CHƯƠNG 1
hiến công đầu tiên của Ngô Quất bắt đầu bằng một phát minh độc đáo nhất thế kỷ này. Đó là một sáng kiến giết người rất ngoạn mục bằng cách treo cổ con người ta theo phương pháp "gầu sòng" để tiết kiệm đạn. Phương án "gầu sòng" được áp dụng rộng rãi trong vùng bởi nó mang một ý nghĩa sâu sắc về mục đích yêu cầu, tầm quan trọng của những cuộc xử tử những tên tội phạm. Nó thoả mãn được lòng căm thù, nó gây được ấn tượng mạnh khiến kẻ tử tù phải khiếp sợ. Loài người tất nhiên đã có rất nhiều phương pháp để trừng trị tội phạm, cho phạm nhân lên giàn hoả thiêu, hay theo phương pháp tùng xẻo thời trung cổ, "tùng" một cái "xẻo" một nhát theo nhịp trống. Như thế cũng đã ghê. Nhưng Ngô Quất cho rằng phương pháp "gầu sòng" của mình có hình ảnh nghệ thuật hơn, dữ dội hơn. Nếu chỉ đem bắn thì quá đơn giản lại tốn đạn: "Đòm" một cái là chết, chẳng đau đơn gì. Phương pháp "gầu sòng" của Ngô Quất cũng chỉ là phương pháp treo cổ, nhưng nó đặc biệt hơn. Người ta dùng ba cây tre đực chụm đầu lại, gốc choãi ra giống như kiểu cắm sào để tát nước gầu sòng. Dùng một cây tre đực nữa để nguyên cả ngọn dài, đặt lên chạc ba làm cần bật. Ngọn cây trên cần buộc sợi dây bỏ thõng xuống đất khi nào được lệnh giật thật mạnh, ngọn cây tre cần bật tung lên, lôi thốc cổ phạm nhân treo lơ lửng trên không trung. Điều đáng nói là cái sáng kiến của Ngô Quất lại được áp dụng để xử tử chính bố đẻ ra y. Dụng cụ "gầu sòng" được kéo rê từ làng Gồi qua làng Bao và cuối cùng tới làng Nguyệt Hạ. Đấu trường làng Nguyệt Hạ xử tội người con trai độc nhất của lão Kình được dựng trên đám ruộng khô cạnh ao đình. Mới bảnh mắt trống đã thúc liên hồi. Người lớn trẻ con ùn ùn kéo đến như thể xem đấu vật. Có chen chúc nhau người ta mới nhận ra xử tử theo phương pháp gầu sòng thuận tiện hơn, an toàn hơn xử tử bằng súng vì tất cả người xem được vây kín xung quanh tên tội phạm chỉ cách chân "gầu sòng" ba mét. Nghĩa là vòng trong thì ngồi, vòng ngoài đứng ai cũng nhìn rõ mặt tên tội phạm. Hôm qua, thấy bố Lưỡng và chú Học, chú Bất dựng đấu trừờng "gầu sòng", cái Nga và mấy đứa trẻ trong xóm lại ngỡ làng sắp mở hội chơi đu. Lúc này cái Nga được ngồi vòng trong với mẹ, nó nhìn rõ thấy cái hố sâu người ta đào ngay dưới chân "gầu sòng". Nét mặt ai cũng có vẻ căng thẳng. Nhất là vợ chồng lão Kình, cô Bông và anh em thằng Bức là những người trong gia đình kẻ bị treo cổ được ngồi riêng ra một chỗ sát chân "gầu sòng" cạnh cái hố. Lúc này cái Nga mới mang máng nhận ra cái hố chính là lỗ huyệt để chôn kẻ phạm tội. Kẻ phạm tội chính là bác Mùa. Bác Mùa là con trai lão Kình, là chồng cô Bông, là bố của anh Lạnh, anh Mát, thằng Bức. Thằng Bức là con út, chúa láu cá. Đã mấy lần nó lừa, bảo Nga nhắm mắt lại, nhằng một cái nó đã giật quần của Nga tụt xuống quá gối rồi bỏ chạy. Bố cái thằng, khốn nạn vậy. Lúc