Ông Bách đăm đăm nhìn vào cái cô gái ngồi đối diện, vẻ mặt ông đầy căng thẳng, bứt rứt. Một lúc sau, ông mới nói:
- Cháu tên My à? Cái gì My?
Cô gái khẽ cắn môi, bình thản:
- Dạ, My là tên gọi cháu ở nhà. Bà nội cháu biểu hãy nói tên My khi gặp bác, bác sẽ nhớ cháu là ai mà không cần bất cứ vật chứng gì. Bây giờ cháu lại nghĩ nội cháu đã lầm, bác nhỉ. Năm tháng trôi qua, đã hai mươi năm rồi còn gì. Liệu những cơ cực của quê hương tuổi thơ có tồn đọng trong trái tim bác hay không? Thôi thì bác hãy gọi cháu là Hoàng Dung. Võ Trần Hoàng Dung. Và bác hãy đọc lá thư nội cháu gởi cho bác.
Ông Bách nuốt nước bọt, trong khi cổ ông khô khốc, bởi khuôn mặt giống như tạc của Hoàng Dung với một người con gái ông đã yêu say đắm hết một thời - Hoàng Hương. Hai mươi mốt năm nay, ông luôn bận rộn cùng công việc kinh doanh của mình. Ông vẫn âm thầm nhờ người tìm kiếm tung tích Hoàng Hương nhưng không ai cho ông được một chút hi vọng tin tức gì. Ông nuốt nỗi đau vào lòng để suốt tháng năm triền miên trong nỗi day dứt, tự kết tội mình không nguôi.
Bây giờ, khi ông không còn chút manh mối nào ở Hoàng Hương, thì cô gái này xuất hiện. Cô gái như một bản sao thu nhỏ của Hoàng Hương hồi ông còn ở quê nhà, bên cô láng giềng xinh đẹp, nhu mì.
Hoàng Dung ngạc nhiên nhìn vào lá thư vẫn nằm trên tay ông Bách, nó rung lên bần bật trên những ngón tay đang già đi theo năm tháng, và ánh mắt người đàn ông như trôi về một vùng xa xăm nào đó, mông lung thăm thẳm.
- Bác ơi! Bác ... không sao chứ?
Hoàng Dung lo lắng hỏi. Tay cô chạm khẽ vào lá thư. Ông Bách giật mình nắm chặt lại phong thư cứ như sợ cô gái đem đi mất. Ông cười nhợt nhạt:
- Bác không sao! Dạo này, trí nhớ của bác có phần lơ đãng quá, chắc tại bác đã quá già. Cháu uống nước đi!
Hoàng Dung lễ phép:
- Dạ. Bác để cháu tự nhiên. Bác đọc thư của nội cháu, và cho phép cháu dạo quanh nhà, được không ạ?
Ông Bách dễ dãi:
- Được chứ cháu! Vậy cháu hãy tự lo cho bản thân đi nghen!
Hoàng Dung tự tin đi ra vườn. Ông Bách có căn nhà đã đẹp như một lâu đài trong truyện cổ tích, nhưng khuôn viên vườn hoa của ông còn đẹp hơn, dù chỉ là diện tích khiêm tốn. Vẫn có đủ hồ bơi, hai luống hồng đủ loại: vàng, nhung, trắng. Còn hoa lan thì nhiều không thể kể xiết mà Hoàng Dung chẳng đủ trình độ để biết được hết tên gọi của nó.
Cúi xuống một khóm hồng vàng, Hoàng Dung nâng đóa hoa trên tay, đưa lên mũi ngửi. Thơm quá là thơm! Ở quê của Dung, cô chưa khi nào được tận mắt chiêm ngưỡng hoa hồng thật cả. Cô chỉ nghe sách báo tả về vẻ đẹp kiêu sa của hoa hồng, về mùi hương quyến rũ của nó, chứ có đâu mà ngửi.
- Cô bé thích hoa lắm phải không? Cắt lấy vài bông đem về cắm trong bình, bảo đảm căn phòng của cô bé sẽ rất đẹp, rất sang thêm đấy.
Một giọng đàn ông thật ấm vang lên khiến Hoàng Dung giật mình, đứng thẳng dậy.
Cô tròn mắt nhìn gã thanh niên trước mặt:
- Chú ... là ai thế?
- Là người đủ quyền cho cô bé tất cả loại hoa ở nơi này. Cô bé chịu không?
Hoàng Dung lắc đầu:
- Rất tiếc, tôi chẳng có phòng riêng nào cả, nên cũng không cần đến hoa đẹp để chưng.
Hắn có vẻ ngạc nhiên:
- Sao hả? Một cô gái dễ thương thế này lại nói không có \"phòng riêng\", tôi không thể tin!
Hoàng Dung bặm môi thản nhiên:
- Đơn giản vì từ nhỏ chú đã được lớn lên trong sự sang trọng đủ đầy, nên chú nghĩ ai cũng có một thế giới bé nhỏ của riêng mình, dù không đẹp, không sang như của chú. Sự thật, tôi lớn lên trong một căn nhà lá ọp ẹp, mưa dột nắng soi. Từ bé tôi đã quen ngủ cùng bà của tôi.
Hắn có vẻ ray rứt:
- Tôi xin lỗi, quả là tôi chưa hình dung được, bằng tuổi cô bé vẫn còn ngủ chung với bà, với mẹ.
- Tôi cũng không có mẹ. Chỉ lớn lên bên nội tôi thôi.
- Cô bé à! Cô bé có nghĩ cô bé đang rất mâu thuẫn không? Đã là con người, ai lại không có cha, có mẹ chứ?
Hoàng Dung vẫn thản nhiên:
- Nhưng tôi thì khác mọi người. Tôi được bà nội tôi nuôi từ khi tôi còn khóc oa oa lận. Tôi đâu có mẹ.
Hoàng Dung định nói thêm câu gì đó, nhưng trước ánh mắt cứ nhìn thao láo của hắn vào cô khiến cô không nói hết được ý nghĩ của mình.
Hắn trầm tĩnh:
- Vậy em là ai? Sao có mặt ở đây?
- Tôi đến đây vì lời gửi gắm của bà nội tôi cho bác Bách. Còn chú, chú là gì của bác ấy?
Hắn tủm tỉm cười:
- Chả lẽ tôi già đến mức bị cô bé xếp ngang hàng với \"bác Bách\" của cô bé?
- Ừm ... cũng ... Không phải vậy! Tại tôi quen miệng thôi.
Hắn cười ... Chúa ơi! Con trai gì lạ, có nụ cười đẹp và quyến rũ đến mức Hoàng Dung nhót cả tim.
- Vậy hãy nghe để rồi đừng gọi \"anh bằng chú\", nhớ nghen! Anh là con trai của bác Bách.
- Hả! -- Hoàng Dung trợn mắt, bật kêu lên. -- Chú ... không nói xạo tôi chứ. Nhìn chú đâu thua bác Bách bao nhiêu tuổi đâu. Chả lẽ hơn mười tuổi bác ấy đã làm cha à? Tôi hổng tin!
Hắn tỏ vẻ buồn buồn:
- Thì ra không phải chỉ những người quen biết nhận xét như thế về tôi. Cả cô bé, tôi chưa biết tên cũng bảo rằng tôi đã già ư? Buồn quá!
- Con người, ai không trưởng thành theo qui luật của tạo hóa. Có trẻ tất phải già, có gì đáng buồn chứ!
- Khổ nỗi, tôi chưa vợ con, thậm chí một mảnh tình vắt vai để làm vốn với đời tôi còn chưa có. Như thế không là điều đáng buồn, đáng sợ ư, khi ta đã già nua.
Ông Bách không hề biết cô gái đang đành hanh với cậu con trai của ông. Hoàng Dung thường nghe bà nội kể: mẹ cô yêu duy nhất ông Bách. Vậy mà bây giờ gã con trai lại \"hùng dũng\" tuyên bố gã là con trai của ông Bách! Một tên con trai lớn hơn cô gần mười tuổi chứ ít gì! Bởi thế, cô không cắn đắng sao được.
Ông Bách run run lần mở phong thư. Nét mực tím nghiêng trên tờ giấy đã ố vàng, nhạt nhòa theo năm tháng như ngàn mũi kim đâm vào ngực ông nhức nhối, đớn đau. Ông tưởng đâu đây những ngón tay của Hoàng Hương run theo nét chữ.
Lạc Dương ...
Anh Bách thương yêu!
Khi viết bốn chữ này, nước mắt em đã đi ngược vào tim em không còn khóc được thành lời. Vì em đã yêu, để rồi ôm hận cho số phận kém may mắn của mình, đã đặt nhằm nơi không có chỗ đứng cho em. Đó cũng là lý do tại sao bao năm qua Hoàng Hương bỏ xứ ra đi, không một lần tìm anh.
Anh ơi! Khi lá thư này đến tay anh - nếu ông trời cho anh và con gái chúng ta trùng phùng - thì em đã là người của thế giới không còn vui buồn, thù hận. Em sắp ra đi, và em cần nói với anh một sự thật dẫu muộn màng, thì \"cũng phải có cội nguồn, gốc rễ\" mà anh. Em ra đi khi biết mình mang giọt màu tình yêu trong người. Cũng là lúc mẹ anh và cô Hai của anh tìm đến em để sỉ nhục, hăm dọa. Dẫu hận họ ngút ngàn, em vẫn không một lời cãi lại. Bởi họ là mẹ, là cô của anh. Mẹ anh nói: nếu em không ra đi, bà sẽ trình làng để \"gọt đầu, bôi vôi em\". Tiếc là đã bước vào thế kỷ 20 rồi mà quê mình còn nặng những cổ tục tàn nhẫn vô cùng.
Vậy là em âm thầm trốn cha mẹ, xóm làng để ra đi. Hai bàn tay trắng, một tấm thân tàn không nơi nương tựa, em tưởng mình đã chết trong chiều mưa vùng Cao Nguyên giá lạnh ấy.
Anh Bách! Số phần em chưa dứt nên em đã được mẹ con anh Bân cứu mạng, giúp đỡ. Anh Bân bị tật bẩm sinh, căn bệnh không thể có con cái, nên khi em sanh bé My, anh Bân và bà cụ đã yêu thương con gái chúng ta như ruột thịt (em đặt tên cho con là Vũ Trần Hoàng Dung - con mang họ anh và thêm tên gọi ở nhà là Vũ My: đám mây nhỏ bình yên trên bầu trời rộng lớn) theo đúng tâm nguyện của anh.
Em mong có một ngày Vũ My của em sẽ tìm được anh, anh hãy nhận con, để nó có được một dòng họ mà sống trên đời.
Anh Bách! Dù sau này anh đã có một gia đình khác, em cũng xin anh hãy chăm lo cho Vũ My, con đã thiệt thòi nhiều.
Em mệt lắm rồi. Xin chúc anh trọn đời hạnh phúc và đừng bỏ rơi Hoàng Dung, khi nó tìm về cội nguồn, có nghĩa là nó đã không còn nơi nương tựa.
Vĩnh biệt anh.
Trần Hoàng Hương
Mắt ông Bách nhòa lệ, thời gian và bao kỷ niệm nhập nhòa trong ký ức ông. Khi ông nhận ra nét mặt đẹp như thiên thần của Hoàng Dung lấp ló bên ô cửa sổ.
Ông Bách gọi nhỏ:
- Cung à! Vô đây ba biểu!
Gã con trai nháy mắt với Hoàng Dung:
- Papa tôi đang gọi. Cô bé vào cùng tôi nha!
Hoàng Dung nhún vai:
- Cái gì Cung nhỉ? Đình Cung hay Phi Cung?
Biết cô nhóc xỏ xiên mình, Cung chỉ cười không nói. Anh nhanh chân bước vô nhà, mặc cho Hoàng Dung chau mày suy nghĩ.
Bà nội nói ông Bách là cha ruột của cô. Đúng hay sai nhỉ? Khi mẹ là người yêu đầu tiên của ông! Vậy thì gã con trai tên Cung kia, ông Bách sanh khi nào mà hắn lớn hơn cô cả chục tuổi? Chả lẽ, ba thật sự là người thích đuổi bướm hái hoa, đùa cợt với mẹ cô trong khi ông đã có vợ lớn ở nhà?
Nếu vậy, cô đến đây khác nào tự chuốc nhục vào thân. Mẹ của tên Cung chắc chẳng đời nào muốn thừa nhận đứa con từ trên trời rơi xuống như cô rồi. Ba mươi sáu cách, có lẽ tốt nhất là hãy đi khỏi nơi này, để khỏi bị người ta chà đạp, chê khinh.
Hoàng Dung lặng lẽ đi trở ra cổng. Căn biệt thự này được trồng quá nhiều cây kiểng, nên cô dễ dàng lẻn sau những khóm hoa, đi lần ra cổng.
Thôi, chào nhé căn nhà đẹp như một cung điện nhà vua, công chúa từng được sống một ngày đã phải đi rồi.
Bằng động tác nhanh như cắt, Hoàng Dung bật người qua khỏi cánh cổng cao hơn mét rưỡi. Cũng may hồi ở quê, cô từng là vận động viên nhảy sào, môn thể thao hoàng hậu này ít nhiều có ích cho cô trong hoàn cảnh hiện tại.
- Ai da!
Chân chưa chạm đất, cô đã nghe tiếng người kêu thảng thốt đúng lúc cô cảm nhận được mình đang bị giữ lại bởi một thân hình.
Hoàng Dung hất tay, cố thoát khỏi bàn tay rắn như thép của người đàn ông đang giữ cô.
- Ông làm ơn bỏ tôi xuống!
- Hừ! Ban ngày ban mặt mà cô dám trèo tường nhà người ta. Đúng là gan trời mà! Con gái gì mà kinh khủng vậy?
Gã đàn ông gằn gằn giọng. Hoàng Dung hậm hực:
- Ông nói bậy! Tôi không có ăn trộm, cũng không trèo tường.
- Sự thật rành rành mà còn chối à! Được, tôi đưa cô lên công an, chắc ở đó họ có cách bắt cô nói ra sự thật.
Hoàng Dung hét nhỏ:
- Vô duyên! Người ta ăn trộm hồi nào! Ông đừng có vu khống!
- Không ăn trộm sao nhảy rào?
- Thích đấy, được không?
Gã trợn mắt:
- Bản lĩnh lắm! Để tôi gọi chủ nhà, hỏi xem họ có mất gì không rồi mới nói được.
Hoàng Dung nghe nói vậy, cô chán quá. Để hắn ta gọi cha con ông Bách ra thì cô làm sao đi được chứ!
Thấy cô im lặng, gã nheo mắt:
- Sao hả, sợ rồi phải không?
- Còn khuya mới sợ!
- Vậy thì ... -- Hắn ta đưa tay toan ấn vào nút đỏ.
Hoàng Dung kêu lên:
- Tôi xin ông đấy! Tôi thề tôi không có lấy đồ của họ. Không tin, ông có thể kiểm tra người tôi.
Cắn nhẹ môi, cô tiếp tục:
- Tôi sẽ để ông khám người, nhưng phải xa xa cổng này một chút.
Gã gật gù:
- Thôi được! Coi như tôi vị tình cô trẻ người non dạ. Đi nào!
Hoàng Dung vừa xoay lưng thì một chiếc Honda màu đỏ trờ đến, tiếp đó là giọng con gái vút cao:
- Ủa! Anh Phước Long! Anh đến tìm em hả? Sao không gọi cổng?
Hoàng Dung nhìn gã con trai không chớp mắt. Tên của hắn ta sao giống địa danh nơi cô ở ghê đi. Có khi nào hắn cũng là dân Bình Phước không nhỉ?
- Như Sương! Không phải anh đến tìm em đâu. Vì em nói em đi Vũng Tàu kia mà, sao về sớm quá vậy?
Như Sương nháy mắt:
- Tại người ta nhớ anh nên về sớm. Bộ anh không thích hay sao?
- Xời! Giống \"cải lương\" quá!
Hoàng Dung buột miệng, nói xong vội che tay để cười.
Như Sương nhăn mày:
- Cô ta là ai vậy, anh Long? Vạc ăn đêm à? Bây giờ mới chập chiều thôi mà.
Phước Long có vẻ khó chịu trước câu hỏi của cô bạn gái, anh kêu nhỏ:
- Như Sương!
- Em nói sai à? Nhìn y hệt một con nhà quê lên tỉnh. Chắc bắt đầu tập hành nghề nên mới phải thập thò trước cổng nhà giàu đây. Cũng có đầu óc chọn lựa đấy nhỉ!
Hoàng Dung giận dữ. Cô quên mất mình đang đứng trước cổng nhà ông Bách. Ánh mắt cô tóe lửa giận, cô phẫn nộ:
- Tôi cảnh cáo chị, nếu còn nói thêm một lần nữa, tôi không tha cho chị đâu! Nhà quê thì có gì không tốt? Bộ chị quê gốc thành phố à? Hay cũng từ cha mẹ nhà quê vất vả mới có ngày hôm nay. Đẹp mặt chưa hẳn đã tốt đâu.
Như Sương hất mặt:
- Mày cũng bản lĩnh đấy! Mày dám đánh tao à?
- Tôi dám đấy, nếu chị xúc phạm đến tôi. -- Hoàng Dung cao giọng. -- Đúng là \"nồi nào úp vung nấy\". Bạn chị nghĩ tôi là một con ăn trộm. Còn chị thì nghĩ tôi đang mồi chài bạn trai chị. Các người nhìn bộ vó sáng sủa, sang trọng sao có cái nhìn hạ cấp quá vậy?
Như Sương không vừa:
- Không phải tự nhiên người ta đánh giá mình như thế. Mày nên nhìn lại bản thân.
- Cám ơn lời nhắc của chị. Tôi thấy tôi vẫn rất \"thiên thần\" giữa đám bụi bặm thành phố đấy.
Một câu nói đầy vẻ châm chọc của Dung khiến Phước Long thấy buồn cười, bởi vẻ thản nhiên, vô tư của cô gái. Là anh chỉ nghĩ thế chứ không dám cười, vì bộ mặt hình sự dữ dội của Như Sương.
Cánh cổng bất chợt được mở ra, kèm theo lời cằn nhằn:
- Đi thì thôi, về đến nhà là ầm ĩ từ ngoài đường cũng nghe thấy. Con gái gì không bao giờ chịu nhu mì một chút cho người khác đỡ đau óc chứ.
Hoàng Dung khựng người. Cô nhận ra Cung ngay tức khắc. Và Cung, anh chàng vừa dứt câu cằn nhằn, đã kêu lên:
- Ôi trời! Cô ra đây lúc nào nhỉ, báo hại ba tôi bắt tôi đi kiếm cô nãy giờ.
Hoàng Dung không trả lời. Cô xoay lưng bỏ chạy, mặc kệ tiếng kêu của Cung phía sau.
Như Sương cau mày:
- Anh Hai à! Anh biết con nhà quê này à? Phải anh định thuê nó về phụ giúp chị Tình trông coi cô Út không?
Cung giằng chiếc Honda của Như Sương:
- Em vô hỏi ba ấy! Chưa gì đã làm cho cô bế ấy giận. Tìm không được cô ta, em coi chừng bị ba \"đét\" cho đấy! Đưa anh mượn xe coi!
Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, Như Sương đưa xe cho Cung. Loáng cái, anh đã lao vút đi.
Phước Long nhìn Như Sương:
- Em vào nhà đi! Anh nghĩ sự có mặt của anh lúc này không thích hợp đâu.
Nói xong, Phước Long chậm rãi bước đi. Như Sương đứng nhìn theo Long một lúc lâu rồi cô mới bước vào cổng nhà.
Tự nhiên Như Sương thấy hoang mang trong lòng. Cô gái kia là ai mà anh Cung phải chạy cuống lên thế. Còn nói ba cô sẽ \"đánh đòn\" cô nếu không tìm được cô ta. Ba cô vốn rất cưng chiều cô nhất nhà kia mà!
Chậm rãi, Như Sương đi về phía phòng khách.
Hoàng Dung chạy được một đoạn thì đứng lại thở. Miệng cô khô khốc. Hoàng Dung nhớ ra từ lúc xuống xe rồi đi tìm nhà ông Bách đến giờ, cô chưa ăn uống gì cả. Dù nghèo, cảnh nhà quê chỉ ngày hai bữa cơm đạm bạc, sáng củ khoai luộc nóng hổi, nhưng Hoàng Dung đã quen no bụng như thế. Bây giờ bà nội không còn khỏe nữa, Hoàng Dung phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bà nội bán xôi. Bà nội coi bộ quê mùa chân chất thế nhưng nấu xôi thì ngon tuyệt. Mỗi buổi sáng, bà nấu một nồi xôi chen ký, loại xôi đậu đen nước cốt dừa , rồi đội đi vào các ngõ ngách quanh làng, ra trường học, chợ nhỏ là vừa hết. Nhờ chõ xôi này, bà đã nuôi Hoàng Dung ăn học khôn lớn sau khi mẹ cô qua đời vì căn bệnh ung thư phổi. Ba Bân mất trước mẹ cô năm năm ...
