Quyển Tố Tâm ra đời
Q
uyển tiều thuyết Tố Tâm ra đời cũng là một việc ngẫu nhiên nghĩa là chưa đinh thời kỳ xuất bản mà xuất bản. Nguyên lúc ông Song An còn ở trường Cao Đẳng Sư phạm, ông thường cùng tôi đàm luận về luân lý giáo dục theo tân học ngày nay. Ông hay đưa tôi xem những điều ông đã sao tập được lúc ông viết quyển tiểu thuyết Tố Tâm này đưa tôi đọc, tôi cũng phục cái tài trước thuật của ông và biểu đồng tình một vài vấn đề ông phân giải. Tôi khuyên ông đưa đăng vào tập ký yếu của hội Cao đẳng Ái hữu để các bạn cùng bình phẩm, vì trước khi đem in đã nhiều người xem và cũng đồng ý như tôi vậy. Nhưng tác giả vẫn có ý ngần ngại, một là ông không muốn xuất bản tiểu thuyết như ta thường thấy hằng ngày, hai là ông cho rằng quyển Tố Tâm ra đời khi sớm quá, lại viết theo một lối mới, ta chưa từng xem quen, tất có người hiểu nhầm thì cái hay chưa thấy đâu đã thấy cái dở. Ông xưa nay viết văn thường hay cẩn thận về những điều đó. Về sau bởi những lời quả quyết của các bạn mà ông thuận đem đăng, nhưng tập ký yếu mấy lâu nay vì có một lẽ riêng mà không xuất bản, thành tiểu thuyết đăng dở dang nên phải in thành sách, sợ độc giả đợi chờ, và những tiểu thuyết về tâm lý như quyển Tố Tâm này không nên để dở chừng câu chuyện.
Ấy thế là Tố Tâm ra đời. Tố Tâm ra đời chắc có độc giả tự hỏi rằng người ta viết một quyển tiểu thuyết tất phải có một chút mục đích gì về luân lý vậy thì tâm lý tiểu thuyết có liên lạc gì vời đạo xử thế, cách làm người và câu chuyện là chuyện thuộc về ái tình, biết đã bổ ích gì cho giáo dục, đang lúc này bạn thiếu niên ta cần đem hết tâm hồn thờ một chủ nghĩa thiêng liêng về tương lai chủng tộc?... Ấy đó là điều cần phải giải tỏ cùng độc giả trước khi xem đến quyển Tố Tâm này :
Học thuyết ngày nay không phải là học thuyết tín ngưỡng cho những lý thuyết lập sẵn từ mấy muôn đời để lại cho kẻ hậu sinh, không ai dám xét đến, mà cũng không ai cần xét đến. Học thuyết ấy ông Descartes đã đánh đổ đi từ hơn ba trăm năm nay rồi. Học thuyết bây giờ bất cứ về môn nào cũng phải tìm đến nguyên ủy; phải dùng câu TẠI LÀM SAO, VÌ NHẼ GÌ để khảo sát lại những điều mà tự xưa ta vẫn công nhận là “bất dịch”. Vậy thì luân lý học phải cần đến tâm lý học để xét những điều hành động, những trạng thái trong tâm trí loài người liên tiếp với nhau có mạch lạc, có luật pháp để cho nhà luân lý xét theo đó mà định phương châm, mà đặt những luật chung cho nhân đạo cũng như nhà giải phẫu tách bạch, những cơ quan của thân thể người để cho các y gia biết những bộ máy lưu hành mà chữa bệnh. Cho nên xét luân lý mà không biết tâm lý thì cũng như chữa bệnh mà không biết phủ tạng ở đâu.
Vậy thì viết tâm lý tiểu thuyết tức là giải phẫu một câu chuyện đời khuất khúc éo le theo nguồn các luật của tâm lý để độc giả xem đến tự ngẫm nghĩ vào mình. Đại khái như nguyên nhân kia thì phải có kết quả nọ; tính tình ấy thì phải có hành động này v.v... Cho nên xem tâm lý tiểu thuyết phải nhận kỹ những điều phát động đó, phải trông rõ cái dở lẫn với cái hay, tức là những tính tình tương phản xô xát với nhau trong tâm trí con người ta một cách éo le phiền phức. Nếu xem chỉ xem cho biết chuyện thì không bổ ích gì mà có khi thủ hại, vì không phải là lối tiều thuyết chỉ rõ cái hay cái dở ra một cách nhất thiết, nghiễm nhiên là một ông thầy truyền phải làm điều này, phải tránh điều kia, mà nhiều khi không nói rõ tại sao mà làm, tại sao mà tránh. Tâm lý tiểu thuyết không phải là lối chuyện chỉ kết cấu ở cái hy vọng báo ứng, ở điều thưởng phạt huyền vi, để dạy người đời bằng cái họa phúc về việc lành, hay việc ác. Cho nên các độc giả không có lòng tín ngưỡng ấy không lấy làm thỏa óc, mà nhiều khi thủ ích gì. Những tiểu thuyết kết cấu như vậy không phải là không hay, xưa nay biết bao nhiêu quyển đã cảm hóa được lòng người nhờ những tấm gương sáng láng trong chuyện, nhưng ta cứ theo mãi một lối, tưởng cũng thành sáo cũ lắm rồi, mà lối dạy điều dở điều hay bằng cách “truyền lệnh” chỉ mới là một phương diện luân lý giáo dục mà thôi.
* * * * *
Độc giả xem quyển Tố Tâm xin nhớ là một quyển tâm lý tiểu thuyết, không phải là một tấm gương đúc sẵn cho người ta theo. Quyển Tố Tâm chỉ tách bạch ra những điều éo le phiền phức của một thứ ái tình, ái tình viển vông khuất khúc, làm cho đôi lứa thiếu niên kia phải nhầm lỗi, nhầm lỗi mà không tự biết, để đến lụy mình mà phiền cho gia đình xã hội. Nhầm lỗi những gì cái nguyên nhân, năng lực kết qua ra làm sao? Tác giả bày tỏ ra rất rõ. Tác giả đã chịu khó thăm dò ở đáy con sông tình kia mà cắm biển, nhắn cùng những bạn thiếu niên đương lảng vảng trên bờ sông, trong khi cần phải để tâm vào những chủ nghĩa cao xa khác, mấy chữ rằng: ĐÂY À GHỀNH CAO, VỰC THẨM! Ấy đó là công tác giả chép lại chuyện, mà chính đó là nơi độc giả phải lưu tâm.
Còn về phần văn chương tư tưởng trong quyển Tố Tâm này thì cái văn nghiệp của mấy lâu nay tác giả là ông Song An đã đủ giới thiệu cho ông rồi, tôi không phải bình phẩm.
Sầm sơn Juillet 1922
Lê Hữu Phúc