này thì bố nó đã bị bố Nga dong ra đứng trước cái thòng lọng. Chiếc thòng lọng khẽ đong đưa. Mặt trời đã lên cao. Nắng cứ rừng rực trên miệng lỗ huyệt. - Treo cổ nó lên. - Giết chết nó đi. - Đả đảo thằng bán nước Mọi người xôn xao. Những tiếng hô căm phẫn vang lên. Bố cái Nga ngoắc chiếc thòng lọng vào cổ tên tội phạm rồi bước về phía chú Học, chú Bất đang bu vào sợi dây chuẩn bi tư thế chờ lệnh. Bố Nga vừa bám được vào sợi dây thì "tùng" một tiếng, trống lệnh vang lên. Bố Nga, chú Học, chú Bất vươn người bu vào sợi dây lấy đà giật thật mạnh, vít cây tre cần xuống. Trong tích tắc, chiếc thòng lọng xiết chặt lấy cổ tên tội phạm lôi thốc lên không trung theo sức bật của cây tre cần, giống y như người câu cá giật được chú cá khổng lồ bằng chiếc cần câu khổng lồ. Chiếc "cần câu" mềm dẻo bật lên rũ xuống theo quán tính, đầu tiên tội phạm nghẹo đi, cổ dài ra, người thẳng đơ nhún nhảy trên không được mấy nhịp bỗng dưng chiếc dây thừng trên tay bố Nga và chú Học, chú Bất bị đứt bịch một cái, cả ba người mất đà ngã ngửa ra đất. Cây tre cần tung gốc lên trời, tên tội phạm từ trên cao rơi uỵch xuống đất quằn quại bên lỗ huyệt. Tên tội phạm hồi tỉnh chợt đứng vụt dậy gào rú lên ôm choàng lấy thằng Bức. Thằng Bức hoảng loạn ôm lấy anh Lạnh và anh Mát. Bà lão Kình, mẹ đẻ ra tên tội phạm nằm quay lơ ra đất miệng sùi bọt giống người lên cơn động kinh. Riêng lão Kình, bố của tên tội phạm là vững vàng hơn cả. Lão đứng trơ ra nhìn trân trân vào người con trai đang bị hành hình. Dân chúng xôn xao. Những gương mặt lấm tấm mồ hôi giấu kín cảm xúc trong vành nón che nghiêng lấp loá dưới nắng. Bố cái Nga ra lệnh cho chú Học và chú Bất công kênh nhau lên nối lại đoạn dây bị đứt. Tiếng trống hiệu lại đánh "tùng" một cái, cuộc hành trình lại diễn ra như lần trước chỉ khác là tên tội phạm không còn đứng được nữa. Hắn nằm còng queo chết dí trên đất bỗng như sống lại, bay thốc lên trời. Nhưng lần này sợi dây trên tay bố Nga và chú Bất, chú Học bị đứt ngay lập tức. Xác tên tội phạm lại một lần nữa rơi bịch xuống. Có tiếng ai đó hét lên. - Mẹ kiếp ! Cả làng này không kiếm được sợi dây nào tốt hơn sao ? Mọi người nhận ra người vừa hét lên là Ngô Quất, người đã phát minh ra sáng kiến xử tử bằng phương pháp "gầu sòng" này. - Rõ là rách việc, mất cả thời gian. Cứ đem dao rõ sắc "phéng" một nhát vào cổ là nhanh. - Hắn ta vẫn chưa chết đâu. - Có thế mới ngấm đòn. Đáng đời bọn phản động. Lần này thì chú Bất, chú Học có vẻ hăng máu hơn, không cần dùng dây, nhảy phốc lên vít cây tre cần xuống dạng háng ra giữ rịt lấy không thèm dập dình đánh đu như trước nữa. Tên tội phạm lần này cũng không còn nhún nhảy như trước mà chỉ khẽ đong đưa lơ lửng mãi trước mắt mọi người. Không gian chợt lặng đi. Nắng vẫn rực lên và bầu trời cứ trong vắt. Nhìn cái xác treo lửng lơ, lơ lửng mãi, mọi