Tiểu thuyết đăng báo Kịch Ảnh năm 1965

Ngàn xem lại đồng hồ tay thì đã chín giờ kém năm rồi. Chàng đã ngồi đây hơn một tiếng đồng hồ mà chưa dám hành động, mặc dầu kế hoạch đã được nghiên cứu tỉ mỉ từng trong những chi tiết vụn vặt, còn sự quyết chí thì chàng có thừa.
Hôm nay là thứ hai thì chắc chắn là Khương, chồng Trâm, có ở nhà. Có đi giải trí gì với gia đình hay đi một mình, người ta đã đi tối thứ bảy về tối chủ nhựt, thường lệ thì như vậy.
Đêm nay trời lại mưa dầm thì trừ phi đi rước bà mụ cho vợ, không ai buồn ra khỏi nhà làm gì.
Chàng nhìn lên căn gác bên kia đường và tưởng tượng cảnh êm ấm của đôi vợ chồng nhà ấy. Có lẽ họ đang nằm cạnh nhau, trong chăn, để trò chuyện, hoặc thằng ấy đang hôn hít nàng cũng nên.
Nghĩ tới đây, máu Ngàn sôi lên sùng sục và chàng toan đứng dậy ngay, nhưng không hiểu sao chàng như bị dính vào chiếc ghế không dựa của hiệu cà phê bình dân mà chàng nhờ chỗ để ngồi rình.
Cảnh vật không khác năm ngoái chút nào. Trâm thuê căn gác tại đường Phan Đình Phùng nầy mỗi tháng một ngàn rưỡi. Từng dưới do bà lão chủ nhà chiếm ngụ. Nhà đưa hông ra một ngõ hẻm. Hông có trổ cửa sau dưới nhà. Cửa nầy vừa đưa vào nhà bếp từng dưới, vừa đưa vào chơn thang gác để lên lầu. Khung cửa có gắn chuông điện cho từng trên; muốn vào, bấm chuông ấy thì chính chủ nhà xuống mở cửa.
Những chi tiết đó Trâm đã cho chàng biết và chàng đã lên đó hai lần.
Bây giờ chàng băng qua đường vào ngõ hẻm, bấm chuông là được lên, cho dẫu là Trâm đã có chồng. Lần thứ nhì và cuối cùng, chàng lên đó, đã gặp chồng của Trâm. Trâm giới thiệu hai người với nhau một cách vui vẻ, và xem ra "thằng ấy" cũng biết lịch sự thì bây giờ chàng sẽ được tiếp, mặc dầu kẻ xuống mở cửa là chồng hay là vợ.
Trời nầy chắc hẳn là họ không có khách. Chàng sẽ không nói gì cả, chỉ rút dao rọc giấy ra đâm liền vào ngực Khương là xong chuyện.
Trâm sẽ khủng khiếp không dám níu kéo gì chàng khi chàng bỏ đi, mà cũng không kêu 1a kịp vì sợ điếng người.
Chàng sẽ thung dung gọi xe để tới bót quận ba mà nạp mình, đỡ khổ hơn là bị bắt ngay nếu Trâm kêu cứu kịp.
Chàng sẽ không bị xử tử chắc chắn như vậy. Cao tay lắm là năm năm tù bởi chàng sẽ được hưởng trường hợp giảm khinh.
Sự nghiên cứu tỉ mỉ của chàng chỉ cốt để tìm kế hoạch biến sự cố sát của chàng ra một lỡ tay vì ghen tuông.
Ừ, ghen tuông rồi làm liều mà không có chuẩn bị thì nhẹ tội lắm.
Con dao rọc giấy nầy do chàng mang đến, nhưng nhà ai lại không có thể có con dao rọc giấy trên bàn viết ? Chàng quả quyết là trong cơn tức giận chàng chợt thấy con dao ấy nên chụp lấy để đâm Khương. Trâm không thể đính chính được bởi không thể có bằng cớ nào chứng tỏ khí giới do chàng mang tới.
Con dao rọc giấy nầy bằng bạc, mắc tiền lắm và chàng cưng nó lắm nhưng chàng phải hi sinh nó vì nó đặc biệt hơn các loại dao rọc giấy khác ở chỗ nó rất nhọn nơi đầu như là mũi của chiếc boa nha vây.
Chỉ có loại khí giới nầy mới biến sự cố sát ra ngộ sát được vì không ai có thể truy ra nguồn gốc của nó. Ừ, chàng đến thăm một người tình cũ mà không có chuẩn bị, bởi chàng đến với hai bàn tay không rồi tình cờ thứ khí giới ứng dụng nầy xuất hiện dưới mắt chàng lúc chàng nổi giận.
Tánh cách độc đáo của khí giới là phần quan trọng của kế hoạch; nội cái việc chọn khí giới đã chiếm mất hết hai tháng suy tính của Ngàn rồi. Tánh cách ấy là khí giới có thể là của nạn nhơn và có thể nằm dưới mắt chàng lúc hai đàng cãi lẫy với nhau.
Trâm không thể phủ nhận chàng là nhơn tình của nàng, mặc dầu sự thật không phải thế.
Chàng sẽ khai ra bà mối là chị Sáu nếu chị Sáu lại chối, chàng sẽ khai cái nhà đã làm nơi hẹn hò của Trâm và chàng. Nếu nhà ấy lại chối nữa, chàng sẽ tả tỉ mỉ mụ chủ nhà, tả tỉ mỉ cái buồng bên trong thì hẳn tòa phải tin chàng.
Vậy chàng sẽ khai rằng đi xa về, đến thăm người tình cũ thì thấy nàng đã lấy chồng. Tức quá, chàng trách móc nàng và bị anh chồng hành hung. Thế là chàng nổi nóng và nhứt là ghen, nên làm bậy.
Nhưng chàng hối hận nên đã tự động nạp mình.
Năm năm tù !
Chắc chắn là hình phạt chỉ tới đó là cùng. Rồi sau ra sao ? Nhứt định là chàng sẽ mất Trâm vĩnh viễn. Nhưng mặc. Chớ bây giờ lại không mất vĩnh viễn à ?
Suốt một năm tìm quên ở xa, chàng nghe rõ lòng chàng: Chàng không thể thiếu Trâm mà sống được.
Chàng hối tiếc nhiều lắm nhưng không nhận lỗi mà đổ trút mọi tội lên đầu kẻ mà chàng cho là đã cướp Trâm trên tay chàng. Niềm oán hận không căn cứ ấy sinh nở trong một phút bất công của kẻ sầu tư, được hắn nuôi nấng cho đến trưởng thành để gỡ tội cho chính hắn và khi hận trưởng thành, hắn nghe rằng phải báo thù.
Thế là chàng về Saigon, sau khi đã nghiên cứu kế hoạch.
Một làn gió thổi qua mạnh, những hột mưa bay hẳn vào nhà và cả bàn đặt ở ngoài hiên tiệm cà phê bị nước mưa tưới ướt mem. Người ngồi ở bàn ấy cũng ướt.
Mấy tách cà phê đen uống liên tiếp đã được trả tiền từ lâu, Ngàn đã chu đáo về khoản đó để có thể đứng lên thì đi được ngay, khi gom đủ can đảm. Nếu còn bận trả tiền, chàng sẽ đâm nhát chăng ?
Đây là một người khách không còn hay ho gì cả bởi hắn đã trả tiền rồi. Tuy nhiên người phổ ky Trung Hoa cũng bước ra ngoài bưng tách vào bàn trong và mời:
- Thầy đi vô kẻo ướt.
Ngàn làm thinh không đáp. Lạ quá, giết người khó lắm thay ! Chàng biết chắc rằng sẽ khỏi phải đền tội, sẽ không bị tra tấn, và chàng cũng không sợ ở tù. Chàng đã sắp đặt mọi việc cả rồi, cả đến việc trao cho một người bà con một số tiền để y mướn luật sư biện hộ cho chàng nữa. Thế mà tới phút chót chàng lại cứ ngồi lì ra đó.
Ban đầu chàng tự gạt gẫm chàng: "Hãy đợi một lát. Nó có thể có khách. Khách sẽ là một nhơn chứng bất lợi cho mình. Vậy mình phải bền chí chờ cho người khách có thể có ấy, ra khỏi nhà".
Nhưng trời mưa dầm thì khách đâu có đến, vả họ không thể tới thăm bạn trong giờ cơm, tức là hồi bảy giờ rưỡi lúc chàng đến đây. Có đến trước, họ đã phải đi rồi cho chủ nhà ăn cơm.
Có gì đâu ? Đứng lên, băng qua con đường Phan Đình Phùng tương đối hẹp, vào hẻm có mấy bước là tới khung cửa sau để bấm chuông (căn nhà nầy ở mặt tiền Phan Đình Phùng), chờ hai phút là có người xuống mở cửa. Người đó là Khương đi nữa, cũng không ngăn khách lên lầu được, vì khách sẽ bất đồ xô hắn, lách mình chạy bay lên đó. Hắn sẽ rượt theo và sẽ bị đâm ngay giữa buồng.
Thật là giản dị. Nhưng lần nào dợm đứng lên, Ngàn cũng nghe tim mình vụt đập mau và mạnh. Rồi chàng run, rồi chàng tìm cớ để ngồi dây dưa thêm.
Tiệm cà phê không đối diện hẳn với ngõ hẻm, mà nằm trịch một bên. Tuy nhiên ngồi ở hàng hiên, chàng cũng thấy được một quảng sâu khỏi cái khung cửa sau đó.
Cạnh khung cửa là một cái chòi bằng ván lợp thiếc, bên trong leo lét ánh đèn dầu. Ngàn nhìn kẽ hở của vách ván, khá rộng để theo dõi sự hoạt động của người trong chòi, hầu quên công việc của chàng. Thật là vô lý hết sức.
Bỗng chàng giựt nẩy mình lên: cánh cửa sau ấy mở ra. Ai sẽ từ trong nhà đi ra ?
Người đó là ai chàng cũng không gặp gì nguy hiểm, nhưng không hiểu sao tim chàng lại đập thình thình, và nó đập cuồng loạn đến đỗi chàng suýt ngất đi, khi chàng thấy dáng ngườì đi ra. Người đó là Trâm. Mặc dầu nàng mặc áo mưa ca-buýt-sông chụp lên đầu và đưa lưng ra ngoài để đóng cửa, chàng cũng nhận được nàng vì gương mặt và dáng đi, điệu đứng của nàng đã quen thuộc với chàng lắm rồi.
Trâm mặc đầm, không biết lối nào, chỉ thấy hai ống chơn trắng của nàng phơi ra mà chàng đoán thế thôi. Khung cửa có ô văng, đứng nơi đó không ướt thì nàng không có lý do để vén qụần áo lên. Vậy chắc chắn là nàng mặc áo đầm, y như xưa.
Căn nhà đối hông với căn nhà của Trâm có gắn một ống đèn nê ông ngoài đường, soi sáng rực đầu ngõ. Khi Trâm xây lưng vào để bước xuống bực thềm thì Ngàn không nghe rằng chàng đang có nữa, không nghe tim mình đập chậm hay đập mau nữa.
Chàng nhìn sững gương mặt ấy, nó đẹp gấp hai năm ngoái, lại thoáng một nỗi buồn nhè nhẹ trên đó, dễ mê không biết bao nhiêu.
„Trời ơi ! Chàng kêu than thầm. Trời ơi, làm sao mình được Trâm ! Cứ để như vậy mình cũng xa nó, mà giết thằng ấy thì cũng thế thôi. Trời ơi sao năm ngoái mình lại ngốc thế ?"
Trâm bước mau ra đầu ngõ và khi nàng vừa tới nơi thì một chiếc tắc xi chạy qua. Nàng bắt xe lại, bước lên và xe chay về hướng Kỳ Viên Tự.
Đèn trong xe sáng lên. Ngàn nhìn theo nhưng chỉ thấy cái ca-buýt-sông màu vàng nghệ qua kiếng sau.
Chàng không kịp có phản ứng nào cả, nhưng nghĩ lại thì biết phản ứng thế nào bây giờ ? Trâm không phải là kẻ mà lưỡi dao rọc giấy của chàng tìm kiếm.
Ngàn thở dài rồi nhìn lên gác. Lạ quá đèn trên đó đã tắt. Không lẽ chồng Trâm lại ngủ sớm thế ? Nhưng nếu hắn còn thức, cũng không ra tay được đêm nay bởi không có mặt Trâm thì chàng không có lý do để mà ghen rồi giết người.
Bỗng dưng Ngàn nghe nhẹ nhõm cả người. Mặc dầu chương trình chàng bị xáo trộn và cuộc hạ sát kẻ thù phải dời lại đêm khác mà hoàn cảnh không biết có thuận tiện bằng đêm nay, trong khoảng thời gian từ đầu hôm tới bây giờ hay không, chàng cũng nghe dễ chịu hết sức.
Bộ thần kinh của chàng bị căng thẳng gần hai tiếng đồng hồ rồi, bỗng giãn ra thình lình khiến chàng nghe sảng khoái lạ.
Chàng muốn ngồi để đợi Trâm trở về. Gái có chồng không thể đi khuya quá được thì chàng sẽ khỏi phải đợi lâu. Ý muốn nầy không có mục đích thực hiện kế hoạch, mà chỉ để thấy lại mặt Trâm một lần nữa thôi.
Lạ quá, từ lúc Trâm xuất hiện ra tới giờ, chàng gần như quên mất mối thù phải trả. Tuy nhiên chàng phải đứng lên vì một chiếc tắc xi cũng vừa chạy tới, ngược chiều với chiếc khi nãy. Chàng phải đi tức tốc để trốn cái phận sự phiền phức của chàng.
- Đi đâu cậu ?
Xe chạy tới hông tòa đại sứ Cao Miên, người tài xế mới hỏi câu trên đây, vì đã tới ngã tư, hắn phải biết nên chạy thẳng hay quanh quẹo ngã nào.
Ngàn giựt mình ấp úng rồi đáp:
- Chạy vòng tròn Lê văn Duyệt

- Phan thanh Giản

- đường Vườn Chuối

- Phan đình Phùng.
Người tài xế lấy làm dị kỳ cho ông khách nầy nên hỏi thêm:
- Chạy mấy vòng như vậy ?
- Chạy hoài, chừng nào tôi bảo thôi thì thôi.
Cái vòng nầy nhỏ lắm, và chàng sẽ thấy được Trâm nếu lúc nàng về đến nơi mà chàng còn đang chạy đằng Phan thanh Giản đi nữa. Xuống xe trả tiền xe, những việc lặt vặt ấy coi vậy mà cũng kéo dài mấy phút, rồi lại còn vào ngõ, còn chờ cửa nữa, chàng đủ thì giờ trở lại điểm nầy.
Ngàn chuẩn bị thật chu đáo. Con dao rọc giấy nếu chàng bỏ túi quần, rủi ro cảnh sát công an xét người đi đường một cách bất thần thì phiền lắm ! Vì thế mà chàng đã kẹp nó giữa một quyển sách Tây lớn khổ. Sách nầy chàng chỉ rọc vài mươi trang thôi.
Quyển sách rọc dở chừng tự nó sẽ có nghĩa cho lính tráng hiểu sự có mặt của con đao. Xong công việc, quyển sách bỏ lại còn bổ túc cho cuộc giàn cảnh nguời bị giết đang đọc một quyển sách mới mua, lúc khách đến.
Ngàn mân mê quyển sách. Tay chàng chạm phải cái chuôi dao lạnh ngắt như nước đá. Chàng nhớ lại cái việc phiền phức kia nên xe mới chạy được có hai vòng, chàng nói:
- Đi về Cầu ông Lãnh.
"Không, nhứt định là mình phải giết thằng ấy mới được, xin tự thề với mình rằng nếu không hành động, mình sẽ khinh mình không còn xem mình là con người nữa. Nhứt định !"
Ngàn vừa lăn trở vừa tự nhủ thầm như vậy. Chàng đã trải qua mấy tiếng đồng hồ thao thức để sống lại đoạn đời năm ngoái của chàng và càng nghĩ chàng càng căm hận thằng đó.
Câu chuyện năm ngoái, bắt đầu một sáng chúa nhựt kia.

° ° °

Sáng chúa nhựt cuối tháng và đầu tháng nào hè phố Lê Lợi, từ quán Kim Sơn đến nhà thuốc Tô Ngọc Dung cũng đông nghẹt người.
Trên quãng vỉa hè dài dộ hai trăm thước nầy khách qua đường quen thuộc là những ông gia trưởng bực trung đi mua sắm cho vợ con, hoặc những bà nội trợ cũng làm cái công việc ấy cho chồng con họ.
Kế đến là những nàng nữ sinh viên và học sinh đi bát phố, rồi đến những quân nhân các cấp còn ở trong thời kỳ huấn luyện, chúa nhựt ra chơi xem đô thành ở cái địa điểm rộn rịp nhứt nầy.
Hạng người giàu có thì mua sắm ở nơi khác, còn hạng sang trọng không đi đạo phố buổi sáng bao giờ.
Ngàn thuộc vào hạng sau đó, nhưng nơi chốn và thời gian đi dạo của chàng khiến người ta ngỡ chàng là một sinh viên hay một ông ký nào.
Chàng có một chiếc lọ cổ rất quí nhưng chiều hôm qua rủi ro chàng làm ngã chiếc lọ ấy nó bể miệng. Hai mảnh sứ vỡ, mỗi mảnh lớn bằng một gói thuốc điếu, có thể vá lại được.
Chàng tìm mua loại chì vá đồ sứ thường thấy bày bán ở các vỉa hè đông đúc, nên mới có mặt nơi đây vào giờ nầy.
Thình lình Ngàn nghe ai gọi nho nhỏ sau lưng chàng: "Thầy Tư".
Chàng không có làm thầy bao giờ hết, lại cũng không phải thứ tư nên không day lại mặc đầu giọng người đàn bà ấy nghe hơi quen quen.
Nhưng người ấy lại gọi lớn hơn:
- Thầy Tư nhà in !
Ngàn giựt nẩy mình. "Thầy Tư nhà in" là một cái tên bịa mà chàng thường dùng trong những "hộp" bí mật, để giấu căn cước thật của chàng.
Sự giấu diếm nầy rất khôn ngoan mà sự chọn cái nghề nghiệp láo khoét mà chàng khoe ra cũng rất khôn ngoan. Nghề nhà in không xoàng lắm, người ta sẽ nể chàng phần nào. Nhưng nó khiêm tốn và không gợi ý cho người ta toan tính gây nhiều phiền phức cho chàng.
Lắm anh làm tàng đã phải khổ thân và trót dại cung khai nghề nghiệp thật, cao sang quá, khiến bọn bất lương có khuynh hướng khai thác, hay ít lắm cũng đập đổ họ.
Ngàn do dự trong mấy mươi giây, sợ người ấy không cư xử lịch sự, nói bậy cái gì ra thì chàng phải xấu hổ, nhưng chàng cũng ngại họ hờn nếu chàng làm lơ.
- Thầy Tư nhà in !
Người đàn bà nầy lại gọi chàng lần thứ ba, và đã bước theo gần kịp chàng rồi, không thể lảm bộ không nghe được nữa. Vả, chàng rất sợ con mẻ kêu gọi mãi, khách qua đường chú ý đến thì phiền. Chàng dừng bước lại, giả đò nhìn vào một hiệu tơ lụa của người Ấn Độ. Người kêu gọi biết điệu lắm, cũng dừng chân lại bên cạnh chàng và hỏi nho nhỏ:
- Mạnh giỏi thầy Tư ?
- Ừ, cám ơn chị. Chị cũng mạnh ?
Người nầy dễ thường đã trên năm mươi nhưng Ngàn vẫn quen miệng kêu bà ta bằng chị, cái đại danh từ chị thông thường mà người ta dùng để gọi bất kỳ ai mà người ta không trọng.
- Cám ơn thầy. Sao lâu quá...
- Dạo nầy tôi bận lắm. Chị Sáu lại hạ giọng thấp hơn:
- Có của lạ.
- Vậy à ?
Ngàn hỏi thế mà không phấn khởi bao nhiêu. Vì không phải lúc chàng có hứng.
Chị Sáu bắt đầu đi sâu vào chi tiết:
- Lạ đặc biệt chớ không phải lạ... thường thường. Nữ sinh, con nhà trâm anh và còn mới nguyên.
Ngàn bật cười sau hai chi tiết đầu, nó đã biến thành một dĩa hát cứ được hát đi hát lại mãi đến nhàm tai.
Bọn nầy thật kém tâm lý. Chỉ còn có vài thằng ngốc hiếm hoi mới tin câu thần chú khoe hàng ấy... nữ sinh, con nhà trâm anh v.v..., thế mà họ vẫn cứ trả thuộc lòng cái bài ám độc ấy mãi.
Tuy thế, chàng vẫn chú ý đến chi tiết thứ ba. Đó là sự thật. Có một truyền thống nổi bật về cái vụ mới nguyên đó, bởi hàng đặc biệt phải cao giá vô cùng mà kẻ giám trả giá cao luôn luôn là các tay sành ăn chơi, không gạt gẫm họ được, mà có dại dột lừa họ thì chết với họ, bởi đồng tiền là núm ruột mà !
Ngàn chú ý tới chi tiết đó không phải vì nó quan trọng đối với chàng mà vì không thể làm thinh hay trả lời theo lối nhận chìm xuồng một đề nghị như vậy, đề nghị nầy quan trọng vô cùng vì hạng người như chị Sáu rất biết chọn mặt gửi vàng, chị ta đề nghị như thế tức là trọng chàng lắm, quí chàng lắm, chàng phải khéo chớ không thể gạt ngang hoặc bỏ trôi mà đúng lịch sự với chị ta được.
- Cám ơn chị đã nghĩ đến tôi. Nhưng tôi là người Việt Nam chị biết chớ ?
- Sao lại không. Nhưng rồi đã sao ? Có khối người Việt Nam thích cái đó lắm.
- Rất hiếm chị à. Chị nên tìm các chú Ba thì hơn.
- Nè, có điều nầy tôi cần nói ra thầy tin thì tin không tin tùy thầy. Người ta là nữ sinh thật, mảnh mai con người và đa cảm lắm, người ta năn nỉ tôi tránh cáp độ người ta với một tên đồ tể, và khẩn khoản yêu cầu tôi giới thiệu với một bực hào hoa phong nhã. Đành rằng người ta liều, nhưng không muốn bị dập liễu vùi hoa, biết chưa ?
- Chị nói nghe hay như cải lương. Nhưng tôi không phải là người Việt Nam có máu Trung Hoa.
- Thầy sẽ tiếc.
- Không bao giờ.
- Cá hông ?
- Cá làm gì. Tôi đã biết tôi rồi kia mà.
- Nhưng rồi sau đó, khi thầy thấy nó thầy sẽ tiếc. Thầy quên rằng thầy không hưởng nước đầu, chớ vẫn hưởng về sau.
- Nhưng cũng không tiếc.
- Thôi đi cha nội, tôi đưa hình ra thì có lẽ cha nội đổi ý ngay.
- Nhứt định không đổi. Chị cũng biết rằng tôi là con bướm đã đậu nhiều hoa rồi chớ ?
- Nhưng đây là hoa... chúa của các loài hoa.
- Nếu như thế, tôi cũng sẽ không tiếc.
- Thầy từ chối thì tùy thầy. Nhưng thầy cứ nói như là không tin quảng cáo của tôi nên tôi tức lắm. Vậy tôi phải cho thầy xem mới được.
Tại tức quá tôi mới nuốt lời đấy nhé. Ảnh nầy là ảnh tôi ăn cắp của nó. Còn tôi hứa với nó rằng không tiết lộ căn cước của nó với lại của dòng họ nó với ai hết. Sợ đụng đầu với người quen, nó tha thiết muốn đi với người nào không ở trong giới của ba nó là giới áp phe.
Chị Sáu vừa nói những điều trên đây vừa mở xắc tìm ảnh để làm bằng cớ.
Xắc của chị rất to vì ngoài cái nghề chánh của chị, chị còn làn thêm nghề phụ là đi bán dầu thơm và thuốc thơm Huê Kỳ do một cô chủ hiệu ba đưa cho. Đôi khi chị cũng có máy thu thanh "trẳng dít toa" để bán, giá rẻ mạt do những ông lính ngoại quốc đi nhậu thiếu tiền, trấn cho các hiệu bán rượu.
Chị Sáu lục một hơi thì nói:
- Đây rồi, nhưng qua bên kia đường.
Quả thật ở đây bất tiện quá, làm cử chỉ nào hơi khác thường một chút là bị người ta chú ý đến ngay, huống hồ gì cùng xem ảnh gái đẹp.
Mua chưa được món đồ cần dùng, Ngàn vẫn phải nhẫn nại bước theo mụ nầy, tự an ủi rằng ở vỉa hè bên kia có thể có bày bán thứ chì đặc biệt ấy.
Họ đã băng qua đại lộ Lê Lợi, bước vào sau một gian hàng sách cạnh nhà thuốc Đ.T. nhưng khách qua đường ở đây tuy thưa hơn bên kia, vẫn còn đông quá.
Chị Sáu lại xỏ mũi anh chàng Ngàn dẫn chàng quẹo xuống đoạn đường Nguyễn Trung Trực phía dưới, và khi tới trước cửa sau của bộ Công Chánh, chị dừng bước lại trước một tàng cây me rồi chìa ảnh ra.
Ngàn đưa tay nhận lấy ảnh một cách lơ đễnh rồi làm bộ nhìn kỹ kẻo chị ấy lại hờn. Làm bộ, nhưng chàng vẫn có nhìn vì không nhìn, để mắt ở không cũng chẳng làm gì, và thình lình chàng rụng rời khi nhận diện được người trong ảnh.
Đó là Trâm, Suzanne Trâm, một cô Suzanne Trâm già giặn hơn cô Suzanne Trâm mà chàng quen biết cách đây hai năm, mặc dầu năm nay cô ta chưa quá hăm hai tuổi.
Ngàn có cảm giác rằng mình gặp gỡ một cô gái lạ vì cái lộng lẫy của nhan sắc của Suzanne ngày nay khác hẳn vẻ ngây thơ của cô nữ sinh hai năm trước nhiều lắm. Hai năm trước cô ấy còn đang trổ mã, đành rằng đã đẹp và hứa hẹn sẽ đẹp, nhưng vẫn không hấp dẫn mạnh bằng bây giờ.
Chàng đâm ra sợ mình lầm chăng, nên qua mấy phút choáng váng chàng hỏi:
- Có phải là cô Suzanne Trâm, con gái của ông Ngôn hay không ?
- Ừ, chính nó đó. Có quen với nhau rồi hả ?
Ngàn không đáp vì câu hỏi đó thừa, và vì chàng bận nghĩ ngợi.
Suzanne Trâm ! Con người kiêu hãnh năm nào ! Mới hơn mười chín tuổi, nàng đã ngạo mạn như một phu nhơn và nụ cười mỉa đời, thị đời trên môi nàng ngày nay còn dễ ghét hơn xưa nữa.
Dễ ghét, nhưng mà cũng dễ thương biết bao nhiêu ! Chàng đã si người thiếu nữ nầy, một phần lớn chính vì vẻ kiêu hãnh của cô ta. Vâng, tánh kiêu hãnh của phụ nữ làm ta tủi thân, oán ghét họ, nhưng đồng thời cũng khiến ta mê họ.
Suzanne Trâm ! Bà Ngôn !
Ngàn liên tưởng ngay đến bà mẹ trẻ đẹp của Suzanne, vì kiêu hãnh của nàng, nàng đã thừa hưởng của bà mẹ khó chịu nầy, một người đàn bà coi trời bằng bàn tay và coi người như cỏ rác.
Suzanne giống mẹ như đúc.
Tình cờ năm ấy đưa chàng vào gia đình ông Ngôn một lần, không ưa vẻ khinh khỉnh của hai mẹ con nhà nầy, nhưng tiếng sét ái tình lại đánh mạnh quá vào tâm thần chàng, nên rồi chàng lại mò đến nữa và cứ đến mãi,
Gia đình Suzanne năm đó ở một ngôi biệt thự khá to tại đường Kỳ Đồng.
Suzanne rất đông bạn trai. Nói cho đúng ra, chưa chắc những anh con trai lui tới nhà đó mà được nàng xem là bạn.
Chính bà Ngôn đó tổ chức tiếp tân, dạ hội v.v... để quyến khách cho ông Ngôn, cho bà và cho con gái bà vì Suzanne đã đến tuổi gả chồng rồi. Các thanh niên được mời do bà Ngôn chọn.
Thằng Ngọc, bạn của chàng, một sinh viên y khoa nó giới thiệu chàng vào đó không có ý gì khác hơn là để khoe với chàng rằng nó có một cô bạn gái số dách.
Mặc dầu không được chủ nhà hoan nghinh vì chàng không phải là sinh viên, không phải là bác sĩ kỹ sư mới ra trường, cũng không được là công tử bột, con nhà giàu nữa, không đậu nổi cái bằng Tú tài toàn phần, chàng cứ cố lỳ mà đến.
Một hôm chàng bạo gan tỏ tình với Suzanne, bị nó cười cho một bữa khiến chàng xấu hổ phải cút luôn và ôm hận mãi cho tới ngày mà chàng phải đi xa để quên.
Tuần rồi, chàng được hả dạ phần nào khi nghe tin ông Ngôn bị bắt vì đã dính líu vào một vụ kinh tài của bà cố.
"Cho đáng kiếp, chàng lẩm bẩm ! Giờ thì mẹ con nó đã ra rơm rồi ! Có chồng hay chưa, Suzanne cũng phải bỏ vẻ khinh khỉnh của nó, xấu hổ đến không còn dám nhìn mặt người quen nữa !"
