Tác phẩm:

”Victoria” là câu chuyện về Johannes – con trai một thợ xay bột mì nghèo và nàng Victoria xinh đẹp con gái một chủ lâu đài. Họ đã có những kỷ niệm thời thơ ấu, và khi cả hai trưởng thành – cuộc gặp gỡ sau những năm xa cách đã khởi đầu cho một mối tình lãng mạn và say đắm. Nhưng điều đó có đem lại một câu chuyện tình trọn vẹn, thật trớ trêu khi số phận đã vạch ra cho hai người hai con đường riêng và chỉ ra rằng họ sẽ không nhận được thêm một điều gì khác. Những định kiến xã hội về tầng lớp, gia đình và những biến cố dữ dội xảy ra trong cuộc đời Victoria đã đem lại một câu chuyện buồn… Hamsun miêu tả câu chuyện tình bi thảm của giới trẻ, ý thức của họ về mất mát và khao khát, với sự đồng cảm và chia sẻ. Câu chuyện hấp dẫn người đọc với đầy đủ trạng thái của cảm giác, với hình ảnh sinh động và ngôn ngữ đầy sáng tạo. Victoria thực sự là một tác phẩm tuyệt vời bởi chất trữ tình và chiều sâu bất tận của cảm xúc.

Đôi nét về Tác giả:

Knut Hamsun, tên thật là Knud Pedersen, (4 tháng 8 năm 1859 – 19 tháng 2 năm 1952) là nhà văn Na Uy đoạt giải Nobel Văn học năm 1920.

Knut Hamsun sinh ở Vågå, Gudbrandsdal, Na Uy trong một gia đình nghèo đông con. Hamsun bắt đầu viết văn từ năm 17 tuổi nhưng suốt hơn 10 năm không được dư luận để ý. Trong thời gian này ông sang Mỹ hai lần, tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai, bị bệnh lao, và năm 1890 lại phải về nước. Sau đó viết tiểu thuyết Sult (Đói, 1890) kể về những đau khổ của một nhà văn đói rét với lối văn mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa và trở nên nổi tiếng không chỉ ở Scandinavia mà cả nhiều nước phương Tây khác. Ông chịu ảnh hưởng của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Friedrich Nietzsche và Lord Byron, phủ nhận lối sống của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đề cao tính chất thần bí của tâm hồn, ca ngợi chủ nghĩa điền viên cổ sơ. Tất cả đều xuất phát từ động cơ phi lý tính. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông hợp tác với chủ nghĩa phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai và bị xử tội phản quốc khi chiến tranh kết thúc.

Ngoài hàng loạt tiểu thuyết được sáng tác đều đặn, Hamsun còn viết kịch – từ 1895 đến 1898 ông hoàn thành bộ ba Ved Rigets Port (Nơi cổng vương quốc}, Livets Spil (Trò đời), Aftenrøde. Slutningspil (Hoàng hôn), tuy nhiên không thành công lắm. Phần lớn thơ Hamsun sáng tác đều bị ông đốt khi chưa in, nhưng năm 1904 ông đã công bố tập Det vilde Khôngr (Bản hợp xướng hoang dã) có thể sánh với những tác phẩm văn xuôi hay nhất của ông.

Knut Hamsun là nhà văn làm đổi mới văn xuôi Na Uy và là người luôn cố gắng thể hiện đời sống tâm hồn vô thức. Tác phẩm Markens Grøde (Nhựa của đất, 1917), kêu gọi trở về với ruộng đồng, đã mang lại cho ông giải Nobel năm 1920. Năm 1918, Hamsun mua một trang trại ở miền Nam Na Uy, sống tại đây, vừa viết văn vừa làm ruộng vườn. Cuối chiến tranh ông và vợ bị bắt vì công khai ủng hộ chủ nghĩa quốc xã, nhưng không phải ngồi tù vì ông đang bị bệnh tâm thần. Mặc dù vậy, dư luận xã hội Na Uy và thế giới có thái độ phân biệt rõ ràng giữa lập trường chính trị của ông trong những năm chiến tranh và di sản văn học quý giá mà ông để lại cho thế hệ sau.

Một số tác phẩm:

– Den Gaadefulde. En kjaerlighedshistorie fra Nordland (Con người bí ẩn, dưới tên Knud Pedersen, 1877), tiểu thuyết

– Bjørger (dưới tên Knud Pedersen Hamsund, 1878), tiểu thuyết

– Fra det moderne Amerikas Aandsliv (Cuộc sống tinh thần của xã hội Mỹ hiện đại, 1889), tiểu luận

– Sult (Đói, 1890), tiểu thuyết

– Fra det ubevidste sjaceleliv (Từ cuộc sống vô thức của tâm hồn, 1890), tiểu luận

– Mysterier (Những điều bí ẩn, 1892), tiểu thuyết

– Redaktør Linge (Biên tập viên Linge, 1893)

– Ny Jord (Đất mới, hoàn tất năm 1893)

– Pan (Quý ngài, 1894), tiểu thuyết

– Ved Rigets Port (Nơi cổng vương quốc, 1895), kịch

– Livets Spil (Trò đời, 1896)

– Aftenrøde. Slutningspil (Hoàng hôn, 1898), kịch

– Victoria. En kjaerlighedshistorie (Victoria, 1898), tiểu thuyết

– Munken Vendt. Brigantines saga I (1902), kịch thơ

– Det vilde Khôngr (Bản hợp xướng hoang dã, 1904), thơ

– Under Høststjaernen. En Vandrers Fortaelling (Dưới ngôi sao mùa thu, 1906), tiểu thuyết

– Benoni (1908), tiểu thuyết

– En Vandrer spiller med Sordin (Kẻ lang thang chơi đàn không dây, 1909), tiểu thuyết

– Den sidste Glaede (Niềm vui cuối cùng, 1912), tiểu thuyết

– Børn av Tiden (Những đứa con của thế kỉ, 1913), tiểu thuyết

– Segelfoss By (Thị trấn Segelfoss, 2 tập, 1915), tiểu thuyết

– Markens Grøde (Nhựa của đất, 2 tập, 1917), tiểu thuyết

– Khôngnerne ved Vandposten (Những người đàn bà bên giếng, 2 tập, 1920), tiểu thuyết

– Siste Kapitel (Chương cuối, 2 tập, 1923), tiểu thuyết

– Landstrykere (Những kẻ lang thang, 2 tập, 1927), tiểu thuyết

– August (Tháng Tám, 2 tập, 1930), tiểu thuyết

– Ringen sluttet (Vòng vây đã khép, 1936), tiểu thuyết

– Paa gjengrodde Stier (Theo lối mòn hoang, 1949)

—oOo—

I

Con trai người thợ xay bột mì vừa đi vừa suy nghĩ. Đó là một cậu bé có đôi vai rộng, khoảng mười bốn tuổi, da rám cháy vì gió và mặt trời, là một người có tài phịa ra đủ các chuyện.

Lớn lên, cậu sẽ theo nghề làm diêm. Nghề này rất nguy hiểm, không thể đùa với nó được, vì hễ để lưu huỳnh dính vào các ngón tay, sau đó sẽ không một người nào đủ dũng cảm chìa tay cho anh bắt. Thế nhưng anh lại được bạn bè kính trọng vì thông thạo một nghề đáng sợ như vậy.

Cậu vào rừng thăm các con chim của mình. Chim chóc ở đây đều là bạn cũ của cậu, cậu biết chỗ chúng làm tổ, hiểu ngôn ngữ chúng và biết bắt chước tiếng chúng để trả lời. Cậu thường cho chúng ăn các viên bột mì được xay ở chiếc cối xay nhà cậu.

Những hàng cây mọc theo lối đi cũng là bạn cũ của cậu. Mùa xuân cậu lấy nhựa cây, còn mùa đông thì cậu chăm sóc chúng một cách tận tâm, rung tuyết khỏi cành để chúng khỏi gãy vì nặng. Thậm chí ở tít trên đỉnh núi, trong cái hang trước kia là nơi khai thác đá, không có hòn đá nào cậu không biết rõ. Cậu khắc chữ lên mặt các phiến đá rồi xếp lại theo thứ tự: tảng lớn chính giữa là ông linh mục, còn các tảng bé xung quanh là các con chiên ngoan đạo. Nói chung, cái hang đá bị bỏ quên này đã được chứng kiến đủ các trò chơi lạ lùng của cậu.

Lúc này cậu đang rẽ sang bên và đi xuống bờ đập. Bánh xe của chiếc cối xay chạy bằng nước đang quay, tạo nên những tiếng ồn kinh khủng. Cậu thường đi dạo ở đây, vừa đi vừa nói chuyện thành tiếng với chính mình. Cậu có cảm giác như mỗi chiếc bong bóng nhỏ đều có cuộc sống riêng của mình, và có thể nói về một điều gì đấy, còn dòng nước tràn qua đập đổ xuống thì mỏng và thẳng đứng như những bó sợi trắng lấp lánh treo trên dây.

Ở quãng sông phía dưới bờ đập có cá, và cậu đã nhiều lần tới câu ở đó.

Lớn lên, cậu sẽ làm nghề thợ lặn. Chỉ làm nghề thợ lặn thôi, chứ không làm gì khác. Từ boong tàu, cậu sẽ nhảy ùm xuống biển để lạc vào một thế giới kì diệu, nơi các con sóng làm đung đưa các khu rừng hoang dã, còn tận dưới đáy là một lâu đài nguy nga bằng san hô, sẽ có một công chúa đứng bên cửa sổ lâu đài vẫy tay bảo cậu: “Mời chàng vào!”…

Nhưng đúng lúc ấy cậu bỗng nghe có tiếng người. Đó là tiếng bố cậu đang gọi to: “Juhannes!”.

– Có người từ lâu đài tới tìm con. Họ cần người chở các cô cậu sang đảo.

Juhannes vội rảo bước về phía lâu đài. Thế là cậu con trai của người thợ xay bỗng nhiên nhận được một ân huệ lớn.

Trong thực tế, khu nhà của ông chủ trông chẳng khác gì một lâu đài nhỏ, một lâu đài đơn độc, huyền ảo giữa rừng xanh. Một dãy các cửa sổ hình bán nguyệt chạy dài theo tường và mái nhà dốc đứng của ngôi nhà gỗ được quét sơn trắng. Mỗi lần có khách, một ngọn cờ được cắm trên đỉnh chiếc tháp hình tròn. Khu nhà này được nhân dân trong vùng gọi là lâu đài, với một bên là bờ vịnh, bên kia là rừng rậm, còn thấp thoáng phía xa là những túp lều nông dân nhỏ bé.

Juhannes gặp đám trẻ con nhà quyền quý ở bến và giúp chúng lên thuyền. Cậu biết chúng từ lâu – đó là con của ông chủ lâu đài và các bạn bè của họ từ thành phố tới. Mọi người đều đi giày cao cổ, và khi thuyền tới đảo, chỉ một mình Victôria – lúc ấy mới mười tuổi – đi đôi giày bé tí, nên chắc ai đó phải bế cô lên bờ.

– Hay để tôi bế cô nhé? – Juhannes đề nghị.

– Không, để đấy cho tôi, – Ôttô, một cậu bé mới lớn, người thành phố nói. Đã đến lúc cậu được xem là người lớn. Ôttô bế Victôria trên tay.

Juhannes đứng nhìn cậu kia đưa Victôria lên gò đất xa bờ, và nghe cô nói: “Cảm ơn”. Sau đó Ôttô ra lệnh:

– Còn cậu – à mà cậu tên là gì nhỉ? – Cậu hãy đứng đây trông thuyền.

– Tên cậu ấy là Juhannes, – Victôria nói. – ừ, mà để cậu ấy ở lại trông thuyền cũng được.

Juhannes ở lại một mình, còn những đứa kia thì tay cầm giỏ đi vào rừng tìm trứng chim.

Juhannes đứng im suy nghĩ. Cậu rất muốn đi theo, còn thuyền thì có thể kéo lên bờ. Nặng à? Không hề nặng một chút nào

nào. Rồi cậu đem hết sức kéo, mũi thuyền ghếch hẳn lên bờ.

Cậu nghe rõ tiếng những đứa bé kia vừa cười nói, vừa đi sâu vào rừng. Cũng chẳng sao, chúc một ngày vui thoải mái. Nhưng dù sao chúng phải cho mình cùng đi mới phải. Cậu sẽ chỉ tổ chim cho chúng – cả những chỗ sâu bí mật nằm kín trong núi, là nơi sinh sống của những loài chim ác có túm lông trên mỏ. Một lần, thậm chí Juhannes còn gặp cả chồn trắng ở đấy.

Juhannes lại đẩy thuyền xuống nước và bắt đầu chèo quanh đảo. Cậu đã bơi được khá xa khi nghe có tiếng kêu:

– Chèo quay lại! Cậu làm chim hoảng sợ bay mất.

– Tôi chỉ muốn các anh xem hang chồn trắng,

– Juhannes nói, trong giọng cậu có vẻ dò hỏi. – Nếu các anh muốn, chúng ta sẽ hun khói bắt rắn bò ra khỏi hang, được không? – Một chốc sau, cậu đề nghị: – Tôi có diêm đây rồi.

Nhưng không ai trả lời cậu. Juhannes quay thuyền bơi trở lại chỗ cũ. ở đấy cậu kéo hẳn thuyền lên bờ.

Lớn lên, cậu sẽ yêu cầu vua Sultan bán cho cậu hòn đảo này, và cậu sẽ không cho phép ai lại gần nó. Sẽ có những con tàu được trang bị bằng các khẩu đại bác bảo vệ vương quốc của cậu. “Tâu bệ hạ, – các nô lệ sẽ báo với cậu, – có một con tàu nào đấy đang va phải đá ngầm. Trên tàu có những người trẻ tuổi. Họ sẽ chết mất”. “Cứ mặc họ chết”, – cậu đáp. “Tâu bệ hạ, họ đang van xin ta giúp đỡ, chúng ta đang có thể cứu được. Trong số họ có một tiểu thư xinh đẹp mặc đồ trắng”. “Cho cứu họ!”, – cậu ra lệnh bằng giọng âm vang như sấm. Và rồi sau nhiều năm xa cách, cậu gặp lại con cái của ông chủ lâu đài, và Victôria quỳ xuống bên chân cậu, rối rít cảm ơn. “không có gì phải cảm ơn, – cậu đáp. – Tôi chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình. Xin mời cứ thoải mái dạo chơi trong địa phận của tôi”. Rồi cậu dễ dãi mở toang cửa lâu đài mình cho đám trẻ con nhà quyền quý kia và ra lệnh cho lấy đĩa vàng mang thức ăn tới. Thêm vào đó, ba trăm nữ nô lệ da đen sẽ suốt đêm múa hát, giải trí cho họ. Sau đó, đám người trẻ tuổi ấy sẽ chuẩn bị ra về, nhưng Victôria không muốn đi với họ. Nàng khóc và cúi thấp người trước cậu – vì nàng yêu cậu mà. “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ đừng đuổi tôi đi. Hãy cho tôi được làm một trong những nô tì của bệ hạ…”

Lâng lâng vì hồi hộp, Juhannes rảo bước đi sâu vào đảo. Cậu quyết định sẽ cứu các con của ông chủ. Ngộ nhỡ họ lạc thật thì sao, ai biết đấy? Ngộ nhỡ Victôria rơi vào hõm đá hẹp, không leo lên được thì sao? Trong khi đấy chỉ cần đưa tay là có thể cứu được cô.

Nhưng bọn trẻ kia lại nhìn Juhannes với đôi mắt ngạc nhiên. Làm sao cậu có thể bỏ thuyền đấy mà đi được?

– Cậu phải chịu trách nhiệm về con thuyền với tôi đấy, – Ôttô nói.

– Các anh có muốn tôi chỉ cho xem một bụi mâm xôi không?

Tất cả im lặng. Một chốc sau chỉ Victôria hỏi:

– Mâm xôi à? ở đâu?

Nhưng anh chàng người thành phố đã vội xen vào:

– Bây giờ chúng tôi đang bận. Juhannes nói:

– Tôi còn biết ở đâu có thể bắt trai được. Lại im lặng.

– Thế trai có ngọc không? – Ôttô hỏi.

– Ôi, mà biết đâu có ngọc thật nhỉ! – Victôria kêu lên.

Không, điều ấy thì Juhannes không dám quả quyết, nhưng cậu biết chắc trai nằm dưới đáy cát ở một chỗ cách bờ không xa, chỉ cần bơi thuyền ra đấy và lặn xuống bắt.

Nhưng ý kiến này của cậu chỉ làm mọi người phá lên cười. Ôttô bĩu môi:

– Như thể cậu là một anh thợ lặn không bằng. Giỏi lắm đấy!

Juhannes thở dài:

– Nếu các anh muốn, tôi sẽ trèo lên ngọn núi đá kia và ném một hòn đá thật to xuống, – cậu nói.

– Để làm gì?

– Chỉ thế thôi. Còn các anh sẽ đứng nhìn.

