Chương 1

Hoàn Thanh lật cuốn sổ nhỏ của mình ra, anh đang tập trung để viết những đoạn cuối cùng của tác phẩm tiểu thuyết, một bản thảo được anh dồn nhiều công sức vào, nó cũng là chính của cuộc đời anh.

Lật từng trang giấy, anh như sống lại nỗi đau buồn của thân phận:

đau khổ và tuyệt vọng, quyết tâm và hăng say.

Màu mực còn mới tinh khôi, cũng có nhiều đoạn bị lem do nước thấm vào, nước mắt của những lần quá cảm xúc.

Có tiếng gõ cửa, Hoàng Thanh chùi vội nước mắt. Anh khe khẽ:

– Vào đi!

Ái Châu đẩy cửa bước vào, cô nhăn mặt:

– Anh lại khóc?

Nước mắt chưa khô, giọng nghèn nghẹn, nhưng anh vẫn cố chối:

– Đâu có.

Đầu Thanh cúi xuống trang giấy. Ái Châu đặt mấy viên thuốc lên bàn:

– Hồi chiều qua, em thấy anh ho nhiều, nên em đi mua thuốc. Anh mau uống vào đi!

Hoàng Thanh cầm mấy viên thuốc, anh cầm luôn bàn tay của Ái Châu.

– Cám ơn em!

– Anh lại khách sáo với em. Biết em lo cho anh thì nên mau uống thuốc, đừng có lo viết mãi rồi lại rơi nước mắt.

– Ai nói với em là anh rơi nước mắt?

– Bộ anh nói anh đóng cửa là em không biết? Đôi mắt của anh, nó đã tố cáo anh và trang giấy lấm lem này nữa nè. Anh giấu ai chớ muốn giấu cả em nữa sao.

Hoàng Thanh cười buồn:

– Em nói đúng. Anh thật sự xúc động khi viết lại quá khứ đau buồn của mình.

– Mỗi người một số phận, điều quan trọng là anh hãy vui sống, bởi vì cuộc sống của anh cũng chính là cuộc sống của em.

Đứng lên, Hoàng Thanh bước lại, anh ôm Ái Châu vào lòng mình và hôn nhẹ lên mắt cô.

– Em chính là lẽ sống của anh, Châu ạ. Em đã cho anh hiểu ra rằng. Chết không có gì là khó, mà cái khó là dám sống để làm nên ước mơ của mình, thực hiện hoài bão của mình.

– Vậy thì anh đừng tuyệt vọng nữa nghe anh!

Ái Châu lật quyển sách, cô xót xa vì trang nào dường như cũng đẫm nước mắt. Một tấm ảnh trong quyển sách rơi ra. Ái Châu cúi nhặt lên. Thì ra ảnh của Vũ Quyên.

Cô nhìn anh, cơn ghen vụt nổi dậy. Anh khóc vì Vũ Quyên. Một sự thất vọng lẫn đau đớn, cô vò nát tấm ảnh ném mạnh xuống đất, rồi quay phắt người đi.

– Ái Châu!

Hoàng Thanh vội ôm cô lại:

– Em hiểu lầm rồi Châu, nghe anh giải thích đi!

– Hiểu lầm?

– Đúng vậy, em nghe anh giải thích đi!

Tình cảm nồng nàn mới vừa có vụt tắt, cô giận dữ đẩy mạnh anh ra:

– Đừng đụng vào người tôi, buông tôi ra. Tôi không muốn nghe anh giải thích, anh còn đáng cho tôi tin và yêu nữa hay sao?

– Hãy tin anh! Bây giờ anh chỉ yêu có một mình em thôi, Vũ Quyên là quá khứ.

– Nhưng cái quá khứ ấy luôn tồn tại trong anh đúng không? Anh vẫn nhớ cô ấy.

Bằng chứng là tấm ảnh này, em vò rúm lại, hẳn anh đau lòng lắm phải không?

