Chương 1
Boong - Bong - Boong... Tiếng chuông đồng hồ buông mười tiếng như muốn góp thêm vào không khí nhộn nhịp của ngày 30 Tết. - Ái Hiền nè... Ái Hiền dừng tay kéo trên tấm giấy màu hồng mà cô và Bích Thuỷ mua chiều hôm qua, để cắt hoa trang trí nhà đón xuân đến. - Gì vậy bồ ? Im lặng. Bên ngoài tiếng xe cộ, tiếng người râm ran, tiếng pháo đón ông bà thỉnh thoảng rộ lên từng chặp như ùa vào căn nhà mà lần đầu tiên Bích Thuỷ được bày biện, trang trí theo ý mình. Không nghe Thủy hỏi tiếp, Ái Hiền vừa lầm bầm trong miệng vừa làm tiếp công việc của mình, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Thuỷ. Và không nhịn được cười khi thấy Thủy nheo nheo con mắt trái lé kim ngắm nhìn như thôi miên hai chậu hồng mới nở chúm chím, được đặt ngay ngắn trên hai đôn con voi bằng sứ trắng. Nghe tiếng cười của bạn, Thuỷ chớp chớp hai hàng mi cong dài quay về phía Hiền. - Hết sẩy ! - Sao lại hết sẩy ? - Thuỷ ngờ vực hỏi. - Thì bồ và cả hai chậu hồng đó ! - Hiền tỉnh khô trả lời. - Xí, ngạo hoài. Ghét Hiền ghê đi. - Ghét phải hôn ? Hay muốn đuổi khéo mình về đê đón người ta ? Từ lúc đi chợ về đến giờ, Hiền thấy bồ đã năm lần hỏi rồi. - Không phải vậy đâu. - Thuỷ chống chế - Mình thấy nao nao thế nào ấy... mà có phải riêng mình đâu, Ái Hiên thử lắng nghe xem, những tiếng nói cười kh dứt ở ngoài đường phố, những tiếng bi bô ở nhà bên cạnh. Không khí của năm hết tết đến, rồi còn chợ bông mà sáng nay Ái Hiền cứ trầm trồ, đứng tần ngần trước mấy chậu hoa tigôn làm cả người bán hàng lẫn mấy phó nháy lém lỉnh giành nhau gạ gẫm đó hay sao ? - Đúng là muốn ăn gắp bỏ cho người. Tại vì Hiền hay vì cặp chân mày đậm đen, hàng mi cong dài cùng nét nhìn đắm đuối, tấm lưng thon thả khêu gợi trong bộ đồ màu hoàng yến, được cắt may cẩn thận như các bà hoàng thời xưa của bồ mà ai đi qua đều không khỏi sững lại, nhìn trân trối như bị hớp mất hồn. - Xí ! - Vừa nói Thủy vừa liếc nhìn mình trong tấm kiếng tủ quần áo, nàng khẽ nheo nheo mắt, bắm môi và ùa tới ôm chầm lấy Hiền. - Đồ quỉ ! Bồ làm hỏng mất đường kéo rồi, tiếc ghê chưa ? Thật đúng là cái điên của những kẻ đang yêu. Ái Hiền vừa nói vừa trai xuống bàn hình mấy trái tim vừa bị đường kéo vô tình làm hỏng. - Xin lỗi Ái Hiền nghe. - Thủy vuốt vuốt mái tóc buôn dài phía sau lưng Hiền. Thấy Hiền ngồi yên không nói, ThủY hỏi tiếp - Mà Ái Hiền không thấy náo nức trong lòng sao ? Ái Hiền cười cười : - Không phải Hiền không thấy nhưng Hiền không có tâm trangnộn nao như ngồi trên đống lửa của bồ, Hiền đâu còn là đứa bé lên năm mong chờ Tết đến để được khoe áo mới, hay những cậu con trai lên bảy háo hức chờ tràng pháo nổ là nhào vào giành giựt pháo lép. Thủy buông