Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử có thật mà cũng là một nhân vật đầy ắp huyền thoại chung quanh cuộc đời của bà đã được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng Việt Nam. Các bộ môn văn học gồm thơ, nhạc, ca dao, tiểu thuyết diễm tình, huyền sử… mang hình tượng của Huyền Trân cứ mỗi ngày mỗi phong phú thêm. Hầu hết các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ nhiều thế hệ tiếp nhau đã không ngớt ca tụng công đức của bà đối với đất nước và nhất là khai thác cuộc tình đầy trắc trở, éo le của bà đối với hai nhân vật lịch sử khác là Chế Mân, một vị vua anh hùng Chiêm Thành, và Trần Khắc Chung, một vị quan lớn đời Trần…
Trần Khắc Chung là người như thế nào?
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, một bộ sử biên niên được đánh giá đáng tin cậy bậc nhất trong số những bộ sử cổ của Việt Nam chép:
“Canh Thìn, Thiệu Bảo năm thứ hai (1280)…
Em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Hư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện. Viên quan đó trả lời:
“Án đã xử xong, nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi.”
Vua nói:
“Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy”.
(ĐVSKTT tập 2, tr. 45, Khoa Học Xã Hội xuất bản, 1993).
“Hình quan” mà còn ngại mất lòng Khắc Chung hơn cả sợ phép nước? Đọc chừng đó độc giả đã có thể hình dung ra tư cách, bản lãnh của Khắc Chung như thế nào rồi.
Đoạn trích dẫn trên cũng chứng tỏ Khắc Chung không thể nào là người đồng trang lứa với Huyền Trân công chúa là “con út” của vua Trần Nhân Tôn (Khâm) lúc đó ngài mới 22 tuổi:
“Mậu Ngọ, Nguyên Phong thứ tám (1258)…
Mùa đông, tháng 11, ngày 11, hoàng trưởng tử Khâm sinh.”
(ĐVSKTT tập 2, tr. 30).
Năm Canh Thìn (1280) Khắc Chung đã là một vị quan có thế lực mà hình quan trong triều phải né sợ, em Khắc Chung là Đỗ Thiên Hư cũng đã làm quan, vậy tuổi tác Khắc Chung không thể nào nhỏ hơn vua Trần Nhân Tôn được!
Nhưng đối với giới văn nghệ sĩ thì vấn đề thời gian, tuổi tác, không quan trọng mấy. Có người đã xếp Khắc Chung là bạn lúc thiếu thời của Huyền Trân. Thậm chí có người còn cho Khắc Chung là con trai của Tá Thiên vương Trần Đức Việp là em ruột của vua Nhân Tôn nữa.
Nhưng không sao! Chính sử vẫn là chính sử, dã sử, tiểu thuyết vẫn là dã sử, tiểu thuyết!
Tuy nhiên, dã sử, tiểu thuyết không phải hoàn toàn vô bổ, không ảnh hưởng tới chính sử:
“Dã sử, tiểu thuyết mà hay, mà có lý, mà lôi cuốn được người đọc không những nó có giá trị giải trí cho người đời trên phương diện văn học nghệ thuật mà còn gợi ý cho các sử gia nghiên cứu bổ khuyết những điểm sai sót và vô lý vẫn có không ít trong chính sử” (Tống Diên).
Vậy, sự thật những mối tình của Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân và Trần Khắc Chung như thế nào? Xin trích một đoạn trong ĐVSKTT:
“Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Vân sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.
Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang điếu tang và nói với người Chiêm: Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.
Người Chiêm nghe theo.
Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về kinh đô.
(ĐVSKTT tập 2, tr. 91)
Mới đây, những năm đầu thế kỷ 21, nhất là vào dịp kỷ niệm 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa (1306-2006), có nhiều bài viết về cuộc tình này đã được đưa lên các diễn đàn văn hóa trong cũng như ngoài nước. Ngoài những bài viết ca ngợi công lao của Huyền Trân công chúa đối với đất nước Việt Nam hoặc những bài viết thi vị hóa cuộc tình tưởng tượng giữa bà và Trần Khắc Chung, còn có một số bài viết đã đặt vấn đề hư thực về những cuộc tình của bà!
