Chương 1
Trời nắng quá, cái ánh nắng gay gắt của một buổi chiều tháng tư cứ như tồn tại mãi cho dù thời gian bây giờ đã là xế chiều. Dưới sức nóng đó, chẳng mấy ai thích đi ra đường cho dù là họ có việc, chỉ trừ những người thật sự có chuyện cần thiết. Nhưng nếu như thế thì họ sẽ đi thật vội vã như để mau chóng thoát được cái nóng khó chịu vô cùng này. Thế nhưng, không giống như mọi người. Có một ông già lại cứ thong thả bước trên con đường đất đỏ như không hề ngại gì đến sức nóng gay gắt và bụi như bao bọc kín lấy người ông. Mà nào phải ông còn trẻ gì cho cam ! Cái mái tóc bạc trắng của ông không được giấu kín trong chiếc nón vải khiến cho người ta đoán chừng như ông phải gần bảy mươi tuổi. Một bộ quần áo mỏng trông có vẻ cũ kỹ, một đôi giày vải dưới chân. Thế thôi, và ông cứ lững thững bước như những người nhàn du nhất trên đời bày. Một chiếc xe gắn máy đi gần tới bên ông già. Người điều khiển chiếc xe chạy chậm lại một chút rồi ngừng hẳn lại sát bên ông ta. Tiếng nói cất lên nhẹ nhàng sau lần khẩu trang che mặt giúp người ta biết đó là một cô gái cho dù không thể nhìn thấy mặt cô ta :- Ông ơi, ông cần đi đến đâu thế ạ. Biết mình là người được hỏi, ông già ngẩng lên nhìn sang cô gái và thong thả đưa tay gạt mồ hôi trên trán rồi mới thủng thẳng trả lời : - Cháu gái hỏi điều đó để làm gì ? Cô gái cười nhẹ : - Ở quãng đường này không có xe đâu ông ạ, mà trời thì lại nắng và đường thì bụi thế này . . . Nếu ông cần đi đâu thì cháu có thể giúp ông . Ông già hỏi lại : - Cháu có thể chở ông đi được đến đâu ? Cô gái trả lời thật hồn nhiên : - Đâu cũng được ạ ! - Thế nếu như ông muốn đến một nơi nào đó thật xa thì sao ? Cháu có giúp được ông không ? Cô gái ngần ngừ : - Điều này . . . Ông già phá lên cười, một giọng cười thật sảng khoái : - Ông nói đùa với cháu thế thôi chứ thật ra ông cũng không biết mình muốn đi đến đâu nữa . . . Nghe câu nói lạ lùng của ông già, cô gái tròn xoe hai mắt nhìn ông : - Ông nói như vậy nghĩa là sao ? Ông đi mà không biết là mình muốn đi đâu hay sao ? - Thật ra, ông cũng rảnh rỗi nên cũng thường đi chơi nơi này nơi kia. Hôm nay thì ông leo lên chuyến xe buýt tới sớm nhất, định đi thăm một vài người bạn nhưng không ngờ lại đi lầm xe. Lỡ rồi, ông cũng định làm một cuộc phiêu lưu vậy mà . . . Nói xong, ông già cười khà khà như khoái chí lắm vậy. Cô gái chỉ còn biết lắc đầu cho cái tính ngông của ông già mà những ngỡ chỉ có những anh chàng thanh niên xốc nổi mới làm như thế. Nhưng rồi cô lại nhìn trời, nắng quá. Chắc là mình phải làm một điều gì đó cho ông lão mới được. Nghĩ thế, cô gái nói : - Trời nắng quá, ông mà cứ đi mãi như thế này thì sẽ bị bệnh mất. Hay là cháu mới ông vào nhà cháu nghỉ chân một lát và uống tách trà cho đỡ khát rồi đợi mát trời một chút hãy đi ông ạ. Ông già ngạc nhiên nhìn cô gái : - Cháu và ta là hai người hoàn toàn xa lạ, vậy mà cháu lại dám mời ta đến nhà cháu chơi mà không sợ gì ư ? Cô gái cũng ngạc nhiên hỏi lại : - Cháu phải sợ điều gì nơi ông ? Ông già ậm ừ : - Ừ thì . . . có thể ta là một người xấu chẳng hạn . . . Đến lượt cô gái phá lên lên cười, tiếng cười trong như pha lê vỡ : - Có gì mà cháu phải sợ ? Cháu chỉ mời ông đến nhà cháu uống ly nước thôi mà. Ông à, cháu thành thật mời ông đấy, ông đừng từ chối nha. Ông già gật đầu : - Cháu không sợ chẳng lẽ ta lại sợ hay sao mà không dám đến nhà cháu ? Vì cháu tốt bụng như vậy nên ta cũng rất vui khi được đến chơi nhà cháu để làm quen. Nào, nhà cháu ở đâu ? Có ở gần đấy không ? Cô gái vui mừng gật đầu : - Rất gần ông ạ, chỉ cần đi thêm một đoạn ngắn nữa thôi. - Vậy thì cháu đi trước dẫn đường đi ! Mà này, cháu hãy gọi ta là ông Thẩm nhé ! - Vâng ạ, còn tên của cháu là Khánh Phương ạ. Ông Thẩm gật gù : - Tên của cháu đẹp lắm, chắc là gương mặt của cháu cũng đẹp như thế. Khánh Phương lắc đầu : - Ôi , con gái nhà quê như cháu mà đẹp gì hở ông ? - Sao lại không đẹp ? Chỉ cần nói chuyện với cháu nãy giờ thôi thì ông cũng đã đoán được là cháu rất xinh đẹp. Vả lại, ở nơi này mà cháu gọi là nhà quê ư ? Nơi đây chỉ là ngoại ô thành phố, và chạy xe như cháu thì chỉ cần ba mươi phút là đã có mặt ở trung tâm thành phố rồi. Hai người vừa đi vừa nói chuyện nên chỉ trong giây lát, họ đã đứng trước một căn nhà nhỏ nhưng thật xinh xắn. Khánh Phương dựng vội chiếc xe trong khoảng sân đất có những chậu cây kiểng thật đẹp rồi quay sang ông Thẩm : - Đến nhà cháu rồi ông ạ, cháu mời ông vào nhà cháu ạ. Bước vào phòng khách, một căn phòng nhỏ và chỉ trang trí bằng những vật dụng đơn giản, rẻ tiền nhưng không hiểu sao ông Thẩm lại thấy thích thú . Có phải chính vì sự nhỏ bé và đơn giản đó mà làm cho căn phòng trở nên ấm cúng hay không ? Điều đó thì ông Thẩm không thể trả