người lại cảm tưởng như đã ngửi thấy mùi tử khí đang lan toả ra khắp mọi nơi. Bất chợt có tiếng quạ kêu khan một hồi từ cây đa đứng trơ vơ giữa cánh đồng làng Nguyệt Hạ... Từ cái lần đi xem treo cổ bố thằng Bức về, đêm nào Nga cũng giật mình thon thót. Đêm nay Nga đang nằm ngủ bỗng thấy có người ôm cổ Nga hôn chun chút. Nga tỉnh dậy thì ra là bố. Bố Nga cúi xuống hôn Nga rồi quay sang hôn mẹ. Nga nghe rõ cả tiếng mẹ đang sụt sùi khóc. Sao mẹ lại khóc ? - Phải vậy thôi, không thể khác được - Tiếng bố Nga thì thào - Anh đi ! Anh phải đi... - Bố đi đâu ? - Nga vùng dậy hỏi. Mẹ Nga vội bịt miệng Nga vẻ hốt hoảng. Giọng mẹ lạc đi: - Anh đi đi. Bố lao ra cửa. Mẹ đứng ngẩn ngơ nhìn ra ngoài trời tối đen. Lát sau mẹ quay vào giường ôm ghì lấy Nga. - Bố đi đâu hả mẹ ? - Cấm con không được nói với ai là bố đi đâu. Bố phải đi trốn con ạ, thời thế này không thể ở lại làng được. Thôi, con đừng hỏi nữa. Ngủ đi Sáng ra, vừa thức dậy. Nga đã thấy có tiếng người chạy uỳnh uỵch ngoài ngõ. Nga bật dậy lao ra cửa. Mẹ đang nấu cơm dưới bếp. Nga hoảng hốt nhìn thấy lão Kình và anh Lạnh, anh Mát cầm dao hằm hằm bước vào. - Thằng Lưỡng đâu, ra đây cho ông hỏi tội - Tiếng lão Kình rít lên. Mẹ Nga từ trong bếp chạy ra run rẩy chắp tay lạy lão Kình. - Nhà con không có nhà ! Con lạy ông tha cho nhà con. Nhà con đâu muốn thế. Cũng vì cái chức tổ trưởng du kích bắt nhà con phải làm... - Mẹ chúng mày! Nó bắt ăn cứt chúng mày cũng ăn chắc. Con ông nó sắm thuyền đi buôn đá về cho chúng mày lát đường cưới vợ cưới chồng, đi buôn trục về cho chúng mày trục lúa, buôn nồi về cho chúng mày nấu ăn. Chẳng qua nó thủ khẩu súng và mấy viên đạn đề phòng kẻ cướp. Vậy mà chúng mày vu oan nó làm gián điệp... Lão Kình vừa sục sạo quanh nhà vừa chửi. Sục chán không thấy gì, lão khoắng con dao ra hiệu cho anh Lạnh và anh Mát đi theo lão ra ngõ. Nga còn đang hoảng loạn thì thấy Đô chạy sang bảo với mẹ Nga là bố Nga đã chết rồi. Bố Nga đã thắt cổ chết treo trên cành đa giữa đồng. Mẹ dắt Nga chạy theo lối cừ giữa ra tới nơi đã thấy mọi người đứng lố nhố quanh gốc đa. Bố Nga đã tự trừng phạt mình bằng cách tự treo cổ mình trên cành đa y như lần bố Nga treo cổ bố thằng Bức trên cần "gầu sòng" Mẹ Nga khóc rống lên: - Ối anh ơi, anh đánh lừa mẹ con em. Đêm hôm qua anh bảo với mẹ con em rằng anh chỉ tạm trốn đi ít ngày rồi anh sẽ về u u u... Nga cũng bật khóc theo mẹ. Nắng sớm le lói trên những giọt sương long lanh. Mọi người từ trong làng đổ ra. Con quạ đen trên cây đa hoảng sợ bay vút lên kêu "quạ quạ.. quạ quạ!" Vào những ngày tang tóc này, người dân làng Nguyệt Hạ lại nghĩ tới câu chuyện đau thương của Đinh Tử Túc và Vũ Bách Thiên xưa. Đinh Tử Túc và Vũ Bách Thiên giữ chức to nhất làng Nguyệt Hạ thời bấy giờ. Đinh Tử Túc có hàng râu con kiến, cưỡi con ngựa bạch. Vũ Bách Thiên có bộ râu ba chòm cưỡi ngựa hồng. Người làng Nguyệt Hạ đã quen nhận ra cốt cách và tiếng vó ngựa của cả hai vị quan chức ở hai dòng họ to nhất làng Nguyệt Hạ gõ móng trên đường làng suốt mười năm trời (Bính Thìn - 1256 - Bính Dần - 1266).