Chàng rất ngạc nhiên mà tự hỏi sao cái đám ấy xuống lẹ đến thế. Nếu tài sản của ông Ngôn mà có bị tích thâu đi nữa, mẹ con Suzanne vẫn còn sống được một mức sống khá cao, vì của nổi dễ biết chớ của chìm do đàn bà cất gìấu, khó lòng mà kiểm soát được.
Vô tình chị Sáu giải thích tình cảnh gia đình bà Ngôn đúng vào lúc chàng thắc mắc:
- Ông Ngôn ổng sống hào nhoáng ở bề ngoài, chị ta nói, nhưng thật ra, ổng chỉ có vỏ mà không có ruột. Cái biệt thự trên Kỳ Đồng là một ngôi nhà mà ổng mướn.
Ổng chỉ là một tay cuộc chê áp phe thôi chớ không có vốn, kiếm được bao nhiêu ăn xài hết bấy nhiêu.
Ổng không có làm kinh tài khỉ khô gì hết, mà chỉ dựa hơi bậy bạ để kiếm chác, nhưng cũng không được gì.
Thầy Tư biết rằng sống bấp bênh như vậy hễ có gì trục trặc một chút xíu là đầu hôm sớm mai sụp luôn không gượng dậy nổi nữa.
Bà Ngôn thì chỉ biết ăn xài chớ không giỏi tháo vát. Và ăn quen, nhịn không quen thì...
- Chị quen biết với gia đình ấy nhiều lắm hả ? Ngàn chận lại hỏi.
- Ấy, ông Ngôn là khách hàng của tôi.
Chị Sáu đáp như vậy rồi cười hóm hỉnh và tiếp:
- Đó là một ông khách ngọt nhứt thế gian: ổng cho phép tôi tới nhà với tư cách giả mạo là tay sai áp phe của ổng, để có của lạ là tôi cho ổng hay tin liền, ổng khỏi mất công đi tìm tôi. Và tôi đã lui tới nhà đó từ năm sáu năm nay rồi, được bả xem như là người nhà.
Liền sau ngày cách mạng, ổng trốn mất biệt, bả kêu trời như bọng, vì thiếu tiền cho bả xài, nhà cũng đã tới kỳ tiền mà không thanh toán được, rồi kế đó, hay tin ổng bị bắt, bả trả nhà ngay vì chủ nhà hứa cho bả một số tiền nếu bả chịu đi liền.
Nhưng rồi ông chủ biệt thự ấy ổng ăn gian, không có cho đồng xu nào hết. Giờ hai mẹ con túng lắm, con Suzanne nó quyết đi làm. Nó tìm được một chỗ ngồi kết phải đóng tiền thế chơn năm chục ngàn, nhưng không đào đâu ra tiền, nó bèn than với bả.
Tôi đánh hơi được câu chuyên nhà ấy, gợi ý cho bả, bả đồng ý tức thì.
- Chị là con quỉ !
- Quỉ lâu rồi. Và đã trót mang tội lút đầu, lút cổ thì mang tội luôn vậy, có tu cũng không kịp nữa.
- Nhưng bà mẹ đồng ý, còn cô con ?
- Cố nhiên là ban đầu nó giẫy nẩy lên mắng chửi tôi tắt bếp hết, nhưng rốt cuộc rồi cũng đồng ý.
Chị Sáu cười hề hề sau khi nói câu đó.
- Nhưng bà mẹ sao lại đem con mà...
- Nè, đây là bí mật của nhà đó. Suzanne là con riêng của bả. Mà bả ngày xưa cũng là một cây...
- À, hèn chi.
- Tôi xin nói tiếp. Bả ngày trước cũng là một cây. Mẹ nào con nấy nên bây giờ con nhỏ ấy nhảy đong đỏng lên khi mẹ nó và tôi đặt thẳng vấn đề với nó, nhưng rồi nó cũng bằng lòng, khỏi phải đánh khảo gì hết.
Ngàn châu mày, bậm môi mà căm tức. Rõ ràng là có sự thỏa thuận của cô gái kiêu hãnh ấy, chớ không thể bảo là nó bị ép uổng hoặc dụ dỗ hay gạt gẫm gì.
Chàng giậm chơn rồi xẵng giọng hỏi, khiến chị Sáu kinh ngạc lắm:
- Nhưng mà có thật cần lắm hay không ?
- Thì tôi đã nói ăn quen, nhịn không quen kia mà. Họ làm sao mà chịu cực khổ được như người khác.
Cái chỗ làm nầy lương cũng chỉ có bốn ngàn đồng mỗi tháng thôi, thật không thấm vào đâu với mức ăn xài của hai mẹ con họ, cả hai, mỗi ngày ăn vặt không mà thôi, cũng tới bạc trăm rồi, còn nói gì son phấn, nước hoa, lâm bước đường cùng rồi họ vẫn cứ ghiền thứ thượng hảo hạng. Hễ ra đi một trăm thước, họ cũng thót lên tắc xi.
Tuy con nhỏ nó không kiếm được bao nhiêu nhờ chỗ làm ấy, chớ vẫn đỡ phần nào. Với lại có đi làm, con Suzanne nó mới có dịp gặp may mắn ! Ngày trước nhà có tiền thì giao thiệp, mong chỗ này chỗ kia biết mà cưới, giờ hết tiền thì chỉ có đi đứng mới mong gặp một cậu con nhà giàu nó vớt cho.
Ngàn cố phanh phui ký ức hầu nhớ thật đúng những chi tiết nhỏ để mà căm tức thêm cho thật nhiều, cho hả dạ thật nhiều trước trái bom khinh khí mà chị Sáu vừa vô tình cho nổ bên tai chàng.
Phải, khi ta nghe những kẻ mà ta oán ghét, bị thất bại, bị cùng khổ, ta hả dạ lắm. Con người vẫn xấu bụng như vậy, và sung sướng lắm khi thấy cuộc đời đã báo thù giùm họ.
Chàng cố nhớ, nhưng tai hại thay, chuyện cũ, lúc suy ra và xét kỹ lại, lại biện hộ cho Suzanne.
Đành rằng nàng làm phách, và khi chàng tỏ tình nàng đã ôm bụng mà cười. Nhưng rồi nàng có an ủi chàng, đề nghị cho chàng tình bạn nữa, chớ không hề hất hủi chàng.
Sự kiêu hãnh, tánh thị đời của Suzanne chỉ do giáo dục sai lầm của gia đình nàng và do một sự thừa tự tai hại ở phía mẹ, chớ xem ra Suzanne không có căn bản ác.
Đáng oán giận chăng là con mụ mẹ của Suzanne, con mụ ấy thì khinh khỉnh thấy mà muốn tát tai ngay. Con mẻ khinh thường chàng ra mặt, không muốn chàng lân la ngôi biệt thự đường Kỳ Đồng. Con mẻ chỉ thích tiếp toàn những thanh niên mà con mẻ có thể giới thiệu được với người khác một cách kêu đùng đùng: đây cậu kỹ sư công chánh mới ra trường, đây ông bác sĩ vừa ở bên Tây về v.v.
Nhưng mụ ấy thì không đáng kể. Chỉ có Suzanne là làm chàng băn khoăn thôi. Suzanne đáng ghét, Suzanne đáng thương ?
Chị Sáu nãy giờ vẫn kín đáo quan sát người khách hàng của chị, đã bắt chợt được nét buồn đau trên gương mặt của hắn và tự hỏi thầm không biết hắn có tâm sụ gì liên hệ đến cô gái bán mình.
Không, Suzanne còn tân thật sự. Vì nghề nghiệp bắt buộc, chị ta đã phải kiểm soát. Như thế, không thể nghĩ rằng hai cô cậu nầy đã là nhơn tình với nhau.
Riêng Ngàn, chàng buồn vì thương xót vô hạn cô gái mà chàng đã yêu đắm đuối và chưa quên. Từ ba năm nay chàng đâm ra trác táng, trái hẳn với nếp sống trước của chàng là hiền lành, nhưng cuộc đời bừa bãi nầy không giúp chàng nguôi được mối sầu.
Ngàn lại ngạc nhiên hết sức mà hay rằng Suzanne vẫn cứ còn nguyên trinh. Suzanne nhảy nhót lu bù đi ra ngoài với bạn trai cả đêm, thế sao nàng lại giữ gìn được cho tới ngày nay ?
- Chị Sáu nè, có thật cô ấy còn...
Ngàn nói chưa dứt câu thì chị Sáu đã bật cười:
- Thầy làm như thầy là tay mơ. Thầy há không biết rằng giới lưu manh của tụi tui coi vậy mà cũng có luật riêng của nó hay sao, và luôn luôn chúng tôi lương thiện trong những việc bất lương, không phải vì bọn tôi có lương tâm đâu nhé, mà vì làm khác đi thì mất cả tín nhiệm, về sau không còn làm ăn gì được nữa hết. Vả lại còn nguy hiểm là khác, vì đồng tiền là núm ruột, khách họ bị lường gạt họ sẽ phản ứng mạnh ghê hồn.
Ngàn gục gặt đầu. Chàng vốn biết rằng có những thể chất lạ lùng lắm, bề ngoài và bên trong của họ không ăn khớp với nhau chút nào. Chẳng hạn như có những cô gái đầm thắm nết na, thủ phận làm gái khuê phòng, lại hư hỏng, và vài cuộc đổ bể bất ngờ thỉnh thoảng làm cho thiên hạ rụng rời. Trái lại, một số thiếu nữ khác, nhí nhảnh không chịu được, có vẻ như là đĩ thõa lắm vậy, thế mà các cô ấy lại về nhà chồng với cả tấm băng trinh của họ, khiến vài anh chồng, vốn là người bị Âu hóa, không cần cóc gì cái trinh vật chất ấy, phải kinh ngạc.
Suzanne thuộc loại gái sau đó chăng ? Ngàn tự hỏi, và tự phân tách thầm trường hợp lạ lùng đó.
Có lẽ gái loại ấy đông bạn trai quá nên bối rối không biết cho ai, trái hẳn với loại gái nhút nhát, loại nầy yêu ngay anh con trai đầu tiên xuất hiện đến trong đời họ, và vì yêu nhiều quá, không ngại hiến thân.
- Quyết định đi tía nội, chị Sáu giục thúc, để rồi cho ngày hẹn. Người ta cần tiền lắm.
Ngàn cười lạt mà rằng:
- Năm mươi ngàn thì mắc quá, bọn mái chính trong Chợ-Lớn cũng không dám vói tới.
- Cao giá chớ không mắc giá. Thầy không phân biệt hai điều đó hay sao ? Một chiếc xe Huê kỳ bốn trăm ngàn không thể bảo là mắc hơn một chiếc Rờ Nô 4 một trăm rưỡi.
Chị Sáu thoáng thấy rằng buổi mai của chị không phải là một buổi vứt đi nên chị ta mừng lắm. Khi mà khách hàng chê mắc tức là y có ý muốn mua chớ không thờ ơ với món hàng nữa.
Đây là một món hàng rất khó bán vì quả thật nó cao giá quá, mà người đời thường khi ít phân biệt được "cao giá" với "mắc giá".
Mắc giá là của đáng tám đồng bán mười sáu đồng chớ của đáng tám chục bán chín chục là bán rẻ mạt đó chớ, mặc dầu chín chục cao hơn tám đồng nhiều quá.
Vì thế mà gặp thằng ngông nầy, hắn thường ngọt một cách dại gái, chị Sáu quyết bám riết.
Ngàn đã cười lạt, nhưng đó không phải là cười với người đối thoại mà là cười với kẻ vắng mặt, kẻ mà chàng thương xót sau hồi suy luận, thương xót, nhưng mà không hết oán.
"Đáng kiếp ! Chàng chửi thầm, đáng kiếp cho bọn cứ nhìn xuống thiên hạ, coi như ai cũng chỉ đáng mặt xách giày của họ thôi".
Từ ngày vĩnh biệt ngôi biệt thự trên đường Kỳ Đồng, Ngàn lên mau lắm. Chàng cũng làm cuộc chê và gặp may mắn, cứ có công việc làm hoài, và trúng mãi những mối lớn, chớ không phải chịu những tháng trống không như những năm vừa bỏ học mới vào nghề để tập sự.
Bọn cuộc chê kiếm được tiền mà khỏi xuất vốn nên họ tiêu xài buông tay hơn bọn nhà giàu bởi hai lẽ trái ngược nhau, lẽ thứ nhứt là họ có cảm giác kiếm được tiền hoài một cách dễ dàng; lẽ thứ nhì là họ ý thức rằng nghề họ rất bấp bênh, được thì hưởng kẻo không còn gì mà hưởng nữa.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chàng quyết định nhận lời. Bọn cuộc chê xài tiền buông tay, nhưng rất biết xài tiền, ngông mà không ngốc, biết giá đúng của từng món hàng, mà món hàng nầy thì mắc bằng năm các thứ hàng khác cùng loại.
Chàng quyết định vì tò mò. Ừ, để xem cho biết ra sao. Suzanne có tánh cách một cái phim cấm trẻ em dưới mười tám tuổi, còn chàng trước đây là một cậu bé vị thành niên. Giờ được phép xem phim nầy chiếu lại thì hay dở gì cũng phải xem coi họ làm trò khỉ gì trong đó.
Chàng quyết định chỉ vì ác ý trả thù thôi. Cho bỏ ghét vậy mà ! Tình thương xót không đủ mạnh cho chàng tha thứ.
Bọn cuộc chê cũng là các tay biết thưởng thức các thú vị của cuộc đời. Cái giây phút mà Suzanne chợt thấy cố nhân, cái giây phút ấy hẳn phải là một lúc kinh hoàng của nàng, và chàng sẽ được thưởng thức ngon lành sự sượng sùng, sự bẽ bàng của nàng, muốn chui xuống đất mà trốn, nhưng không chui được, muốn từ chối nhưng đã quá trễ rồi.
Phản ứng của nàng ra sao, đó là điều mà chàng thích biết hơn là thân thể của nàng, nó bất quá cũng gần giống như thân thể của bao nhiêu cô gái đẹp khác, xê xít chút đỉnh thôi chớ cũng chẳng có gì đặc biệt lắm đâu.
Chàng sẽ sung sướng sau đó mà tưởng tượng đến nỗi hận ngàn ngày của nàng, hận đã trót bị lộ tẩy, đến nỗi lo sợ của nàng, lo sợ bị chàng trả thù đi đồn rùm ra câu chuyện kín phòng the.
Món hàng có mắc giá thật đó, không đáng mua tí nào, nhưng những cái khác có dính líu với món hàng thì lại rẻ, mặc đầu toàn là những thứ phụ thuộc không mà thôi.
Tô phở mười lăm đồng của một hiệu phở kia không khác tô phở năm đồng của các hiệu khác bao nhiêu, nhưng Ngàn lại ưa đến hiệu đó để được hưởng cái không khí kỳ lạ đặc biệt của hiệu.
- Thế nào ? Chị Sáu lại giục.
- Đồng ý, nhưng tôi có điều kiện.
- Cứ nói ra thử xem.
- Điều kiện thứ nhứt là chị phải giữ kín căn cước của tôi đối với cô ấy, cho đến lúc tôi gặp cô ta.