lời được, nhưng ông thật sự thấy thích thú với căn phòng và có thiện cảm với những người chủ nhân của nó, những người trong căn nhà này – trừ Khánh Phương – mà ông chưa biết họ là người như thế nào, thậm chí nghe kể về họ một chút cũng không. Nhưng có lẽ họ cũng là những người đơn giản như căn nhà của họ. - Mời ông ngồi nghỉ chân đi ạ ! Câu nói của Khánh Phương lại cất lên đã đưa ông Thẩm trở về với thực tế, nhưng ông chưa kịp nói gì với cô thì Khánh Phương đã thoăn thoắt bước vào nhà trong. Ông Thẫm khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế đơn của bộ salon làm bằng gỗ. Chắc hẳn bộ bàn ghế này đã được làm rất lâu rồi, vì ông thấy màu sơn trên ghế đã bạc. Tuy nhiên, mọi vật trong căn phòng này đều sạch sẽ chứng tỏ chủ nhân của nó là người rất ngăn nắp. Sự quan sát của ông Thẩm đã bị cắt ngang khi Khánh Phương đã nhanh chóng trở ra với khay nước trên tay. Và không chỉ có một mình cô, vì đi ngay sau lưng cô là một người đàn ông trung niên mà mới chỉ thoáng nhìn, ông Thẩm đã đoán ngay đó là cha của Khánh Phương. Để tỏ lòng kính trọng chủ nhà, ông Thẩm vội đứng lên nhưng người đàn ông đã vội xua tay :- Ông cứ ngồi đi ạ ! Đặt khay nước xuống bàn, Khánh Phương bưng một tách trà trao vào tay ông Thẩm và ân cần mời : - Ông dùng nước cho đỡ khát ạ. Cháu xin giới thiệu với ông, đây là ba cháu – Quay sang cha, cô lại tiếp – Còn đây là vị khách mà con vừa mới gặp đó ba. Ông Thẩm gật đầu chào :- Chào ông ! Thật là làm phiền gia đình quá. Cha Khánh Phương vội xua tay :- Có gì đâu mà phiền ạ ? Ở đây chúng tôi cũng ít khi có khách, ông đến chơi như vầy thật là quý đấy ạ. Tôi trông ông cũng khá lớn tuổi rồi, ông cứ coi chúng tôi như con cháu mà đừng khách sáo gì ạ. Tôi là Khánh, ông cứ gọi tên cũng được ạ. Ông Thẩm nhìn ông Khánh chăm chú, ông nhận thấy ở người đàn ông trung niên này có một nét gì đó quen quen. Dường như ông đã gặp ông ta ở đâu rồi thì phải ! Ông Thẩm cứ moi óc suy nghĩ mà mãi vẫn không sao nhớ ra được ông Khánh là ai. Ông tự giận cho cái trí nhớ của mình. Có lẽ ông đã già thật rồi cho nên trí nhớ giảm sút chăng ? Trước đây có bao giờ ông lại quên như thế đâu ! Một người nào đó mà ông đã gặp một lần thì ông Thẩm sẽ không bao giờ quên họ cơ mà ! Ông Khánh ngạc nhiên khi thấy ông Thẩm cứ nhìn chằm chặp mãi vào mặt mình mà miệng thì lẩm bẩm những tiếng gì đó mà ông đã lắng nghe thật chăm chú mà vẫn không tài nào nghe được. Cuối cùng, ông đành phải lên tiếng : - Thưa ông, có chuyện gì không ạ ? Ông Thẩm đành phải lên tiếng : - Tôi nhìn ông có vẻ quen quen, vậy mà nghĩ mãi cũng không thể nào nhớ được là tôi đã được gặp ông ở đâu rồi. Ông Khánh cũng gật đầu : - Tôi cũng có cái cảm giác như bác vậy, có lẽ là chúng ta đã từng gặp nhau ở đâu đó rồi thì phải – Cau tít đôi mày lại, ông Khánh như muốn tìm trong ký ức của mình một hình ảnh xa xưa, và rồi ông reo to – Chú Thẩm, có phải là chú Thẩm không ? Ông Thẩm chưa kịp trả lời thì Khánh Phương cũng reo lên ngay : - Ủa, làm sao mà ba lại biết tên của ông đây vậy ? Con nhớ chưa giới thiệu tên của ông với ba cơ mà. Như vậy là ba có quen với ông hở ? Ông Thẩm thì ngơ ngác nhìn ông Khánh, ông cũng cố gắng để nhớ lại một gương mặt quen thuộc ngày nào nhưng rồi ông đành phải lắc đầu : - Ông đã nhận ra tôi thì có lẽ mình có quen nhau thật, nhưng tôi thì dở quá, đành phải chịu thua ông thôi. Ông Khánh mừng rỡ nắm chặt bàn tay ông Thẩm, gương mặt ông tươi rói và nụ cười thì nở thật tươi : - Đúng là chú Thẩm rồi, cái nốt ruồi dưới cằm chú thì thật không sai vào đâu được. Cháu là thằng Tèo, con của ông Phúc đây chú ạ. Nghe xong câu nói của ông Khánh, gương mặt ông Thẩm rạng rỡ hẳn lên. Ông cũng tỏ ra thật vui mừng : - Ối trời ơi, thằng Tèo hả cháu. Vậy mà chú không tài nào nhận ra được. Thế ba cháu đâu rồi ? Ông Khánh lắc đầu : - Ba cháu mất cũng hơn mười năm rồi, có còn đâu mà chú hỏi. Ông Thẩm ngậm ngùi : - Ba cháu cũng đâu có hơn chú là bao nhiêu tuổi đâu mà mất sớm như thế ? Ông ấy cũng chỉ hơn chú độ mươi tuổi chứ mấy ! Ông Khánh gật đầu : - Khi ba cháu mất, ông ấy chỉ mới sáu mươi tuổi. Có lẽ vì ngày còn trẻ ông đã vất vả quá nhiều nên sức lực không còn được bao nhiêu. Ông Thẩm đưa tay lên lau vội những giọt nước mắt vừa ứa ra hai bên khoé. Thế là người bạn thân thiết của ông đã không còn nữa, vậy mà ông không hề hay biết một chút nào để nhìn được mặt nhau lần cuối cùng. Ngay cả một nén nhang thơm đốt cho ấm linh hồn bạn cũng không có. Ông trầm giọng : - Chú thật có lỗi, cha cháu mất mà chú thì thật là vô tình. Thôi thì bây giờ cháu cho chú thắp một nén nhang để tạ lỗi với ông bạn của chú vậy. Ông Khánh nhanh nhẹn đưng lên - Chú đừng nghĩ như thế, vì hai người mất liên lạc với nhau thôi mà chứ có phải là chú vô tình đâu. Bây giờ mời chú vào đây, cháu để bàn thờ ba cháu trong này. Ông Thẩm theo chân ông Khánh đi vào căn phòng phía trong. Thắp nén nhang thơm, ông ngậm ngùi nhìn lên di ảnh của bạn. Bao nhiêu tình cảm ngày xưa bỗng nhiên ùa về tràn ngập trong lòng làm ông thấy mắt mình cay quá.Nhưng ông Thẩm cố nén lòng, ông không để cho nước mắt chảy ra nữa vì bây giờ không phải là lúc khóc nữa rồi. Nhìn hoàn cảnh sống của gia đình ông Khánh, ông không đành lòng. Ông phải làm một điều gì đó cho người con duy nhất của bạn mình. Ông tự nghĩ như thế và ông biết, mình cần phải làm gì.Thắp nhang cho người bạn ngày xưa xong, ông Thẩm trở ra ghế ngồi và nói với ông Khánh :- Chú và cháu gặp lại nhau như thế này, trong lòng chú vui lắm. Vì vậy mà bây giờ chú cháu mình chỉ nói chuyện vui chứ không nói đến chuyện buồn nữa. Cha cháu đã không còn, thế thì một hôm nào đó cháu sẽ kể về ông ấy cho chú nghe chứ không phải là lúc này. Mình không nói chuyện về cha cháu nữa thì mình nói chuyện của những người còn sống vậy. Thế nào, cuộc sống của gia đình cháu thế nào, có gì khó khăn không ? Ông Khánh cười : - Cũng không có gì gọi là khó khăn cả chú ạ, chỉ là cuộc sống hơi đạm bạc một chút thôi. Nhưng cháu bằng lòng với cuộc sống này vì hiện tại, cuộc sống của cháu bình an lắm chú ạ. - Thế còn con cái thì sao ? Cháu có mấy đứa, công việc hay học hành thế nào ? - Cháu có hai đứa con, một trai một gái đều lớn khôn cả rồi. Thằng con trai thì đã hai mươi chín tuổi, hiện đang làm kỹ sư xây dựng. Nó thì cứ theo công trình nên đi hết ngày này sang tháng khác, may lắm thì có mặt ở nhà trong ba ngày Tết mà thôi. Còn đứa con gái thì chú đã gặp rồi đó, cháu hiện đang làm bác sĩ tại bệnh viện huyện. Ông Thẩm lắc đầu : - Sao con gái cháu không tìm một bệnh viện nào lớn lớn một chút mà xin việc, làm ở bệnh viện huyện thì làm sao mà có cơ hội thăng tiến được ? Ông Khánh cười nhẹ, ông có vẻ hãnh diện khi nói về cô con gái của mình : - Ở đâu mà lại không thăng tiến được hở chú ? Cơ hội là do chính mình tạo ra chứ. Thật ra, Khánh Phương hồi còn đi học cũng không đến nỗi tồi nên khi còn đi thực tập tại các bệnh viện lớn cũng đã được các thầy cô gợi ý là có thể được giữ lại đó để làm việc. Nhưng cháu nó quyết định về nhận công việc tại đây vì lý do gần nhà, nó không muốn lại cứ đi miệt mài như anh nó để cháu phải ở nhà một mình. Hơn nữa tại bệnh viện huyện thiếu nhiều bác sĩ quá, nếu như ai cũng chỉ mong làm việc ở những bệnh viện lớn thì dân ở đây lấy ai mà chữa bệnh cho họ. Ông Thẩm gật gù, trong lòng ông lại có thêm thiện cảm đối với cô gái cô vừa mới quen biết chưa được bao lâu kia. Đó là một cô gái tốt đó chứ, lại có lòng nhân hậu nữa. Thời bây giờ tìm một cô gái như thế cũng là khó đấy. Trong lòng ông Thẩm chợt nhiên nhen nhóm lên một ý định, nhưng rồi ông lại ngại ngùng. Không biết khi ông đề nghị với ông Khánh chuyện này thì ông ấy sẽ nghĩ sao nhỉ ? Dù sao ông ấy cũng là con một người bạn của ông kia mà. Và như thế, Khánh Phương ở vào vị trí là một đứa cháu gọi ông bằng ông cơ đấy. Nhưng ông thấy chuyện đó không quan trọng, vì thật ra, gia đình này đối với ông nào có cùng huyết thống gì đâu ! Bộ óc tuy già nhưng vẫn cực kỳ nhanh nhạy của ông Thẩm đã làm việc thật nhanh, ông lại tiếp tục tìm hiểu những gì mình muốn biết : - Thế còn hàng ngày, cháu làm gì để sống ? Ông Khánh cười nhẹ :- Cháu có một ít đất đai, hoa lợi cũng đủ để cho cháu sống thong dong rồi chú ạ. Lại còn các cháu nữa, chúng nó cũng phụ thêm cho cháu một ít tiền khi lãnh lương nên bây giờ thì có thể nói cháu không có gì phải lo lắng cho cuộc sống cả. Ông Thẩm gật gù : - Như thế thì đúng là cháu sướng thật, nhưng mà mới bằng ấy tuổi đầu mà cháu đã lui về hưởng nhàn bằng thú điền viên như thế này cháu không thấy phí à ? - Có gì là phí đâu hở chú ? Từ trước tới nay cha con cháu luôn là những người thích sự bình an, yên tĩnh chứ không muốn sống cuộc sống sôi động nơi thương trường như chú mà. Từ ngày ba cháu mất, rồi tiếp đến vợ cháu cũng qua đời sau một cơn bệnh thì cháu thấy không có gì quan trọng hơn là mình sống sao cho con cái mình học hành đàng hoàng và tâm hồn mình thoải mái, thư thả là được rồi. Vì thế, cháu xin nghỉ việc ở công ty và về mua đất ở đây để sống như một ông nông dân đó chú. Ông Thẩm gật gù : - Mau thật đấy, ngày nào chú còn tới nhà cháu chơi. Khi đó thì cháu mới chỉ là một cậu học sinh trung học rồi trở thành một sinh viên trẻ trung. Thế mà bây giờ đã già như thế này, con cái đều trưởng thành cả rồi. Thấm thoát mà chúng ta đã xa nhau gần ba mươi năm rồi đấy nhỉ ? Ông Khánh cười : - Thời gian cứ trôi qua vùn vụt chứ nào có dừng lại để đợi mình đâu chú. Thế còn chú thì sao ? Có đủ cháu nội