Chương 1

Những ai có khả năng thì chơi nhạc. Những ai không có khả năng, thì làm DJ. Như Cooper van Epp. Đứng trong phòng mình – toàn bộ tầng năm của một căn nhà đá nâu trên phố Hicks – cố beatmatch John Lee Hooker bằng đoạn nhạc trip-hop kinh khủng. Bộ nhạc cụ trị giá hai mươi ngàn đô vậy mà gã vẫn mù tịt cách dùng.

“Giời, blue đây này!” gã reo lên. “Là Memphis mod.” Gã dừng chơi, rót cho mình ly scotch thứ hai trong buổi sáng. “Nó như thể hồi đó và bây giờ. Brooklyn và Beale Street cùng một lúc. Giống như tham gia một bữa tiệc tại gia với John Lee. Rít Kents và nốc bourbon vào bữa sáng. Tất cả những gì thiếu sót, tất cả những gì chúng ta cần…” “… là cái đói, bệnh tật, và hoàn toàn rỗng túi,” tôi nói.

Cooper xoay chiếc mũ phớt lại trên đầu và cười ré lên. Gã vận một chiếc áo ba lỗ và một áo vest cũ. Gã mười bảy tuổi đầu, trắng bóc và giàu sụ, cố ăn vận giống một tay chơi nhạc blue vùng Mississippi. Nhưng trông gã không giống thế chút nào. Trông gã như Norton trong The Honeymooners.

“Nghèo khổ, Coop ạ,” tôi nói thêm. “Đó là thứ mà cậu cần. Đó là nơi khởi nguồn của dòng nhạc blue. Nhưng thế thì khó cho cậu lắm. Ý tớ là, con trai của một ông trùm quỹ phòng hộ này nọ ấy.” Nụ cười ngơ ngẩn của gã héo đi. “Giời, Andi, sao lúc nào cậu cũng cay nghiệt với tớ thế? Sao lúc nào cậu cũng rất…” Simone Canovas, con gái một nhà ngoại giao, cắt lời gã.

“Oài, đừng bận tâm, Cooper. Cậu biết tại sao mà.” “Chúng ta đều biết. Nhạt lắm rồi đấy.” Arden Tode, con của một minh tinh màn bạc cất tiếng. “Và một thứ cuối cùng,” tôi nói, lờ bọn nó đi. “Tài năng. Cậu cần tài năng. Bởi vì John Lee Hooker có cả núi tài năng. Cậu đã thực sự viết một bài nhạc nào chưa hả Coop? Cậu có chơi bất cứ thứ gì không? Hay là cậu chỉ ghép thứ của người khác lại với nhau rồi coi cái thứ thảm họa đó là của cậu?” Mắt Cooper sầm xuống.

Miệng gã nhăn nhó. “Cậu là đồ cay nghiệt. Cậu biết không?” “Tớ biết chứ.” Tôi đúng là như vậy. Chẳng nghi ngờ gì. Tôi thích sỉ nhục Cooper. Tôi thích làm gã tổn thương. Cảm giác rất thích thú. Thích thú hơn rượu whiskey của bố gã, hơn thuốc lá của mẹ gã. Bởi trong vài giây, ai đó cũng bị tổn thương.

Chỉ trong vài giây thôi, tôi không cô độc. Tôi cầm guitar lên chơi những nốt đầu tiên trong bản “Baby Please Don’t Go” của Hooker. Dở ẹc, nhưng có tác dụng. Cooper chửi tôi rồi sầm sầm bỏ đi. Simone trừng trừng giận dữ. “Thế hơi ác đấy, Andi ạ. Tâm hồn nó mỏng manh lắm,” ả nói; rồi bỏ đi theo gã.

Arden bỏ đi theo ả. Simone chẳng quan tâm khỉ gì tới Cooper hay tâm hồn gã. Ả chỉ lo gã sẽ phá bĩnh bữa tiệc sáng thứ Sáu của bọn tôi. Ả chưa bao giờ tới trường học mà không gây ra một vụ ồn ào nào. Đứa nào cũng vậy. Bọn tôi cần phải có thứ gì đó, loại rào chắn do của cải đem lại để đẩy bật đi những áp lực nặng nề có nguy cơ sẽ bóp nát bọn tôi như những lon bia ngay giây phút bọn tôi đặt chân vào trường.

Tôi thôi chơi “Baby” mà chuyển dần sang “Tupelo.” Chẳng ai để ý. Cha mẹ Cooper đang đi nghỉ ở Cabo. Người hầu gái không để ý, chị này đang chạy quanh nhà mở cửa sổ để khói thuốc bay ra ngoài. Và đám bạn cùng lớp của tôi cũng không để ý, bọn nó đang bận bấm tới bấm lui iPod, nghe hết bài này sang bài khác.

Bọn tôi không thèm nghe Billboard Hot 100. Bọn tôi khá hơn thế. Những giai điệu đó là dành cho bọn nhóc tì ở trường công khỉ gì cũng được. Bọn tôi học ở St. Anselm’s, trường tư danh giá nhất ở Brooklyn. Bọn tôi đặc biệt. Bọn tôi là những ngoại lệ. Bọn tôi siêu phàm, đứa nào cũng siêu phàm.