Tự nhiên Hoàng Dung nhớ đến bà nội. Cô nao lòng khi hình dung dáng cô đơn của nội mỗi khi bóng chiều tắt nắng nơi phía đồi cà phê nhà nhỏ Mai Thi. Bà đâu biết rằng cô đã bỏ chạy khỏi căn nhà sang trọng ấy, không cả thừa nhận người đàn ông mà theo lá thư mẹ cô để lại là cha ruột của cô. Có lẽ như thế sẽ tốt cho cả cô và ông Bách. Ông đã có một gia đình riêng cùng những đứa con riêng rất giàu có khinh người như Cung, Như Sương, thì việc cô bỏ đi đúng là chuyện thức thời của cô với những gì bao năm nay không hề là của mình. Dù chỉ là trong suy nghĩ, cô cũng chưa bao giờ mong mình được sống sung túc, sang trọng như thế cả.
Hoàng Dung đưa tay quẹt nước mắt, những giọt lệ bất chợt rơi vì sự tủi hờn, Dung nhất định không để cho nó rơi tiếp nữa. Cô bước vào một quán cơm bình dân. Sau khi nhìn kỹ những món ăn lạ mắt được bày trong tủ kiếng, cô gọi cho mình một dĩa cơm hột vịt chiên. Ở dưới quê, cô rất ít khi được ăn loại cá ngon như cá lóc, cá trê, cá lăng ... hoặc thịt heo, gà. Bà nội và cô có nuôi một đàn vịt khoảng hai chục con, nhưng nuôi tại mảnh đất sau nhà, vì cô không thể lùa vịt ra đồng. Phải ba tháng mới có được bầy vịt lớn, và thường thì bà nội cô phải nổi giận lên, cô mới chịu bắt một con làm thịt, nhưng là ram mặn với gừng và sả ớt thật nhiều , bởi khi vịt lớn cũng là lúc cô cần mua thêm sách vở hoặc đóng học phí ...
Dĩa cơm đặt xuống bàn cắt ngang dòng suy nghĩ của Hoàng Dung. Cô bắt chước người ta, gọi thêm ly trà đá. Đúng là thành phố mà, ly nước cũng phải mua. Không như ở quê, nhà trong rẫy, trong làng, ai cũng có bể nước mưa, muốn uống thì cứ tự nhiên mà múc uống.
Hoàng Dung ăn chậm. Và khi dĩa cơm hết sạch, cô mới nhớ ra chiếc ba lô nhỏ của cô đã bị bỏ quên lại nhà ông Bách. Trong túi quần của bộ đồ bộ, cô đã cất tờ năm chục ngàn trong đó. Bà nội còn cẩn thận găm thêm chiếc kim băng nữa. Trời ạ! Không có tiền, cô sẽ sống thế nào nhỉ? Về quê cũng không được. Cũng may, cô còn gần chục ngàn, số tiền lẻ cô để trong túi quần đang mặc.
- Dì ơi! Cho cháu gửi tiền.
Chị chủ quán mỉm cười:
- Cậu ngồi ngoài kia đã trả tiền cho cô rồi.
- Dì có lầm không? Cháu đâu có quen ai ở đây.
- Sao mà lầm được! Cậu ấy vẫn còn đang ngồi uống nước bên quán cà phê kia kìa.
Hoàng Dung nhìn theo tay chị chú quán. Cô bước đến bên chiếc bàn có người thanh niên đang ngồi xoay lưng về phía quán cơm.
Cô nhẹ giọng:
- Anh à! Anh ...
Cô gần như trợn mắt khi anh ta quay lại. Trời ạ! Thì ra là anh ta - con trai ông Bách. Sao hắn cứ bám cô mãi thế? Định dẫn độ cô về cho \"bà mẹ sư tử\" của anh ta và Như Sương \" ăn thịt\" cô chắc? Hừ! Người gì mà không biết phải trái, người ta đã biết thân, biết phận rồi mà ...
Như đọc được nỗi ấm ức của cô, Cung trầm tĩnh:
- Dung làm anh chạy đuổi đứt hơi. Ngồi xuống uống nước rồi đi về với anh. Ba đang nóng ruột chờ em đấy.
Hoàng Dung khịt mũi:
- Ba của anh hay tôi nhỉ? Chả lẽ anh không thấy thiệt thòi khi phải chia sẻ tình cảm cho một con bé \"từ trên trời rơi xuống\" à?
Cung điềm tĩnh:
- Ngược lại, anh đang mừng hết biết vì ba đã tìm về cho anh một cô em gái dễ thương đấy.
- Làm như anh chưa từng có em gái vậy! Hay tại chị Như Sương và anh \"khắc khẩu\" nhau?
- Không hẳn vậy! Nhưng suốt ngày cứ phải chiều chuộng mọi sở thích kỳ cục của Như Sương, khiến anh thấy ngán ngẩm.
- Vậy à! Chưa gì anh đã \"có mới nới cũ\". Anh không sợ tôi nói lại với chị Sương à?
Cung nhún vai:
- Đừng nhắc đến con nhỏ đó nữa. Từ từ rồi em sẽ hiểu thôi.
- Anh tự tin quá nhỉ?
- Là sao?
- Là anh nghĩ rằng tôi sẽ quay lại căn nhà ấy à?
Cung cau mày:
- Chả lẽ ba đã khiến em thất vọng nên em phải trống trở ra à? Dù gì em đã đến đây, đã cho ba biết sự thật về em, thì em cũng nên để ba nói với em vài lời, chứ không nên bỏ đi như vậy!
Anh trầm giọng:
- Có nói em cũng không tin đâu. Bao năm qua ba bỏ rất nhiều tiền của, công sức để tìm mẹ con em, nhưng không có kết quả. Ba không hề phản bội mẹ, không hề bỏ rơi em.
Hừ! Đúng là ngụy biện. Không phản bội mẹ cô mà ông Bách lại có trước với người vợ hiện tại một người con lớn như Cung à? Mẹ cô rõ ràng đã tin người không đúng chỗ.
Nghĩ thầm trong bụng, Hoàng Dung khẽ so vai:
- Dù sao, mọi việc đã an bài. Tôi tự trách mình lẽ ra không nên đến đây. Không biết ba ruột thì đã sao? Bao năm nay không phải tôi đã có ba nuôi tôi hay sao? Cám ơn anh đã trả tiền bữa cơm cho tôi. Bây giờ tôi phải đi đây!
Cung bật dậy:
- Hoàng Dung! Em đừng bướng bỉnh như vậy mà! Nếu em không về nhà, anh nhất định theo đi bất cứ đâu đấy.
Định hất mặt ra dấu thách thức nhưng bắt gặp ánh mắt cương quyết sáng quắc của Cung, cô chợt xìu xuống. Cô tin rằng Cung dám làm như anh đã nói. Thật là rắc rối.
Hoàng Dung bướng bỉnh:
- Tôi về nhà chứ có đi lang thang đâu. Cám ơn anh đã quan tâm đến tôi.
- Bà nội đã nói với ba, hiện tại ở quê nhà không có việc để em làm. Bà không muốn em đi hái cà phê, hái tiêu, hoặc làm cỏ mướn cho người ta, vì như vậy, em sẽ không có tương lai. Bà muốn em được thay đổi.
Hoàng Dung bứt rứt:
- Nhưng thà vậy có lẽ tốt cho tôi hơn. Ở quê cực một chút nhưng có tình người. Người ta sống được, mình sống được, có sao đâu!
Cung ôn tồn:
- Dung à! Đừng nói vậy, được không? Thà em im lặng. Còn bây giờ em đã đến đây, em là con của ba, đứa con tình yêu mà ba tâm nguyện nhất, đừng để ba phải sống tiếp những năm tháng ân hận nữa, bé My!
- Anh cũng biết tên My à?
Cung gật đầu:
- Ba từng kể hàng ngàn lần, là ba thích đứa con gái tên My, chả hiểu sao mẹ anh lại không chịu đặt tên đó cho Như Sương.
- Đơn giản vì tên My nghe quê mùa cục mịch. Còn tên Như Sương vừa tinh khiết thanh tao, vừa sang trọng, mẹ anh đã đúng đấy.
Cung hờ hững:
- Thôi, đừng nhắc chuyện gì nữa! Anh năn nỉ đó. dung hãy theo anh về nhà nghen.
Hoàng Dung nghĩ đến việc cô để quên túi hành trang ở nhà Cung. Cả việc cô không có tiền để tạm thuê cho mình một căn phòng nữa. Dù quê mùa, song mấy chuyện phòng trọ ở thành phố giá cả ra sao cô đã được nghe Mai Thi kể. Mai Thi đang trọ để học quận Năm mà. Cô cũng không thể về Bình Dương lúc này. Bởi rõ ràng bà nội muốn cô có công việc ở thành phố \"cho bõ 12 năm đèn sách cực khổ con ạ\". Nội đã nói rù rì như thế, và hy vọng rất nhiều ở cô. Thế thì, trước mắt hãy tạm nhận lời ở nhà ông Bách đã. Từ từ tính tiếp.
Hoàng Dung cắn môi:
- Thôi được, tôi xin nghe lời anh, với một điều kiện ...
Cung đề phòng:
- Em nói đi, miễn sao điều kiện đó hợp lý.
Hoàng Dung chậm rãi:
- Thật ra, anh nói không sai. Tôi không thể về Bình Dương, không thể làm cho bà nội buồn. Bà đã cực khổ cho đứa cháu không ruột thịt là tôi bao năm rồi. Nếu biết trước anh có một gia đình đầy đủ thế này, tôi thà cực khổ, không đến làm phiền ba đâu. Người ta có thể bố thí hoặc cho bớt chút tiền bạc, nhưng không ai thích có thêm đứa con, đứa em ngoài giá thú cả. Chuyện đã đến nước này, tôi muốn anh nói với ba nên cho mẹ anh, chị Như Sương biết tôi là người ở của gia đình anh, được không?
Cung điềm đạm:
- Mẹ Như Sương mất lâu rồi. Bây giờ ở nhà chỉ còn ba, anh, và Như Sương. Em không cần phải hạ thấp mình như vậy.
Hoàng Dung thở dài:
- Em không muốn chị Như Sương phải hụt hẫng. Nếu anh không chấp nhận, em sẽ đi ngay đó, dù em chỉ có hai bàn tay trắng.
Cung nhẹ giọng:
- Ba biết phải thế nào ma.2 Em không nên như thế.
- Chuyện gì cũng cần thời gian anh Cung ạ. Em tin là nếu em và chị Như Sương thật sự là ruột thịt ắt có ngày em cảm hóa được chị ấy. Em muốn chị của em đón nhận em bằng tình yêu thương ruột thịt chứ không phải là sự hằm hè, hằn học nhau. Như thế đâu còn là chị em hả anh?
Cung nhìn Hoàng Dung. Anh hiểu rằng cô em gái này \"nói sao làm vậy\". Anh đành gật đầu chấp nhận.
Hoàng Dung theo Cung trở lại nhà ông Bách. Ông Bách vẫn ngồi ở phòng khách vẻ căng thẳng và day dứt, bồn chồn. Hoàng Dung đọc được tâm trạng của ông sau tấm kính cửa trong suốt. Cô khẽ thở dài.
Ông Bách bật dậy một cách cuống quýt khi thấy cô theo chân Cung vào phòng. Ông buồn buồn:
- Tại sao đã đến đây rồi con lại bỏ đi hả My?
Hoàng Dung cúi đầu:
- Con xin lỗi. Con không muốn ông khó xử.
Ông Bách bàng hoàng trước câu nói khách sáo của Hoàng Dung.
Cung khẽ nói với ông:
- Như Sương đâu rồi ba?
- Lại đi rồi. Nó có bao giờ ở nhà được một tiếng đồng hồ, trừ ban đêm.
Giọng ông nghe bất mãn và mệt mỏi.
Cung trầm tĩnh:
- Nó không có ở nhà cũng tốt. Dung à! Em hãy ngồi xuống đi!
Hoàng Dung ngồi vào ghế xa lông, vẻ bình thản.
Cung nói cho ông Bách nghe đề nghị của cô. Ông Bách bật lên xót xa:
- Tại sao phải như vậy hả My? Trong nhà này ba là người đủ mọi quyền hạn lo cho con mà. Ba còn muốn con tiếp tục đi học nữa.
Hoàng Dung cắn môi:
- Không cần thiết phải bù đắp như thế đâu ạ. Con cũng muốn được sống trong tình thâm của gia đình. Nhưng tạm thời con không muốn chị Như Sương hụt hẫng. Bao năm nay, chị ấy quen là con gái duy nhất của ba rồi. Con muốn tự chị và con hiểu và chấp nhận nhau. Có thế, con mới tránh được mọi sự day dứt.
Cung điềm tĩnh:
- Ba ạ! Hoàng Dung đã nói thế, ba cứ cho em nó một thời gian. Con nghĩ thực tế Như Sương không dễ dàng chấp nhận bé My ngay đâu. Thôi thì chúng ta cứ theo sự tính toán đó, để bé My yên tâm ở lại đây, ba ạ.
Cuối cùng, ông Bách đành phải chấp nhận điều kiện của Hoàng Dung. Cô được đưa qua căn nhà ngang, để gặp cô Út của Cung.
Cung vừa đi vừa nói:
- Cô Út bị bán thân bất toại khoảng hai năm nay. Cô bị té, chấn thương cột sống, may mà không chết. Vì cô không lấy chồng, nên ở cùng ba. Cô Út từ này phải nằm một chỗ, cô luôn bẳn gắt, khó tính. Ba đã thuê vài người về chăm sóc, nhưng không ai chịu nổi tính cô cả. Em liệu đủ sức không My?
Hoàng Dung tự tin:
- Thật ra, em chưa từng đi ở hay chăm sóc người bệnh. Nhưng cô Út là cô của em, em tin là mình sẽ làm được việc.
Nói đến đó thì tới phòng bà Bích (cô Út), Cung khẽ khàng:
- Con vô được không Út?
Bà Bích nói:
- Cung hả con? Hôm nay về sớm thế sao, rảnh ghé thăm cô vậy? Vô đi!
Bà Bích nằm trên giường, chỉ hơi nghiêng được bên mặt ra cửa. Bà chợt hét lên, khi thấy Cung không vào một mình:
- Cung! Tại sao con dẫn người lạ vào đây. Bảo cô ta ra ngay đi. Đi đi!
Hoàng Dung đứng chôn chân tại cửa phòng. Cô hơi bị bất ngờ trước âm thanh chát đắng của bà Bích.
Cung từ tốn đến bên giường bà, anh khẽ nói:
- Bình tĩnh cô ơi! Đây là cô Dung, người được ba con mời về chăm sóc cho cô. Ba con muốn cô được ra khỏi căn phòng này, dù trên chiếc giường đẩy của cô.
Bà Bích nhăn nhúm:
- Cô đã làm khổ ba con nhiều lắm rồi. Cứ để chị Tình chăm sóc cô như lâu nay đi, đỡ tốn kém, Cung ạ. Cô còn gì nữa mà tiếc nuối chứ ...
Hoàng Dung buột miệng:
- Cháu nghĩ cô chẳng nên tự hành hạ mình như thế. Cô có một gia đình, một người anh yêu thương cô. Cô hãy vì mọi người, cô ạ.
Bà Bích kêu lên:
- Cô dám chỉ trính tôi à?
- Cháu không dám! Tại cháu thấy cô được mọi người ưu ái, nếu tự tin hơn, biết đâu cô có thể chữa được bệnh tật. Cháu từng nhìn mẹ cháu đau đớn đi dần vào cõi chết mà không tiền mua thuốc. Có khi cả ngày mẹ cháu đau đớn một mình trên giường bệnh, vì bà cháu bận phải kiếm tiền để sống.
Nước mắt Hoàng Dung rơi lặng lẽ trên khuôn mặt đẹp. Hình như cô đang nhớ lại những ngày tháng kinh khủng nhất ấy, mẹ cô đau và cô thì không được phép bỏ học. Mẹ cô hăm nếu cô nghỉ học, mẹ nhất định cắn lưỡi chết. Vì điều đó, cô chỉ ở bên mẹ mỗi buổi trưa, chiều. Tối đến, cô còn nhỏ, nên đã vô tư ngủ ngay sau vài lời trấn an của mẹ dành cho cô.
- Dạ. Mẹ cháu mất lúc cháu đang học lớp 7. Cháu không được nghe mẹ cháu dặn câu gì cả. Sau này, nội cháu mới nói: \"Mẹ con mong con lớn lên sẽ học ngành y, để chữa lành mọi vết thương cho người nghèo\".
Bà Bích ngậm ngùi:
- Sao cháu không làm theo tâm nguyện của mẹ?
Hoàng Dung cay đắng:
- Vì bà nội cháu già lắm rồi, cô ạ. Cháu không thể là gánh nặng trên vai của nội mãi. Nhất là học y khoa tốn kém lắm.
Cô chợt đổi giọng:
- Bây giờ cô cho cháu làm thử công việc của một điều dưỡng viên. Nếu cháu làm tốt, sau này, cháu nhất định học nghề Y, hình thức nào cháu cũng chấp nhận, cô ạ.
Bà Bích trầm tĩnh:
- Còn ba cháu đâu?
Hoàng Dung tránh ánh mắt Cung, cô từ tốn:
- Cháu lớn lên đã không thấy ba. Bà nội nói ba cháu bị thất lạc trong chiến tranh gì đó. Cháu nghe không mấy tin nên vẫn hy vọng có ngày cháu gặp được ba cháu.
- Tại sao cháu không tin lời bà nội? Vả lại, mẹ mất rồi, ai sẽ giúp cháu tìm lại ba?
Hoàng Dung chậm rãi:
- Vì chiến tranh đã kết thúc hai mươi tám năm, trong khi cháu mới 18 tuổi. Không lý nào ba cháu lại thất lạc, cô ạ. Cháu nghĩ, do một điều đau lòng nào đó, nội cháu chưa nói cho cháu biết mà thôi. Nếu ba cháu còn sống, nhất định ông phải nhớ về chốn cũ.
Bà Bích nhìn xoáy vào khuôn mặt Hoàng Dung. Ánh mắt bà trở nên thất thần khi giọng bà như rã rời, đứt đoạn, nhói buốt:
- Cung! Cô có hoa mắt không? Cô bé này rất giống ba cháu ở cặp mắt!
Cung giật mình trước nhận xét tinh tế của bà cô. Anh khẽ nói:
- Người giống người cả thôi, cô ơi. Lúc gặp Dung, cháu cũng nhận xét giống cô vậy.
Bà Bích thở dài:
- Ừ. Mong là như thế. Cô biết ba cháu còn một đứa con bị thất lạc. Tận đến khi nhắm mắt, bà nội mới khắc khoải ăn năn tội lỗi của mình. Nếu còn sống, năm nay đứa bé cũng được 18 tuổi. Tội nghiệp, không biết Hoàng Hương bây giờ ở đâu, và đứa nhỏ là trai hay gái?
Hoàng Dung nghe có luồng điện chạy khắp châu thân. Cô phần nào tin ở lời nói của ông Bách - chính xác là cha cô. Gia đình này đã hối hận, khi nhớ về quá khứ.
Cung nhẹ giọng:
- Cô! Chuyện cũ qua lâu rồi, cô đừng nhắc nữa cho đau lòng. Ba con không phải rất khổ tâm vì điều này ư? Vậy là cô đồng ý để Hoàng Dung chăm sóc cho cô rồi.
Bà Bích lại hụt giọng:
- Cháu cũng họ Hoàng à?
- Dạ. Cô có muốn cháu đẩy cô ra ngoài sân một chút không?
Hoàng Dung cố giấu nỗi xúc động.
Bà Bích chậm rãi:
- Từ mai, cháu tự lên lịch làm việc của cháu dành cho cô. Bây giờ, cháu theo Cung đến phòng riêng nghỉ ngơi cho khỏe, mai làm cũng chưa muộn.
Quay sang Cung, bà nói:
- Cháu nói chị Tình dọn căn phòng ở cạnh phòng cô, để cô Dung nghỉ cho tiện. Nhớ phải đầy đủ tiện nghi!
Cung dạ nhỏ.
Hoàng Dung lễ phép:
- Cháu xin phép cô ạ. Cô cứ gọi cháu tên My, Vũ My cô ạ. Ở nhà nội cháu hay gọi cháu như vậy, cháu nghe quen hơn tên Dung.
Bà Bích mỉm cười, nụ cười của bà khiến Cung phải ngạc nhiên. Anh không ngờ cô Út hôm nay lại tỏ ra rất tình cảm, thân mật với Hoàng Dung. Điều mà ngay cả Như Sương cũng khó được bà ưu ái. Phải chăng vì đó là sự liên quan về huyết thống, mà tự tâm linh con người cảm nhận được để xích lại gần nhau không nhỉ? Anh mong sao một ngày nào đó Hoàng Dung thật sự có danh phận trong ngôi nhà này.
Như Sương nhếch môi:
- Tôi đâu có lầm, khi thoạt nhìn cô, tôi đã đoán được tâm trạng cô mà. Vào đây rồi, liệu mà làm công việc, chứ không phải \"ăn cơm chúa, múa việc nhà\" đâu nghe.
Hoàng Dung vẫn đều tay lau nhà, nét mặt bình thản như không hề nghe Như Sương nói.
Nghĩ rằng Dung khinh khi mình, Như Sương càng giận dữ. Cô nhào đến lôi ngược cây chổi lau khỏi tay Dung, miệng hét:
- Cô câm rồi sao? Tôi nói cô không trả lời chứ?
Hoàng Dung đủng đỉnh:
- Dạ, em có nghe rõ lời cô chủ. Tại cô chủ đâu hỏi gì em nên em không biết trả lời thế nào ạ.
