Chương 1
Thế cuộc vần xây, hết suy tới thạnh, nhơn quần tấn hoá, đổi cựu ra tân.Đó là định luật dĩ nhiên, dầu muốn dầu không, ai ai cũng phải chịu, không làm sao sửa được.Nhớ lại mà coi, sau khi đánh phá đại đồn Chí Hòa rồi, binh đội Pháp lần lần xâm chiếm tất cả sáu tỉnh của đất Gia Định. Từ hạng nông phu cho tới nhà học thức thảy đều tức tủi mà quay đầu trông về Phú Xuân, thì triều đình im lìm dường như bỏ xụi, còn chóng mắt ngó vào đám anh hùng nghĩa sĩ thì các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên hộ Dương, Thủ Khoa Huân lần lượt thất bại tiêu tan.Đứng trước ngã ba đường như vậy đó, phải đi ngã nào ? Nếu cương quyết giữ nền nếp cũ thì lấy chi mà nương níu, còn nếu đổi thái độ cho xuôi dòng thì lỗi với tổ tiên, mà cũng thẹn với cây cỏ.Trong lúc dân trí đương phân vân như vậy, nhà cầm quyền Pháp khôn ngoan, nên chăm lo gây thiện cảm với nhân dân. Người ta biết thâu phục đất đai thì dễ, nhứt là gặp xứ không có binh đội tổ chức hoàn bị; còn thâu phục nhơn tâm là điều rất khó khăn, phải đổi thay văn hoá, phải ung đúc tâm hồn, mấy việc đó phải dày công phu, phải nhiều thế kỷ, thì mới làm được.Mới chiếm trị đất Nam Việt, nước Pháp phải bận lo nhiều nỗi:- Lo chia 6 tỉnh cũ ra làm 20 hạt mới, rồi đặt quan Tham biện ở mỗi hạt đặng sắp đặt cơ quan hành chánh cho phù hạp với cách cai trị mới mà không đụng chạm đến phong hoá cổ truyền;- Lo xây dựng an ninh cho nhơn dân được lạc nghiệp an cư, từ thành thị vô tới đồng bái;- Lo tổ chức đường giao thông cho tiện bề mậu dịch.Tuy phải gấp rút xây nền hành chánh, người Pháp cũng không bỏ dẹp vấn đề thâu phục nhơn tâm. Những người sống trong nấy năm cuối cùng của thế kỷ 19, là khoảng từ năm 1895 tới năm 1900, ai cũng nhận Pháp mới chiếm trị Nam Việt có 30 năm mà đã khởi công xây dựng một nền văn hoá mới để hướng dẫn tâm hồn Việt Nam quay về phía Âu Tây.Mới lúc ấy mà đã:a) Có mấy người việt thông minh được chọn lựa đem qua Pháp mà giáo hoá. Ấy là các cụ Diệp văn Cường, Trương Minh Ký, Bùi quang Nhơn, Bùi quang Chiêu, Nguyễn trọng Quảng.b) Cho xuất bản Gia Định Báo với Thông Loại khóa trình, lại còn cho in nhiều loại sách để phổ thông chữ quốc ngữ, do các cụ Trương Vĩnh Ký, Trương Minh.Ký và Huỳnh Tịnh Của chăm nom.c) Mở trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) để cho những cụ đi học bên Pháp trở về hiệp với mấy cụ nho học uyên thâm dạy các quan Tham Biện, các nhân viên hành chánh và các sĩ quan trong Hải Quân và Lục Quân học tiếng Việt, mà cũng dạy luôn sử ký cùng phong hoá của người Việt nữa.Mà điều cần yếu của người Pháp trong lúc ấy là phải có nhiều người bổn thổ phụ sự trong chức vụ thông ngôn, ký lục, để giúp các ngành hành chánh cùng công thương. Muốn cho được thỏa mãn nhu cầu khẩn cấp này, người ta phải lo lập liền:a) Một trường sư phạm trung đẳng tại Sài gòn để đào tạo giáo viên đay các trường sơ đẳng ở mấy hạt.b) Một trường trung học phổ thông, phân làm hai chặng, bắt đầu học tại Mỹ Tho hai năm rồi lên Sài gòn học tiếp hai năm nữa mới được bổ dụng làm thông ngôn, ký lục. Học sinh hai trường này đều được hưởng học bổng, nghĩa là được nhà trường nuôi ăn, ngủ và phát quần áo, giày nón, khỏi trả tiền chi hết.c) Lần lượt mở trường sơ đẳng Pháp Việt tại châu thành các hạt để cung cấp cho trrường Trung học Mỹ Tho.Nhà trường Pháp thì sốt sắn xây nền giáo dục mới, nhưng nhơn dân Nam Việt coi bộ hẫng hờ(#1), chưa quyết yểm cựu nghinh tân. Vì dân trí còn lơ lửng như vậy, nên những trường tân học mở ra không được dân chúng hoan nghinh cho lắm, thành thử nhà nước tốn công tốn của rất nhiều, mà mỗi năm trường sư phạm chỉ đào tạo chừng 30 giáo viên, còn trường Trung học Chasseloup-Laubat đào tạo lối 50 thông ngôn, ký lục.Không phải người Việt Nam không ham học nên trường tân học lập ra không được thạnh phát. Không phải vậy. Người Việt ham học lắm chớ. Họ hẫng hờ với tân học nhưng họ vẫn hăng hái với nho học luôn luôn. Ấy là họ thỏa thích món ăn tinh thần cũ của họ xưa nay, họ say mến, họ quí trọng, họ không đành bỏ mà dùng món ăn tinh thần khác, chưa chắc cái khác đó mà ngon ngọt béo bùi hơn cái của họ đã có sẵn.Để nói riêng tình hình giáo dục trong hạt Gò công hồi cuối thế kỷ 19, thì đủ biết lúc ấy trong mấy hạt khác cũng vậy.Trong khoảng đó, người ta nhận thấy tại châu thành Gò công nhà nước có một trường sơ đẳng học, gồm năm lớp, có một quan Đốc học, người Pháp với năm giáo viên người Việt. Từ lớp nhứt đến lớp tư thì dạy Pháp văn nhiều hơn Việt văn, còn lớp năm là lớp chót thì giao cho một thầy nho biết chữ quốc ngữ dạy trẻ đồng ấu học vần xuôi, vần ngược; rồi tập đọc, tập viết quốc văn.Học trò cả thảy chừng một trăm rưỡi, lớp chót được lối 50 trò, còn mấy lớp trên chừng vài ba chục, tới lớp nhứt chỉ còn từ 10 đến 15 là nhiều. Lại học trò toàn là con trai chớ không có con gái, cha mẹ ở tại chợ, hoặc trong mấy xóm làng xung quanh, cách chợ lối vài ba ngàn thước.Muốn lấy lớp trên có thêm học trò đông, lại cũng muốn Pháp ngữ được thông dụng trong mấy làng xa, Tham Biện mới mở tại bốn chợ trong bốn tổng mỗi chợ một trường dạy Pháp văn gọi là trường tổng gồm hai lớp: lớp nhỏ chuyên dạy cho biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, rồi lên lớp lớn bắt đầu dạy Pháp văn. Trong lúc nói đây trong hạt có bốn trường tổng đặt tại bốn chợ: Rạch Giả (Đồng Sơn), Giồng Ông Huê (Vĩnh Lợi), Cửa Khâu ( Tăng Hòa) và chợ Tổng Châu (Tân niên Tây).Mặc dầu có huấn lịnh dạy Hương giáo mấy làng chung quanh chợ ép buộc mấy người có con phải cho đến mấy trường tổng đó mà học, lại mặc dầu mỗi năm, trước khi khai trường, có gom học trò lớp lớn của mấy trường tổng về châu thành mà thi chung; mấy chục trò giỏi được hưởng học bổng mỗi tháng năm đồng bạc để ở ăn cơm quán tại châu thành tiếp học thêm mấy lớp trên của trường sơ đẳng học.Thế mà trong bốn trường tổng số học trò cũng không được đông; ở chợ lớn như chợ Giồng Ông Huê thì được 40 đến 50, còn ở mấy chợ nhỏ thì vài ba chục mà thôi,Có một điều đáng để ý là lúc ấy ở châu thành cũng như ở mấy chợ, đã có trường tổng mà lại có trường tư dạy chữ nho; ở chợ người ta thấy có tới hai ba trường trai gái học chung kể đến bốn năm chụcCòn trong các làng chưa kiếm được giáo viên dạy chữ quốc ngữ, thì hương chức rước một thầy nho để dạy trẻ em tại đình học chữ nho. Ở