còn anh, anh cảm thấy mình là một người thừa mỗi khi có Ái. Anh đâm ghen với Ái vì Ái đã cướp hết thì giờ trước kia Sương vẫn để dành cho anh. Còn gì chán hơn quanh năm suốt tháng phải giam mình trong bốn bức tường lạnh ở sở, về nhà cũng lại như bị nhốt vào trong cũi gia đình! Trước kia, mỗi tối hai vợ chồng cắp tay dạo mát, xem hát bóng, đến nhà bạn . . . anh hưởng tận những thú vui rẻ tiền của bậc trung lưu. Bây giờ, giá Sương bằng lòng đi dạo mát, anh phải bế Ái và phải về rất sớm, vì Ái cần ngủ sớm, thực chẳng thấy thú vị gì nữa.
Còn những nơi khác, anh biết Sương vẫn thích, nhưng nàng không có thì giờ để đi. Cái cớ mạnh nhất của nàng là “ bỏ con cả ngày cả đêm, tội!”. Anh cũng lờ mờ nhận thấy hình như mình chưa đủ tư cách làm cha, nhưng biết làm sao được. Lòng ích kỷ trong người anh mạnh hơn tình cha con. Anh đã nghĩ mãi, vẫn không có cách gì để chiếm lại Sương ở nơi Ái. Có lý nào anh lại bắt Sương thôi việc! Thực ra, nhờ có Sương cũng đi làm, nên gia đình anh mới phong lưu sung túc như thế này. Nếu chỉ một phần lương của anh, thì vợ con anh nhất định suốt năm chẳng hề có được một chiếc áo mới. Buồn bực làm anh đâm liều. Anh đi đánh bài ở nhà anh em bạn. Ban đầu đánh chơi, sau ăn thua to lần lần. Bây giờ đánh quen rồi, anh không thấy ngượng, hay lương tâm cắn rứt như trước. Sương không đi chơi với anh, , anh sẽ đi đánh bạc không còn khách khí gì nữa. Anh tự bảo thầm: “ Ai có sở thích nấy!”.
Ăn cơm xong, Lâm lại mặc áo ra đi. Sương nhìn theo chồng mà lòng thắt lại. Mắt nhìn thấy Lâm càng ngày càng sa ngã, nàng sợ mất Lâm. Đồng thời, nàng cũng sợ mất con. Có lẽ nàng quá lo xạ Chẳng ai cướp mất Ái của nàng, cũng như chẳng ai yêu Lâm hơn nàng, nhưng linh tính báo cho nàng biết, hình như Ái không thuộc hẳn về nàng, và Lâm cũng thế.
Sương chỉ thấy mặt Lâm khi anh ăn cơm hay ngủ saỵ Còn Ái, Ái quanh quẩn với vú em suốt ngày, và ngoài vú ra, Ái không còn biết đến ai nữa. Vú em cho Ái ăn, ru Ái ngủ, tắm rửa, thay áo cho Ái, chơi với Ái và chiều chuộng Ái đủ thứ. Sương phải mua đồ chơi hay bánh kẹo để lấy lòng Ái, như nàng đã lấy lòng con các bạn nàng. Ái được đồ chơi, chỉ ngồi trong lòng nàng một lúc, rồi lại đi tìm vú khoe với vú những món đồ chơi mới. Mẹ đối với Ái chỉ là một người cung phụng các thứ quà bánh và đồ chơi, còn vú em mới thực làm người thân của Ái.
Lắm lúc Sương thấy giận vú em. Tình yêu của Vú đã vượt quá mức yêu cầu . Nàng trả tiền lương cho vú, nàng chỉ cần vú săn sóc Ái bình thường như những người vú em có lương tâm khác. Nàng không muốn vú xâm lấn đến tình yêu vượt bực như vậy. Vú xót xa khi Ái ốm, đôi mắt vú long lanh sáng rực lên khi Ái đặt đôi môi đỏ chót lên má vú. Vú nhường tất cả món ăn của vú cho Ái nếu Ái thích. Trong lòng vú, trong mắt vú, trong cử chỉ của vú, dào dạt một tình thương: tình mẫu tử. Sương không muốn có một người vú em hy sinh đến như thế. Chính Sương mới là mẹ. Chỉ một mình Sương mới được quyền hưởng những nụ hôn thơ ngây của Ái, được quyền bế chặt Ái vào lòng một cách âu yếm như thế, nhìn Ái với đôi mắt yêu thương như thế, nghe Ái hát những bài thơ ngắn bằng một giọng trong trẻo thơ ngây như thế . ..
