Chương 1 - Những Tháng Ngày Mơ Mộng

- Trời ơi, con gái con lứa mà ngày nào cũng ngủ trương giường, trương chiếu như này à. Định nằm lấy nấm (1) ăn hay sao, hở cô kia?

Vừa đi chợ về đến cổng, thấy nhà cửa im lìm, đèn chưa bật, sân chưa quét…, mọi thứ nguyên xi như lúc mình đi, Thục Quyên liền bực tức trách móc cô con gái rượu, than thầm trong bụng. Ngày nào cũng như ngày nào, không biết đến bao giờ nó mới chịu thay đổi đây?

– Mạ ơi, ngày nghỉ mà không cho con nằm thêm xíu là sao?

Cranberry nghe tiếng mạ từ ngoài cổng vọng vào, liền thò đầu ra khỏi chăn vội vàng trả lời mạ. Nàng biết rõ, với tính cách của mạ nàng, nếu không trả lời ngay thì thể nào mạ cũng nổi đoá, quát tháo ầm lên cho mà xem, vì nàng đã nằm nướng trên giường mà quên nhiệm vụ rồi. Thế nhưng nàng cũng chẳng có gì là muốn dậy, vì nàng biết mạ chỉ mắng thế thôi, chứ vẫn cưng nàng lắm.

Bây giờ mới là 6 giờ sáng thôi mà, thế nhưng mạ lúc nào cũng bắt nàng phải dậy từ 5h để phụ việc dọn hàng và bà rất bực mình khi nàng chẳng làm sao mà dậy nổi. Vì tối nàng thường đi ngủ rất muộn, hôm nào cũng thức đến tận 2-3 giờ sáng, nhưng toàn giấu mẹ bằng cách nằm thật im, đắm chìm trong suy nghĩ miên man về những tác phẩm để đời mà nàng… sắp viết.

– Ủa, chứ cô có cái ngày nào không phải là ngày nghỉ à? Mơ mộng riết rồi ế chỏng gọng, thời nay xinh không đủ mà tiền phải đầy tủ mới sướng được nha con…

Mạ nàng vừa gạt chân chống chiếc xe đạp cà tàng, lỉnh kỉnh các món đồ vừa mang ở chợ về, vừa dài giọng ra chiều bỉ bai cô con gái cưng duy nhất. Cái đứa mà bà lúc nào cũng thấy bé bỏng, mãi không chịu lớn này. Mắng con vậy thôi, nhưng bà cũng đã nhận ra nó thật giống mình hồi nhỏ về cái tật ngủ nướng. Phải công nhận, có sinh con mới biết lòng cha mẹ, các cụ dạy chẳng sai câu nào. Bất giác cảm thấy có nụ cười nơi khóe môi hiện ra, vì bà không nghĩ rằng hồi nhỏ mình lại xấu nết đến thế.

– Ơ, con mới 20, mạ làm như con đã 30 không bằng. Con còn lâu mới lấy chồng, mạ khéo lo xa quá.

Cranberry lại kéo chăn lên quá đầu và co người lại, cảm thấy tư thế này quả thật rất dễ chịu.

– Chứ cô nghĩ 10 năm nữa cô được ai rước với cái kiểu trùm chăn trả treo tui như này???

Mạ nàng bước đến bên giường, kéo chăn nàng ra dứ dứ nắm đấm rồi sẽ sàng ngồi xuống cạnh nàng, nói mát.

Cranberry liền ngồi dậy, ôm cổ mạ nũng nịu:

– Phụ nữ lười biếng thì thường rất thông minh, mạ không biết à?

– Ối giời, thông minh chưa thấy đâu, nhưng có vẻ thu nấm cũng bộn tiền thật. Hy vọng là chồng cô thích ăn nấm…

Lấy ngón tay trỏ ấn nhẹ vào trán nàng, mạ nàng cao giọng đầy khiêu khích, như kiểu nói to lên cho cả xóm biết rằng nhà có cô con gái vì lười quá nên ế ẩm, cần tống cổ đi gấp vậy. Cranberry vội vàng bịt mồm mạ lại, ra dấu suỵt suỵt:

– Được rồi, con dậy, con dậy ngay đây.