Đến năm thứ mười một tháng ba năm Đinh Mão (1267) con ngựa hồng của Vũ Bách Thiên tung vó phi nước đại đến trước cửa từ đường họ Vũ, Vũ Bách Thiên xuống ngựa lao vào hậu cung từ đường dỡ cuốn gia phả ra xem. Bộ râu ba chòm rung rung, Vũ Bách Thiên rú lên một tiếng kêu "Trời !" giận dữ nhảy phốc lên mình ngựa phi tới nhà trưởng tộc. - Ông là trưởng tộc mà mù - Vũ Bách Thiên quát vị trưởng tộc - Ông hãy mở mắt xem Đinh Tử Túc nó đang cho họ Đinh nhà nó đào ao trước cửa đình. Nó đào sân hun hút như vậy ông có biết nó nhằm mục đích gì không ? - Sao bảo nó đoán sang năm có hạn to. - Không phải thế. Ôi cái thằng Đinh Tử Túc thật nham hiểm. Nó đào ao trước cửa đình nhằm triệt long mạch họ Vũ ta, ông hiểu chưa. Ngay đêm nay ông phải huy động cả họ mình phải đào ngay con cừ giữa đồng chạy thẳng vào phía sau hậu cung đình Nguyệt Hạ. Long mạch họ ta ăn theo chiều sâu, long mạch họ Đinh ăn theo chiều rộng, ông hiểu chưa. Nó chơi ta thì ta chơi lại, hè hè... Thế là cái công việc đào ao, đào cừ của hai dòng họ đã lôi cuốn cả làng Nguyệt Hạ. Những bui tre làng Nguyệt được khẩn trương hạ xuống đan sọt làm quang gánh. Tiếng búa rèn cuốc ren mai đập chí chát hối hả cả đêm. Ngựa hồng ngựa trắng tung vó trên đường làng. Đêm đêm đèn đuốc sáng rực cả khoảng trời làng Nguyệt Hạ. Con người thật kỳ lạ, điên cuồng lồng lộn lên để làm cái công việc triệt tiêu long mạch tổ tiên. Họ mê muội hung dữ xả vào chân nhau, bổ cả vào đầu nhau. Mặc lúa má khô héo, sâu bệnh, mặc cả trẻ ốm đau, suốt ba tháng trời, dân Nguyệt Hạ mất ăn mất ngủ vì công việc đào ao đào cừ. Để rồi cuối cùng dân làng phải chứng kiến một cảnh tượng rùng rợn, một cơn ác mộng xảy ra trong ngôi đình làng Nguyệt Hạ. Đầu của Vũ Bách Thiên rời khỏi cổ mà mắt vẫn mở trừng trừng nằm lăn lóc dưới chân cột đình, con dao còn cắm sâu ba tấc vào thân cột. Còn Đinh Tử Túc nằm giữa đình, bụng phơi ra một đống bùng nhùng gan ruột. Người bảo trời phạt. Người bảo hai kẻ đã tự trị tội mình. Người lại bảo hai kẻ giết lẫn nhau. Long mạch họ Đinh, họ Vũ bị triệt, vinh hoa phú quý hai họ đang nở rộ bỗng lụi tàn. Người làng Nguyệt Hạ chỉ còn nhìn thấy hai con ngựa trắng, ngựa hồng của hai dòng họ lọc cọc kéo hai cỗ xe ọp ẹp rít ken két trên đường làng Nguyệt Hạ. Năm ấy dân làng Nguyệt Hạ mất mùa, đói khát, bệnh tật chết chóc thảm thương. Bầu trời làng Nguyệt Hạ vắng bóng diều và im tiếng sáo. Dần dần dân Nguyệt Hạ phục hồi được tai biến. Sự anh minh cao quý chiếu sáng lên tư tưởng tối tăm của hai kẻ ác, dân Nguyệt hạ liền dỡ ngôi đình làng, lật hết gạch đá mang ra dòng sông Cái đóng bè bán cho làng