tay khỏi mái tóc bạn, nàng nói : - Ghê chưa. Bồ cho mình là trẻ nít lên năm lên bảy phải hôn ? sau tết này đúng mười ngày là Thủy tổ chức sinh nhật lần thứ hai mươi hai của mình, nếu Hiền cứ ghẹo mình là trẻ nít thì lần sinh nhật này, ThủY sẽ không mời cho bõ ghét... - Không mời thì khỏi đến, chỉ sợ lúc ấy bồ lại đích thân đến năn nỉ ỉ ôi vì thiếu Hiền là thiếu mất linh hồn của buổi vui thôi... Ái Hiền chun mũi lại, nháy nháy mắt ra chiều đắc ý. Bích Thuỷ cười tươi : - Nào giỡn chơi chút thôi, thiếu ai chứ thiếu Ai Hiền trong ngày sinh nhật của Thuỷ đâu có được. Trong số bạn bè thời trung học thì Ái Hiền là người được Thuy ưu ái nhất. Là con của gia đình lao động nghèo nên dù là út, hết lớp 12 là Ái Hiền phải nghỉ học để kiếm việc làm, hiện làm ở xí nghiệp in lớn của thành phố. Thuỷ thi đậu vào đại học y khoa, dù hai đúa ở hai môi trường khác nhau nhưng tình bạn vẫn như từ thuở áo trắng vờn bay trước cổng trường. Khi gần đến tết, nghe mẹ nói : - Thuỷ à, tết này má với mấy đứa em của con sẽ về ngoại. Đến hăm lăm các em của con nghỉ học là má đi, cũng đến ba năm rồi má chưa về trong dịp tết vui xuân. Tiền nong thì má đã để trong tủ, nhớ tằn tiện nghe. Má thấy con năm nay coi bộ se sua quá rồi đó. - Má ! - Thuỷ phụng phịu. - Bộ Oan lắm sao mà nhõng nhẽo ? - Má, con chưa nói hết mà. - Cô chớp chóp mắt. - Thì nói đi, sao cứ lúng túng như gà mắc tóc vậy ? - Má để cho con nhiêu tiền ? - Thì đủ cho con tiêu xài trong hai tuần lễ thôi chứ. - Nhưng mà bao nhiêu má ? Đây là lần đầu tiên con tự tổ chức đón tết, à nghen... Nếu thiếu hụt là quê với bạn bè lắm đó. - Chưa chi đã đặt điều kiện, má lại cấm cửa con giờ, con gái lớn rồi. Hồi bằng tuổi con má đã sanh ra thằng Hai, anh mày rồi. Tội nghiệp nó không còn nữa. - Eo ôi ! Má lại muốn tụi con trở lại thời kỳ má sao. Nhưng mà má nè, còn những ba ngày nữa má mới đi mà, con nói giỡn với má chút vậy thôi chứ con sẽ rũ Ái Hiền đến đón tết với con. - Hiền nào cà ? - Thì nhỏ Ái Hiền, bạn hồi trung học với con đó. Nhỏ có nước da bánh ít và mái tóc dài. - À, má nhớ ra rồi. Nhưng ngoài ra con không rủ không mời ai nữa phải không ? - Không đâu má. - Thuỷ trả lời mà tự dưng hai gò má ửng đỏ. - Có thiệt vậy không đó ? - Thiệt mà ! Má cứ tra con hoài. Và buổi tối ấy, cơm nước xong Thủy vôi đến nhà Ái Hiền để báo tin thời sự nóng hổi trong ngày về cách tổ chức đón xuân có một không hai này. Đang vừa làm vừa chuồi theo ý nghĩ thì... Xạch... xạch... xạch... Bích Thủy vội bật dậy, nói như reo : - A, anh Hoàng Tuấn... đợi em... Tắc kè. Tắc kè.Tắc kè... è... è... è... - Đồ quỉ ! - Hi... hi... - Ái Hiền không nhịn được cười. - Hiền tính chọc quê Thuỷ phải hôn ? - Đâu