– Không, em cứ xé đi. Anh và cô ấy đã là quá khứ, còn em mới là hiện tại.

Yêu anh, em phải tin vào tình yêu của anh dành cho em chớ. Anh với cô ấy bây giờ chỉ là tình bạn.

– Tình bạn? Em hỏi anh tại sao có ảnh cô ấy ở đây?

– Anh ...

Hoàng Thanh lúng túng, anh không biết giải thích như thế nào nữa nên ấp úng:

– Anh đã đặt em trong trái tim anh. Hãy tin anh, anh chỉ yêu có một mình em, em là lẽ sống của anh.

Nước mắt Ai Châu vòng quanh, cô có nên tin đây là lời nói sự thật, xuất phát từ trái tim thành thật của anh dành cho cô, hay chỉ là một sự dối lừa?

Biết cô không tin mình, Hoàng Thanh xé vụn tấm ảnh, anh ném ra ngoài cửa sổ, rồi quay nhìn Ái Châu. Ái Châu nghiêng người nhìn qua khung cửa sổ, gương mặt Vũ Quyên trong ảnh tan nát rơi đầy nền đất.

– Tai sao anh làm thế? Anh giận vì em đã xé tấm ảnh đi à?

– Đâu có. Anh chỉ muốn chứng tỏ với em là anh đã dứt khoát được dĩ vãng.

Kéo cô vào lòng, anh gác cằm của mình lên vai cô.

– Bây giờ em đã tin anh chưa? Hay là anh thề nhé! Anh mà còn nhớ cô ấy, cho anh ...

Ái Châu bụm miệng người yêu, cô phụng phịu:

– Người ta tin rồi mà.

Cô hôn lên ngực anh:

– Em ghen anh biết không. Dù em biết ai không có quá khứ tình yêu, đi đòi hỏi điều tuyệt đối là điều không có thể. Nhưng đã yêu, mấy ai không ích kỷ, muốn người yêu của mình trọn vẹn là của mình hả anh?

Hoàng Thanh cảm động nâng gương mặt người yêu lên, anh hôn cô đắm đuối, như cố xua tan đi hình ảnh người tình cũ trong trái tim của mình.

Xé tấm ảnh của Vũ Quyên là đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt tình yêu trong quá khứ với Vũ Quyên. Tuy điều này có làm anh đau nhói của trái tim, nhưng để giữ vững hạnh phúc của mình và Ái Châu, anh chỉ có thể làm như vậy mà thôi.

Những nụ hôn nồng xua tan cơn ghen của Ái Châu, cô khép mắt đón nhận.

Những lúc trong vòng tay anh, cô như quên tất cả, và Ái Châu không còn là Ái Châu nữa mà trọn vẹn và hoàn toàn của anh.

Bế cô ngồi xuống chiếc ghế của mình, anh âu yếm hôn lên chiếc cổ thon mịn, nụ hôn ẩm ướt rơi trên bờ vai mịn màng. Hai trái tim cùng một nhịp đập yêu đương.

– Ái Châu!

Có tiếng ông Hoài Châu gọi. Ái Châu mỉm cười đẩy nhẹ Hoàng Thanh ra:

– Ba gọi em! Anh chờ em tí nhé!

Cô kéo áo lại cho ngay ngắn. Anh chưa chịu buông cô ra, mà ánh mắt đam mê thả dài trên vùng ngực nguyên trinh. Anh thì thầm lời cay đắng:

– Anh yêu em và mỗi mình em thôi, Châu ạ.

“Em là đá, thì xin em hãy là đá nam châm

Em là cây, thì xin em hãy là cây trinh nữ

Em là người, thì xin hãy là của yêu thương”.

Hạnh phúc gia đình và vinh quang sự nghiệp ngày hôm qua, nhắc nhở cho Hoàng Thanh nhớ những ngày cay đắng, những ngày của quá khứ có êm đềm và cả cay đắng ...

Quê hương Hoàng Thanh nằm bên con sông Hàn. Anh đã lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc và bảo thủ.