- Phải rồi. Hai người có quen nhau một cách lương thiện chớ gì và nó sẽ sợ thầy biết chuyện khộng hay của nó rồi từ chối thầy.
- Cố nhiên là như vậy. Các bà bép xép lắm, nhưng tôi tin rằng chị sẽ kín miệng trong vụ nầy vì quyền lợi của chị.
- Còn điều kiện thứ hai ?
- Là tôi sẽ đến ban đêm, một nơi nào tùy chị sắp xếp, nhưng chị phái gắn đèn như thế nầy. Một ngọn đèn chong thật ít nến, thứ năm nến ấy, dính với một ngọn đèn thường, bằng một hệ thống tắt cháy luân phiên, do một trái boa điều khiển, chị hiểu chớ ?
- Hiểu.
- Nếu phòng ấy không có sẵn một bộ đèn như vậy, thì chị phải cho gắn, nội vụ không tốn trên một trăm bạc đâu và đây, tiền đây.
Ngàn vừa rút bóp lấy tiền trao cho chị Sáu, vừa nói thêm:
- Đáng lý tôi khỏi cắt nghĩa lý do đòi hỏi của tôi nhưng tôi tưởng nên cho chị rõ lý do đó để chị thấy rằng lý do đó rất là quan trọng, không nên làm sai.
Tôi sẽ tới đó trước nó, ngồi trong ánh mờ mà đợi nó. Nó vào xong tôi mới mở đèn lớn, và nó sẽ không chạy chối kịp nữa. Hiểu chớ ?
- Hiểu.
- Chị cũng không có trách nhiệm gì mà sợ nó trách về sau, bởi chị đâu có dè là tụi tôi quen nhau.
- Tôi không lo điều đó.
- Đề phòng trường hợp nó hỏi chị về tôi. Chị cứ nói tôi làm nghề nhà in tên là Bổn.
- Đồng ý.
- Chị nói láo mà không lo mắc tội bởi chính tôi đã nói láo với chị.
Chị Sáu nhe răng ra mà cười:
- Ông đã nói láo với tôi, tôi biết thế, nhưng không bao giờ hỏi gì. Thích tính không tò mò của tôi chớ ?
- Không thích, vì ai cũng phải như vậy. Chị nào tò mò là bị tẩy chay ngay. À, mẹ con nó đã biết sự thật về chị chưa ?
- Đã biết. Ông Ngôn bị bắt là tôi thú thật ngay vì tôi đoán thấy họ cần tiền và truy ra được rằng con mẹ Ngôn xưa là một cây, như đã nói. Như thế, họ mới không ngại lời mà cầu cứu với tôi.
- Như vậy thì chị nói láo được mà không sợ trách nhiệm bởi nghề của chị cho phép chị không biết rõ khách, chớ nếu chị là người thường chị phải biết thật đúng tôi là ai.
- Nhưng chừng nào ? Người ta gấp lắm đấy nhé.
Ngàn cười mà nói đùa:
- Và chính chị cũng gấp lắm ! Bao nhiêu phần trăm ?
- Bốn chục. Thường lệ mà.
- Vậy thì tối nay đi. Nhưng tại địa chỉ nào ?
- Để xem coi ở đâu tiện. Mạc Đỉnh Chi có được không ?
- Khu đó tốt lắm.
- Vậy số nhà l95/16 F.
Ngàn lặng lẽ rút sổ tay ra để ghi địa chỉ, vừa ghi vừa nói:
- Tôi đến đúng tám giờ. Nó nên tới trễ hơn, điều đó cần lắm.
- Tôi hiểu. Nhưng thầy đòi hỏi một thời gian là bao lâu ?
- Thường lệ là nửa tháng, chị khỏi phải hỏi. Nhưng tôi chỉ cần gặp một lần thôi.
- Càng tốt.
- Đáng lý gì như vậy thì phải bớt tiền đó. Ngàn pha trò.
- À, cái đó thì không. Thầy mua tô mì mà không lấy thêm ớt thì phải rán mà chịu chớ ai lại bớt tiền cho.
Cả hai đều cười, nhưng Ngàn cười rất héo hon rồi bước đi liền, quên từ giã bà mối.

° ° °

Hôm nay đáng lý gì là ngày sung sướng nhứt đời của Ngàn vì cái viễn ảnh báo thù mười hai tiếng đồng hồ nữa đây. Nhưng kẻ đáng lý gì phải được hả dạ, lại nghe lòng mình nặng trĩu một mối sầu khôn tả.
Thế là hết ! Thần tượng của chàng thình lình ngã quay xuống, vở tan tành. Thần tượng mà chàng đã tôn thờ và vẫn còn cứ tôn thờ, thần tượng ấy bằng đất chớ không phải bằng đồng như chàng đã ngỡ. Nó lại không đặc ruột mà rỗng lòng, tệ hơn thế, người đúc tượng đã độn chất bẩn trong lòng tượng, khi tượng vỡ, mùi hôi thúi xông ra đến phải bịt mũi chạy trốn.
Thần tượng lật nhào và nhìn những mảnh vỡ bằng đất sét nung, nhìn chất độn bẩn thỉu, Ngàn tần ngần như một đứa bé vỡ mộng tuổi thơ trước một trò quỉ thuật rất ngoạn mục mà nó được ông thầy quỉ thuật dạy cho mánh lới thi hành.
Mối sầu của chàng giống hệt như là tình sầu xứ của người di cư lánh cộng sản biết chắc rằng quê hương của họ đã biến khác rồi, không còn như ý thích của họ nữa nhưng lại cứ nhớ thương không bao giờ nguôi.
Thần tượng cứ tồn tại trong lòng kẻ chứng kiến sự đổ vỡ của nó, và ảo tưởng của thằng bé khiếp phục một trò quỉ thuật ngoạn mục cứ tồn tại với hình ảnh một trái banh bóng bàn biến thành hai mươi trái rồi hai mươi trái ấy bị nhà quỉ thuật nuốt trôi hết chỉ còn lại một trái thôi và trái cuối cùng bị ném lên không trung va tiêu tan đi mất. Thật là huyền diệu, làm thế nào mà thằng bé quên được, cho dẫu là đã được cho vào hậu trường xem bề trong của trò giả dối.
Tối nay thần tượng mới bể hẳn, chớ giờ sự đổ vỡ chỉ là một viễn ảnh gần thôi. Nó chưa đổ vỡ, nhưng chắc chắn một trăm phần trăm là sẽ đổ vỡ, không phép lạ nào cứu nó được cả. Hôm nay là chúa nhật chớ có phải thứ ba, ngày xổ số đâu mà nó có thể trúng số bất ngờ. Ngày thứ ba nào cũng có ít lắm là một gia đình đang ở trong một ngõ bế tắc bỗng tìm thấy lối ra, sau bài hát hạ màn cuộc xổ số của Trần Văn Trạch. Không, nó sẽ nhận lời vì không có lối thoát khác. Và từ đây tới chiều thứ ba sao còn lâu đến những năm mươi lăm tiếng đồng hồ, nó không đợi được, và chắc cũng không dại mà đợi một lối ra bấp bênh, một lối ra độc nhất mở cửa riêng cho một vài người trong hơn mười triệu người đang đứng sắp hàng nối đuôi nhau để chờ cửa mở.
Kỳ lạ thay, Ngàn cứ mong hão cho mặt trời đứng lại, thời giờ trôi chậm thật chậm, để lùi cái phút đau lòng chứng kiến sự đổ vỡ ấy, chớ không bồn chồn đợi tối như những lần có hẹn khác với gái dẹp khác.
Chàng sợ phải thấy một đổ vỡ, không phải vì lòng thương người. Quả chàng có thương xót Suzanne, nhưng ác ý trả thù lại mạnh hơn tình thương nên ham thấy đổ vỡ hơn. Ham thấy đổ vỡ mà lại sợ phải thấy. Thật là mâu thuẫn. Nhưng cũng thật là hữu lý.
Chàng ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn đến người khác. Sự đổ vỡ bất quá chỉ làm cho Suzanne xấu hổ một tiếng đồng hồ thôi, trước mặt chàng. Rồi sau đó thì nó vẫn có thể đi nghinh ngang, mặt vát hất lên trời mà nhìn thiên hạ bằng đôi mắt thị đời của nó.
Còn chàng thì chàng sẽ đau lâu không biết đến bao giờ, mất cả tin tưởng nơi tình yêu, nơi sự trong sạch của phụ nữ, nơi những gì tốt đẹp thiêng liêng nhất trên đời nầy.
Kẻ thất tình đâm ra trác táng thì quả có chán chường thế sự thật đó. Nhưng dầu sao vẫn còn sót lại chút đỉnh chất tin yêu trong lòng họ. Ngàn không muốn mất hết cái nhúm tin yêu thoi thóp ấy trong lòng chàng.
Nhưng thời gian cứ khách quan trôi đúng cái tốc độ của nó và ta chủ quan muốn mau hay muốn chậm gì nó cũng thản nhiên lướt qua, không ai níu nó lại được, không ai xô nó tới nổi cả.
Ngàn đã chạy đi mượn tiền của nhiều người quen, góp lại cho đủ số năm mươi ngàn vì tiền chàng bỏ ngân hàng cả, mà hôm nay chúa nhựt không lấy ra được.
Chàng ngạc nhiên cho chàng khi chợt nhận ra là mình không có dự tính thái độ nào cả lúc gặp Suzanne. Chàng sẽ hành động ra sao, sẽ nói gì, chàng không chuẩn bị từ sớm đến giờ mà chỉ bị ám ảnh vì hai việc: được trả thù nhưng lại đau khổ.
Khi ngồi 1ại bàn, cầm thực đơn để chọn món ăn, chàng mới chợt thấy rằng mình diện nhiều hơn ngày thường. Từ đôi giày đến mái tóc, tất cả đều bóng láng, ruồi đậu phải chống gậy không thôi trợt té gãy giò. Lại xức nước hoa nữa y như là chuẩn bị o mèo.
Chàng nhìn thực đơn mà chỉ thấy con người của mình vơi chiếc cà vạt mới mua. Chọn rất lâu mới được một chiếc ưng ý nầy. Hôm nay, cỡ chàng ăn mặc như ăn mày và hôi mùi mắm tôm, chàng sẽ cứ được nằm gần người ngọc mà người ngọc không hề dám chê khen gì hết.
Mười ghim giấy bạc năm trăm mà chàng sẽ vứt ra cho chàng một uy quyền tuyệt đối.
Bọn gái giang hồ còn dám hó hé nầy kia, vì rủi mích lòng khách, họ chỉ mất ba trăm mà thôi, chớ Suzanne thì không, bởi mười ghim bạc đó là tấm ván cứu tinh tối cần mà nàng phải bám níu vào, trong lúc đang chới với giữa dòng.
Thế mà chàng đã làm đỏm làm dáng thì có lạ kỳ hay chưa ? Chàng ăn diện mà không hay vì chính tiềm thức của chàng đã ngầm xúi biểu chớ không phải lý trí của chàng.
Tiềm thức chàng nói chàng làm thế để khỏi bị chê, cho dẫu là chê thầm trong bụng người ta.
"Thì ra, Ngàn nghĩ, mình không thể xem nó không có ký lô nào cả. Nó cứ còn là con người trong lòng mình với tất cả phẩm giá của nó. Vì vậy mà mình không dám trả thù thẳng tay. Hễ trả thù thẳng tay thì phải bắt nó chịu đựng một kẻ rách nhứt, dơ bẩn hôi hám nhứt, lỗ mãng và vũ phu nhứt trên đời. Mình phải say rượu, nhưng tiềm thức lại xui mình gọi một chai nước suối hiền lành, say rượu để mà hành động phũ phàng như một tên đồ tể, đè mà dập liễu vùi hoa, để cho nó ghê tởm, sợ hãi mà không dám hở môi, để cho nó thấy nó chỉ là một món đồ chơi, không hơn, không kém".
Và lạ kỳ thay, chàng nuốt không trôi cái dĩa thịt bò nầy. Thịt bò nướng ở đây rất mềm, xà lách dòn rụm, thế mà chàng lại nghe nó dai như đế giày cũ bằng cao su.
Chàng ăn không vô không phải vì sầu dâng lên đầy ứ tới cổ chàng mà vì bụng chàng đã no vì bồn chồn muốn xong cho lẹ để đến nơi có hẹn ấy.
Đến sớm lắm cũng chẳng làm gì bởi điều kiện của chính chàng đưa ra, bắt buộc người ta tới sau chàng, lúc sau tám giờ, mà bây giờ mới có bảy giờ mười lăm.
Cái giờ ăn của chàng đêm nay cũng trật chìa tuốt vì thường thì chàng ăn đúng bảy giờ rưỡi, không sai chạy lần nào. Vậy mà tối nay đồng hồ vừa gõ bảy giờ là chàng ra đi liền.
Mặt trời, đã không níu nó lại được thì để nó quay tự nhiên vậy. Cái giây phút hấp hối của lòng chàng, chàng không đẩy lùi nó lại được thì phải cho nó đến vậy.
Mà khi buông trôi cho hai thứ ấy đi và đến, chàng lại nóng lòng đợi nó đi mau, đến chóng.
Và kỳ lạ nhứt là chàng lại hồi hộp khi nghĩ tới giây phút gặp mặt nàng.
Nếu có kẻ phải hồi hộp trong cuộc hẹn hò nầy, thì kẻ đó phải là Suzanne, Suzanne có hai lý do lo sợ: nàng là gái tân, mà gái tân nào lại không sợ đàn ông lạ ; người khách mà nàng bán mình lại có thể là người quen, không quen nhiều, ít ra cũng biết nàng là ai.
Thế mà gã đàn ông kinh nghiệm và nắm ưu thế trong tay nầy lại lo lắng. Chàng ngỡ ngàng khi tưởng tượng đến cuộc chạm mặt đầu tiên. Có phải hay chăng là nàng sẽ chửi thầm trong bụng "À, té ra ta xem thường mi, ta không bất công chút nào. Mi không bảnh hơn mấy thằng kia về bề ngoài mà cho đến cái đạo đức, cái trò khỉ mà bọn không bảnh trai vớ lấy để làm cái thuẫn che sự không bảnh của chúng nó, rất hãnh diện với cái thuẫn đạo đức ấy, chửi người ta là một lũ bê tha, cho đến cái trò khỉ ấy lại cũng không có được bằng cớ là ta bắt gặp mi hôm nay ở đây.
"Ừ, nếu mi bắt gặp ta bán hoa thì chính là ta cũng bắt gặp mi mua hoa, cả bọn cùng xấu xa, thối tha như nhau, mi còn thúi hơn ta thập bội, bởi ta có lý do để mà tồi. Còn mi, mi là thằng lạc hậu, dùng thế lực đồng tiền để mua con gái ở trong thế bí.
"Vậy thì đừng có hận ai hết đấy nhé và đừng tưởng rằng mi đã khám phá một chuyện kín động trời ! Ta há chẳng khám phá một chuyện kín động trời như mi hay sao ?"