Người viết xin nêu sơ lược vài vấn đề được đặt ra trong vài bài viết ấy như sau:
1.) Bài viết của bác sĩ Hồ Đắc Duy trong nước đặt ra là khả năng thuyền bè của Đại Việt hồi ấy có vượt nổi qua các quân cảng của Champa (Sa Huỳnh, Đà Nẵng, Thuận An, Cửa Việt…) không? Vấn đề nước uống khi chạy trốn ra sao? Nếu Trần Khắc Chung du hí với Huyền Trân công chúa thật thì An Phủ Đặng Vân và những người tùy tùng làm gì, chẳng lẽ a tòng với Khắc Chung? Bác sĩ Duy còn cho biết tiếp “Nếu tính sát sao, khi Chế Mân qua đời thì công chúa mang thai được 4 đến 5 tháng. Theo phong tục vương triều Champa thì lễ trà tỳ cho vua là 7 đến 10 ngày sau khi vua băng hà. Người ta không hỏa táng đối với phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và những người vị thành niên vì người Bà La Môn tin rằng phải chôn để những người này về với cát bụi, còn người trưởng thành thì hỏa táng để cho họ trở về với hư không. Đó cũng là lý do công chúa không bị hỏa táng theo Chế Mân.” (http://angelfire.com/ks/hodacduy/khchung.html).
2.) Bài viết của ông Dominique Nguyen (Nguyễn Đố), một người Việt gốc Champa thì đặt ra 5 vấn đề: 1. Chế Mân có quyền dâng hiến đất đai cho Đại Việt hay không? 2. Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên giàn hỏa hay không? 3. Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy trốn? 4. Đâu là danh dự của quốc gia Đại Việt? 5. Đâu là đạo đức và thể diện của công chúa nhà Trần?
Những vấn đề đặt ra trên và lập luận như thế nào xin tùy độc giả nhận định. Người viết chỉ xin nêu một chi tiết trong bài này có liên can đến vụ một hoàng hậu Chiêm quốc có thể bị lên giàn hỏa với vua khi vua mất không? Ông Dominique viết: “Theo truyền thống Champa, một khi vua từ trần thì bà hoàng hậu thường xin lên giàn hỏa chết chung với chồng chứ không bị bắt buộc phải lên giàn hỏa với chồng như một số người hiểu lầm. Tục lên giàn hỏa là một vinh dự lớn lao chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu nhằm bày tỏ lòng chung thủy của mình đối với chồng, với điều kiện là phải được hội đồng hoàng gia chấp nhận, vì tục lên giàn hỏa thiêu có những qui luật sau đây:
a)Chỉ dành cho bà hoàng hậu chính thức.
b)Phải có dòng máu Champa.”
(trích “700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân công chúa” trong Champaka.org).
3.) Bài nghiên cứu lịch sử của Tiến sĩ Po Dharma cũng trong Champaka.org viết:
“… vào đầu thế kỷ 14, Cham pa lại chịu mất đi một khu vực đất đai rộng lớn của mình ở miền bắc, trong một hoàn cảnh chính trị vô cùng đặc biệt chưa từng xảy ra trong tiến trình lịch sử của vương quốc này. Nguyên nhân đó chính là vua Champa Jaya Simhavarman đệ tam (tiếng Việt gọi là Chế Mân) đề nghị dâng hiến Đại Việt vào năm 1306 hai vùng Ô và Lý (lãnh thổ của Huế hôm nay) để được kết hôn với công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Sự kết hôn này đúng là một vở bi kịch tình sử. Vì rằng chưa đầy một năm chung sống với công chúa Đại Việt, Jaya Simhavarma đệ tam từ trần trong một khung cảnh vô cùng mờ ám, để rồi Huyền Trân tìm cách chạy trốn về Thăng Long với Trần Khắc Chung mà chưa ai hiểu được nguyên nhân nào để giải thích cho sự hiện diện của Trần Khắc Chung trong bối cảnh lịch sử này. Nhiều câu hỏi thường được nêu ra về cái chết đột ngột của vua Jaya Simhavarma đệ tam. Nguyên nhân nào giải thích cho mưu mô chạy trốn của công chúa Huyền Trân, trong khi ai cũng biết rằng công chúa Đại Việt này không thể hội đủ điều kiện để xin lên giàn hỏa. Nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép để hủy than trên giàn hỏa với chồng của mình”.
(trích bài Góp Phần Tìm Hiểu Lịch Sử Champa).