có mà cô nương, nhưng dù có lửa cháy trong lòng đên nỗi thần hồn nhát thần tính thì cô nương của tôi cũng phải biết phân biệt được tiếng xành xạch của chú Tắc kè trước điệp khúc "tết về " và tiếng gõ cửa của anh chàng Hoàng Tuấn đẹp trai của cô nương chứ. Đó, đó. Lắng nghe coi. Cạch cạch - Cạch cạch - Cạch cạch. - Giờ thì tươi tỉnh lại đi ra mở cổng đi, mà thả ống quần xuống dùm. Lúng túng như con dâu mới về nhà chồng, anh Tuấn cười vào mũi cho giờ. Bích Thuỷ mỉm cười bước ra phía cổng, Hiền vơ vội mấy tờ giấy vụn thu dẹp mấy cái giẻ lau vất rất bừa bộn dưới sàn. Khi từ dưới bếp đi lên, thấy Hoàng Tuấn cầm mấy nhành mai thật đẹp, Hiền xuýt xoa kêu lên : - Hết sẩy, đúng là cả Sài Gòn phải ghen với mấy cành mai của anh thôi. - Thì đã sao ? - Thuỷ vội trả lời. - A, cô Ái Hiền, từ làng mai Thủ Đức đạp xe về đây. Tôi nghĩ không biết có gặp được cô nữa không ? Năm nay trở thời tiết nên mai hoặc nở sớm hoắc quá trễ nên phải kiếm hoài. - Anh Hoàng Tuấn tính đuổi khéo Hiền về phải hôn ? Có người nói nhìn khách thì nhìn phía nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là từ phía sau lưng. - Ồ, đúng là nghề nghiệp có ảnh hưởng đến cách nói chuyện của tùng con người. Nói chuyện với Thuỷ chỉ toàn nghe vi trùng, vi khuẩn... riết rồi, riết rồi mỗi lúc đá banh, dợt võ xong. Khát nước cháy khô cổ cũng không dám ăn trái xanh và uống nước đá. - Nói xong Hoàng Tuấn cười thoải mái. Bích Thuỷ xí một tiếng dài. - Anh Hoàng Tuấn nè, có được người luôn quan tâm đến sức khoẻ của mình là một hạnh phúc đó nghen. - Đồng ý với Ái Hiền về điều ấy, nhưng nhiều lúc chính sự quan tâm thái quá lại làm cho người được quan tâm hoặc ỷ lại, hoặc lấy làm bực bội. - Vậy anh thì sao ? Có khó chịu lắm không ? - À, đó là nói chung. Còn tôi thì chưa vinh dự được người khác quan tâm lo lắng, trừ ba mẹ đẻ. Thôi giờ để tôi cắm mai, mà không biết cắm làm sao cho nó xứng với sự trang trí đẹp như một vườn xuân của hai nữ chủ đây ? - Anh Tuấn khiêm tốn qúa, phải không Thuỷ ? Đây chỉ có một nữ chủ thôi, đang cần ông chủ nữa đó. Thuỷ đã bưng bình xuống, dù bình đã sạch bóng nhưng nàng vẫn cầm khăn lau lau xung quanh. Thấy vậy Hiền chọc : - Nè lau vừa vừa thôi, tróc hết men sứ, má bồ về mắng cho không đường đỡ đó... Anh Tuấn biết hôn, từ lúc hai đứa em đi chợ về, Thuỷ cứ hết đứng lại ngồi, hết ra ngẩn lại vào ngợ Hết kêu Hiền góp ý lại hỏi mấy giờ rồi, cứ y như trẻ nít mong mẹ đi chợ về. Đúng là hạnh phúc của những người chờ đợi... - Giờ tính tố cáo Thuỷ phải hôn ? - Không dám đâu... Khi hai cô bạn gái đang giành nhau nói, thì Tuấn loay hoay với ba cành mai mà chàng đã lựa ở vườn người bán. Chàng xoay cành này xoay cành kia, và