Giáo viên dạy bọn tôi nói vậy và bố mẹ bọn tôi trả ba mươi ngàn đô một năm để được nghe điều đó. Năm nay, năm cuối cấp, là năm của nhạc blue. Và William Burroughs, nhạc soul Balkan, những giọng nam cao Đức, các ban nhạc nữ Nhật, và New Wave. Nó đã được tính trước, cái hỗn hợp này.

Như mọi thứ khác bọn tôi làm. Sở thích của bọn tôi càng khó hiểu bao nhiêu, bằng chứng chúng tôi là thiên tài càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Khi ngồi đây bật bông lung tung bài “Tupelo,” tôi thoáng nghe thấy một đoạn trò chuyện ngắt quãng đang diễn ra ở gần tôi. “Nhưng thiệt tình, cậu không thể tiếp cận được Flock of Seagulls mà không bị dính líu vào hệ hình siêu tiểu thuyết,” một người nói.

Và, “tớ nghĩ Plastic Bertrand có thể được hiểu đúng nhất là nhà quan niệm âm nhạc có ý nghĩa theo thuyết hư vô hậu châm biếm. ” Và: “Nhưng, chẳng hạn như, ý nghĩa của New Wave khởi phát từ sự vô nghĩa của chính nó. Bồ ơi, sự lặp lại là hết sức có chủ định.” Và rồi, “Chẳng phải đó là một thời vĩ đại sao, chẳng phải đó là một thời vĩ đại sao…” Tôi nhìn lên.

Đứa đang hát bài “Tupelo,” một thằng dâm dật khét tiếng ở Slater, học ở một trường Heights khác, đột nhiên ngồi xuống đầu bên kia chiếc sofa mà tôi đang ngồi. Nó dịch lại gần cho đến khi đầu gối bọn tôi chạm nhau. “Cậu chơi hay đấy,” nó nói. “Cám ơn.” “Cậu chơi trong ban nhạc à?” Tôi tiếp tục chơi, đầu cúi xuống, vì thế nó làm một việc sỗ sàng.

“Cái gì thế?” nó hỏi, nhoài tới kéo sợi ruy băng đỏ tôi đeo ở cổ. Trên sợi dây có chiếc chìa khóa bạc. “Chìa khóa mở cửa trái tim cậu à?” Tôi muốn giết nó vì đã sờ vào chiếc chìa khóa. Tôi muốn nói những lời khiến nó bị băm vụn ra, nhưng tôi chẳng có lời nào cả. Chúng khô khốc trong cổ họng tôi.

Tôi không nói nổi, vì thế tôi giơ tay lên, bàn tay đeo đầy những chiếc nhẫn hình xương sọ, và siết chặt thành nắm đấm. Nó thả chìa khóa xuống. “Ối, xin lỗi nhé.” “Đừng có bao giờ làm thế,” tôi bảo nó, nhét chìa khóa vào lại trong áo. “Được rồi, được rồi. Đừng có nổi nóng, cô rồ,” nó khoan nhượng đáp.

Tôi bỏ guitar vào hộp và tìm lối đi ra. Cửa trước. Cửa sau. Cửa sổ. Cái gì cũng được. Khi tôi đang băng qua phòng khách, tôi cảm thấy một bàn tay gần cánh tay mình. “Thôi nào. Mới có tám giờ mười lăm mà.” Đó là Vijay Gupta. Chủ tịch Hiệp hội Danh dự, Hiệp hội Tranh luận, Câu lạc bộ Cờ vua, và Liên hiệp Người mẫu.

Tình nguyện viên tại một bếp ăn miễn phí cho người nghèo, một trung tâm xóa mù chữ, và ASPCA, đã đạt được học bổng Davidson Fellow, Presidential Scholar, người đạt giải thưởng thơ ca của trường Princeton, nhưng khốn nỗi, nó không phải là đứa sống sót sau khi bị bệnh ung thư. Orla McBride là đứa sống sót sau khi bị ung thư, và trong đơn xin nhập học, nó đã viết về chuyện đó và được vào Harvard theo diện xét tuyển sớm.

Điều trị hóa chất, bị rụng tóc và nôn mửa mọi thứ ra ngoài đã chiến thắng những hoạt động ngoại khóa thông thường. Vijay chỉ vào được danh sách dự bị, vì vậy nó vẫn phải đi học như thường. “Tớ không đi,” tôi bảo nó. “Sao lại không?” Tôi lắc đầu. “Chuyện gì?” Vijay là bạn thân của tôi.

Đứa bạn duy nhất của tôi, ở thời điểm này. Tôi không hiểu nổi sao nó vẫn còn chơi với tôi. Tôi nghĩ nó coi tôi như một đối tượng cải huấn, như mấy người khốn khổ mà nó chăm sóc ở trại tế bần. “Andi, thôi nào,” nó nói. “Cậu phải đi. Cậu phải hòa nhập. Beezie sẽ tống cổ cậu ra ngoài đấy.

Năm ngoái nó đã đá đít hai đứa năm cuối vì không chịu chơi.” “Tớ biết thế. Nhưng tớ không đi.” Vijay nhìn tôi lo ngại. “Hôm nay cậu uống thuốc chưa?” nó hỏi. “Rồi.” Nó thở dài. “Gặp cậu sau.” “Ừ, gặp sau.” Tôi ra khỏi Castle van Epp, xuống Promenade. Tuyết đang rơi.