cháu ngoại rồi chứ ? Ông Thẩm lắc đầu : - Nào đã có đứa nào đâu . . . Ông Khánh ngạc nhiên : - Thế hồi đó không phải là chú đã có một em trai rồi hay sao ? – Ông ngừng lại một chút như tính toán – Nếu cháu nhớ không lầm thì giờ này em ấy cũng phải ngoài ba mươi rồi . . . Chẳng lẽ từng ấy năm, chú lại không có thêm một em nào khác ? Ông Thẩm buồn ra mặt : - Thì đúng là chú đã có một thằng con trai kém cháu độ hai mươi tuổi, nhưng mà đừng nhắc đến thằng đó nữa. Càng nhắc thì chú càng thêm đau lòng . . . Ông Khánh thắc mắc : - Chẳng lẽ em ấy lại không . . . nên người hay sao ? Ông Thẩm trầm ngâm : - Nói là nó không nên người thì cũng không đúng, vì nó rất thông minh và xốc vác, giỏi giang. Nhưng mà thường thì những thằng có tài lại hay có tật, cái tính ngang bướng của nó thì thật là chú không tài nào chịu nổi . . . - Thế bây giờ thì em nó đang làm gì ạ ? - Chú đã giao công ty cho nó, công việc thì vẫn phát triển rất tốt. Nhưng nó không chịu sống chung với chú. - Thì em nó lớn rồi nên cũng phải có cuộc sống riêng của nó chứ, thưa chú. Nhưng mà vợ con em nó thế nào rồi ? - Nào nó đã có vợ đâu ! Ông Khánh nạgc nhiên : - Thế mà lại không sống cùng chú thím à ? Ông Thẩm lắc đầu : - Thím cháu cũng mất lâu rồi, cũng vì chuyện này mà cha con chú mới bất hoà đấy chứ – Ông Thẩm trầm giọng xuống như tâm sự – Thật ra thì cũng không phải là nó bất hoà với chú, chỉ là nó không chấp nhận người vợ sau của chú mà thôi. Ông Khánh ngỡ ngàng : - Thế ra thím đã không còn ! Nhưng mà như vậy thì chú có tục huyền cũng đâu có sai, tại sao con trai chú lại không chấp nhận ? - Đã nói nó là cái thằng ngang bướng mà, nó không muốn có người khác thay mặt mẹ nó trong nhà. Nó lại còn cho là vì chú có tình ý với người vợ này nên mẹ nó mới buồn rầu mà chết chứ nó có biết là bà ấy bị bệnh nặng như thế nào đâu. Đúng là chú đã có lỗi với mẹ con nó, nhưng đó chỉ là một lần sai lầm trong cơn say rượu của chú thôi mà. Sau đó thì chú đã làm hết sức để chuộc lại lỗi lầm của mình, nhưng mọi chuyện vẫn cứ tồi tệ – Ông Thẩm chép miệng – Mà thôi, nói hết chuyện đó thì dài dòng lắm, chỉ biết là chú vì một lần sai lầm mà đã dẫn đến làm tan nát gia đình và cũng không thể nói gì được với thằng con trai cứng đầu của mình. Vì thế mà khi chú cưới người vợ sau thì nó bỏ ra ngoài ở. Nhưng cho dù nó giận chú như thế thì công việc nó vẫn làm rất tốt, vì thế chú cũng không thể nào la mắng hay bắt nó phải làm theo ý mình được. Ông Khánh chăm chú nhìn ông Thẩm, ông nhận thấy tuy nói về con trai mình với giọng điệu buồn phiền như thế nhưng ông Thẩm vẫn có vẻ tự hào. Chắc là cậu con trai của ông ta cũng thuộc vào loại có tài có tật đây. Ông hỏi : - Thế sao chú không cưới vợ cho cậu ấy ? Khi có gia đình rồi chắc là cậu ấy sẽ không có thái độ chống lại chú như thế nữa đâu. Ông Thẩm thiểu não lắc đầu : - Nào có phải muốn cưới vợ cho nó là cưới được hay sao ? Chuyện đó đâu có dễ ! Người mà mình muốn nó cưới thì nó lại chê ỉ chê eo. Còn những cô gái mà nó đưa về thì toàn là những cô gái không thể nào chú chấp nhận được. Mà thật ra, hình như chú thấy là nó chưa hề yêu một cô gái nào cả, vì chưa bao giờ chú thấy nó chiều chuộng hay là trân trọng một cô gái nào cả. Chỉ toàn là các cô gái ấy ngọt ngào chiều chuộng nó mà thôi. - Thế thì tại sao cậu ấy lại đưa về ra mắt chú ? Ông Thẩm lắc đầu : - Đâu phải là ra mắt mà là trêu gan chú thì đúng hơn. Hễ cứ khi nào chú ngỏ ý muốn nó cưới vợ để cho yên nơi yên chỗ mà lo làm ăn thì ngay ngày hôm sau, nó lại đưa về nhà một cô gái mắt xanh môi đỏ, áo quần thì thật là khó coi. Hỏi thì nó bảo chỉ là bạn bè mà thôi. Thật chú cũng phải bó tay với cái thằng con này. Học hành thì thông minh, công việc thì nhạy bén. Nhưng mà cuộc sống thì cứ lông bông lông ba như vậy không biết đến chừng nào mới yên đây. Cũng may là nó rất chăm chỉ làm việc chứ không ăn chơi trác táng như những thằng con trai thành đạt khác, chắc là nó muốn chứng tỏ mình với chú chăng ! Ông Khánh bật cười trước giọng điệu than thở của ông Thẩm. Nếu nói như ông ta thì cậu con trai này cũng có tính cách đấy chứ. Chắc hẳn đây là một chàng trai có tài, nhưng cũng có lắm tật đây. Như vậy thì đúng là ông Thẩm vừa vui vì con nhưng cũng khổ vì cậu ta không ít đây. Ông Khánh cười vui : - Như thế là cậu ấy cũng biết cách để làm cho chú nổi giận đấy chứ. Nhưng mà cháu nghĩ không phải là cậu ấy không thương chú đâu mà chỉ là làm nư đó thôi. Ông Thẩm gật đầu :- Thì chú cũng biết là như thế, nhưng làm sao chú không lo lắng cho được khi mà ở ngoài xã hội thì biết bao nhiêu thứ dễ lôi cuốn một thằng thanh niên như nó sa ngã chứ. Thật tình, chú không biết yên ổn đến bao giờ nữa đây. Trong lòng chú cứ lo ngay ngáy sẽ có một ngày nào đó