Chương 1

Áng mây hồng nhô lên sau dãy đồi hoa trà trắng muốt, hắt những ráng đỏ xuống mặt đất vừa tỉnh giấc. Quả cầu lửa chói lọi khổng lồ từ từ hiện ra.

Bạch Dương reo to:

– Bình minh! Bình minh đã đến rồi!

Một niềm vui cuồng dại, một nỗi xúc động không bờ hến trước cảnh vật huy hoàng đang tràn ngập tâm hồn cô. Khẽ xoay người một cách duyên dáng, cô bước xuống bậc thềm. Trong chiếc váy ngắn và áo thun ba lỗ, cô chạy quanh đồi trà với đôi chân trần. Vừa chạy, cô vừa hít lấy hít để cái không khí trong lành của một buổi sáng vùng cao.

Tiếng chuông gọi cổng bỗng vang lên cắt đứt cảm hứng của cô.

Bạch Dương nhíu mày:

– Nơi vùng Cao nguyên hiu hắt này ai mà đến viếng cái ''sơn trang'' tĩnh lặng của mẹ con mình vậy kìa?

Trả lôi cô là một hồi chuông dài tiếp tục reo lên. Bạch Dương bực bội:

– Hai mẹ con mình đã dắt nhau lên rừng ẩn cư, lánh xa chốn thị thành phiền nhiễu mà cũng có kẻ đến dây làm phiền!

Lại một hồi chuông nữa vang lên. Bạch Dương thầm nghĩ:

– Bà vú đã già lọm khọm, giờ này chắc đang bận bịu pha trà. Thôi, để mình giúp bà ra mở cổng.

Bạch Dương băng qua luống trà với những bông hoa trắng ngát hương. Nếu không có những vị khách không mời này, cô sẽ có một buổi sáng tuyệt vời và mặc tình mà thưởng thức hương hoa.

Lại một hồi chuông nữa reo lên. Bạch Dương vừa chạy vừa la:

– Đến ngay! Đến ngay! Đừng có nhấn chuông nữa, đinh tai nhức óc lắm!

Bạch Dương vừa mở cổng vừa nhìn hai vị khách trước mặt. Một người đàn ông trung niên, ăn mặc bảnh bao, lịch sự. Gương mặt ông toát lên một nét đẹp quyến rũ. Bên cạnh ông cũng là một gã thanh niên thật lịch lãm, khôi ngô. Hai người chắc là đến đây bằng chiếc xe Spon đậu trước cổng.

Chẳng thèm chào hai người, Bạch Dương vừa nhìn xoáy vào hai người khách, vừa hỏi người đàn ông:

– Ông ... tìm ai?

Người đàn ông nở nụ cười đầy ma lực khiến Bạch Dương cảnh giác:

– Chào cháu.

Bạch Dương cũng gật đầu không mấy thiện cảm:

– Chào ông. Ông cần gì?

– Đây có phải là nhà của bà Bạch My không vậy cháu?

Không trả lời ngưới đàn ông, Bạch Dương nghinh mặt hỏi lại:

– Chi vậy?

Cử chỉ thiếu lễ độ của Bạch Dương làm cho cái gã thanh niên kia tức tối:

– Cô kia! Bộ cô không thể có một thái độ lịch sự hơn một tí sao? Đối với người lớn tuổi cô cũng phải biết nói sao cho ra vẻ con nhà có giáo dục hẳn hoi chứ. Cớ sao lại ăn nói ngông nghênh như thế?

Bị bắt bẻ một hơi, Bạch Dương khó chịu, cô trừng mắt nhìn hắn:

– Tôi có giáo dục hay không tự khắc tôi sẽ biết. Còn anh, đừng ỷ lại mình là phái mạnh rồi ăn nói bất chấp đến xúc phạm người ta như thế. Tôi sẽ không để yên cho anh đâu.

Gã thanh niên cười ngạo mạn:

– Cô sẽ làm gì tôi?

Trước sự thách thức của gã thanh niên, Bạch Dương đành giở ''ngón nghể'' ra dạy cho hắn một bài học. Bạch Dương đưa ''trảo" ra định chộp lấy cái tai nghểnh ngảng của hắn thì người đàn ông đã can ngăn:

– Thôi, cháu cho bác xin! Tại thằng con của bác nó ít tiếp xúc với con gái lắm nên nó không có biết “nịnh đầm” như người khác. Cháu bỏ qua cho nó nghe.

– Đâu có việc gì mà ba phải xuống nước cho cô ta lên mặt.

– Sơn Tùng! Bình tĩnh đi con, mình đến đây là để nhờ người ta mà.

– Nhưng ...