Nhưng cả cái trò này cũng không được đám trẻ quyền quý hưởng ứng, và Juhannes ngượng ngùng đứng im. Sau đó cậu bỏ đi tìm tổ chim một mình ở một phía khác của hòn đảo.

Khi cả bọn quay lại thuyền, hoá ra một mình Juhannes đã nhặt được nhiều trứng hơn tất cả cộng lại. Cậu cẩn thận đỡ trứng trong chiếc mũ.

– Làm sao cậu có thể nhặt được nhiều như vậy? – Ôttô hỏi.

– Vì tôi biết chim làm tổ ở đâu, – Juhannes sung sướng đáp. – Victôria, tôi để chung trứng của tôi với của cô nhé?

– Không được! – Ôttô nói to. – Cậu lấy quyền gì để làm như thế?

Mọi người quay sang nhìn Ôttô. – Ai dám chắc mũ cậu sạch?

Juhannes lặng im không đáp, nhưng cậu không còn thấy vui nữa. Cậu quay người đi trở lại các ngọn núi đá, tay vẫn giữ mũ trứng.

– Chuyện gì thế nhỉ? Cậu ta đi đâu? – Ôttô sốt ruột hỏi.

– Juhannes, anh đi đâu đấy? – Victôria kêu lên và bỏ chạy theo.

Juhannes đứng lại, khẽ đáp: – Bỏ trứng vào tổ như cũ. Họ cùng đứng nhìn nhau.

– Sau bữa trưa, tôi sẽ vào mỏ đá. Victôria im lặng.

– Cô có muốn tôi chỉ cho xem khe đá không?

– Ôi, tôi sợ lắm, – Victôria hoảng sợ đáp. – Chính anh chẳng nói ở đấy tối lắm là gì?

Nghe thế, mặc dù đang buồn, Juhannes mỉm cười và lấy hết can đảm nói:

– Không sao, tôi sẽ ở bên cô. *

* *

Ngay từ bé Juhannes đã thích đến khu mỏ đá bỏ hoang để chơi. Từ đường cái có thể nghe cậu đang làm việc gì đó phía trên, vừa làm vừa nói chuyện với chính mình. Có lúc cậu tưởng tượng cậu là một linh mục, và bắt đầu đọc kinh.

Mỏ đá bị bỏ hoang từ lâu, các tảng đá bị rêu bám xung quanh, bây giờ chẳng còn nhìn thấy các chỗ ngày xưa được khoan sâu để chôn mìn. Nhưng dưới đáy của nó là một hang sâu bí hiểm được cậu con trai người thợ xay bột mì dọn sạch và trang hoàng rất đẹp – đây là sào huyệt của một toán cướp rất dũng cảm mà cậu là đầu đảng.

Đây, cậu khẽ rung chiếc chuông bạc, và một người lùn tí hon đầu đội mũ đính kim cương vội chạy vào. Đó là lão người hầu của cậu. Lão cúi người sát đất chào cậu. “Khi công chúa Victôria tới, hãy dẫn nàng vào gặp ta!” – Juhannes quát to ra lệnh. Người lùn lại cúi chào sát đất và biến mất. Nằm thoải mái trên chiếc đi- văng mềm mại, Juhannes bâng quơ suy nghĩ. Cậu sẽ đặt công chúa ngồi lên chỗ danh dự và ra lệnh mang tới cho nàng những món ăn ngon nhất đựng trong bát đĩa bằng vàng và bạc. Sẽ có một ngọn lửa lớn soi sáng hang đá, còn sâu trong hang là một chiếc giường phủ vải viền vàng cho nàng nghỉ, và sẽ có mười hai hiệp sĩ đứng canh giấc ngủ cho nàng.

– Victôria! – Juhannes gọi.

– Tôi đây! – Có tiếng đáp lại. Cậu đi xuống với cô.

– Ôi, tôi sợ lắm! – Victôria nói. Cậu nhún vai đáp:

– Tôi vừa ở đấy mà! Tôi vừa từ đấy lên đây!

Cả hai cùng vào hang. Cậu đưa tay mời Victôria ngồi xuống một tảng đá và nói:

– Người khổng lồ đã ngồi trên chính tảng đá này.

– Xì… Anh im đi! Đừng kể tiếp nữa, tôi sợ lắm. Thế lúc ấy anh có sợ không?

– Không.

– Nhưng anh nói là người khổng lồ ấy chỉ có một mắt phải không?

Juhannes lưỡng lự trước khi trả lời.

– Không, người khổng lồ này có hai mắt, nhưng một mắt không nhìn thấy gì cả. Chính ông ta cho tôi biết điều ấy.

– Thế ông ta còn nói gì nữa không? Mà thôi, đừng kể nữa!

– Ông ấy hỏi tôi có muốn phục vụ ông ấy không.

– Ôi, lạy Chúa! Tất nhiên là anh không đồng ý chứ?

– Không đồng ý mà cũng chẳng từ chối hẳn.

– Anh điên mất rồi! Không lẽ anh muốn bị nhốt trong hang này suốt đời à?

– Tôi chẳng biết nữa. Trên mặt đất cũng chẳng có gì tốt đẹp đâu.

Cả hai cùng im lặng.

– Từ khi có khách từ thành phố về, Victôria chỉ chơi với họ thôi.

Lại im lặng. Juhannes nói tiếp:

– Thế mà tôi lại khoẻ hơn tất cả bọn họ đấy. Chỉ cần giơ tay một cái là tôi đưa cô từ thuyền lên bờ được ngay. Và nói chung, tôi có thể đỡ cô trên tay suốt cả một giờ. Này, xem nhé!

Cậu bế Victôria và nâng bổng lên. Cô bé choàng hai tay ôm cổ cậu.

– Anh mệt rồi, bỏ xuống. Juhannes đặt cô bé xuống đất.

– Nhưng Ôttô cũng khoẻ mạnh. Anh ấy thậm chí còn dám đánh nhau với cả người lớn, – cô bé nói.

Juhannes hỏi lại, vẻ nghi ngờ:

– Với người lớn à?

– Vâng. Nhưng ở trên thành phố cơ. Im lặng. Juhannes suy nghĩ.

– Thôi, thế thì chẳng nói làm gì nữa, – cậu lẩm bẩm. – Bây giờ tôi biết tôi phải làm gì rồi.

– Làm gì?

– Đồng ý phục vụ người khổng lồ.

– Ôi, anh điên mất rồi! – Victôria kêu lên.

– Có gì đâu mà phải ngạc nhiên! Bây giờ tôi chẳng cần gì nữa. Tôi sẽ đến với ông ấy.

Victôria nghĩ ngợi, tìm cách ra khỏi tình thế bất tiện này.

– Biết đâu ông ấy chẳng còn tới đây nữa?

– Ông ấy sẽ tới.

– Tới đây? – Cô bé vội hỏi.

– Tới đây.

Victôria vội khập khễnh bước về phía cửa hang.

– Ta đi khỏi đây thôi.

– Việc gì phải vội! – Juhannes nói, tuy bản thân cậu cũng sợ tái mặt. – Ông ấy sẽ tới, nhưng không phải vào ban ngày. Đúng nửa đêm mới tới.

Nghe thế, Victôria bình tĩnh trở lại và đã định ngồi xuống chỗ cũ. Nhưng Juhannes thì đã không chế ngự nổi vị thần mà cậu nghĩ ra. – ở lại thêm trong hang sẽ nguy hiểm.

– Nếu cô muốn, chúng ta đi ra khỏi đây vậy,

– Cậu nói. – ở trên kia có một tảng đá khắc tên cô. Tôi sẽ chỉ cho cô xem.

Cả hai bò ra khỏi hang và đã tìm thấy tảng đá ấy. Victôria cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Cảm động đến chảy nước mắt, Juhannes nói:

– Khi nào không có tôi ở đây, cô hãy nhìn tảng đá và nhớ đến tôi. Hãy nói những lời tốt đẹp về tôi!

-

tôi!

– Vâng, chắc chắn sẽ như thế, – Victôria hứa.

– Nhưng anh còn quay lại cơ mà?

– Ai biết được? Có thể không cũng nên.

Họ cùng đi trên đường về nhà. Juhannes suýt khóc.

– Thôi, tạm biệt nhé! – Victôria nói.

– Có lẽ tôi tiễn cô một quãng chăng?

Rõ ràng là Victôria định chia tay với cậu một cách thật nhanh chóng, thật nhẫn tâm. Juhannes buồn vì tự ái. Đứng sững lại, và không hề giấu cơn giận chính đáng sắp bùng ra, cậu nói:

– Victôria, tôi chỉ muốn nói một điều, rằng sẽ không bao giờ có ai đối xử tốt với cô như tôi đâu. Không ai! Ôttô cũng đối xử tốt với tôi, – Victôria cãi lại.

– Ra thế đấy! Vậy thì xin mời cứ bám lấy hắn, – cậu đáp.

Họ cùng im lặng bước thêm mấy bước nữa.

– Còn về tôi thì khỏi phải lo. Tôi sẽ sống không đến nỗi nào. Cô còn chưa biết người ta hứa sẽ tặng tôi cái gì đấy thôi.

– Người ta định tặng anh cái gì thế?

– Một nửa thế giới! Còn chưa hết đâu!

– Không lẽ? Một nửa thế giới cơ à?

– Và thêm một nàng công chúa nữa!

Victôria đứng lại.

– Anh nói thật đi, đúng thế à?

– Người khổng lồ hứa với tôi như vậy. Im lặng.

– Hay nhỉ. Cô ta có xinh không? – Victôria khẽ hỏi.

– Tất nhiên là xinh, – Juhannes vội đáp. – Tại sao lại không? – Nhưng thấy Victôria buồn thực sự, cậu nói thêm: – Cũng có thể thỉnh thoảng tôi lên mặt đất. Để thăm cô chẳng hạn.

– Có điều đừng cho nàng công chúa ấy đi theo nhé, – Victôria nói. – Đi theo làm gì?

– Thôi được, tôi sẽ đi một mình vậy.

– Anh hứa với tôi nhé?

– Vâng, tôi hứa. Nhưng Victôria thì quan tâm gì tới điều ấy? Đối với cô, thế nào mà chẳng được.

– Sao anh lại nói thế? – Victôria cãi lại. – Chắc chắn nàng công chúa ấy sẽ không yêu anh bằng tôi.

Trái tim lịm đi một cách ngọt ngào trong ngực Juhannes. Cậu hạnh phúc và bối rối trước những lời này của cô bé, đến mức muốn chui tuột xuống đất cho đỡ ngượng. Cậu không dám nhìn cô bé, mà phải ngoảnh đi nơi khác. Sau đó cậu nhổ một thân cây nhỏ từ đất lên, bóc sạch vỏ rồi tự đánh vào tay mình. Cuối cùng, lúng túng quá không biết làm gì, cậu huýt sáo ầm ĩ.

– Có lẽ đã đến lúc tôi phải về, – cậu nói.

– Tạm biệt, – Victôria nói rồi chìa tay cho cậu.

II

Con trai người thợ xay bột mì lên thành phố. Trong một thời gian dài cậu không về nhà. Cậu tới trường, học các môn khoa học khác nhau, rồi lớn lên, trở thành một chàng trai to lớn, khoẻ mạnh, môi trên đã xuất hiện một lớp lông mềm. Từ làng tới thành phố khá xa, tiền tàu đi về không ít, vì vậy ông thợ xay tiết kiệm trong nhiều năm liền đã để cậu con ở luôn trên thành phố cả mùa hè lẫn mùa đông. Và hết ngày này sang ngày khác, Juhannes ngồi lì bên trang sách.

Cuối cùng cậu trở thành người lớn thực sự, mười tám tuổi, rồi hai mươi tuổi.

Một ngày mùa xuân nọ Juhannes rời tàu thuỷ bước lên bờ. Trên nóc lâu đài ông chủ có ngọn cờ nhỏ, được cắm để mừng Đitlef, cậu con trai trở về nhà nghỉ hè cùng một chuyến tàu thuỷ với Juhannes. Một cỗ xe ngựa được phái đến đón Đitlef. Juhannes cúi chào ông chủ lâu đài, vợ ông ta và Victôria. Chao, Victôria đã lớn và thành cô gái nhanh sao! Nàng không đáp lại cái chào của Juhannes.

Chàng cởi mũ cúi đầu lần nữa và nghe nàng khẽ hỏi anh trai:

– Ai đang chào ta thế nhỉ, anh Đitlef?

– À, Juhannes, con trai ông lão xay bột mì ấy mà, – Đitlef đáp.

Victôria lại nhìn về phía chàng, nhưng vì bất tiện, Juhannes không chào lần nữa. Rỗi cỗ xe lăn bánh.

Còn Juhannes thì đi bộ về nhà.

Trời, ngôi nhà của gia đình mới bé nhỏ và buồn cười làm sao! Juhannes không thể bước vào nhà mà không cúi xuống. Bố mẹ chàng đón chàng bằng một bữa ăn thịnh soạn. Chàng xúc động đến tận đáy lòng. ở đây cái gì cũng chứa đầy các hồi ức thân yêu và cảm động. Hai ông bà già lần lượt chìa tay cho chàng, chúc mừng chàng đã về nhà.

Ngay chiều hôm ấy Juhannes đi dạo quanh vùng. Chàng tới thăm chiếc cối xay, mỏ đá bỏ hoang và chiếc hồ, nơi có thời chàng từng ngồi câu cá. Với nỗi buồn khó tả, chàng lắng nghe những tiếng chim quen thuộc; những con chim này đã xây tổ trên cây. Thậm chí chàng còn làm một cái móc để quan sát được rõ hơn một tổ kiến khổng lồ trong rừng. Kiến đã biến đi đâu mất, chỉ còn lại tổ không. Juhannes lấy móc khều, nhưng không thấy một dấu hiệu sự sống nào. Vừa đi dạo, chàng vừa nhận thấy khu rừng thuộc ông chủ lâu đài đã trở nên thưa thớt hơn.

– Sao, có nhận ra chốn cũ quê nhà nữa không? – Bố chàng đùa hỏi. – Có tìm thấy chim sáo và các bạn cũ của mình không?

– Có nhận ra, nhưng không phải tất cả, – chàng đáp. – Rừng bây giờ thưa quá.

– Rừng không phải của ta, mà của ông chủ, – bố chàng đáp. – Đếm cây người khác không phải việc chúng ta. Ai chẳng cần tiền, mà ông chủ lâu đài thì lại càng cần nhiều.

Ngày tiếp ngày trôi qua. Đó là những ngày trong sáng, hạnh phúc, những giờ phút ngọt ngào khi được một mình với những kí ức tuổi thơ kì diệu; tất cả đều kêu gọi ta trở về với mặt đất và bầu trời xanh thẳm, với đồng quê bao la và núi rừng cao ngút. Juhannes đang đi trên con đường dẫn tới lâu đài. Sáng nay một con ruồi trâu đốt chàng, làm môi trên của chàng sưng vù lên. Nếu phải gặp ai đó trong nhà ông chủ, chàng sẽ cúi chào rồi lập tức lánh đi. Nhưng chàng đã không gặp ai. ở khu vườn trước lâu đài, chàng gặp một người phụ nữ quý phái, khi đến ngang hàng, chàng cúi thấp đầu chào rồi đi tiếp. Đó là bà chủ lâu đài. Cả bây giờ khi đi qua lâu đài, Juhannes vẫn cảm thấy tim đập mạnh hồi hộp như ngày nào. Ngôi nhà lớn với vô số các cửa sổ và ông chủ có vẻ khinh người vẫn làm chàng kính phục.

Juhannes rẽ về phía bến.

Ở đây chàng bỗng nhìn thấy Đitlef và Victôria. Chàng thấy buồn, vì biết đâu họ chẳng nghĩ rằng chàng cố tình xuất hiện trước mặt họ và lại với cái môi sưng vều này nữa! Chàng bước chậm lưỡng lự, không biết nên đi tiếp hay không, và rồi cuối cùng chàng vẫn đi tiếp. Từ xa, chàng đã ngả mũ chào khi thấy họ đang đi lại. Họ lặng lẽ gật đầu đáp, rồi lặng lẽ đi thẳng. Victôria chăm chăm nhìn chàng. Một nét gì đó chợt thoáng qua mặt nàng.

Juhannes tiếp tục đi tới bến, nhưng không hiểu sao chàng bỗng cảm thấy lo lắng, thậm chí cả cách đi cũng để lộ rằng chàng đang lúng túng. Chà, Victôria chóng lớn quá, hoàn toàn đã là một cô gái, mà lại rất xinh đẹp! Đôi mày của nàng hầu như dính vào nhau phía trên mũi và trông chẳng khác gì hai nét bút lụa mềm mại, đôi mắt sâu hơn và đã trở nên có màu xanh xám.

Lúc quay lại, Juhannes rẽ sang con đường nhỏ chạy từ lâu đài tắt qua rừng. Bây giờ thì chẳng ai có thể trách chàng tìm cách bám sát gót các con ông chủ nữa. Chàng leo lên ngọn núi, tìm một phiến đá bằng phẳng và ngồi xuống. Bên chàng, chim hót say sưa, kêu gọi nhau hoặc tha những cọng lá trong mỏ.