Người anh cả xuôi Nam lập nghiệp rồi đến Hoàng Thanh. Tính nhút nhát nên anh bị bạn bè trêu là con gái, hay mơ mộng và dễ rơi nước mắt.

Anh nhớ ngày đầu tiên đến nhà anh trai mình, chị dâu đã hỏi anh không mấy thân thiện:

– Chú vào đây làm gì?

Thanh ấp úng:

– Dạ, em vào đây xin việc làm.

Mặt chị Vân sầm xuống:

– Bộ ngoài Đà Nẵng không còn việc gì làm hay sao?

Thanh đặt hành lý xuống, anh cảm thấy buồn trước thái độ ghẻ lạnh của chị dâu.

– Vậy chú định ở đâu vậy?

– Em ... định xin anh chị cho em ở một thời gian, khi nào công việc ổn định em sẽ đi.

Mặt chị Vân càng tối sầm hơn. Chị chỉ chiếc ghế cho Hoàng Thanh:

– Chú để va li trong góc kia kìa.

Rồi chị lạnh lùng:

– Chú có thể ở một vài ngày thôi, không ở lâu được đâu. Nhà tôi, chú thấy rồi đó, nhỏ như hộp diêm lại thêm có hai đứa nhỏ ... kiếm việc làm rồi thuê nhà trọ mà ở.

Hoàng Thanh buồn buồn cúi đầu nhìn xuống chân mình. Lời chị dâu giống như đuổi khéo, bởi vì chị không thể nói không cho anh ở khi anh mới chân ước chân ráo từ Trung vào Nam. Hoàng Thanh cố giữ giọng vui vẻ:

– Chị cho em ở, em cám ơn. Em sẽ cố gắng tìm việc làm và đi ở riêng.

– Ừ, tự lo liệu đi. Dân tha phương cầu thực vào Sài Gòn sống, ai cũng vậy, không phải riêng mình tôi. Ở Sài Gòn, một thước đất là một tấc vàng đấy.

Chị ngồi xuống chiếc bố ghế cũ, rót trà và tự uống một mình, không mời Hoàng Thanh lấy một tiếng. Tuy nhiên, Vân giọng rào đón:

– Sẵn tiện đây tôi nói luôn , trên phương diện tình cảm, chúng ta là chị em trong một nhà, nhưng tiền bạc phải sòng phẳng. Chúng tôi chẳng giàu có gì, tiền ở trọ của chú có thể không tính, nhưng chú ăn cơm và xài điện nước phải trả tiền.

Thanh cười gượng gạo:

– Vâng, em hiểu. Hiện tại em chưa có việc làm, nhưng nếu có việc làm, em nhất định phải trả cho chị.

Giọng Vân mỗi lúc một cứng nhắc hơn:

– Chú năm nay cũng hơn hai mươi rồi, phải hiểu, nếu chú ra ngoài hay sống ở đâu, cũng phải như vậy thôi. Người ta chỉ có thể giúp nhau trong một giới hạn nào đó, vài ngày, vài tuần. Tôi thà mích lòng trước đặng lòng sau.

– Cám ơn chị đã nói thẳng.

– Chú giận thì tôi chịu, tánh tôi xưa nay quen nói thẳng. Chú ra ngoài sống sẽ hiểu, muốn kiếm được đồng tiền không phải dễ.

Hoàng Thanh đứng lên, anh biết tính chị dâu của mình, xưa nay nói dai và nói dài, chị càng nói trở nên lạc vấn đề, và hình như từng câu nói đang muốn chuyển qua gây sự. Anh lảng ra:

– Phòng tắm ở đâu hả chị? Từ Đà Nẵng vào, người em nhớp cả mồ hôi, em muốn tắm.

Chị Vân chì chiết:

– Hình như chú cho tôi nói nhiều. Tôi là như vậy đó.

– Không, em có dám nghĩ gì đâu, em mệt thật tình mà.

– Phòng tắm trong kia!