''Thì ra hắn tên là Sơn Tùng'' Bạch Dương nhếch môi. Trông cái nhếch môi đầy ngạo mạn của cô, Sơn Tùng càng thêm tức tối:

– Cộ. Người đàn ông đưa tay lên cản:

– Sơn Tùng! Con để ba hỏi cô ấy một chút.

Nể lời cha, Sơn Tùng thụt lui ra. Người dàn ông có vẻ kiên nhẫn:

– Cháu làm ơn cho bác biết đây có phải là nhà của chuyên gia thiết kế Bạch My không?

Trước sự khiêm tốn, nhã nhặn của ông, Bạch Dương đành phải nhẹ nhàng:

– Phải. Ông tìm mẹ tôi có việc gì?

Người đàn ông tỏ vẻ mừng rỡ:

– Cháu là con gái của Bạch My hả? Thảo nào trông cháu xinh đẹp và giống mẹ quá.

Bạch Dương cố nhẫn nhịn:

– Cám ơn ông. Ông có thể cho tôi biết là ông tìm mẹ tôi có việc gì hay không? Còn những việc khác thì ông khỏi phải nói một cách lịch sự hay là nịnh đầm gì đó mà ông vừa nói.

Người đàn ông chẳng những không giận mà còn tỏ ra thích thú:

– Cháu quả là mợt cô gái có cá tính. Đúng là cháu rất giống mẹ.

Bạch Dương dứt khoát:

– Đã bảo là ông không cần phải lịch sự. Ông vào đề ngay đi!

Người đàn ông gật đầu:

– Được. Mẹ cháu là một chuyên gia thiết kế mẫu mã quảng cáo rất có tiếng tăm, bởi vì những mẫu mã ấy rất ấn tượng.

Người đàn ông ngập ngừng. Bạch Dương thúc hối:

– Ông nói đi!

– Một người bạn tôi đang định kinh doanh một siêu thị lớn ở nước ngoài.

Ông ta muốn quảng cáo những mặt hàng của mình một cách hấp dẫn nhất. Và người ta đã giới thiệu Bạch My với ông?

– Và ông thay mặt người đó đến đây tìm gặp mẹ tôi.

– Phải.

Bạch Dương làm ra vẻ tiếc nuối:

– Rất tiếc, thưa ông! Mẹ tôi đã bỏ nghề, bà không muốn tiếp xúc với bất cứ một người đàn ông nào cả.

Người đàn ông ngạc nhiên:

– Tại sao vậy?

– Xin lỗi, đó là chuyện riêng của mẹ con tôi, thiết nghĩ ông đừng nên tò mò quá đáng.

Người đàn ông xoa tay vào nhau:

– Xin lỗi, tôi hơi quá đáng.

Sơn Tùng bực bội xen vào:

– Ba à! Cần gì mà ba phải lịch sự với một người như thế.

Liếc Sơn Tùng một cái thật dài, Bạch Dương gằn giọng:

– Anh có thể nói cụ thể hơn, người như thế là sao?

Sơn Tùng cũng không vừa:

– Cô không đủ thông minh để hiểu như thế là sao hay sao?

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, người đàn ông can ngăn:

– Sơn Tùng! Mình đừng có gây sự thêm nữa con. Hãy vì mục đích của công việc mà mình lặn lội đến đây đi con.

Cơn ấm ức vẫn còn trong người, Bạch Dương buông giọng:

– Bác không cần phải cản ngăn, cứ để anh ta tuôn những cái gai trong người ra hết đi.

Người đàn ông cầu hòa:

– Thôi, cháu thông cảm, cho bác biết là Bạch My có nhà không?

– ''Bạch Mý'. Trời ơi! Sao mà nghe thân thiện quá vậy? Bác quen thế nào với mẹ tôi mà không có ý tứ gì cả vậy?

– Bác là bạn thân của mẹ cháu.

– Bạn thân?

Bạch Dương tròn mắt hỏi như không tin vào tai mình. Cô hỏi vặn lại:

– Bác biết gì về mẹ tôi mà gọi là bạn thân chứ?

– Bác với Bạch My là bạn thân thời còn đi học.

– Thời còn đi học.

Bạch Dương cất giọng mai mỉa:

– Thời còn đi học nó đã quá xa xưa rồi bác ơi. Bác biết bây giờ mẹ tôi như thế nào không?

Người đàn ông nôn nóng:

– Bạch My bây giờ ra sao hả cháu?

– Không tiếp xúc với ai, nhất là đàn ông.

– Vì sao?

Bạch Dương chau mày:

– Đã bảo là bác đừng có quá tò mò hỏi han chuyện riêng tư của người khác mà.

– Xin lỗi cháu!

Sơn Tùng thấy thái độ ngạo mạn của Bạch Dương mà nổi nóng:

– Ba! Con đã nói là ba không cần phải lịch sự với những người như thế mà.

