Chương 1

Người y tá phòng trực bệnh viện huyện rê cây bút bi trên trang sổ ghi tên bệnh nhân, rồi gióng giả gọi:

- Quách Thị Bầu, lĩnh thuốc.

Tôi rời hàng ghế băng ngoài hiên chật chỗ ngồi, tập tễnh tới bên bàn.

- Cô là con gái bác Bầu à?

Đám người ngồi chờ trong phòng và cả ngoài hè đều hướng cái nhìn tò mò về phía tôi, tiếng xì xào nổi lên, làm tôi bối rối:

- Dạ không... em là Bí, lên đây trông nom chị em từ chiều hôm qua.

Cái người ngồi sau bàn kia thừa biết, do vô tâm đã đẩy tôi vào tình huống khó xử. Nhưng rồi cũng không vì thế mà con người vô tâm vô tính chuyển thái độ. Dẫu sao tôi cũng không trách chị. Cũng chả dám trách ai, chỉ thương thân. Tôi sống vậy mãi đã quen. Ở đây, ở chợ, hoặc bất cứ nơi nào cũng đều thế cả. Trước mặt thì chả sao. Hễ tôi quay đi là mọi người xúm vào bàn tán. Cũng chỉ tại gương mặt và đôi chân tôi mà ra hết. Câu nói bâng quơ của mọi người, tôi cứ thấy như đá ném sau lưng. Thật trớ trêu. Mặt thì đẹp, còn đôi chân lại khèo. Hẳn như bà mụ nặn cho tôi gương mặt sần sùi xấu xí để hợp với đôi chân tàn tật có phải hay biết bao nhiêu. Cho tôi được an phận một bề, tôi sẽ phải biết mình, kìm bớt lòng ham muốn, tự nguyện tránh sang bên để nhường bước cho tất cả...

Ngày bé, mỗi bận bố tôi bế tắm cho ở cầu ao, vừa vớt nước kỳ cọ, bố tôi vừa khen: "Con gái riệu của bố đây... " tôi thích chí khanh khách cười, đu mạnh người trên cánh tay bố, làm mặt nước vỡ ra từng vòng từng vòng, chạm vào chùm hoa súng nổi lềnh bềnh, chạm vào vạt bèo tây tốt xanh như rừng, rồi lặn mất. Nhưng cũng có hôm ông nói với tôi như đang nói chuyện với ai: "Đường làng là đường chung. Đường đời mới là đường riêng của con, con gái ạ. Phận con gái mai sau lắm nỗi nhọc nhằn chứ chả chơi đâu... "

Bố tôi lạ lùng thật. Ông gốc gác nông dân. Song không thuộc hàng lão nông thuần phác. Mẹ tôi kể rằng một dạo ông đã bỏ nhà, bỏ vợ con gần năm năm, đi làm chân đập đá. Khi ông về mới sinh tôi. Lúc đó gia cảnh vẫn còn khốn khó. Món tài sản lớn nhất ông mang về gia đình chính là con người tôi và cách nói năng ý vị như những câu hát đồng dao rơi vãi đó đây.

Do đâu mà ông tiên đoán được quãng đời tôi chưa đi tới? Không tài nào giải thích nổi. May ra chỉ bố tôi mới có câu trả lời. Nhưng ông đã mất sớm, trước cả khi tôi bị mắc bệnh quai bị, sinh biến chứng. Thế lại hóa haỵ Trong mắt ông, tôi mãi mãi là đứa con ngoan, xinh xắn, lành lặn. Tôi luôn nghĩ vậy, mong làm sao vui vong linh bố tôi đang ngày đêm đi mây về gió.

Từ năm bảy tuổi, tôi đã phải mang đôi chân tàn tật. Hai nỗi buồn lớn liên tiếp ập xuống đầu mẹ tôi làm sức lực và ý chí của mẹ hoàn toàn suy sụp. Mẹ quẩn quanh trên nhà, dưới bếp vật vờ như cái bóng. Kiếm miếng cơm, manh áo nuôi cả nhà lúc này trông hết vào tay người chị cả, chị Bầu. Bầu thường dành cơm không độn phần tôi, cho tôi bao lời dạy bảo, cho tôi tình thương, cho tôi nhiều thứ... Trời phú cho chị là người đàn bà nhớn nhao, có sức lực, có đức hạnh, hiếu thảo, quý con, chiều chồng. Chị lấy chồng cách nhà một con sông. Tuy chị xa nhà, mọi việc vẫn như có sự sắp đặt của chị. Từ vườn tược, đồng áng, cho chí mớ rau, con lợn, con gà. Cách một đôi ngày chị lại về, khi có chồng đi cùng, khi thì chị về một mình. Lúc đã có một, hai cháu bé rồi, bên nhà chồng bận bịu, chị qua nhà có phần thưa hơn. Hai chị gái trên tôi, chị Chanh, chị Bưởi, và tôi luôn kính trọng chị. Chị nói điều gì, lập tức chúng tôi cứ răm rắp. Chính chị ngày chưa lấy chồng đã thu xếp cho tôi làm nghề dệt chiếu. Ngỡ rằng chị yêu quý tôi, sợ tôi buồn nên đã tìm một việc làm hợp hoàn cảnh cho đời vui lên. Dè đâu một cái go dệt đã làm bạn với tôi trong suốt đời người.