Cứ mỗi lần nói chuyện với nàng, chàng lại hỏi, trên đó mấy hôm rày mưa phải không? Quả thật là lúc ăn cơm chiều, trời âm u có mưa gió dữ dội, nhưng nàng chối phăng, không, trời đang đẹp lắm. Chẳng hiểu tại sao nàng lại nói trớ đi như vậy. Chàng kể chuyện con mèo nhà chàng, chuyện con chim nhỏ không biết làm sao mà không bay được, anh bắt vào nhà rồi thả đi, chuyện cái nhà cần phải sơn lại. Nàng ủa, tưởng cái nhà anh đã sơn xong rồi. Chàng nói, mới chỉ bên ngoài. Nàng hỏi, còn gì thay đổi không? Thay đổi là làm sao, em nói đổi nhà mới? Không, tại em đâu biết hỏi gì nữa. Nàng kể chuyện buổi trưa này nàng ăn gì, kêu một cái sandwich thật lớn và một miếng bánh pie, blackberry pie, cũng thật lớn, nhưng rồi ăn không hết, sandwich không hết mà miếng bánh pie cũng không hết. Chàng cười, vậy là ngày mai khỏi phải lo chuyện ăn trưa. Cứ vài ngày không chàng thì nàng gọi phôn cho nhau. Cứ những chuyện lẩm cẩm như thế mà nói với nhau. Có lần nàng ngập ngừng nói, dù tương lai thế nào, em hy vọng anh vẫn là người bạn thân thiết của em.

Có lần nàng gọi cho chàng ở sở làm. Được cô thư ký cho biết hôm nay chàng bệnh, không vô. Nàng gọi về nhà chàng. Nghe nói anh đau. Chàng cười, thức dậy, chợt thấy lười, có thế thôi. Đang làm gì vậy anh? Coi tennis. Nàng nói, thấy không ai trả lời, sắp sửa cúp phôn rồi đó chớ. Chàng nói, mới reng có 3 tiếng mà, đã chạy rồi đó, chậm một chút là mất nghe. Sao nàng lại nghĩ chàng phải bắc phôn ngay từ tiếng reng đầu? Cái phôn không ở gần à? Không. Tôi mong chàng nói chàng nhớ nhung tôi, nhưng chàng không nói gì. Tôi có cảm tưởng chàng...thờ ơ, và tôi buồn buồn. Chỉ là cảm giác thôi, mà cảm giác thì rồi sẽ qua đi. Chàng đùa, hừm, con mèo bậy quá, nằm gần đó mà không chịu trả lời phôn.

Chàng và nàng quen nhau trong một tiệm sách ở phố Việt Nam vào dịp Giáng Sinh. Đứng trước những cuốn tiểu thuyết của một tác giả mà nàng ưa thích nhất, nàng còn phân vân chưa biết mua cuốn nào, thì chàng lên tiếng làm quen:

− Cô thích cuốn nào, để tôi mua tặng cô.

Chia tay, chàng hỏi số phôn của nàng, nàng không cho. Với lại, nàng ở tiểu bang khác về Cali chơi, nàng không nghĩ là cuộc gặp gỡ này sẽ đưa đến đâu. Nhưng khi chàng đề nghị đưa phôn của chàng thì vì lịch sự nàng cầm lấy. Mặt chàng trông hiền lành dễ thương, từ chối cũng tội. Trở lại miền phố núi, nàng quên bẵng đi, cho đến một đêm cuối tuần thật cô đơn, nàng bắc phôn gọi chàng. Khi nhận ra giọng nàng, chàng không che giấu được nỗi vui mừng:

− Tưởng Quỳnh sẽ không bao giờ gọi. Tưởng tôi sẽ...hóa đá vì chờ cô!

− Không nghĩ là tối thứ bảy có anh ở nhà.

− Sao gọi mà không mong người ta có ở nhà?

Sau đó hai người tiếp tục gọi nhau. Khi nào nàng gọi trước, chàng hay bảo nàng, em cúp phôn đi, để anh gọi lại. Chàng bắt đầu gọi nàng bằng tiếng em từ lúc nào nàng không hay.

Rồi nàng nhận lễ hỏi của chàng. Nàng thắc mắc, em không đẹp, em không học giỏi...như những cô mà anh đã quen biết?

− Anh đi hỏi em chứ đâu phải hỏi mấy cô kia. Em cứ là em, đủ rồi!

Đêm nào hai người cũng nói chuyện hằng giờ. Nàng thấy nhớ chàng muốn gần chàng, nhưng sao cứ nghĩ đến chuyện lấy nhau là nàng sợ. Sợ bổn phận làm vợ, sợ trách nhiệm gia đình chăng? Sợ bố mẹ chồng, cô em chồng chăng? Sợ chuyện lệ thuộc tiền nong chăng? Theo chàng xuống đó thì tôi phải bỏ giốp của tôi trên này, mua cái áo, cái quần, phải xin, dù chàng đã trấn an, vợ chồng rồi mà, tiền của anh là tiền của em, em rõ nghĩ lẩn thẩn.

Có con nhỏ xinh đẹp mới 18, 19 tuổi, cứ gọi long distance cho chàng hoài. Chàng kể là chàng nói chàng đã có người rồi, cô ta vẫn cứ gọi. Có lần nó còn cả gan gọi cho nàng hỏi:

− Chị Quỳnh à, hình như chị không thương anh Nguyên. Em sợ chị sẽ làm khổ ảnh. Em thương ảnh lắm, thương thật tình. Chị có thương ảnh thật không? Nếu không, chị để lại cho Châu.

Nó cứ cù cưa:Tại sao ảnh thương chị? Em thương ảnh nhiều hơn. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho ảnh. (Mà chàng có thương cô bé đó không?)

Nàng tức giận nghẹn họng. Sao chàng lại cho số phôn của nàng để cho cô bé đó gọi? Con nhỏ đáo để gọi phá nàng sau ngày làm lễ hỏi chỉ mới có hai ngày. Chàng giải thích: Nó cứ gọi anh hoài. Anh nói mình đã đính hôn, nó vẫn không tin. Nó xin số phôn của em, lằng nhằng hoài bực quá nên anh đã cho đó, thôi bỏ qua đi.

− Thì anh cũng thích nói chuyện nên nó mới gọi chứ!

− Ai thích hồi nào? Phôn reng thì phải trả lời. Bắc lên rồi, lại chẳng lẽ cúp? Em có làm vậy không?

Gọi longđistance mà lại cãi vã nữa rồi. Chỉ mới hai ngày sau lễ hỏi! Cứ cái kiểu này chưa lấy nhau đã rã đám.

− Em không muốn cãi với anh đâu... Nàng bắt đầu tấm tức khóc... Mẹ đã nói ở xa rồi sẽ cãi nhau hoài.

− Chuyện có gì đâu!

− Anh cứ nói không có gì đâu... Anh cứ nói chuyện với con nhỏ đó. Anh coi thường em, rồi bây giờ anh lại để nó gọi em. Anh chọc tức em. Em đi làm về mệt mỏi chỉ mong nói chuyện với anh chứ đâu muốn nói chuyện với “con ngựa đó...

− Em trẻ con quá...

Chàng chưa nói hết lời, trên này nàng cúp phôn cái kịch. Qúa lắm, chàng còn cho là nàng trẻ con. Ừ, thì nàng trẻ con. Trẻ con nên nàng bất lịch sự cúp phôn ngang xương, một việc nàng chưa làm bao giờ. Nhưng nàng tức quá, tức quá. Chàng sửng sốt vì hành động bất ngờ của nàng. Chàng sẽ giận nàng dữ. Nàng cũng đang giận chàng dữ.

Một giây sau phôn reng lại. Chàng gọi đó, đừng bắt phôn. Nàng nằm sấp, nhìn cái phôn cứ reng liên hồi giận dữ. Cái vật vô tri vô giác đó tối nay cũng biết giận dữ, bực tức, nằm vạ, cứ như là... không nhấc tôi lên, tôi sẽ la bể trời suốt đêm ... cho coi. Đứa em trai vừa đi chơi về nghe phôn reng lâu tưởng nàng không có trong phòng nên chạy nhanh vào định nhấc, ngạc nhiên thấy nàng cứ nằm yên ngó sững cái phôn. Rồi thì nó cũng đoán biết được:

− Hai người lại cãi nhau rồi hả?

Nàng nghĩ thầm:

− Nó nói như mình và Nguyên hay cãi nhau lắm!

Thật ra, chỉ mấy lúc sau này khi gần lễ hỏi, họ bỗng thấy ở đâu ra có nhiều chuyện để gây để cãi. Nhiều chuyện thật cỏn con. Chẳng hạn:

− Lúc 10 giờ em gọi, chẳng thấy anh. Anh đi đâu vậy?

Hay:

− Hồi nãy gọi mà đường dây bận, anh đang nói chuyện với cô nào vậy? (Dạo mới quen nhau, thì cũng những câu hỏi đó đã làm chàng cảm động sung sướng)

Rồi chàng gây:

− Anh đang ở sở làm. Bộ em tưởng người ta trả lương khơi khơi!

Cái phôn ngưng rồi lại reng tiếp. Mấy lần nàng muốn nhấc phôn lên, nhưng lại sợ nói chuyện trong lúc chàng còn giận nên lại thôi. Cũng không thể để phôn reng mãi, nàng rút dây phôn ra.

Sáng hôm sau, nàng gọi chàng ở sở làm. Em bậy quá, tại em thương anh, anh hiểu không? Chàng cũng hết giận:

− Anh không còn giận nữa. Tại sao em lại nóng lên. Mà thôi, bỏ qua đi.

− Ừ, toàn chuyện ở đâu. Em nhớ anh.