Thanh xách va li đi nhanh vào trong, nhưng chị Vân gọi gật lại.

– Chú tắm ít nước thôi nhé, ở đây chứ không như quê mà chú tự do xối nước ào ào.

– Dạ.

Thanh lấy bộ quần áo chui nhanh vào phòng tắm. Phòng tắm tối om. Anh tìm công tắc bật đèn cho sáng, rồi mở vòi nước cho chảy vào thùng nhựa, múc nước xối lên người nhè nhẹ chứ không dám xối mạnh.

Tắm gội xong, Thanh sắp xếp mọi thứ trong phòng cho gọn đâu vào đấy, rồi mới bước ra. Chị Vân vẫn còn ngồi đó, mở nhạc từ cái máy đĩa, điệu nhạc vang ầm ĩ điếc cả tai. Nhìn chị, Thanh lắc đầu, anh hỏi:

– Chị Hai! Anh Dũng đi làm rồi hả chị?

Giọng chị Vân cộc lốc:

– Đi mua ve chai có hôm nào về sớm đâu, không ghé chỗ nào uống rượu cũng đi đánh bài.

Thanh cắn nhẹ môi, giọng chị Vân bực bội hơn:

– Anh Hai chú là như vậy đó, chú đừng có bắt chước hắn mà thành hư thân mất nết. Cha nghiêm khắc dạy dỗ tưởng đâu nên người, nhưng cũng là một thứ đổ đốn đến phát chán. Sao số của tôi khổ quá không biết!

Thanh lui vào, anh không giám nói gì cả. Anh là khách, người khách bất đắc dĩ chị phải nhận, chớ lòng thầm muốn tống đi cho xong. Anh muốn có chỗ ở, chị nói làm sao hãy cố mà im.

Tiếng xe Honda chạy lạch tạch rồi ầm ĩ vào dừng lại trước nhà. Thanh cười:

– Anh hai!

Dũng cười lại:

– Mày mới vào hả? Định vào chơi hay có chuyện gì không?

– Dạ, em vào đây kiếm việc làm.

– Vậy có chỗ ở chưa?

– Dạ, em định ở nhà anh chị, đợi có việc làm và có lương thì đi.

– Mày ở lại cũng được, nhưng trong túi mày có bao nhiêu tiền vậy?

– Dạ ....

Chị Vân cũng tắt nhạc để nghe câu nói của Thanh cho rõ. Thanh nghẹn giọng, một câu hỏi thẳng thừng, không một câu tế nhị hay tình cảm.

– Em chỉ có chút đỉnh thôi.

– Chút đỉnh là bao nhiêu?

– Dạ, đi xe và ăn uống xong, em còn năm chục.

Chị Vân khó chịu:

– Năm chục? Rồi chú lấy tiền đâu đi xe tìm việc làm, ăn uống? Có nghĩa là ở đây chúng tôi phải nuôi cơm chú?

Dũng cáu kỉnh:

– Mày nói chơi hay sao? Từ Đà Nẵng vào trong túi còn năm chục. Mày đi xin việc, năm chục ngàn đó chưa đủ đóng cho dịch vụ môi giới việc làm chớ đừng nói là đi xe tìm việc. Đâu phải mày đi tìm là có việc làm cho mày ngay đâu. Vậy mà cũng vào đây. Vợ chồng tao cũng nghèo, không giúp mày gì được đâu, ngoài việc cho mày hai bữa cơm mỗi ngày.

Nước mắt Hoàng Thanh trào ra. Ngày nào là anh em trong nhà, buồn vui có nhau, vậy mà lớn lên ra đời, có thể cư xử với nhau như vậy đó sao.Anh chưa biết mình nên có phản ứng nào. Dũng đã tàn nhẫn:

– Thôi, ngày mai anh chị cho mày một trăm ngàn, lên xe trở về Đà Nẵng đi.

Vân cũng hùa theo:

– Anh Dũng nói phải đó chú Thanh. Nghe lời ảnh về Đà Nẵng sống, dù gì cũng có ba mẹ. Ở Sài Gòn này khổ cực lắm.