Cao Chỉ để dân Nguyệt Hạ không bao giờ còn nhìn thấy vết chém hằn sâu trên cột đình, để không phải đặt chân lên những viên gạch nhuốm máu người. Hai năm sau một ngôi đình mới lại mọc lên to đẹp hơn trên nền ngôi đình cũ. Ao đình được nạo vét và trồng sen, quanh năm toả hương thơm ngát. Con cừ giữa được khơi thông ra dòng sông Cái để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Bầu trời làng Nguyệt Hạ lại râm ran tiếng sáo diều. Qua biến cố, tai hoạ đói kém, bệnh tật khiến dân làng Nguyệt Hạ sợ hãi. Họ lao vào làm ăn cày cấy chăm chỉ và lại chơi diều. Họ làm cả những chiếc diều khổng lồ to bằng chiếc thuyền nan mang sáo "bi bi" to bằng bắp đùi buông vào những ngày lộng trời. Tiếng sáo diều xua tan đi bao nỗi đau buồn của lòng người làng Nguyệt Hạ như nhắc nhở đừng bao giờ làm điều ác. Tiếng sáo diều an ủi nỗi gian nan vất vả của công việc ruộng đồng. Tiếng sáo diều chính là tâm hồn thanh cao, bay bổng diệu kỳ nhất của người dân Nguyệt Hạ. Vào những ngày thanh bình người làng Nguyệt Hạ lại nhớ tới câu chuyện huyền thoại của làng. Truyện rằng. Vào tuổi mười tám nàng công chúc Nguyệt Cầm đẹp như tiên. Gương mặt nàng buồn như cảnh sắc mùa thu. Tâm hồn nàng thật trong sáng và đa tình. Cả thời thơ ấu của nàng bị giam cầm trong hoàng cung không hề biết tới thế giới bên ngoài còn bao la rộng lớn vô cùng. Đến tuổi dậy thì nàng hay nghĩ vẩn vơ ngồi một mình xa lánh mọi người. Đêm đến nàng thấy bứt rứt khó ngủ. Vào một đêm nàng chợt thức giấc và nghe từ thế giới xa xôi nào đó vẳng lại âm thanh kỳ lạ vi vút như tiếng chim, như tiếng đàn, như một lời réo gọi. Từ đó đêm nào nàng cũng thức giấc và nhận ra chính những âm thanh ấy đã quyến rũ nàng, khiến nàng rạo rực, ham muốn... Nàng nhận thấy thân thể nàng đẫy đà ra, ngực nở nang hơn, và trái tim nàng hay xúc động mạnh cũng chính bởi âm thanh kỳ lạ ấy. Đến một đêm, không chịu nổi khao khát muốn biết rõ thứ âm thanh đó từ đâu tới, nàng trốn khỏi hoàng cung, ra đi. Nàng đi suốt đêm với tâm trạng vừa hồi hộp lo sợ, vừa háo hức bởi thứ âm thanh ấy mỗi lúc một rõ hơn, gần hơn. Bình minh lên, nàng ngỡ ngàng thấy đất trời hiện lên một khung cảnh hết sức lạ lùng chưa bao giờ nàng nhìn thấy. Một thế giới bao la đầy cây xanh của thôn xóm đồng quê, dòng sông, bến nước thanh bình, không có lính canh, không có thành luỹ, không có gươm giáo. Nàng sung sướng được nhìn thấy, được nghe thấy những âm thanh lạ của những con chim lạ mà người ta buộc dây thả nó bay lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt. Nàng tung tăng đi dọc bờ con sông trong vắt và bất ngờ gặp một chàng trai có thân hình lực lưỡng, gương mặt thật vô tư, chàng dắt một con vật cũng lạ. Chàng đang ngước mắt nhìn lên con chim khổng lồ của mình bay trên trời. Con chim của chàng... đúng là con chim của chàng đang phát ra thứ âm thanh lạ lùng đã làm nàng thao thức bao đêm. - Thưa chàng - Nàng ấp úng đến bên chàng trai. - Nàng là ai ? - Chàng trai ngơ ngác nhìn nàng. Ôi ánh mắt chàng mới hiền lành và trong sáng làm sao. - Ta là công chúa Nguyệt Cầm - Nàng nói - ta muốn hỏi chàng về con chim mà chàng thả trên trời nó đang hót kia... - Ôi ! Nàng thật là ngây thơ ! Nó không phải là con chim. Nó là cánh diều do chính tay tôi làm ra... Qua lần gặp gỡ chàng nông dân, về tới hoàng cung, nàng bị vua cha quở mắng và ép gả nàng cho một hoàng tử nước láng giềng. Thế giới mới lạ của đồng quê đã quyến rũ nàng, hình ảnh chàng trai với cánh diều tiếng sáo đã lay động trái tim nàng. Trong ngày cưới nàng chỉ mơ tưởng tới cảnh gặp gỡ chàng trai. Trên bờ sông. Tiếng sáo diều của chàng lại văng vẳng như thúc giục nàng phải đến với chàng. Tiếng sáo lúc này nghe sao ai oán sầu muộn. Nàng lén từ biệt vua cha, từ biệt triều đình, từ biệt cảnh xa hoa náo nhiệt của đêm tân hôn. Nàng tìm đến chàng trai và tự nguyện trao tấm thân trinh trắng của nàng cho chàng giữa nơi đồng quê đầy hương thơm của đất trời, cỏ cây hoa lá. Và tiếng sáo diều vi vút trên nền trời đầy sao. Nàng cảm nhận rõ thân thể chàng và nàng trộn lẫn vào nhau sáng rực lên trong đêm. Nàng thấy chàng có sức mạnh phi thường đang gây nên cơn bão ham muốn dâng trào trong lòng nàng. Da thịt ngọc ngà của nàng râm ran và trái tim nàng bốc cháy vì hạnh phúc. Phút ái ân giữa nàng và chàng đang độ cuồng nhiệt thì đất trời bỗng quay cuồng. Tiếng vó ngựa rầm rập, tiếng trống dậy lên khắp bốn phương trời. Nàng Nguyệt Cầm hiểu rõ tai hoạ đang đến với nàng và chàng. Lính của triều đình đang rầm rập kéo đến. - Chàng ơi, vậy là em và chàng phải chết. Đội quân của triều đình sẽ bắt chàng về xử tội. Chàng sẽ phải ngồi trên dàn hoả thiêu... Chàng hãy mang cánh diều của chàng lại đây cho em - Nàng Nguyệt Cầm đón sợi dây diều từ tay chàng nông dân. Cánh diều chao liệng, tiếng sáo rú lên. Lính triều đình gươm giáo vây kín xung quanh đôi trai gái. - Chàng ơi ! Em muốn chết cùng chàng ngay tại đây ! Dưới dòng sông trong xanh kia - Nàng Nguyệt Cầm vừa nói vừa ôm ghì lấy chàng nông dân quay tròn đi mấy vòng cho sợi dây diều xiết chặt lấy hai thân hình chàng và nàng. Giữa giây phút đôi trai gái định nhẩy xuống dòng sông tự vẫn thì một trận cuồng phong ập đến, cả chàng và nàng được cánh diều nâng bổng lên không trung. Tình yêu bất tử đã cất cánh, chàng nông dân và nàng Nguyệt Cầm đã được cánh diều đưa đi xa, xa mãi tới khi mặt trời bừng sáng. Gió nhẹ dần, nắng lung linh, cả chàng và nàng đều nhận ra một miền đất màu mỡ cỏ cây xanh tốt. Cánh diều thần tiên xuống thấp dần, thấp dần theo làn gió nhẹ đưa chàng và nàng đặt chân lên một dòng sông có bến nước trong vắt, có đồng cỏ non với những chú ngựa trắng ngơ ngác từ thế giới hồng hoang trong vắt của tình yêu - thế