phải nhận hậu quả về việc làm nông nổi của nó thì thật là không biết tính sao. Ông Khánh an ủi ông bạn thân của cha mình : - Cháu nghĩ là chú không phải lo đến như thế đâu, vì chú biết là con trai chú cũng lo làm ăn lắm mà. Mà một người giỏi giang trong công việc thì chắc hẳn là không đến nỗi dại dột để sa ngã đâu. Ông Thẩm thở ra : - Ứ hự, chuyện đời cũng không thể nào lường trước được đâu cháu ơi. Chỉ khi nào nó yên bề gia thất thì chú mới yên tâm được. - Thưa ông, thưa ba . . . Tiếng của Khánh Phương vang lên sau lưng hai người đàn ông làm cả hai cùng giật mình quay lại. Ông Khánh hỏi con gái khi thấy Khánh Phương có vẻ như sắp sửa đi ra ngoài :- Con còn đi đâu nữa vậy ? - Con đi trực, thưa ba. Con đã đặt soong cơm rồi, thức ăn thì con đã làm xong. Ba cứ tiếp ông chứ không phải lo gì nữa đâu ạ. Thưa ông, cháu xin phép đi làm, ông ở chơi với ba cháu ạ ! Nói xong, Khánh Phương cúi đầu chào ông Thẩm và cha rồi đi thẳng ra ngoài. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của cô, ông Thẩm bỗng nảy ra một ý nghĩ. Đợi cho Khánh Phương đi xong, ông Thẩm quay sang nhìn ông Khánh : - Khánh này, chú có một chuyện muốn hỏi cháu . . . Ông Khánh gật đầu ngay : - Chú cứ hỏi đi ạ. Ông Thẩm ngập ngừng ; - Không biết . . . con gái cháu đã có nơi có chỗ chưa ? Ông Khánh nhìn ông Thẩm với vẻ ngạc nhiên, không hiểu ông ấy hỏi như thế là có ý gì nhỉ ? Tuy nhiên, ông cũng trả lời : - Chưa đâu, chú ạ. Con bé mới ra trường, lại cũng còn muốn rảnh rang để làm việc và phụ giúp cháu một thời gian nên hiện tại, cháu cũng chưa nghĩ đến đều đó. Ông Thẩm mừng thầm trong bụng, ông trầm ngâm một chút rồi lên tiếng : - Khánh này, chú có một đề nghị với cháu . . . Ông Thẩm lại ngập ngừng, ông không biết liệu khi ông nói ra ý nghĩ của mình thì ông Khánh có đồng ý hay không hay lại phản ứng một cách mạnh mẽ. Nhưng dù sao đi nữa thì ông cũng phải nói ra ý muốn của mình mới được : - Hay là . . . , chú cháu mình làm sui đi Khánh . . . Ông Khánh trợn mắt nhìn ông Thẩm, tuy ngồi kế bên nhau và ông Thẩm nói rất rõ ràng mà ông vẫn tưởng như tai mình nghe lầm. Ông ấp úng hỏi lại : - Chú . . . chú nói gì thế ạ ? Ông Thẩm đã vững lòng lại, ông bình tĩnh nhắc lại ý nghĩ của mình thật rõ ràng :- Ý chú là . . . chú cháu mình kết thông gia với nhau, là cháu bằng lòng gả con gái cháu cho con trai chú đó mà. Ông Khánh lắp bắp : - Chú có nói lầm không ? Con gái cháu thì làm sao mà lấy con trai chú được ? Chúng nó như chú cháu với nhau mà ! Ông Thẩm lắc đầu : - Chú và cha cháu chỉ là kết giao với nhau thôi chú chúng ta nào có máu mủ ruột rà chi đâu. Vì thế nếu như con gái cháu có làm con dâu chú cũng đâu có sao. - Nhưng mà chú nói con trai chú . . . Hiểu sự e ngại của ông Khánh, Ông Thẩm trấn an : - Ấy, lo là lo như thế thôi chứ chú bảo đảm với cháu thằng Thượng, con trai chú là một chàng trai rất tuyệt vời. Tuy nhiên như chú đã nói rồi đó, vì nó giận chú mà cứ mãi lông bông một mình bên ngoài nên chú mới lo. Nhưng nếu nó có được một người vợ tốt thì chắc chắn là chú hoàn toàn yên tâm về nó. - Nhưng tại sao chú lại có ý nghĩ là cưới con gái cháu cho con trai chú, nào cả hai đứa chúng nó có biết gì về nhau đâu. - Chuyện ấy thì có gì là khó, chúng không biết nhau thì mình tạo cơ hội cho chúng biết nhau . . . Ông Khánh lắc đầu : - Chuyện này cháu nghĩ là không thể thực hiện được đâu, chú ạ. Cho dù là chú và cháu bằng lòng đi nữa thì bọn trẻ chắc gì chúng đã chịu. Cháu không biết con trai của chú thì thế nào, nhưng con gái cháu thì cháu biết rõ lắm, nó không chịu một sự sắp đặt nào đâu. Ông Thẩm tự tin :- Chuyện này thì cháu không phải lo, chú sẽ có cách tạo cơ hội cho chúng gặp nhau mà không làm cho chúng tự ái. Này, cháu còn gì phải lo lắng nữa ? Không tin vào chú và con trai chú à ? Thật sự trong lòng ông Khánh cũng rất hoang mang với ý định của ông Thẩm, nhưng ông ngại không thể nói lời từ chối ngay được. Vì ngay từ ngày xưa, khi cha ông còn qua lại thân thiết với ông Thẩm, ông cũng đã từng biết là ông ta rất trung thực và thẳng thắn. Những điều ông ta nói về con trai mình như thế sẽ không sai, nhưng làm sao ông lại có thể chấp nhận được một chuyện lạ lùng như thế được. Bao nhiêu năm đã không gặp nhau, ông có biết gì về con trai ông Thẩm ngoài những điều ông ta vừa kể ? Dường như sự suy tư của ông Khánh cũng đã làm cho ông Thẩm đoán biết được nỗi băn khoăn trong lòng ông nên ông Thẩm lại nói :- Không phải là chú nói tốt cho con trai mình, nhưng trừ cái tính ngang bướng và cố chấp ra thì nó là một thằng tuyệt vời đấy cháu ạ. Không thể nói mãi lời phản đối, ông Khánh đành phải hỏi :- Thế nhưng tại sao chú lại chọn con gái cháu, một đứa con gái tầm thường nơi quê mùa này ? Sao chú không chọn