Chương 1
Nguyên văn tiếng Anh Martin Rivas
Vài dòng về Alberto Blest Gana (1830-1920)
Alberto Blest Gana sinh ngày 04-05-1830 tại Chi Lê, trong một gia đình trí thức của thủ đô Santiago. Cha của Alberto – ông Giljermo Kanningem Blest, vốn là một bác sĩ gốc Scotland. Mẹ của Alberto – bà Maria De La Lus Gana – con gái của một gia đình quân nhân và luật sư, hai người anh đều là nhà thơ và phê bình văn học của Chi Lê thời bấy giờ.
Năm 1843, Alberto vào học tại trường Đại học quốc gia nhưng ngay sau đó vài tháng lại chuỷên qua trường quân sự và tốt nghiệp tại đây năm ông vừa 17 tuổi. Từ năm 1847 đến 1851, Alberto sống tại Pháp rồi trở về Chi lê dưới danh nghĩa giảng viên về toán học và ấn loát. Được ít lâu, chàng kỹ sư quân sự trẻ tuổi chuyển sang phục vụ tại Bộ chiến tranh và bắt đầu say mê văn học. Nhưng sự nghiệp văn chương của Alberto sớm bị gián đoạn. Từ năm 1864 ông bước vào nghề ngoại giao, được cử làm lãnh sự tại Mỹ rồi đại sứ tại Anh, tại Pháp cho tới năm 1887 mới về hưu. Từ đó, ông miệt mài "kinh sử" và trở thành một nhà văn nổi tiếng của Chi lê vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Alberto Blest Gana bắt đầu sáng tác từ năm 1853. Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện dài El Museo sau đó là Lừa Dối và Tuyệt Vọng, Đôi Uyên Ương, Mối Tình Đầu, Sự Cám Dỗ…mà chủ đề chính tập trung vào những tình yêu vô vọng, những ghen tuông, lừa dối, những ước muốn nồng nhiệt đặc trưng cho trào lưu văn học châu Âu (đặc biệt của Pháp) nửa đầu thế kỷ 19. Cho tới 1860, Alberto mới thực sự trưởng thành với tác phẩm Số Học trong Tình Yêu, Trái Tim Không Cần Lý Lẽ (Martin Rivas – 1862) và Lý Tưởng Phù Phiếm (1863) đã vẽ nên bức tranh trung thực của xã hội tư sản Chi lê trong những năm 30 – 50 của thế kỷ 19. Bị gián đoạn bởi "sự nghiệp ngoại giao", mãi đến 1897 Alberto mới tiếp tục cho ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử hai tập Thời Loạn – một trong những tác phẩm lớn của ông, trong đó bộc lộ tình cảm của nhà văn đối với đông đảo quần chúng nhân dân đã tham dự vào những cuộc chiến đâu nhằm dựng lên một nước Chi lê cộng hoà.
Trong tinh thần ấy, những tác phẩm cuối cùng của Alberto, trong đó phải kể đến Đất Người (1904) và Thằng Rồ Estero (1909), ngày càng mang tính hiện thực sâu sắc và cách mạng – tiến bộ. Ông đã chiếm được tình yêu và kính trọng của nhân dân Chi lê, xứng đáng với cái tên "Balzac của Chi lê" mà nhà văn Pablo Neruda đã tặng, xứng đáng với sự ngưỡng mộ của đông đảo độc giả Mỹ la tinh và nhiều nước khác trên thế giới.
Alberto Blest Gana mất năm 1920 tại Paris.
Chương 1
Một ngày tháng 7 năm 1850. một chàng trai trạc 22, 23 tuổi bước vào sân một trong những ngôi nhà đep nhất Santiago.
Chàng không có nét gì giống với những công tử thủ đô. Ở chàng, mọi thứ đều tố cáo một kẻ tình lẻ lần đầu đặt chân tới Santiago, chiếc quần da bê màu đen có sọc xuất hiện từ những năm 40, chiếc áo dài tay ngắn và hẹp may theo lối cổ, áo ghi lê dài vạt nhọn bằng tơ màu đen, đôi giày cổ cao chưa đến mắt cá chân, chiếc rũ rộng vành hình thù kỳ dị - tóm lại, toàn bộ trang phục của chàng gợi ta nhớ tới loại mốt đã quá lỗi thời. Trên các đường thủ đô ngày nay có chăng chỉ những kẻ quê mùa hủ lậu mới ăn vận như thế.