− Anh cũng vậy.

− Tối qua anh ngủ được không?

− Em biết rồi, cần gì phải hỏi, đừng làm như vậy nữa, Quỳnh.

− Em hứa em không cúp phôn nữa. Mà anh cũng hứa không được làm em giận.

− Ừ! Thì anh hứa. Quỳnh ơi!

− Gì anh?

− Anh muốn ôm em vào lòng. Nhớ em quá!

Nàng kêu nho nhỏ:

− Anh...

− Đợi lâu quá Quỳnh ơi...I can't wait!

− Bạn em cũng nói vậy. Nó còn hỏi em nghĩ sao mà để lâu như vậy, không chịu làm đám cưới liền, không sợ mất sao. Em nói, không, Quỳnh tin ảnh. Cái gì của mình thì sẽ là của mình, mà không phải của mình thì cũng sẽ không phải của mình.

− Em cũng phải giữ thì mới còn là của em chứ.

− Không đâu anh, khi người ta thay đổi, mình có giữ có níu kéo cũng không được. Ngày tháng nó đến là nó đến, cũng duyên nợ nữa, chứ khi không sao em lại quen anh, em ở tuốt luốt miền phố núi trên này, anh ở dưới đó nơi có nhiều người Việt, có nhiều cô thích anh... Anh có tiền, có bằng cấp...

− Quỳnh biết tại sao không? Em là người con gái đầu tiên khi nói chuyện mà không hỏi anh làm gì.

− Hỏi để làm gì?

− Hỏi cho người ta khoe chớ bộ. Em có vẻ cóc cần cái bằng tiến sĩ của anh-chàng đùa -Em chẳng nể cái bằng của anh.

− Có chớ.

− Nói có chớ mà sao em cười?

− Chẳng lẽ em lại khóc?

− Trời ơi, nói chuyện với dân Bắc Kỳ thì làm sao nói lại được!

Có lần chàng gọi... chỉ để khoe bài thơ chàng vừa làm cho nàng. Nàng chọc, anh cải lương!

− Kệ anh! Làm để đọc cho em nghe, chứ có gửi đăng báo đâu mà sợ! Yên lặng, lắng tai nghe nha.

− Thôi chép gửi e -mail cho em đi. Long distance mà đọc thơ tốn chết!

− Bây giờ thì sợ anh hết tiền. Sao hồi đó không sợ dùm anh, để anh gọi năn nỉ cả năm?

Chuyện tình như vậy đó. Vậy mà gần ngày cưới, nàng từ hôn. Không phải là một quyết định đột ngột. Mà là sau những ngày mất ăn, những đêm mất ngủ. Nàng nói với chàng:

− Quỳnh rất là buồn. Em không muốn anh buồn, nhưng em phải nhắc cho anh nhớ, em đang thương người ta. Đừng nuối tiếc, đừng gọi em nữa, làm em khó xử. Em không muốn kèo cưa. Anh cũng nên quên em đi. Hãy tìm người khác, một người sẽ thương anh thật lòng, một người sẽ mang đến cho anh hạnh phúc trọn vẹn một trăm phần trăm.

Chuyện tình cảm thật khó nói. Mỗi lần gọi là mỗi lần khổ, vậy mà chàng vẫn cứ gọi cho nàng. Nàng cũng biết, đặt hoàn cảnh mình thương ai nhiều, mình cũng khó dứt khoát vậy. Mỗi ngày mặt trời đều mọc và lặn, đời sống vẫn phải tiếp tục, với thời gian mọi vết thương đều sẽ lành lại, có thật vậy chăng? Nguyên khóc trong phôn, Quỳnh, anh còn thương em. Anh không thể thương ai khác được. Nguyên mềm yếu, khóc như một đứa con nít. Phải chị.. Phải chi nàng giúp chàng được. Tôi nợ anh, dù gì cũng một thời gắn bó yêu nhau. Nhưng nợ tình cảm thì biết lấy gì trả đây? Tôi chỉ có một con tim, và tôi cũng chỉ có một thời để yêu, để sống. Tôi không thể vì tội nghiệp anh mà lấy anh. Tôi không có cái rung động với anh như cái rung động mà tôi có khi tôi bắc phôn nói chuyện với người ta. Con đường tôi chọn, đúng hay sai, tôi không biết, tôi không giải thích được, dù người ngoài thấy rõ là người ấy về mặt vật chất, bằng cấp không bằng anh, tôi ngu mới bỏ anh mà chọn người ta. Tôi chỉ biết tôi đang đi theo tiếng gọi của con tim.

− Thỉnh thoảng cho anh biết em sống ra sao, có hạnh phúc hay không. Anh vẫn là anh, anh sẽ chờ em.

− Xin anh hãy mong em có hạnh phúc, thế là đủ, đừng chờ em!

Xin anh tha lỗi cho tôi. Nợ này tôi không trả kiếp này được, thôi đành hẹn kiếp sau.

Linh Vang (Tacoma)