thật không ngờ những cành mai chàng lựa lại cân đối, như thể chiều cao chiều rộng của bình này chỉ để cắm ba cành mai của Tuấn. Đặt ngay ngắn giữa bàn, Tuấn đứng lui ra ngắm nghía, chùi hai tay vào ống quần Jean và tươi cười nói : - Thế nào các nữ chủ, được chưa ? Nhìn ba cành mai với những chiếc lá tơ non nõn nà, những nụ vừa hé ẩn giấu sác vàng tươi, có bông đã nỡ vội khoe màu rực rỡ. Không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào, Thuỷ kêu lên : - Ôi ! Đẹp quá ! Hoan hô anh Tuấn. - Nhà khoa học tương lai mà, làm gì cũng đẹp. Con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh.- Hiền nói như sợ người khác cướp lời. - Thôi mời quí vị ngưng ngay tranh luận, anh Tuấn rửa tay đi. Còn Ái Hiền phụ mình bưng đồ lên cúng, so với các năm trước thì năm nay nhà mình đón ông bà trễ, chắc các vị trách lắm đây. Phải bắt đền anh Tuấn, buộc anh Tuấn phải đốt phong pháo, được không ? - Hay quá, xin sẵn sàng. - Tuấn trả lời. Một tràng pháo nổ vang, Thuỷ và Hiền đứng nép vào nhau. - Hết sẩy, nổ dòn dã cứ y như... - Hiền bỏ lửng. - Y như gì ? - Thuỷ nôn nóng hỏi. - Thì y như... tiếng trống ngực đổ dồn của những người đang yêu nhau vậy đó. - Đồ quỉ, thôi xin mời ngồi vào bàn. - Chà ! hai nữ chủ chuẩn bị tết nhứt chu đáo, xôm tụ quá tạ - Tuấn nhìn thức ăn uống dọn trên bàn nói. - Anh Tuấn quá khen, lần đầu tiên tụi em mới lo cho mình ! - Trước khi cầm đũa, xin cho Hiền phát biểu vài lời... - Gì mà coi bộ trịnh trọng vậy bồ ? - Thuỷ nheo nheo mắt nhìn Hiền. - Không có gì đâu, chả là từ sáng đến giờ Hiền đã thường trực ở đây suốt. Do vậy Hiền chỉ ngồi vui được với bồ và anh Tuấn nửa bữa tiệc thôi, Hiền phải về nhà... - Ái Hiền cứ ở lại chơi với tụi mình - Thuỷ nói. - Đúng rồi, cô Ái Hiền ở lại đi. Nếu không tết này Bích Thuỷ sẽ hết vui đó. - Có thật vậy hông ? Hay Hiền ở lại là kỳ đà cản mũi... Nói giỡn chút thôi, Hiền có hẹn với nhỏ bạn. - Ồ, với nhỏ hay với lớn đó ? - Thôi chìu Ái Hiền, nào cùng nâng lỵ. Hai đứa tụi em uống Coca, Anh Tuấn uống bia Sài Gòn nghen. - Nào giờ chúc gì đây ? - Tuấn nâng ly bia sóng sánh sắc vàng lên. - Xin dành cho nữ chủ nói lời mở đầu, được không anh Tuấn ? Hay lại phải trọng nam ? - Đúng rồi ! - Í, em không quen đâu. Nhường cho anh Tuấn đó. - Đôi mắt Thuỷ ánh lên niềm hạnh phúc. - Đâu có được, bữa nay Tuấn là khách mà. - Xí, là khách... Nhớ nghen, còn Ái Hiền thì sao ? - Cũng vậy, chứ sao ? - Về hùa ăn hiếp hen. Cũng được, vậy xin mời hai vị khách quí cùng nâng ly uống tiễn năm cũ nhiều kỷ niệm đẹp, và chào một mùa xuân mới đầy hứa hẹn hoài vọng phía trước, nào xin mời ! Tiếng cụng ly lách cách hoà trong tiếng nhạc êm dịu phát ra từ chiếc máy cassette