Như Sương ngẩn người trước câu nói của Hoàng Dung. Một lúc sau, cô ta khẽ cười:
- Đúng là \"quỷnh\"! Nhìn cái mặt sáng láng như thế, không ngờ quê một cục. Thế này nghen! Bắt đầu từ sáng mai, cô phải dọn dẹp phòng cho tôi, cả ủi đồ nữa. Làm tốt, tôi sẽ cho cô ít bộ đồ, đảm bảo mặc vô cô sẽ đẹp hơn đấy.
Hoàng Dung từ tốn:
- Dạ, cô chủ thứ lỗi. Ông chủ Bách biểu tôi lo chăm sóc bà Út, ngoài ra không phải làm bất cứ công việc nào cả. Tôi ...
Như Sương cáu kỉnh:
- Ông già tôi nói là quyền của ổng. Trong nhà này, ngoài ổng ra, cô nhất định không được cãi lời tôi. Tôi mặc kệ cô thế nào, sáng mai phải dọn phòng tôi đó.
Cung lên tiếng, khi anh vừa đi tới, nghe được câu nói của em gái:
- Như Sương! Vũ My nói đúng đấy. Ba thuê cô ấy để chăm sóc cô Út. Em không thấy chúng ta cứ bỏ mặc cô Út như vậy thật tội không?
Như Sương vẻ biết lỗi:
- Chị Tình không phải rất biết cách chăm sóc và làm vừa lòng cô Út sao? Tính em không được dịu dàng lại vụng về, chẳng thể pha cho cô ly nước ngon. Em biết em đã không tốt với cô Út. Nhưng mà em ...
Như Sương ngập ngừng. Cung vỗ lên vai em gái, dịu lời:
- Vũ My là cô gái tốt. Vì hoàn cảnh người ta mới phải chấp nhận làm việc nhà. Em đừng quá khắc khe với cổ. Con gái cần phải tỏ ra thùy mị, em ạ.
Như Sương tuy đã thấm lời chỉ dạy của Cung, vẫn nói:
- Thì cô Út đâu phải lúc nào cũng cần người bên cạnh. Em chỉ muốn cô ta phụ thêm phần việc của chị Tình thôi. Chị ấy vừa đi chợ nấu cơm, quét dọn, giặt giũ. Còn cả vườn cây kiểng của ba nữa ...
Hoàng Dung khẽ nói:
- Cô đã nói vậy cũng là do cô chủ muốn quan tâm đến chị Tình. Tôi hứa sẽ làm tốt phần việc của mình và phụ thêm việc nhà ạ.
Dứt lời, cô bưng thau nước đi xuống nhà dưới, thái độ bình thản như không có chuyện gì đáng bận tâm.
Như Sương hỏi Cung:
- Ở đâu anh tìm ra con bé nhà quê này vậy?
- Chính xác là ba tìm chứ không phải anh. Theo em, Vũ My thế nào?
Như Sương thản nhiên:
- Xinh đẹp, khéo nói, giá như cô ta có trình độ, em nghĩ anh nên nhận cô ta vào chiếc ghế thư ký giám đốc. Dù không mấy ưa con bé, em vẫn không phủ nhận em thích tính cách của nó. Một người như Vũ My sẽ không bao giờ sống không thật với lòng mình.
Cung điềm tĩnh:
- Cám ơn em đã có nhận xét tốt về cô bé ấy. Anh mong em đừng gây xích mích với cổ, không thôi ba sẽ buồn em đấy.
Cung đi trở ra phòng khách sau câu nói khiến Như Sương phải đau đầu.
@@@@@
Chị Tình nhìn Hoàng Dung, chậm rãi nói:
- Buổi sáng, bà Út có thói quen rửa mặt bằng nước nóng. Bà dậy lúc 6 giờ. Bà dùng điểm tâm rất đơn giản, chỉ ly cà phê đen và lát bánh mì xăng-quýt kẹp thịt nguội hoặc trứng gà ốp la. Buổi trưa bà cần tắm rửa. Đây là công việc nặng nhọc nhất, vì bà Út không thể tự dậy. Tắm rửa xong là đến bữa cơm trưa. Từ hai giờ, em pha cho bà ly sữa ca cao hoặc sữa chua dâu. Buổi tối cũng tuần tự như bữa ăn trưa, sau đó là uống thuốc.
- Sao em thở dài? Phải công việc nó đơn điệu quá không?
Hoàng Dung tự tin:
- Dạ, đã chấp nhận đi làm người giúp việc thì em không còn quyền lựa chọn, chị à. Tại em thấy bà Út thật tội nghiệp. Suốt ngày chỉ nằm mãi một chỗ trong căn phòng chật chội ấy, nếu là em chắc em không chịu nổi.
Chị Tình chắt lưỡi:
- Trước khi tai nạn xảy ra, bà Út là người phụ nữ giỏi giang. Bà không mấy khi nghỉ ngơi đâu. Bây giờ phải như thế chắc chắn bà không vui vẻ gì, nhưng còn cách nào khác được.
- Bác sĩ chuẩn đoán bệnh của bà ấy thế nào hả chị?
Chị Tình đăm chiêu:
- Được chăm sóc tốt, có điều kiện phục hồi lại cột sống, nhưng không phải là nhanh. Vì lẽ đó bà Út chấp nhận không làm phiền đến anh mình. Còn mấy người cháu thì ...
Chị bỏ lửng câu nói, nhưng Hoàng Dung đã hiểu được chị muốn nói gì. Cô đau lòng khi nghĩ ra cô Út đang bị bỏ rơi giữa người thân của mình. Cô không lạ gì cách đối xử của những người quen sống trên sự giàu có, và Như Sương không phải được sanh ra để biết san sẻ những đớn đau cho cha mẹ, anh em mình. Vậy mà cô phải gọi cô ta là ... em gái kia đấy. Tất nhiên chỉ được làm chị khi cô được thừa nhận. Còn hiện tại cô vẫn chỉ là \"Osin\" cho gia đình cha ruột của mình.
Nhếch môi, Hoàng Dung cố giấu đi tâm trạng thật của mình. Cô ngồi xuống cạnh rổ rau đắng, nhặt giùm chị Tình mớ rau non.
Chị Tình xua tay:
- Cô để đó, chị làm nhanh thôi. Cô lên phòng ngủ một giấc cho khỏe. Muốn làm, từ mai cô tha hồ làm. Khi nào có cơm, chị gọi dậy ăn.
Hoàng Dung mỉm cười:
- Em không có thói quen ngủ ngày, vì hoàn cảnh của em chẳng khác chị. Một buổi đi học, một buổi phụ nội em nấu xôi bán. Chị cứ kệ em đi!
Chị Tình dè dặt:
- Em học đến lớp mấy rồi?
- Dạ, em đã hết lớp 12.
- Chua choa! Giỏi vậy ha! Sao em không xin một việc làm nào đó đi. Ở thế này vừa cực, vừa phí công ăn học.
Hoàng Dung lặng người nhìn chị Tình, một lúc sau mới nói:
- Ở quê em không có việc nào ngoài việc vào làm công nhân ở nông trường, cũng đi làm thuê chị ạ. Cực nắng phơi mưa, nội em sợ em chịu không nổi. Còn về thành phố, em biết sẽ có cơ hội để em làm việc. Nhưng em chưa quen ai. Thời buổi này, kỹ sư, bác sĩ ra trường còn bị thất nghiệp dài dài, nói chi đến em. Từ từ tính sau chị ạ.
Chị Tình vớt những chiếc đùi gà vàng ươm, chiên giòn thơm phức cho vào dĩa rồi lại nói:
- Em quen thế nào với ông chủ vậy Dung?
- Dạ, em được một người giới thiệu. Họ là chỗ thân tình của ông chủ.
- Vậy hả! Nhưng lạ lắm nghen, thoạt nhìn em, chị thấy em có nhiều nét giống ông chủ.
Hoàng Dung hơi giật mình trước câu nhận xét tinh tế của chị Tình.
Cô vội giả lả:
- Vậy hả chị! Trên đời này thiếu gì người giống người. Em nghĩ không chừng em đã gặp may.
- Gặp may?
Hoàng Dung lém lỉnh:
- Dạ, thì nhờ bề ngoài giống nhau ấy, biết đâu sau này ông chủ chẳng dành cho em sự ưu đãi.
Chị Tình bật cười:
- Thua em luôn! Coi vậy mà cũng lém quá chứ.
Chị hạ giọng:
- Đừng vội mừng nhỏ ơi! Ông bố nhân hậu chứ cô chủ nhỏ thì khó chịu lắm đó.
- Em biết rồi! Mấy người giàu có sang trọng được cưng chiều riết, không biết cảm thông cho ai đâu. Nhưng em nghĩ, mình làm đúng thì không phải sợ ai cả.
Chị Tình gật đầu:
- Mong sao được như em nói.
Vừa lúc Như Sương đi xuống bếp, cô nhăn mặt:
- Chị Tình! Chưa có cơm à?
Chị Tình cười gượng:
- Dạ, chín rồi đây cô. Cô cảm phiền chờ tôi dọn bàn ăn.
- Nhanh tay lên nghen! Tôi ăn xong còn phải đi nữa.
Nhìn theo bóng Như Sương nhún nhảy trở lên nhà, Hoàng Dung làu bàu:
- Làm như gia giáo lắm vậy.
Chị Tình suỵt nhỏ:
- Bình thường, qui định của ông chủ rất nghiêm khắc. Bữa cơm tối, nhất định không được vắng mặt ai trong gia đình. Ngoại trừ người bận công việc chính đáng.
Thêm một bất ngờ làm Hoàng Dung vừa tủi vừa buồn, đó là khi cô phụ chị Tình dọn xong bàn ăn. Chị Tình sắp cơm vào khay nhỏ mang đến cho bà Bích, cô tính theo chân chị, thì ông Bách nói:
- Cháu có thể ăn cơm cùng chúng ta. Ngồi xuống nào!
Như Sương kêu lên:
- Ba!
Cung lừ mắt:
- Như Sương, đừng lộn xộn.
Như Sương cãi ngay:
- Là anh và ba hôm nay khiến em không thể im lặng. Cô ta là người giúp việc trong nhà, tại sao lại có sự ưu đãi lạ vậy?
Ông Bách bình thản:
- Con gái à! Không phải con vẫn mong nhà có thêm chị hoặc em gái, để con có người cãi lộn hay sao, Sương?
Như Sương chua lè:
- Đúng là con hằng khát khao cái điều không thể thực hiện ấy. Nhưng em hoặc chị gái con cũng là người chung dòng máu gia tộc, chứ không phải \"vui đâu chầu đấy\", thưa ba.
Cung nhăn mặt:
- Như Sương! Em nói gì vậy?
- Em nói sai à? Cô ta là người làm công, ba và anh chẳng lý do gì ưu đãi người ở. Trừ khi ...
Hoàng Dung cắn môi:
- Cháu xin lỗi ông chủ. Cô chủ nói đúng đấy. Người như cháu chỉ xứng đáng với góc nhà bên. Cháu không dám đòi hỏi cao đâu ạ.
Dứt lời, cô đi nhanh khỏi phòng ăn. Cô sợ nếu đứng thêm vài phút nữa, chắc chắn cô sẽ khóc. Cô không muốn rơi nước mắt trước những người ruột thịt của mình. Máu còn chưa xót, thì loại con rơi con rớt như cô không thể được thừa nhận.
Chị Tình nhìn sững vào nét mặt đau đớn của Hoàng Dung. Lòng chị dâng lên niềm thương cảm cho số phận cô gái nhỏ xinh đẹp, có học nhưng lại rơi vào cuộc đời ở đợ như chị. Rồi đây, với tính nết hợm hỉnh, chua ngoa, kiêu kỳ của cô chủ nhỏ Như Sương, chắc chắn Hoàng Dung còn rơi lệ không ít. Tội quá!
Hoàng Dung ăn cơm xong, cô nhanh tay phụ chị Tình dọn dẹp nhà bếp, phòng ăn. Xong xuôi, cô mới trở về căn phòng nhỏ của mình.
Phải công bằng mà nói, ông Bách đã ưu ái cho cô rất nhiều. Từ nhỏ đến giờ, cô quen nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp, trải tấm chiếu cói đơn sơ, ngủ ôm bà nội, được rúc vào lòng bà. Đơn giản chỉ có vậy. Cô chưa từng có căn phòng riêng, càng không dám mơ nó sẽ đầy đủ một chiếc giường sắt trải tấp drap mỏng, tủ treo quần áo, bàn dùng để gương lược và khi cần sẽ làm bàn viết. Anh Cung còn đem đến cho cô một chiếc máy cassette nhỏ với mấy chục cuộn băng nhạc. Đây quả là điều nằm mơ cô không bao giờ nghĩ đến. Cô ngồi bó gối trên giường, mắt mở to nhìn qua ô cửa sổ nhỏ. Cô không thấy gì ngoài những ngôi nhà cao tầng chói chang trong vầng ánh sáng đèn cao áp. Giờ này nội cô chắc đã lên giường. Mười mấy năm rồi, đây là đêm đầu tiên bà nội ngủ một mình cô độc trong căn nhà lá giữa vùng rừng núi xa tít kia. Cô nhớ nội đến nhói lòng. Bà đã cho cô tất cả sự tảo tần chắt chiu một đời của bà, dù cô không là máu thịt của bà.
Bây giờ, khi cô đủ sức lo cho bản thân, bà lại buộc cô phải tìm về cội nguồn, để cô có cha, có gia đình. Cô ăn cơm trắng, đồ ăn ngon, còn bà nội vẫn ngày hai lưng cơm chan canh rau tập tàng hái quanh nhà. Chén nước mắm ớt thật cay, để miếng cơm khô kia dễ trôi vào bụng. Chỉ nghĩ thế, nước mắt cô đã rơi ướt hai đầu gối. Buồn và nhớ nội quá, nhưng cô chưa thể về, khi cô chưa lo được cho bà chén cơm trắng, cá thịt kho.
Bà nội ơi! Hãy tha lỗi cho tội bất hiếu của cháu. Cháu sẽ cố gắng, cố hết sức để đứng được trên mảnh đất này trong gia đình mà nội mong cho con sup họp. Nội chờ con nghen ...
- Vũ My! Em nhớ nhà hả?
Tiếng anh Cung vang lên, khiến cô bối rối. Nhưng cô không muốn giấu anh giọt nước mắt của mình. Vì từ khi theo anh Cung quay trở lại căn nhà này, cô đã linh cảm đây là người anh đúng nghĩa nhất mà cuộc đời dành lại cho cô.
Hoàng Dung mếu máo:
- Em nhớ bà nội quá!
Cung xót xa nhìn cô em gái, anh ân cần:
- Anh biết! Nhưng em phải tập chịu đựng cho quen. Sau này, khi có điều kiện lo cho bà cụ, anh nghĩ em sẽ là đứa cháu hiếu thảo mà.
- Cám ơn anh đã an ủi em.
Cung nhẹ giọng:
- Chuyện hồi nãy ở phòng ăn, em đừng buồn Như Sương nha My. Con bé còn trẻ người non dạ, quen được cưng chiều, nên đôi khi nói năng không suy trước nghĩ sau. Từ từ rồi ba và anh sẽ nói để Như Sương biết em là ai.
Hoàng Dung lắc đầu, buồn buồn:
- Em không nghĩ gì đâu. Em đã quen bị khinh khi vậy rồi. Em nghĩ anh và ba đừng gò ép Như Sương. Nếu không, càng tạo lên không khí căng thẳng giữa em và Sương. Em vì lời hứa với nội sẽ cắn răng chịu đựng. Nhưng không vì thế em đánh mất lòng tự trọng của mình. Anh cứ để mọi việc tự nhiên được rồi.
- Nhưng mà ba, ông sẽ rất đau lòng.
Hoàng Dung nhếch môi:
- Em sẽ cố tránh gặp ông ấy. Em muốn mình được trở về bằng tình thương yêu ruột thịt chứ không thể là gượng ép, bắt buộc. Sự xuất hiện của em, nếu khiến Như Sương hận ba, thì em tuyệt đối không bao giờ nhận chỗ đứng trong căn nhà này. Dù cho hết kiếp này, em mang dòng họ Hoàng.
Cung thật sự bất ngờ về tính kiên cường, lòng tự trọng của Vũ My. Thôi thì anh sẽ theo lời cô nói, để mọi việc tự đến tự đi, theo sự sắp đặt của tạo hóa vậy. Bởi vì anh rất mong những năm tháng về già của ba anh được thanh thản. Ông đã mấy chục năm làm kiếp \"tò vò\" nuôi lớn những đứa con không cha không mẹ như anh hoặc Như Sương. Bây giờ là cơ hội để ba được bù đắp cho đứa con ruột duy nhất của ông. Lẽ nào lại không thể?
- Cháu dậy sớm vậy hả My?
Giọng bà Bích thật rành rẽ, chứng tỏ bà thức đã lâu.
Hoàng Dung từ tốn:
- Dạ, cháu hồi còn ở quê, sáng nào cũng dậy phụ bà nội cháu nấu xôi. Dậy từ ba giờ đêm, mới kịp mờ sáng gánh đi bán, riết rồi cháu quen thức sớm, thưa bà.
Cô đặt thau nước nóng lên một chiếc ghế đẩu, chậm rãi vắt ráo khăn thận trọng nhẹ nhàng cô lâu mặt cho bà Bích.
Bà Bích vẻ ngẩn ngơ:
- Cháu không ... giúp ta súc miệng à?
Hoàng Dung mỉm cười:
- Dạ, có chứ ạ. Nhưng cháu lau mặt cho bà xong trước vì cháu không muốn nước bị nguội đi. Thưa bà, liệu cháu có khiến bà bị nóng quá không?
Bá Bích xúc động:
- Cháu khéo lắm! Ờ ... cháu bỏ gì vô nước mà ta ngửi thấy mùi thơm vậy? Không phải cháu cho nước hoa vô chứ?
- Dạ, không phải. Cháu thấy nơi góc hàng hiên phải có cây hoa ngọc lan rất nhiều bông, bông rụng cũng nhiều nên cháu mạo muội nhặt hoa đem về nấu nước để bà tắm rửa ạ.
Bà Bích lặng người:
- Thật không ngờ cháu lại tinh tế như vậy. Cây ngọc lan là do ta trồng, khi ta trong hai mươi tuổi. Ta thích loại hoa ngọc ngà tinh khiết này. Mới đó mà cây hoa đã hơn mười lần trổ bông.
Hoàng Dung cắn môi:
- Nếu bà không quở trách, từ mai cháu sẽ dùng hoa ngọc lan nấu nước cho bà tắm rửa. Cháu nghĩ không chừng nó còn giúp bà sảng khoái hơn nữa đấy.
Bà Bích trầm tĩnh:
- Như vậy, cháu sẽ vất vả hơn. Cháu đâu cần phải tự chuốc vào mình sự khổ cực không nên có chứ?
Hoàng Dung cười nhẹ:
- Bà đừng nói vậy! Đã không nhận việc thì thôi. Cháu đã nhận chăm sóc bà lãnh lương, tất cháu phải làm hết khả năng của cháu. Một ngày ít ra cháu phải ở bên cạnh bà mười giờ đồng hồ.
Bà Bích kinh ngạc:
- Cháu nói cái gì? Mười tiếng bên một người bán thân bất toại à? Ôi, không nên đâu!
- Chỉ cần bà không thấy đó là điều bắt buộc khiến bà khó chịu, cháu tin mình sẽ đem đến cho bà nhiều niềm vui.
- Thôi thì tùy cháu vậy.
Hoàng Dung cho bà Bích ăn điểm tâm không phải lát bánh mì khô khốc như bao ngày nay bà Bích phải ăn phải nuốt. Mọi người muốn bà được ngon miệng, nhưng lại sợ phải bưng bê, đổ cứt đái cho bà, nên rất hạn chế cho bà ăn những món ngon dễ tiêu. Bà nhìn Hoàng Dung bằng ánh mắt cay nồng.
Hoàng Dung cúi đầu:
- Bà không thích ăn nui hả bà? Cháu lại tào lao nữa rồi.
Bà Bích cười gượng, giọng bà nghèn nghẹn:
- Lâu lắm rồi, ta như đã quên mất thế gian còn có những món bún lèo, riêu, thịt, hủ tiếu, phở gà ... Ta cám ơn cháu ...
Câu nói của bà khiến Hoàng Dung buồn nẫu ruột. Cô đủ thông minh để hiểu vì sao bà Bích chỉ được ăn những món ăn khô vào buổi sáng.
- Từ mai, mỗi ngày cháu sẽ thay đổi món ăn cho bà. Vì ông chủ Bách đủ điều kiện để bà được sung sướng. Bà đừng nói gì nữa nhé! Cháu rất muốn được chăm sóc cho bà của cháu, nhưng ông trời không cho cháu được toại nguyện. Thôi thì cháu vui bên bà vậy. Âu đây cũng là sự thử thách mà số phận dành cho cháu.
Cứ thế, cô vừa rủ rỉ nói chuyện vừa đút cho bà Bích ăn hết tô nui nấu thịt hầm củ dền, cà rốt. Sau cùng, cô mới cho bà uống ly cà phê đen nhỏ, kèm thêm ly trà bắc pha đậm.