Không khí thoang thoảng mùi nồng của đất, mùi hoa mới nở và mùi củi mục.

Nhưng thật bất ngờ, Juhannes lại nhìn thấy Victôria – nàng đang đi thẳng về phía ngọn đồi, nhưng từ một hướng khác.

Juhannes cảm thấy buồn bã một cách bất lực – chàng những muốn bỏ đi đâu thật xa. Lần này thì chắc chắn nàng sẽ nghĩ là chàng cố tình đón đường gặp nàng. Có nên chào lần nữa không? Hay tốt nhất cứ vờ không thấy nàng, nhất là khi môi chàng đang sưng lên một cách tai hại thế này?

Nhưng Victôria đã đi tới rất gần. Chàng đứng dậy ngả mũ chào. Nàng mỉm cười gật đầu.

– Chào anh. Chúc mừng anh đã về, – nàng nói.

Juhannes có cảm giác môi nàng run run, nhưng nàng nhanh chóng bình tĩnh trở lại.

– Đúng là một điều khó tin, – chàng nói, – nhưng quả thật tôi không ngờ cô lại đi về hướng này.

– Tất nhiên là anh không thể biết được, – nàng đáp, – vì đơn giản là bỗng nhiên tôi có ý định đi theo con đường này.

Ôi! Thế mà chàng lại dám gọi nàng là “cô”!

– Anh về nhà có lâu không? – Nàng hỏi.

– Cho đến hết kì nghỉ.

Juhannes nói một cách vất vả, chàng bỗng thấy nàng trở nên hoàn toàn xa lạ. Nàng bắt chuyện với chàng làm gì nhỉ?

– Anh Đitlef có nói rằng anh là người rất thông minh, anh Juhannes ạ. Anh học giỏi lắm. Anh Đitlef còn nói anh làm cả thơ nữa. Có đúng thế không?

Chàng đáp ngắn gọn và có vẻ miễn cưỡng:

– Có gì đáng ngạc nhiên đâu. Thơ thì ai chẳng làm được.

Có lẽ bây giờ nàng sẽ bỏ đi, vì nàng im lặng không nói gì.

– Thật buồn là hôm nay tôi bị ruồi trâu đốt, – chàng lại nói rồi chỉ vào môi. – Vì thế mà môi tôi mới sưng vều lên thế này.

– Anh vắng nhà quá lâu, nên ruồi trâu ở đây không còn nhận ra anh nữa.

Chàng thì bị ruồi trâu đốt, mà nàng lại còn giễu được. Cũng dễ hiểu thôi. Cứ đứng đấy mà quay chiếc dù đỏ trên đầu thì còn biết gì tới người khác. Thế mà ngày xưa chàng đã bế trên tay cô tiểu thư xinh đẹp và kiêu kì này đấy.

– Bản thân tôi bây giờ cũng chẳng nhận ra chúng, dù trước kia chúng tôi từng là bạn với nhau.

Victôria không hiểu ý sâu kín của câu nói này nên không nói gì. Vâng, hàm ý sâu lắm.

– Ở đây còn nhiều điều tôi không nhận ra. Thậm chí cả khu rừng cũng bị đốn thưa rất nhi

nhiều.

Mặt nàng có vẻ buồn.

– Vâng, vậy thì có lẽ anh sẽ không muốn làm thơ ở đây, – nàng nói. – Mà bỗng nhiên có lúc nào đó, anh nẩy ra ý định làm thơ tặng tôi thì sao nhỉ? ồ không, tôi nói là nói thế thôi. Tôi có hiểu gì về thơ đâu.

Bị chạm tự ái, Juhannes im lặng cúi đầu nhìn xuống đất, nàng giả vờ tỏ ra lịch sự, nhưng thực tế đang cười giễu chàng, thử nói một vài lời khác thường rồi đợi xem chúng sẽ gây ra ấn tượng thế nào. Vô ích thôi – những năm qua Juhannes đã không để phí thời gian vô ích, không những viết lách mà còn đọc được nhiều sách hơn nhiều so với người khác.

– Thôi, có lẽ chúng ta còn gặp nhau nữa. Tạm biệt.

Chàng ngả mũ chào rồi lặng lẽ bỏ đi, không trả lời.

Giá Victôria biết được rằng chàng làm thơ chỉ để tặng cho nàng, một mình nàng mà thôi. Tất cả mọi bài, kể cả những bài nói về đêm đen và ngọn lửa nhỏ trên đầm lầy. Nhưng tiếc rằng nàng không bao giờ biết được điều ấy.

Sáng chủ nhật, Đitlef tới gọi Juhannes đi ra đảo. “Mình lại phải ngồi cầm chèo đây”, – chàng thầm nghĩ, nhưng nhận lời. Mặc dù chủ nhật, người đi dạo trên bến không nhiều, xung quanh thật yên tĩnh, trên cao mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Sau đó bỗng có tiếng nhạc vọng lại từ biển cả, từ phía những hòn đảo xa. Đó là chiếc tàu đưa thư lượn vòng sắp vào bến. Nhạc đang chơi trên boong.

Juhannes mở dây buộc thuyền rồi ngồi xuống sau mái chèo. Vào cái ngày đầy nắng này, chàng cảm thấy mình đang ở tâm trạng lâng lâng dễ chịu, và tiếng nhạc bay lên từ con tàu thêu dệt trong không trung những nét vàng hoa lá.

Nhưng sao Đitlef lại có thể chậm như vậy? Anh ta đứng trên bờ, nhìn con tàu và những hành khách trên đó như thể đang chờ người nào đó. “Việc gì phải ngồi cầm chèo thế này, cứ lên bờ cái đã”, – Juhannes nghĩ rồi cho thuyền quay mũi.

Đúng lúc ấy chàng bỗng thấy một cái gì trăng trắng thoáng qua, và tiếp theo là tiếng nước té. Ngay lập tức có tiếng người kêu to thất thanh trên tàu, còn những người đứng trên bờ thì vừa đưa tay chỉ trỏ, vừa dán mắt nhìn vào chỗ cái bóng trắng ấy biến mất. Tiếng nhạc im bặt.

Juhannes vội vàng bơi đến cứu. Chàng hành động theo bản năng, không suy nghĩ, không do dự. Chàng không nghe tiếng một bà mẹ đang kêu to trên tàu: “Con tôi, ôi con gái tôi!”. Chàng không nhìn thấy người nào. Không để phí một giây vô ích, chàng đã nhảy từ thuyền xuống nước và lặn. Trong chốc lát không thấy chàng đâu, nhưng ở chỗ chàng lặn nổi lên những vòng tròn trên nước, và mọi người hiểu chàng đang tìm người bị nạn.

Tiếng kêu thất thanh trên tàu vẫn chưa dứt.

Chàng lại lặn lần nữa xa hơn. ở cách xa chỗ xảy ra tai nạn mấy mét. Mọi người tranh nhau chỉ trỏ và gào to: “Không, ở đây, ở đây cơ!”.

Và chàng lại lặn xuống nước.

Lại lần nữa là sự chờ đợi căng thẳng, là tiếng kêu rên não lòng của bà mẹ. Một người đàn ông nào đấy đang đứng trên boong, bóp tay một cách tuyệt vọng. Một người nữa cởi quần áo, giày và nhảy xuống nước – đó là người hoa tiêu. Người này tìm kiếm rất kĩ chỗ cô bé rơi xuống nước, và bây giờ mọi người chỉ hi vọng vào ông ta.

Nhưng liền lúc ấy Juhannes lại nhô đầu khỏi nước, ở chỗ còn xa hơn trước rất nhiều. Juhannes đã để mất mũ, đầu chàng bóng nhẵn và lấp lánh dưới mặt trời như đầu hải mã. Hình như có cái gì đấy đang cản trở không cho chàng bơi dễ dàng: Một tay chàng bận. Rồi chỉ mấy giây sau chàng đã giữ được con mồi giữa hai hàm răng – đó là cô bé bị nạn. Trên bờ và trên boong tàu nhất loạt vang lên những tiếng kêu ngạc nhiên sung sướng. Chắc ông hoa tiêu cũng nghe thấy, vì ông ngoi lên đưa mắt nhìn xung quanh.

Cuối cùng Juhannes bơi được đến con thuyền. Lúc này đã bị gió đẩy đi một quãng. Chàng đặt cô bé lên thuyền rồi bơi lên sau. Tất cả những việc ấy chàng chỉ làm trong vòng hơn một phút – từ bờ, người ta thấy chàng cúi xuống đứa bé, xé nửa sau lưng chiếc áo nó đang mặc, rồi đem hết sức chèo nhanh về phía con tàu. Khi người bị nạn được đưa lên boong, trên tàu liên tiếp vang lên hai tiếng “Ura!”… “Ura!”…

– Làm sao anh có thể nghĩ tới việc phải tìm cô bé ở một chỗ xa như thế? – Có người hỏi chàng.

Chàng đáp:

– Tôi biết rõ chỗ này. ở đây có luồng chảy, lúc nãy tôi sực nhớ tới điều ấy.

Một người đàn ông quý tộc nào đó lách qua đám đông đi lại, mặt tái nhợt như xác chết. Nhưng ông ta mỉm cười một cách khổ sở, mắt rưng rưng.

– Mời ông lên boong! Xin mời! – Ông ta nói to. – Tôi muốn được cảm ơn ông. Chúng tôi biết ơn ông nhiều lắm. Chỉ một phút thôi. – Và rồi người đàn ông mặt tái nhợt như xác chết ấy lại biến mất trong đám đông.

Từ trên cao, một chiếc thang được bỏ xuống và Juhannes leo lên boong. Một bà nào đó đã ghì chặt cả người chàng đang ướt vào lòng, còn người đàn ông có bộ mặt ngơ ngác và trắng bệch giúi vào tay chàng chiếc đồng hồ của mình. Juhannes bước vào cabin, ở đấy có hai người đang làm hô hấp nhân tạo cho cô bé. Họ nói: “Ngay bây giờ cô ấy sẽ tỉnh lại. Tim đã đập rồi”.

Juhannes nhìn người bị nạn. Đó là một cô bé tóc vàng, mặc chiếc váy ngắn cũn, phía sau lưng bị xé. Có ai đó đội chiếc mũ cho chàng, và chàng được tiễn xuống thuyền.

Chàng hoàn toàn không nhớ chàng đã lên bờ và kéo thuyền khỏi mặt nước như thế nào. Chàng chỉ nghe mọi người kêu “Ura!” lần nữa, và khi con tàu đi tiếp, trên boong lại nổi lên tiếng nhạc vui vẻ. Những đợt sóng sung sướng chảy khắp người chàng lành lạnh: chàng mỉm cười, lặng lẽ mấp máy môi.

– Thế là cuộc dạo chơi của chúng ta hôm nay không thành. – Đitlef nói, vẻ không hài lòng.

Victôria xuất hiện. Nàng bước về phía trước và vội nói:

– Anh điên rồi chắc, anh ấy phải về nhà thay quần áo.

– Điều ấy cũng chẳng có gì quan trọng lắm, nhất là khi đang ở cái tuổi mười chín.

Juhannes rảo bước về nhà. Trong đầu chàng còn văng vẳng tiếng nhạc và tiếng kêu “Ura!”. Sự hưng phấn vẫn chưa rời bỏ chàng. Vượt qua ngôi nhà bố mẹ. Chàng đi tắt qua rừng tới mỏ đá bỏ hoang. ở đấy chàng tìm một chỗ thuận tiện rồi ngồi xuống sưởi nắng. Hơi nước bốc lên từ quần áo chàng. Chàng ngồi, nhưng một sự lo lắng mơ hồ dịu ngọt và mãnh liệt không chịu để chàng yên. Hạnh phúc làm chàng ngây ngất. Chàng quỳ xuống, những giọt nước mắt nóng bỏng lăn trên má. Chàng thầm cảm ơn Chúa đã ban cho chàng một ngày như hôm nay. Lúc nãy Victôria đứng trên bờ và nàng đã nghe những tiếng hô to “Ura!”. “Anh hãy về nhà thay quần áo đi!”, – nàng bảo chàng như vậy.

Chàng lại ngồi xuống rồi lần nữa, lần nữa cười to sung sướng. Nàng đã nhìn thấy chàng thực hiện cái hành động anh hùng, cái chiến công ấy. Nàng đã tự hào theo dõi chàng khi chàng cứu sống cô bé. Victôria, Victôria! Em có biết rằng mỗi giây phút đời anh đều thuộc về em, hoàn toàn chỉ mình em! Anh sẵn sàng làm người hầu, làm nô lệ để quét sạch mọi trở ngại trên đường em đi. Anh sẵn sàng hôn đôi giày bé tí của em, dấu người trong xe ngựa của em và ném củi vào lò sưởi của em những ngày giá lạnh. Ném những cành củi vào lò sưởi của em, Victôria ạ.

Juhannes ngoái đầu nhìn quanh. Không ai nghe tiếng chàng. Chỉ một mình chàng đang ngồi với chính mình. Tay chàng cầm chiếc đồng hồ quý – nó vẫn chạy đều đều, tích tắc.

Cảm ơn, cảm ơn Chúa đã ban cho con ngày hôm nay! Chàng đưa bàn tay vuốt vuốt những tảng đá nhỏ phủ đầy rêu. Victôria không mỉm cười với chàng, không, nàng vốn không quen làm thế. Chỉ đơn giản là nàng đứng ở bến, má hơi ửng đỏ. Nếu chàng đem chiếc đồng hồ này tặng nàng, biết đâu nàng nhận cũng nên?

Mặt trời đã lặn, không khí không nóng nữa. Chỉ bây giờ chàng mới nhận thấy quần áo chàng ướt sũng; và nhẹ nhàng như ngọn gió, chàng chạy nhanh về nhà.

*

* *

Lâu đài ông chủ lại có khách, những khách quen từ thành phố, sẽ có nhảy và tiệc tùng vui vẻ, nên rơm phải nằm lại ngoài đồng. Có nơi thậm chí vụ cắt cỏ cũng chưa được bắt đầu. Nông dân phải bỏ việc đồng áng để đánh xe ngựa và chèo thuyền cho khách, để mặc cỏ khô thối. Còn căn phòng khách màu vàng trong lâu đài thì không bao giờ ngớt tiếng nhạc…

Vào những ngày này ông lão xay bột mì cho cối ngừng chạy và về nhà đóng cửa lại. Ông đã học được nhiều kinh nghiệm cay đắng: nhiều lần đám khách thành phố kéo đến từng toán đông ồn ĩ, và vì nghịch đã làm ông hỏng hàng bao bột. Dạo này đêm ấm và sáng, thế mà phải nghỉ không được làm việc. Ngày còn trẻ, quan chưởng ấn giàu có nổi tiếng một lần tới xem chiếc cối xay chạy nước của ông làm việc rồi ngứa tay vứt cả một bó lá cùng tổ kiến vào hòn đá nghiền bột. Quan chưởng ấn từ lâu đã già, nhưng Ôttô, con trai ông ta vẫn tiếp tục về đây chơi với gia đình ông chủ lâu đài, mà anh ta thì chuyện gì không dám làm? Người ta kể đủ chuyện về anh chàng này…

Kia, từ trong rừng có tiếng người kêu và tiếng vó ngựa vọng lại. Đó là đám khách trẻ tuổi đang cưỡi những con ngựa bị bắt phi nhanh đến toát mồ hôi. Họ phi tới nhà ông lão thợ xay và quất roi ngựa vào cửa. Tới đây đường chỉ

một quãng ngắn, thế mà họ phải cưỡi ngựa mới được.

– Chào ông! Chào ông! – Họ tranh nhau nói. – Chúng tôi tới đây để thăm ông.

Thế mà ông lão phải nhẫn nhục vờ cười vui trước trò này của họ.

Đám người trẻ tuổi vội vàng cột ngựa rồi bắt chiếc cối xay làm việc.

– Trong cối không có lúa mì, – ông lão kêu to. – Các cậu làm hỏng cối tôi mất!

Nhưng tiếng cối chạy ầm ầm, không ai nghe rõ lời ông.

– Juhannes! – Ông lão lấy hết sức kêu to. Từ mỏ đá, Juhannes vội vàng chạy xuống.

– Chúng sắp làm những hòn đá nghiền của ta nát vụn! – Ông vừa nói vừa chỉ vào đám khách.

Juhannes thong thả bước về phía họ. Mặt chàng tái nhợt, hai bên thái dương gân xanh nổi lên. Chàng đã nhận ra Ôttô, anh con trai quan chưởng ấn, lúc này đang mặc đồng phục của học sinh trường võ bị. Ngoài anh ta còn có hai người trẻ tuổi nữa. Một người trong số đó mỉm cười với Juhannes, vì anh ta không muốn cãi nhau với chàng.