Ngỡ ngàng trước do bài diễn văn tưởng tượng của Suzanne, Ngàn bỗng dưng lập được ngay một thái độ. Chàng đã biết chàng phải làm gì, phải nói gì khi gặp mặt Suzanne, và có chương trình, có kế hoạch rồi, chàng không hồi hộp lo sợ phải ngỡ ngàng. phải bối rối, phải đau khổ nữa.
Bảy giờ rưỡi ! Ngàn bước lên xe. Chàng đưa tay cầm vô lăng thì thấy kim dạ quang của chiếc đồng hồ đeo tay của chàng chỉ giờ đó. Từ đây tới đó chỉ trên đường Mạc Đỉnh Chi, chỉ tốn độ sáu phút chạy xe.
Phải nằm đó mà đợi tới tám giờ hơn, thật là sốt ruột. Nhưng ngồi trong hiệu ăn còn sốt một hơn nhiều.
Người thanh niên bê tha vì sầu tình nầy, ngỡ lòng mình đã chết từ lâu, nhưng đêm nay, chàng thấy rõ là nó chưa chết, trái lại có cái gì vừa chết trong ấy.
Cái đó là tình yêu, món xa xí phẩm mà chàng chưa bao giờ được nhưng cứ tin là sẽ được ngày nào đây. Lòng tin nầy đã lăn đùng ra mà chết từ khi sáng, từ lúc thấy ảnh của Suzanne và kéo theo với nó để đi xuống mồ cái tình yêu mà chàng thiếu ngay từ thuở thanh xuân, từ ngày yêu hụt Suzanne.
Chỉ mới có ba năm rưỡi thôi, nhưng chàng nghe sao mà như đã lâu lắm rồi và chàng đã già đi mấy mươi năm trong sự chán chường.
Nhưng đêm nay sự chán chường mới thật sự chán chường và chàng mới già như đã sống gần trọn đời người rồi.
Cái vừa chết đó không phải là Suzanne mà là tình yêu. Suzanne không có nghĩa gì nữa cả chàng đã không tính đến Suzanne từ lâu rồi, mặc dầu cứ còn yêu cô gái ấy.
Chàng đã cầm bằng như là Suzanne đã chết rồi. Còn, là mối tình đối với Suzanne, mà Suzanne không phải là Suzanne. Suzanne chỉ là một người đẹp, vừa mắt chàng, và có thể có một Suzanne thứ nhì, thứ ba trên đời nầy mà chàng chưa gặp đó thôi.
Nhưng cái yêu sống sót ấy cũng vừa chết nốt.
Cuộc đời bỗng dưng nhạt phèo như là nước lã, cho đến cái dự định trả thù lát nữa đây, cũng không còn mùi vị thích thú gì nữa. Tới ngả ba đại lộ Thống Nhứt là đường Mạc-Đỉnh Chi, Ngàn muốn chạy luôn lên sở thú để quẹo qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, thoát khỏi đô thành do xa lộ, để cho gió lộng của đường trống giúp chàng thơ thới lại phần nào. Nhưng không hiểu sao rồi chàng cũng quẹo vào con đường cây sao mọc rậm rạp ấy và ngày xưa có cái tên là đường Hàng Sao.
Chủ nhà là một mụ trạc năm mươi có vẻ làm ăn lương thiện lắm. Thấy khách lạ, mụ ta chỉ lặng lẽ cúi đầu chào rồi hỏi bằng mắt.
Ngàn hiểu ý nói lớn lên ám hiệu:
- Thầy Tư nhà in.
- À, Chào ! Mời ông vào trong.
Nhà gạch. Buồng trong ăn thông với buồng trước. Và nhà bếp được vừng thành buồng riêng bằng ván ép chừa hành lang nhỏ nối liền buồng khách và nhà sau.
Ngàn đẩy cánh cửa bật nhìn vào đó thì rất hài lòng mà thấy đèn để đúng theo ý chàng muốn. Bóng đèn chong ấy màu xanh, núp dưới một cái chụp bằng pha lê trắng đục, cây đèn đặt trên tủ đầu giường nầy có lẽ đã có từ lâu chớ không phải mới sắm.
Một chiếc quạt máy nhỏ gắn từ ngay giữa đầu giường khiến Ngàn hơi sợ bể đầu vì lối xây cất ẩu của người mình thường không bảo đảm tí nào cho những gì gắn tường, gắn trần vân vân...
Chàng cởi giày, bước lên giường nhưng không thể không dùng quạt máy mà khỏi chết ngộp trong căn buồng mà cửa sổ đóng kín mít nầy, nên chàng phải trở đầu dậy, để rủi ro cây quạt máy có sứt ra rơi xuống thì chỉ chơn chàng bị thương thôi.
Nhưng chàng chợt nhận ra là nằm day đầu ở chơn giường thì mặt bị soi sáng nhiều hơn, mặc dầu xa đèn. Chụp đèn không úp hẳn xuống mà đưa miệng hơi hơi về phía chơn giường ấy.
"Nhưng mặc, lát nữa mình sẽ lăn nghiêng day vào vách cho đến giây phút cuối cùng mà nó không thối lui được nữa. Vả kẻ mới vào chưa quen với ánh sáng nầy, sẽ không phân biệt gì cả đâu".
Ngàn lại hồi hộp lo sợ vì cái giây phút trông đợi ấy. Chàng lại sợ rồi Suzanne không đến vì may mắn bất ngờ nào giúp nàng kiếm được tiền bằng cách khác, hay cũng cứ bằng cách nầy mà, trước giờ ước hẹn.
Nếu như vậy, chị Sáu sẽ tới đây để hủy lời hẹn, hoặc bắt đền chàng bằng một người khác. Cố nhiên là chàng sẽ từ chối vì chàng không có mục đích hành lạc.
Và nếu như vậy thì chàng sẽ khổ vô cùng, khổ vì biết một sự thật đau lòng, lại không được an ủi nào hết bằng sự trả thù.
Trong giây phút nầy thì Ngàn đã hết ngạc nhiên vì tình trạng còn nguyên trinh của Trâm.
Nằm buồn, thoạt tiên chàng lấy cái câu của chị Sáu, câu "mẹ nào con nấy" để mà chửi thầm Suzanne. Nhưng nhờ đó mà chàng sống thụt lùi lại cái dĩ vãng mấy năm về trước rất kỹ, và chợt nhận ra rằng không phải thế, và Suzanne Trâm, mãi đến ngày nay vẫn còn là một trinh nữ là điều dĩ nhiên như vậy, không thể khác được.
Mẹ Suzanne đẹp kinh hồn, nhưng phong thái của chị ta là phong thái của một chị hàng rong học làm sang chưa thuộc và thỉnh thoảng ló đuôi.
Cha nàng, ông cha ghẻ ấy, cũng là người trong hàng dân giả, nhờ khôn lanh mà khá lên được, nên chọn vợ chỉ chú trọng về nhan sắc. Phương chi đây là vợ chấp nối mà ông ta dùng để làm món trang trí cho dễ giao thiệp làm ăn.
Trâm thì khác hẳn mẹ. Nói mẹ nàng kiêu hãnh không đúng. Mụ ấy làm phách một cách dốt nát, cái phách của chiên cỏ nhảy lên ngôi hoàng hậu hay ngôi bà hoàng. Nhưng mụ ta không may mắn nên có lẽ chỉ được nằm cạnh một ông hoàng nào đó có một đêm thôi và đẻ ra Suzanne, đứa con của đêm ái ân duy nhứt ấy.
Suzanne Trâm đã thừa tự của người cha vô danh cái phong thái trưởng giả lâu đời và mẹ nàng có tham vọng giúp nàng lên thật sự vì nàng có điều kiện hơn mụ ta nhiều.
Để đạt mục đích, mụ ta quyến rủ vương tôn công tử đến nhà, cả hai vợ chồng đều sống rất hào nhoáng, quá sức họ, ông chồng có mục đích nới rộng vòng giao thiệp làm ăn, bà vợ nhằm bủa lưới bắt cá.
Nhưng mồ cha những con cá chúng không bao giờ cắn câu cả.
Cá không ăn câu mồ cha con cá dại
Cần câu anh cầm, nghĩ lại con cá khôn.
Câu ca dao nầy ở đây rất đúng, vì kẻ cầm câu không bảo đảm cho miếng mồi chút nào với tác phong bê bối của kẻ ấy.
Vương tôn công tử họ dám bỏ ra bạc triệu để mua Suzanne, nhưng không ai dại mà cưới nàng, cưới một cô gái cha mẹ như thế mà cũng không được lấy đồng xu hồi môn nào an ủi cho.
Tuy thế, mụ mẹ của Suzanne không ý thức được điểm khôn ngoan đó của bọn đàn ông con trai, nên đã giữ Suzanne rất kỹ, thả lỏng nàng để câu một con cá ngốc, nhưng không thả lỏng hẳn vì mụ ta có cột sợi dây sau lưng nàng để kịp kéo về khi nào thấy nàng dại dột sắp ngã.
Đó là lối câu nhấp bằng mồi nhái, con nhái mồi chạy nhảy lăng xăng có vẻ tự do ghê lắm, nhưng coi chừng ! Cài đùi của nó bị móc vào lưỡi câu và lưỡi câu cột ở đầu dưới của sợi nhợ, cần câu cột ở đầu trên, và đuôi cần do một con cáo già nắm lấy. Cần và nhợ dài quá sức, không ai thấy kẻ cầm câu, nhưng cá có táp thật bằng hôn nhơn thì kẻ ẩn mặt để cho mà táp, chớ đừng mong rỉa mồi.
Đã bảo Suzanne bạn trai rất đông và nhảy nhót lu bù. Các cụ ngỡ hễ ôm đàn ông con trai mà nhảy thì rất dễ hư và không có cô gái nào nhảy đầm mà còn tân được cả.
Sự thật thì trái hẳn.
Những cô gái đông bạn trai rất bối rối trong việc lựa chọn và thường thì sự bối rối đó giúp họ còn trong sạch được về xác thịt, không như những thiếu nữ khuê môn bất xuất, giàu tưởng tượng quá và thường yêu ngay người con trai mới gặp trong đời các cô.
Những cô gái nhảy đầm lại hơn một bực nữa. Ôm đàn ông con trai, họ bị kích thích dữ trong giai đoạn đầu, và nếu chưa hư thì họ sẽ quen đi, như là chai rồi vậy và hết rung động vì sự đụng chạm nữa với người khác giống.
Hơn thế, trong những đêm dạ vũ, tự ái của họ chỉ cho họ tham vọng làm cây đinh huy hoàng mà thôi. Họ thích làm bà chúa của muôn người chớ không nghĩ riêng tới người nào cả, kể cả các auh con trai bồ ruột đã đưa họ đến đó sau hàng tháng hàng năm đeo đuổi, những anh chàng nầy luôn luôn bị ra rìa khi thả người đẹp vào giữa đám đông, người đẹp cứ bị thiên hạ cướp mất trên tay các anh có công đó.
Nếu có một bà mẹ quyết tâm giữ con nhái mồi thì khuya lại bà ta chỉ việc tới đó rước con về là các cậu cụt hứng tuốt, không hề xơ múi gì được cả.
Không rõ tình yêu mù quáng khiến chàng cố lý tưởng hóa Suzanne hay quan sát tế nhị cho chàng thấy sự thật mà một lần nữa, Ngàn lại nghĩ và tin chắc rằng câu tục ngữ "Mẹ nào con nấy" không đúng chút nào trong trường hợp Suzanne.
Suzanne chắc chắn là hòn máu rơi của một nhà đại trí thức, một văn nghệ sĩ lỗi lạc hoặc một bậc quí phái lâu đời nào.
Cái sang mới học và học chưa thuộc của mẹ nàng nhảy ngay lên con mắt người ta, còn phong thái lịch nhã của Suzanne nó tự nhiên như là không có, không có mà vẫn có, kín đáo mà vững lắm, nàng sang từ trong trứng sang ra.
Không, không phải mẹ nào con nấy đâu. Nhưng mà rốt cuộc Suzanne vẫn đi theo con đường của mẹ nàng vì mẹ nàng đã tính sai nước cờ.
Mụ ta không biết rằng số kiếp của một cô gái đẹp sống trong một gia đình bê bối như thế khó lòng mà lấy chồng giàu sang mà cũng không thèm lấy chồng khiêm tốn thì còn con đường nào khác hơn nữa đâu.
Mụ ta đã đi sai nước ra quân là cái nước gỡ gạc mụ ta lại đánh không kịp. Nếu còn đủ thì giờ, có lẽ mụ ta sẽ cầm giá đi bán mắc, bán đáng giá của món hàng vì cũng thời hàng đó mà hiệu khác, năm vạn thì mắc quá, nhưng hiệu Suzanne phải năm bảy mươi vạn mới vừa.
Vậy chàng mua được giá hời. Vậy Suzanne không phải là một cô gái bị bán mà không phản đối kịch liệt.
Nghĩ thế, Ngàn vì thương xót người thiếu nữ kiêu hãnh nầy và lại càng muốn làm anh hùng đúng y theo thái độ chàng vừa tìm được.
Bỗng có tiếng người ở buồng ngoài. Ngàn nghe được có hai câu đối thoại.
- Chào cô ! Cô tìm ai ?
- Tôi là Suzanne.
- À, mời cô vào trong.
Tim của Ngàn lại đập thình thình, khiến chàng tức giận mình ghê lắm. Chỉ có nàng là phải hồi hộp lo sợ thôi, sao kẻ nắm ưu thế trong tay lại yếu hèn như thế nầy.
Ngàn không đoán được Suzanne ăn mặc như thế nào mà không nghe tiếng giày cồm cộp của nàng.
Chàng vội day mặt vào vách và khi nghe tiếng kêu của cánh cửa bị đẩy, chàng suýt bứt hơi thở.
Kẻ vào buồng hình như đi dép, tiếng bước lẹp xẹp của nàng ngưng bặt, cho chàng đoán biết rằng nàng dừng bước lại sau khi khép cửa và đứng nơi cửa đó mà bất động.
Không, cô gái nầy chắc không hồi hộp đâu. Nàng đã ôm hằng ngàn đàn ông con trai mà nhảy thì làm gì mà còn sợ nam phái nữa.
Sự bí mật của ái tình thú vật cũng không thể làm cho nàng hoảng vì con gái thời nay trong xã hội ta, tuy chưa được chánh thức giáo dục sanh lý, chớ cũng chẳng phải dốt, vì có hàng 1ô sách về vấn đề ấy của các vị bác sĩ chánh hiệu viết và in ra để phổ biến cái việc mà lần đầu các trinh nữ ngày xưa phải khiếp vía.
Nàng có xấu hổ chăng ? chắc chắn là phải có, nhưng cũng chỉ tương đối thôi, vì nàng đinh ninh rằng kẻ day mặt vào vách là một kẻ lạ hoàn toàn, hắn chờ lâu quá nên đã ngủ quên cũng nên. Ngàn không sợ nàng nhớ giọng, bởi nàng không thể nhớ hằng ngàn giọng người không thân, nên mới dám lên tiếng.