một cô gái thời thượng nào đó cho xứng với gia thế và con trai nhà chú ? Ông Thẩm trả lời ngay như câu hỏi của ông Khánh cũng chính là sự suy nghĩ của ông : - Chú đã nói là không ưa được những đứa con gái chỉ biết chạy theo cuộc sống vội vã nơi thành thị mà quên mất bản chất kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ. Còn con gái cháu thì tuy chỉ mới gặp thôi nhưng chú đã nhận thấy nơi nó một đức tính rất đáng quý là lòng nhân hậu và nhất là nó vẫn giữ được sự dịu dàng, thuỳ mỵ của người phụ nữ Việt Nam . Những đứa con gái như thế bây giờ rất khó kiếm, vì thế dù mới chỉ gặp con gái của cháu trong phút chốc nhưng chú đã ước ao có được nó làm con dâu rồi. Cháu đừng từ chối nữa mà hãy để cho ông trời se duyên cho chúng nó nhé. Ông Khánh bật cười khi nghe ông Thẩm hết lời ca tụng con gái mình. Thường thì những người làm cha làm mẹ, ai lại không thích nghe người khác khen ngợi con cái của mình. Ông Khánh cũng không nằm ngoài cái thông lệ đó, vì thế những lời của ông Thẩm đã hầu như thuyết phục được ông. Chỉ còn lại một chút lấn cấn mà ông không thể không lo : - Thế nhưng đây chỉ là ý muốn của chú, nhưng còn chúng nó thì sao ? Tuổi trẻ bây giờ không dễ để cho chúng ta áp đặt đâu chú ạ. Không biết con trai chú thì sao chứ còn con gái cháu thì cháu biết tính nó, nó sẽ không đời nào chịu sự sắp đặt của mình đâu. Làm sao cháu có thể mở miệng ra để nói với con gái cháu được bây giờ ? Ông Thẩm gật đầu : - Chuyện đó thì đương nhiên rồi, chúng nó cứ là “trứng đòi khôn hơn vịt” nên có bao giờ chịu nghe lời chúng ta đâu. Nhưng mà chú đã nói là chúng ta hãy để cho ông trời se duyên cho chúng nó, chỉ là chúng ta giúp một tí cho mọi chuyện thuận lợi hơn mà thôi. Chuyện này cháu cứ để chú lo, cháu chỉ cần đồng ý thôi chứ không phải làm gì cả. Trong lòng ông Khánh vẫn không hết băn khoăn : - Thế thì làm sao mà chúng nó biết nhau được để còn nói chuyện kết thân nếu như chúng ta không tạo điều kiện cho chúng nó ? Ông Thẩm xua tay : - Đã nói là chỉ cần cháu chấp nhận thằng con trai chú là được rồi, còn tất cả mọi chuyện thì cứ để cho chú lo liệu. Chú đã có trong đầu một kế hoạch tuyệt vời rồi, nhất định là dự tính này của chúng ta sẽ trở thành hiện thực. Ông Thẩm nói một cách hết sức tự tin, thế nhưng ông Khánh vẫn không sao yên lòng được. Chuyện hôn nhân là chuyện đại sự cả một đời của con gái ông, thế mà ông lại dễ dàng nghe theo sự sắp đặt nghe có vẻ vô lý của ông Thẩm ư ? Nếu như chuyện không ra gì, và con gái của ông lại bị cha con ông Thẩm làm tổn thương thì sao ? Nhìn mặt ông Khánh, ông Thẩm dường như đoán biết được những gì đang làm ông băn khoăn nên ông nghiêm túc nói ngay : - Đó là dự định của chúng ta, nhưng mọi chuyện sẽ do con gái cháu quyết định. Chú chỉ là tạo điều kiện cho chúng nó biết nhau thôi, còn lại là việc của con trai chú. Nếu như nó làm cho con gái của cháu thấy được những mặt tốt đẹp của nó để mà chấp nhận thì được, còn nếu không thì nhất định chúng ta sẽ không làm cho chúng khó xử đâu. Cháu đừng lo lắng như thế nữa. Nghe những lời của ông Thẩm, nỗi lo trong lòng ông Khánh như nhẹ bớt phần nào. Ông gật đầu : - Chú đã nói vậy thì cháu yên tâm rồi, cháu tin tưởng hoàn toàn nơi chú đó ! Ông Thẩm thở ra nhẹ nhõm, giọng cười của ông thật sảng khoái : - Nhất định là chú sẽ không làm cha con cháu thất vọng đâu. Nhất định là chúng ta sẽ có rể thảo dâu hiền mà . . .Dựng chiếc xe kềnh càng của mình ngay giữa sân, Thượng đi thẳng vào trong nhà. Anh ngồi phịch xuống chiếc ghế trước mặt ông Thẩm, hỏi ngay : - Có chuyện gì mà ba gọi con về gấp như vậy ? Không trả lời vào câu hỏi của Thượng mà ông Thẩm lại hỏi : - Trong công ty có thiếu gì xe để cho con đi, tại sao con lại cứ chạy mãi chiếc xe này vậy ? Thượng nhíu mày : - Không phải là ba gọi con về để chất vấn con về những chiếc xe đấy chứ ? Câu nói vừa buột ra khỏi miệng, Thượng đã thấy ân hận ngay khi nhận ra nét buồn thoáng qua trên mặt ông Thẩm vì sự quá đáng của mình. Thượng cũng biết, không phải là cha anh bỏ bê anh. Cũng không phải ông vì người vợ sau mà không quan tâm đến anh, mà ngược lại, anh cũng biết là cha anh luôn lo lắng cho anh về tất cả mọi điều. Nhưng cái ấn tượng mà anh dành cho ngượi vợ kế của cha đã khắc quá sâu trong lòng anh, và cái nỗi đau mất mẹ khi anh cho là bà vì quá buồn rầu với sự phản bội của cha đã khiến cho anh không thể nào thay đổi được suy nghĩ của mình. Và cứ thế, Thượng luôn luôn tìm mọi cách để chống đối lại cha mình kể cả từ những chuyện nhỏ nhất. Câu nói đã buông ra rồi thì không thể nào lấy lại được, Thượng đành tìm cách xuê xoa, điều mà từ trước tới nay anh hầu như không làm : - Những chiếc xe đó là để đi công việc cho công ty thôi, còn bây giờ là việc