càng làm bữa tiệc thêm vui vẻ. Ái Hiền Đặt ly xuống : - Đúng tình yêu là sự khởi đầu của mọi sự khởi đầu, Hiền thật bất ngờ, bữa nay Thuỷ lại nói những lời văn vẻ có cách sống động đến như vậy. - Đâu phải mà, cô Ái Hiền, nhờ mùa xuân đó. - Đúng rồi, nhờ mùa xuân. Nhờ mùa xuân chứ bộ.Là con thứ ba trong một gia đình hiện có bốn chị em. Anh Hai của Thuỷ bị chết vì một trái pháo lạc lúc đang tát cá ở con rạch mé làng, ba Thuỷ là một cán bộ bám trụ hoạt động suốt hai thời kỳ. Ngày giải phóng ông có mặt trong đoàn quân tiếp quản Sài Gòn, căn nhà mặt tiền với đầy đủ tiện nghi này là do cách mạng cấp cho ba mẹ Thuỷ. Đến năm bảy mươi tám, ba Thuỷ qua đời trong một cơn bệnh hiểm nghèo. Má của Thuỷ là cơ sở cách mạng ở một tỉnh lỵ đồng bằng, nhà giàu, vườn cây trái quanh năm. Ba đứa em gái còn lại, trừ đứa em út sanh sau giải phóng đều là kết quả của những lần ba má nàng bất chợt gặp nhau trong những năm chiến tranh. Sau giải phóng má con Thuỷ từ giã làng quê để lên thành phố sinh sống, mặc dù sung sướng nhưng cũng mất đến mấy năm. Má Thuỷ mới quen dần với cuộc sống luôn bon chen, vật lộn ở thành phố. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Thuỷ thi đậu vào trường đại học ỵ Cô gái 19tuổi đầy mộng mơ hoài bão nhìn thấy tương lai vẫy gọi mình phía trước. Hai năm đầu qua đi với nhiều ánh mắt đưa tình của bạn cùng khoa cùng trường, cho đến cuối năm thứ hai, thì Tuấn lọt vào mắt xanh của Thuỷ. Đó là những đêm hội diễn văn nghệ quần chúng của khối học sinh- sinh viên. Bằng một giọng nam trung trong ấm và ngón đàn ghi ta thùng điệu nghệ, khi Tuấn từ sân khấu hội diễn bước vào cánh gà màu nhung. Những tràng pháo tya, những tiếng hoan hô nổi lên không dứt... Đêm ấy trở về Thuỷ cứ thao thức mãi, hình ảnh chành trai cân đối khôi ngô, ánh mắt nhìn thẳng, trên mép điểm hàng ria xinh xắn và một phong thái tứ tin. Đã mấy lần hiện lên trong giấc ngủ muộn màng của cộ Sau đó Thuỷ thấy Tuấn trong những trận tranh giải bóng đá của các trường đại học, anh chàng đẹp trai có giọng ca truyền cảm ấy còn là một tiền đạo ghi bàn xuất sắc của trường đại học nơi Hoàng Tuán đang học năm thứ hai. Lần theo dấu chân "người tình trong mộng ", Thuỷ biết Tuấn ở cùng một quận với nàng nhưng người đầu kẻ cuối. Hoàng Tuấn là con trai đầu lòng trong một gia đình trí thức, ông Minh Hoàng ba chàng hiện đang giữ một chức vụ quan trọng trong phân viện khoa học ở thành phố. Bà Thùy Mai mẹ chàng là bác sĩ trưởng khoa nhi ở bệnh viện trung tâm của quận, Bích Thuỷ đã từng gặp bà, nàng thích nét đoan hậu dễ mến ở bà. Em gái Tuấn là Thùy Linh, một cô bé nhí nhảnh dễ thương, lại là bạn học với em Bích Thuỷ. Ngần ấy dữ kiện đủ để Thuỷ đặt Tuấn trong suy tưởng của mình một khi nghĩ về người yêu lý tưởng, và rồi Thuỷ tiếp xúc được Tuấn qua Thùy Linh. Tình yêu có những ngôn ngữ riêng của nó, những dòng thư ngắn ngủi như một lời nhắn nhủ. Những lần hò hẹn, những cái nắm tay rạo rực, những nụ hôn đầu đời ngọt và thơm như hương nhãn đầu mùa. Và những lần hờn dỗi bâng quơ... Cho đến năm thứ ba thì chuyện tình của Thuỷ và Tuấn đã chín mùi. Thuỷ đang thả hồn theo những kỷ niệm tình yêu buổi đầu, thì Ái Hiền đã đặt chén đũa xuống bàn làm Thuỷ ngỡ ngàng trong giây lát. - Thôi, như đã cam kết, giờ Hiền xin kiếu trước. Chúc hai vị vui vẻ, trễ nhất là sáu giờ chiều Hiền quay lại, sẽ cùng người đẹp Bích Thuỷ và anh Hoàng Tuấn đón giao thừa tại đây. Ái Hiền đứng nhanh dậy đến chỗ dựng xe bên góc nhà, tiếng tanh tách của líp xe như reo vui theo mỗi bước chân Thuỷ đi theo tiễn bạn. - Ấy ! Ái Hiền phải chờ Thuỷ mở cổng nữa chứ, tính đằng vân hay leo hàng rào phải hôn ? Khi chỉ còn lại hai người, Thuỷ cảm thấy lúng túng. Hồi lâu nàng mới lên tiếng : - Anh Tuấn... - Gì đó Thuỷ ? - Tuấn hỏi lại, rồi đặt chén đũa xuống. - Ơ, ơ... ăn thêm đi anh Tuấn, sao anh ăn ít thế ? Chê đồ tụi em làm à ? - Đâu có, Tuấn đã ăn no căng rồi nè. Một bữa cơm cuối năm thịnh soạn, ngoan miệng lần đầu tiên trong đời Tuấn được ăn. - Anh quá khen đó, thôi anh đi rửa tay rồi lên ăn mức uống nước, chờ em dẹp chút xíu nghen. - Cho anh phụ dẹp với chứ... - Không được đâu, bữa nay anh Tuấn là khách quí mà, em chỉ dẹp loáng chút là xong thôi. Dọn dẹp xong, Thuỷ đi lên nhà trên thấy Tuấn đang đứng ngắm dĩa bông "đợi chờ trong hy vọng ". Rón rén từ phía sau, Thuỷ quàng hai tay qua vai Tuấn : - Hù ! Anh Tuấn nè... - Thuỷ nói trong hơi thở. - Gì mà anh Tiấn, anh Tuấn hoài vậy ? - Ghét anh ghê vậy đó. Anh Tuấn biết sao hôn ? Cả buổi sáng nay em cứ thắc thỏm lo âu bồn chồn hoài, đến nỗi nhỏ Hiền mấy lần chọc ghẹo. - Và giờ Thuỷ muốn bắt đền Tuấn phải không ? - Không dám đâu. Em chỉ sợ hai bác bên nhà giữ khư khư đứa con trai yêu quí của mình trong ba ngày tết. - Thuỷ nói cứ y như Tuấn là trẻ nít lên ba không hà, bộ Thuỷ quên tháng rồi Tuấn vừa tổ chức sinh nhật lần thứ hai mươi hai của mình đó sao ? - Đâu có mà anh Tuấn, quên làm sao được. Thuỷ còn nhớ hơn cả ngày sinh của mình đó chứ, nhưng vì Tuấn mà em cứ dài cổ cò ra ngóng trông nên Thuỷ nói vui vậy mà. À, tết này anh Tuấn có thay đổi gì trong kế hoạch vui xuân của anh em mình không ? - Thì y như đã bàn tính, hay Thuỷ muốn thay đổi ? Bộ có chàng nào mới đăng ký tiếp phải hông ? - Tuấn nheo một mắt như cười trêu cô. Bích Thuỷ thấy lòng mình dâng lên một tình cảm mến yêu lạ kỳ với chàng trai trước mặt, Tuấn luôn giành