Juhannes không quát tháo cũng chẳng doạ nạt, chàng chỉ đi thẳng về phía trước, về phía Ôttô. Đúng lúc ấy chàng nhìn thấy hai phụ nữ đang phi ngựa từ rừng tới – một người là Victôria, mặc áo chẽn màu xanh, cưỡi con ngựa cái lông trắng của ông chủ lâu đài, Victôria không tỏ ra vội vàng; nàng dừng ngựa, đưa mắt nhìn tất cả mọi người với vẻ dò hỏi.

Juhannes quay người sang bên, leo lên đập rồi đóng khoá lại. Tiếng ồn lắng xuống và chiếc cối xay dừng hẳn. Ôttô quát:

– Ê, không được động vào đấy! Vì sao cậu cho cối ngừng chạy? Không được động vào, nghe không!

– Anh cho cối chạy đấy à? – Victôria hỏi.

– Vâng, anh đấy, – Ôttô cười đáp. – Tại sao nó không chạy nữa?

– Vì trong cối chẳng có gì để nghiền, – Juhannes hổn hển đáp. – Không có gì cả! Hiểu chưa?

– Cối trống rỗng, anh nghe chứ? – Victôria nhắc lại.

– Làm sao tôi biết được có hay không? – Ôttô cười, cãi lại. – à mà xin hỏi: Vì sao lại không có gì? Lẽ nào người ta chưa đổ lúa mì vào đó?

– Thôi, tất cả lên ngựa! – Một người trong số bạn của Ôttô lên tiếng để chấm dứt sự căng thẳng.

Rồi họ nhảy lên ngựa; trước khi phóng đi, một người còn xin lỗi Juhannes.

Victôria là người lên ngựa cuối cùng. Đã cho ngựa đi được mấy bước, nàng còn quay lại nói:

– Anh làm ơn xin lỗi ông cụ hộ chúng tôi nhé!

– Anh chàng sinh viên võ bị kia có thể tự xin lỗi lấy! – Chàng đáp.

– Vâng, đúng thế, nhưng dù sao… Anh ấy là người hay bày ra các trò này nọ… Hình như đã

lâu lắm tôi không gặp anh, anh Juhannes ạ.

Juhannes ngước lên nhìn nàng, không dám tin vào tai mình – hay mình nghe nhầm chăng? Không lẽ nàng đã quên chủ nhật rồi, một ngày trọng đại của chàng?

Chàng đáp:

– Tôi nhìn thấy tiểu thư ở bến hôm chủ nhật.

– Ờ nhỉ, – Victôria nói ngay. – Hôm ấy may nhờ có anh giúp ông hoa tiêu. Có phải các anh đã tìm thấy cô bé không?

Juhannes đáp ngắn gọn, vẻ tự ái:

– Vâng, chúng tôi đã tìm thấy cô ấy.

– Hay có thể chỉ mình anh là người vớt được cô bé? – Nàng nói tiếp, như thể ý nghĩ này vừa mới xảy ra trong đầu. – Tôi hi vọng anh sẽ chuyển lời xin lỗi của chúng tôi tới bố anh. Chào anh.

Nàng mỉm cười gật đầu với Juhannes rồi phóng ngựa đi thẳng.

Khi Victôria biến khỏi tầm mắt, vừa cảm động vừa bị xúc phạm, chàng đi vào rừng. Đột nhiên chàng nhìn thấy Victôria đứng bên gốc cây, hoàn toàn chỉ một mình. Nàng đang khóc, tựa người vào thân cây và khóc .

Hay nàng ngã ngựa? Bị thương? Chàng lại gần và hỏi:

– Có chuyện gì xảy ra với cô chăng?

Nàng bước lại gần chàng, chìa tay về phía trước, mắt rực sáng. Nhưng rồi nàng đứng chững lại, hai tay lơ lửng trong không khí. Nàng đáp:

– Không có gì cả. Tôi chỉ cho ngựa về trước rồi đi bộ, thế thôi. Juhannes, anh đừng nhìn tôi như thế. ở đập, anh cũng đứng nhìn tôi thế này. Anh muốn gì ở tôi vậy?

– Tôi muốn gì à? Tôi cũng chẳng biết nữa… – Vất vả lắm chàng mới nói được.

– Tay anh thế nào ấy, – nàng nói sau khi đặt bàn tay mình lên khuỷu tay Juhannes. – Tay anh thật to, ở chỗ khuỷu này này. Mà anh phơi nắng mới nhiều làm sao, da sẫm hẳn lại.

Juhannes gỡ ra, định cầm tay nàng, nhưng khẽ nâng váy lên, nàng nói:

– Không, không, không có chuyện gì xảy ra với tôi cả. Tôi chỉ muốn đi bộ một chốc. Chúc anh ngủ ngon.

III

Juhannes lại đi lên thành phố. Và lần nữa năm tháng lại trôi qua, những năm tháng tràn đầy lao động, ước mơ, học hành và những dòng thơ say đắm. Hạnh phúc mỉm cười với chàng, và chàng đã viết bài thơ về nàng Esphiry, “Một cô gái châu u trở thành nữ hoàng Ba Tư”. Bài thơ ấy được đăng báo, thậm chí người ta còn trả nhuận bút cho chàng. Còn bài thơ “Những chuyến du hành tình yêu” được viết với tư cách là linh mục Venđơ đã mang lại sự nổi tiếng cho chàng.

Tình yêu là gì? Là tiếng gió thổi trong bụi hồng, không – là ngọn lửa đỏ rực như máu. Tình yêu là âm nhạc của địa ngục, có thể bắt được cả trái tim người già thổn thức. Tình yêu như bông hoa margarit, chỉ nở khi đêm đến, như cành lá trinh nữ chỉ cần gió thổi nhẹ đã cụp xuống và chết khi bị người khác động tới.

Đấy, tình yêu là thế đấy.

Nó có thể làm một người phải chết, hay ngược lại, biến anh ta từ chết thành sống. Tình yêu mỉm cười với tôi hôm nay, với anh ngày mai và ngày kia với người khác, vì nó luôn thay đổi. Nhưng nó có thể để lại dấu ấn không gì xoá nổi trên người anh, bắt ngọn lửa trái tim anh cháy suốt đời không tắt, vì tình yêu là bất tử. Vậy tình yêu là gì?

Ôi, tình yêu! Tình yêu là đêm hè đầy sao và thoang thoảng mùi thơm của đất. Nhưng tại sao nó xui chàng trai tìm đến những lối đi yên tĩnh và cướp đi sự yên tĩnh của người già trong căn phòng nhỏ cô đơn của mình. Ôi, tình yêu, tình yêu biến trái tim con người thành khu vườn đầy hoa nở và bãi rác, thành địa ngục và thiên đường.

Chẳng phải chính tình yêu đã bắt một vị linh mục đêm đêm rón rén đến bên cánh cổng khu vườn đã khóa và qua cửa sổ nhìn những người đang ngủ đấy ư? Phải chăng không vì tình yêu mà người nữ nô tì hoá điên và nàng công chúa đêm ngày tư lự? Chính tình yêu đã bắt ông vua cúi đầu sát đất, để mái tóc quét bụi trên đường, nói những lời không xứng đáng và cười đùa không đúng lúc.

Tình yêu là thế đấy.

Nhưng không, tình yêu còn là cái gì đó khác hẳn và trên đời này không gì có thể sánh được với nó. Đêm xuân buông xuống đất, và chàng trai nhìn thấy trước mình một đôi mắt đẹp. Chàng ngắm, ngắm mãi không chán. Và khi hôn nhẹ lên môi cô gái, chàng có cảm giác như có hai vì tinh tú đang gặp nhau trong tim chàng – đó là mặt trời và mặt trăng. Hai cánh tay cô gái ôm cổ chàng, và trên đời này chàng chẳng còn nhìn hay nghe thấy gì nữa.

Tình yêu là lời nói đầu tiên của Đấng Sáng thế, là ý nghĩ loé sáng đầu tiên của Người. Khi Người nói: “Sẽ có ánh sáng!” chính là khi tình yêu xuất hiện. Những gì Người tạo nên đều tuyệt diệu và Người không muốn để bất kì cái gì của Người bị rơi vào cõi hư vô. Và tình yêu là cội nguồn của vạn vật trên trái đất, là ông chủ của tất cả, nhưng trên đường đi của nó là hoa và máu, máu và hoa!

*

* *

Hôm ấy là một ngày tháng chín.

Đường phố nhỏ vắng người này là chỗ Juhannes vẫn thường thích đi dạo. Chàng đi từ đầu này phố đến đầu kia rồi ngược lại như đi trong phòng mình, vì hầu như chẳng bao giờ gặp người nào, còn hai bên phố là những khu vườn kéo dài, nơi có những hàng cây với tán lá vàng

hoặc đỏ.

Làm sao Victôria có thể lạc vào đường phố này được? Cái gì đã đưa nàng tới đây? Chàng không nhầm – đó chính là nàng, và chiều qua, người chàng nhìn thấy khi nhìn qua cửa sổ cũng chính là nàng.

Trái tim chàng đập dồn dập. Trước đấy chàng có biết Victôria đang ở thành phố, chàng có nghe nói tới điều đó. Nhưng con trai ông lão xay bột mì không thuộc giới nàng quan hệ. Mà rồi với Đitlef chàng cũng chẳng là bạn bè thân thích.

Cố lấy lại bình tĩnh, chàng đi thẳng về phía có người phụ nữ đang ở ngoài phố. Nàng có nhận ra chàng không? Một cách đường bệ và tư lự, nàng bước đi giữa phố, kiêu hãnh giữ thẳng đầu trên chiếc cổ xinh đẹp của nàng.

Chàng cúi đầu chào.

– Chào anh, – nàng khẽ đáp.

Nhưng nàng không tỏ vẻ muốn dừng lại, và chàng lặng lẽ đi qua. Hai chân chàng như sắp khuỵu xuống. Đến cuối đường phố ngắn ngủi, theo thói quen, chàng bắt đầu đi trở lại. “Mình sẽ cúi nhìn xuống đường mà không ngước nhìn lên”, – chàng nghĩ. Nhưng đi được mươi bước, chàng đã ngẩng đầu.

Nàng dừng lại bên tủ kính một cửa hàng nào đó.

Chàng phải làm gì bây giờ? Quay lại hay rẽ sang phố bên? Tại sao nàng đứng đây? Đó chỉ là một tủ kính xấu xí của một cửa hàng nghèo nàn với những đống xà phòng xếp chồng lên nhau, những hộp bột gì đó và những con tem đã đóng dấu bưu điện.

Có lẽ chàng sẽ bước thêm mười bước nữa rồi quay lại.

Nhưng bỗng nhiên nàng quay sang nhìn Juhannes rồi đi về phía chàng. Nàng bước nhanh như vừa nín thở lấy dũng cảm, và khi lên tiếng nói, nàng thở hổn hển. Nụ cười trên môi có vẻ căng thẳng và không bình thường.

– Chào

Chào anh! Thật thú vị rằng tôi gặp anh ở đây.

Lạy Chúa, sao tim chàng thế này – nó run lên lẩy bẩy và đập dồn dập. Chàng định đáp lại điều gì đó nhưng không thể, đôi môi chỉ khẽ mấp máy. Có mùi gì khó tả thoảng bay ra từ người nàng, từ chiếc áo khoác màu vàng nàng đang mặc và có thể từ cả hơi thở của nàng nữa. Vào giây phút ấy, chàng chưa nhìn kĩ mặt nàng, chỉ kịp nhận ra đường nét dịu dàng của bờ vai và khuỷu tay dài, nhỏ đang cầm chiếc ô. Đó là tay phải nàng, trên một ngón có đeo nhẫn.

Mấy giây đầu tiên chàng không hiểu điều ấy nghĩa là gì, và không ý thức được nỗi bất hạnh của mình. Chỉ đơn giản là cánh tay nàng đẹp một cách tuyệt mĩ.

– Tôi đã ở thành phố này những một tuần, – nàng nói tiếp. – Nhưng tôi không nhìn thấy anh. Hay nói đúng hơn có nhìn thấy một lần giữa phố, và người ta bảo tôi rằng đó là anh. Bây giờ anh trở thành chững chạc quá.

Juhannes lẩm bẩm:

– Tôi biết cô đang ở thành phố này. Cô ở đây lâu không?

– Không, chỉ ít ngày thôi. Tôi phải về quê.

– Cám ơn vì tôi may mắn được gặp cô, – chàng nói.

Im lặng.

– Nói chung hôm nay tôi bị lạc đường, – cuối cùng nàng lên tiếng. – Tôi hiện sống ở nhà quan chưởng ấn. Phố này dẫn đi đâu thế nhỉ?

– Nếu được phép, tôi xin tiễn cô một quãng. Rồi hai người cùng đi.

– Bây giờ Ôttô có ở nhà không? – Chàng hỏi điều đầu tiên chàng nghĩ tới.

– Ở nhà, – nàng đáp một cách ngắn gọn.

Từ một ngõ phố có mấy người đàn ông bước ra, họ khiêng một chiếc pianô, làm chắn ngang hè phố. Victôria né về phía trái, vô tình khẽ chạm vào Juhannes. Chàng quay sang nhìn nàng.

– Xin lỗi, – nàng nói.

Sự va chạm ấy làm toàn thân chàng gợn lên một cảm giác ngây ngất. Trong mấy giây, hơi thở nàng phả nhẹ lên má chàng.

– Tôi thấy ngón tay cô đã đeo nhẫn, – chàng nói rồi mỉm cười với vẻ lãnh đạm. – Có thể chúc mừng cô được chứ?

Nàng sẽ trả lời thế nào? Chàng nhìn Victôria, nín thở chờ đợi.

– Còn anh? – Nàng hỏi. – Lẽ nào anh cũng chưa mang nhẫn? ờ mà nhỉ, nhanh thật… Thế mà có người nói… Bây giờ người ta nói về anh nhiều quá, cả viết trên báo nữa.

Họ đi tới một công viên nhỏ bé nào đó, và mặc dù ở nhà quan chưởng ấn người ta đang đợi, nhưng nàng không vội. Nàng ngồi xuống chiếc ghế dài. Juhannes đứng trước nàng.

Bỗng nhiên nàng chìa tay cho chàng và nói: – Mời anh ngồi xuống.

Và chỉ khi Juhannes đã ngồi xuống, nàng mới buông tay chàng ra.

“Bây giờ hoặc chẳng bao giờ cả!”… – chàng nghĩ. Chàng lại cố nói giọng vui đùa và bình tĩnh, khẽ mỉm cười rồi nhìn lên khoảng không. Nào, dũng cảm lên!

– Sao lại thế, cô đính hôn mà không nói với tôi, láng giềng, một lời nào cả?

Victôria suy nghĩ trong giây lát.

– Hôm nay tôi không muốn nói với anh điều ấy.

Juhannes liền lấy vẻ nghiêm túc, khẽ nói: – Vâng, không nói tôi cũng hiểu tất cả.

Im lặng. Chàng nói tiếp:

– Bao giờ cũng phải biết rằng dù cố đến đâu, tôi cũng… cũng không phải tôi. Tôi chỉ là con trai một người thợ xay bột mì, còn cô… Nhưng thôi, biết làm thế nào được. Thậm chí tôi cũng chẳng hiểu vì sao tôi dám ngồi bên cô và nói chuyện thế này. Đáng lẽ tôi phải đứng, hay nói đúng hơn, phải quỳ trước cô. Thế mà tôi lại ngồi… Chắc do ảnh hưởng của những năm sống xa nhà, nhờ vậy mà tôi trở nên mạnh bạo hơn. Tôi biết rằng tôi không còn là một cậu bé nữa, và thậm chí nếu muốn, cô cũng không thể bắt tôi bỏ tù được. Chính vì thế mà tôi dám láo thế này đấy. Có điều mong cô đừng giận, tôi sẽ im ngay bây giờ.

– Không, anh nói đi. Anh cứ nói tất cả những gì anh muốn nói.

– Thế à? Tất cả những gì tôi muốn nói? Nhưng lúc ấy tôi sẽ không e dè về chiếc nhẫn của cô nữa.

– Vâng, – nàng khẽ đáp. – Đừng để ý tới nó.

– Thật không? Cô không đùa chứ? Cầu Chúa phù hộ cho cô, Victôria. Hay tôi nghe nhầm?

– Chàng đứng bật dậy và cúi xuống nhìn mặt nàng. – Không lẽ chiếc nhẫn này không có ý nghĩa gì cả?

– Mời anh ngồi xuống. Chàng lại ngồi xuống ghế.

– Ôi, giá cô biết được rằng trong suốt những năm qua, không lúc nào tôi không nghĩ về cô. Vâng, đúng thế! Không, không một giây phút nào trái tim tôi có ý nghĩ nào khác ngoài những ý nghĩ về cô! Gặp ai, nói chuyện với ai chăng nữa, trên đời này tôi chỉ biết một người là cô. Và lúc nào cũng chỉ nghĩ một điều: Victôria là người phụ nữ xinh đẹp nhất, và tôi có quen nàng! Những lúc ấy tôi thường thầm nhắc: Tiểu thư Victôria! Tiểu thư Victôria! Vâng, tôi biết rất rõ rằng tôi xa lạ với cô hơn bất kì người nào khác, nhưng tôi lại từng quen cô và biết cô đang sống ở đâu – mà đối với tôi điều này không phải việc nhỏ. Biết đâu có lúc nào đó cô bỗng nhớ tới tôi thì sao? Tất nhiên cô đã không nhớ tới tôi, nhưng nhiều đêm ngồi trong phòng một mình, tôi thường nghĩ: ừ mà có thể nàng nhớ thì sao? Thưa tiểu thư Victôria, những lúc ấy tôi ngây ngất vì hạnh phúc, tôi viết thơ về cô, có bao nhiêu tiền tôi đều mua hoa tặng cô, mang về nhà và cho vào nước. Tất cả thơ tôi viết đều đề tặng cô, trừ mấy bài ngắn, nhưng những bài này không in. Có lẽ cô không đọc những bài thơ được in kia của tôi. Bây giờ tôi đang viết một cuốn sách lớn. Ôi, lạy Chúa, tôi biết ơn cô làm sao. Cô đang chiếm toàn bộ con người tôi, và đó là tất cả hạnh phúc của tôi. Cả đêm lẫn ngày, lúc nào tôi cũng nghe hay nhìn thấy một cái gì đó gợi nhớ về cô. Tôi đã viết tên cô lên trần nhà để lúc nằm được nhìn thấy nó. Nhưng cô gái dọn phòng của tôi không nhìn thấy nó, vì tôi chỉ viết cho riêng tôi, bằng nét chữ rất nhỏ. Cả điều ấy cũng là niềm vui đặc biệt của tôi.

Victôria quay người rồi rút từ ngực ra một tờ giấy.

– Anh nhìn đây, – nàng nói, hơi thở ngắt quãng. – Tôi cất nó và cất kĩ trong người. Bây giờ thì chẳng còn phải giấu anh nữa: Đêm nào tôi cũng đọc nó. Bố tôi là người đầu tiên đưa nó cho tôi. Tôi đi lại gần cửa sổ để đọc. “Nhưng ở đâu? Con không thấy đâu cả!” – Tôi nói thế rồi trả lại tờ báo. Thực ra tôi nhìn thấy ngay và đã kịp đọc toàn bộ bài thơ. Và tôi cảm thấy thật hạnh phúc.

Mảnh giấy thấm đượm mùi cơ thể nàng. Nàng giở ra đưa cho Juhannes. Đó là một trong những bài thơ đầu tiên của chàng, chỉ vẻn vẹn bốn khổ ngắn, được viết tặng nàng, nữ kị sĩ cưỡi ngựa trắng. Nó là lời thú nhận sâu xa từ đáy tâm hồn, mộc mạc và cảm động, là cơn tình cảm bột phát không kìm nổi, mỗi câu mỗi từ đều toả ánh sáng như ngôi sao toả ánh sáng.

– Vâng, bài thơ này là của tôi, – chàng khẽ nói. – Lâu lắm rồi. Lúc ấy là ban đêm, tôi ngồi viết thơ, trong khi ngoài cửa sổ tiếng lá phong xào xạc nghe rất rõ. Sao cô lại cất nó vào người à? Cảm ơn! Thế là cô lại giấu kĩ nó lần nữa! Cảm ơn! Ôi! – Chàng ngây ngất nói, phải cố lắm mới nghe nổi. – Kì lạ thật, cô và tôi đang ngồi gần nhau thế này! Tôi chạm tay tôi vào tay cô, và cảm thấy được chuyền hơi ấm. Mỗi lần ngồi một mình nghĩ về cô, tôi thường cảm thấy lạnh vì lo lắng. Còn bây giờ tôi rất ấm. Lần về nhà gần đây nhất tôi thấy cô thật đẹp, nhưng bây giờ cô còn xinh đẹp hơn nhiều. Đôi mắt, đôi mày, nụ cười – Không, tôi cũng không biết nữa, đơn giản là cô đúng như cô có – tuyệt diệu.

Nàng mỉm cười nhìn chàng qua đôi mắt lim dim, sau hàng mi dài rậm là một màu xanh sâu thẳm. Hai má nàng đỏ ửng. Có cảm giác như toàn cơ thể nàng đang toả ra những tia sáng hạnh phúc, và bằng những động tác vô ý thức của bàn tay, nàng đang lặp lại từng lời chàng.

– Cảm ơn, – nàng nói.

– Không, đừng cảm ơn tôi, Victôria, – chàng đáp. Cả tâm hồn chàng đang vươn về phía nàng, và chàng còn muốn nói, nói nhiều nữa, như một người điên. – Đó là những lời nói nhiệt thành, rời rạc, lộn xộn. Nhưng nếu cô thấy tôi là người thân thiết với cô, dù chỉ một tí… Mà không, điều ấy không thể có được, nhưng xin hãy nói rằng cô quý mến tôi, dù sự thật không đúng như thế. Vâng, tôi van cô! Ôi, nếu thế tôi xin hứa với cô rằng tôi sẽ đạt được, nhất định sẽ đạt bằng được những điều vĩ đại, những điều không ai vươn tới. Thậm chí cô không hình dung nổi tôi sẽ đạt tới điều gì đâu! Nhiều khi tôi cảm thấy trong tôi còn rất, rất nhiều khả năng chưa được sử dụng. Chúng đang muốn phá ra ngoài, đêm đêm tôi tỉnh dậy, đi đi lại lại trong phòng vì các bóng ma luôn ám ảnh tôi. Bên kia tường là ông bạn láng giềng của tôi đang nằm; tôi quấy phá giấc ngủ của ông ta và ông ta thường đấm vào tường cảnh cáo. Sáng hôm sau ông ta sang mắng tôi. Nhưng tôi nào có cần gì biết tới ông ta. Tôi mơ ước, suy nghĩ về cô quá lâu, quá nhiều, đến mức tôi bắt đầu có cảm giác rằng cô đang ở bên tôi. Tôi đến bên cửa sổ và hát. Phương đông trời đã hửng, lá phong reo xào xạc. “Chúc ngủ ngon!” – tôi nói với mặt trời buổi sáng nhưng kì thực là nói với cô. Bây giờ nàng còn ngủ, tôi nghĩ, chúc ngủ ngon. Cầu Chúa phù hộ cho nàng! Chỉ sau đó tôi mới đi ngủ. Cứ thế hết đêm này đến đêm khác. Nhưng tuy thế, phải nói rằng chưa bao giờ tôi hình dung thấy cô xinh đẹp như hôm nay. Khi cô đi khỏi đây, tôi sẽ luôn nhớ cô nh

như bây giờ cô đang ở trước mặt tôi. Tôi sẽ tưởng tượng thấy cô rõ mồn một…

– Thế anh không định về nhà à?

– Không. Tôi còn chưa làm xong công việc. Mà tôi nói gì thế nhỉ? Tôi sẽ về, tất nhiên sẽ về. Về ngay lập tức. Tôi còn chưa hoàn thành công việc, nhưng tôi sẽ dừng lại tất cả để làm những gì cô muốn. Cô vẫn thỉnh thoảng dạo chơi trong khu vườn cạnh lâu đài chứ? Nếu vậy, có thể tôi sẽ nhìn thấy cô, chào cô – tôi chẳng dám mong hơn… Nhưng nếu cô thấy tôi là người không đến nỗi đáng ghét lắm, không làm cô khó chịu và cô có đôi chút cảm tình nào đó, thì xin cô hãy nói… Xin hãy cho tôi được hưởng cái hạnh phúc ấy… Cô biết không, có một loài cọ, loài cọ talipôtô nó chỉ nở hoa duy nhất một lần trong đời, dù sống tới bảy tám mươi năm. Vâng, nó chỉ nở một lần thôi. Và bây giờ chính là lúc tôi đang nở. Vâng, vâng, tôi sẽ kiếm tiền và về nhà. Tôi sẽ bán tất cả những gì tôi đã viết. Bây giờ tôi đang viết một cuốn sách lớn, viết xong, cả nó tôi cũng bán. Ngay ngày mai tôi sẽ bán tất cả những gì tôi đã viết! Người ta trả cho tôi khá nhiều tiền. Cô muốn tôi về quê chứ?

– Vâng.

– Cảm ơn, cảm ơn cô! Hãy tha lỗi cho tôi nếu tôi dám có nhiều mơ ước quá sức – vì mơ ước tới điều không đạt được bao giờ cũng làm ta hạnh phúc. Hôm nay là ngày sung sướng nhất của đời tôi.

Juhannes cởi mũ, bỏ xuống bên cạnh.

Victôria ngoái đầu nhìn – ở cuối phố có một bà quý phái nào đó, còn xa hơn một chút là một phụ nữ tay xách giỏ. Nàng giật mình nhìn đồng hồ.

– Đã đến lúc cô phải đi à? – Chàng hỏi. – Xin hãy nói điều gì đó trước khi đi. Hãy cho tôi được nghe… Tôi yêu cô. Đấy, tôi nói với cô điều ấy. Tất cả phụ thuộc vào câu trả lời của cô… Toàn bộ đời tôi trong tay cô… Cô trả lời đi.

Im lặng.

Chàng cúi đầu.

– Không, xin cô đừng nói!

– Tôi sẽ trả lời anh, – nàng nói, – nhưng không phải ở đây, mà tới đằng kia, tới cổng nhà tôi

sẽ nói.

Họ cùng đi với nhau dọc phố.

– Người ta nói anh định lấy cô bé, cô gái mà anh đã cứu sống ngày xưa. Tên cô ta là gì nhỉ?

– Cô muốn nói tới Camilla à?

– Vâng, Camilla Seier. Người ta nói anh định lấy cô ấy làm vợ.

– À, ra thế đấy. Sao cô lại hỏi về điều ấy? Camilla còn là một đứa bé cơ mà? Tôi có tới chơi nhà họ, đó là một ngôi nhà lớn, giàu có, một lâu đài thực sự, như lâu đài của bố cô vậy. Vâng, tôi đã nhiều lần tới đấy. Cô ấy còn là một đứa trẻ.

– Đã mười lăm tuổi rồi. Tôi nhìn thấy cô ấy trong gia đình bạn bè. Cô ấy thật xinh đẹp. Tôi rất thích.

– Tôi không có ý định lấy cô ấy, – chàng nói.

– Thế à?

Chàng nhìn Victôria. Mặt chàng có vẻ không vui.

– Tại sao cô lại nhắc tới cô ấy? Cô muốn hướng sự chú ý của tôi tới người phụ nữ khác à?

Nàng bước nhanh hơn và không trả lời chàng. Cuối cùng họ tới ngôi nhà quan chưởng ấn. Nàng túm tay chàng kéo lên các bậc thang dẫn tới phòng khách.

– Tôi không muốn vào đây, – chàng ngạc nhiên nói.

Nàng ấn nút chuông rồi quay mặt về phía chàng, ngực nhô cao thổn thức.

– Tôi yêu anh, – nàng nói. – Anh hiểu chứ? Tôi yêu anh!

Bỗng nhiên nàng vội vàng kéo chàng xuống một lúc ba bậc thang, rồi vòng tay ôm chàng, hôn vào môi. Chàng cảm thấy cả người nàng run lên bần bật.

– Tôi yêu anh! – Nàng nhắc lại.

Phía trên cánh cửa mở toang. Nàng vùng ra khỏi tay chàng rồi vội vã chạy lên theo cầu thang.

IV

Đã gần sáng, bình minh sắp rạng. Bầu trời tháng chín vào giờ này thật xanh và lạnh.

Trong vườn, lá phong khẽ xào xạc. Một ô cửa sổ mở toang, có một người ló đầu ra, hát to bài gì đó. Người ấy không mặc áo choàng trong nhà, hầu như trần truồng. Chàng đang điên. Đêm nay chàng ta ngất ngây vì hạnh phúc.

Bỗng có tiếng gõ cửa.

– Mời vào. – Chàng quay lại nói. Ông láng giềng bước vào phòng.

– Chào ông một buổi sáng tốt lành! – Chàng nói với ông ta.

Láng giềng là một người đàn ông đã đứng tuổi, da tái và có vẻ đang bực mình. Một tay ông ta cầm ngọn đèn, vì trời còn chưa sáng hẳn.

– Tôi buộc phải nói với ông lần nữa, ông Meller, ông Juhannes Meller ạ, rằng cách sinh hoạt của ông hoàn toàn không thể chấp nhận được, – ông ta lầu bầu một cách khó chịu.

– Ông nói đúng, – Juhannes đáp. – Ông nói rất đúng. Ông hiểu không, tôi vừa viết được cái này, viết thật dễ dàng. Đây, ông xem đây – tôi viết tất cả chỉ trong một đêm thôi đấy. Bây giờ thì xong rồi, và tôi mở cửa sổ, hát…

– Không phải hát, mà ông gào lên, – ông kia chữa lại. – Lẽ nào có thể làm toáng lên thế được. Mà lại giữa lúc đêm khuya!

Juhannes vội vớ lấy những tờ giấy đang nằm ngổn ngang trên bàn – nhiều tờ, cả to lẫn nhỏ.

– Mời ông nhìn đây, – chàng kêu lên. – Chưa bao giờ trong đời tôi viết dễ dàng thế này. Như tia chớp loé lên và toả sáng xung quanh vậy. Một lần tôi thấy tia chớp chạy theo dây điện báo, sáng loè như một sợi lửa. Cũng thế trong tối hôm nay chớp đã loé lên. Tôi không biết làm thế nào được? Tôi tin rằng ông sẽ không giận nếu biết tôi viết thế nào. Tôi ngồi đây và viết liền một mạch, không lần nào nhỏm dậy. Và trong suốt thời gian ấy, tôi nhớ tới ông, cố không gây một tiếng động nhỏ. Rồi sau đó tôi bỗng quên tất cả, lồng ngực tôi như muốn vỡ tung, có thể lúc ấy tôi đã đứng dậy khỏi ghế, cũng có thể trước đó tôi đã đứng dậy và thậm chí có đi lại trong phòng. Chả là tôi đang rất hạnh phúc mà.

– Chính ban đêm tôi lại chẳng nghe tiếng động đặc biệt nào cả, – ông láng giềng nói. – Nhưng mở cửa sổ khi trời còn chưa sáng, mà lại gào lên như thế nữa thì đúng là một sự khiếm nhã hiếm có.

– Ông nói đúng. Tất nhiên là rất khiếm nhã. Nhưng tôi đã giải thích cho ông lí do vì sao như vậy. Ông biết không, đêm qua là một đêm khác thường của tôi. Một sự kiện trọng đại đã xảy ra. Tôi đang đi giữa phố thì bỗng gặp hạnh phúc của mình. Ông vẫn nghe đấy chứ? Tôi bỗng gặp ngôi sao của tôi, hạnh phúc của tôi! Ông hiểu không? Và nàng đã hôn tôi. Đôi môi của nàng thật đỏ. Tôi yêu nàng. Nàng hôn tôi, và cái hôn ấy của nàng đã làm tôi ngây ngất. Có bao giờ ông xúc động đến mức không nói được lời nào chưa? Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết nói gì, còn trái tim thì đập mạnh làm toàn thân tôi run lên. Tôi chạy vội về nhà và ngủ thiếp ngay lập tức. Ngủ ngồi trên ghế. Mãi đến chiều tôi mới tỉnh dậy. Trong tôi mọi cái đều quay cuồng vì hạnh phúc, tôi ngồi xuống và bắt đầu viết. Viết gì ư? Đây, nó đây! Một trạng thái lâng lâng, khác thường nào đó đã tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi đang ở trên thiên đường, lòng tôi mở rộng, tôi như bay trong những tia sáng mặt trời rực rỡ, một thiên thần mang đến cho tôi cốc rượu, và tôi đã uống. Đó là một cốc rượu làm say người. Tôi đã uống hết từ chiếc cốc hồng ngọc ấy. Lẽ nào lúc ấy tôi còn nhận biết chuông đánh mấy giờ? Lẽ nào tôi còn thấy chiếc đèn hết dầu đã tắt? Cầu Chúa cho ông hiểu tôi đúng đắn! Tôi sống lại mọi chuyện từ đầu: tôi lại đi cùng người yêu của tôi giữa phố; khách đi đường ngoái lại nhìn nàng. Chúng tôi vào công viên, ở đấy chúng tôi đã gặp đức vua. Tôi sung sướng ngả mũ cúi chào ngài sát đất. Còn ngài thì đứng nhìn theo người yêu của tôi, vì nàng rất xinh đẹp và cân đối. Sau đó chúng tôi bước ra phố. Tất cả các cô cậu học sinh đều nhìn nàng vì nàng trẻ và đang mặc một chiếc áo màu sáng tuyệt diệu. Chúng tôi đến bên một ngôi nhà to bằng đá rồi cùng bước vào nhà. Tôi đi theo nàng, bước lên từng bậc. Tôi những muốn quỳ xuống trước nàng. Nhưng lúc ấy nàng dang tay ôm cổ tôi và hôn tôi thắm thiết. Điều này xảy ra với tôi gần đây thôi, mới chiều qua. Ông có muốn biết tôi đã viết những gì không? Tôi đã viết một bài thơ bất tận về niềm vui và hạnh phúc. Tôi có cảm giác như hạnh phúc trong ánh hào quang của mình ở ngay trước mặt và đang chìa tay cho tôi.