- Cháu quên không hỏi trước, xem bà có uống được trà không? Cháu chỉ muốn sau khi bà ăn thịt, uống loại nước đắng của trà và cà phê sẽ có tác dụng không làm bụng bà sôi lên.
Bà Bích rưng rưng:
- Cháu tốt quá ... Ta không nghĩ cháu sẽ chăm sóc ta chu đáo như chị Tình.
Hoàng Dung chậm rãi:
- Cháu làm việc không phải vì tiền đâu bà. Tại cháu thấy bà bệnh hoạn như bà nội cháu. Nội cháu không có điều kiện sung túc, nhưng nếu cháu biết kính trọng bà, cháu nghĩ ông trời sẽ cho bà cháu gặp được người giúp đỡ khi hoạn nạn.
Nói dứt câu, cô nhanh nhẹn thu dọn căn phòng, mở toang các cánh cửa sổ cho thoáng. Những tia nắng hiếm hoi lọt vào căn phòng của bà Bích. Bà vui hẳn lên, khi nghĩ đến sự quan tâm của mọi người dành cho bà. Giá mà Như Sương nó cũng biết chăm sóc lo lắng cho bà như cô bé này thì có lẽ bà đã không tuyệt vọng, cau có với mọi người, bi quan với cuộc đời.
Hoàng Dung kê cao đầu bà Bích bằng chiếc gối dày, cô nói nhỏ nhẹ:
- Bà đọc báo nghen! Anh Cung nói bà thích nhất báo \"Phụ nữ thế giới\". Cháu mua cho bà số mới nhất đây.
Bà Bích ngỡ ngàng:
- Vào lúc nào cháu có thể làm nhiều việc vậy hả?
Cô tủm tỉm:
- Cháu đặt người ta đem báo đến nhà, từ mờ sáng lận bà. Kiếng của bà đây!
Cô thận trọng đưa cặp kiếng cho bà Bích đeo vô m8át rồi mới đặt vào tay bà tờ báo.
:smrose: :smrose: :smrose:
Cô làm mọi việc trong thời gian hai giờ. Sau đó, cô xuống bếp phụ chị Tình quét dọn nhà cửa, lau chùi phòng khách.
Chị Tình chắt lưỡi:
- Cầu thang và hành lang chờ buổi trưa làm cũng được, My ạ. Ông chủ đã nói em chỉ có duy nhất việc phụ chăm sóc bà Út. Em cứ để chị làm được rồi. Em ăn điểm tâm trước đi.
Hoàng Dung cong môi:
- Chị à! Không có em tất nhiên chị vẫn làm rất tốt các việc nhà. Bây giờ thêm người, chị không cần ôm đồm như vậy nữa. Trừ khi ...
- Trừ khi thế nào?
- Chị chê em làm bẩn, dơ, cẩu thả ...
Chị Tình chân thật:
- Làm gì chị dám nghĩ quấy cho em chứ. Tại chị sợ em chưa quen việc nên mệt thôi.
- \"Trăm hay không bằng tay quen\". Đã vậy, chị phải để em làm việc mới có cơ hội cho em rành việc chứ.
Chị Tình chỉ còn biết lắc đầu.
Hoàng Dung xách bình thủy nước sôi lên phòng khách. Ông Bách thấy cô thì hỏi ngay:
- Đêm qua ... con ngủ được không?
- Dạ, cám ơn ông đã quan tâm. Vì lạ nhà lại nhớ nội, cháu chỉ ngủ được khi gần sáng.
Ông Bách bâng khuâng:
- Ta sẽ cho người lên đó chăm sóc bà cụ.
Một câu nói khiến Hoàng Dung ngẩn ngơ. Cô nhìn ông Bách thật lâu:
- Dạ, cháu nghĩ không cần ông phải tốn công như thế đâu. Bà nội cháu vẫn tự lo cho mình được.
Ông Bách âm trầm:
- Là bổn phận, con ạ. Ta được gặp lại con hôm nay, tất cả đều nhờ ở tấm lòng nhân hậu của người đàn bà nghèo ấy. Bây giờ là lúc ta trả ơn cho bà cụ, như thế mới đúng đạo làm người.
Hoàng Dung nghĩ một lát, cô thấy mình không cần can thiệp vào những dự tính của ông Bách, vì có cản cũng không được.
Cô né tránh:
- Ông uống cà phê tại đây hay ở phòng ăn, để con pha cho ông?
Ông Bách chậm rãi:
- Ta phải đi ngay, con không cần lo cho ta đâu. Ráng giúp ta chăm sóc cho ... cô Út con. Ta hứa sẽ tìm cơ hội nhanh nhất để con không còn chịu thiệt thòi.
Môi Hoàng Dung hơi nhếch lên, tỏ ý bất cần. Nghĩ sao cô lại im lặng nhìn ông Bách đi ra cửa. Cô không buồn, không vui, chỉ thấy day dứt một điều gì đó mà cô không thể nói ra lúc này.
Cô lên hành lang lầu một với xô nước sạch. Dù chị Tình đã nói trưa hãy lau, nhưng thời gian này cô không biết làm gì nên cô lặng lẽ lau chùi cửa kiếng, cửa chớp và cả hàng lang.
Cô không gặp Cung, và cánh cửa phòng Như Sương vẫn đóng chặt. Định trở lên lầu hai, thì cô thấy chị Tình thở hổn hển chạy lên. Chị chắt lưỡi:
- Trời đất! Hơn sáu giờ rồi mà cô chủ còn ngủ à? Trễ học mất!
Chị gõ tay lên cánh cửa màu xanh, gọi nhẹ:
- Cô Như Sương! Cô dậy chưa? Trễ học đó!
Phải gọi đến lần thứ ba, Như Sương mới trả lời bằng giọng nhão nhoẹt:
- Chị nói ba em viết cho em tờ giấy xin phép nghỉ học. Em mệt lắm.
- Ôi trời! Ông chủ đi rồi. Mà cô mệt thế nào? Đau ốm gì không? Mở cửa, tôi coi cho cô.
- Em chỉ đâu đầu thôi, không sao đâu. Ngủ một lát nữa sẽ khỏe ngay. Chị nhớ nói anh Hai viết giấy cho em nghen.
Chị Tình nhún vai nói thật nhỏ:
- Cô chủ thật tệ, chắc hồi tối qua lại vui bạn vui bè, uống lai rai vài lon đây mà.
Hoàng Dung kêu lên:
- Uống bia à? Con gái ...
Chị Tình vội vã dùng tay bịt chặt miệng cô, rồi kéo đi xuống cầu thang. Chị hạ giọng:
- Cô ấy uống bia hoài chứ gì. Tại ông chủ cưng cổ quá, riết rồi cổ toàn học mấy cái chuyện không giống ai cả. May mà còn cậu Hai, cậu ấy không say sưa, lại có hiếu có nghĩa.
- Chị Tình nói hành nói tỏi gì tôi vậy hả?
Cung bất chợt từ dưới đi lên, câu hỏi của Cung khiến chị Tình bối rối:
- Ủa, cậu Hai! Tôi nghĩ cậu đang tập võ trên sân thượng chứ. Tôi đâu dám nói xấu chủ nhà, có nước tôi không còn răng ăn cơm quá.
Dứt câu, chị te te bỏ đi một mạch xuống bếp.
Hoàng Dung hỏi nhỏ:
- Chào anh. Buổi sáng anh ra ngoài sớm thế à?
Cung cười hiền:
- Thỉnh thoảng anh chạy bộ nửa tiếng. Đêm qua, lạ nhà lạ chỗ, My ngủ được không?
Hoàng Dung hít mũi:
- Dạ, em nhớ nội quá. Nhà em vách lá cọ, màu này thường hay có giông, mưa lớn về chập tối. Bà một thân một mình, lỡ có bề gì tội lắm.
Cung khựng người:
- Vũ My! Anh nghĩ chúng ta nên nói để ba biết chuyện này. Không chừng ba có cách giúp nội của em. Dù không là máu mủ ruột rà, công cha sanh không bằng công dưỡng dục, em đồng ý không?
Hoàng Dung khẽ nói:
- Em nghĩ chưa phải lúc phiền đến ba và gia đình anh. Nội em còn bà con lối xóm. Quê mùa, nghèo nhưng tình nghĩa ai cũng tràn đầy. Mình đừng nhắc chuyện này nữa ... Chết! Mãi nói chuyện, em quên, Như Sương nhờ anh đến trường xin phép cho cổ nghỉ một buổi.
Cung chau mày:
- Lại chuyện gì nữa đây! Thi cử đến nơi, không lo học, tối ngày đàn đúm bạn bè. Thiệt tình!
- Học nhiều quá cũng bị đau đầu, mệt mỏi. Anh đừng vội trách cô ấy!
- Là My chưa biết nên bênh vực cho nó. Chứ anh lạ gì bệnh ham chơi, không lo bài vở, cáo ốm nằm nhà, tránh phải khảo bài mà thôi. Hơn nữa, tối qua nó đi dự tiệc sinh nhật dễ gì mà không uống vài lon bia chứ.
Hoàng Dung dè dặt:
- Như Sương biết uống bia à? Tại sao anh không cản cô ấy. Cổ còn nhỏ, uống mấy thứ đó hại thân xác của mình ghê lắm.
Cung chắt lưỡi:
- Anh đang mong nó bị bia hành một bữa ói cả mật xanh mật vàng, họa may nó mới giã từ được \"tiểu lưu linh\". Thôi, để anh lên coi nó thế nào. Em mặc kệ nó, việc của em là chăm sóc cô Út, nhớ không My?
- Dạ.
Hoàng Dung trở xuống bếp. Chị Tình đặt trước mặt cô dĩa cơm chiên đủ màu sắc, nhìn là lạ và hấp dẫn.
- Chị chiên cơm kiểu gì mà có nhiều gia vị vậy chị?
Chị Tình chậm rãi:
- Cơm chiên thập cẩm đấy. Em ăn thử coi sao. Đúng ra, khi làm dĩa cơm chiên cho một đám tiệc, người ta chiên ngon hơn gấp mười lần dĩa cơm này. Và họ đặt tên cho nó là \"cơm chiên Hoàng Hậu\" hoặc \"cơm chiên Dương Châu\".
Hoàng Dung tròn mắt:
- Trời đất! Chỉ là cơm chiên thôi mà tên gọi cũng sang trọng quá há chị?
- Ừ. Vì Hoàng Hậu luôn tuyệt sắc giai nhân, là mẫu nghi thiên hạ, nên gọi thế để ví dĩa cơm cũng tuyệt vời nhất trong các món ăn. Em ăn đi, nong nóng một chút mới ngon.
- Sao chị không ăn cùng em cho vui. Mình là người giúp việc, ăn ngon thế này liệu có bị mắng không chị?
Chị Tình nhẹ giọng:
- Chị gọi \"cơm chiên thập cẩm\" là do chị trút tất cả các món ăn dư cho vô chiên với cơm. Đổ đi thì phí của trời. Đây chỉ là một cách ăn cho dễ nuốt thôi.
Hoàng Dung đưa muỗng cơm vô miệng. Cô nhận ra những cọng hành tây xào thịt bò, gỏi gà ngó sen, thịt nướng, dưa cải chua xào mựa ... được chiên lẫn trong cơm, ăn rất ngon miệng. Quả là nhà giàu thật sướng, đến món ăn của người ở cũng thịt cá ê hề.
Hoàng Dung ăn vừa hết dĩa cơm thì Như Sương đi xuống, cao giọng réo rắt Dung:
- Xời ơi! Mấy người sướng quá há. Mùng mền gối chiếu của người ta không lo dọn, chưa gì đã đỉnh đương ngồi ăn. Còn không lên dọn phòng cho tôi?
Hoàng Dung muốn bợp tai cho Như Sương một cái. Đúng là đồ con gái nhà giàu chảnh chọe, chưa gì đã hạ lệnh, khinh khi người ta. May là cô chỉ nói:
- Dạ, tôi sẽ lên ngay.
Hoàng Dung không thể tưởng tượng nổi Như Sương như bọn con trai lười vậy. Quần áo vứt lung tung khắp phòng giầy dép thì nằm gầm bàn, đôi văng gầm giường.
Giấu vẻ bất mãn vào lòng, Hoàng Dung chậm rãi thu dọn giường ngủ của Như Sương.
Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, căn phòng của Như Sương mới trở lại ngăn ngắp sạch sẽ. Như Sương đứng ở cửa quan sát Hoàng Dung làm việc. Một chút nể nang thoáng trong ánh mắt Sương. Cô không ngờ Hoàng Dung dọn dẹp nhanh và có phần thẩm mỹ hơn hẳn chị Tình. Bắt gặp ánh mắt Như Sương nhìn mình, Hoàng Dung khẽ mỉm cười lơ lửng:
- Cô còn gì để tôi làm không, tỉ dụ như quần áo dơ ấy.
Như Sương khoát tay:
- Chị vào nhà tắm, coi giặt giùm tôi. Tôi nghĩ chị không cần giặt máy giặt như chị Tình. Mấy bộ đồ xịn của tôi bị máy nhào nặn thấy thương lắm. Tôi soạn cho chị ít bộ đồ, chứ ở trong nhà này, chị mặc hoài hai bộ đồ may ở quê ấy, coi kỳ lắm.
Định từ chối nhưng Hoàng Dung lại im lặng. Dù sao, cô ta cũng có hàng tá bộ đồ không mặc đến. Cô ta cho mà, Dung không nhận ắt cô ta chạm tự ái, mất công Dung khổ nữa. Thôi kệ!
Hoàng Dung từ tốn:
- Cám ơn cô chủ. Tôi quen giặt tay chứ máy giặt phải ấn nút điện, tôi cũng sợ lắm.
Dứt lời, Dung vơ tất cả quần áo của Như Sương, ôm gọn trên tay đi xuống nhà dưới.
Chị Tình đang chuẩn bị đi chợ, thấy Hoàng Dung ôm mớ đồ thì chắt lưỡi:
- Trời đất! Cô Út nhà này đúng là không mất tiền lại không mất công giặt, nên cứ tha hồ mặc. Hôm qua tôi vừa giặt bốn bộ, bây giờ lại ra bây nhiêu nữa, kinh khủng thật.
Hoàng Dung nhếch môi:
- Ở thị trấn nơi em sống có con nhỏ nhà khá giả, một ngày nó thay tới sáu bộ, hơn cả sáng, trưa, chiều, tối ấy. Người ta đâu cần phải tiết kiệm như mình, chị ơi. Chị đi chợ à?
Chị Tình thở dài:
- Vẫn biết thế, nhưng nó cứ bứt rứt tâm trí mình, khó chịu lắm. Em cần mua gì không?
Hoàng Dung móc trong túi ra ít tiền lẻ đưa cho chị Tình:
- Ở đây có bắp nướng không chị? Chị mua cho em vài trái nghen, và ít trái bồ kết.
Chị Tình tròn mắt:
- Thời buổi này, em vẫn chịu khó đun nước gội đầu à?
- Tại em quen rồi. Gội đầu, ngứa da đầu lắm chị ạ.
Chị Tình cười vang:
- Nói kiểu em, mấy nhà sản xuất dầu gội họ bị ế hết hay sao?
Hoàng Dung thản nhiên:
- Không dễ dầu gì họ ế đâu chị! Vì chẳng có mấy người \"gàn\" thích hương đồng cỏ nội, cực khổ như em cả. Em giặt đồ đây. Chị nhớ mua bắp cho em nghen!
Cuối cùng, cô cũng giặt xong tất cả quần áo của Như Sương và bà cô Út. Đang định lên phòng bà Bích thì chuông cổng reo inh ỏi. Kiểu nhấn chuông bắt người ta phải bực bội trong bụng.
Hoàng Dung chậm rãi đi ra cổng, cô nghe Như Sương kêu từ ban công:
- Chị nói bạn tôi lên luôn trên phòng tôi nghen.
Hoàng Dung không trả lời, cô kéo cánh cổng với vẻ mặt quạu đeo.
- Như Sương có nhà không?
Một giọng con trai hỏi trổng.
Không nhìn lên, cô gằn gằn, cộc lốc:
- Có!
- OK. Vậy là tuyệt cú mèo. Cô lên nói với Như Sương, có Trần Thanh đến.
- Cổ nói ... lên trên phòng cổ.
- Ê! Sao cô không lễ phép gì hết trơn vậy. Tôi là bạn của cô chủ côi.
Hoàng Dung nhếch môi:
- Bạn thì đã sao? Trách người ta sao không nhìn lại mình, coi nãy giờ ông ăn nói kiểu gì.
Cô phóng ánh mắt gai góc nhìn xoáy vào khuôn mặt khá điển trai của gã con trai.
Trần Thanh sững người ... Chúa ơi! Ở đâu ra một cô gái đẹp ác liệt vậy kìa!
Anh chàng nhăn nhó:
- Cô bé là ai hả?
Hoàng Dung chán ngắt:
- Con ở. Mời ông vô! Không thôi cô chủ tôi nổi giận, tội nghiệp tôi.
Trần Thanh nghe cô nói, hắn chắt lưỡi than thầm trong cổ họng. Đẹp thế kia mà đi ở, tiếc quá. Bỗng dưng Trần Thanh nảy ra ý nghĩ làm quen với cô gái. Phải hầu hạ Như Sương có mà mềm như cọng bún. Như Sương tính ích kỷ, một con ở đẹp hơn cả cô ta, chạy đâu không bị Như Sương ghét chư!
Mặc kệ những ý nghĩ và ánh mắt đầy thích thú của Trần Thanh, Hoàng Dung kéo mạnh cánh cổng rồi lặng lẽ bỏ vào nhà. Cô rất ghét bị con trai nhìn kiểu sâm soi như vậy, nó có vẻ trần trụi và thô bỉ thế nào ấy. Hắn ta chắc lớn hơn Dung một - hai tuổi. Vậy mà Như Sương kết bạn, lại dễ dãi cho con trai lên tận phòng ư? Sao con bé sống buông thả như vậy, trong khi nó chưa qua hết bậc phổ thông?
Hoàng Dung nghĩ đến ông Bách. Cô tin rằng ông không hề biết gì về con gái mình, ngoài việc cho tiền để Như Sương tiêu xài. Thêm chút bất mãn dâng cao trong lòng Hoàng Dung. Hình tượng về một gia đình gia giáo, lễ nghĩa bỗng chốc lãng đãng trong lòng cô, chua chát thế nào ấy.
Trần Thanh ôm Như Sương trong tay, anh đặt lên môi cô gái một nụ hôn thật dài. Như Sương dạn dĩ hôn trả lại Thanh. Họ đã quen với những giây phút bên nhau thế này. Như Sương kiêu kỳ với tất cả mọi người, chỉ dễ dãi duy nhất một Trần Thanh.
Trần Thanh nheo mắt:
- Sắp thi rồi, sao không chịu đến lớp hả cưng?
Như Sương nhún vai:
- Chỉ thi tốt nghiệp thôi mà, có gì mà lo chứ. Em có tên bạn quậy số một trong lớp, nó đã nghỉ học đến bốn mươi chín ngày, liên tục làm kiểm điểm. Mẹ nó đến trường như cơm bữa. Nhưng nó có cái ô to đùng, nên đâu lại vô đó. Đơn giản là nó chỉ nghỉ học, không có thái độ hỗn láo với thầy cô. Và năm nay năm cuối cấp. Có ông thầy, bà cô hiệu trưởng nào muốn trường mình bị mất điểm chứ. Em so với nó còn ở hạng thứ một trăm.
Trần Thanh bật cười:
- Khiếp! Một năm học có bao nhiêu đâu, nghỉ gì thấy sợ. Dù sao em cũng phải cố, Sương ạ. Ba mẹ anh chấm em rồi, nhưng vẫn muốn \"con dâu học thức\".
Như Sương cười giòn tan:
- Em thà không lấy chồng, chứ em không đi học tiếp đâu. Ba em đủ sức lo cho em được sung sướng mà. Anh yêu em, chả lẽ anh không có cách thuyết phục ba mẹ anh. \"Văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền\". Anh quên điều đó hay sao?
Trần Thanh trầm tĩnh:
- Các cụ có lý lẽ của họ. Em còn trẻ, hãy học thêm vài năm cũng là tốt cho em kia mà. Vợ một bên, ai còn ngốc đi tuyển thư ký. Khi ấy không phải hạnh phúc trọn vẹn à.
- Anh cũng khéo nói lắm. Vậy mà hồi ấy không học Luật, để cãi giùm em lý lẽ. Thôi, cũng còn sớm để tính đến việc học hành. Hôm nay anh ở đây chơi với em nha.
- Em không sợ ba nữa à?
- Lúc nào em cũng kính trọng ba. Vì em không muốn ba buồn, chứ không phải em sợ ba. Hơn nữa, hôm nay ba em đi tới tối lận.
- Còn anh Hai?
Như Sương nhíu mày:
- Anh Hai đâu làm khó anh chứ!
- Dù sao anh vẫn ngại ngại thế nào ấy.
Vừa lúc Hoàng Dung bưng khay nước lên, cô nhỏ nhẹ:
- Thưa cô, tôi đem nước lên cho cô đây. Tôi vào được không?
Như Sương kiêu kỳ:
- Chị vào đi!
Hoàng Dung bưng khay nước đặt xuống bàn. Như Sương chau mày:
- Sao lại là sữa?