thế chủ động. Thuỷ nhớ lại một kỷ niệm tình yêu khó quên ở những buổi đầu. - Trời đất ! sao tự dưng em nghĩ ra chuyện kỳ cục vậy ? - Tuấn lúng túng trước Thuỷ, chàng vội chạy đi lấy khăn đưa lại cho cộ - Thôi lau nước mắt đi em, lỡ ai trông thấy họ lại cười chết. - Ai cười ? - Thuỷ cầm khăn từ tay Tuấn, nàng giữ chặt hai bàn tay chàng giọng nói như nghẹn lại - Anh Tuấn, có phải anh không quen biết chị Đông Hà ? - Đâu có Thuỷ, để anh nói cho nghe. Anh có biết chị Đông Hà, mấy lần chị ấy đem đứa em út của chỉ đến nhà anh khám bệnh. Qua má anh, anh mới biết em chị ấy bị chứng sốt bại liệt nên hai chi bị teo lại mà má anh là người trực tiếp điều trị cho em chị ấy. - Chị ấy cũng đẹp phải không anh ? - Thuỷ dò xét, Tuấn không hiểu được thâm ý của nàng nên thẳng thắn trả lời. - Phải rồi, chị ấy đẹp và có sức hấp dẫn, nhất là đôi mắt to và chiếc mũi hểnh thanh tú. Nhìn thấy Thuỷ gục mặt xuống hai bàn tay, đôi vai run lên từng chặp. Tuấn cảm thấy khó xử, chàng ấp úng không thành lời. - Em biết mà... Vậy mà anh nói không biết, anh không biết. Tuấn đến bên Thuỷ vuốt vuốt lên mái tóc đen mượt mà của nàng : - Anh nói anh không quen, tại em nói chị ấy đẹp thì anh nói chị ấy đẹp. Mà dù chị ấy đẹp như Tây Thi thì có ảnh hưởng gì đến tình yêu anh dành cho em. Thôi giờ nàng tiên cười lên và vui vẻ tiễn anh ra về xem. Cười lên đi... đó, đó vậy có phải dễ yêu không. Đến gần chỗ dựng xe như nhớ ra điều gì, Tuấn khựng lại : - Thuỷ à, em xem còn thiếu thứ gì thì đi chợ luôn, nghe nói đến bốn giờ chiều là dẹp chợ rồi đó. - Trời ơi ! Bữa nay sao người yêu của em chu đáo quá vậy, anh vào đây em chỉ cho mà xem. Tuấn đi theo Thuỷ mở cửa "gác măng giê " và giọng không giấu được niềm vui : - Anh xem thịt heo nè, thịt bò nè, chả lụa nè, mì sợi, hủ tiếu rồi bánh tráng nè, và cá nữa... Em đã mua một con cá lóc bự đang rong trong thùng và một cặp gà, rồi còn củ kiệu tôm khô và rau sống. Trái cây thì e để ở tủ lạnh. Riêng pháo em mua bốn phong, một đón ông bà, hai đốt trong thời điểm giao thừa và một cho ngày mùng ba, lúc tiễn ông bà đi. Anh xem như vầy đã được chưa ? - Qúa chu đáo cho một mình em trong ba ngày tết. - Xí, sao lại một mình em ? Em chuẩn bị cho hai đứa chúng mình và còn tiếp khách khứa bạn bè, cả năm mới có ba ngày tết mà anh. Bắt đầu từ trước giao thừa là anh phải có mặt ở đây đó nghen. À, mà hồi nãy tại sao anh biểu em đi chợ ? - Thì anh nhắc em vậy mà. - Trời ơi, anh không biết chứ chợ chiều ba mươi tết là chợ của người nghèo... - Anh... ! Hoàng Tuấn quay lại nhìn thẳng vào mặt Thuỷ, cô trở nên bối rối nhưng tia sáng diệu kỳ từ đôi mắt nàng ánh lên lấp lánh. Hoàng Tuấn vội thốt lên : - Ôi ! Bữa nay nàng