– Thế này thì tôi chẳng biết nói gì với ông nữa, – thất vọng, ông láng giềng bực bội nói. – Nhưng xin báo trước ông biết: Đây là lần cuối cùng đấy nhé!

Juhannes ngăn ông lại bên ngưỡng cửa.

– Xin ông chờ cho một phút. Chà, nếu ông nhìn thấy, lúc này ông là người thế nào! Mặt ông đang rạng rỡ như được mặt trời chiếu sáng. Còn bây giờ, khi ông quay người, ánh sáng ngọn đèn này in lên trán ông một vòng tròn thật đẹp. Và tôi thấy ông không còn giận tôi nữa. Đúng như ông nói, tôi quả có mở cửa sổ và hát hơi to. Nhưng đấy là vì tôi hạnh phúc, vì tôi yêu tất cả xung quanh như những người anh em. Điều ấy vẫn thường xảy ra. Lí trí bị tình cảm lấn át. Đáng lẽ lúc ấy tôi phải biết rằng ông đang ngủ…

– Cả thành phố đang ngủ.

– Đúng thế, vì hãy còn sớm lắm. Tôi muốn tặng ông một cái gì đó. Ông có nhận quà tặng của tôi không? Một chiếc hộp thuốc lá bằng bạc mà trước đây người ta tặng tôi. Một cô bé được tôi cứu sống đã tặng tôi. Xin ông hãy nhận lấy. Nó có thể đựng được hai mươi điếu. Ông không đồng ý à? à, mà ông không hút thuốc! Thì ông tập hút đi. Hay sáng mai tôi sang xin lỗi ông? Tôi muốn làm một điều gì đó, tôi muốn xin lỗi ông…

– Chúc ông ngủ ngon.

ngon.

– Chúc ông ngủ ngon. Bây giờ tôi sẽ nằm xuống ngủ. Tôi hứa với ông như thế. Ông sẽ chẳng còn nghe thấy bất kì một tiếng động nào từ phòng tôi nữa. Từ nay về sau tôi sẽ chú ý cẩn thận.

Ông láng giềng đi về phòng mình.

Bỗng Juhannes mở toang cửa nói theo rất to:

– À mà tôi sắp đi rồi. Tôi sẽ chẳng bao giờ quấy rầy ông thêm. Ngày mai tôi đi. Tôi hoàn toàn quên mất điều ấy.

Nhưng chàng không đi. Có nhiều lí do giữ chàng lại: phải kết thúc một số công việc nào đó, phải mua thứ này thứ nọ, phải gặp ai đó để thanh toán – cứ thế thêm một ngày nữa trôi qua, đêm lại đến. Chàng bước đi trong thành phố như người đang trong cơn mê sảng.

Cuối cùng chàng bấm chuông nhà quan chưởng ấn.

– Tiểu thư Victôria có nhà không ạ?

Victôria đang bận đi đâu đấy.

Chàng giải thích rằng chàng và tiểu thư Victôria là đồng hương, rằng chàng ghé tới đây, xem nếu nàng có nhà, sẽ nhờ nàng chuyển giùm cho người thân của chàng một bức thư. Nàng đi vắng? Không sao. Biết làm thế nào được.

Rồi chàng tiếp tục đi dạo khắp các phố. Biết đâu bất ngờ chàng sẽ gặp nàng, hoặc nhìn thấy nàng đang ngồi trong xe ngựa. Cứ thế chàng đi lang thang suốt đêm. Chàng đã nhìn thấy nàng cạnh rạp hát, cúi đầu chào, mỉm cười rồi lại cúi chào lần nữa. Nàng cũng chào đáp lại. Chàng muốn đến gần – họ chỉ cách nhau mấy bước – nhưng rồi chàng nhìn thấy nàng không phải một mình. Cạnh nàng là Ôttô, con trai quan chưởng ấn. Anh ta mặc quần áo của một trung uý.

Juhannes nghĩ bụng: “Chắc bây giờ nàng sẽ ra hiệu hoặc kín đáo nhìn về phía mình”. Nhưng nàng chỉ vội vã đi vào cổng nhà hát, mặt đỏ bừng, đầu cúi xuống như muốn trốn đi đâu đó.

Hay thử vào rạp để gặp nàng? Chàng mua vé rồi vào theo.

Chàng biết lô ngồi của quan chưởng ấn ở đâu, – vâng, những người giàu bao giờ cũng có chỗ ngồi riêng cố định.

Victôria đang ngồi trong lô, đẹp và ăn mặc rất diện. Nàng đưa mắt nhìn quanh nhưng không nhìn về phía chàng. Không một lần nào.

Trong giờ nghỉ giữa chừng, chàng chờ sẵn nàng ở hành lang. Chàng lại cúi chào nàng. Victôria nhìn chàng với vẻ ngạc nhiên ít nhiều rồi gật đầu chào lại.

– Chỗ uống nước giải khát đằng kia, – Ôttô nói, tay chỉ đâu đó về phía trước. Rồi họ đi tiếp.

Juhannes đứng nhìn theo. Có cái gì đấy mờ mờ ươn ướt che mắt chàng. Người ta càu nhàu trách chàn, hoặc xô chàng. Như cái máy, chàng xin lỗi rồi tiếp tục đứng yên một chỗ. Nàng đã đi khuất.

Khi Victôria xuất hiện lại, chàng cúi thấp chào nàng và lẩm bẩm:

– Xin lỗi, thưa tiểu thư…

Ôttô cúi đầu chào đáp lại rồi nheo mắt nhìn chàng một lượt suốt từ đầu đến chân.

– Đây là Juhannes, – nàng giới thiệu. – Anh còn nhớ anh ấy chứ? Juhannes, chắc anh muốn hỏi tin gia đình anh.

Nàng nói tiếp, khuôn mặt nàng thật xinh đẹp và bình tĩnh:

– Tôi không biết chính xác lắm, nhưng tôi nghĩ mọi người đều mạnh khoẻ. Vâng, vâng, mạnh khoẻ. Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của anh tới bố mẹ anh.

– Cám ơn. Thưa tiểu thư, bao giờ thì tiểu thư lại về quê ạ?

– Ít ngày nữa. Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của anh, nhất định thế.

Nàng cúi đầu chào rồi bỏ đi.

Lại lần nữa Juhannes đưa mắt nhìn theo, cho đến khi nàng biến mất. Sau đó chàng lang thang đi khắp phố không có mục đích nào nhất định. Chàng nặng nề buồn bã bước đi, cốt để giết thời gian. Và mười giờ chàng đến đứng trước nhà quan chưởng ấn. Chẳng bao lâu nữa vở diễn sẽ kết thúc và nàng sẽ về đây. Rất có thể chàng cũng có cơ hội mở cửa xe ngựa cho nàng rồi ngả mũ chào thật thấp. Vâng, mở cửa xe và cúi đầu thật thấp.

Cuối cùng, nửa giờ sau nàng về tới nhà. Không hiểu cứ đứng ngay trước cửa để mọi người phải nhìn thấy mình có bất tiện lắm không? Không ngoái lại nhìn, chàng nhanh chóng đi qua hè phố bên kia. Chàng nghe rõ tiếng cửa nhà quan chưởng ấn mở, tiếng xe ngựa đi vào trong rồi cánh cổng đóng sập. Chỉ lúc ấy chàng mới ngoái lại nhìn.

Sau đó suốt một thời gian chàng đi đi lại lại quanh ngôi nhà. Chàng không chờ gặp ai. Cũng chẳng có kế hoạch nào. Bỗng cửa mở và Victôria bước ra. Nàng không đội mũ, chỉ khoác trên vai một chiếc khăn dày. Nàng mỉm cười với vẻ hoảng sợ, bối rối, rồi hỏi cốt để bắt chuyện:

– Anh đang dạo chơi và suy nghĩ điều gì phải không?

– Suy nghĩ? Không, – chàng đáp. – Tôi chỉ đi dạo.

– Tôi thấy anh đi đi lại lại nhiều lần và quyết định… Từ cửa sổ tôi nhìn thấy anh. Ngay bây giờ tôi phải quay vào nhà.

– Cảm ơn cô đã ra đây với tôi, Victôria. Mới chỉ một phút trước đây tôi hoàn toàn thất vọng, nhưng bây giờ thì khác hẳn. Xin đừng giận là tôi đã chào cô ở rạp hát. Sau đó tôi lại còn làm một việc ngốc nghếch hơn nữa là tới đây. Tôi hi vọng được gặp cô và được biết cô muốn nói với tôi cụ thể điều gì.

– Thì anh đã biết cả rồi đấy, – nàng đáp. – Hôm kia tôi nói với anh nhiều điều, anh không thể hiểu nhầm được.

– Nhưng dù sao tôi vẫn không dám tin.

– Chúng ta sẽ không nói chuyện này thêm nữa. Tôi đã nói nhiều, thậm chí quá nhiều. Tôi yêu anh, cả hôm kia lẫn bây giờ tôi đều không nói dối khi nhắc lại câu ấy. Nhưng giữa chúng ta là một cái hố ngăn cách quá lớn. Tôi rất yêu anh, và nói chuyện với anh, tôi thấy thú vị hơn nhiều so với bất kì người nào khác, nhưng… Tôi không thể ở đây thêm được nữa. Từ cửa sổ người ta có thể nhìn thấy chúng ta. Juhannes, có những lí do mà anh không biết, vì vậy đừng bao giờ hỏi tôi thêm tôi định ám chỉ gì. Suốt ngày đêm tôi nghĩ đến điều ấy. Những điều tôi nói với anh là đúng sự thật. Nhưng hoàn toàn không thể được.

– Cái gì không thể được?

– Tất cả. Nói chung là tất cả. Juhannes, xin anh đừng bắt tôi phải trở thành kiêu kì cho cả hai chúng ta.

– Vâng, tất nhiên. Nhưng như thế nghĩa là hôm kia cô đã cười giễu tôi! Nghĩa là vô tình cô gặp tôi giữa phố, cô đang vui vẻ và…

Nàng quay người định bước đi.

– Hay tôi phạm lỗi lầm gì chăng? – Chàng hỏi, mặt tái nhợt đến thành khóc hẳn. – Nếu không làm sao tôi có thể để mất… Chắc hai ngày hai đêm qua tôi đã làm việc gì đấy không hay lắm…

– Không, vấn đề hoàn toàn không phải ở đấy. Chỉ đơn giản là tôi đã nghĩ kĩ tất cả. Không lẽ anh không nghĩ tới điều ấy, anh hiểu cho, điều ấy là không thể được. Bây giờ cũng vậy. Tôi quý mến anh, đánh giá cao về anh…

– Và kính trọng tôi nữa chứ?

Nàng nhìn Juhannes, và bị chạm tự ái bởi nụ cười của chàng, nàng nói tiếp, với vẻ còn xúc động hơn:

– Lạy Chúa, không lẽ anh không hiểu rằng tôi sẽ không đồng ý? Tại sao anh bắt tự tôi nói với anh điều ấy? Bản thân anh cũng biết thế cơ mà! Để làm gì? Không đúng thế sao?

Im lặng.

– Thế đấy, – chàng nói.

– Và nói chung, – nàng nói tiếp, – có rất nhiều nguyên nhân… Không, quả thật là từ nay anh không nên theo đuổi tôi thêm nữa. Vừa rồi ở rạp hát anh làm tôi sợ quá. Không, không nên.

– Tôi sẽ không theo đuổi cô nữa, – chàng đáp. Victôria cầm tay chàng.

– Có thể anh về quê một thời gian ngắn chăng? Nếu thế tôi sẽ rất vui mừng. Chà, tay anh nóng quá, còn tôi thì cả người đang run lên đây này. Đã đến lúc tôi phải quay vào rồi. Chúc anh ngủ ngon.

– Chúc cô ngủ ngon.

Đường phố lạnh lẽo và xám xịt chạy quanh thành phố như một dải thắt lưng bằng cát, một con đường không bao giờ kết thúc. Juhannes gặp cậu bé bán những bông hoa hồng đã héo. Chàng gọi cậu lại, cầm lấy một bông rồi đưa cho cậu một đồng tiền vàng năm curon – đó là một món tiền lớn – rồi đi tiếp. Kia là một tốp trẻ đang đùa nghịch bên cổng nhà ai đó. Một cậu bé độ mười tuổi ngồi yên quan sát chúng bằng đôi mắt màu xanh của người già, cậu xem chúng chơi, má cậu xệ xuống, cằm bạnh, trên đầu đội chiếc mũ vải. Nói đúng hơn đó là lớp vải lót trong của chiếc mũ, thay tóc cho cậu. Bệnh rụng tóc đã suốt đời biến cậu thành khó coi, xấu xí. Có lẽ cả tâm hồn cậu cũng khô héo vì bệnh tật.

Juhannes ngẫu nhiên nhìn thấy tất cả những điều ấy, mặc dù thực ra chàng không biết mình đang ở khu nào của thành phố và đang đi đâu. Thêm vào đó, trời lại bắt đầu mưa, nhưng chàng không nhận thấy và chẳng mở dù, tuy chàng mang nó theo người suốt ngày.

Cuối cùng chàng bước vào một vườn hoa nhỏ và ngồi xuống ghế đá. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Như cái máy, chàng trương dù và tiếp tục ngồi tại chỗ. Rồi chàng bỗng muốn ngủ không sao cưỡng nổi, các ý nghĩ chầm chậm trôi đâu đó trong sương mù. Chàng nhắm mắt, thiu thiu ngủ.

Một chốc sau chàng tỉnh dậy, vì giọng nói quá to của ai đó đi ngang. Chàng đứng dậy đi tiếp. Đầu óc chàng bắt đầu tỉnh táo trở lại, và chàng nhớ hết tất cả những gì đã xảy ra, nhớ đến từng chi tiết nhỏ, thậm chí cả việc trả một đồng năm curon vàng cho một bông hồng. Chàng hình dung thấy cậu bé sung sướng thế nào khi giữa đồng xu lẻ của mình bỗng nhìn thấy đồng tiền kì diệu ấy – không phải một vài xu, mà là năm curon vàng. Ôi, lạy Chúa!

Còn đám trẻ thì chắc vì mưa nên bây giờ đã vào chơi hẳn trong cổng. Chúng chơi trò “lớp học” và chơi bi. Còn đứa bé – ông g

già mười tuổi thì vẫn ngồi yên nhìn chúng. Ai biết đấy, có thể cậu ngồi nhìn và lấy làm vui vì cái gì đấy cũng nên? Có thể trong căn phòng nhỏ bé của cậu ở sân sau có búp bê, có anh hề bằng bìa cactông hay quả cù cũng nên? Có thể trên đời này cậu chưa mất hết tất cả và trong tâm hồn khô héo của cậu vẫn còn chút lửa ấm hi vọng nào đó.

Kia, trước mặt chàng là một phụ nữ quý phái có dáng người cân đối, kiều diễm. Juhannes rùng mình dừng lại. Không, chàng không biết người đàn bà này. Cô gái bước ra từ một ngõ phố rồi đi thẳng. Nàng không có dù che, tuy trời mưa rất to. Chàng bước nhanh đuổi kịp nàng và quay sang nhìn. Chao, nàng thật thanh tú và trẻ trung. Quần áo nàng ướt hết, nàng sẽ cảm lạnh, thế mà chàng lại không dám đến gần nàng. Chàng gấp chiếc ô của mình lại – đã ướt thì cả hai cùng ướt! Khi chàng về tới nhà thì đã quá nửa đêm.

Trên bàn là một phong thư, một giấy mời. Ông bà Seier sẽ rất vui mừng được tiếp chàng tối mai ở nhà mình. ở đấy chàng sẽ gặp một số người quen, trong số đó có một người, thử đoán xem là ai? Victôria, con gái ông chủ lâu đài! Rất hân hạnh được đón tiếp. Sau đó là chữ kí.

Juhannes ngồi ngủ ngay trên ghế. Hai giờ sau chàng thức dậy vì lạnh. Còn chưa tỉnh hẳn và vẫn run run vì lạnh, vô cùng mỏi mệt vì những điều đau buồn trong ngày, chàng ngồi vào bàn để viết thư trả lời một lời mời mà chàng không muốn nhận.

Chàng viết xong thư trả lời, và đã định mang xuống bỏ vào thùng thư. Nhưng chàng sực nghĩ chắc cả Victôria cũng được mời. Thế đấy, thế mà nàng không nói một lời nào về việc này, chắc sợ chàng cũng sẽ tới đó. Nàng không muốn gặp chàng ở chỗ đông người.