Bạch Dương chưa kịp cãi lại thì người đàn ông đã ôn hòa nói:

– Sơn Tùng. Đừng cãi ba. Để ba nói chuyện với cháu đây.

Bạch Dương lặng thinh. Dù sao trước mặt cô cũng là một bậc trưởng bối, cô cũng phải nể trọng. Chỉ đáng ghét là cái gã thanh niên khinh khỉnh kia. Người gì đâu mà nhìn vào là đã thấy khó ưa rồi.

Người đàn ông nhẫn nại hỏi:

– Cháu tên gì?

– Bạch Dương.

– Cháu hãy vào thông báo cho mẹ cháu biết là có Duy Ân người bạn cùng lớp cùng trường ngày xưa đến tìm.

Bạch Dương nhìn thẳng vào người đàn ông có cái tên Duy Ân như xoáy.

Một người đàn ông lịch lãm đẹp trai như thế này thì làm sao mà cho gặp mặt được. Đây là một đối tượng mà cô tin chắc rằng mẹ cô sẽ rất ghét. Nghĩ thế, Bạch Dương lạnh lùng đáp:

– Mẹ cháu không có ở nhà.

Ông Duy Ân ngạc nhiên:

– Ủa! Mới sáng sớm mà mẹ cháu đi đâu vậy?

Bạch Dương nói dối một cách trơn tru:

– Mẹ cháu ở ngoài cửa hàng trà ngoài thị xã.

Ông Duy Ân gật gù:

– Thì ra là vậy! Cháu ở nhà một mình sao?

Bạch Dương lại nhíu mày. Ông Duy Ân xởi lởi:

– Xin lỗi! Xin lỗi! Bác quên mất cái chuyện là không nên xen vào chuyện riêng tư của người khác.

Sơn Tùng nghe ông Duy Ân cứ luôn miệng xin lỗi Bạch Dương. Anh quạu quọ:

– Ba việc gì mà ba cứ phải xin lỗi mãi. Không khéo cô ta hiểu lầm tưởng mình là nhân vật cao cấp lắm mà làm phách đó.

Nghẹo đầu ngó gương mặt quạu quọ của Sơn Tùng, Bạch Dương nói như thách thức:

– Ví dụ như tôi có làm cao đến như thế thì cũng đâu việc gì mà anh phải tức giận? Hay là anh muốn bắt chước cái ''cao" đó mà không được nên ganh tỵ chứ gì?

Sơn Tùng muốn dựng tóc lên trước những lời lẽ chì chiết của Bạch Dương.

Anh lắp bắp:

– Cô đừng có quá tự cao. Ai mà thèm bắt chước cái dữ dằn, hỗn hào của cô đâu mà quảng cáo.

Thấy Sơn Tùng ngọng nghịu, Bạch Dương thích chí cười khanh khách:

– May cho anh là không chớ nếu mà anh có bắt chước cũng đâu có làm sao mà giống cho được.

Sơn Tùng chồm người tới:

– Cô cũng đừng có quá đáng nghe.

Bạch Dương nghênh mặt thách thức:

– Quá đáng như thế rồi sao?

– Không sao cả nhưng cô làm tôi nghi ngờ thân phận của cô.

Bạch Dương hỏi lại:

– Nghi ngờ thân phận của tôi?

– Phải.

– Nghi ngờ thế nào?

– Cô không phải là con của nhà chuyên gia thiết kế Bạch My.

– Vậy theo anh tôi là ai?

– Ở đợ?

Bạch Dương trợn mắt:

– Ở đợ?

– Tôi nói có đúng hôn? Phải là đúng thôi?

– Vì sao?

– Vì cô không có đủ điều kiện.

– Điều kiện thế nào?

– Ông bà ta nói:

''Con nhà công, không giống lông cũng giống cánh'' Vì thế tôi biết chắc là cô không phải là con của cô Bạch My.

– Anh có thể nói rõ hơn một chút được không?

– Được. Để tỏ ra một người rộng rãi không hẹp hòi ích kỷ tôi nói cho cô biết.

– Anh nói đi.

– Người làm nghệ thuật thì người ta tao nhã, lịch thiệp, còn cô thì không?

Bạch Dương mím môi:

– Anh muốn nói là tôi vô duyên, mất lịch sự chớ gì?

Sơn Tùng đắc ý:

– Gần đúng như vậy.

Bạch Dương không thèm trả lời, cô quay lưng lại đóng cửa rào một cái “cốp”.

rồi bước vào nhà. Ông Duy Ân vội vã gọi theo:

– Bạch Dương! Cháu ...

Bạch Dương trả lời mà không thèm quay lưng lại:

– Người không lịch sự không cần phải nói thêm nhiều.