Hoàng Dung bình thản:
- Dạ, chị Tình nói pha cà phê cho cậu đây, còn cô chủ bệnh, sáng giờ chưa ăn gì nên chị ấy nói tôi pha sữa cho cô uống.
Như Sương tức tối:
- Mấy người thiệt quá đáng! Định chơi tôi hay sao?
- Dạ, không có!
- Không có thì mau làm cho tôi ly sữa đá cà phê.
- Dạ.
Trần Thanh lên tiếng:
- Không cần phải vất vả như vậy đâu, để tôi uống sữa cho!
Như Sương tròn mắt:
- Anh đùa nữa.
- Anh không đùa! Sẵn ly cà phê đen, mình sang vào hai ly khác rồi đổ sữa vô. Như vậy cũng là cà phê sữa.
Như Sương lườm dài:
- Chịu thua anh luôn! Có vậy cũng nghĩ ra được.
Trần Thanh tự tay sớt hai ly cà phê và sữa hòa vào nhau. Đưa cho Sương một ly, anh cười cười:
- Nhà em mới tuyển thêm người à? Hèn chi em mãi sung sướng cũng đúng.
Như Sương cong môi:
- Ba em thuê chị ta về chăm sóc cho Út của em. Nhằm khi rảnh, em mới nhờ chị ta chút việc thôi. Ông già mà biết chuyện em sai chị ta, ổng la chết.
- Sao lạ vậy?
- Vì ba em muốn chị ta lo cho Út em chu đáo. Bác sĩ nói Út của em có khả năng hồi phục, vì các cơ chân, tay, của Út vẫn cử động được. Phải có người chăm bẵm, tập cho Út mới có hy vọng.
- Nhưng cô ta còn trẻ quá.
- Lớn hơn em hai tuổi đấy. Nhưng con gái nhà quê làm việc nhanh và gọn gàng lắm.
- Vậy hả! Vậy mà anh nghĩ cô ta trạc tuổi em. Xinh đẹp như thế mà đi ở, uổng quá.
Như Sương nhéo thật mạnh vào người Trần Thanh:
- Em có nghe lầm không? Hôm nay anh đột nhiên lạ à nghen. Không phải vì Vũ My xinh đẹp chứ. Anh mà lộn xộn, em không tha đâu.
Trần Thanh nhăn mặt:
- Trời ạ! Nhéo anh dữ vậy nhỏ. Chỉ là lời nói vô tình thôi, chưa gì em đã cho anh nếm mùi \"lợi hại\" của móng tay. Anh không ngờ em dữ ghê đi!
Như Sương thản nhiên:
- Không dữ như thế, chắc anh đã \"tay trong tay ngoài\" từ lâu rồi. Tại người ta yêu anh chớ bộ.
Hoàng Dung không quan tâm đến Trần Thanh, cô ghét ánh mắt của hắn ta. Nó đểu đểu thế nào ấy. Cha ruột của cô vì không thể \"chống lời cha mẹ\" đã bỏ mẹ con cô lay lắt bao năm tháng. Ở đời này, chữ nhân nghĩa không còn là điểm sáng bên cạnh ánh kim tiền nữa. Cô chẳng dại dột đâm đầu vô bọn đàn ông như ai kia!
:smrose: :smrose: :smrose:
Bà Bích được Hoàng Dung đẩy ra vườn kiểng. Bà có vẻ xúc động ghê gớm, khi được nhìn lên bầu trời trong xanh vời vợi, chứ không phải là bức trần đóng bằng ván ép hoa vân của Trung Quốc quanh căn phòng hai mươi bốn mét vuông của bà. Hoàng Dung còn tế nhị nâng cao phần đầu giường, để bà Bích tự do nhìn ngắm cây cảnh, hoa lá. Bà Bích nghẹn ngào:
- Ôi, đẹp quá! Mấy trăm ngày qua ta đã sai lầm, khi nằm mãi trong nhà. Vũ My! Cháu hái cho bà bông hồng kia. Không phải hồng nhung đâu. Là hồng tỉ muội, màu tím hồng ấy.
Hoàng Dung đưa cho bà Bích bông hoa, cô hỏi:
- Loài hoa này đâu có hương thơm như hồng nhung hả bà?
Bà Bích đăm chiêu:
- Ta không thích sự kiêu kỳ, không ưa cái đẹp quá sắc sảo. Ta thích hồng tỉ muội, vì nó sống dễ dàng trong bất cứ môi trường nào. Và hoa lâu tàn hơn. Ta nghĩ phàm là con người, càng giản dị, đơn giản càng mẫu người biết sống phải trái ở đời.
Hoàng Dung im lặng nghe bà Bích nói, cô nhẩn nha nắm bóp chân tay và bả vai cho bà Bích. Cô làm chậm, đều đặn. Bà Bích cũng im lặng tận hưởng cảm giác dễ chịu đang tan ra khắp cơ thể bệnh tật của mình.
Hoàng Dung chỉ dừng tay khi đủ ba mươi phút. Cô xoa bóp cho bà Bích:
- Bà chủ thấy dễ chịu không ạ?
Bà Bích trầm giọng:
- Giá như cháu gái của ta được hiếu thảo như cháu, ta đã không nằm đây hằng năm trời, sống không bằng chết thế này. Không ngờ cháu còn nhỏ đã biết nghĩ đến người khác nhiều như thế.
- Bà ơi! Bà đừng nói thế. Cháu quan tâm cho bà trước hết là cháu cần tiền để lo cho nội cháu ở quê. Sau nữa, cháu muốn bà khỏe mạnh, để có thể trở lại với cuộc sống. Bà đừng trách Như Sương, cô ấy còn trẻ lại sanh ra trong gia đình giàu sang, tất cô ấy quen được chiều chuộng thì sự quan tâm của cô ấy dành cho bà không được như tụi cháu. Bây giờ, điều bà cần cố gắng là tập luyện cơ bắp, ăn uống đều đặn. Có vậy, bà mới đủ sức để phẫu thuật cột sống, bà ạ. Ông chủ rồi phải già đi. Nếu bà mãi thế này sẽ không ai lo cho bà được. Nên ông chủ muốn bà bình phục lắm đó.
Bà Bích xúc động:
- Cháu ngoan lắm. Đúng là ông trời cho ta cơ hội chữa bệnh, nên mới xui khiến anh ta tìm được cháu. Vũ My! Ta hứa nếu khỏi bệnh, ta sẽ bù đắp cho cháu. Ta sẽ lo cho cháu có một công việc làm ổn định. Ta sẽ nhận cháu làm con nuôi, cháu không chê ta chứ?
Hoàng Dung cười hiền:
- Cháu mong bà bình phục. Còn mọi việc sau này hẵng tính, bà ạ.
Cô tiếp tục xoa bóp cho bà Bích bằng loại dầu xoa bóp đặc biệt dùng cho người học võ. Cung đã tìm được loại dầu này, để cô chữa trị cho bà Bích. Tận khi tiếng còi xe của Cung chạy vào sân, và bàn tay Dung nóng bỏng, cô mới ngừng công việc, đẩy giường bà Bích trở vô phòng.
Bà Bích mừng vui như đứa trẻ nhỏ khi thấy dĩa mực ống nhồi thịt chiên giòn bày trên chiếc khay nhôm. Cô gái nhỏ này đang tìm mọi cách kéo bà trở về với cuộc sống đời thường đây.
Cho bà Bích uống thuốc xong, Hoàng Dung mới khép cửa phòng lại, cô bưng khay chén xuống bếp.
Chị Tình ngẩn ngơ:
- Em tài thật đó My! Giúp bà Út ăn hết hai chén cơm với bao nhiêu là đồ ăn. Em không sợ cực phần sau à?
Hiểu ý chị Tình muốn ám chỉ việc cho bà Bích ăn ngon, ăn nhiều, bà sẽ đi tiêu đi tiểu nhiều. Đó chính là lý do tại sao đồ ăn dư thừa nhưng bà Bích chỉ được ăn những món ăn không để bộ tiêu hóa làm việc nhiều.
Cô cười tươi:
- Chị chưa thấy vẻ mặt mừng rỡ của bà Út khi bà nhìn khay đồ ăn đâu. Em rảnh việc, lại được chỉ định phục vụ cho mình bà Út. Em phải cố gắng thôi, chị ạ. Bắt bà Út ăn hoài mấy món thịt ram mặn, hột vịt muối, ruốc chà bông, em thấy không tốt lắm chị ạ. Nhà người ta thừa khả năng lo cho con cháu, em út kia mà. Mình ráng một chút, để người khác vui vẻ cũng tốt mà.
Chị Tình cười xòa:
- Ông chủ quả đã không tìm nhầm người. Thôi, vô ăn cơm với chị, kẻo trưa rồi đó.
Hoàng Dung \"bà Tám\":
- Cậu chủ ăn cơm cùng hai người kia hả chị?
Chị Tình lắc đầu:
- Không! Cậu ấy giận cô Như Sương đến không ăn cơm được. Cô ấy thiệt kỳ cục. Ai lại đưa con trai lên phòng chứ!
Hoàng Dung tưng tửng:
- Cô Út đã yêu rồi hả chị?
- Ôi trời! Không biết chính xác là ai nữa. Cổ có hàng chục bạn trai, ai cũng săn đón, chiều chuộng cổ. Chả hiểu sao chị không ưa được ai cả.
Hoàng Dung bật cười:
- Chị nói mắc cười ghê! Bạn cô Út, chị không ưa nổi là đúng rồi. Người ta bây giờ sống hiện đại.
- Ý chị muốn nói, bọn họ chẳng đứa nào thật lòng với cô Út đâu. Họ nhắm vào cái gia tài này thì đúng hơn. Mắt cậu Thanh ấy hả, nó có vẻ ma mãnh lắm. Mấy người có ánh mắt đó, không yêu ai ngoài bản thân họ đâu.
Hoàng Dung trầm tĩnh:
- Hình như em cũng chung ý nghĩ với chị. Anh ta là bạn cô chủ, nhưng lúc gặp em, ánh mắt anh ta lạ lắm. Em không thích loại đàn ông đó.
Vừa lúc Cung đi xuống, anh nhìn vào mâm cơm của hai chị em, rồi nói:
- Bé My, lấy cho anh đôi đũa, cả chén nữa!
Chị Tình rối rít:
- Cậu đói bụng phải không. Để tôi hâm nóng lại đồ ăn cho cậu ăn.
Cung xua tay:
- Chị đừng biến tôi thành người quá coi trọng miếng ăn như thế! Tôi muốn ăn chung với chị và Vũ My.
- Nhưng mà ...
Cung cau mày:
- Chị này hay thật đấy! Phải chị không muốn tôi ăn cơm không?
Hoàng Dung từ tốn:
- Chị Tình à! Ý anh Cung muốn vậy, chị cứ để ảnh ăn cho vui.
Chị Tình tuy không đồng ý cách xuôi lẽ này của Dung, thêm việc xưng hô có vẻ thân mật của cậu chủ dành cho Hoàng Dung, chị rất thắc mắc. Nhưng là ... thắc mắc trong bụng mà thôi.
Cung vừa ăn vừa hỏi HOàng Dung về tình hình sức khỏe của bà Bích. Sau đó, anh đến thăm bà cô của anh. Hoàng Dung dọn dẹp xong, cô về phòng nghỉ ngơi. Cô nằm nghe nhạc chứ không thể ngủ được. Vì xưa giờ cô đâu ngủ trưa, nên đã quen cách sống đơn giản của mình. Lần đầu tiên trong đời, cô được nghe những bản nhạc mình yêu thích từ chiếc máy được coi là của riêng mình.
Đang cố gắng xách giỏ đồ băng qua đường, con đường trước cửa chợ vào giờ cao điểm đông kinh khủng, Hoàng Dung rối cả mắt, vì cô không biết làm sao để đừng va phải những chiếc xe lao vun vút trước mặt cô. Cô chỉ mới ở thành phố có hai tuần, và điều đáng nói hơn cả đây là lần đầu tiên cô đi chợ. Chị Tình bị đau bụng, mọi việc cơm nước chợ búa, tất cả các việc trong nhà đều trút vào đôi tay bé bỏng của cô. Chẳng ai tin rằng trước khi đến thành phố này, Hoàng Dung tuy sống đạm bạc nhưng lại không biết nấu nướng các món ăn ngoài nồi cơm, luộc rau, chiên trứng là chấm hết. Bà nội Bân giành làm tất cả. Cô chỉ biết đi học mà thôi. Bây giờ phải \"thực tế\", cô mới thấm thía lời dạy của nội: \"Con gái ít nhiều phải biết về nữ công gia chánh. Có thế, sau này khi lấy chồng, gia đình mới hạnh phúc\".
- Bé My, đưa anh xách phụ cho!
Giọng nói sát rạt một bên, cắt đứt suy nghĩ của Hoàng Dung.
Cô thốt lên, vẻ kinh ngạc:
- Là chú à, Trần Thanh?
Trần Thanh bật cười:
- Lạy chúa! Anh lớn hơn bé vài ba tuổi là nhiều, sao gọi kỳ vậy?
Hoàng Dung tỉnh bơ:
- Chú là bạn cô chủ của tôi. Tôi không dám gọi khác, cô chủ sẽ mắng tôi mất. Không dám phiền chú đâu!
Dứt lời, cô mím môi, xách giỏ đồ bước tới.
Roét ... Roét ...
Tiếng thắng xe nghiến rờn rợn trên mặt đường, kèm theo câu nói nặng hơn ... đá!
- Đi đứng gì như con điên vậy. Tự nhiên đâm sầm vào xe người ta, định vu vạ hay sao bà nội trẻ?
Hoàng Dung xanh cả mặt, giỏ đồ trên tay cô rơi xuống đất làm văng những củ khoai tây, cà rốt, cà chua ra đường. Còn chưa hoàn hồn lại bị chửai, Hoàng Dung bất chợt tức điên lên. Cô nói nghèn nghẹn:
- Tôi không cố ý! Tại sao ông mắng tôi chứ. Đúng ra, tôi không biết cách tránh xe. Ông chạy xe, ông phải né tôi chứ. Ông điên thì có.
- Sai còn cãi hả? Cô có biết nếu lúc nãy tôi không tránh kịp, tôi tông vào cô, tai họa dành cô tôi thế nào không. Muốn qua đường phải giơ tay xin đường. Mặt mũi không đến nỗi, sao cô \"Hai Lúa\" quá vậy?
- Tôi đúng là nhà quê mới ra thành phố mà. Tôi xin lỗi.
Hắn có vẻ ngạc nhiên trước câu trả lời của Hoàng Dung. Thế là mặc kệ mọi câu la lối của mọi người - vì hắn dựng xe xoay ngang đường - hắn điềm nhiên lượm từng củ khoai rơi, bỏ vô giỏ cho Dung.
- Bé My! Em có sao không?
Trần Thanh lách người đến bên cô. Vốn không ưa anh ta, cô dấm dẳng:
- Tôi vẫn còn sống nhăn nè, chú không thấy sao còn hỏi.
- Bé My! Cứ thế này cô sẽ trễ giờ nấu cơm trưa đấy! Đừng bướng nữa được không? Lên xe tôi chở về!
Hoàng Dung cười khẩy:
- Cám ơn chú. Có lỡ trễ một chút cũng không sao. Tôi thà chịu ông chủ la, chứ không ngốc rước rắc rối vào người.
Cô nhận lại giỏ đồ từ tay anh chàng đi Viva, nhoẻn miệng cười:
- Cám ơn anh đã nhặt giúp. Tôi phải về!
Nụ cười của cô không những làm cho anh ta ngẩn ngơ, mà Trần Thanh cũng nhói tim nhìn theo cô.
Lạy Chúa! Cô nhóc có nụ cười đáng ngàn vàng chớ chẳng chơi.
Hoàng Dung qua đường thì mải miết đi nhanh về nhà, cô không hề biết mình đã khiến hai gã đàn ông đang \"chết đứng\".
Chị Tình nhìn vẻ mặt căng thẳng của dung khi cô về tới bếp, chị hỏi:
- Em gặp chuyện gì phải không My?
Hoàng Dung bẽn lẽn:
- Em đã không biết cách qua đường, sém chút gây tai họa rồi. Chị đỡ đau chưa? Sao chị ra đây chi vậy?
Chị Tình khẽ cười:
- Ôi chao! Chuyện này đúng là chuyện không ngờ đấy. Rồi làm sao em về?
Hoàng Dung kêu lên:
- Muộn rồi! Để em bắc nồi cơm điện, còn làm đồ ăn nữa, kẻo không kịp. Cô chủ nhỏ đi học về mà chưa chín cơm thì tai họa trút xuống nữa. Lúc nào rảnh, em sẽ kể cho chị nghe sau nghen.
Chị Tình nhẩn nha:
- Chị cũng đỡ rồi, để chị phụ làm với em cho nhanh. Cơm chị nấu rồi.
Hoàng Dung ngẩn ngơ:
- Chị! Có phải chị lo em không làm được?
- Không hẳnv ậy! Chị biết em thông minh, nhưng \"trăm hay không bằng tay quen\", chị đỡ đau nên phụ em mà thôi. Đừng nhìn chị như thế!
Hoàng Dung đành phải để chị Tình làm giúp cô. Cho đến khi lau chén dĩa, cô mới nói:
- Chị có biết lúc ở chợ, em đã gặp ai không?
- Bạn hay người quen của em ở quê chứ gì! Sao không mời họ đến đây chơi?
- Chị đoán trật rồi! Em đã nói em không quen ai ở thành phố. Là em gặp bạn trai của cô chủ - chú Trần Thanh!
Chị Tình tròn miệng:
- Trần Thanh? Hắn nhận ra em không?
Hoàng Dung cắn môi khẽ gật đầu:
- Đòi đưa em về nhà, em phải nói \"mát mẻ\" lắm, hắn chịu \"lạnh\" không nổi, mới chịu bỏ đi.
- Ờ, cậu ta trẻ thế, sao em gọi bằng chú nhỉ?
Hoàng Dung che miệng cười:
- Là em muốn hắn ta tức chơi thôi. Em không có cảm tình với anh ta, nên không muốn nói điều tử tế.
- Em làm vậy là đúng đấy. Cô Út nhà này tính khí thất thường, lại gần gũi thân mật với cậu ta, sợ rằng thấy em nói chuyện với bạn trai cổ, không chừng cổ xài xể nữa, nhức xương lắm.
Hoàng Dung chỉ cười. Hai mươi tuổi, cô chưa nhận lời yêu ai cả, đơn giản vì cô không thích quen đàn ông khi cuộc sống của hai bà cháu cô còn quá khó khăn. Hồi ở quê, con trai bà giám đốc xí nghiệp gỗ xuất khẩu đeo đuổi cô rất kiên trì. Ngạn tuy xuất thân trong gia đình giàu có nhưng tính nết Ngạn mạnh mẽ và nhân hậu. Bà nội cứ muốn cô lấy Ngạn để cô bớt vất vả hơn. Nhưng cô không thể buông xuôi, vì còn bà nội. ai dám chắc rằng khi cưới được cô rồi, họ sẽ không bắt cô bỏ rơi bà nội. Cô không bao giờ bỏ nội, dù phải ăn đói mặc rách, cô vẫn yêu thương kính trọng bà. Cô khát khao được làm công nhân cho một xí nghiệp. Và bà nội đã bảo cô về thành phố, bà tin cô gặp được cha cô, cô sẽ không còn cơ cực nữa. Bà nội không bao giờ tin đứa cháu bà yêu như máu thịt - dù không là máu thịt của bà - lại làm công việc của một người giúp việc nhà cho chính cha ruột mình.
May là bà Bích không đến nỗi khó chịu. Đã vậy, dạo này bà nghe lời cô, ra ngoài cho đầu óc thanh thản. Dù nằm trên giường đẩy, chỉ ngước mắt nhìn cảnh vật, song bà bắt đầu khát khao trở về cuộc sống đời thường. Buổi tối, Hoàng Dung đọc sách cho bà nghe. Những câu chuyện về các danh nhân, hào kiệt đất nước, cả chuyện tiểu thuyết nữa, bà nghe say sưa quên cả mọi nỗi buồn bực.
Cung bước vào cửa, ồn ào:
- Chà! Món gì mà thơm dữ vậy, Vũ My? Hôm nay em nấu nướng một mình chắc là vất vả lắm hả?
Hoàng Dung bình thản:
- Dạ, việc nội trợ của con gái, quen tay quen chân rồi nên em không thấy mệt. Điều đáng nói là bữa cơm do em nấu có ngon không kìa.
Cung nhún vai:
- Anh nghĩ là ngon đấy. Vì mùi vị bay thơm quá.
- Vậy, để em dọn cho anh ăn trước nha. Trưa nay, ba không về. Cô Út ăn sau cũng được.
Cung quan tâm:
- Như Sương đối xử với em thế nào?
- Dạ, cũng thường.
- Em đừng suy nghĩ làm gì, nó còn nhỏ quen được là \"nhất nhà\" rồi, bây giờ không thể dễ dàng thuyết phục nó. Nhưng cũng không được nhịn nó quá, em hiểu không?
- Dạ.
- Em muốn đi nghe ca nhạc không My?
- Dạ, em thích lắm. Nhưng em không thể đi ban ngày hoặc buổi tối trước tám giờ.
Cung chậm rãi:
- Để anh thu xếp! Thứ bảy này anh có vé mời, anh đưa My đi.
- Có phiền anh không, anh Cung?