riêng của con. Con muốn được thoải mái hơn với chiếc xe này. Ông Thẩm lắc đầu : - Nhiều người rất trọng cái vẻ bề ngoài, vì thế khi nhìn thấy con ngang tàng trên chiếc môtô đó có thể sẽ khiến cho nhiều đối tác có ấn tượng không hay. Nhưng thôi, đó là quyền tự do của con, ba không muốn cha con ta lại cãi nhau về những chuyện vô ích đó. Hôm nay ba gọi con về là có chuyện muốn nói . . . Ông Thẩm ngập ngừng. Biết nói thế nào đây nhỉ ? Không khéo ý định của ông lại khiến cho thằng con trai ngang bướng như Thượng hiều lầm mất thôi ! Làm cha, ông còn lạ gì tính cách của con trai mình ! Nhưng vì không lạ nên ông mới thấy việc làm cho nó phải theo ý mình là một chuyện khô vô cùng. Khi mới nảy sinh ra ý định, và ngay cả khi thuyết phục ông Khánh, ông Thẩm cũng không thấy khó như bây giờ, khi mà ông phải làm sao cho thằng con trai của mình chấp nhận. Nhưng cho dù là khó khăn như thế nào thì ông Thẩm cũng quyết không chùn bước, ông đã có cách để buộc Thượng phải quy phục mình. Trong khi ông Thẩm đang suy tính thì Thượng vẫn im lặng ngồi chờ đợi ý kiến của cha với cái thái độ cảnh giác cố hữu của mình. Ngoại trừ những ý kiến của ông Thẩm trong công việc làm ăn, còn thì anh luôn làm ngược lại ý cha trong những chuyện khác. Cho dù có những lần Thượng thấy mình quá đáng, nhưng anh vẫn cứ cứng đầu không chịu làm theo ý của ông Thẩm bao giờ. Ông Thẩm hắng giọng : - Thượng này, năm nay con bao nhiêu tuổi rồi ? Thượng nghi ngờ nhìn cha, ông lại bày ra cái trò gì nữa đây ? Lại cũng là cái điệp khúc “cưới vợ để xây dựng cho mình một gia đình” chứ không thể là gì khác đây ! Sao ông không chán khi cứ nói mãi với anh về vấn đề này nhỉ ! Ông Thẩm hắng giọng khi thấy Thượng cứ mãi im lặng : - Sao, con trả lời ba đi chứ ! Chẳng lẽ con lại quên cả tuổi của mình rồi hay sao ? Biết là không thể không trả lời, Thượng lừng khừng trả lời cha bằng một câu hỏi ngược lại :- Tuổi của con là bao nhiêu, chẳng lẽ ba lại không nhớ hay sao ? Ông Thẩm gật đầu : - Làm sao mà ba lại không nhớ, ba hỏi chỉ là vì muốn nhắc nhở con một chút thôi. Thượng lúc lắc đầu : - Nhắc để làm gì ? Bao nhiên tuổi thì có gì là quan trọng ! Vấn đề là con vẫn luôn sống tốt, và làm việc tốt cũng như vui chơi thoải mái là được rồi. Con bằng lòng với cuộc sống của mình, không có gì để con phải phàn nàn cả. Ông Thẩm nhìn con trai với vẻ buồn phiền : - Như thế nào là tốt ? Ba công nhận là trong công việc thì con làm rất tốt, công ty phát triển hơn hồi ba quản lý rất nhiều. Nhưng như thế không có nghĩa là cuộc sống của con đã tốt khi mà con cứ mãi lông bông như vậy . . . Thượng phản đối ngay : - Như thế nào là lông bông như ba nói vậy ? Con có ăn chơi đàn đúm hay bê tha rượu chè hút sách đâu ? Đi uống café, nghe nhạc hay vào vũ trường với bạn bè bây giờ là những trò giải trí bình thường và nghiêm chỉnh mà ba. Ba đâu có thể bắt con sống như những ông thầy tu được, cứ chỉ biết đi làm và về nhà đọc sách hay coi tivi thì con sẽ điên mất ba à ! Ông Thẩm cũng phản ứng lại ngay, lần này thì ông nhất định không nhân nhượng thằng con trai của mình nữa rồi : - Nhưng như thế cũng không có nghĩa là con có một cuộc sống ổn định. Một thân một mình, cơm hàng cháo chợ con nghĩ là hay lắm hay sao ? Bây giờ còn trẻ, còn khoẻ mạnh, con có nghĩ cho cuộc sống sau này của mình khi về già hay không ? Thượng phẩy tay ra vẻ bất cần : - Còn lâu con mới già, lo làm gì chuyện đó cho mệt. Để đầu óc mà lo chuyện làm ăn có tốt hơn không ? Ông Thẩm lắc đầu tỏ ý không bằng lòng : - Con đừng có mà ngang bướng như vậy ! Đời sống con người coi vậy mà ngắn ngủi lắm chứ không dài như con tưởng đâu. Chẳng mấy chốc mà con sẽ thấy hối tiếc về những tháng ngày rong chơi này đấy. Thượng lắc đầu : - Con chẳng có gì để hối tiếc cả khi mà bây giờ, con sống rất thoải mái. Ông Thẩm thở dài : - Có thật là con có một cuộc sống thoải mái không ? Có thật là con thấy lòng mình bình yên không ? Con có dám nói chắc với ba là những khi trở về căn phòng trọ của mình với đầu óc tỉnh táo, con không thấy cô đơn hay không ? Hay là cứ hết một ngày làm việc thì con lại phải uống rượu đến say mèm hoặc là vui chơi cho đến mệt nhoài trước khi trở về để dễ dàng tìm cho mình một giấc ngủ mà không phải một mình đối bóng trong căn phòng lạnh lẽo ? Câu nói của ông Thẩm làm Thượng ngạc nhiên, anh nhìn cha chằm chằm. Hôm nay sao ông lại nói nhiều thế nhỉ ? Có phải là ông đang mỉa mai anh hay không mà lại nói những lời lẽ khó nghe như thế. Nhưng không, mặt cha anh rất nghiêm trang và thêm nét buồn rầu khiến Thượng thấy khó xử. Từ trước đến nay tuy đã nhiều lần nhắc anh cưới vợ nhưng chưa bao giờ Thượng thấy cha anh tỏ ra quan trọng như lần này. Hay là có chuyện gì đã xảy ra với ông rồi nên