Ông Duy Ân đứng yên trố mắt chưng hửng nhìn Bạch Dương mất hút sau cánh cổng. Ông Duy Ân nhìn Sơn Tùng nói như trách móc:

– Thế là mất công mà không được việc.

Thấy ông Duy Ân buồn, Sơn Tùng cũng không dám nói thêm. Anh đề máy xe rồi nói nhỏ:

– Mình về đi ba.

Không lẽ cứ đứng yên ở đây mãi. Ông đành phải lên xe ngồi mà mắt chứ nhìn vào nhà bà Bạch My như tiếc nuối.

Bạch Dương vừa vào đến phòng khách thì thấy bà Bạch My cũng sửa soạn xong. Có lẽ bà định đến của hàng trà ngoài thị xã. Ngoài công việc thu hoạch trà ở nhà, bà còn kinh doanh mặt hàng này để giới thiệu sản phẩm quê hương mình đến được với thị trường Đông Nam Á – Ai ở ngoài cổng mà đấu khẩu với con vậy?

Bà Bạch My hỏi Bạch Dương trả lời tỉnh bơ:

– Một ông, một gã.

– Là sao hả con?

– Tức là một già và một thanh niên.

– Có chuyện gì mà thấy con đấu khẩu say mê vậy?

Bạch Dương nguýt dài:

– Người gì mà thấy ghét.

Bà Bạch My cười:

– Ghét là chuyện bình thường. Con mà thấy thương mới là chuyện lạ chớ.

Bạch Dương nhăn nhó:

– Trong đời này con sẽ không thể nào thương được mấy tên đàn ông cả. Tất cả đều là giả dối, điêu ngoa, lừa lọc, phản bội tình cảm.

Bà Bạch My lắc đầu khi nghe con gái liệt kê một lô tội lỗi của đàn ông. Bà biện minh yếu ớt:

– Không hẳn là thế đâu con. Ở trong đời không phải ai cũng thế.

– Trong mắt con tất cả đều như thế, họ đều làm khổ phụ nữ chúng ta. Bằng chứng hiển nhiên là cuộc đời của mẹ và sự côi cút của chính con.

– Tại phần số của chúng ta thôi. Trong xã hội cũng có rất nhiều gia đình được hạnh phúc.

– Con không tin vào phần số đâu. Có một câu nói mà con luôn ghi nhớ:

''Sự khổ đau có thể làm cho đôi má bớt hồng nhưng không thể lay chuyển được trái tim dũng cảm'' Chúng ta phải chiến đấu để chiến thắng cái phần số đó.

Bà Bạch My nhìn con. Nó không còn là đứa con gái yếu ớt, tinh thần nó mạnh mẽ như là một thằng con trai khí khái. Vừa mừng vừa lo, bà âu yếm nói:

– Tính khí con thế này thì chàng trai nào yếu bóng vía không dám bước vào.

Bạch Dương khẳng khái:

– Con không cần ai để ý đến con cả. Con không muốn họ đem sự bất hạnh đến cho con.

Biết không thể lay chuyển được đầu óc của Bạch Dương trong vài câu nói.

Bà cần phải có thời gian giúp con gái giảm bớt sự nghi ngờ đối với đàn ông. Bà muốn con gái bà thật hạnh phúc, không thể vì sự lỡ làng của bà mà cay cú, chối bỏ tình yêu đôi lứa. Bà chuyển câu chuyện sang hướng khác:

– Để hôm khác chúng ta nói đến vấn đề này. Bây giờ con hãy trả lời câu hỏi của mẹ.

– Mẹ hỏi đi.

Bà Bạch My nhắc lại câu hỏi của mình:

– Ai ở ngoài cổng đấu khẩu với con vậy?

– Thì con đã trả lời rồi. Hai người đàn ông đáng ghét.

– Mẹ muốn con trả lời cụ thể hơn.

– Là thế nào hả mẹ?

– Đại khái hai người ấy là ai?

Bạch Dương gật đầu:

– Được rồi mẹ. Con sẽ trình bày cho mẹ một cách cụ thể hơn. Hai người đàn ông ấy một già một trẻ. Trẻ đẹp trai, già cũng rất đẹp trai, trẻ tên Sơn Tùng ...

Bà Bạch My mỉm cười khi nghe con gái trình bày như đang diễn thuyết. Bà không ngắt lời con mà để cho Bạch Dương nói tiếp.

Bạch Dương vẫn kéo dài giọng:

– Già tên Duy Ân!

Bà Bạch My không nén được nỗi xúc động dâng trào trong lòng. Bà dồn đập hỏi:

– Duy Ân! Duy Ân nào?

Bạch Dương bình thản trả lời:

– Ông ta bảo là bạn thân của mẹ thời còn đi học.