Thanh lắc đầu:

– Em đã quyết định đi nên mới vào đây, khổ cực gì em cũng chịu, em không trở về đâu.

Dũng bực dọc:

– Nhưng nếu mày sống ở đây, tiêu hết năm chục ngàn đó mà chưa có tìm được việc làm thì sao đây?

– Em mong anh chị giúp cho em bước khởi đầu. Em biết bao giờ cũng vạn sự khởi đầu nan. Ngoài anh chị ra, em còn biết nhờ ai đây.

Dũng nặng giọng:

– Tao cũng nghèo, làm sao giúp mày. Lớn rồi ai có phận nấy, mày không chịu về thì tự lo liệu tấm thân đi.

– Trước mắt em chưa có việc làm, anh chị cho em ăn ở đây, sau đó có việc làm, em nhất định trả lại cho anh chị.

– Sau đó là bao lâu? Chú phải nói cho rõ ràng, không thể để cho chúng tôi lo từ tháng này sang tháng nọ. Sao, bao lâu?

– Một tháng thôi.

Vân giãy nảy:

– Một tháng cơ à? Hiện tại trong nhà làm ngày nào ăn ngày nấy, rồi còn tiền nhà tiền điện nước, tiền học của hai đứa nhỏ ... trăm thứ trăm lo. Một tuần thôi!

Dũng lạnh lùng:

– Đấy, chị dâu chú nói một tuần thôi. Giúp chú một tuần, tụi tôi thấy còn khó khăn, anh chị đâu có tiền bạc gì đâu. Thời gian cũng quá đủ cho chú, chú không chịu thì về Đà Nẵng với ba má đi.

Thanh do dự, anh thấy đau lòng, tuy nhiên anh không còn cách nào khác hơn là gật đầu.

Dũng dịu lại:

– Thôi, chú vào trong nghĩ đi. Nghĩ tạm cái giường của bé Na đó.

Thanh quay vào, anh cảm thấy buồn, buồn hơn bao giờ hết.

Buổi chiều cơm nước vừa xong, Vân nói Thanh:

– Lát nữa em đưa cho chị Hai chục ... thôi, em lấy hai chục đó đi chợ giúp chị, chị phải đi lấy hàng để ngày mai có bán.

Quay sang chồng, chị cộc lốc:

– Hôm qua đi đánh bài thắng hay thua vậy?

Mặt Dũng sầm lại, anh gắt vợ:

– Thua! Nếu ăn, tôi đã đưa tiền cho bà rồi. Vợ con gì, mới sáng sớm đã cằn nhằn sao không thua được.

Bị gắt, Vân cáu kỉnh đốp lại:

– Hứ! Có khi nào tôi nghe ông nói ông thắng đâu, toàn là thua.

– Vậy mấy lần ai đưa tiền cho bà vậy hả? Lúc đó cái mặt tươi lên, không có tiền cái mặt bà còn hơn cả cái bánh bao thiu. Vợ với con, rõ chán! Mai mốt tôi thắng ôm cả khối tiền về, lúc đó mắt bà sáng còn hơn cả đèn pha xe hơi.

– Hứ! Chỉ sợ ông mang toàn tiền âm phủ về nhà.

– Nè! Đừng có trù ẻo nghen. Tôi mà thua bà cũng đi ăn mày luôn.

Vân bĩu môi:

– Chuyện bài bạc của ông, tôi mặc kệ ông thắng thua. Tiền nhà và tiền học của con ông đóng là bổn phận của ông, ông không có là không ở yên được với tôi.

– Không yêu được bà làm gì tôi? Câm mồm bà lại đi, bà đừng có kiếm chuyện với tôi nghen.

– Kiếm chuyện đó thì sao?

Vân xông đến túm áo chồng quát tướng lên. Dũng cũng không vừa, nắm tóc vợ đẩy ra.