ông mới tỏ thái độ như thế chăng ? Tuy luôn chống đối cha nhưng thật lòng, Thượng rất yêu ông. Nào anh có vui sướng gì khi phải sống xa ông ông mà chỉ vì anh không muốn đối diện với người vợ sau của ông, người mà anh cho là nguyên nhân gây ra nỗi buồn phiền của mẹ anh khiến bà qua đời quá sớm. Giờ đây, trên đời này anh chỉ còn có cha thôi. Chuyện anh bỏ ra sống bên ngoài đã làm cha anh đau lòng biết mấy, lẽ nào anh lại cứ làm cho ông phải đau buồn mãi như thế hay sao ? Thôi thì hãy nhượng bộ ông một bước vậy ! Nghĩ thế, Thượng nhẹ giọng nói với cha nhưng anh vẫn cố tình giữ cho mình bộ mặt thản nhiên : - Thật ra, ba muốn con làm gì thì ba cứ nói thẳng ra đi chứ không cần phải rào đón trước sau như vậy nữa. Ông Thẩm gật đầu : - Thôi được, để ba nói cho con biết ý định của ba. Ba định giao hẳn công ty lại cho con, con sẽ có toàn quyền quyết định và ba sẽ không nhúng tay vào nữa. Thượng bật người dậy : - Không được, con không muốn nhận. Con chỉ thay ba điều hành công việc mà thôi. Ông Thẩm không ngạc nhiên trước phản ứng của Thượng, dường như ông đã lường trước được thái độ của con trai mình. Ông vẫn từ tốn : - Thượng à, ba già rồi. Ba thật sự muốn nghỉ ngơi. Thế mà công ty không giao lại cho con thì ba biết giao lại cho ai bây giờ ? Thế nhưng cứ để cho con làm việc như hiện nay thì thiệt thòi cho con quá, vì như thế chẳng khác nào con là một người làm công ăn lương giống như mọi người nhân viên khác vậy. Ba muốn con thực sự là một ông chủ cơ ! Tuy những lời lẽ ông Thẩm nói rất hợp lý nhưng Thượng vẫn thấy có một cái gì đó không ổn. Chẳng lẽ tự nhiên ông lại có một quyết định đột ngột như thế hay sao ? Chắc chắn là phải có một điều gì đó tác động đến ông rồi, nhưng đó là điều gì thì thật sự anh không thể nào đoán được. Thượng nghi ngờ nhìn cha : - Ba nói như thế nghĩa là ba giao công ty cho con để ba thật sự được nghỉ ngơi chứ hoàn toàn không có một điều kiện nào khác ? Biết không thể nào gài bẫy Thượng được ngoài cách nói thẳng, ông Thẩm gật đầu ngay : - Đương nhiên là phải có một vài điều kiện đi kèm rồi . . . Thượng cắt ngang lời cha : - Con không nhận nếu như có điều kiện. Ông Thẩm cười nhẹ : - Con chưa nghe ba nói điều kiện của ba mà đã tháo lui rồi ư ? Chẳng lẽ con lại hẹp hòi hay là nhát gan ? Thượng nóng bừng cả mặt khi nghe cha gán cho mình những tính xấu như thế, anh hỏi lại : - Thế nào là hẹp hòi ? Thế nào là nhát gan ? Ba giải thích đi ! Quá rành tính nết ngang bướng của con trai, ông Thẩm không hề thấy phiền lòng trước thái độ chống đối của Thượng. Ông vẫn thủng thỉnh nói : - Nếu như con nhận công ty của ba một cách vô điều kiện và không lo lắng gì đến cuộc sống của những người khác như một trong những điều kiện của ba thì đó là con hẹp hòi. Còn nếu như con không nhận vì sợ không thể thực hiện được điều kiện của ba thì có nghĩa là con nhát gan . . . Tự ái của Thượng bị đụng chạm, anh cáu kỉnh : - Ba đã biết là con không hề tham lam hoặc sợ bất cứ điều gì mà lại còn nghĩ cho con như thế hay sao ? Thôi được, con chấp nhận tất cả những điều kiện mà ba đưa ra nếu như đó là những điều hợp lý. Ba nói thử coi ! Ông Thẩm lại lắc đầu : - Không ! Ba đã đưa ra một ý kiến nào thì luôn luôn điều đó là hợp lý, vì vậy ba không nói thử mà là nói thật. Nếu như con chấp nhận thì ba mới nói. - Con chưa biết là ba đưa ra những điều kiện gì thì làm sao mà con chấp nhận được ? Lỡ như ba yêu cầu con làm những chuyện không thể được thì sao ? - Ba là ba của con, làm sao ba lại có thể bắt con làm những chuyện không đúng được ? Con phải biết một điều là ba luôn luôn muốn tốt cho con chứ ! Thượng gật đầu : - Thôi được, con đành phải nhượng bộ ba vậy. Ba cứ nói đi ! Ông Thẩm cẩn thận hỏi lại : - Như thế có nghĩa là con chịu nhận những điều kiện mà ba đưa ra ? Thượng nhăn mặt : - Thì con đã nói là nhượng bộ ba rồi mà, ba lại còn phải hỏi nữa . . . Ông Thẩm cười nhẹ : - Thì tính ba vốn cẩn thận mà, ba hỏi lại con cho chắc ăn. Bây giờ con chú ý đây, ba sẽ nói những điều kiện mà ba đưa ra . . . Ông Thẩm ngừng lại một chút như để tạo sự chú ý với Thượng, và khi thấy anh đã tỏ ra lắng nghe, ông chậm rãi nói tiếp : - Thứ nhất, con sẽ được toàn quyền hành động mà không cần hỏi ý kiến của ba như trước đây mỗi khi có những vấn đề quan trọng nữa, nhưng con phải chia cho ba và dì ba mươi phần trăm lợi nhuận. Bây giờ và cả sau này khi ba không còn nữa cũng vậy. Thượng gật đầu ngay không một chút đắn đo :- Điều đó thì đương nhiên, chẳng những là bấy nhiêu đó mà nhiều hơn thế cũng không thành vấn đề. Ông Thẩm lắc đầu : - Ba chỉ yêu cầu con bấy nhiêu thôi, đó là vì lo cho em con chứ nếu như chỉ có ba và dì thì ba cũng không cần. Còn một điều kiện nữa là ba muốn con cưới vợ . . .