Có một điều Cranberry luôn biết: Nàng sẽ chẳng bao giờ thắng nổi mạ trong bất cứ cuộc tranh luận nào và hai mạ con chành chọe nhau hàng ngày cho vui cửa vui nhà thôi. Vậy nên nàng đành nín lặng, vừa đi đánh răng rửa mặt vừa tiếp tục mạch suy nghĩ vẫn còn dang dở trong chiếc chăn ấm áp đằng kia.

Thật ra, với công việc viết lách mà nàng mải mê, say đắm bấy lâu nay thì nằm nướng trên giường là chuyện cơm bữa và nàng cũng chẳng hề lười biếng như mạ nàng trách yêu vậy đâu. Con nhà nghèo khó, không chăm chỉ thì sao có cơm ăn áo mặc? Chỉ tiếc cho nàng rằng dù học hành không đến nỗi tệ, nhưng mạ nàng nhất định không cho con gái đi học xa nhà, vì thế nên hết cấp III là nàng ở nhà phụ mẹ buôn bán, không học lên đại học nữa, khi mạ nàng đã quyết định thì không ai có thể thay đổi. Hơn nữa, ngoài đam mê viết lách ra thì nàng không thật sự giỏi môn nào hay thích cái gì. Mà trên đời này đâu có trường đại học nào người ta có thể dạy cho nàng viết ra một tác phẩm hay để theo học.

Nàng chợt nhận ra: Cũng không hẳn là nàng tuân theo cái gọi là “quyết định không thể thay đổi” của mạ, nàng chỉ tuân theo điều mà mình cho là đúng. Có lẽ bất cứ ai cũng vậy, không phải bố mẹ có thể ép được họ khi họ không muốn, mà chẳng qua khi chọn nghề nghiệp cho mình thì hầu như là do chính bản thân họ cũng không biết chính xác họ mong muốn điều gì, thích làm gì nên mới đành nghe theo sự sắp xếp của người lớn mà thôi.

Có một ai đó đã nói: Nếu chỉ là sở thích thì bạn sẽ làm thật say sưa lúc đầu rồi về sau càng làm càng chán nếu cảm thấy nhiều trở ngại, nhưng nếu càng làm càng thích và gặp khó khăn lại càng lao vào làm không hề nản thì đó chính xác là đam mê rồi. Với những gì nàng đã trải qua, nàng hiểu, viết lách hoàn toàn không phải là một sở thích, nó chính là đam mê của nàng. “Nhà văn” vốn là một mỹ từ xinh đẹp và hấp dẫn khiến cho nàng luôn mơ về nó và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Bởi khát khao được viết, được kể những câu chuyện từ trí tưởng tượng cừ khôi từ thuở ấu thơ, được bộc lộ cá tính của mình trong từng con chữ đang chảy mạnh mẽ trong huyết quản, dưới làn da căng tràn sức sống 20…

Cranberry sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo miền Trung. Nơi đây chỉ có nắng và gió làm tài sản. Đất đai khô cằn, sỏi đá, bão lũ triền miên khiến cho việc chăn nuôi, trồng trọt không khác gì đánh trận với ông trời, thua nhiều hơn được. Bắt đầu những năm 90, kinh tế xã hội phát triển hơn thì mạ nàng có thêm nghề tay trái là làm bánh ngọt, giá cả bình dân thôi. Kể từ ngày chuyển hẳn sang nghề tay trái, kinh tế gia đình cũng khá hơn, vì bánh của mạ nàng rất ngon nên cũng đông khách. Tuy nhiên, nàng biết, những loại bánh ăn vặt này không phải nhu cầu thiết yếu, cho dù có đông khách cỡ mấy thì cũng chỉ giúp gia đình đủ ăn.