Bà Bạch My đưa tay lên lồng ngực cố ngăn cơn thổn thức của mình. Bà lẩm bẩm:

– Đúng rồi. Đúng là Duy Ân rồi.

Bạch Dương ngạc nhiên nhìn mẹ, rồi lo lắng hỏi:

– Mẹ! Mẹ làm sao vậy?

Bà Bạch My cố trấn tĩnh:

– Không sao ... Mẹ không sao cả.

Bạch Dương hoài nghi:

– Thật tình là mẹ không sao chứ?

– Ừ! Mẹ không sao.

Bạch Dương vẫn nhìn mẹ trân trối:

– Duy Ân! Ông ta là ai mà ảnh hưởng đến tinh thần mẹ như vậy?

Bạch My chỉ đáp nhẹ:

– Thì ông ta là bạn của mẹ thời đi học.

Bạch Dương vẫn không tin. Cô cố tìm hiểu:

– Bạn bình thường thời đi học thì đâu có thể làm mẹ xúc động như thế. Mẹ!

Mẹ nói thật đi. Ông ta là gì của mẹ?

Bà Bạch My bực dọc:

– Mẹ đã nói rồi. Ông ta chỉ là bạn của mẹ thôi, không là gì cả.

Rồi bà quay sang la rầy Bạch Dương:

– Con coi mình kìa, sáng sớm không lo tắm rửa thay đồ lịch sự vào. Con gái gì mà quần shon, áo thun, đã vậy mà còn ngang nhiên ra cổng tiếp đàn ông.

Thật không còn ra thể thống gì cả.

Bạch Dương tức ấm ách, toan cãi lại thì bà Bạch My đã trừng mắt lên:

– Còn không nghe lời mẹ, định cãi lại hay sao?

Bạch Dương cúi mặt. Cô biết, đối với cô dù là rất ngổ ngáo nhưng một khi mẹ đã ra lệnh bao giờ cô cũng nhất nhất tuân lời.

– Vào tắm rửa thay đồ đi!

Không dám đợi mẹ bảo thêm, Bạch Dương vội răm rắp nghe theo:

– Dạ.

Bạch Dương đi rồi, bà Bạch My buông thõng người trên ghế. Bà ôm đầu kêu nho nhỏ:

– Oan gia! Sao còn lại quay về làm gì?

Duy Ân! Cái tên ấy đã gợi lên trong bà bao kỷ niệm của một dĩ vãng quá đau thương ...

Trước khi làm lễ tốt nghiệp cho các sinh viên đã xuất sắc trong kỳ thi, trường Đại học Mỹ thuật có tổ chức một cuộc thi hội họa dành cho các sinh viên trong kỳ này. Tất cả đều hăng hái tham gia với tinh thần và lòng đam mê hội họa. Ban giám khảo đang đau đầu cân nhắc cho hai bức tranh của hai sinh viên ưu tú. Đó là Duy Ân và Bạch My. Thầy Huỳnh Phúc thì tán thành bức tranh ''Nhịp sông Sài Gòn'' của Duy Ân:

– Đây là một bức tranh sống động với nét vẽ điêu luyện. Nó mô tả được một Sài Gòn với thời hiện đại và nó cũng phản ánh được một môi trường ô nhiễm qua những làn khói công nghiệp. Tôi cho là bức tranh này phải đạt giải nhất.

Thầy Khang Minh cũng bảo vệ bức tranh ''Cao nguyên thơ mộng'' của Bạch My:

– Ở đây tôi không nói đến nét vẽ bởi vì nó quá hoàn hảo, quá tuyệt mỹ. Mà ở đây tôi muốn nói đến một không khí trong lành của một buổi sáng vùng cao.

Các bạn xem dưới chân đồi trà trắng muốt những bông hoa, một mặt trời ... phải nó là một mặt trời nhô lên đỏ ối chiếu lên những bông trà trắng muốt tạo những tia ngũ sắc lung lỉnh. Đẹp! Tuyệt đẹp! Quê hương đất nước Việt Nam ta nơi nào cũng đẹp.

Hai bức tranh được đưa cao lên ngang tầm nhau để toàn ban giám khảo so sánh. Người thích bức ''nhịp sống Sài Gòn'' hơn, kẻ thì xuýt xoa khen ngợi một “Cao nguyên thơ mộng”. Cuối cùng, thầy Nguyễn Trân là hiệu trưởng của trường mà cũng là trưởngban giám khảo cuộc thi đưa ra một đề nghị:

– Bây giờ tôi đề nghị để cho cuộc thi có tính chất công bằng chúng ta cùng biểu quyết. Các anh chị nghĩ thế nào?

Nhiều cánh tay giờ lên:

– Đồng ý! Đồng ý!

– Bây giờ tôi đưa cao tranh ''Nhịp sống Sài Gòn'', ai nghiêng về bức tranh này thì biểu quyết.

