MỞ ĐẦU

Hãy tới đây, hạ giới và vòm trời Bombô

Ta sẽ giết các con và cháu ta

Cắt thân thể chúng rời rã ra

Ghép phần đẹp nhất thành người mới

Mảnh miếng còn lại đem chôn xa

Đối với phụ nữ, ta có niềm đam mê mãnh liệt. Đối với cái đẹp, ta nhất mực tôn sùng.

Sau ba chục năm nghiên cứu chiêm tinh và giả kim thuật, ta ấp ủ ước vọng tạo ra một tấm thân phụ nữ toàn bích hơn hết thảy nhan sắc trên đời.

Ta bí mật lên kế hoạch giết sáu đứa con gái và cháu gái trinh trắng trong nhà, lựa lấy đầu, ngực, bụng, hông, đùi và chân hoàn mỹ nhất để luyện thành một sinh thể mới. Những phần dư, ta sẽ đem chôn theo một sơ đồ hoàng đạo.

Chưa kịp làm gì cả, ta đã bị đập sọ đến chết.

Bất ngờ thay!

Bất ngờ hơn là, sau khi ta chết thảm, sáu đứa ấy cũng phơi xác ở nhiều nơi, đứa mất đầu, đứa mất ngực, đứa mất bụng… như ta đã định.

Ai đã giết ta rồi hoàn thành tâm nguyện của ta vậy? Nữ thần rốt cuộc có thành hình không?

Năm tháng trôi qua… Tất cả những gì ta có thể làm chỉ là chờ người nơi ấy, chờ người tìm giúp câu trả lời cho nghi vấn mỗi ngày một cồn cào.

 

Thông tin về tác giả

Soji Shimada là một tác giả chiêm tinh, nhà thiết kế, kiêm nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Bản.

Tokyo hoàng đạo án là tiểu thuyết li kỳ đầu tay của ông, đã được vinh danh ở giải Edogawa Rampo vào năm 1981.

Hơn 30 năm qua, Tokyo hoàng đạo án vẫn nằm trong danh sách các tác phẩm văn học bán chạy nhất của Nhật Bản, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Trung, Thái Lan, Tagalog…

 

Nhân vật trong truyện (theo thứ tự bảng chữ cái)

1936

Akiko Murakami - Con gái của Masako

Ayako Umezawa - Vợ của Yoshio

Bunjiro Takegoshi - Cảnh sát

Genzo Ogata - Ông chủ nhà máy sản xuất ma-nơ-canh

Gozo Abe - Họa sĩ

Heikichi Umezawa - Họa sĩ

Heitaro Tomita - Con trai của Yasue

Kazue Kanemoto - Con gái của Masako

Kinue Yamada - Nhà thơ

Masako Umezawa - Vợ hai của Heikichi

Motonari Tokuda - Thợ điêu khắc

Nobuyo Umezawa - Con gái của Yoshio và Ayako

Rieko Umezawa - Con gái của Yoshio và Ayako

Tae Umezawa - Vợ thứ nhất của Heikichi

Tamio Yasukawa - Thợ chế tác ma-nơ-canh

Tokiko Umezawa - Con gái của Tae và Heikichi

Tomoko Murakami - Con gái của Masako

Toshinobu Ishibashi - Họa sĩ

Yasue Tomita - Chủ phòng tranh

Yasushi Yamada - Họa sĩ

Yoshio Umezawa - Nhà văn (em trai của Heikichi)

Yukiko Umezawa - Con gái của Heikichi và Masako

Gã điên, đám ma-nơ-canh v.v…

1979

Emoto - Bạn của Kiyoshi

Fumihiko Takegoshi - Cảnh sát (con trai của Bunjiro)

Hachiro Umeda - Nhân viên Công viên Di sản

Kazumi Ishioka - Người vẽ tranh minh họa kiêm thám tử nghiệp dư

Kiyoshi Mitarai - Chiêm tinh gia, thầy bói kiêm thám tử tự phong

Misako Iida - Con gái của Bunjiro

Ông Iida - Cảnh sát (chồng của Misako Iida)

Bà Kato - Con gái của Tamio Yasukawa

Shusai Yoshida - Thầy bói kiêm thợ làm búp bê

Chú chó, maiko, đám ma-nơ-canh, chủ cửa hàng, nhân viên điều khiển xe điện, khách du lịch, người dân thị trấn, nhân viên phục vụ bàn, v.v…

 

Lời tựa

Như tôi được biết, những vụ giết người hàng loạt xảy ra vào năm 1936 tại Nhật Bản - nổi tiếng với tên gọi “Tokyo hoàng đạo án” - là một trong nhiều bí ẩn kỳ dị và khó nắm bắt nhất của lịch sử tội phạm. Lúc ấy, những người liên quan đến vụ việc đều không tưởng tượng được rằng một tội ác như vậy lại đang diễn ra, và việc tìm thấy hung thủ, dù một hay nhiều, bị coi là bất khả.

Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được công khai với hy vọng sẽ có người giải mã thành công bí ẩn của những cái chết. Cuốn sách này được công bố sau hơn bốn mươi năm xảy ra biến cố, khi mà vụ việc vẫn hoàn toàn là một bí ẩn.

Mời quý độc giả thử giải bài toán này, giống như chúng tôi - Kiyoshi Mitarai và tôi - đã làm vào cái ngày định mệnh của mùa xuân năm 1979.

Tôi có thể khẳng định với quý vị rằng, những manh mối chúng tôi sử dụng để phá án đều được trình bày đầy đủ ở đây.

Kazumi Ishioka

 

Dẫn nhập

AZOTH

Ta viết những dòng này không nhằm để ai xem cả. Tuy nhiên, vì nó đã hiện hữu, ta phải tính đến khả năng nó sẽ bị phát hiện. Bởi vậy để mở đầu, ta xin nói rằng mặc dù tài liệu này là chúc thư, nhưng cũng là lời giải thích cho niềm đam mê phụ nữ của ta. Nếu tác phẩm của ta được đánh giá cao sau khi ta chết, giống như các bức tranh của Van Gogh sau khi ông mất, thì ta hi vọng rằng người nào đọc tài liệu này sẽ thấu hiểu mong muốn cuối cùng của ta, và rằng di sản của ta sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ.

Thứ Sáu, ngày 21 tháng Hai năm 1936

Heikichi Umezawa