Hự .... hự .... những cú đấm cái đá. Hoàng Thanh không dám can, anh đi luôn ra đường. Ngày còn ở quê, mỗi lần hai vợ chồng về thăm nhà, họ cũng hay cãi nhau vậy đó, đánh nhau chửi nhau thô tục, rồi lại cười cợt ôm nhau, như con nít.

Trời Sài Gòn đã tháng tư vẫn còn oi nóng. Thanh đi bộ chầm chậm trên đường Sài Gòn đông người và cả xe. Những con đường và cửa hiệu nhấp nháy đèn sáng choang, không tối như con đường dẫn vào nhà Thanh ở quê. Vũ Quyên! Ở đó có Vũ Quyên của anh, cô là mối tình đầu của anh. Ngày hôm qua, cô đã tiễn anh đi, cuộc chia ly bao giờ cũng nhiều nước mắt.

Yêu để mà yêu, đó là những rung động đầu đời. Có lẽ rồi cuộc sống và những âu lo sẽ xóa tan tất cả những cảm xúc đầu đời ấy mà thôi.

Đang suy nghĩ, Thanh giật bắn mình. Đứa bé đang đi qua đường, con nhà ai vậy?

Thanh lao tới, không suy nghĩ, anh lao tới bế thốc nó lên, chiếc xe cũng vừa vặn thắng lại, nhưng cũng đủ hất ngã Hoàng Thanh xuống đường. Anh thấy đau nhói và mặt mũi tối sầm ...

Hoàng Thanh cựa mình mở mắt, một cảm giác đau ở chân. Thanh ngơ ngác nhìn quanh. Đây là đâu vậy?

– Anh ơi! Anh tỉnh rồi hả?

Cô gái cúi gần sát Hoàng Thanh, anh cố ngồi lên, nhưng cảm giác đau làm cho anh phải nằm xuống. Anh nhăn mặt:

– Đây là đâu vậy?

– Đây là bệnh viện. Anh nghe trong người như thế nào?

Bệnh viện? Thanh chợt nhớ lại ... anh đã lao ra đường bế đứa bé lên, chiếc xe đã tông vào anh, anh đã ngã xuống đường, cơn đau thật kinh khủng vào anh ngất đi.

Cúi nhìn xuống chân mình, Hoàng Thanh thảng thốt:

– Sao tôi thế này?

Chân anh bị gãy xương, cũng không nặng lắm, bệnh viện đã băng bột cho anh. Cám ơn anh đã lao ra đường cứu cháu tôi, nếu không, không biết xảy ra chuyện gì nữa.

– Như vậy là đứa bé không sao?

Không sao cả, có điều nó hoảng sợ còn anh thì như thế này. Anh đừng lo, mọi chi phí thuốc men, tôi lo hết cho.

Thanh cắn mạnh môi. Vào Sài Gòn chưa tìm được việc làm, anh đã gặp nạn, rồi tiền đâu ăn, cái chân gãy làm sao đi làm. Thanh nhớ những lời của anh trai và chị dâu, anh thấy cả một khoảng trời tăm tối trước mặt mình.

Nhìn ra ngoài, màn đêm cũng đang phủ xuống tối tăm như cuộc đời của mình, Thanh thở dài sườn sượt.

– Anh nằm tạm lại bệnh viện này vài hôm nhé cho bác sĩ theo dõi. À! Nhà của anh ở đâu, để tôi báo cho người nhà của anh biết.

– Cô báo tin giùm với anh chị tôi thôi.

Thanh không tiện nói anh vừa ở quê vào Sài Gòn chỉ mới một ngày, anh chị của anh nghe tin này hẳn họ sẽ nổi giận lên và đuổi về quê tức khắc cũng nên.

Nhưng với cái chân băng bột này, anh sẽ là một thằng “báo cơm”, sớm hay muộn gì họ cũng sẽ tống cổ anh đi. Đúng là “ôhọa vô đơn chí” mà.