Một số cánh tay giơ lên. Thầy Nguyễn Trân đếm rồi ghi số lượng.

– Bây giờ tới lượt bức tranh ''Cao nguyên thơ mộng'', xin mời các anh chị biểu quyết.

Bỗng dưng cả toàn ban giám khảo cùng đưa tay lên. Họ quên rằng mình đang phạm luật không được biểu quyết hai lần:

Nhưng họ cũng muốn chứng tỏ rằng mình cũng rất thích bức ''Cao nguyên thơ mộng'' Thầy Nguyễn Trân khoát tay:

– Thôi được rồi, coi như chúng ta đồng công bố kết quả đi.

Khi ba giải được ban giám khảo công bố:

– Giải nhất, bức ''Cao nguyên thơ mộng''. Giải nhì, bức ''Nhịp sống Sài Gòn''.

Giải ba, bức “Công viên chiều” và sáu giải khuyến khích dành cho các thí sinh có triển vọng.

Trong tiếng reo hò của các bạn, có một ánh mắt thất vọng lẫn oán trách của một người hiện lên. Đó là tác giả đoạt giải ba của bức ''Công viên chiềú'. Đó là Thành Minh. Trong lòng anh đang hậm hực, uất ức:

– Bức tranh của mình nếu không giải nhất thì phải giải nhì. Các thầy cô đã quá thiên vị Duy Ân rồi.

Giữa lúc Thành Minh tức tối không biết phải tâm sự với ai thì có một bàn tay đập vào vai anh:

– Thành Minh! Đoạt giải ba nên buồn bực phải không?

Nhận ra Trung Nghĩa, Thành Minh lặng thinh không nói. Trung Nghĩa lại nói tiếp tục:

– Quái gì mà cậu phải buồn. Chúng ta còn nhiều thời gian để rèn luyện, nhiều cuộc thi để tranh tài. Lần này không được thì lần khác.

Thành Minh lắc đầu:

– Tớ không lạc quan như cậu đâu.

– Sao lại không lạc quan. Tốt nghiệp khóa này có đến gần cả trăm sinh viên.

Cậu đoạt giải ba là quá triển vọng rồi. Tớ đoạt giải khuyến khích tớ đâu có buồn. Rồi còn gần cả trăm sinh viên còn lại, chẳng lẽ họ không được giải kỳ này thì thất vọng bỏ nghề hết hay sao?

Nghe Trung Nghĩa nói cũng có lý, Thành Minh cũng nguôi ngoai.

– Không muốn cũng phải nghe lời cậu mà lạc quan lên chứ biết làm sao bây giờ.

Trung Nghĩa thấy Thành Minh chịu nghe lý lẽ cũng mừng thầm, anh rủ nhỏ:

– Tớ với cậu ra ngoài làm lai rai một xị đi.

– Nhưng hôm nay là ngày bế giảng, tớ muốn ...

Trung Nghĩa nói ngay:

– Từ giã Bạch My hả?

Thành Minh gật đầu. Trung Nghĩa chỉ tay về phía những cây hoa phượng:

– Cậu không cần lo. Có người từ giã rồi.

Thành Minh nhìn theo tay của Trung Nghĩa. Anh buồn bã thất vọng. Bạch My đang sóng đôi cùng Duy Ân đi bên hàng cây phượng đỏ. Họ nói điều gì mà trong thật là tâm đắc.

– Buồn hả?

Trung Nghĩa bâng quơ hỏi.

– Không!

– Đừng giấu tớ. Tớ biết ngay bụng dạ cậu. Nhưng cậu buồn làm gì, phải của cậu thì sẽ là của cậu thôi.

Thành Minh không muốn nói gì thêm với Trung Nghĩa. Anh kéo tay bạn:

– Ra ngoài tớ với cậu làm một xị đi!

– Đồng ý ngay.

Cả hai cùng kéo nhau ra ngoài cùng chén chú chén anh cho vơi nỗi sầu đang vương vấn.

Ngoài kia, dưới gốc phượng già, Duy Ân cùng Bạch My tựa vào thân cây mà thủ thỉ lời chia tay:

Duy Ân ngậm ngùi:

– Bạch My! Chia tay hôm nay rồi ngày mai này bao giờ chúng ta mới gặp lại?

Bạch My ngạc nhiên:

– Duy Ân! Anh nói gì lạ vậy? Tuy rằng khi ra trường, chúng ta sẽ công tác ở những nơi khác nhau, nhưng hai trái tim chúng ta luôn bên nhau, luôn cùng một nhịp đập.

Rồi cô nhìn anh hoài nghi:

– Có chuyện gì xảy ra phải không Duy Ân?