Chàng nghe tiếng chìa khía quay mình trong ổ khóa xong mới day ra rồi ngồi dậy.
Suzanne mặc bờ-lu-din và đi giày mule lưới, đế mỏng dính, hèn chi mà chàng không nghe tiếng cồm cộp như đã trông đợi.
Ánh đèn chong, thứ màu xanh, mờ quá, mờ hơn ánh trắng đục nhiều, màu xanh lại còn biến khác mọi màu sắc nên chi hai người không trông thấy mặt nhau.
Ngàn chỉ thấy dáng một thân thể tuyệt mỹ như một pho tượng cẩm thạch Hy-La, mười lần khéo tạc hơn năm xưa mà cô bé Suzanne chưa trổ mã đều như ngày nay, còn ốm nhom, chỉ đẹp ở cái mặt thôi.
- Em lại đây.
Trong khi Suzarme còn ngại bước thì Ngàn đã vội tuột xuống và nhảy qua chiếc ghế đặt cạnh tủ đầu giường rồi ngồi lên đó.
Cử chỉ nầy giúp cô gái tín nhiệm phần nào nên nàng bước thẳng lại giường rồi nửa ngồi nửa đứng ở mép giường.
- Không còn gì bàn cãi nữa phải không em ? Nghĩa là những gì chị Sáu ấy nói đều đúng và em không thêm điều kiện nào ?
- Không. Nhưng xin nhắc rằng cần bảo đảm cụ thể.
- Nghĩa là sao ?
- Thật là thiển cận nhưng không thể không nói đến điều đó: cần nhận tiền trước ngay.
- Ngỡ gì. Cái đó thì không có gì khó khăn. Nhưng thường thì người ta tín nhiệm nơi trung gian, cả đôi bên đều thế, bởi ai cũng có thể bị gạt trong vụ nầy. Anh đưa tiền trước ngộ nhỡ không đúng cái phẩm mà người trung gian đã khoe thì sao ?
- Nhận hay là không, đừng bàn cãi vô ích.
- Em thật là bất công. Nhưng anh nhượng bộ. Anh chỉ phiền là em cứ nói trổng, không dùng đại danh từ nào hết. Em có sợ anh già thì gọi bằng ông, bằng chú gì cũng được chớ nói trổng như vậy anh nghe như là anh không có, khó chịu quá.
- Xin lỗi, nhưng phải chịu vậy.
- Anh cũng lại nhượng bộ nữa. Vậy tiền đây.
Ngàn mặc nguyên bộ âu phục lúc vào và thò tay rút tiền ở túi quần ra. Chàng nói:
- Đời nay lưu manh rất nhiều. Để anh mở đèn sáng đặng em kiểm soát xem đây là bạc thật hay bạc giả.
- Không cần. Người trung gian đã bảo đảm điều ấy.
- Lạ thật. Chị ấy chỉ bảo đảm có thế thôi à, mà không bảo đảm việc đưa tiền sau.
- Có. Nhưng tôi cần nắm phần chắc.
- Thế nghĩa là em không tín nhiệm. Không tín nhiệm thì phải xem giấy bạc chớ.
- Không cần.
- Anh đã nhượng bộ về hai quyền lợi quan trọng nhưng anh quyết cứng rắn về vụ nầy, mặc dầu đây là quyền lợi của em.
Ngộ nhỡ ngày mai em phao vu anh đưa bạc giả thì sao ?
- Con gái tử tế không ai lại dám làm rùm lên sau một chuyện bỉ ổi như thế nầy.
- Khá ổn. Nhưng anh có quyền nhìn mặt em trong nửa phút đồng hồ chớ ?
- Không, quyền đó không hề được kể ra trong lúc thương lượng.
- Đó là sự sơ sót của anh, nhưng quyền ấy là quyền mà ai cũng mặc nhận.
- Nhưng tôi không nhận.
- Thì thôi vậy.
- Được. Nhưng cứ suy nghĩ vài phút trước khi xé giao kèo.
- Kẻ cần suy nghĩ là em chớ không phải anh. Em bảo anh suy nghĩ nhưng chính thật ra là để em có thì giờ suy nghĩ. Đây là luật cung cầu. Đời nầy cung nhiều lắm em à, mà lại năm lần rẻ hơn nữa.
Dầu sao em cũng lỗ. Anh có thể mở đèn mà em không kịp thoát vì anh chỉ đưa tay ra bóp trái boa là đèn sáng lên rồi.
Việc mở đèn không buộc dính anh vào khế ước nào cả và em vẫn bị thấy mặt mà không được gì. Anh thấy mặt em mà không hưởng thì khỏi đưa tiền.
Suzanne cười khanh khách mà rằng:
- Tôi thách đó. Tôi sẽ la lên, kêu cứu rằng bị hiếp dâm.
- À, cái đó hơi khó. Sẽ có pháp y khám nghiệm. Nếu em là đờn bà thì em sẽ ngồi tù khi anh quật lại, kiện em tội vu khống. Nếu em còn là gái tân thì vấn đề hiếp dâm lại không đứng vững.
- Nhưng có thể có sự toan hiếp dâm.
- À, anh quên điểm đó. Ừ, anh có thể ở tù vì cái tội "toan" ấy. Nhưng tòa sẽ hỏi tại sao em lại vào đây thì em trả lời thế nào ?
- Tôi bị gạt vào đây.
- Ai gạt em ? Nếu con trai gạt thì hỏng. Con gái tử tế không nên để con trai gạt vào buồng và không nên để cho báo đăng rùm như vậy.
- Mụ chủ nhà gạt.
- Đỡ khổ cho em hơn, nhưng gạt vào nhà để bán hột xoàn chẳng hạn thì dễ, chớ gạt vào buồng thì khó lắm, nhứt là bà chủ nhà ở ngoài em vào buồng một mình.
Giờ mà em la, con mẻ ngỡ anh quật tiền em, dộng cửa tức khắc để níu lưng anh. Nhưng anh không mở cửa. Con mẻ kêu lính. Em la lớn quá, xóm giềng xông vào thì họ sẽ thấy và làm chứng rằng con mẻ ở ngoài, mà không phải là thoát ra đâu nhé vì con mẻ đang dộng cửa để đòi vào kia mà.
Suzanne làm thinh và Ngàn thấy nàng đang cắn môi căm tức vì bị thất thế rõ rệt.
Bấy giờ, chàng đã thấy rõ hơn và gương mặt đẹp ngây thơ của cô bé Suzanne mấy năm trước được môt gương mặt sắc sảo thay thế cho.
Đây là vẻ mặn mà của một cô gái hăm mốt, hồng hào vì đầy ứ sinh lực, nhưng ánh đèn đã tô lên đó cái sắc phong trần của các thiếu phụ chán chường kiếp sống, lối đẹp mà con trai ngày nay rất mê, họ mê cho đến đỗi các cô phải hóa trang sao cho phong trần giả hiệu ra, còn thơ ngây cũng cố mà phong trần cho nó "văm".
Hai tánh cách tươi trẻ thật và phong trần giả nơi Suzanne, trong giây phút nầy hòa hợp lại để biến nàng thành một Vệ nữ thần hạp với tất cả mọi sở thích khiến Ngàn muốn bỏ hẳn thái độ của chàng, xỉa tiền ra ngay để được cắn vào đôi má, đôi mắt ấy.
Nhưng chàng đã thắng được con thú trong người chàng và cười hỏi:
- Em nghĩ thế nào ?
- Dầu sao, tôi cũng không nhượng bộ.
- Ha... ha ! Anh phục em lắm. Quả là một cá tính mạnh mẽ. Vậy anh nhượng bộ lần thứ ba, không phải vì thất thế, mà vì phục em.
Nói xong, chàng đưa tay ra, thảy nhẹ mười ghim giấy năm trăm qua giường. Xấp bạc cột lại bằng một sợi đây cao su, rơi êm ru lên nệm, cạnh mông của Suzanne.
Trong khi Suzanne chụp lấy tiền rồi thò tay vào trong chiếc ảo sơ mi cổ hở, ý chừng để cất nơi xú cheng thì Ngàn đứng lên.
Chàng nói:
- Em đã thấy rõ thiện chí của anh. Vậy nếu anh có vô ý làm gì phật lòng em một chút, chắc em không nỡ phản ứng dữ. Anh tha thiết xin em ân huệ đó.
- Cái đó còn tùy.
Đèn thình lình sáng lên giữa cái tiếng "tùy" mà Suzanne nói chưa dứt hẳn.
Cô gái kiêu hãnh cả trong bước đường cùng nầy, đứng thẳng dậy thật lẹ và hét:
- Ai cho phép ?
Nhưng rồi nàng tái mặt ngay và im bặt, đứng chết sững như bị trời trồng.
Ngàn cũng chết sững không phải vì sự bất ngờ nào mà vì Suzanne đẹp quá, đẹp đến khiến chàng muốn quỳ gối xuống ngay trước chân nàng để ăn mày tình yêu của nàng và cho dẫu bị nàng phỉ nhổ trên mặt, chàng vẫn sẽ cố lỳ mà van xin ơn huệ đó.
Họ lặng lẽ nhìn nhau như vậy trong hơn năm mươi giây đồng hồ.
Ngàn nghiêm sắc mặt chớ không cười cợt mỉa để rồi chửi cho sướng miệng đoạn xô cửa ra đi ngay như chàng đã định làm.
Sự đau xót hiện rõ trên gương mặt buồn dàu dàu ấy và khoé mắt chàng, mũi chàng hơi ửng đỏ.
- Suzanne tha lỗi cho tôi nhé. Tôi đã có ác ý muốn trả thù, nhưng tôi vừa đổi ý rồi. Vậy vĩnh biệt, tôi xin thề rằng tôi sẽ mang bí mật nầy xuống mồ.
Chúc Suzanne may mắn trên đường đời với chỗ làm mà số tiền nầy giúp Suzanne xin được.
Ngàn vội xây lưng ngay và bước ra cửa thật lẹ. Chàng đang vặn chìa khóa thì nghe gọi:
- Anh !
Chàng cứ tiếp tục vặn chìa khóa nhưng lòng vẫn do dự không biết có nên ở lại để nghe nàng phân trần gì hay không.
- Anh Ngàn.
Ngàn nắm chiếc hột xoài bằng sứ trắng, đứng yên đó mấy mươi giây, đoạn buông ra, day lại mà nhìn Suzanne nhưng không hỏi gì cả.
- Xin anh lấy lại số tiền.
- Tôi xin tặng cô.
- Không.
- Sao cô lại từ chối. Tôí tưởng như thế là tốt đẹp hơn chớ !
- Tôi không thích ăn mày.
- Sao cô lại dùng cái tiếng quá đáng ấy. Tự nhiên mà tôi tặng cô đấy chớ.
- Dầu sao, vẫn là một hình thức ăn mày.
- Tôi thì tôi sẵn sàng ăn mày tình yêu của cô, nhưng biết rằng không thể được, nên chưa bao giờ tôi hạ mình làm chuyện đó.
- Tôi không cần biết quan niệm, tư tưởng, ý muốn của anh. Tôi chỉ từ chối số tiền nầy mà tôi thấy là một tiếng chửi.
- Trời, sao cô lại bất công đến...
- Trước đêm nay, anh đã biết kẻ bán mình là tôi, do sự phản bội cố ý hay vô tình của người trung gian. Nếu quả thật anh thương xót tôi, anh đã tìm cách khác để giúp tôi một cách kín đáo chớ có đâu mà...
- Tôi đã thú thật với cô là tôi có ác ý muốn trả thù. Nhưng tôi vừa đổi ý.
- Nếu anh hết ác ý, anh cứ bình thản xử dụng quyền của người có tiền đối với kẻ cần tiền. Như vậy sòng phẳng hơn rồi anh quên tôi, được như vậy mới không di hại cho tôi bằng sự ban ơn nầy mà anh sẽ nhớ mãi, và rất có thể không kín miệng như nếu anh đã thỏa mãn và khỏi mất tiền toi.
- Nhưng tôi nỡ nào...
- Như vậy, anh cứ lấy tiền lại, và rồi cũng quên tôi đì, nếu quả anh thương xót tôi.
- Nhưng tôi cứ lo rồi cô lại nhờ kẻ khác.
- Mặc tôi chớ.
- Cô quên rằng tôi đã và vẫn cứ còn yêu cô à ? Như vậy, để mặc cô, làm sao mà đời tôi sẽ yên ổn cho được !
- Nhưng tôi không thể chiu đựng một sự thương xót của bất kỳ ai. Tôi đã thương xót tôi, và đã tự tử hụt thì đủ lắm rồi. Tôi không cần ai thương xót nữa cả.
Suzanne không khiêu khích không phách lối, nhưng vẫn hách trong giọng nói, vẫn dám ngảnh mặt lên nhìn thẳng vào Ngàn mà nói. Thật là kẻ cả, mặc dầu nàng nhỏ hơn Ngàn đến năm sáu tuổi.
- Té ra không có sự đồng ý của cô trong vụ nầy ?
- Không có sao tôi lại đến đây ? Tôi tự động mà đến chớ có ai khiêng tôi mà ném vào đây đâu. Nhưng tôi không đồng ý ngay tức khắc và đến đây không phải là đã không rơi lệ.
- Thôi thì tôi không dám thương xót cô vậy. Cô cứ kể như là một người bạn cũ giúp cố nhơn trong một bước khó khăn của cố nhơn ấy mà tình cờ người bạn cũ ấy được biết.
- Không thể kể như thế được vì đây là một trường hợp đặc biệt, một khám phá của anh, một sự bị lộ tẩy của tôi. Như thế chỉ có ba con đường: một là tôi giết anh để hủy diệt nhơn chứng, hai 1à là...
Ngàn rùng mình rởn óc mà tế nhận được cái dữ tợn lạnh lùng trong đôi con mắt của Suzanne, nàng không đùa tí nào, cũng không nói lớn lối để dọa nạt ai, dám nói và dám làm việc ấy một cách thản nhiên như một tướng cướp, không, như một chánh đảng viên mà đảng còn hoạt động trong vòng bí mật, giết mà không cần có thù hận gì, giết như nhổ một cái cây chướng ngại vật trên đường đi của đảng, chỉ có thế thôi.
- Cô giết tôi ?
- Vâng, tôi phải giết anh, nếu lối ra thứ hai và thứ ba tính không xong.
- Làm thế nào cô giết tôi được ?
- Rất dễ nếu lấy mạng đổi mạng.
- Đổi cách nào ?
- Chẳng hạn tôi sẽ đập lên đầu anh bằng cây đèn chong nầy. Anh không chết ngay nhưng sẽ bi thương vì mảnh pha lê vỡ sẽ cắt rách trán anh, cắt rách da đầu anh. Tôi lại tiếp tục tấn công bằng khí giới khác nữa, chẳng hạn như cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh khối rất nặng nầy. Nổi giận và phải tự vệ anh sẽ tấn công lại tôi. Cuộc xô xát kinh thiên động địa sẽ xảy ở đây mà kẻ liều chết luôn phải thắng.
- Sao cô lại liều chết ?