Juhannes liền xé vụn bức thư rồi viết ngay thư khác – Vâng, cảm ơn, tôi sẽ tới! Tay chàng run run vì hồi hộp, một cảm giác vui mừng pha lẫn cay đắng tràn ngập lòng chàng. Tại sao chàng lại không nhận lời? Vì cớ gì chàng phải tự giấu mình? Đủ rồi!

Vì xúc động, các tình cảm của chàng lẫn lộn vào nhau. Bằng một động tác dứt khoát, chàng xé một lúc mấy tờ lịch, xé trước cả một tuần. Chàng tưởng tượng thấy mình như thể vừa nhận được tin vui, đang lâng lâng vì hạnh phúc. Chàng muốn được tận hưởng cái giây phút kì diệu ấy. Ngay bây giờ chàng sẽ lấy tẩu ra hút, sẽ gieo mình xuống ghế và mơ mộng. Nhưng chiếc tẩu bị tắc, mà chàng tìm mãi không thấy dao hoặc que xoi để xoi. Và rồi bỗng nhiên chàng bẻ cong các mũi kim của chiếc đồng hồ treo tường. Nhìn đồng hồ với những chiếc kim bị bẻ cong thật thích! “Ha! Ha!” – chàng cười thầm rồi đưa mắt nhìn quanh xem trong phòng có gì có thể bẻ gẫy được nữa không.

Thời gian cứ trôi. Cuối cùng, vẫn với bộ quần áo ướt trên người, chàng nằm vật xuống giường rồi ngủ thiếp đi.

Khi chàng tỉnh dậy, trời đã sáng từ lâu. Mưa vẫn chưa dứt, trên mặt phố có nhiều vũng nước đọng. Đầu óc chàng quay cuồng lẫn lộn, nhiều mẩu nhỏ của các giấc mơ sót lại và các ý nghĩ về những gì xảy ra hôm qua cứ quyện vào nhau. Chàng không sốt, ngược lại, không còn thấy nóng như trước. Người chàng mát lạnh, như thể suốt đêm đi dạo trong rừng ẩm, và bây giờ chàng đang ở cạnh hồ nước.

Có tiếng gõ cửa. Một người mang thư vào. Chàng bóc ra, ngắm nghía rồi đọc, phải vất vả lắm mới hiểu bức thư nói gì. Đó là thư của Victôria, được viết trên một mẩu giấy nhỏ, báo rằng nàng quên không nói việc tối nay nàng cũng được mời tới gia đình ông bà Seier. Nàng muốn được gặp chàng ở đấy, nàng sẽ giải thích mọi chuyện một cách rõ ràng. Đồng thời nàng yêu cầu chàng quên nàng, đón nhận điều này như một người đàn ông chân chính. Nàng xin lỗi vì thư viết trên tờ giấy xấu…

Chàng bước ra khỏi nhà, rẽ vào đâu đó ăn vội mấy miếng rồi lại quay về phòng. Cuối cùng chàng viết xong bức thư trả lời ông bà Seier, nói rằng rất tiếc hôm nay chàng không tới được, xin hẹn đến hôm khác, tối mai chẳng hạn.

Rồi chàng cho người mang thư đi.

V

Mùa thu đến. Victôria đã trở về quê, còn trên đường phố nhỏ vẫn là những ngôi nhà ấy và nó vẫn vắng người, và yên tĩnh như cũ. Đêm đêm căn phòng của Juhannes vẫn sáng ánh đèn, liên tục từ khi mặt trời lặn cho tới khi mặt trời mọc. Juhannes làm việc không biết nghỉ ngơi là gì – chàng đang viết cuốn sách lớn của mình.

Hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, còn chàng thì đóng cửa ngồi trong phòng, không hề tiếp xúc với người nào. Chàng cũng chẳng tới thăm ông bà Seier lần nào nữa. óc tưởng tượng thường chơi khăm chàng nhiều trò rất cay độc, bằng cách xui chàng đưa vào cuốn sách của mình những chuyện không đâu vào đâu, để sau đó chàng phải xoá bỏ những gì đã viết rồi cho vào lò sưởi. Điều này đã làm công việc tiến hành rất chậm. Tiếng động đột ngột trong đêm vắng, tiếng bánh xe lăn giữa phố làm ý nghĩ chàng bị đứt mạch hay chuyển sang hướng khác.

Một cỗ xe ngựa đang phóng nhanh giữa phố.

– Ê! Tránh ra!

Nhưng vì sao? Sao phải tránh cỗ xe ấy? Nó đã phóng qua, chắc bây giờ khuất hẳn sau góc phố. ở đấy có thể có một người đang đứng, không áo khoác, không mũ, đứng cúi người về phía trước cố tình để chiếc xe va vào đầu, làm bị thương và giết chết anh ta. Từ lâu anh ta đã không còn cúc áo sơ mi, buổi sáng không cột dây giày, quần áo mở toang, để lộ bộ ngực gầy còm; anh ta muốn chết…

Kia, con người ấy đang nằm hấp hối trên giường, viết thư, viết những lời yêu cầu cho bạn. Con người chết, những bức thư còn lại, trong thư có đề ngày tháng, có kí tên bằng nét chữ in và chữ thường. Còn người viết nó thì một giờ sau đã không còn sống nữa… Còn đây là một người khác. Anh ta nằm một mình trong căn phòng nhỏ bé của mình, các tường của căn phòng ấy được quét vôi màu xanh và ốp những tấm phanen bằng gỗ. Thì đã sao? Chẳng sao cả. Chỉ một mình anh ta trong cả cái thế giới rộng lớn này sắp phải chết. Đó chính là điều anh ta đang nghĩ lúc này, nghĩ đến mụ đầu óc. Đêm đến, chiếc đồng hồ trên tường chỉ tám giờ hơn. Nó vẫn tiếp tục kêu tích tắc nhưng không đánh chuông! Anh ta nhìn lên tường và không hiểu vì sao lại thế. Tội nghiệp anh ta, vì mất hết cảm giác nên đồng hồ có đánh chuông mà anh ta không nghe thấy. Trên tường có treo bức chân dung mẹ anh ta – thế đấy, anh ta đưa ngón tay chỉ bức chân dung – nhưng bây giờ anh ta còn cần tới nó làm gì, giữ nó cho ai, một khi anh ta sắp bị vùi xuống đất? Đôi mắt đờ đẫn của anh ta dừng lại trên chiếc bàn, trên lọ hoa. Anh ta vươn tay, rồi bằng một động tác có tính toán và không vội vã, anh ta gạt lọ hoa từ bàn rơi xuống đất, làm nó vỡ tan. Giữ lọ hoa làm gì? Sau đó anh ta vứt chiếc tẩu hút thuốc lá bằng hổ phách của mình qua cửa sổ. Giữ lại nó cho ai? Vì một sự thực rõ như ban ngày là chiếc tẩu ấy trở nên vô nghĩa khi chủ nó đã là một xác chết. Một tuần sau, con người này đã chết…

Juhannes đứng dậy, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Ông láng giềng bên kia tường đã tỉnh, không ngáy nữa, chỉ nghe tiếng ông ta thở dài và tiếng kêu não lòng. Juhannes rón rén đi đến bàn, ngồi xuống. Dưới cửa sổ phòng chàng, cơn gió khẽ chui qua tán lá phong xào xạc. Chàng rùng mình.

Lá đã rời khỏi những cây phong già, làm chúng giống những hình người tàn tật đáng thương. Những cành cây vụng về đập đập vào tường, tạo nên những tiếng khô khốc. Juhannes cầm những tờ giấy trên bàn, đọc lại những gì chàng đã viết. Đúng rồi, lại một lần nữa, óc tưởng tượng đưa chàng đi chệch hướng. Viết về cái chết và cỗ xe ngựa phóng như bay ở đây làm gì? Chàng đang tả khu vườn xanh tươi đầy hoa thơm ngát ở quê mình, cạnh lâu đài cơ mà? Đó mới chính là điều chàng phải viết. Khu vườn bây giờ đã rụng lá, phủ đầy tuyết trắng, nhưng chàng phải miêu tả không phải mùa đông, mà là mùa xuân với hương thơm và gió nhẹ. Đêm. Nước trong vịnh rất sâu, rất yên tĩnh, như một mẻ chì được nung chảy. Hoa mẫu đơn toả mùi thơm, hàng cây gai bờ giậu đầy nụ xanh và lá non. Xung quanh thật vắng lặng, có thể nghe rõ cả tiếng chim hót ở bờ vịnh bên kia. Victôria đang đứng một mình ở lối đi trong vườn. Nàng mặc áo trắng, nàng mới hai mươi tuổi. Một mình nàng, nàng cao hơn cả những bụi hồng cao nhất. Nàng nhìn ra vịnh, nhìn khu rừng và những dãy núi đá đang ngủ yên xa xa. Nàng như một nàng tiên áo trắng giữa màu xanh của khu vườn. Phía dưới, từ dưới đường vọng lên tiếng chân một người đang bước. Nàng đi lại chỗ ngồi chơi có mái che khuất giữa hàng cây sồi rồi đứng tựa vào bờ giậu, nhìn xuống. Người dưới đường ngả mũ cúi chào rất thấp, đến suýt chạm đất. Nàng cũng cúi chào lại. Người kia đưa mắt nhìn quanh, trên đường không một bóng người, và chàng tiến thêm mấy bước về phía bờ giậu. Ngả đầu về sau, nàng kêu to: “Không, không!” rồi vẫy tay. “Victôria, – chàng bảo nàng, – những gì cô nói với tôi lần nọ tôi xem là sự thật thiêng liêng. Tôi không được mơ ước tới cô, vì điều này là không thể được”. “Tất nhiên, – nàng đáp. – Nhưng nếu thế thì anh muốn g

gì?”. Chàng bước lại rất gần, bây giờ ngăn cách họ chỉ là bờ giậu, và chàng nói: “Tôi muốn gì à? Tôi chỉ muốn được đứng đây một phút thôi. Đây là lần cuối cùng. Tôi muốn đến gần cô, càng gần càng tốt. Và bây giờ tôi đang ở rất gần cô”. Nàng im lặng. Một phút nữa trôi qua. “Chúc cô ngủ ngon”, – chàng nói rồi ngả mũ chào, suýt để nó quệt xuống đất. “Chúc anh ngủ ngon”, – nàng đáp. Rồi chàng bước đi, không một lần ngoái lại…

Tại sao lại đưa cái chết vào đây? Vò nát tờ giấy, Juhannes vứt nó vào lò sưởi. Trước đây đã nhiều tờ như thế bị vứt vào đó, làm mồi cho lửa. Rồi lần nữa chàng lại viết về người du khách trên đường, về người đã cúi chào nàng và nói: “Chúc cô ngủ ngon” khi chia tay. Còn trong vườn chỉ còn lại một cô gái trẻ mặc áo trắng. Nàng mới hai mươi tuổi, nàng không muốn trở thành vợ chàng, ồ không, không bao giờ. Nhưng tuy thế chàng vẫn đến đứng bên ngôi nhà nơi nàng đang sống. Một lần, hạnh phúc đã mỉm cười với chàng…

Rồi tuần và tháng lại nối đuôi trôi qua, mùa xuân lại đến. Tuyết đã tan, không khí đầy tiếng động từ khi mặt trời mọc đến khi sao tắt, có tiếng nước chảy róc rách. Chim én đã bay trở về, còn trong khu rừng ngoài thành phố các con vật bốn chân nô đùa nhảy nhót, chim hót véo von bằng thứ ngôn ngữ xa lạ của chúng. Đất toả mùi thơm dễ chịu.

Suốt cả mùa đông Juhannes miệt mài làm việc. Liên tục ngày đêm các cành phong khẽ gõ nhịp vào tường, nhưng bây giờ gió lặng, cái tiếng động đều đều ấy không còn nữa.

Mở toang cửa sổ, Juhannes nhìn ra phố. Vạn vật đã lắng xuống, và mặc dù còn lâu mới đến nửa đêm, trên bầu trời không gợn mây, các vì sao đã nhấp nháy, điềm báo trước rằng mai sẽ là một ngày đẹp trời, ấm áp. Chàng lắng nghe tiếng động thành phố hoà với tiếng chim hót xa xa không ngớt. Bỗng nhiên có một tiếng còi của chuyến tàu đêm chạy bằng hơi nước rít lên lanh lảnh, như tiếng gà gáy trong đêm khuya yên tĩnh. Đã đến lúc ngồi vào bàn. Suốt cả mùa đông tiếng còi này như một lời nhắc nhở chàng ngồi vào bàn làm việc.

Juhannes đóng cửa sổ lại rồi ngồi xuống. Chàng gạt sang bên những cuốn sách đang đọc rồi lấy giấy, cầm bút.

Cuốn sách lớn đã viết gần xong, chỉ còn lại chương cuối cùng.

Ở một quán ăn dọc đường có một người đang ngồi. Ông ta tạm dừng ở đây, trên đường đi đâu đó rất xa. Râu và tóc ông ta bạc trắng. Những năm tháng khó khăn của cuộc đời đã để lại dấu vết của mình. Và mặc dầu còn cân đối và tràn đầy sức lực, ông có vẻ già hơn tuổi. Ngoài sân, cỗ xe đang chờ ông, những con ngựa đứng nghỉ ngơi, còn người đánh xe thì hài lòng và vui vẻ vì được ăn no và uống rượu. Khi người lạ mặt ghi họ tên mình vào cuốn sổ khách hàng, ông chủ quán ăn nhận ra ông là ai và đã cư xử với ông một cách cung kính hơn nhiều. “Bây giờ ai đang sống trong lâu đài?” – Khách hỏi. “Ông thuyền trưởng. – Chủ quán đáp. – Còn bà chủ lâu đài, vợ ông ta là người rất tốt bụng”. “Với tất cả mọi người? – Ông khách thầm hỏi với nụ cười khá lạ lùng trên môi. – Nghĩa là cả với tôi cũng thế?”. Ông ngồi xuống viết viết cái gì đấy rồi đọc lại những gì đã viết. Đó là một bài thơ nghiêm trang và khiêm tốn nhưng có những câu chữ cay đắng. Sau đó ông xé tờ giấy, rồi xé nữa cho đến khi nát vụn. Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa, và một người phụ nữ mặc áo vàng bước vào. Bà ta mở khăn che mặt – đó là bà chủ lâu đài, bà Victôria. Dáng người bà thật đường bệ, như một bà hoàng. Ông khách đứng bật dậy, khuôn mặt ảm đạm của ông bỗng rạng rỡ như được chiếu sáng từ bên trong. “Bà tốt bụng với tất cả mọi người, – ông chua xót nói. – Và bây giờ bà đến với tôi”.

Bà không đáp. Bà đứng, lặng lẽ nhìn ông, hai má bà đỏ ửng. “Bà muốn gì? – Ông lại hỏi với vẻ chua xót như cũ. – Có phải bà tới đây để nhắc tôi nhớ lại quá khứ? Xin bà biết cho, đây là lần gặp cuối cùng của chúng ta, thưa lệnh bà kính mến, vì tôi sắp rời khỏi đây để ra đi vĩnh viễn”. Bà chủ trẻ tuổi của lâu đài vẫn tiếp tục im lặng, nhưng đôi môi bà run run. “Không lẽ đối với bà như thế còn ít, khi tôi đã một lần phát điên lên và đã thổ lộ tình yêu của tôi với bà? – Ông kia lại hỏi. – Thôi được, tôi sẽ thú nhận một lần nữa vậy: Tôi đã trao cho bà trái tim tôi nhưng tôi không xứng với bà. Bây giờ bà hài lòng chứ? – Rồi ông nói tiếp, còn xúc động hơn trước: – Bà từ chối tôi để lấy người khác. Tôi chỉ là một thằng nhà quê, một con gấu vụng về, một kẻ dã man vì tuổi trẻ ngu ngốc, đã dám bước chân vào vườn cấm của nữ hoàng”. Nói đến đây ông khách ngả người xuống ghế rồi vừa khóc vừa van xin: “Bà đi đi! Hãy tha lỗi cho tôi, và xin bà đi cho!”. Màu hồng biến mất khỏi má bà chủ. Rồi bà lên tiếng, nói một cách thong thả, dằn từng tiếng một: “Tôi yêu anh, xin anh hiểu cho rằng tôi chỉ yêu một mình anh thôi! Vĩnh biệt!”. Người đàn bà trẻ đưa hai tay che mặt rồi vội vàng bước ra khỏi phòng…

Bỏ bút xuống, Juhannes ngả người vào lưng ghế. Thế là viết xong. Chấm hết. Cả cuốn sách của chàng đang nằm kia, những trang giấy viết đầy chữ, kết quả của chín tháng lao động vất vả. Lòng chàng thanh thản và vui sướng – công việc đã được làm xong. Nhưng trong khi chàng ngồi nhìn chằm chằm qua cửa sổ, bên ngoài trời đã bắt đầu hửng sáng, trong đầu chàng vẫn tràn đầy ý nghĩ, óc tưởng tượng của chàng vẫn làm việc căng thẳng. Chàng đang bị kích thích mạnh, đầu chàng như một khu vườn bỏ hoang còn nhiều quả chín chưa thu hoạch, hơi nóng bốc lên từ đất hừng hực.