Duy Ân hơi bối rối:

– Không! Anh đã bảo là không có việc gì cả. Chỉ tại ngày chia tay làm anh xúc động và giải thưởng hôm nay làm anh sung sướng đến muốn nghẹt cả tim.

– Anh nói thật chứ?

– Thật!

Rồi Duy Ân chuyển sang câu chuyện khác:

– Bạch My! Tại sao em lại chọn đề tài là Cao nguyên đèo cao hiu hắt vậy?

– Tại vì em thích cái không khí trầm lắng nên thơ của vùng rừng núi này.

Ngày nào nếu em không còn anh, em sẽ đến nơi này để ẩn cư, xa lánh chốn phồn hoa đô hội này để chôn chặt niềm đau.

Nghe Bạch My nói, Duy Ân hốt hoảng lay nhẹ tay cô:

– Bạch My! Hãy hứa với anh. Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, can đảm sống và phải tìm hạnh phúc riêng cho mình.

Bạch My ngậm ngùi:

– Không có anh thì cuộc sống của em cũng trở thành vô nghĩa Duy Ân ơi.

Duy Ân trấn an:

– Anh chỉ nói vậy thôi, chớ anh lúc nào cũng ở bên em. Yên tâm đi Bạch My.

Bây giờ anh đưa em về nghe.

Bạch My nhìn khắp sân trường đều vắng lặng. Tất cả bạn bè đã ra về, gửi lại nơi đây bao kỷ niệm và tình yêu trong sáng của mình.

Bạch My đã vào làm việc cho một công ty quảng cáo của thành phố. Giải nhất của cuộc thi hội họa dành cho sinh viên giúp cô thật dễ dàng có một việc làm.

Nhưng Duy Ân, anh hứa sau khi về quê, anh sẽ trở lại thành phố làm việc và tiến hành hôn nhân cùng cô. Thế mà đã mấy tháng trôi qua, anh vẫn bặt âm tín.

Bạch My trông mong anh từng ngày.

Chiều nay, sau giờlàm việc ở công ty, Bạch My uể oải bước về nhà. Vừa vào đến phòng khách chưa kịp chào mẹ thì mẹ bảo:

– Bạch My! Con có thư.

– Thư ai hả mẹ?

– Mẹ không biết, nhưng bưu ấn từ Hoa Kỳ lận đó?

Bạch My ngạc nhiên:

– Mỹ? Con đâu có bạn bè gì ở bển?

– Thì con cứ xem thư thì biết của ai chứ gì?

Nghe lời mẹ, Bạch My cầm bức thư lên. Những dòng chữ đập vào mắt cô khiến cô run rẩy.

– Duy Ân!

Bà Bạch Lan càng ngạc nhiên hơn:

– Thư của Duy Ân gởi cho con, sao lại gởi từ bên Mỹ?

– Con không biết.

Bà Bạch Lan lại thúc giục:

– Con đọc thư đi xem thế nào.

Bạch My run run giữ bức thư ra đọc. Đúng là cô đã không lầm. Bức thư Duy ân gởi chỉ có dấu ấn của bưu chính từ một đất nước xa xôi mà thôi.

Cali, ngày ...tháng ...

Bạch My yêu thương!

Tha thứ cho anh,một kẻ phản bội đã lừa dối em để làm một cuộc trốn chạy.

Anh đã đi, đi như một tên tội đồ trốn chạy khỏi vòng luật pháp. Đi mà không dám từgiã em một lời.

Hãy nguyền rủa anh đi Bạch My! Một thằng con trai nhu nhược yếu hèn đã không dám đứng lên bảo vệ tình yêu chân chính của chính con tim mình. Anh đã ra đi theo sự sắp sếp của gia đình bằng một cuộc hôn nhân gượng ép. Anh đã phụ bạc lừa dối em, anh không xứng đáng để em yêu!

Hãy quên anh đi Bạch My! Hãy nhớ lời mà hôm nào bên gốc phượng già anh đã nói cùng em:

“Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống can đảm sống và tìm hạnh phúc cho riêng mình”.

Mãi mãi suốt đời anh sẽ không bao giờ quên em. Anh yêu em suốt đời My ơi.

Chúc em hạnh phúc.

Kẻ tội lỗi.

Duy Ân.

Bạch My thẫn thờ buông rơi lá thư. Cô ôm mặt khóc và vụt chạy ra đường.

Bà Bạch Lan hốt hoảng gọi:

– Bạch My! Chuyện gì vậy Bạch My?

Bạch My không nghe tiếng mẹ gọi. Cô chạy ra đường và nhảy lên chiếc taxi vừa đậu lại.