- Vì tôi không thể sống sót để chịu đựng xấu hổ do lời đồn đãi của anh.
- Tôi xin thề kín miệng.
- Không thể kín được !
- Còn như chính cô chết, cô lại không xấu à ?
- Không. Kẻ đã chết, không xấu nữa. Và trong cuộc điều tra án mạng, anh sẽ bị ghép vào tội cố sát vì toan hiếp dâm không được. Không tòa án nào lại tin rằng kẻ bán mình đã được tiền mà khỏi mất trinh, lại liều chết làm gì. Như thế báo chí sẽ sỉ vả anh và thương xót cô gái ngây thơ nạn nhơn của một con quỷ râu xanh là anh.
Ngàn phá lên mà cười. Quả thật câu chuyện sẽ xảy ra y như vậy nếu có sự xô xát và nếu Suzanne chết. Cô gái nầy thông minh tột bực nên không sợ gì cả, không bối rối trước tình thế bí nào, lạnh lùng giải quyết bài toán rắc rối một cách lý trí vô cùng.
- Còn lối ra thư hai ?
- ...Hai là anh cứ hưởng tôi rồi quên. Anh sẽ quên được vì đây là một cuộc đổi chác sòng phẳng, anh không lỗ lã gì cả và sẽ không hận gì cả.
- Nhưng lỡ tôi càng yêu cô hơn lên, sau khi đã hưởng cô ?
- Vô lý. Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng...
- Té ra cô đã kinh nghiệm ?
- Không phải kinh nghiệm bản thân. Kinh nghiệm do quan sát nhơn tình thế thái, kinh nghiệm do má tôi truyền cho. Nó dạy tôi rằng khi người ta thỏa mãn, người ta bớt yêu đi. Vả, nếu quả thật anh cứ còn yêu tôi, sau vụ đó, và yêu nhiều như trước, như bây giờ; yêu như anh đã khoe khoang từ nãy gíờ, thì không có gì nguy hại cho tôi cả vì anh sẽ kín miệng dùm cho người mà anh yêu.
- Nhưng tôi sẽ làm phiền cô bằng cách đeo đuổi cô.
- Anh có quyền trong hai tuần lễ.
- Không, nếu tôi yêu tôi sẽ đeo đuổi cô mãi mãi.
- Vô ích. Tôi không yêu anh. Nếu anh xin cưới tôi thì được ngay, vì trước khác giờ khác. Nhưng sẽ khổ cho anh vô cùng. Tham vọng tôi nhiều, tôi quen xài buông tay, má tôi cũng thế.
- Lối ra thứ ba ?
- ...ba là anh cứ lấy tiền lại rồi quên tôi. Không mất tiền một cách oan uổng, anh sẽ quên. Tôi lương thiện trả tiền lại, anh sẽ không hại tôi bằng cách đồn ầm lên.
- Nhưng tôi quyết giữ vững lập trường của tôi, thôi vĩnh biệt.
Ngàn nói xong, mở cửa chớp nhoáng rồi thần tốc thoát ra ngoài.
- Anh Ngàn.
Tiếng gọi của Suzanne rất to và rất tuyệt vọng. Mụ chủ nhà nghe tiếng kêu ấy y như Ngàn, nhưng mụ không hành động gì cả, không níu Ngàn lại, không ngỡ hắn quỵt mình rồi quất ngựa chuối, vì cái dịu dàng trong tiếng gọi của Suzanne, vì sự kiện Suzanne biết tên kẻ chạy như dông để thoát ra khỏi nhà, hai chi tiết nầy khiến mụ yên lòng, ngỡ họ chỉ xích mích sơ sơ thôi.
Suzanne thừ người rất lâu rồi ngã vật lên giường, ôm mặt mà khóc nức nở.
Nàng đã can đảm lúc bị bắt chợt, bị lộ tẩy, nhưng mất cả tinh thần khi bị bỏ rơi lại một mình, vì khi nãy tuy thất thế nàng vẫn có cơ thắng, giờ thì cô gái nầy đã hoàn toàn đại bại rồi vậy.
Không chắc gì người trung gian biết Ngàn ở đâu mà không chắc Ngàn chịu ra mặt nếu chị Sáu ấy mà có biết đi nữa.
Như vậy không làm sao mà trả lại cho hắn được số tiền nầy. Không nhận, ai biết cho mình và mụ chủ nhà nầy sẽ khi không lại được hưởng năm vạn bạc trong khi nàng mang tiếng mang tai.
Nàng đã nhắm mắt mà tuột xuống vũng bùn nhơ và chỉ còn có gang tấc nữa là đến nơi, nhưng nàng vẫn có cái tự trọng kiêu hãnh riêng của nàng: không thèm thọ ơn ai cả, nhứt là cái ơn đó do một kẻ không phải là người thân của nàng ban ra.
Mặc dầu can đảm, cứng cỏi, vững tinh thần, Suzanne vẫn để cho kẻ ấy thắng trận, đạt mục đích, ngầm chửi nàng bằng của bố thí nầy, thắng trận ở cái chỗ có quyền nhớ mãi bí mật không hay của nàng vì số tiền bồ thí mà không hưởng.
Suzanne khóc vì tức tối chớ không vì sầu hận hay vì xấu hổ. Nàng khóc không biết bao lâu mới vơi lệ và lấy tiền ra chia làm hai bó đều cất vào trong xú cheng.
Dù chia đôi, năm ghim bạc vẫn còn dầy quá và ngực nàng hóa to khác thường, to nhưng không khéo chút nào vì giấy bạc làm méo mó.
Khi cô gái bán mình hụt bước ra ngoài, mụ chủ nhà thấy son phấn nàng trôi nhạt cả vì lệ chèm nhèm, mụ ta an ủi:
- Thôi cô à, rồi đâu sẽ vào đó cả, chẳng mất mát gì đâu. Lời tục thường nói:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để dành.
Câu ấy đúng không thể chối được. Chán vạn cô gái con nhà lành đã phải trải qua cái bước đường đau đớn của cô, nhưng rồi họ cũng lấy chồng được và được hạnh phúc như bất kỳ ai.
"Nói không phải, chớ nếu rủi ro mà cô không được may mắn như người ta thì cô cứ đến đây, tôi sẽ giúp cho. Cố nhiên là không còn được như lần đầu đâu, nhưng cô vẫn có thể kiếm hơn một công chức cao cấp nhiều lắm.
"Cô ra sau rửa mặt đi, kẻo ra đường khó coi. Tôi có đủ cả đồ cho cô hóa trang lại.
Suzanne biết mụ chủ nhà ngộ nhận, nhưng không buồn cải chính. Nàng lặng lẽ trở gót đi ra sau nhà trong khi mụ nầy nhìn theo con người đẹp không nháy mắt mà mụ ta ngỡ nàng vừa bước từ tình trạng trinh nữ qua tình trạng đàn bà trong vòng trước sau có nửa tiếng đồng hồ.
Đó là ba mươi phút quan trọng nó đánh dấu lên cả một đời con gái và chính mụ ta ngày xưa cũng đã trải qua ba mươi phút đó, không, lâu hơn thế chớ, đâu như là sáu mươi phút gì thì phải.
Mụ ta cũng đau đớn ê chề ngỡ đâu trời long đất sụp, ngày nay nghĩ lại thật là nước mắt trẻ con. Thế nên mụ ta không thương xót Suzanne mà chỉ thấy đó là một con gà đẻ trứng vàng cho mụ sau nầy, một con gà giống tốt, giống Rode D' Island cũng nên, miễn mụ bẫy nàng ngay từ bây giờ, không thôi nàng sẽ làm gà cho kẻ khác mất.
Mụ chưa hề thấy một cô gái nào xinh đẹp toàn vẹn như vậy. Có đứa đẹp ở cái mặt nhưng co thì suôn đuột như một chiếc gối dài, có đứa thân thể hình số tám, nhưng mặt vô duyên không chịu được.
Cái cô Suzanne nầy mà chịu trở lại đây thì phải biết !
Giây lát sau, Suzanne trở lên với bộ mặt mới làm lại tươi tỉnh nhưng còn âu sầu.
- Cô em ăn cái gì không, chị bảo trẻ nó mua cho ?
- Cảm ơn chị, em xin về.
- Chúc may mắn. Thỉnh thoảng trở lại thăm chị, cô em nhé. Nhất là khi nào túng ngặt, muốn gì chị giúp cũng được hết.
Suzanne không đáp, cũng không day lại, bỏ đi luôn một nước ra đường, vội rời căn nhà mà nàng tự nguyện rằng không hao giờ trở lại cả.
Đêm nay mụ chủ nhà nầy rất không vui vì cả cá lẫn mồi, hai thứ đều bạc bẽo quá. Con mồi vì đau khổ nên lạnh lùng ra đi thì còn có chỗ tha thứ, đến như con cá thì quả là một ông khách bất lịch sự. Kẻ nào keo kiệt lắm thì ngoài tiền lương, cũng chào mụ một tiếng, cám ơn mụ một lời. Gã nầy đã khỏi trả tiền buồng, tiền nầy do chị Sáu lãnh phần thanh toán, nhưng cũng hà tiện cái lời cám ơn không tốn xu nào ấy.
Gã chạy như gió, không khác nào kẻ sợ bị níu lưng, và ra tới đường gã thót lên xe mở máy dông liền, không thèm quay lại nhìn vào lấy một giây nào cả.
Kẻ mất tiền toi ấy đã chạy trốn như là một tên ăn trộm bị bắt tại trận và may mắn vuột khỏi.
Hắn lái xe bạt mạng như một kẻ say rượu, chạy bán sống bán chết như tài xế tắc xi ở Đông Kinh, bị cảnh sát thổi mấy chặn mà hắn cứ bất kể.
Hắn trốn chính hắn, chớ không phải trốn người con gái không có phương tiện rượt theo. Hắn phải chạy cho thât xa, để không đủ thì giờ trở lại nơi mà cô gái bán mình có thể còn ở đó nữa, vì quả hắn rất muốn trở lại.
Không, không phải là hắn tiếc tiền. Hắn đã bê tha nhiều năm rồi, dám vứt tiền qua của sổ như một triệu phú vì tánh ngông của hắn, thì sá gì năm chục ngàn bạc.
Nhưng hắn cứ bị một sức mạnh vô hình lôi kéo hắn trở lại đó. Sức mạnh vô hình ấy chỉ vô hình đối với hắn thôi, hay hắn thấy, hắn biết, mà cố ý làm bộ không biết. Sức mạnh đó là nhan sắc của Suzanne mà hắn thèm.
Giờ thì hắn đã hết yêu Suzanne rồi như hắn đã nói láo với nàng khi nãy. Cái mối tình khôn nguôi của hắn chỉ khôn nguôi ở khía cạnh mối tình thôi, chớ không phải là khôn nguôi vì con người trong mối tình.
Suzanne đã chết từ lâu và lại mới chết một lần nữa vào buổi sáng mà chị Sáu dắt mối đã cho chàng xem ảnh cô gái bán mình.
Nàng chết, nhưng cô gái bán mình thì là một sự thật hiển nhiên, hơn thế là một liều thuốc kích thích mạnh cực kỳ. Chàng không thiếu thốn bao giờ, trái lại nữa, có thể nói rằng chàng quá dư về điểm gái. Nhưng quả chưa bao giờ chàng thèm muốn như đêm nay.
Suzanne mặc một chiếc bơ-lu-din bằng vải sọc trắng sọc đỏ mà anh thợ may đã cho những đầu sọc ấy đâu lại với nhau ở cái nơi mà ai cũng phải nhìn, nhìn chính vì cái nơi ấy mà cũng vì các lằn sọc dẫn dắt mặt họ tới đó.
Hai ống quần ôm sát đôi vế no tròn của Suzanne gợi nhớ ngay cho Ngàn cái đặc tính của những bàn chơn bó nhỏ lại của người đàn bà Tàu ngày xưa, sự bó chơn nầy có một công dụng kỳ lạ mà mãi đến ngày nay khoa học mới tìm ra. Tập tục ấy giúp cho vế và hạ bộ nở lớn.
Người Tàu ích kỷ và khôn ngoan, đã đối xử với đàn bà của họ như là chơi cây kiểng non bộ, muốn uốn nắn thế nào tùy sở thích của họ, uốn nắn tâm hồn mà uốn nắn cả thân thể của tạo hóa sanh ra nữa.
Suzanne không bị bó chơn, nhưng tự nhiên mà có được những gì người đàn ông ham muốn.
Chàng chạy thật xa, theo xa lộ dông tuốt lên tới Thủ Đức và khi thấy bóng chiếc xe Hiến binh, chàng mới giựt mình. Kẻ chạy trốn thường sợ lính, mặc dầu họ không có tội gì cả.
Ngàn quay xe để trở về thủ đô vì bây giờ, Suzanne chắc chắn đã đi rồi. Vả chàng cũng chợt thấy là mình ngốc quá nên lại muốn về với hy vọng mong manh gặp lại nàng.
Vâng, chàng ngốc nhất trên đời. Tất cả những gì chàng nói với Suzanne khi nãy đều là láo khoát hết.
Chàng chỉ muốn khoát lên người chàng một chiếc áo anh hùng rơm, mong chiếm lòng của một cô gái mà chàng biết không yêu chàng, chớ chẳng thương xót, chẳng đau khổ, chẳng có "không nỡ vì quá yêu" cái khỉ khô gì hết ráo.
Phải, chàng không thể mua chuộc tình yêu của nàng bằng bạc triệu, nhưng lại rất có may mắn chiếm được lòng nàng bằng năm mươi ngàn bỏ không, không đòi hỏi gì, không hưởng lấy một cái cầm tay, mặc dầu chàng có quyền đi xa hơn thế nhiều lắm.
Vì thế mà chàng đã phải chạy trốn cho trọn tiếng anh hùng.
Nhưng trốn thoát rồi lại tiếc. Chàng cân thử mọi may mắn trên tay thì thấy nếu Suzanne nó phục chàng chăng nữa thì cũng chỉ phục có chừng mực thôi. Vả phục là đằng khác mà yêu là đằng khác nữa. Con gái chúng nó phục tài những vị giáo sư già, những bậc danh tướng, nhưng có yêu họ đâu chớ.
Nên chi rồi chàng lại muốn trở về chốn cũ và rất ân hận mà thấy rằng không còn kịp nữa.
Ngàn tức giận mình quá. Trên đời nầy, chắc chắn không có một thằng ngốc thứ nhì nào mà, như chàng, lại từ chối hưởng một cọ gái đẹp, từ chối hưởng cả khi cô ta mời mọc.
"Chắc Suzanne nó cũng đã chửi thầm mình là ngốc một cây và cười mình giả dối ló đuôi. Nó thông minh lắm, 1ẽ nào nó lại không đoán được là mình muốn làm anh hùng rơm với hy vọng hão huyền của mình ? Thật là tức ! Chắc nó cầm xấp tiền mà cười khúc khích, bụng bảo dạ rằng nếu con trai mà được nhiều thằng ngốc như mình nó sẽ được tiền hoài mà món hàng vẫn cứ còn. Hơn thế, món hàng cũng không cần phải còn nữa vì lũ ngốc như mình đâu có kiểm soát, cứ vứt tiền ra rồi chạy trốn thì nó mà có đẻ năm bảy lứa, lũ ngốc như mình cũng cứ ngỡ nó còn tân."