mấy xóm đông, có trẻ em nhiều, thì người có cơm tiền, có nhà rộng, cũng nuôi một thầy nho để dạy con cháu. Người trong xóm thường cho con tựu lại đó mà học chữ nho, mỗi tháng đền ơn cho thầy hoặc một hai quan tiền, hoặc một quảu gạo, hoặc bánh trái hay tôm cá.Hạng già cả nghe nhắc tới khoảng nầy sẽ cảm xúc mà nhớ bộ tịch tèm lem dơ dáy của đám trẻ em mỗi ngày băng đồng lội rạch, trải nắng đầm mưa đi đến mấy trường làng và trường xóm mà học chữ nho hồi đời đó. Sớm mơi ăn cơm rồi mới đi học đến gần nửa buổi chiều mới trở về nhà. Mỗi trò đem theo một cái ống tre, có dây buộc hai đầu để mang vào vai, đặng đựng sách vở, viết mực dầu mắc nưa hay lội sông cũng khỏi ướt.Mấy trò nhỏ mới tập viết, không có tiền mà mua giấy mực xối xả như bây giờ, thì có sắm sẵn để tại trường, một tấm ván, một cái ghè đựng nước, vài cây cọ đẽo bằng tre với ít cục đất sét nhồi nắn rồi phơi khô. Hễ tập viết thì chấm đầu cục đất sét vào ghè nước mà thoa trên tấm ván rồi cầm cây cọ mà viết. Hễ viết rồi chữ đó thì lấy cục đất mà chà lên đặng bôi bỏ mà viết chữ khác. Với cách tập viết tiện tặn như vậy nên trẻ em mới học thì tay chưn, quần áo bị bùn lấm lem, dơ dáy hết sức.Phải con nhà giàu, lại phải biết viết rồi, được lên hạng tư hạng năm và hạng sáu, nghĩa là mỗi trương giấy bạch viết được bốn, năm hoặc sáu hàng rồi, thì mới bỏ cọ, bỏ ván mà cầm viết đặng viết trên giấy.Mà thầy giáo chấm vở và chấm sách cho học trò, cũng không có mực đỏ như bây giờ. Người ta kiếm đá ong trải trên lộ, lựa cục nào màu đỏ nhiều thì lượm đem về, rồi lấy dĩa đổ chút nước mà mài thành son để thầy giáo chấm vở và khuyên mấy chữ viết tốt.Hiện giờ đòm thấy trẻ em đi học quần áo đẹp đẽ, giày nón vẻn vang, tay ôm cặp da, túi vắt viết máy, người ta nhớ lại tình cảnh của lọc trò hồi 60 năm về trước, người ta chẳng khỏi thương tâm, tội nghiệp cho trẻ xưa cực khổ cam go, nhưng cũng rán là học, học đặng biết nghĩa, biết nhân, biết thảo, biết thuận, biết quấy, biết phải, biết cao, biết thấp.Xây nền tân học, người ta khuyên dụ, vừa ép buộc, mà người Việt cứ dụ dự và đeo đuổi theo nho học nó sẽ đưa mình đến chỗ nào, còn tân học thì mịt mù không hiểu nó sẽ dắt mình đi đâu, sợ e nó sẽ phân rẽ mình với tổ tiên nó sẽ làm cho mình quên cả ơn nhà nợ nước.Sự dụ dự đó không phải vô lý.Ai hiểu biết tâm hồn của người hồi đời đó thì không dám chê lù mù.Mà dầu tiền nhơn lù mù đi nữa, người ta cũng có tâm, có chí, có nghĩa, có tình, lại tâm chí, nghĩa tình của người ta bền vững khư khư chớ không phải thứ tâm chí xây chiều theo luồng gió, hay là thứ nghĩa tình phát sanh vì mối lợi.Vì vậy nên lúc tân cựu giao thời đó cũng gây trong dân gian lắm chuyện thắc mắc, có chuyện thật thà nghĩ lại bắt tức cười, mà cũng có chuyện éo le nhớ tới ứa nước mắt. Hồi đó cũng có nhiều cuộc bèo mây tan hiệp, hiệp tan làm cho con người khi đau đớn, khi vui cười, nhưng có cuộc tình duyên nầy nó trắc trở dị kỳ, nếu nhắc lại nghe chơi dầu không đến nỗi tức cười hay là muốn khóc, thì có lẽ cũng giúp cho người đời nay biết được tâm hồn của người thuộc thế hệ trước, thế hệ vừa mới qua trong năm sáu mươi năm nay.Chú thích: (1-) hững hờ