Bà Bạch Lan quay vào nhà nhặt lá thư lên đọc. Bà hiểu con gái bà đang đau khổ. Bà muốn chia sẻ đau thương cùng con nhưng đâu biết phải làm gì. Chẳng lẽ cuộc đời con gái bà lại cũng bể dâu như cuộc đời bà:

– Tội nghiệp con tôi!

Người mẹ âm thầm đau xót thương cho thân phận đứa con gái thân yêu!

Bạch My xuống xe, cô cứ đi đi mãi mà chẳng biết sẽ về đâu. Màn đêm buông xuống, thành phố đã lên đèn. Mất ý niệm về không gian và thời gian, Bạch My cứ đi, đi như kẻ vô hồn. Cô nói trong cơn thổn thức:

– Thế là hết. Duy Ân ơi! Thế là hết. Sao anh nỡ phụ em hả Duy Ân?

Bạch My gục đầu vào thành ghế đá của công viên khóc nức nở. Từng giọt mưa lạnh lùng rơi xuống vai cô không còn nghe lạnh, bởi cái lạnh của thể xác đâu lạnh bằng cái lạnh của tâm hồn.

– Bạch My! Về đi em!

Một chiếc áo choàng phủ lên vai cô, một giọng nói quen thuộc vang lên.

Bạch My ngỡ ngàng hỏi:

– Thành Minh! Là anh sao?

– Phải! Anh đây!

– Sao anh biết My ở đây mà đến vậy?

– Vô tình anh gặp em ngoài đường, thấy gương mặt thẫn thờ của em, anh nghi nghi nên theo em vào công viên, không ngờ trời lại đổ mưa. Bạch My! Vì sao mà ra nông nỗi như vầy?

Bạch My òa khóc:

– Thành Minh ơi! Em khổ lắm!

Thành Minh vỗ về:

Bạch My! Nín đi em! Đừng tự đày đọa, hành hạ thân mình nữa. Hắn không xứng đáng để em khổ như thế đâu.

Bạch My ngạc nhiên:

– Thành Minh! Anh cũng biết chuyện này nữa sao?

– Chỉ có em là không biết. Lúc Duy Ân lên phi cơ, ai cũng biết.

– Tại sao mọi người lại giấu em?

– Mọi người thì anh không biết, còn riêng anh thì anh không muốn mọi người bảo anh là kẻ thừa nước đục thả câu.

– Anh nói thế là sao?

– Mọi người, ai cũng biết anh yêu em, chỉ có em là không biết thôi.

Bạch My sững sờ:

– Thành Minh! Anh yêu em à?

– Phải! Nhưng bên em lúc nào cũng có Duy Ân, nên em vẫn vô tình không nhận ra, để anh mang mối tình đơn phương mà âm thầm đau khổ.

– Thành Minh. Em không xứng đáng với anh đâu.

– Tình yêu là do sự phát xuất chân thành của trái tim chớ không phải là do sự đo lường mà xứng hay không xứng.

– Nhưng em ...

Thành Minh nói như năn nỉ:

– Đừng từ chối anh nữa Bạch My. Hãy cùng anh làm lại từ đầu, xây dựng lại tình yêu và cuộc đời mới tươi đẹp hơn.

– Thành Minh! Anh như một dòng nước trong tươi mát, em như con suối cạn nguồn vẩn đục bới cặn bã của tâm hồn đau. Em không xứng đáng mà hòa nhập cùng anh đâu.

– Dòng nước tuy trong nhưng ai lại không biết, nó phải có một thời gian vẩn đục. Em tuy tâm hồn dẫu có đục nhưng rồi sẽ chìm trong đáy nước, rồi sẽ trong suốt mà thôi. Đừng từ chối anh nữa Bạch My.

Bạch My cảm động trước tấm chân tình tha thiết của Thành Minh.

– Thành Minh! Hãy cho em một thời gian nữa. Thời gian sẽ gột rửa tất cả những bụi bặm của tâm hồn. Em muốn đến với anh bằng một Bạch My hoàn toàn thanh thản ...

Thành Minh sung sướng:

– Cám ơn em đã cho anh một cơ hội. Một cơ hội được gần gũi, chăm sóc và lo lắng cho em.

– Cám ơn anh Thành Minh.

– Anh phải cám ơn em mới đúng chứ Bạch My.

Bạch My thấy nguôi ngoai nỗi buồn trong lòng. Cô cười gượng:

– Chúng ta không cần phải cám ơn nhau nữa, Thành Minh.

– Phải chúng ta hãy cám ơn Thượng đế đã ban cho mình một hạnh phúc được gần nhau.

Bạch My nhìn anh thầm nghĩ:

– Có phải tấm chân tình là đây.

Ngoài trời, cơn mưa đã tạnh. Những ngọn đèn lung linh tỏa sáng một thành phố đầy sao thắp lên bao niềm tin và hy vọng cho những trái tim yêu đời, yêu người.