Cranberry muốn làm giàu, nhưng buồn thay ngoài trí tưởng tượng và khả năng viết lách ra thì nàng chẳng giỏi một cái gì hết, đặc biệt là nấu ăn thì tệ hại, nói gì đến làm bánh. Hàng ngày, phụ mạ làm bánh thì nàng đúng chỉ giữ chân “bóc hành, coi mèo” mà thi thoảng lại bị mạ gào lên: “Trời ơi, đầu óc để đi đâu mà cho lòng trứng vào thùng rác, vỏ trứng thì để vào chậu bột của tui thế kia?” Những lúc đó, hẳn là nàng lại đang nghĩ đến tấn bi kịch nào đó, trong một câu chuyện nào đó mà nàng đang khát khao được đặt bút viết ngay lập tức, nhưng vì kẹt làm bánh mà không thể.

Cranberry tuy không giỏi làm bánh nhưng nàng rất thích công việc bán bánh. Đứng đằng sau những chiếc bánh ngon lành, nàng thấy thật tuyệt vời khi ngắm nhìn chúng và được giao tiếp với đủ loại người, già trẻ, lớn bé, sang hèn, giàu nghèo… đều có cả. Vì nàng cần tư liệu có được từ sự quan sát những người đến mua bánh cho những câu chuyện của mình, cho trí tưởng tượng của nàng tha hồ bay lượn về họ. Đến mức nhiều lúc bị mạ mắng là hâm dở, khi thấy nàng thích chí mà tủm tỉm, lơ là việc bán hàng, hoặc cười phá lên khi cho rằng mình có khả năng tiên tri khi đoán trúng một điều gì đó ở những người khách ấy.

Có khi không phải chỉ mình mạ thấy nàng hâm dở thôi đâu, nàng thầm nghĩ. Nhưng mà kệ tất, có ai sống được thay cuộc đời của người khác cơ chứ, nàng chẳng quan tâm. Khách hàng của mạ nàng đương nhiên là rất thích được một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên và hoạt ngôn như nàng phục vụ. Nàng cũng không biết có bao nhiêu người đến mua bánh vì sự trẻ trung, tươi mới và dung nhan cũng ngon mắt không kém gì những chiếc bánh xinh xắn nằm ngoan ngoãn trong những cái khay sạch sẽ và gọn gàng trong chiếc tủ kính sáng bóng của mình. Nhưng đôi khi nàng tinh nghịch tự hào về điều đó.

Và những lúc như vậy, nàng thường bị mạ mắng vuốt mặt không kịp: Nào là: Suốt ngày tưởng bở, trông thì như dọa người ấy mà cứ làm như tiên nữ giáng thế, sáng quên soi gương hở? Nào là: Hay thật, khách khứa nhà này có khi cần phải đi khám mắt, khám tai gấp, sao tui thấy điệu cười của cô khả ố thế mà nhiều thằng lại khen là… khả ái nhỉ???

“Ơ, mà có cả đứa nó trả tiền rồi lại quên cầm bánh theo chứ. Trông kìa, chân ra khỏi cửa đến nơi mà cổ nó vẫn ngoái lại cười cười, thộn mặt ra. Thế là đang cần nhập trại tâm thần, phỏng nhỉ? vv…

Mạ thật biết cách làm cho con gái rớt từ chín tầng mây xuống đất. Nhưng trong lòng nàng cũng thầm cảm ơn mạ, có lẽ vì vậy mà nàng không biến thành cô nàng luôn nghĩ mình xinh đẹp rồi yêu bản thân quá mức như Aliosa chăng. Người lớn trong nhà luôn là kho kinh nghiệm quý báu về cuộc đời, nhìn thấu những thứ nguy hại trong thiên hạ. Mạ nàng thì còn hơn thế, có con mắt nhìn người như cái kính chiếu yêu vậy…

Không biết sao mà mạ lại ghét cái mộng văn chương của nàng đến thế? Lúc nào cũng bắt nàng phải làm hết thứ này đến thứ khác để nàng không có thời gian mà suy nghĩ nữa. Nàng cũng từng hỏi nhiều lần vì sao mà mạ cứ dội vào ngọn lửa đam mê của nàng hết gáo nước lạnh này đến thùng nước lạnh khác? Nhưng mạ nàng không trả lời mà chỉ thở dài, thật là bí hiểm…Nàng nghĩ: Chắc mạ không muốn mình phải khổ thôi, đơn giản cho đời thanh thản đi.