Thanh cố nén đau đi từng bước chân vào nhà. Suốt một tuần anh nằm viện, Đại Dũng vào thăm anh không quá năm phút, chỉ để mắng là đồ ngu, anh hùng rơm, đừng có về nhà báo hại.

Chỉ như vậy thôi. Bảy ngày đi qua, cuối cùng anh phải rời bệnh viện. Đang ăn cơm, cả hai Dũng và Vân giật mình nhìn ra. Vân sầm mặt lại ngay khi thấy Hoàng Thanh, anh lúng túng:

– Anh chị!

Dũng buông đũa gay gắt:

– Chú xuất viện rồi phải không?

– Dạ.

– Họ cho chú bao nhiêu tiền?

– Dạ .... cô ấy đưa, nhưng mà em không nhận. Cả tuần nay ăn uống thuốc men, cái gì cũng của người ta hết, nên em không lấy.

Dũng trợn mắt quát tướng lên:

– Đồ ngu! Sao không lấy, rồi tiền đâu cho chú ăn, chưa kể là cái chân què làm sao đi làm. Đói rã bụng ra không lo, ở đó sĩ diện, anh hùng rơm. Cái chân này họ phải đưa cho chú tiền triệu, chú có biết không? Tôi không hiểu chú ăn cái gì mà đầu óc lại lú lẫn thế kia.

Thanh cúi đầu:

– Em thấy thằng bé mới biết đi mà lớ ngớ ra đường, em cứu nó, đơn giản là cứu nó, chứ ai lại nhận tiền.

– Có ngu quá thì câm mồm lại đi. Được không nhận tiền của người ta, thì ra đường mà ăn đi.

Dũng hằn học quay vào mâm cơm ăn tiếp. Hoàng Thanh thở dài đi vào trong. Anh chua xót:

Trên đời này tiền hơn tất cả sao?

Ầm ... ầm ...

Thanh giật mình thức giấc vì tiếng ầm ầm dưới nhà, và tiếng Vân the thé mắng con:

– Nhà này toàn là một lũ ăn hại báo cơm!

Chị mắng xa mắng gần rồi đi luôn vào đề:

– Có ai mà không như tôi không, chạy ăn từng bữa, bây giờ lại thêm cái của nợ trong nhà, làm anh hùng cho gãy chân rồi về đây báo.

Không dừng được, Thanh trỗi dậy, anh lê từng bước chân khó nhọc đau đớn:

– Chị! Em sẽ chỉ ở nhờ nhà anh chị thôi, em sẽ trả tiền trọ sau, còn cơm nước em sẽ ăn ngoài.

Vân quay phắt lại:

– Được, là do chú nói đấy nhé. Nhưng nhà tôi là nhà làm ăn, chú mang cái chân băng bột ra vào, xem chướng mắt lắm.

Thanh nghẹn ngào nhìn xuống chân, anh đã hiểu mục đích của chị dâu mình.

Chị không muốn sự có mặt của anh.

– Được, nếu chị muốn thì em sẽ đi.

Thanh quay vào lấy túi hành lý. Có gì đâu, vài bộ đồ và khăn mặt.

Thanh cay đắng, anh không biết mình đi đâu. Túi không tiền, cái chân băng bột.

Người đời dồn anh vào ngõ cụt không nói làm gì, nhưng đây lại chính là anh chị trong nhà. Người ta thường nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, đàng này ...

– Anh Thanh!

Ái Châu chạy theo Hoàng Thanh, cô ngạc nhiên nhìn quần áo trên tay anh.

– Anh đi đâu vậy?

– Tôi về quê.

Ái Châu thảng thốt:

– Anh về sao được mà về, phải ở lại Sài Gòn cho bác sĩ theo dõi và tháo băng chân. Có phải chị của anh đuổi anh đi?

– Tôi ...

– Em biết cả rồi. Bà ấy thấy anh bị thương, không cho anh ở chớ gì?

– ...

– Đi theo em!