Một người hầu đứng bên chiếc cửa dẫn vào sân trong. Tựa vào cái gầm cửa, hắn chăm chú quan sát một cách sỗ sàng người khách lạ đang đi tới với vẻ rụt rè thường có ở những người lần đầu bước vào một ngôi nhà xa lạ mà không tin rằng sẽ được tiếp đón niềm nở.
Người hầu lập tức đoán ra khách là một người nghèo tỉnh lẻ và để đáp lời chào nhã nhặn, hắn chỉ khinh khỉnh gật đầu.
- Đây có phải là nhà ngài Damaso Ensina không? – Người khách hỏi, cố dẹp nỗi bực dọc do cái vẻ xấc xược của người hầu gây ra.
- Vâng.
- Làm ơn báo với ngày Ensina là có một ông muốn gặp.
Cái chữ "ông" làm cho người hầu hơi nhếch mép cười:
- Thế tên ông là gì? – hắn sẵng giọng.
- Martin Rivas – chàng tỉnh lẻ trả lời với sự sốt ruột cố che giấu nhưng vẫn lộ ra trong ánh mắt.
- Xin đợi một lát – người hầu ném một câu rồi không vội vã, hắn quay vào nhà.
Trong khoảnh khắc đó, đồng hồ điểm mười hai tiếng. Tranh thủ lúc người hầu vắng mặt, xin tả hết để bạn đọc rõ, Martin Rivas là người như thế nào.
Đó là một thanh niên rắn rỏi và tầm thước. Trong cái nhìn ưu tư của đôi mắt nhỏ màu đen đọng một nỗi buồn mà dấu tích còn in rõ trên toàn nét mặt. Đôi mắt bị thâm quầng hoà hợp một cách kỳ lạ với đôi gò má nhợt nhạt buộc ta phải chú ý. Mái đầu kiêu hãnh với món tóc dày đẹp rủ xuống từ dưới vành mũ tạo cho chàng trai một vẻ quả cảm và ấn tượng đó càng mạnh hơn nhờ đường nét sắc sảo của khoé miệng cùng cái cằm hơn nhô ra phía trước. Toàn bộ diện mạo của chàng trai toát lên một nội tâm cao nhã và giá như trang phục trên người thanh lịch hơn thì có thể nói chắc rằng chàng là một thanh niên đẹp – dĩ nhiên đối với những ai nhìn nhận vẻ đẹp không chỉ trên cơ sở sự hài hoà của nét mặt hay sự hồng hào của da dẻ.
Martin vẫn đứng ngay tại chỗ chàng đã nói chuyện với người hầu. Chàng mất chừng hai phút để ngắm kỹ các bức tường được sơn màu dầu của sân trong và các cửa sổ khung thiếp vàng có lồng kính sáng loà. Nhưng vì người hầu lề mề, chàng bắt đầu mất kiên nhẫn và đưa mắt lơ đễnh lướt từ vật này qua vật khác mà không dừng lâu ở cái gì.
Cuối cùng cánh cửa bung ra và người hầu xuất hiện.
- Xin mời vào nhà – hắn nói và tiến lên dẫn đường.
Đến cạnh một trong những cánh cửa, hắn dừng lại.
- Ông chủ đợi ông trong văn phòng.
Bước qua ngưỡng cửa, Martin trông thấy một người đàn ông oai vệ đã đứng tuổ. Không thể nói đó là ông già, nhưng ông đã xa với tuổi trẻ, người Pháp gọi những người như vậy là "entre deux ages" – trung niên. Bộ com lê màu đen, cái cổ áo hồ thật cứng, đôi giày ủng bằng da bê đánh bóng lộn – tất cả chứng tỏ rằng chủ nhân của chúng là con người cầu kỳ và cẩn thận mà cuộc sống tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ. Nét mặt của ông không hề biểu cảm, không hề có một nét nào đáng lưu ý cho phép một người quan sát, dù giàu kinh nghiệm, xác định được tính cách. Chỉ có đôi má cạo nhẵn nhụi cùng mái tóc được chải và bôi kem rất kỹ lưỡng nói lên rằng có lẽ công việc chính yếu của ông là chăm sóc dung nhan cho mình.
Khi thấy khách bước vào ông giơ tay vuốt mái tóc và tiến lên một bước, ông nhìn như dò hỏi. Martin khẽ nghiêng mình nói:
- Ngài có phải là Damasso Ensina không ạ?
- Vâng, thưa ngài. Chính là tôi.
Chàng trai lấy từ trong túi áo ra một phong bì và trao cho ông Damasso:
- Xin ngài đọc bức thư này ạ - chàng nói.