Cranberry luôn giữ được tinh thần lạc quan đáng nể và sự trong sáng của tâm hồn mình trong mọi tình huống, bởi vì nàng không thích phải nghĩ quá nhiều về những thứ mà mình không điều khiển được và thường bỏ qua chúng luôn. Có một điều, không biết mạ có hiểu rằng: Cái gì càng cấm đoán thì càng trở nên hấp dẫn khó cưỡng? Trước sự cấm cản mà nàng cho là vô lý của mạ, nàng vẫn ngoan ngoãn nghe theo, nhưng suy nghĩ là thứ mà không ai có thể kiểm soát được, cho dù là người thân yêu nhất đi nữa. Mạ cũng vậy, không thể kiểm soát được việc đứa con gái bé bỏng của mình luôn viết nên những câu chuyện muôn màu, sống động trong suy nghĩ hằng đêm.

Cranberry ham mê đọc sách từ nhỏ, nên mạ nàng, dù kinh tế khó khăn, cũng ráng mua sách cho đứa con gái yêu đọc thoả thích. Nàng ấn tượng nhất với chuyện cậu bé biết bay Peter Pan, vì những câu chuyện xoay quanh cậu luôn là những việc tốt, giúp đỡ người khác, có hình ảnh bay lượn trên bầu trời cao rộng vào những lúc đêm khuya, khá giống với trí tưởng tượng của mình. Nàng cũng mong có một gia đình ấm áp, đủ đầy như mong ước của Cô Bé Bán Diêm, khi cô quẹt từng que diêm trong đêm đông lạnh giá cuối cùng của cuộc đời. Bởi vì gia đình của Cranberry không trọn vẹn, nàng chưa bao giờ biết mặt cha mình, họ hàng thân thích cũng chẳng có một ai.

Nhà nàng chỉ có mỗi hai mạ con, mọi câu chuyện về quá khứ mạ nàng đều giấu không cho nàng biết. Hình như mạ nàng đến với vùng đất này khi đã có mang nàng trong bụng. Những con người chân thành và ấm áp nơi đây đã cưu mang hai mạ con nàng. Lớn lên trong sự yêu thương của bà con xóm giềng, Cranberry cũng không có cảm giác mình không có họ hàng thân thuộc nữa, vì nàng luôn coi những người hàng xóm tốt bụng là người thân. Chỉ có điều nàng vẫn mong mỏi gặp được cha mình, để thỏa mong ước một mái nhà ấm áp có cha, có mạ như bao đứa trẻ khác. Cho dù ông ấy có như thế nào, đã bỏ rơi mẹ con nàng ra sao… thì nàng vẫn mong gặp để hỏi cho ra ngọn nguồn vì mạ nàng chẳng hé nửa lời. Đôi lần nghĩ đến chuyện này, nàng có hỏi mạ, nhưng ngoài ánh mắt đau buồn chết lặng của mạ ra thì nàng không nhận được thêm bất cứ điều gì. Chính vì vậy, Cranberry không dám hỏi hay gợi nhắc gì đến người đàn ông ấy nữa.

Cranberry cũng thấy thật lạ khi sống ở Việt Nam mà mạ nàng lại đặt cho nàng cái tên này, chắc là do một kỷ niệm nào đó liên quan đến cha nàng chăng? Tuy nhiên, nàng cũng chưa khi nào kịp hỏi, vì ánh mắt xé lòng nàng kia của mạ khiến nàng khựng lại. Ngay cả cách xưng hô của mạ với nàng cũng không giống ai trong cái xóm này. “Mạ” là mẹ trong cách gọi của người dân Huế nhưng mạ nàng thì giọng nói của người miền Bắc mà…