Biết rằng không kịp nữa, Ngàn vẫn lái xe chạy ngang qua căn nhà khi nãy. Bấy giờ đã mười giờ hơn rồi và nhà ấy đã đóng cửa tắt đèn.
Tuyệt vọng, chàng cho xe chạy luôn để tìm một nơi hành lạc hầu quên tức giận mình và để cho sự kích thích vừa rồi có nơi tháo trút, Nhưng chàng biết rằng sẽ khó quên vì không thể tìm được một người đẹp thứ nhì nào mà đẹp bằng Suzanne hoặc đẹp kém hơn nàng ba mươi phần trăm đi nữa.
Ngàn bước vào Zanzi Bar hồi đúng mười một giờ rưỡi. Chàng đã tốn rất nhiều xăng để chạy vòng quanh Sàigòn và rốt cuộc mới nhớ tới chỗ nầy, là nơi lý tưởng cho đêm nay.
Chủ cái ba nầy là một nhà trí thức mạt vận về mặt hoạt động trí thức, nên xoay ra làm ăn như bọn... (chỗ nầy thiếu không biết mấy chữ hoặc mấy dòng trong ấn bản 1967).
Zanzibar là tên một thành phố ở Phi Châu. Ông ta chặt làm hai tên ấy, biên vận cuối cùng của cái tên thành danh từ chung có nghĩa là quán rượu, thành thử tên quán rất gợi ý.
Và để gợi ý thêm, ông ta trang trí cửa hiệu theo lối Phi Châu với những gộp đá, những hình sư tử sa mạc ngoài mặt tiền.
Hình như là số tử vi không phải lả chuyện hoang đường hay sao ấy nên cái ông trí thức mạt vận nầy lại mạt vận tuốt trong địa hạt thực tế, doanh thương; cái ba của ông ta không hề được hân hạnh thấy mặt người khách nào bao giờ cả.
Quán rượu nầy, theo lối tổ chức, trình bày trang trí, là quán rượu dành cho người da trắng, nhưng người da trắng la cà ở quán rượu Sàigòn, trong thời buổi nầy là quân nhân Huê Kỳ, chớ không phải là quân nhân Pháp nữa.
Quán Zanzi thất thế một là vì cái tên của nó. Người Huê Kỳ chỉ thích tên Nam Mỹ thôi.
Địa điểm của quán cũng hỏng tuốt vì nó nằm trong một khu phố bê bối. Khuyết điểm thứ nhì nầy là khuyết điểm quyết định số phận của quán Zanzi. Quân nhân nước nào cũng là hạng người ít tiền, và chỉ la cà ở các quán ruợu bình dân. Nhưng khu phố bình dân của họ lại có phong độ hơn khu phố khá giả của ta nữa.
Ông chủ quán đã quên rằng một khu phố bình dân của ta, bê bối quá sức dưới mắt họ, nên họ không đến.
Quán nầy là nơi lý tưởng của Ngàn đêm nay, vì các cô bồi rượu quán tây có vẻ trí thức và "chợ búa" hơn là các nữ chiêu đãi viên của những nơi nhậu nhẹt của ta. Họ chỉ có vẻ thế thôi chớ họ vẫn là người của giai cấp bình dân. Nhưng cái vẻ ngoài gạt gẫm ấy, chàng rất cần để tự gạt gẫm mình trong chốc lát, để có cảm tưởng như còn gần được một thứ Suzanne thứ thiệt.
Vả lại các cô bồi rượu ở đây cũng lấy tên đầm cho vui và cho khách ngoại quốc dễ gọi, dễ nhớ, Hélène, Marguerite, Simone, Yvonne, và kỳ lạ thay có cả một cô Suzanne nữa.
Bọn nầy hành nghề rất lâu năm nên cả thảy đều nhuộm màu Âu Mỹ rồi, từ lối hóa trang đến dáng đi, điệu đứng giọng cười, tóm lại họ có được cái tác phong của Suzanne chánh hiệu tuy bê bối và hạ cấp hơn Suzanne thiệt vì họ không thật là trí thức, không thật là giàu sang.
Suzanne ma ri sến ở đây cũng đã khoe với chàng rằng chúng nó là nữ sinh vốn con nhà trâm anh thế phiệt, cái dĩa hát láo khoét mà bọn chiêu đãi viên và bọn gái buôn hương thích hát, đã xưa lắm rồi nhưng vẫn cứ còn những anh chàng ngốc để tin lũ nó.
Anh chàng Ngàn không ngốc, nhưng anh ta lại cần tin, ít lắm là trong đêm nay.
Đành rằng đó là một dĩa hát xưa như các dĩa "Thầy năm Tú ở tại Mỹ Tho" nhưng thế nào cũng có một dĩa thật. Đây là sự thật hiếm hoi, hiếm hoi như những nàng tiên lạc vào cõi tục, nhưng Ngàn biết rằng vẫn có và mong mỏi Suzanne ở đây nói đúng sự thật.
Chàng thất vọng biết bao vì chỉ một câu chào hỏi ngắn ngủn cũng đủ lột trần chân tướng của cô gái gánh nước mướn lấy tên Tây nầy.
Người khách độc nhất của quán Zanzi không giúp các cô chiêu đãi viên ở đây bớt ngáp cái nào hết vì hắn gọi rượu để nhận chìm mối sầu của hắn trong đó, nhưng hắn không thành công, mối sầu cứ trồi lên hụp xuống mãi như một trái banh bóng bàn, buông tay ra là nó bắn trở lên mặt rượu và trôi lình bình ở đó y như lúc mới thả nó vào, vì thế mà hắn cứ loay hoay mãi với trái banh nhựa, không buồn nói chuyện, cũng không thèm nghe ai nói gì hết.
Là người của giai cấp trưởng giả, Ngàn đau cái niềm đau trưởng giả.
Nếu cô Kiều không phải là con viên ngoại, mà chỉ là con của một anh phu khiêng kiệu, cô ta hẳn ít sầu hơn là cô Kiều cầm kỳ thi họa, và ta, độc giả của Nguyễn Du, ít rơi lệ vì cô Kiều hơn.
Nào có mòn chút nào đâu mà quan trọng hóá làm chi cái chữ trinh để làm to chuyện như là khi quốc kế dân sách bị hỏng bét.
Anh chàng Ngàn trưởng giả đã đau như ta đau cho số kiếp cô Kiều, vì ta cũng trưởng giả như chàng. Chàng đau, đau ghê lắm, nghe như cả nền văn minh của nhân loại đều sụp đổ sau một trận giặc nguyên tử và không còn cái gì có nghĩa nữa, sau cảnh tang thương toàn diện đó.
Đành rằng chàng không có động tới một ngón tay của Suzanne, nhưng rồi sớm muộn gì một thằng khác cũng sẽ động tới, động mạnh, động xa, động thật sư, vì Suzanne đã tự ý nhảy xuống vực thì nó sẽ nhảy xuống đó nữa, chớ không phải đã rủi ro bị xô vào đó mà chàng ảo tưởng là sau khi chết hụt, nó sẽ tởn tới già.
Biết đâu ngay đêm nay tang thương lại không xảy ra vì biết đâu lại chẳng có hai ba cử tử mà chị mối chọn chàng vì cảm tình nào đó. Chàng đã không hưởng, cô bé ấy ham tiền, đi tìm ngay chị ta để trao thân cho cử tử thứ nhì hay thứ ba thứ tư ?
Chàng không tiếc của mà chỉ tiếc bỏ lỡ dịp tốt. Nhưng bỏ trôi dịp tốt không làm chàng đau. Chàng đau vì cái thiện căn trưởng giả của chàng, nó bị giày vò trước hình ảnh của một đóa hoa tan nát.
Nếu chẳng biết tâm trạng của Suzanne, chắc chàng tự chửi mình là thằng ngốc nhứt trần đời.
Chàng chỉ cao niên hơn Suzanne có sáu tuổi thôi, nhưng lại thuộc vào thế hệ già, với mớ nhơn sinh quan Á Đông tiền chiến, cái nhơn sinh quan khóc cô Kiều ấy.
Suzanne thuộc hạng Lolita và xem tấm trinh không đáng giá một ổ bánh mì.
Sở dĩ nàng giẫy nẩy phản đối, đã tự tử nữa, như nàng đã nói với chàng lúc đầu hôm, nói đúng sự thật một trăm phần, là vì lẽ khác chớ không phải vì sợ mất cái trò khỉ ấy mà anh con trai nào còn quí chuộng đều bị chửi là thằng gàn, thằng lạc hậu.
Nàng kêu gào than khóc, phản đối, quyên sinh chỉ vì nàng thấy việc bán thân là xấu hổ.
Ấy, con gái đợt sóng mới mà có tâm hồn, mà biết tự trọng, chúng nó dám yêu cả chục thằng, yêu theo nghĩa vật chất; theo nghĩa hạ cấp thú vật, nghĩa là chúng nó không coi băng trinh nặng được gờ ram nào cả, nhưng chúng nó vẫn không bán mình.
Chúng nó hiến thân không cho những đứa chúng nó thích, trong thời gian nào ấy thôi, nhưng nhứt định không đổi bằng thứ gì cả với những dứa chúng nó không cảm tình.
Đó là những thằng Bờm với cây quạt mo, đổi thứ gì thằng Bờm cũng không thèm cả, mà chỉ ưa xôi thôi. Xôi, trong trường hợp nầy, là cái thích nói trên, thích chốc lát cũng có, mà lâu dài cũng có, nhưng sự lâu dài của bọn nầy không bao giờ hơn một trăm ngày đâu.
Dầu sao, đó cũng là một điểm son trên tập vở đời của bọn gái lẳng không sợ mòn, vì việc làm có bỉ ổi hay không là do mục đích của người làm chớ khỏng phải do chính cái việc làm.
Thằng Bờm cho miếng mo cau để lấy xôi thì đó là một sự đổi chác bất vụ lợi mà không ai khinh bỉ những tấm lòng bất vụ lợi cả.
Thằng Bờm Suzanne thì có vụ lợi thật đó, nhưng nó định sẽ trả nợ sòng phẳng nên chi nó mới an lòng được.
Vậy thằng Bờm Suzanne ngủ ngon lành ngay từ hồi mười giờ rưỡi, ngủ yên cái giấc ngủ của kẻ trên lương tâm không bị gì đè nặng cả.
Nó không có mất mảnh mo nào cả, mà cỡ có mất đi nữa, nó cũng cóc cần kia mà ! Đời bây giờ chỉ còn sót lại có mấy thằng gàn hiếm hoi còn quí trọng mo cau thì nó cứ là nó.
Nhưng cũng phải biết giùm cho nó là nó đã băn khoăn hơn nửa tiếng đồng hồ trươc khi ngủ. Nó kiêu hãnh lắm và không chịu được ai khinh nó cả, nhứt là người khinh nó là một kẻ nó không xem trọng.
Suzanne thấy sự thương xót của Ngàn vẫn cứ là một tiếng chửi, mặc dầu tiếng chửi nầy có nhẹ hơn là hai tiếng chửi kia, tiếng chửi thật sự bằng cách ném tiền vào mặt nàng rồi dập liễu vùi hoa nàng, hoặc tiếng chửi ác hơn bằng cách vứt tiền rồi mai mỉa, đoạn bỏ đi.
Không, nàng không cần sự thương xót của bất kỳ ai, và nàng quyết không cho kẻ ấy cái sung sướng được thương xót nàng. Muốn đạt mục đích, nàng chỉ có hai đường: trả tiền lại hắn, hoặc để dành nguyên vẹn cho hắn hưởng.
Giải pháp thứ nhứt không thi hành được vì khó lòng truy tầm hắn ngay. Cất tiền lâu vẫn bị hắn thương xót trong lúc chờ đợi.
Suzanne đã quyết định mượn số tiền ấy đóng thế chơn nhận chỗ làm ngày mai rồi sẽ tìm hắn sau để sòng phẳng hóa việc đổi chác. Trong thời gian đó hắn vẫn thương xót nàng, nhưng mà xí hụt nhé, vì nàng sẽ nắm đầu hắn bắt hắn nhận lấy mo cau và hòa cả làng, bao nhiêu nợ tinh thần hay vật chất gì đều sẽ được trừ trong chốc lát, và kẻ được trả nợ sẽ mắc cỡ thầm đả thương xót tầm ruồng một kẻ không cần thương xót.
Suzanne lại băn khoăn vì cái thế kẹt của nàng.
Một cô gái đang thì, sức khỏe dồi dào lại được nuôi dưỡng toàn bằng các thức ăn bổ và kích thích, lại đẹp nữa, thì hẳn cô gái ấy phải mơ yêu mạnh và xác thịt của cô ta hẳn đòi hỏi dữ.
Nhưng cái bà mẹ có một dĩ vãng không hay của cô ta lại giữ riết cô ta. Không phải vì bà ta biết xe trước gãy, nên giúp cho xe sau tránh, mà vì bà ta muốn cho con bà còn nguyên giá. Thuộc đợt sồn sồn, bà ta không hề hay biết có sự thay đổi trong cảm quan luyến ái của bọn đợt sóng mới, yêu thì cứ yêu không cần tấm màn xử nữ như thuở bà ta còn con gái.
Đùng một cái, hy vọng lên bà của cô bé bỗng tiêu tan sau khi ông Ngôn bị bắt và bà Ngôn phải bán xe, trả biệt thự.
Mỉa mai thay, đúng vào cái lúc mà bà Ngôn không cần nhốt Suzanne nữa và con thú trong người nàng sắp xổng chuồng thì chính tay nàng lại phải nhốt con thú ấy không phải vì đạo đức, nết hạnh, mà vì tự ái vì kiêu ngạo: nàng phải giữ nguyên nàng để trả món nợ năm mươi ngàn cho bằng được mới nghe, món nợ không thể từ chối bây giờ vì chủ nó đã trốn mất mà về sau thì không thể trả bằng tiền mà khỏi xấu hổ.
Cô gái dám bán thân và xuýt bán được nầy, không có cảm giác địa cầu bị tàn phá như anh chàng mua mà không nhận hàng. Cô ta chỉ bực mình vì bị kẹt giỏ thôi.
Bức tường mà mẹ cô dựng lên để ngăn cô ngã, bức tường ấy chỉ hữu hiệu vì cô còn bối rối trong sự chọn lựa, chớ không phảì vì sức kiên cố của nó. Không có khám ngục nào nhốt được bọn trẻ tuổi khi chúng nó cần yêu.
Nhưng bức tường mà Suzanne tự xây lên thì vững như vạn lý trường thành. Khi người ta tự nhốt thì người ta nhốt mình thật kỹ, và không ai có thể vượt ngục của chính mình vì mình tự biết mình sẽ chui ra ngõ nào nên đã rào kỹ ngõ ấy rồi.