- Sao lại phiền? Anh chưa có bạn gái, chỉ thích mấy thằng bạn nhậu. Hôm nào anh giới thiệu em làm quen tụi nó nghen?
Dung le lưỡi:
- Tha cho em đi anh Cung! Em chúa sợ mấy người say xỉn ...
- Bạn anh uống vì những hợp đồng đối tác, không có say xỉn bao giờ. Anh tin là em sẽ mến họ đấy.
Hoàng Dung im lặng, một lúc lại hỏi:
- Rồi ... anh nói em là gì của anh?
- Em gái chừ là gì! Nhỏ này thiệt tình, định trác anh hả?
- Không có! Tại em sợ khi biết rõ em chỉ là đứa ở đợ, bạn anh khinh em. Em sợ sự thật ấy lắm, nó sẽ làm em đau đớn ...
- Em đừng lo gì cả! Bạn anh, đứa nào cũng tự tay gầy dựng sự nghiệp, khổ nhiều rồi nên dễ cảm thông cho người có hoàn cảnh. Vậy đi!
Lần này Dung im lặng luôn. Cô không ra vẻ bằng lòng hay phản đối nữa.
Hơn 12 giờ trưa, vẫn không thấy Như Sương về, cô nói chị Tình nghe thì chị ấy chắt lưỡi:
- Em đi nghĩ trưa cho khỏe. Cô Út đâu phải lần đầu như thế này. Chị quen rồi. Con gái mà không biết ý tứ nến na gì hết. Chỉ tội cho ông chủ.
Hoàng Dung đọc được sự bất mãn xen chút coi thường của chị Tình khi nói về Như Sương. Cô thở dài, bỏ đi về phòng của mình. Cô không ngủ mà lấy sách ra tự học thêm Anh văn. Dạo đi học, cô từng đạot giải nhì toàn tỉnh về môn Anh văn. Nhưng lần đi dự thi toàn quốc, bà nội đột nhiên ngã bệnh nên cô không thể dự thi được. Anh Cung nói, muốn tìm được việc làm tốt ở thành phố, cô phải biết ít nhất một ngoại ngữ và vi tính. Cô không có máy vi tính và cũng không có thời gian học ở ngoài nên trước mắt, cô đành cố gắng học cho vững môn giao tiếp tiếng Anh này. Cô tội nghiệp bà Bích - chính xác hơn là cô thương bà - bà bị cô độc giữa căn nhà lộng lẫy và sang trọng. Hơn nữa, nói về mặt đạo nghĩa cô là cháu của bà, cô không thể bỏ mặc bà trong lúc bà đang dần dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống này. Cô cũng không thể bỏ qua cơ hội, nếu một ngày nào đó cô tìm cho mình một công việc tử tế, cô nhất định sẽ ra đi.
- Cô My à! Cô chủ gọi cô inh ỏi trên nhà kìa!
Đang thiu thỉu ngủ, Hoàng Dung giật mình bởi tiếng gọi của chú tài xế riêng của ông Bách. Cô vội vã mở cửa đi ra:
- Chú về hồi nào? Chú biết cô chủ gọi cháu chuyện gì không?
Ông Lân lắc đầu:
- Vừa về tới tôi đã nghe tiếng cổ chói lói nơi phòng khách. Cổ còn nhỏ mà tính nết hung dữ quá. Thiệt không học được ông chủ chút lòng nhân nào. Con cái chi lạ vậy! Cũng may, ông chủ kẹt công việc dưới Châu Đốc, nên tôi chở hàng về trước.
Hoàng Dung đi lên phòng Như Sương. Cửa phòng không đóng. Như Sương đang gập người lại ói mửa. Nền nhà dơ kinh khủng bay ra toàn mùi tanh tưởi đến lộng óc. Hoàng Dung đưa tay bụm miệng. Trời ạ! Như Sương mặc áo dài trắng nhu mì trong trắng thế kia, sao có thể đi uống bia được nhỉ?
- Vũ My! Chị đâu rồi hả? Vũ ... My ...
Như Sương lè nhè gọi.
Hoàng Dung rút đại chiếc khăn mặt của Như Sương, quấn quanh mặt, cô hỏi nhẹ:
- Tôi đây. Cô Út sao vậy?
- Bộ mắt chị lé hay thong manh đây mà không thấy người ta đang ói. Làm ơn giúp tôi ...
Lời chưa dứt, cô đã gập mình ói tiếp. Nhìn Như Sương lúc này, Hoàng Dung chỉ muốn được đánh con nhỏ. Hư quá rồi! Cứ kiểu này liệu con nhỏ sẽ ra sao đây?
Hoàng Dung chưa từng phải chăm sóc người asy xỉn ói mửa. Bây giờ, cô vừa khóc vừa cắn răng lau chùi cho Như Sương. Vất vả lắm, cô mới đưa được con bé lên giường. May sao chỉ dơ chiếc áo và đầu tóc rối tung như tổ quạ. Chả biết Trần Thanh cười nổi không, khi nhìn thấy Như Sương lúc này.
Cô lui cui hốt dọn và lau nhà. Lau đến ba lần vẫn không hết nổi mùi tanh. Kinh khủng quá! Rốt cuộc cô phải dùng đến nước xả có hương chanh thơm dịu, cô lạu thật kỹ từng viên gạch, cho tới khi không còn ngửi thấy gì nữa mới thôi.
Chị Tình trợn mắt khi thấy quần áo cô vừa tanh vừa ướt:
- Bà Út \"bậy\" ra nhà hả Dung?
Hoàng Dung lắc đầu:
- Không phải bà Út. Là Như Sương, chị ạ. Cô ấy ói tùm lum khắp phòng. Em mệt quá!
Chị Tình thở hắt ra:
- Cô chủ nhỏ vẫn chứng nào tật ấy. Cứ dung dăng dung dẻ đi uống rượu với mấy thằng quỉ loi choi kia, không cẩn thận có ngày ôm cái bầu tâm sự vào đời, nhục chết mất!
Hoàng Dung đờ đẫn:
- Chuyện này xảy ra thường hả chị? Ông chủ không nói gì sao?
- Thỉnh thoảng thôi, nhưng lần nào về cũng say bất biết, con gái mà như thế, gặp mấy thằng họ Sở, nó làm nhục mấy hồi. Cổ sao rồi?
- Dạ, ngủ rồi. Nhưng người cô chủ dơ lắm, phải làm sao hả chị?
- Dùng nước nóng lau cho cổ, rồi thay đồ khác. Chứ người ngợm như thế, ai nhìn cho được.
Hoàng Dung lặng lẽ quay trở lên phòng, thay đồ cho Như Sương. Sau đó, tiếp tục trở về công việc cơm nước của mình.
Như Sương ngủ một giấc đến tận tối. Cung vào phòng nhìn em gái mà ngao ngán. Xinh đẹp, dễ thương nhưng không hề biết làm bất cứ một công việc gì cho ra việc. Đã vậy, ông Bách đi suốt ngày, hầu như ông quan niệm làm ra tiền thật nhiều để con cái sung sướng là được. Ông chẳng hề biết những tật xấu của Như Sương. Bây giờ oái oăm thay, ông tìm được con gái ruột của mình, lại chưa thể thừa nhận.
Bao nhiêu năm nay, ông sống cô độc bên bà Như Ngọc cho đến khi bà Ngọc chết vì bệnh tăng xông. Hai vợ chồng không có được đứa con nào. Và ông Bách đã xin Như Sương từ viện mồ côi về cho bà Ngọc nuôi, từ lúc con bé chỉ là đứa bé đỏ hỏn vài ngày tuổi, bị mẹ nó bỏ lại trước cổng viện.
Cũng như anh, trong một lần tình cờ, khi ông bà lên Đà Lạt nghỉ hè, ông đã cứu được anh thoát chết, khỏi cơn sạt đất ở một triền núi, sau thiền viện Trúc Lâm. Lúc đó, anh đã là thằng nhóc 12 tuổi. Còn ông bà Bách mới ngoài ba mươi. Anh được ông bà nhận làm con, bởi anh sống ở chùa, làm chú tiểu, không biết cha mẹ mình là ai. Anh được sư trụ trì chùa cho trở lại đời thường bởi sư ông muốn anh được ăn học đến nơi đến chốn. Đó cũng là lý do vì sao anh lớn tuổi hơn Như Sương và Vũ My.
Cung thở dài. Anh không biết phải làm gì để Vũ My nhanh chóng thoát khỏi cảnh tủi cực này. Bị em mình sai khiến đày đọa, ai không tủi phận chứ?
Như Sương chẳng những không biết ơn những gì Hoàng Dung lo lắng quan tâm đến cô. Khi ngủ dậy, ngửi thấy mùi tanh nồng vương mang trên đầu tóc, cô đã hét ầm ĩ:
- Chị My đâu, lên biểu coi!
Chị Tình nhún vai:
- Con bé nổi giận rồi, em coi chừng bị xé nhỏ đấy!
Hoàng Dung đi lên phòng Như Sương, cô nhỏ nhẹ:
- Cô chủ cần gì ạ?
Như Sương gằn giọng:
- Chị lau nhà cái kiểu gì mà tanh quá vậy? Tôi cho chị biết nghen, không phải được anh Hai tôi quan tâm, chị dựa vô đó mà làm biếng thì không yên với tôi đâu.
Hoàng Dung chợt tức:
- Thưa cô, nhà rất sạch và thơm. Không tin, cô có thể cúi sát xuống ngửi thử. Tôi không dám dựa hơi ai cả, thưa cô.
- Chị còn cãi?
- Tôi chỉ nói đúng sự thật thôi. Tại hồi trưa cô ói ra khắp nhà. Tôi không thể lau sạch người và tóc cho cô. Vì cô đang say, tôi không dám để cô gội đầu. Bây giờ, tôi sẽ đem nước nóng cho cô.
Câu nói từ tốn của Hoàng Dung khiến Như Sương khựng lại. Nhưng cô vẫn ngoan cố vì ỷ mình là chủ:
- Chị chửi xéo tôi đó à? Tôi uống bia không được, nên mới phiền đến chị. Phận như chị, không được cãi lại tôi đâu.
Không cãi thêm một lời, Hoàng Dung lặng lẽ quay xuống nhà. Từ đó cho đến chiều hôm sau, Hoàng Dung nhất định không lên dọn phòng cho Như Sương nữa. Như Sương tức điên lên. Con mụ nhà quê này lớn mật mới dám lì với cô chủ của mình. Phải cho anh Hai biết để ảnh hết còn bênh chị ta.
Nghĩ vậy, cô đi sang phòng Cung, giữa lúc anh trai đang nằm nghe nhạc.
Vừa thấy cô, Cung đã tắt máy, anh gằn lời:
- Em ngồi xuống đây, anh có chuyện muốn hỏi em! Không đau đầu nữa chứ?
Như Sương ngồi xuống ghế mây, cô hỏi bằng giọng hờ hững:
- Em than đâu đầu hồi nào vậy anh Hai? Chuyện gì mà anh có vẻ quan trọng vậy?
Cung cau mày:
- Hôm qua, em uống rượu với ai? Con gái mà say đến độ ói mửa ra nhà như vậy hả. Liệu em dám chắc mấy thằng nhóc kia đàng hoàng với em không?
Như Sương kêu lên:
- Em uống bia chứ không uống rượu. Sinh nhật của em, tụi nó chơi rất đẹp, tặng em toàn quà xịn. Bây giờ sinh nhật của Hải Đăng, chả lẽ em lại bỏ về. Em nghĩ bạn bè cả, chả đứa nào dám động đến em đâu, anh khéo lo. Mà ai kể anh nghe vậy? Phải \"Osin\" Vũ My của anh không? Chị ta thật quá đáng, dám thèo lẻo chuyện chủ nhà. Em phải cho chị ta bài học.
Cung lạnh giọng:
- Vũ My chả nói gì cả. Tại hồi sáng em ngủ say như chết, anh vào phòng em mà em không hề hay biết. Đầu tóc em bốc mùi chua chua tanh tanh, nếu để ba gặp em như vậy, em không sợ ba đau lòng à?
Suy nghĩ một lát, anh lại nói:
- Vũ My là cô gái tốt. Con người, không ai muốn sanh ra đã cực khổ cả. Lẽ ra em là con gái, em phải có tấm lòng nhân hậu khi nhìn cuộc sống của người khác để cảm thông chứ không nên cay cú với người ta như vậy.
Như Sương hất mặt:
- Em mà thèm cay cú với chị ta à? Em sợ rằng có ngày anh bị chị ta hớp luôn trái tim kia. Trần Thanh mấy lúc gần đây cũng quan tâm đến Vũ My hơn em. Anh bảo em không tức là sao?
- Vũ My không phải là người dễ dãi đâu.
- Anh có vẻ bênh vực \"Osin\" quá nhỉ! Nhưng mặc kệ anh nghĩ thế nào, em cũng không thể hòa đồng với chị ta. Bây giờ em đi học đây!
Cung gằn lạnh:
- Đi học hay đi chơi? Anh nhớ không lầm, em không có lịch học buổi tối vào các ngày hai, tư và sáu.
Như Sương cắn môi:
- Anh không tin em à? Dù sao em cũng không dại dột để danh dự gia đình mất đi đâu. Lẽ ra em không cần phân trần với anh, nhưng trong nhà này \"quyền huynh thế phụ\". Ba không có ở nhà thì em cũng nên cho anh biết, em học thêm cho kỳ thi mà thôi.
Dứt lời, Như Sương hất mặt đi ra.
Cung bừng giận:
- Em đứng lại đã!
- Muốn giáo huấn em chuyện gì nữa, anh làm ơn chờ đến tối đi! Mười giờ em về, tha hồ anh \"gọt giũa\". Bây giờ em phải đi!
Nói xong, cô đi luôn, vẻ bất cần. Song cô chưa đi ngay, mà quay xuống phòng của Hoàng Dung. Đúng lúc Hoàng Dung vừa tắm xong, đang ngồi hong tóc.
Như Sương nhếch môi:
- Sướng quá hén! Giờ này còn ngồi đây trau chuốt. Chị cho cô tôi ăn cơm chưa?
Hoàng Dung có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của Như Sương. Cô liếc nhìn đồng hồ rồi nói:
- Bây giờ mới hơn 4 giờ chiều, thưa cô. Bà chủ dùng cơm tối lúc 6 giờ ạ.
Biết bị hớ, Như Sương mím môi:
- Tôi không ngờ chị thèo lẻo như vậy!
- Cô chủ nói gì tôi không hiểu.
- Là chuyện tôi ói mửa ấy. Nếu chị muốn đòi hỏi, tôi sẵn sàng trả công cho chị, mắc gì chị phải nói với anh Hai tôi?
Hoàng Dung lầm lì:
- Cô chủ! Tôi không nói gì cả. Tôi phận ăn kẻ ở trong nhà, nên không có rảnh để nói chuyện không liên quan đến tôi.
- Vậy tại sao ...
- Anh Hai của cô biết chứ gì? Cô nên hỏi thẳng cậu chủ. Tôi xin lỗi, đã đến giờ tôi dọn cơm.
Mặc kệ cho Như Sương tức tối, Hoàng Dung đi luôn vào nhà bếp.
Bị coi thường, Như Sương giận dữ, ném bừa đồ đạc của Hoàng Dung xuống đất, mà không cần biết mình đang làm gì.
Khi tất cả mùng mền, gối chiếu và sách vở của Hoàng Dung đã nằm tung tóe dưới nền nhà, Như Sương mới bỏ đi.
:smrose: :smrose: :smrose:
Bà Bích nhìn Hoàng Dung đăm đăm, khi cô lặng lẽ nâng đầu bà cao lên, để bà ăn cơm.
Bà Bích nặng giọng:
- Cháu có tâm sự hả My? Kể cho ta nghe được không?
Hoàng Dung giật mình. Cô không ngờ bà Bích lại nhận ra tâm trạng của cô. Cười gượng gạo, cô nói:
- Cháu không có gì bà ạ. Tại cháu hơi mệt một chút thôi.
Tưởng cô nói thật, bà Bích chép miệng:
- Cháu gầy như que tăm ấy, phải cố gắng ăn nhiều vào. Ăn ít làm nhiều không ổn đâu. Để mai, bà nói thằng Cung mua cho cháu hộp thuốc bổ.
Hoàng Dung khổ sở:
- Cháu có đau ốm gì đâu bà. Bà đừng nói cậu chủ, cháu không muốn được ưu ái quá nhiều. Bà cứ mặc cháu, bà ạ.
Cô đổi giọng lí lắc:
- Cháu nấu món canh cua để bà ăn cho gân cốt cứng cáp. Bà ráng ăn cho hết nghen. Có tim ram thịt chua ngọt nữa, món này chị Tình nói bà thích ăn lắm, phải không ạ.
Bà Bích xúc động:
- Cháu vất vả vì cả nhà, còn lo nấu đồ ăn ngon cho ta nữa. Thật cực cho cháu quá.
Hoàng Dung thật thà:
- Bà đừng nói vậy! Cháu chỉ muốn bà được ngon miệng. Bà chịu ăn uống nghĩa là cháu đã làm được việc và lãnh lương mà không day dứt, bà ạ.
Bà Bích khẽ hỏi:
- Cháu muốn về thăm nội không?
Mắt Hoàng Dung ươn ướt:
- Cháu nhớ nội cháu lắm, bà ạ. Nhưng cháu muốn gom góp vài tháng lương rồi mới về thăm nội, bà ạ. Cháu muốn bà nội không phải lo đến miếng ăn hàng ngày và lỡ bà có đau ốm cũng có sẵn tiền trong người để mua thuốc.
Bà Bích khẽ thở dài:
- Cháu thật hiếu thảo. Dù sao cháu ở đây đã hơn tháng rồi. Cuối tháng này, bà sẽ nói anh Hai bà cho cháu về thăm bà nội của cháu, chịu không hả?
- Dạ, cháu cám ơn bà.
Thật ra, cô nhớ nội từng ngày từng giờ, nhưng cô không biết nói dối. Chỉ cần gục đầu trong lòng của nội, nghe bà tỉ tê hỏi chuyện, cô sẽ kể hết mọi chuyện. Việc cô đi ở cũng không sao nhưng bà sẽ không chịu đựng nổi khi biết cô là \"con ở\" cho chính cha ruột, anh em của mình. Điều đó thật là kinh khủng đối với một người vốn trọng danh dự như bà nội.
Cô linh cảm thấy Như Sương càng lúc càng muốn khiêu khích cô. Vốn tính nhân hậu, thẳng thắn, cô không sợ mấy chuyện thù hằn nhỏ nhoi đó. Cùng lắm, cô sẽ đi tìm việc ở bên ngoài. Cô tin là thành phố này sẽ cho cô một cuộc sống khá hơn, có nghề nghiệp hẳn hoi nếu cô bỏ căn nhà này.
Nếu ngày ấy xảy ra trước khi ông Bách tuyên bố thân phận của cô, thì người chịu day dứt đau đớn nhất không ai khác ngoài ông Bách. Nhưng cô cũng không thể mãi chịu sự khinh khi quá đáng của Như Sương. Nó là em cô, nó quá sung sướng nên luôn mang tâm địa hằn học với cô. Thà cô mãi mãi sống như bao năm nay chứ không bao giờ để cho nhỏ em đanh đá, dữ dằn này tác oai tác quái, khinh miệt cô. Nếu có trách thì người đáng trách chính là ba cô - là ông Bách kìa.
Gần chín giờ tối, cơm nước xong, cô mới trở về phòng của mình. Hoàng Dung thấy cay nồng khóe mắt, khi cô nhìn tất cả đồ đạc của mình bị ném xuống đất không một chút thương tiếc.
Cô nghĩ ngay đến Như Sương. Chỉ có con bé ấy mới có kiểu trả thù con nít ranh này.
Hoàng Dung ngồi bệt xuống đất, cắn răng đến rướm máu, trong khi nước mắt cô chảy dài xuống má. Cô không ngờ nổi, Như Sương có cách trả đũa cô kiểu hằn học, ích kỷ này.
Cung đứng chết lặng, nhìn sững vào dáng ngồi bát nhẫn, chịu đựng của Vũ My. Ông Bách không bao giờ hình dung được con gái ông phải đau đớn tủi nhục thế này. Anh muốn hét to lên để ba anh nhìn thấy, để ông sớm có một quyết định cho tương lai của Vũ My. Ông lấy lý do sợ Như Sương bị sốc, côn bé hành động nông nổi. Dù sao thì Vũ My đã quen cuộc sống vất vả, phải ráng thêm một thời gian cũng không sao. Ông Bách lý giải như vậy, song Cung thừa biết ông vì danh dự hão của ông thì đúng hơn.
Ôi trời! Nếu vì sợ dư luận chê trách ông đã từng bỏ rơi con mình để rồi tiếp tục bắt Vũ My cực nhọc thì ba anh đã sai, rất sai rồi. Vô tình ông đã đẩy Vũ My rơi xuống hố sâu hơn, còn Như Sương thì mặc tình chà đạp khinh khi Vũ My. Bởi vậy Như Sương luôn coi mọi người chả bằng nó.
- Vũ My!
Nghe tiếng gọi, Hoàng Dung vội đưa tay quẹt lia lịa trên má. Cử chỉ của cô thật trẻ con. Nếu là lúc khác, chắc CUng đã cười phá lên.