4.) Bài viêt của ông Nguyễn Ngọc Danh trên Web Dunglac.org: Ông Nguyễn Ngọc Danh cũng đặt vấn đề Trần Khắc Chung có thể là người tình của Huyền Trân công chúa không? Ông đã nêu ra những điều không thuận lý như về tuổi tác cách biệt giữa hai người, như khả năng của một nhóm thuyền thủy quân Đại Việt có thể cướp công chúa Huyền Trân ngay tại quân cảng lớn nhất của một nước có lực lượng thủy quân mạnh nhất Đông Nam Á thời bấy giờ không? Về vấn đề Huyền Trân công chúa có thể bị lên giàn hỏa không, ông Nguyễn Ngọc Danh viết: “…tôi đã liên lạc với cụ Lưu Quang Sang, một nhà trí thức cộng đồng người Chăm ở Sacramento để xin cụ cho biết ý kiến về việc này. Cụ đã cho biết như sau: Tục lệ các hậu phải lên giàn hỏa cùng một lúc với vua khi băng hà là một điều rất đúng theo tục lệ đạo Bà La Môn. Nhưng tục lệ này khi du nhập vào Chiêm Thành đã thay đổi đi chút ít. Sự thay đổi đó là khi một vị vua Chiêm qua đời không bắt buộc các vị hoàng hậu phải lên giàn hỏa mà chỉ cần một người thôi. Việc này hoàn toàn có tính cách tự nguyện. Nếu có nhiều bà cùng xin được hỏa thiêu, hoặc không có vị nào tình nguyện thì hội đồng hoàng tộc sẽ nhóm họp và bình chọn người nào xứng đáng, nết na, đức độ nhất để được chết theo vua. Đối với người Chăm, được chết theo vua là một vinh dự lớn lao vì sau khi chết tượng bia của bà này cũng được thờ trong đền tháp cùng với vua thần là chồng mình. Người Chăm rất bảo thủ nên trong việc bình chọn, hoàng tộc Chăm không thể nào tuyển chọn Huyền Trân vì nàng là một cô dâu ngoại tộc…”
(trích Hoàng Hậu Paramecvari)
Còn rất nhiều tác giả khác nữa cũng đem đề tài này ra mổ xẻ. Tuy nhiên, vì giới hạn của bài viết, chúng tôi không tiện kê ra thêm.
Qua những lời trích đó, chắc hẳn nhiều độc giả sẽ đặt vấn đề liệu những điều ĐVSKTT đưa ra có đúng không?
Người viết nghĩ rằng, đoạn Khắc Chung khuyên người Chiêm lập đàn chiêu hồn ở bờ biển để công chúa Huyền Trân đứng chủ tế rồi thừa dịp cướp công chúa, sử gia đã chép theo lời báo cáo của Khắc Chung dâng lên vua Trần.
Đoạn nói Khắc Chung đã tư thông với công chúa thì hẳn là do sử gia suy đoán và chép theo dư luận đương thời mà ngay chính Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cũng đã tin như thế.
Vì thế, khi đọc đến đoạn ĐVSKTT (cả Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn và nhiều quyển sử khác nữa cũng chép tương tự như vậy) nói trên, ít ai chẳng ấm ức, thắc mắc tại sao đoạn sử hết sức quan trọng ấy lại gặp quá nhiều điểm mù mờ khó hiểu?
Huyền Trân công chúa vì đại cuộc quốc gia, phải hi sinh tình cảm gia đình, lấy chồng xa xứ, nhưng bất hạnh chồng bà lại mất sớm trước khi bà sinh đứa con đầu lòng. Mỉa mai thay, gia đình chồng bà lại chẳng ai yêu thích chi bà, họ vẫn coi bà là nguyên nhân đã làm cho vị anh hùng Chế Mân của họ tức là chồng bà đã mê muội đến nỗi dâng hai châu Ô và Rí cho Đại Việt. Đó là lý do để bà không thể thủ tiết thờ chồng nuôi con ở đất Chiêm Thành như hầu hết những người đàn bà Việt thấm nhuần nho giáo thời bấy giờ vẫn làm. Đó cũng là lý do để xảy ra vụ đánh cướp công chúa đem về Đại Việt do Trần Khắc Chung thực hiện.
Nhưng vụ đánh cướp công chúa đã không diễn ra suôn sẻ theo ý muốn của Khắc Chung. Những khó khăn từ nhiều mặt đã gây ra sự chậm trễ đáng kể. Chính sự chậm trễ trong việc đưa công chúa về Đại Việt đã làm nẩy sinh một mối oan nghiệt mới cho công chúa: huyền thoại mối tình giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa ra đời!
Trần Khắc Chung là người có thực tài. Ông từng giúp các vua nhà Trần giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Ông làm quan suôn sẻ đến cuối đời, đạt đến địa vị cực phẩm. Nhưng khi mất rồi, ông bị kẻ thù lén đào mồ, băm vằm thi hài của ông ra từng mảnh cho chim chuột ăn. Các sử gia đời trước cũng phê phán về tư cách, hạnh kiểm của ông rất nặng lời. Điều đó chứng tỏ trong đời Khắc Chung chuyện ân oán xảy ra không phải ít.
Nay người viết xin tập trung một số tài liệu thu thập được từ nhiều phía, gạn lọc lại để xây dựng nên tập tiểu thuyết TRẦN KHẮC CHUNG. Ước mong của người viết là làm sao phác họa lại chân dung nhân vật lịch sử này được gần với sự thật hơn! Người viết cũng hi vọng tác phẩm này sẽ gợi được chút cảm hứng cho những người vẫn thắc mắc mối tình giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa là chuyện có thật hay chỉ là chuyện hoang đường.