giới chưa hề nhuốm tội lỗi của con người. Nàng Nguyệt Cầm và chàng nông dân lập nghiệp tại đây. Một năm sau nàng sinh con gái, đặt tên là Nguyệt Hạ. Nguyệt Hạ mười tám tuổi. Nàng Nguyệt Cầm kể cho con gái nghe câu chuyện tình cảm của mình. Nàng nhận ra ở con gái có đủ mọi tính cách hình dáng giống y như nàng năm xưa. Nàng hiểu rõ thế nào là tình yêu lứa đôi. Chỉ nhìn vào mắt con gái, nàng hiểu rõ nó đã yêu. Tình yêu của nó cũng như tình yêu cùa nàng khi gặp chàng nông dân. Nàng sợ con gái cũng sẽ bỏ đi giống như nàng bỏ vua cha. Nàng gọi con gái đến và bảo: Mẹ có một chiếc vòng duy nhất của vua cha cho mà mẹ còn giữ được và bây giờ mẹ trao cho con, con hãy giữ lấy và trao cho người mà con yêu... Miền đất này có được cái tên Nguyệt Hạ chính là tên của con gái nàng công chúa Nguyệt Cầm. Nó là biểu tượng của tình yêu bất tử, là kết quả của một đêm ân ái cuồng nhiệt giữa nàng Nguyệt Cầm và chàng nông dân trên bờ sông năm nào. Và tục lệ "trao vòng" của người dân có từ thời nàng công chúa Nguyệt Cầm. Chiếc vòng gia truyền do người phụ nữ giữ từ đêm tân hôn tới khi nào có con gái trưởng thành tới tuổi mười tám thì trao lại cho con gái. Người con gái hoàn toàn được tự do chọn lựa người yêu để trao vòng. Người con trai nhận được vòng của người con gái thì được quyền mang lễ vật đến dạm hỏi. Người con trai phải bảo vệ giữ gìn chiếc vòng ấy tới đêm tân hôn thì trao lại cho vợ giữ tới khi nào con gái đến tuổi mười tám thì trao lại cho con. Chiếc vòng cứ lưu truyền hết đời này qua đời khác. Nếu gia đình nào có nhiều con gái thì phải sắm vòng cho chúng vào tuổi mười tám. Chiếc vòng sắm thêm phải đưa ra đình làm dấu thánh theo gia tộc, dòng họ thì mới thực sự có giá trị. Vòng gia truyền có thể bằng bạc hay bằng đồng hoặc bằng gỗ được gọt dũa theo quy định riêng của từng dòng họ. Tuy đơn giản nhưng nó có giá trị bằng phẩm giá của người phụ nữ. Đã trao vòng cho người con trai mà người con gái để mất trinh tiết thì phải bồi thường cho nhà trai năm chỉ vàng. Người con trai đã nhận vòng của người con gái mà bội ước thì cũng phải bồi thường năm chỉ vàng. Đó là những quy ước thật nghiêm ngặt mà người dân làng Nguyệt Hạ đã quen thực hiện từ bao đời nay. Chính vì có tục lệ "trao vòng" mà người làng Nguyệt Hạ luôn coi trọng danh dự, đàn ông cốt cách, đàn bà thuỷ chung. Đặc biệt người Nguyệt Hạ ham chơi diều. Cánh diều tiếng sáo là biểu tượng sự ấm no thanh bình của làng Nguyệt Hạ. Làng Nguyệt Hạ vắng bóng diều, im tiếng sáo là y rằng có chết chóc, mất mùa đói kém hoặc giặc giã hoành hoành... Người làng Nguyệt Hạ có lời thề nguyền không bao giờ làm điều ác. Nếu kẻ nào làm điều ác không tự trừng trị thì trời sai sét đánh đắm thuyền, vỡ bè hay lũ cuốn chết. Ấy vậy mà con người vẫn không sợ, thời nào cũng có kẻ phạm phải những sai lầm làm những điều ác độc ghê gớm...