tiên bé bỏng của anh đẹp quá.Bích Thuỷ vội rụt cổ xuống và xoè rộng hai bàn tay che lấy mặt, nàng lắc đầu nguầy nguậy : - Em mà đẹp ? Em xấu hoắc à.Tuấn rời nhà Bích Thuỷ sau năm lần bảy lượt quả quyết rằng nhất định anh sẽ đến. Vừa đạp xe vừa thổi sáo miệng một bản tình ca mà Tuấn không thuộc lời, vừa đưa mắt lơ đãng ngắm nhìn cảnh nhộn nhịp của chiều cuối năm. Tuấn suýt tông vào một cô gái đang loay hoay với hai chậu vạn thọ, một nhánh mai lưa thưa nụ cùng hai túi máng trên ghi đông xe. Lưng áo màu tím của cô gái ướt đẫm mồ hôi, hai lọn tóc dài phủ xuống ngực lúc cô gái cúi xuống, Tuấn vội thắng xe lại và nói : - Xin lỗi chị. - Không có chị - Cô gái ngẩng đầu nhìn lên, đưa tay vén mái tóc loà xoà trước mặt. - A, chị Đông Hà... - Trời ơi, anh Hoàng Tuấn. Anh vừa đi đâu về mà coi bộ vui vậy ? - À, tôi... tôi.. vừa đến thằng bạn học.- Tuấn trả lời, máu như dồn đến tận chân tóc (hihi, xạo chưa) - Vậy hạ Như anh Tuấn thật là sung sướng. - Ủa, sao chị Hà lại nói vậy ? Đông Hà không trả lời, đôi mắt to đen trở nên thẫm buồn nhưng chỉ chừng một phút, Hà đã trở lại bình thường, nàng nói : - Anh Tuấn còn đi đâu nữa hôn ? - Không. Tôi đang đi về nhà, chị coi có gì đưa tôi chở dùm ? - Tuấn tự động xách hai túi đồ của cô máng lên ghi đông xe mình, thấy vậy Hà vội kêu lên. - Anh Tuấn, cứ để mặc tôi. - Thôi, xong rồi. Tôi và chị cùng về nha, mà sao chị Đông Hà đi chợ trễ dữ vậy ? Đông Hà không trả lời mà vội lên xe, mải miết đạp. Thấy thái độ khó hiểu của Hà, Tuấn vội dấn xe lên khi đã chạy song song với Hà, Tuấn hỏi : - Bộ tôi có làm gì xúc phạm chị phải không ? - Đâu có mà anh Tuấn, tại tôi đang vội. - À, mà tết này chị Đông Hà và mấy đứa em ăn tết có lớn không ? Lại im lặng, Tuấn chợt nhớ đến câu nói của Bích Thuỷ, chợ chiều ba mươi tết là chợ dành cho người nghèo. Chàng chợt đưa mắt nhìn hai chậu vạn thọ, một nhành mai lưa thưa nụ, hai cái túi máng trên ghi đông xe phần lớn là cải bắp, một ít miên dong và hủ tiếu, một cặp vịt, tự dưng lòng Tuấn nhói lên một sự thương xót lạ kỳ. Anh muốn nói với Đông Hà một lời thông cảm mà cổ như khô nước bọt tự bao giờ... Hai người cứ lặng im đạp xe đi bên nhau trong dòng người và xe ngược xuôi nườm nượp, khi đã đến hẻm vào nhà, Hà vội nói : - Cảm ơn anh Hoàng Tuấn nghen. Nếu trong ba ngày tết anh không chê nhà tụi em nghèo, thì mời anh đến chơi. - Chị Đông Hà sao khách sáo quá vậy ? - Vừa máng trả đồ lại cho Hà, Tuấn vừa nói - Nhất định tôi sẽ đến nhà chị. Trong lúc máng đồ, vô tình tay Tuấn đụng phải tay Hà, Đông Hà rụt tay lại thẹn thùng : - Anh Hoàng Tuấn nhớ đến nghe, chị em tôi sẽ chờ lắm đó, nhất là thằng út, nếu anh Hoàng Tuấn đến nó sẽ vui cho coi.