Nhưng tất cả những thứ này, vú em đều chiếm đoạt hết. Vú như một kẻ xâm lăng nhiều thủ đoạn. Lúc vú đến nhà nàng, vú rất nhã nhặn, khiêm nhường, nhưng dần dần, vú chiếm tất cả tài sản sự nghiệp của nàng: Ái.
Sương tự trách mình đã tham rẻ mà mướn người vú này. Trước kia, đã có mấy người khác đến xin làm, nhưng nàng đều từ chối cả. Sương nghĩ thầm: những vú em kia có lẽ không tốt bằng vú Ái, nhưng không “ nguy hiểm” như vú Ái này.
• Mỗi năm Tết đến, mợ cho lương gấp đôi ăn Tết. Hai bộ quần áo mới. Mỗi tuần lễ ăn hai con gà hầm, bốn lần giò heo chưng đu đủ, mỗi sáng, xúp thịt bò, ban đêm, em uống sữa hộp không bú. Em đầy tháng, thưởng một chiếc nhẫn. Em đầy năm, một đôi xuyến. ..
Người vú em thứ nhất đã làm cho nàng dở khóc dở cười với những điều kiện lạ lùng như thế. Khi nàng kêu lên nhiều quá, vú trả lời:
• Nếu không ăn đủ, sữa đâu cho em bú? Làm sao em mau lớn béo tốt được?
Sương không dám tin cậy ở những vú em như thế. Trong khi nàng đi làm vắng, ai biết được vú em sẽ xử đối với con nàng ra sao? Nàng cần kiếm một vú em có tình thương, và hợp đồng giữa nàng với vú không đầy rẫy những điều kiện là điều kiện.
Vú Ái đã đến với một tình thương nồng nàn. Ban đầu Sương rất sung sướng mãn nguyện, nhưng bây giờ nàng thấy khó xử. Nàng phải cố tranh đấu để cướp lại tình mâu tử đã trao đổi giữa vú em và Ái, qua mặt nàng!
Vú em dạo này cũng buồn. Vú thấy Sương như hơi đổi tính: Sương “ đồng bóng” quá. Nàng vui buồn bất thường, lại hay cáu kỉnh một cách vô cớ. Vú đến làm với Sương từ lúc Ái chưa đầy tháng. Vú đến không một điều kiện gì. Khi Sương hỏi vú muốn bao nhiều tiền mỗi tháng, vú thản nhiên trả lời:
• Mợ muốn trả bao nhiêu cũng được.
• Sương ngạc nhiên hỏi:
• Hai vợ chồng tôi cùng đi làm. Công việc nhà, giao tất cả cho vú. Cơm nước, giặt là, trông em, vú làm nổi không?
• Được, tôi sẽ làm khi em ngủ.
Sương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vú sữa, không nấu ăn đã thành một “ hiến pháp bất thành văn” của các vú em, thế mà vú Ái đã phá lệ ấy. Vú lại còn bằng lòng làm với giá “ bao nhiêu cũng được” . . .Sương mừng vì đã tìm được vú em tốt. Vú cũng mừng vì kiếm được chỗ nương thân. Chồng chết, vú còn có con để an ủi, đến lúc con cũng chết nốt, đời vú không còn bám víu vào đâu nữa. Vú hiến cho Ái hai bầu sữa cương đầy, và cả một tấm lòng khao khát tình thương của người mẹ. Vú săn sóc từng giờ ăn, giấc ngủ của Ái. Vú tắm cho Ái bằng bàn tay của một bà mẹ hiền. Vú yêu Ái, thương Ái, tưởng chừng như Ái chính là con của vú sinh ra vậy.
Sương đối với vú cũng rất tin cậy. Nàng giao cho vú trông nom tất cả mọi việc. Mỗi ngày, khi Sương và Lâm đi làm rồi, vú là chủ trong nhà. Tất cả đều thuộc quyền chỉ huy của vú. Nấu ăn, giặt là, vú làm rất khéo léo, nhanh chóng. Xong việc vú hưởng cái sung sướng của một người mẹ. Vú bế Ái vào lòng, ru Ái, chơi đùa với Ái, hát cho Ái nghe. Cho đến bây giờ, Ái đã lên ba, Ái đã biết hát những bài vú dạy. Lòng vú như mềm đi khi nghe tiếng Ái thỏ thẻ:
• Em đói, cho em ăn trước vú ơi!
• Em khát, em uống nhiều cơ!
• Me me, ba ba . ..