Hoàng Dung hỏi khẽ:
- Anh Cung tìm em có gì không?
Cung trầm giọng:
- Là Như Sương phải không My? Anh không ngờ con bé dám làm thế.
Hoàng Dung khô khốc:
- Anh không cần bận tâm chuyện nhỏ nhen này làm gì. Xét về hiện tại, Như Sương có quyền đấy, vì cô ấy là cô chủ nhỏ của em.
Giọng nói đong đầy vẻ chua chát và cay đắng.
Cung thở dài:
- Anh nhất định nói chuyện phải trái với nó một lần. Nó là em út không được làm những việc quá quắt vô học như thế này.
Hoàng Dung kêu lên:
- Anh muốn nói cái gì chứ? Đừng ép em phải ra khỏi đây, khi em đã bắt đầu tìm được chút ân tình ở những người thân của mình. Như Sương còn nhỏ, nó quen được mọi người chiều chuộng, muốn gì được nấy, nên nó không chấp nhận việc nó uống rượu bị anh mắng và nó đổ tất cả lỗi cho em đã méc anh. Bỏ đi anh Cung ạ!
Cung gằn gằn:
- Con bé chửi em à? Thật quá đáng!
- Đừng trách nó! Em đã nói, xét về thế đứng hiện tại, em là người ở của Như Sương. Đã là chủ, muốn làm gì mà không được.
- Nó đã nói gì với em?
Cắn nhẹ môi, Hoàng Dung nói:
- Đại khái Như Sương nghĩ em đã kể cho anh nghe chuyện nó nhậu nhẹt, ói mửa gì đó. Mà sao anh biết?
- Đúng là hồ đồ! Tại anh qua phòng nó, nhiều kiểu ngủ vừa bê bối vừa mệt mỏi. Anh từng bắt gặp vài lần nó trong tình trạng vậy, nên đâu khó khăn gì mà anh không đoán ra.
Hoàng Dung cắn môi:
- Em nghĩ Như Sương đang nghi ngờ em thì đúng hơn.
- Nghi ngờ chuyện gì?
- Thứ nhất là mấy lúc gần đây tên bạn trai Trần Thanh của nó cứ lân la xuống bếp nói chuyện với em. Rồi kế đến, lúc nào anh và ba cũng luôn bênh vực em. Điều này khiến con bé bực tức, nó nghĩ đến việc em đang giành mọi người thân của nó.
Cung kêu lên:
- Trần Thanh là thằng chả ra gì. Đàn ông mà không muốn làm việc, lúc nào cũng dựa vào gia đình, loại người ấy không phù hợp với Như Sương, vì hắn sau này nhất định chỉ là loài tầm gởi sống nhờ gấu áo đàn bà. Như SƯơng không đủ bản lãnh bảo vệ chính bản thân, thì làm sao là chỗ cho nó bám. Em nên tránh xa nó ra. Tránh sự xào xáo giữa hai chị em và tránh cả một tên lừa đảo tình cảm. Em hiểu ý anh không?
- Dạ hiểu. Thật ra, em chẳng ưa được Trần Thanh. Nhìn thấy anh ta là em không còn hứng nói chuyện nữa. Em chỉ lo cho Như Sương, nó trẻ người non dạ, lỡ có chuyện gì thì khổ.
- Anh hứa từ nay sẽ quan tâm đến giờ giấc học tập của Như Sương. Còn hơn tháng nữa, nó thi rồi.
Hoàng Dung hỏi:
- Con bé dự định thi trường nào vậy anh Hai?
- Anh hỏi, nó bảo học xong sẽ lấy chồng chứ không thi đại học. Con nít ranh chưa tự nấu được nồi cơm mà đòi làm chủ gia đình nhỏ, có nước điên luôn!
- Lẽ ra anh nên phân tích cho Như Sương hiểu, điều kiện có mà bỏ học lúc này sau có hối tiếc cũng không kịp.
- Vậy còn em thì sao? Chuyện Như Sương, ba sẽ nói chuyện với nó. Anh dự tính, em cố gắng học để dự thi đại học. Sau này em có tương lai hơn.
Hoàng Dung liếm môi:
- Em bỏ học đã hai năm, chữ nghĩa toán lý hóa bay theo thầy cả rồi, anh ạ. Em bây giờ chỉ muốn xin được làm công nhân là tốt rồi. Chứ sống thế này, em sợ có ngày em khiến ba và anh thất vọng.
Cung nhăn nhó:
- My à! Làm ơn bỏ ngay ý định của em đi! Anh muốn em đi học. Ba là giám đốc một trung tâm thương mại dịch vụ lớn không thể nào con của ba lại toàn người thất học. Em nghe lời anh một lần được không My?
Hoàng Dung xúc động trước câu nói rấ tình cảm của anh Hai, nhưng cô vẫn nhỏ nhẹ:
- Anh quên em còn bà nội hay sao? Bà già rồi, mong mỗi tháng em có tiền chu cấp cho bà. Nếu đi học, em liệu còn cơ hội báo đáp công ơn của bà đã nuôi em bao năm không anh?
Cung tự tin và cương quyết:
- Anh đã cho người đến ở với bà cụ. Nói chung, em không phải áy náy gì nữa. Anh hiểu trách nhiệm của ông hiện tại mà.
Hoàng Dung thản thốt:
- Trời đất! Có chuyện này ư? Sao nội lại giấu em nhỉ?
- Tại anh sợ em tự ái nổi lên chất ngất, em sẽ bỏ nhà này, nên anh đã dặn nội đừng nói.
Hoàng Dung thắc mắc:
- Anh và Như Sương có phải là anh em ruột không anh Cung? Sao hai người tính nết đối lập nhau vậy nhỉ? Chắc mẹ anh hồi ấy đẹp như nhỏ Sương hả anh?
Cung chợt buồn:
- Mẹ anh là người sâu sắc, có tình người. Tiếc rằng mẹ mất sớm, và điều đó đã khiến Như Sương không được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Hoàng Dung khẽ nói:
- Nhưng tại sao cả anh và nhỏ Sương đều không giống ba và cô Út nhỉ?
Cung không trả lời, mà hỏi:
- Cô Út dạo này thế nào?
- Bình thường về sức khỏe và tính nết cô đã sôi động hơn.
- Em tài thật đấy! Hơn một năm nay ba đã thuê tới năm, sáu người về chăm sóc cho cô Út, nhưng chả ai ở lâu được quá một tháng. Ai cũng sợ cô Út như thể cô là cọp vậy. Thật ra, em đã làm cách nào cảm hóa được cô Út nhỉ?
- Em lại thấy cô Út là người giàu tình cảm. Tâm lý người bệnh thường hay bẳn gắt rồi, bởi sự đau đớn của bệnh tật hành hạ. Nhưng ở cô Út, cô lại phải nằm một chỗ, đây là điều khủng khiếp nhất đối với một con người. Càng kinh khủng hơn khi cô ấy hoàn toàn đơn độc. Dù thế nào thì tình cảm anh em, cháu chắt cũng đâu thể bằng tình nghĩa vợ chồng, con cái. Thêm vào đó tính ba thì trầm lặng, mọi biểu hiện tình thương dành cho cô Út đều được ông cố gắng giấu kín. Như Sương thì hời hợt, ích kỷ. Những điều tưởng chừng rất đơn giản này lại có sức mạnh đè bẹp ý chí của cô Út, khiến cô trở thành cộc cằn, khó tính là thế.
Cung ngẩn người trước giọng nói êm như ru của Hoàng Dung. Cô bé luôn ẩn chứa sự thông minh, hiền dịu mà bất cứ người nào bất chợt gặp cô đều muốn được tiếp chuyện.
Anh giúp cô dọn dẹp lại căn phòng. Vừa xong thì chuông cổng reo inh ỏi. Hoàng Dung vội đứng lên, nhưng Cung đã nói:
- Để anh mở! Em ngủ sớm đi. Hứa với anh không được nghĩ ngợi gì nữa!
- Dạ. Vậy thì em không khách sáo nữa. Em sẽ ngủ ngay đây!
Bất chợt cả hai anh em đều nhìn nhau rồi cười rất thân tình.
Bà Bích thật sự vui vẻ khi bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy báo tin bà sẽ phục hồi được cột xương sống, nên được qua Mỹ chữa bệnh. Bác sĩ còn nói:
- Việc phục hồi chức năng cột sống không những nhờ vào y học và những liều thuốc quý hiếm, còn phải xem gia đình có sẵn lòng chạy chữa cho bà không. Vì phải có được mọi người chuyên tâm săn sóc cho bà, giúp bà vận động cơ bắp.
Nghe câu này, bà Bích nghĩ ngay đến Hoàng Dung. Bà vô cùng cảm tạ trời đất đã đưa Vũ My đến nhà bà hôm nay. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của bà Bích, Cung từ tốn:
- Cô có chuyện vui hả cô? Kể cháu nghe với.
Bà Bích nhẩn nha:
- Cháu đoán trúng đấy. Cô sẽ ra nước ngoài chữa bệnh. Dù sao thì gia đình ta có tiền, có điều kiện và cô cũng chưa phải đã già để dễ chết sớm. Bác sĩ nói cột sống cô sẽ hồi phục nếu cô đi nước ngoài chữa.
Cung sững sờ:
- Thật hả cô? Ba cháu ắt vui lắm, khi điều này đem lại cho cô những ngày tháng vui vẻ khỏe mạnh như trước kia. Cô để cháu phụ khiêng giường cô lên xe.
Dọc đường về nhà, hai cô cháu trò chuyện rất vui vẻ. Cung cười cười bảo:
- Bé My biết tin này, ắt vui lắm cô nhỉ?
Hơi lạ vì cách gọi của thằng cháu dành cho con bé \"người làm\" nhưng đang vui, bà Bích bỏ qua \"chuyện nhỏ\" này. Bà trầm giọng:
- Cô sẽ vui hơn nhiều, nếu Như Sương biết quan tâm đến cô hơn. Cô đã yêu quý nó hơn cả cuộc đời cô. Vậy mà nó chả hề biết tới sự đau đớn, vui buồn của cô. Đúng là không phải máu ...
Bà chợt ngưng ngang khi bất chợt nhìn vào kiếng chiếu hậu, nét mặt Cung sầm tối, nặng nề. Anh biết bà cô Út muốn nhắc đến điều tủi buồn nhất của ba Bách và chính cô Út. Họ đã sống rất nhân hậu cho những mảnh đời bất hạnh. Không ngờ ông trời vẫn không cho họ được niềm vui trọn vẹn bên những đứa con họ đã yêu thương hết mình.
Bà Bích thở dài:
- Cô xin lỗi. Lẽ ra cô không nên nói ra điều đó. \"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân\". Biết đâu, kiếp trước anh em cô đã sống độc ác, vô lương nên bây giờ mới phải chịu cảnh \"cây khô không lộc\" này. Ba cháu có đứa con đẻ thì lại bỏ rơi mẹ con họ. Biết đứa bé còn sống hay đã chết vì nghèo khó, bệnh tật.
Cung hiểu cô Bích rất thật lòng khi nói ra những lời trên. Anh muốn nói tất cả cho cô nhẹ bớt ưu phiền nhưng anh lại không dám. Vì ba Bách vẫn còn sợ dư luận. Ba sợ nếu ba nhận Hoàng Dung lúc này, thì cơ hội để ba có chỗ đứng trong Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ không còn. Người ta đã thông tin về tiểu sử, lý lịch của những ứng cử viên trên báo đài, cả những tấm hình in trên những tờ áp phích dán nơi hội trường Ủy ban nhân dân phường, quận. Không! Khi về già, người ta thường mong có được tiền tài và danh vọng. Ba Bách đã đưa tổng công ty xuất nhập khẩu các mặt hàng trà - cà phê, gấm công nghệ của thành phố trở thành công ty có doanh thu cao nhất trong các ngành kinh doanh. Chính điều đó đã khiến ba Bách chưa thể công khai nhận lại con gái mình. Anh không trách ba anh. Dẫu chẳng để làm gì, nhưng ông đã phấn đấu để có chút danh vọng như hôm nay. Ông đâu phải vì ông, mà tất cả ông đều tạo dựng sự nghiệp cho anh, cho Như Sương. Và sau này sẽ là Vũ My, cô gái đã chịu nhiều thiệt thòi này.
- Cháu nghĩ gì vậy Cung?
Cung cười gượng:
- Cháu đang nghĩ, cô sẽ ra nước ngoài chữa bệnh với ai đó mà.
Bá Bích tự tin:
- Cô sẽ nói ba cháu làm hộ chiếu cho Vũ My. Con bé sẽ giúp đỡ cô sớm trở lại với cuộc sống, cháu ạ. Cô chỉ không biết con bé có chịu đi hay không mà thôi.
Cung trả lời thận trọng:
- Cháu không rõ lắm, cô ạ. Hình như con bé dự định thi đại học một lượt với Như Sương.
Bà Bích kinh ngạc:
- Có chuyện này sao? Sao cô không nghe con bé nói gì cả?
- Vũ My đêm nào cũng thức rất khuya để học bài. Nó nói với cháu muốn hết nghèo hết khổ, nó phải cố gắng học, cô ạ.
Bà Bích trầm tĩnh:
- Nó có ý chí, ta mừng cho nó. Nhưng nếu không có con bé, cô không muốn đi chữa bệnh, cháu ạ. Không phải ai cũng tế nhị sâu sắc và nhân hậu như Vũ My đâu.
Từ lúc đó cho đến lúc về nhà, bà Bích im lặng hẳn. Hôm qua chủ nhật, My về thăm bà nội, phải chiều nay mới lên tới. Đó cũng là lý do hôm nay bà Bích đi tái khám không có cô cùng đi.
Trong khi đó, ở Bình Long ... Buổi sáng, Hoàng Dung dậy thật sớm, tranh thủ giặt mùng mền, chiếu gối cho bà nội Bân. Sau đó, cô đi chợ mua vài món đồ cần thiết để ở nhà cho bà nội dùng. Có đủ những lọ thuốc cảm sốt, đau bụng, nhức đầu, dầu xoa bóp ... Cô để tất cả ở chiếc hộp nhỏ đặt nơi đầu giường của nội.
Cô dặn bà kỹ càng:
- Nội ơi! Cháu mua thuốc cho nội đó. Nếu nội đau đầu sổ mũi, nội hãy mở hộp thuốc, ở lọ nào cháu cũng ghi rõ thuốc dùng trị bệnh gì. Dạo này nội ốm đi nhiều đấy. Cháu mua cho nội hộp sữa bột. Nội pha uống vào buổi sáng cho khỏe nghen nội.
Bà Bân cười nghẹn:
- Con nhỏ này làm như bà nội là con nít vậy! Già rồi còn uống sữa. Cháu à! Mua nhiều thứ vậy, cháu không để dành tiền xài sao?
Hoàng Dung lắc đầu:
- Ba Bách và anh Cung thương cháu lắm. Cháu được tiền mỗi tuần, nhưng cháu không mua gì cả. Chẳng phải cháu hà hiện đâu nội ạ. Tại tủ lạnh nhà ba lúc nào cũng đầy nhóc trái cây. Cháu có đói khát gì đâu nội.
Bà Bân cười ngỏn ngoẻn:
- Vậy thì nội yên tâm rồi. Nội đã hoàn thành tâm nguyện của mẹ cháu. Sau này, ở đâu làm gì, nội chỉ mong cháu hãy sống đúng tính cách của cháu xưa nay, đừng để phù hoa vật chất làm mờ đục tâm hồn cháu. Nhớ không My!
- Dạ, cháu nhớ mà nội. Từ nay, nội không còn vất vả nữa. Nội phải ăn uống cho tốt để cháu còn dịp rước nội lên Sài Gòn ở với cháu nữa.
Bà Bân cười nhẹ:
- Chuyện ấy từ từ tính. Nội già rồi, không quen sống nơi ồn ào, cháu ạ. Hơn nữa, ở thành phố, \"đèn nhà ai nấy sáng\". Già như nội suốt năm tháng ở trong nhà, nội không chịu được. Nơi này tuy thiếu tiện nghi, vật chất, song còn mồ mả ông bà cha mẹ, còn mộ của ba mẹ cháu nữa ... nội không đành lòng bỏ đi. Thôi thì, cháu ráng học cho có tương lai. Sau này ổn định cuộc sống, cháu nhớ nội, thi thoảng về với bà là bà vui lắm rồi.
- Nhưng mà ...
Bà Bân khoát tay:
- Đã nói cháu đừng lo cho bà nội! Ba cháu đã cho người về ở chăm sóc bà đây không phải là hồng phước của bà sao. Thôi, vô ăn với bà bữa cơm, rồi ra xe về thành phố cho sớm.
Hoàng Dung khẽ thở dài. Cô không dám nói thật cho bà nội biết, cô đang là ai trong gia đình cha ruột cô.
Giờ đây, ngồi trên xe, cô lại day dứt vì đã nói dối bà. Bao nhiêu năm sống khổ cực, có khi cả tuần hai bà cháu chia nhau lưng cơm. Cô vẫn không bao giờ nói dối bà dù chỉ là chút xíu chuyện. Bây giờ, khi trong lòng bà, cô đã thành cô chủ nhỏ, con gái một ông Tổng giám đốc giàu sang tột bậc ở thành phố, bà sẽ sống nổi ư? Hay bà sẽ làm một cơn phong ba dữ dội để cho cô có cội có nguồn. Chứ không thể, không bao giờ cô được phép giấu bà, đi ở cho người ta. Đến chén cơm, bà còn lo cho cô kia mà. Vì không muốn bà hụt hẫng đau khổ, Hoàng Dung đành nói dối ...
- Hoàng Dung!
Đang miên man suy nghĩ, cô giật mình khi nghe giọng đàn ông gọi sát bên tai. Nhìn lên, ánh mắt cô khẽ chau lại. Cô lành lạnh:
- Chào chú! Sao bất ngờ vậy?
Trần Thanh cười, lấp lửng:
- Đúng là bất ngờ thật, y như ông trời xui khiến cho tôi phải hỏng xe, để được gặp Dung vậy.
- Tôi không nói gì cả. Vì quan hệ giữa tôi và chú chỉ là con số không, tại sao cô chủ lại ghen với một đứa đi ở như tôi chứ.
Trần Thanh kêu lên:
- Tôi không bao giờ nghĩ Dung như thế.
- Thực tế này, không ai chối bỏ được.
- Tôi không quan trọng chuyện tôi quen bạn gái, người ấy phải giàu có. Như Sương cũng chưa tự làm ra tiền. Những gì cô ấy đã hưởng thụ vẫn là của cha cổ. Cô ấy không thể qua mặt Cung. Tôi thích em, vì tính em đằm thắm. Em không như cô chủ của em.
- Cám ơn chú đã nhận xét tốt về tôi. Tôi không muốn đi xa hơn những gì vừa nói, mong chú đừng tự huyền hoặc mình.
Trần Thanh vẫn nói:
- Tùy em, nghĩ sao cũng được. Tôi nhất định sẽ chinh phục được em.
Hoàng Dung giận điên lên. Cô rất ghét kiểu nói năng của Thanh. Thái độ của anh ta khiến cô ghê tởm. Cô thấy rõ hắn nghĩ cô là kẻ quê mùa, ngu ngốc nên định bẻ hoa hái nhụy, cợt đùa. Con gái nhà quê lên thành phố, không ít người đã tự đánh mất phẩm chất của mình. Từ đó, đàn ông con trai nhìn con gái quê dễ lợi dụng.
Môi nhếch lên, Hoàng Dung thầm nghĩ:
\"Đồ chết tiệt! Đừng hòng dệt mộng mơ! Hoàng Dung này khi ta yêu ai nhất định người ấy phải hơn gã chết tiệt này\".
Trần Thanh nào biết được suy nghĩ của Hoàng Dung. Chuyến xe này về đến thành phố là vừa tối, hắn sẽ mời cô đi ăn. Hắn sẽ đưa cô đến nhà hàng sang trọng nhất. Đàn bà con gái, ai không thích được chiều chuộng. Vài lần như thế, hắn sẽ có Hoàng Dung. Hắn đã ngẩn ngơ suốt đêm, khi gặp Dung lần đầu tại nhà Sương. Hắn khát khao được hôn lên bờ môi xinh như hoa của cô gái nghèo kia. Ôi! Chắc là tuyệt vời lắm.
Mải suy tính, hắn quên mất một việc mà lẽ ra hắn phải nhớ. Xe vừa dừng tại bến, Trần Thanh hăm hở đưa tay xách giúp Hoàng Dung chiếc giỏ nhựa nặng trịch. Là cặp gà mà bà nội bắt trong chuồng gà ở nhà để Dung đem về luộc cho ông Bách ăn. bà nói gà ta nuôi ở vườn ngọt thịt. Thêm ít chục trứng, một bịch nhãn tiêu, cả chục trái ổi xá lị to như cái chén ăn cơm nữa.
Hoàng Dung chậm rãi:
- Chú mặc tôi đi! Tôi quen xách nặng rồi.
Trần Thanh lì lợm:
- Tôi biết chứ. Nhưng có tôi ở đây, tôi là đàn ông con trai chả lẽ không thể phụ Dung, huống hồ chúng ta đã quen nhau.
Dứt lời, hắn nhanh tay xách giỏ đồ bước xuống xe. Hoàng Dung nhăn nhó vì cô không muốn vậy. Cô sợ hắn ta làm lì đi cùng cô về nhà nữa thì có mà tan nát cho cô vì cơn giận dữ của Như Sương chắc chắn sẽ bùng lên.