Tất cả vẫn là những dấu hỏi lớn trong lòng Cranberry không biết khi nào mới có lời giải đáp. Ngoại trừ những lúc như vậy ra thì mạ nàng cũng luôn là một người hoà nhã, khiêm nhường, ăn nói có duyên và vui vẻ. Có lẽ nhờ có sự lạc quan của mạ mà nàng cũng có một thời thơ ấu êm đềm như bao đứa trẻ khác. Tuy có buồn vì thiếu hơi ấm người cha, nhưng nàng cũng chẳng mấy khi nghĩ nhiều về ông ấy vì tình yêu bao la và sự mạnh mẽ của mẹ nàng luôn che chở, sưởi ấm cho nàng đầy đủ. Ngay cả khi nàng bị những đứa trẻ khác trêu chọc vì không có cha, mạ nàng chỉ bảo đơn giản: Con hãy nói với các bạn, cha con đi vắng, sau này sẽ về. Và mạ nàng chưa bao giờ kể chuyện của mình cho ai, hoặc giả cũng không ai dám hỏi, giống như nàng vậy. Nuôi dạy con khôn lớn, xinh đẹp và ngoan ngoãn, vui tươi như vậy chỉ có thể là thành công của người đàn bà kiên cường như mạ nàng, sự kiên cường mà càng lớn nàng càng thấy rõ.

Sự kiên cường nào cũng giống như thép tốt, được trui rèn trong bão lửa. Khó khăn, thử thách không thể làm gục ngã được những con người lạc quan, tuy rằng nó cũng để lại không ít những vết sẹo cuộc đời. Sẽ phải kiên định như thế nào khi một người có nét đẹp kiêu sa, quý phái như mạ nàng lại không đi bước nữa, mà ở vậy nuôi nàng khôn lớn đến bây giờ? Đôi lúc nàng cũng hỏi mạ chuyện đó sau khi có người trêu ghẹo mạ, nàng quan sát thấy mạ chỉ lịch sự và nghiêm túc đáp lại họ. Mạ nàng thường mỉm cười trả lời theo lối tinh nghịch mọi khi: Cô muốn có em hả, không dễ đâu, vì tui không cần thêm một người biết trồng nấm giỏi trong cái gia đình quanh năm thừa nấm này.

Lại nấm, thôi, nàng dặn lòng không hỏi về chuyện đó nữa vậy, thật ngán ngẩm khi có một bà mẹ quanh năm bóc phốt con cái như mạ nàng đây… Nàng đang đợi một vị hoàng tử đẹp trai, tuấn tú đến rước mình đi, cho mạ hết người để cà khịa, biết là không bao giờ muốn xa cô con gái mà lúc nào cũng ra vẻ nàng là hàng ế, cần tống đi gấp. Nghĩ đến đấy, Cranberry bỗng mỉm cười đầy khiêu khích…

***

– Cô gì ơi, cho tôi cái bánh này, cả cái này và cả cái kia nữa. Ơ kìa, cô đã nghe thấy chưaaaa?

Cranberry giật mình bởi một bàn tay hoa hoa trước mặt nàng, giọng nói trầm ấm vang lên, ấn tượng mạnh đến nỗi đang mải mê suy nghĩ mà nàng vẫn cảm nhận được sự ấm áp của nó.

– Xin lỗi vì để cậu phải đợi, để tôi phục vụ cậu nhé. Cranberry, lấy cho mạ cái túi giấy đằng kia, còn đứng ngây ra đó à?

Mạ nàng thấy người khách trẻ tuổi bước vào đã một lúc rồi mà cô con gái mộng mơ của mình còn chẳng chào hỏi lấy một câu, liền chạy từ trong khu bếp bước ra đỡ lời.

Không ngây sao được, trời ơi, đẹp traiiiii quá mà mạ ơi… Đôi mắt tròn xoe đen láy của nàng đang tố cáo tất cả những gì nàng đang nghĩ rồi.

(1) Nằm lấy nấm: Tức là nằm lâu đến mức nấm mọc ra từ chỗ nằm được luôn ấy.