Vú tưởng như tiếng “ me” là tiếng để gọi vú. Ngoài ra không còn gì quan trọng. Chính vú cũng không tự biết là mình đã đi quá đà trong tình vú và em. Nhưng gần đây linh tính báo cho vú biết có một sự gì khang khác ở Sương. Vú cố làm cho Sương vui lòng. Nhà sạch bóng, giường màn trắng tinh, cốc chén thơm tho, cơm lành canh ngọt, Ái sạch sẽ, mạnh khỏe, chơi đùa, ăn ngon miệng. Vú tưởng vú đã làm đủ tất cả để mua chuộc lòng Sương, nhưng không hiểu sao, Sương vẫn không vui. Vú có biết đâu, vú đã chiếm của Sương một báu vật vô giá: tình mẫu tử trong lòng Ái.
Sương nghĩ ngợi mãi. Nàng định cho vú em thôi. Sương tưởng tượng nàng sẽ gởi Ái ở nhà giữ trẻ ban ngày. Lúc đi làm về nàng sẽ đón Ái. Chính tay nàng sẽ tắm rửa, cho Ái ăn, ru Ái ngủ. Nàng sẽ làm tất cả những việc vú em làm, để lấy lại tình yêu của Ái. Nếu không tiện, nàng sẽ thuê một chị bếp làm việc nhà, nấu ăn và phụ trông nom Ái.
Bỗng Sương liên tưởng đến những chị bếp chuyên nghiệp. Sương sợ lỡ mình rủi không gặp người vừa ý, trái lại gặp một bà chằng : làm biếng, ở bẩn, đi chợ ăn lời, cho con ăn đồ thiu, đồ thừa, còn tiền bỏ túi, đánh con. .... Không! Không, không thể như thế được. Không ai được đánh Ái. Không ai được động tay vào người Ai. Nàng tưởng tượng Ái ăn uống bẩn thỉu, sẽ bị Ốm, Ái sẽ không lớn, người Ái sẽ bệnh hoạn xanh xao gầy còm . . . Trời! Không, không thể được!
Tối hôm nay, tắm cho Ái xong, nàng mệt lả cả người. Suốt một ngày làm việc ở sở, nàng cũng cần được nghỉ ngơi. Giữ Ái, thực ra rất mệt, vì Ái cần chạy nhảy, chơi đùa, hát líu lo luôn miệng. Nàng không thể ôm chặt Ái vào lòng, nằm lì trên giường như người ốm vậy.
Hay Sương không đi làm nữa! Nếu thế vú em chắc chắn phải thôi, vì lương của Lâm không đủ chi tiêu cái khoản người ở, ân nghĩa, xa xỉ phẩm, đau ốm. Số lương của anh chỉ đủ duy trì sự ăn tiêu tối thiểu của một gia đình nhỏ. Tiền ăn, tiền nhà, tiền tiêu vặt rất ít. Nếu Sương thôi làm việc, nàng sẽ chiếm lại được Ái, nhưng nàng sẽ phải dậy từ năm giờ sáng, làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát, đi chợ, giặt là . ..
Nàng phải làm tất cả những công việc nặng nề vú em đang làm bây giờ. Nàng sẽ không còn thì giờ xem báo, xem hát, đi chơi. Nàng sẽ không có tiền mua sách báo, mà khoản này thì không thể nào thiếu được. Sương có thể không may một chiếc áo mới theo thời trang, nhưng không thể thiếu món ăn tinh thần. Sang năm, Ái lên bốn, Ái sẽ bắt đầu đi học lớp mẫu giáo, mỗi tháng Ái sẽ cần tiền học, tiền may mặc, tiền sách vở, tiền đóng góp lặt vặt ở trường.
Sương không hy vọng ở Lâm. Anh không có cách gì hơn được, vì anh rất yếu và cũng không có một hứng thú gì đặc biệt về sự phát triển công việc. Người ta phải có việc làm, thì anh cũng có việc làm. Người ta cần phải giải trí, thì anh cũng giải trí. Người ta phải tranh đấu, thì anh cũng tranh đấu. Anh tranh đấu với Ái để cướp lại một phần nhỏ thì giờ bắt Sương đi chơi với anh.
Sương thấy mình khổ quá! Nàng đã phải tranh đấu ngoài xã hội để duy trì một phần sự sống của gia đình, về nhà, nàng cũng còn phải tranh đấu để chiếm lại tình yêu của Ái, đứa con chính nàng đã có công mang nặng đẻ đau sinh ra.
Còn vú em, vú cũng phải tranh đấu để giữ vững địa vị của vú trong gia đình Sương. Vú tranh đấu để được sống cạnh Ái. Ái là nguồn sống của vú. Ái lớn bằng sữa của vú. Ái lớn với tình yêu thương của vú. Ái là tất cả. Chỉ có Ái vô tư lự, không biết mình sung sướng. Thế mà người ngoài vẫn bảo gia đình Lâm là một gia đình hoàn toàn an lạc, một gia đình hạnh phúc nhất trần gian! Nỗi khổ tâm của họ. Ai biết?