Ái Châu giật cái tui trên tay Hoàng Thanh:

– Ở đâu có người tàn nhẫn bất nhân như vậy, chỉ biết có tiền. Em sẽ đưa anh về nhà em, chừng nào chân anh được tháo băng bột, anh muốn đi đâu thì đi.

Còn bây giờ, em không cho anh đi đâu cả.

Hoàng Thanh lúng túng:

– Thôi đi, cô để cho tôi về quê.

– Không được, khi nào anh tháo băng bột, em mới cho anh về quê.

Ái Châu gọi to:

– Anh Hải ới! Chạy xe tới đây!

Chờ cho xe chạy tới, cô mở cửa xe bỏ túi xách của Hoàng Thanh vào, xong giơ tay ra:

– Anh lên xe đi!

Hoàng Thanh ngại ngùng:

– Cô Châu ...

– Lên xe đi, về nhà anh đã, ba mẹ em cũng có ý nhờ anh đó.

Không biết phải làm sao, Hoàng Thanh đành ngồi vào, Ái Châu cũng ngồi theo. Cô đóng mạnh cửa xe lại:

– Chạy đi anh Hải!

Chiếc xe lăn bánh chạy đi. Hoàng Thanh buồn buồn nhìn lại. Người dưng người ta còn cứ như bát nước nước đầy, nhưng còn anh chị của anh, sao có thể cạn tàu ráo máng.

Ái Châu mở cửa xe, cô mỉm cười dịu dàng:

– Nhà em ở đây, anh xuống xe đi!

Cô cầm túi xách giùm Hoàng Thanh:

– Anh đi được không, hay là để em giúp?

Tôi đi được mà. Cô đưa giỏ xách tôi cầm cho, ai lại để cho cô xách như thế.

– Em giữ giùm anh ... bộ có vàng trong đây hay sao mà anh sợ?

– Đâu có.

– Ba má em ra tới kìa!

Trong nhà, ông bà Hoài Châu cùng đi ra. Ông Hoài Châu thân mật bắt tay Hoàng Thanh:

– Không có cậu cứu thằng bé, chắc là xảy ra tai nạn rồi. Ba má nó đang đi du lịch ở Pháp phải lật đật quay về. Hú hồn!

Hoàng Thanh cúi đầu chào tất cả mọi người. Anh có cảm giác mình là trung tâm vậy, mọi người vây quanh ân cần. Ái Châu chỉ vào đứa bé Hoàng Thanh cứu:

– Nó đây, bé Hùng. Hùng! Con chào chú đi. Bé Hùng là con của anh chị Hai em.

Hoài Chương ân cần đỡ vai Hoàng Thanh:

– Cám ơn cậu đã cứu con trai tôi.

– Dạ, không có gì đâu anh. Không có tôi cũng có người khác cứu mà.

– Nhưng mà anh dũng cảm cứu cháu. Anh cứ yên tâm ở lại đây dưỡng thương, chờ lành lặn rồi hãy về quê.

Ông Hoài Châu xen vào:

– Phải đó cháu, cứ ở lại đây, đừng ngại gì cả.

Hoàng Thanh nhìn quanh. Căn nhà của họ sang trọng quá, nhưng điều đáng nói là ở đây, họ xem anh thân thiết cởi mở. Ông Hoài Châu xếp cho Hoàng Thanh ở căn phòng phía dưới cho tiện đi đứng.

Ái Châu mở rộng cửa sổ.

– Cần gì, anh cứ nói nhé.

Hoàng Thanh xúc động:

– Đối với tôi như vậy là quá đầy đủ và hạnh phúc rồi.

Ái Châu bước ra ngoài, cô không quên khép cửa phòng lại giúp Hoàng Thanh. Anh bàng Hoàn ngồi xuống, mọi thứ đối với anh đang như giấc mộng hoang tưởng và nó chỉ có trong giấc mơ mà thôi.

Tất cả mọi thứ trong căn phòng này đều sang trọng, mình đang ngủ mơ hay hiện thực đây?