- Chú cho tôi xin. Cám ơn chú nghen!
Cô nhỏ nhẹ. Trần Thanh nhìn Dung bằng ánh mắt đam mê, hắn ngọt ngào:
- Còn sớm, Dung ạ. Tôi mời Dung đi ăn tối với tôi nghen. Bây giờ Dung về cũng đâu ai nấu cơm cho ăn.
Hoàng Dung thản nhiên:
- Không dám đi vớic hú, để bị ăn bạt tai đâu! Nấu cơm mấy hồi chứ. Tôi phải về.
Cúi xuống xách lấy giỏ của mình, cô bỗng chạm vào tay Thanh. Cô bối rối đến đờ cả người.
Trần Thanh là con cáo già, hắn đã nhận ra khoảnh khắc chết người ấy của cô. Thanh nheo mắt:
- Tôi thích em. Tôi chưa bao giờ mời Như Sương đi ăn. Tất cả là do cô ấy mời tôi ...
- Anh Thanh! Thật ra là sao đây?
Giọng Như Sương đột nhiên vang lên chói lói cả tai.
Trần Thanh khựng người. Chúa ơi! Hắn đã quên khuấy việc xe hắn hỏng dọc đường, hắn phải gởi theo xe đò về. Và để cho ra vẻ \"muồi mẫn\" vì có kẻ đón người đưa, Thanh đã gọi điện thoại cho Như Sương hẹn cô đi đón ...
Hoàng Dung thản nhiên:
- Cô chủ! Chú ấy vừa nhắc đến cô đấy.
Trần Thanh trợn mắt vì câu nói tinh quái của Dung. Cô nhỏ này quả là không đơn giản chút nào.
Như Sương đay nghiến:
- Chị và anh Thanh đi chung à? Sao trùng hợp vậy? Không phải hai người định chọc tức tôi chứ?
Hoàng Dung hơi nhăn mặt:
- Cô chủ đừng hiểu lầm. Tôi vừa nhận ra chú Thanh thôi. Tôi xin phép về trước.
Trần Thanh buột miệng, khi thấy cô đang dáo dác giữa mấy người xe ôm:
- Hoàng Dung! Để tôi gọi xe cho cô.
Như Sương giậm chân:
- Anh Thanh ...
- Em lạ thật! Cô ta dẫu sao cũng đang ở trong nhà em. Em không thấy cô ấy đang lúng túng giữa mấy ông chạy xe ôm à?
Hoàng Dung mím môi:
- Tôi tự lo cho mình được. Chú làm ơn đừng làm khó tôi.
Cô không hề nhìn xem Như Sương thế nào. Chắc chắn tí nữa, Trần Thanh sẽ bị con bé này làm tình làm tội cho một trận. Cũng đáng đời cho hắn. Đồ đàn ông mặt chai mày đá!
Hoàng Dung lầm bầm trong miệng. Cô vẫy đại một chiếc Honda ôm do một anh chàng đội mũ kết bạc màu chạy. Trời tối, cô không nhận ra ánh mắt anh xe ôm lóe sáng vì ngạc nhiên:
- Cô về đâu nhỉ?
Anh xe ôm hỏi sau khi chất chiếc giỏ đồ của Dung lên phía trước.
Hoàng Dung nói tên đường và số nhà. Trước khi xe chạy, cô còn ngoái lại rồi bật cười vì vẻ mặt nhăn nhúm của Trần Thanh khi bị Như Sương nhéo. Đáng đời!
- Cô cười gì vậy?
Giọng anh xe ôm thật ấm. Và hình như ... cô đã từng nghe đâu đó. Hoàng Dung vội đưa tay bụm miệng khi nhận ra mình vô duyên. Cô nói nhỏ:
- Không có gì.
- Tôi lại đoán cô đang cười người đàn ông vừa đi chung xe với cô. Anh ta đang bị bạn gái ngắt nhéo đó.
- Vậy hả! Thì ra anh đã theo dõi tôi? Anh có ý gì đây?
Hoàng Dung hỏi với vẻ cảnh giác. Anh xe ôm giọng tưng tửng:
- Không phải là theo dõi. Tụi tôi làm nghề này, mỗi khi có xe về bến là mắt anh nào lại không như cú vọ chứ. Phải nhìn, phải cố xem ai sẽ là khách của mình.
Hoàng Dung kêu lên:
- Thì ra là thế! Vậy nãy giờ anh theo dõi tôi đó hả? Sao tôi không thấy anh trong nhóm người mời kéo tôi nhỉ?
- Tại tôi không thích như họ. Đã chạy xe thì không cần sĩ diện gì cả, cứ vây quanh khách nài kéo sẽ khiến họ sợ hãi không dám đi xe. Tâm lý ai cũng vậy. Và cuối cùng họ chỉ gọi người ở ngoài.
Cách nói của anh xe ôm khiến Dung thích thú. Có lẽ vì cô nghĩ anh ta cùng hoàn cảnh như cô, cũng phải bon chen cực khổ mới có ăn. Hai người im lặng thêm một lúc thì xe dừng lại trước cổng nhà ông Bách.
Anh xe ôm chép miệng:
- Thì ra cô ở trong căn nhà sang trọng quá.
Hoàng Dung nhún vai:
- Quan trọng là tôi đóng vai gì trong đó kìa. Anh cho tôi gởi tiền.
Anh ta lúi húi tìm tiền thối lại cho Dung. Cô chợt dễ dãi:
- Khỏi thối lại tiền đi anh! Cám ơn nghen.
Anh xe ôm kêu lên:
- Không được. Cả một tờ hai chục ngàn. Tôi không nhận đâu. Tôi bỏ công bao nhiêu lấy bấy nhiêu thôi.
Bất chợt chiếc nón kết trên đầu anh bị rơi xuống, Hoàng Dung nhanh tay nhặt lên đưa cho anh ta.
- Nón của anh nè!
Ánh mắt cô trở nên tê cứng trước ánh mắt đang chiếu sáng của anh xe ôm. Và cô đã nhận ra anh ta chính là người đã suýt tông vào cô hôm nào ở cổng chợ. Cô trở nên lúng túng:
- Là anh à?
Anh ta mỉm cười:
- Tôi xin lỗi.
Cô cong môi:
- Vì cái gì?
- Tôi đã nhận ra cô ngay từ đầu, song tôi không muốn cô từ chối đi xe của tôi. Bởi nếu cô nhận ra tôi, chắc chắn cô không đi xe tôi mà.
- Tôi ...
- Coi như chúng ta đã hai lần gặp nhau. Tôi tên Thạch - Thiên Thạch. Còn têm cô, tôi đã nghe gọi, phải không My?
Hoàng Dung khẽ gật đầu:
- Chào anh. Bây giờ tôi phải vào nhà.
Thiên Thạch vội nói:
- Nếu muốn gặp cô, tôi phải làm sao? Tôi đến đây được không?
Hoàng Dung cuống lên:
- Ấy đừng! Đây là nơi tôi đi ở để kiếm cơm. Chủ nhà khó chịu lắm. Có duyên, chúng ta sẽ gặp lại.
Dứt lời, cô xăm xăm đi tới cổng, đưa tay nhấn chuông. Cô không dám nhìn lại nên không hề thấy nụ cười của Thiên Thạch. Anh chẳng lạ gì ngôi biệt thự này, bởi thằng em từ trên trời rơi xuống của anh đang tán tỉnh tiểu thư nhà này. Trần Thanh là em cùng mẹ khác cha của anh. Ba anh mất vì \"ngộ độc\" thức ăn đã hai nươi năm. Và sau cái chết của ba anh, hai năm sau mẹ anh lấy ông Quý, tức là ba của Trần Thanh bây giờ. Từ đó, anh như mội cái bóng lập lờ giữa căn nhà to lớn của cha anh để lại. Mẹ anh cũng dần dần quên sự có mặt của anh.
Năm anh hai mươi bảy tuổi, vì không chịu nổi sự quá đáng của ông Quý, anh đã bỏ ra ngoài ở, mặc cho cô, chú anh phản đối quyết liệt, còn bảo anh ngu nữa. Trần Thanh được cưng chiều, sanh tật đua đòi ăn chơi, học hành chẳng đến nơi đến chốn và cũng không muốn làm việc.
Nhếch môi nở nụ cười ngạo nghễ, Thạch bắt đầu thấy trái tim nóng lên vì khuôn mặt xinh đẹp, bờ môi đỏ tươi luôn cong lên như sẵn sàng cãi cọ với mọi người của Vũ My. Anh cũng nhận ra thằng em chết tiệt của anh hình như nó cũng thích con bé nữa. Mong sao em mãi là đám mây nhỏ bình yên, giữa bầu trời rộng lớn này, My ơi!
- Em đi xe ôm. Có Như Sương biết mà. Em không biết anh ta là ai.
Cung chậm rãi:
- Anh xin lỗi đã nghi ngờ em.
- Xin lỗi? Nghi ngờ? Về chuyện gì?
- Thạch là bạn của anh. Bạn học, nhưng bây giờ anh và hắn là đối thủ của nhau. Thạch học giỏi, có tài, được nhiều công ty mời về làm, nhưng hắn chưa chịu làm cho ai cả.
- Anh nói gì lung tung quá vậy? Anh nói anh và hắn là đối thủ, nhưng đối thủ cái gì chứ. Đừng nói với em rằng anh Hai cũng là dân chạy xe ôm nghen, vì giành khách nên kình nhau với Thạch.
Cung bật cười:
- Là em tưởng tượng đấy thôi. Gia đình hắn là doanh nghiệp thu mua lâm - nông sản. Ba thuộc về nhà nước, còn gia đình Thạch kinh doanh tư nhân, nên sự cạnh tranh giữa hai công ty rất khốc liệt.
- Thật ra, Thạch cũng thuộc hàng công tử à? Vậy hắn chạy xe ôm làm chi cho cực chứ?
- Chuyện của hắn cũng \"dzích dzắc\" lắm. Để bữa nào rảnh, anh kể cho em nghe.
Hoàng Dung cong môi:
- Nữa! Anh không nói thì thôi, cứ úp mở kiểu anh, em tò mò phát điên đấy. Anh Hai làm ơn đi mà!
Cung lừ mắt:
- Chuyện thiên hạ, em để ý chi vậy?
- Tại anh khi không nghi ngờ em trước chứ bộ. Nói lấp la lấp lửng rồi bỏ đó, ai không nôn ruột chứ?
- Coi em đó! Về nhà, chưa vào chào hỏi ai. Em biết hôm nay cô Út đi đâu không?
Hoàng Dung quên ngay điều cô vừa thắc mắc, nghe Cung nói đến bà Bích, cô tỏ ra lo lắng:
- Cô Út làm sao, anh Hai?
- Không sao! Là cô đi tái khám.
- Tái khám? Sao em không nghe cô nói gì hết vậy? Rồi ai đưa cô đi, hay bác sĩ họ đến nhà mình?
- Anh đưa cô út đi. Bác sĩ nói cột sống của cô có khả năng hồi phục. Cô bị liệt nhưng chân tay vẫn cử động được, đây là điều rất lạ.
Hoàng Dung mừng rỡ:
- Nếu hồi phục được thì tốt quá. Cô còn trẻ, phải nằm mãi một chỗ như thế tội lắm. Ý cô thế nào?
- Tất nhiên cô rất mừng rồi. Điều đáng lo là phải ra nước ngoài trị liệu.
Hoàng Dung bật thốt:
- Chả lẽ ba anh không có tiền để lo cho cô à?
- Vấn đề không phải là tiền bạc, mà là ai sẽ đi cùng cô sang đó.
Hoàng Dung ngẩn ngơ:
- Ừ nhỉ! Được ra nước ngoài một chuyến cũng thích. Tiếc rằng em không thể đi. Anh đã dự tính gì chưa?
Cung lắc nhẹ:
- Anh còn chưa nói cho ba biết. Cô Út đâu dễ chịu đi cùng ai. Giá như em không đi thi đại học, anh tin rằng cô Út sẽ đề nghị em đi cùng.
Hoàng Dung thở ra:
- Hay để em đi với cô Út. Chờ khi cô khỏi bệnh rồi, em sẽ học, được không anh Hai?
- Bỏ thêm một năm nữa à? Như thế thì thiệt thòi cho em quá.
- Gì mà thiệt thòi chứ? Em không hy vọng thi đậu đại học. Em định đi học ngoại ngữ và vi tính, một thời gian sau là em đã làm việc được rồi.
Cung ngẩn ngơ:
- Vũ My! Em đừng tính toán như vậy mà. Ba kỳ vọng ở em đấy.
Hoàng Dung thở dài:
- Em không được như người khác đâu nên em không muốn anh và ba đặt vào em những gì em không thể làm nổi. Em vô thăm cô đây!
Dứt lời, cô đi nhanh vào trong nhà. Cô đặt tất cả đồ đạc ở nhà bếp, và nói với chị Tình:
- Bà nội em gởi ít quà của vườn nhà lên biếu gia đình ông chủ, chị soạn giùm em.
Cô lựa vài chùm nhãn tiêu bỏ vào một bịch xốp nhỏ rồi đi qua phòng bà Bích.
- Cháu vô được không, thưa bà?
Bà Bích mừng rỡ:
- Cháu hả My? Vô đi, ta đang trông cháu đấy!
Hoàng Dung đặt bịch trái cây lên đầu tủ lạnh của bà Bích, cô nói:
- Nhà cháu có vài cây nhãn tiêu. Nội biểu cháu hái ít trái đem về biếu gia đình. Cháu bóc cho bà ăn nghen.
Bà Bích khẽ nói:
- Để trưa ta ăn, chớ ta vừa uống ly sữa xong. Bà nội cháu khỏe không?
- Dạ, cám ơn bà. Nội cháu rất khỏe. Nếu không nói bà đã hồng hào hơn dạo cháu ở nhà. Đúng thật, có ăn đủ chất, không phải vất vả sớm khuya cũng khác bà ạ. Bà nội cháu gởi lời thăm và cám ơn gia đình ông bà chủ ở đây.
- Bà cụ khỏe thì tốt rồi. Còn cháu thế nào, về quê có anh chàng nào theo không hả?
Hoàng Dung le lưỡi:
- Cháu nghèo hèn, côi cút, nên không dám mong ước những chuyện đó đâu cô. Khi nào cháu có công việc đàng hoàng đã. Quen ai lúc này, cháu nói mình đi ở rồi người ta chạy sao bà?
Bà Bích cười vui:
- Cháu khéo nói lắm. Thời buổi này không dễ cha mẹ tìm vợ gả chồng cho con đâu. Khi đã yêu nhau, người đàn ông thương mình chân tình, họ sẽ bất chấp tất cả.
- Bà có vẻ là chuyên gia tâm lý về mấy vụ này hả bà?
Bà Bích chợt buồn:
- Suốt đời này, ta chỉ yêu thương được một lần. Và người ấy cũng yêu có ta thôi. Tiếc rằng ông ấy vắn số. Thôi, đừng nói mấy chuyện buồn nữa! Ta nghe Cung nói cháu dự định thi đại học à?
Hoàng Dung cắn môi:
- Được học tiếp là ước mơ của cháu. Song cháu cũng rất sợ mình không đi nổi chặng đường dài đó.
- Là sao?
- Dạ, nếu cháu đậu đại học, ai sẽ nuôi cháu ăn học. Nếu vừa học vừa làm có giỏi lắm cháu chỉ đắp nổi được cho cuộc sống của chính cháu. Trong khi cháu còn bà nội.
Bà Bích gật gù:
- Cháu nghĩ cũng phải. Nhưng cháu cần cố gắng, mọi việc rồi sẽ qua.
Hoàng Dung lảng chuyện:
- Cháu nghe cậu chủ nói bà đi tái khám và có tin vui hả bà?
Bà Bích đăm chiêu:
- Ta không biết có thật là vui không? Ông trời đem cháu đến cho ta, giúp ta có lòng tin vào cuộc sống. Cháu đã giúp ta rất tận tình trong việc điều trị vết thương cột sống. Nếu qua bên kia, không có cháu mà thay vô một người xa lạ nào, ta không hiểu sẽ thế nào nữa?
Hoàng Dung nhẹ lời:
- Bà! Đã không có hy vọng thì đành chịu. Bây giờ có hy vọng rồi thì bà phải bằng mọi cách thoát khỏi chiếc giường buồn đau này. Cháu mong bà được trở lại với cuộc sống, không cần dựa vào ai nữa.
- Vậy cháu đi với ta nghen?
Hoàng Dung chân tình:
- Chuyện này bà cho cháu suy nghĩ ít ngày. Cháu rất muốn có tiền để ăn học và cũng rất muốn bà sớm khỏi bệnh.
- Ta sẽ chờ cháu.
Hoàng Dung thật khó nghĩ trước quyết định này. Đã vậy, buổi tối đó, Như Sương còn kiếm cớ xách mé cô vì việc cô ngẫu nhiên đi chung xe với Trần Thanh. Đúng là chuyện không thể tin nổi.
- Anh chàng xe ôm đó đưa chị về nhà luôn chứ?
Như Sương hỏi bằng giọng châm chích. Hoàng Dung bình thản:
- Thì tôi về nhà chứ không lẽ còn đi đâu?
- Vậy hả! Phải công nhận anh Hai tôi có năng khiếu bồi dưỡng sự nhạy bén với môi trường cho chị đấy. Chị và anh Thanh đi chung từ Bình Dương à?
- Không! Tôi thấy anh ta lên dọc đường, tôi không quan tâm lắm. Vì anh ta là bạn cô chủ, tôi đâu dám chơi trội!
- Vậy còn tên xe ôm, chị hẹn trước à?
- Cô thấy rõ ràng tôi vẫy đại xe, sao bây giờ cô lại nói thế?
- Vì Thanh nói cho tôi nghe, chị đã từng quen Thạch.
- Thạch nào? Ý cô muốn nói gã chạy xe ôm ấy hả?
- Thông minh như cô, ắt biết tôi hỏi chuyện gì rồi.
- Tôi xin lỗi cô chủ, tôi không biết ai ở thành phố này cả. Cô cũng không nên tin tuyệt đối vào cậu Thanh. Cậu ta chẳng thật tình với cô đâu.
Nói xong câu đó, Dung mới nhận ra mình đã nói ra điều không nên nói, nhưng lỡ rồi, đành chịu trận hỏa lôi của cô chủ vậy.
Như Sương nóng mặt:
- Chị dám nói như thế về bạn tôi à! Chị đừng quên mình là ai.
Đã lỡ \"cưỡi lên lưng cọp\", Hoàng Dung đành phải làm liều:
- Tôi chỉ muốnc ô biết mà đề phòng anh ta thôi. Tôi là thân phận người ở, anh ta còn tán tỉnh tôi đó. Loại đàn ông háo sắc, đơm đặt ấy cô thật không nên tin nhiều.
Như Sương bàng hoàng:
- Tán tỉnh chị? Có chuyện đó à?
Hoàng Dung gật đầu, khổ sở:
- Tôi không phải loại người ham chút vật chất mà quên đi những ân tình khác. Tôi hoàn toàn không bịa đặt. Còn tin hay không tùy cô. Tôi muốn cô biết để sau này có gặp cậu ta nói chuyện với tôi, xin cô hãy cẩn trọng.
- Vũ My không đặt điều đâu. Chính anh Hai đã từng thấy Trần Thanh đeo tán tỉnh My ngay ở nhà mình. Con người của nó không phải anh từng cảnh cáo em hay sao?
Cung đứng ngay sau lưng Như Sương, anh trầm tĩnh.
Như Sương mím môi:
- Không thể nào! Anh Thanh yêu em, còn đề nghị em làm đám cưới với ảnh. Chả lẽ Thanh dối gạt em. Em phải đi hỏi anh ta.
Cung nghiêm giọng:
- Trần Thanh là hạng đàn ông chẳng đáng để em phải đau lòng. Nghe lời anh, hạn chế mọi cuộc vui liên quan đến hắn. Anh không muốn thấy em đau khổ vùi chôn tương lai của mình.
- Nhưng mà ...
- Không có nhưng nhị gì nữa hết! Anh sẽ không tha thứ cho bất cứ ai dám lừa gạt tình cảm của em. Trần Thanh, anh nghĩ hắn đang có âm mưu gì đó, hòng hạ uy tín của ba. Em biết rõ gia đình ông Trần Nhất Thành luôn muốn nuốt gọn ba mình kia mà.
Như Sương đưa mắt nhìn anh trai, rồi nhìn sang Hoàng Dung. Lúc này, nét mặt cô buồn thê thiết. Điều đó làm trái tim Dung nhói đau vì thương em gái mình. Giá mà cô có thể gánh được giùm con bé. Giá mà tất cả được sáng tỏ để chị em cô không còn đố kỵ lẫn nhau ...
Thôi thì hãy kiên nhẫn thêm một thời gian nữa. Hoàng Dung đứng bên ngưỡng cửa dõi nhìn theo bóng anh Hai và Như Sương đi lên nhà trên. Hình như con bé khóc. Khóc cho nhẹ bớt nỗi đau trong lòng đi em gái. Rồi sau đó em sẽ thấy mình còn nhiều việc phải quan tâm, lo lắng hơn là chăm bẵm vào tình cảm giả dối của người đàn ông kia.