- À, thế ra anh là con trai của Rivas – ông nhìn lướt phong bì rồi thốt lên – còn cha anh sống thế nào?
- Ông mất rồi – người thanh niên khẽ lẩm bẩm.
- Mất rồi? – chủ nhà lơ đãng nhắc lại. Sau đó, sực nhớ ra, ông tiếp lời – mời anh ngồi, Martin. Xin lỗi vì tôi không mời anh ngồi ngay. Như vậy là, bức thư…
- Xin ngài đọc cho ạ - Rivas nhắc lần nữa.
Ông Damasso đến bên bàn và bắt đầu chậm rãi lau cặp kính. Sau khi gắn kính lên mũi, ông buông mình xuống ghế bành và chăm chú nhìn chàng trai.
- Thiếu kính tôi không nhìn rõ gì cả - ông khẽ nói như để thanh minh cho việc chuẩn bị quá mất thời gian của mình.
Cuối cùng ông bắt đầu xem thư, nội dung như sau:
"Thưa ngài quý mến và tôn quý,
Tôi bị bệnh và mong rằng, trong khi Chúa Trời còn chưa gọi tôi đến trước toà án của Người, được phó thác cho ngài đứa con trai mà không lâu nữa sẽ trở thành chỗ dựa duy nhất của cái gia đình bất hạnh chúng tôi. Gia tài của tôi chẳng đáng kể gì, vì thế tôi lo sao cho nó được sử dụng có lợi nhất để sau khi tôi chết, vợ con tôi có thể sinh sống cách nào đó bằng lợi tức từ số vốn này. Theo tính toán của tôi, phần của Martin ước chừng hai chục peso mỗi tháng, cho phép nó tiếp tục theo học ở Santiago để trở thành luật sư. Thế nhưng số tiền ấy quá ít ỏi, thậm chí không đủ cho những nhu cầu thấp bé nhất, bởi vậy tôi mạo muội cầu xin nơi ngài sự giúp đỡ lớn lao, cho con trai tôi được nương nhờ mái nhà của ngài cho đến lúc nó tự kiếm sống. Martin là nguồn hy vọng duy nhất của tôi! Xin đừng khước từ ban cho chúng tôi chút phúc đức mà tôi cúi xin ngài, và mẹ Martin sẽ mãi mãi cầu nguyện cho ngài ở đây, dưới trần thế này. Còn tôi, tôi sẽ cầu nguyện cho ngài ở trên thiên đường nếu Chúa Trời rủ lòng thương gọi tôi đến với Người.
Xin phủ phục dưới chân ngài,
Kính thư: Hoxe Rivas"
Ông Damasso gỡ cặp kính cũng cẩn thận như lúc đeo vào và đặt chúng vào đúng cái chỗ đã cầm lên.
- Anh có biết cha anh đề nghị cái gì không? – vừa đứng dậy, ông vừa hỏi.
- Dạ có, thưa ngài – Martin trả lời.
- Anh đi từ Copiano đến đây bằng cách nào vậy?
- Ngồi trên boong tàu thuỷ ạ - chàng trai nói khẽ pha chút kiêu hãnh.
- Này anh bạn – ngài Ensina nói với chàng – Hoxe Rivas là một con người đáng trọng, dù sao tôi cũng nợ ông cái gì đó và sẽ vui sướng được giúp đỡ con trai của ông. Trên nhà chúng tôi có hai phòng trống, chúng thuộc quyền anh sử dụng. Có lẽ anh có đem theo đồ đạc chứ?
- Vâng, thưa ngài.
- Anh để chúng ở đâu vậy?
- Ở khách sạn "Santo Domingo"
- Khi nào anh thấy tiện thì người hầu của tôi sẽ đem đồ đạc về.
Martin đứng dậy còn ông Damasso gọi người hầu:
- Hãy đi cùng ông đây và đem về tất cả những gì ông ấy sai bảo – ông ra lệnh.
- Thưa ngài – Martin thốt lên – Cháu không có đủ lời để cảm tạ ngài.
- Thôi đủ rồi, chàng trai thân mếnó – ông Damasso cắt ngang – hãy tự nhiên như ở nhà. Anh đem hành lý về và thu xếp trên tầng trên đi. Chúng tôi ăn cơm lúc 5 giờ. Anh hãy đến sớm hơn một chút, tôi sẽ giới thiệu anh với vợ tôi.
Rivas cám ơn lần nữa rồi bước ra.
- Hoana, Hoana! – ông Damasso gọi to sang phòng bên cạnh – bảo đem báo đến cho tôi.