Bằng một cách bí hiểm nào đó, chàng tự đưa mình tới một thung lũng chết, nơi không có sự sống. Chỉ từ xa có tiếng đàn đại phong cầm vọng lại. Chàng đi đến gần chiếc đàn, ngắm nhìn nó. Chiếc đàn chảy máu. Chàng tiếp tục chơi đàn, máu vẫn chảy từ một bên hông đàn; chàng đi tiếp, tới một vùng đất trống, vắng vẻ, không một thân cây, không một tiếng động. Nó là một bãi sa mạc. Nhưng trên cát có in dấu giày, còn trong không khí thì treo lơ lửng những lời vừa được nói trước đấy, nghĩa là người ta đi khỏi nơi này chưa lâu. Một cảm giác lạ lùng bỗng xâm chiếm chàng, tiếng vọng của những lời nói đang treo trong không khí ấy làm chàng sợ hãi, dồn ép và đè nén chàng. Chàng cố xua chúng đi. Chúng lại kéo đến. Và rồi, chúng không phải là lời nói mà là những ông già, những ông già đang khóc. Bây giờ thì chàng đã nhìn thấy rất rõ. Tại sao họ khóc và khóc nhiều như vậy? Một làn gió lạnh toả ra từ họ, nhưng họ không thấy. Họ mù. Chàng gọi họ, họ không nghe. Họ đã chết. Chàng vật vờ đi tiếp về phía đông, phía mặt trời, rồi đến gần chân núi. “Có phải anh đang đứng bên chân núi đấy không?” – Có giọng ai đó hỏi. “Vâng, – chàng đáp. – Tôi đang đứng bên chân núi đây”. Rồi chàng lại nghe: “Hòn núi mà anh đứng cạnh là chân ta. Ta đang bị gông xiềng, nằm ngay bên mép trái đất, hãy tới giải phóng cho ta!”. Chàng đi tiếp, vật vờ đi cho tới bờ mép trái đất. Tới cầu, một người nào đó ngăn chàng lại. Ai qua cầu cũng bị hắn tước mất bóng. Hắn được làm bằng xạ hương. Nhìn con người xạ hương ấy, chàng sợ hãi đến lạnh toát người. Chàng nhổ nước bọt vào hắn, giơ nắm tay doạ hắn, nhưng hắn vẫn đứng yên chờ đợi. “Quay lại”. Có người nào đó kêu to sau lưng chàng. Chàng ngoái lại nhìn và thấy một cái đầu đang lăn trên đường, vừa lăn vừa chỉ cho chàng lối đi. Đó là một cái đầu người, thỉnh thoảng lại nhe răng cười không thành tiếng. Chàng bước theo cái đầu ấy. Nó lăn liên tục hết ngày đến đêm, và chàng cứ bám theo nó. Đến bờ biển, nó chui xuống đất và biến mất. Còn chàng thì nhảy xuống nước lặn ngụp. Và kia, chàng đang đứng trước những cánh cửa khổng lồ, một con cá khổng lồ biết sủa như chó đón chàng. Nó có bờm như bờm ngựa, còn cách đi thì y như loài chó. Victôria đứng sau con cá ấy. Chàng chìa tay cho nàng. Trên người nàng không có chút quần áo nào. Nàng mỉm cười với chàng, gió thổi mạnh làm tóc nàng bay phần phật. Chàng gọi nàng thật to, chàng nghe rõ tiếng mình rồi chợt tỉnh.

Juhannes ngồi dậy, đi đến bên cửa sổ. Trời đã sáng hẳn. Trong chiếc gương nhỏ treo bên khung cửa sổ, chàng nhìn thấy đôi mắt chàng đỏ ngầu. Chàng tắt đèn, và trong ánh sáng mờ mờ của buổi sáng sớm, chàng đọc lại lần nữa trang cuối cùng của cuốn sách, và lại lên giường ngủ tiếp.

Ngay chiều hôm ấy Juhannes thanh toán tiền thuê nhà, đưa bản thảo đến nhà xuất bản rồi rời khỏi thành phố. Chàng ra nước ngoài. Cụ thể đi đâu thì không ai biết.

VI

Cuốn sách lớn của Juhannes đã được in – đó là cả một vương quốc, một thế giới nhỏ của những tình cảm hay thay đổi, các giọng nói và các bức tranh. Người ta mua nó, đọc nó rồi gạt nó sang bên. Mấy tháng sau, lúc này đã mùa thu, chàng lại cho ra đời một cuốn sách mới. Rồi sao? Rồi sau đó tên chàng được mọi người thường xuyên nhắc đến. Chàng trở thành nổi tiếng. Cuốn sách mới được viết ở nước ngoài, ở xa những hoàn cảnh mà chàng đã quen thuộc. Nó là một cuốn sách mạnh, như rượu nho được ủ lâu ngày.

“Bạn đọc thân m

mến, trước mắt các bạn là câu chuyện về Đirêric và Izeline. Cuốn sách được viết vào thời gian tác giả đang hạnh phúc, thời gian của những sự đau buồn vơ vẩn, khi gánh nặng tình yêu hoàn toàn không nặng một chút nào. Đây là câu chuyện về chàng Đirêric bị Chúa bắt phải chịu một căn bệnh tình yêu, được tác giả viết bằng cả tâm hồn mình”.

Juhannes sống ở nước ngoài, không ai biết ở đâu. Và phải hơn một năm sau người ta mới biết chỗ ở của chàng.

*

* *

– Hình như có người gõ cửa nhà ta, – một tối nọ, ông già thợ xay bột mì nói.

Rồi ông và vợ ông cùng ngồi im lắng nghe.

– Có ai đâu, – bà vợ nói. – Đã mười giờ rồi. Trời tối thế này.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa, lần này to và dứt khoát hơn, như người gõ cửa phải lấy hết can đảm để làm việc ấy. Ông già ra mở. Trên ngưỡng cửa là con gái ông chủ lâu đài.

– Xin ông bà đừng sợ, tôi đây mà, – nàng nói rồi mỉm cười một cách rụt rè. Nàng bước vào nhà, được mời ngồi nhưng nàng không ngồi. Nàng chỉ choàng chiếc khăn ấm lên vai, chân đi đôi giày mỏng và ngắn, dù mùa xuân chưa đến và ngoài đường còn đầy tuyết ẩm.

– Tôi muốn báo hai bác biết rằng là mùa xuân này trung uý sẽ tới đây, – nàng nói. – Anh ấy là chồng chưa cưới của tôi. Có lẽ anh ấy sẽ săn chim ngói. Tôi muốn báo trước để hai bác biết đừng sợ.

Vợ chồng ông lão thợ xay ngạc nhiên nhìn Victôria – xưa nay chưa bao giờ người của lâu đài báo họ biết lúc nào khách tới và sẽ săn bắn trong rừng và ngoài đồng cỏ. Họ cảm ơn nàng:

– Cảm ơn tiểu thư, tiểu thư thật tốt bụng! Victôria quay về phía cửa.

– Tôi tới đây chỉ vì việc ấy thôi. Tôi nghĩ hai bác đã già, có lẽ báo trước thế tốt hơn.

Ông lão đáp:

– Cám ơn tiểu thư đã quan tâm tới chúng tôi! Đi thế, giày của tiểu thư có thấm nước không?

– Không, ngoài đường khô lắm, – nàng đáp ngắn gọn. – Mà rồi tôi cũng muốn nhân tiện dạo chơi một chốc. Chúc hai bác ngủ ngon.

– Chúc tiểu thư ngủ ngon.

Nàng mở cửa định bước ra, nhưng bỗng quay lại hỏi:

– À mà có tin gì của Juhannes không? Hai bác không nhận được thư anh ấy à?

– Không. Cám ơn tiểu thư đã hỏi đến. Không nhận được thư nào cả.

– Chắc chẳng bao lâu nữa anh ấy sẽ về tới đây. Tôi cứ nghĩ anh ấy có viết thư cho hai bác.

– Không, nó chẳng viết cho chúng tôi từ mùa xuân năm ngoái. Chắc nó đang ở nước ngoài.

– Vâng, tôi biết anh ấy đang ở nước ngoài. ở đấy thích hơn. Chính anh ấy viết trong sách rằng đối với anh ấy bây giờ là lúc chỉ có những nỗi đau buồn bé nhỏ. Nghĩa là anh ấy cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

– Ồ, lạy Chúa được như thế! Chúng tôi đang chờ nó. Có điều nó chẳng viết thư cho chúng tôi, mà cũng chẳng viết cho ai cả. Nhưng chúng tôi đang chờ nó.

– Chắc là ở nước ngoài anh ấy thích hơn, vì chỉ phải gặp những nỗi buồn bé nhỏ. Tuỳ anh ấy, tôi chỉ muốn biết mùa xuân này anh ấy có về đây không. Một lần nữa, chúc hai bác ngủ ngon.

– Chúc tiểu thư ngủ ngon.

Ông lão và vợ tiễn nàng tới cửa và đứng nhìn theo, còn nàng thì ngẩng cao đầu, giẫm đôi giày mỏng hở cổ của mình xuống con đường ẩm ướt, cố tránh những vũng nước đọng.

Hai ngày sau đó có thư của Juhannes. Độ một tháng nữa chàng sẽ về nhà, hiện giờ chàng đang bận viết nốt một cuốn sách mới. Suốt thời gian dài vừa qua công việc của chàng tiến triển tốt đẹp. Trong cuốn sách mới này, chàng sẽ nói về…

Ông lão thợ xay đi vào lâu đài. Dọc đường ông nhặt được chiếc khăn mùi xoa Victôria đánh rơi đêm hôm kia.

– Tiểu thư đang ở tầng trên, nhưng cô hầu nói là phải lên báo đã. Ông lão cần gì?

– Cảm ơn, không sao, ông sẽ chờ.

Cuối cùng, cô con gái của ông chủ bước xuống.

– Bác muốn gặp tôi à? – Nàng hỏi rồi mở cánh cửa dẫn sang phòng bên cạnh.

Ông lão lại gần, đưa cho nàng chiếc khăn rồi nói:

– Ngoài ra, chúng tôi mới nhận được thư của Juhannes.

Khuôn mặt rạng rỡ trong chốc lát, chỉ chốc lát thôi. Nàng đáp:

– Cảm ơn, quả đúng đây là khăn của tôi.

– Nó sắp về nhà, – ông lão nói tiếp, gần như thì thầm.

Nàng lấy vẻ thờ ơ:

– Xin bác nói to hơn một chút. Ai sắp về?

– Juhannes.

– Juhannes? Thì sao?

– Không, Không sao cả. Chỉ đơn giản là tôi…

Chúng tôi nghĩ nên báo tiểu thư biết. Chả là tôi và bà nhà tôi tưởng tiểu thư quan tâm… Hôm kia tiểu thư hỏi liệu mùa xuân này nó có về không. Bây giờ nó viết thư, có lẽ nó về thật.

– Chắc hai bác mừng lắm nhỉ? – Victôria hỏi.

– Bao giờ thì anh ấy về?

– Một tháng nữa!

– Thế à? Có chuyện gì nữa không?

– Không. Chỉ đơn giản là chúng tôi nghĩ một khi tiểu thư đã hỏi… Tất cả chỉ thế thôi. Không có chuyện gì khác.

Ông lão thợ xay lại hạ thấp giọng.

Nàng tiễn ông tới cổng. Ở hành lang, họ gặp ông chủ lâu đài. Như ngẫu nhiên, nàng nói to với vẻ lãnh đạm:

– Bố biết không, bác đây nói Juhannes sắp về. Bố còn nhớ anh ấy chứ ạ?

Còn ông lão thợ xay thì khi ra khỏi lâu đài, thầm thề với Chúa rằng sẽ không bao giờ có gì bắt được ông dại dột trở thành anh ngốc như hôm nay nữa, và nhất định từ nay sẽ không nghe theo vợ, nhất là khi bà ta tưởng ai đang thầm yêu ai đấy. Ông sẽ nói thẳng, nói hết với bà như thế.

VII

Có thời chàng định đốn cây thanh lương trà mảnh và thẳng này làm cần câu. Nhiều năm trôi qua, và bây giờ nó đã lớn bằng bắp tay. Chàng nhìn nó với vẻ ngạc nhiên rồi đi tiếp.

Phía trên, dọc hai bên bờ sông vẫn là những đám dương xỉ mọc dầy, thành một bãi dài, súc vật đi lại thành đường mòn, lá toả ra che cả mặt đường. Như ngày còn trẻ, Juhannes đưa tay vạch lá đi qua bãi dương xỉ, thận trọng đặt từng bước chân một. Châu chấu và thằn lằn vội vã nhảy sang bên khi nghe tiếng bước chân khổng lồ

của chàng.

Trên kia, ở mỏ đá bỏ hoang, hoa anemôn, hoa tím và hoa mận gai đã nở. Chàng hái hoa. Mùi hoa quen thuộc đưa chàng trở lại những năm tháng đã qua. Phía xa xa là những hình vòm xanh của làng bên. Có tiếng các con cúc cu gọi bầy bên kia bờ vịnh. Chàng ngồi xuống một tảng đá, ngồi một chốc rồi bắt đầu hát. Bỗng chàng nghe có tiếng chân người bước trên con đường nhỏ phía dưới.

Đang hoàng hôn. Mặt trời đã lặn, nhưng cái nóng vẫn treo lơ lửng trong không khí.

Khu rừng, những ngọn đồi và bờ vịnh đều yên tĩnh một cách lạ lùng. Một phụ nữ đang đi theo con đường nhỏ dẫn lên mỏ đá bỏ hoang. Người ấy là Victôria. Tay nàng xách chiếc giỏ.

Juhannes đứng dậy cúi chào rồi định bỏ đi.

– Tôi không muốn làm phiền anh. – Nàng nói.

– Tôi chỉ muốn hái hoa ở đây.

Chàng không đáp. Chàng không nghĩ tới việc trong vườn nhà nàng có rất nhiều hoa.

– Tôi mang giỏ theo người, – nàng nói tiếp, – nhưng có thể tôi sẽ chẳng hái được bông hoa nào cả. Hái cho khách. Để cắm ở bàn ăn. Nhà chúng tôi sắp có khách.

– Kia, hoa anemôn và hoa tím kia! – Chàng nói. – Còn cao hơn chút nữa có cây hoa bia mọc. Nhưng bây giờ chưa phải là lúc hoa bia nở. Còn quá sớm.

– So với ngày tôi gặp anh lần cuối, nay trông anh có vẻ nhợt nhạt hơn, – Victôria nói. – Đã hai năm rồi. Người ta nói với tôi rằng anh đã đi ra nước ngoài. Tôi có đọc những cuốn sách của anh.

Chàng vẫn tiếp tục ngồi im. Chàng nghĩ có lẽ chàng nên nói: “Tạm biệt tiểu thư” rồi bỏ đi thì hơn. Từ chỗ chàng đứng đến hòn đá bên cạnh chỉ một vài bước và thêm một bước nữa thì đến con đường nhỏ nơi nàng đang đứng – từ đây xuống đồi rất dễ. Nhưng nàng đang đứng chắn đường chàng. Nàng mặc chiếc áo màu vàng, đội mũ đỏ, trông thật huyền bí và xinh đẹp. Cổ nàng để hở.

– Tôi đang cản đường cô đi, – chàng nói rồi bước xuống một bước. Chàng cố giữ không để lộ rằng chàng đang hồi hộp.

Bây giờ họ chỉ còn cách nhau một bước chân. Nhưng nàng vẫn không tỏ ra muốn nhường đường cho chàng. Mắt hai người gặp nhau. Bỗng nhiên má nàng đỏ ửng. Nàng cúi xuống rồi bước sang. Mặt nàng lộ vẻ bối rối, tuy nàng vẫn cười.

Chàng đi ngang qua nàng, nhưng rồi đứng lại. Nụ cười buồn bã ấy của nàng đã làm chàng do dự. Trái tim chàng lại hướng về nàng, và chàng nói ngay câu đầu tiên lúc ấy chàng nghĩ đến:

– Chắc từ dạo ấy đến nay cô thường lên thành phố luôn? Từ dạo ấy, khi… Bây giờ tôi đã nhớ ra ngày xưa ở đâu có nhiều hoa – trên ngọn đồi, quanh cột cắm cờ của nhà cô.

Nàng quay về phía Juhannes, và chàng lấy làm ngạc nhiên khi thấy nàng đang xúc động, mặt tái nhợt.

– Mời anh tới nhà chúng tôi, – nàng nói. – Lúc nào đó hãy tới thăm chúng tôi. Chúng tôi hiện đang chờ khách, – nàng nói tiếp, má còn đỏ hơn trước. – Khách từ thành phố tới. Mấy bữa nay thôi. Tôi sẽ cho anh biết cụ thể sau. Anh tới chứ, anh nói đi.

Chàng không đáp. Không có chỗ cho chàng giữa đám khách khứa của nàng. Chàng và họ không có gì chung với nhau.

– Tôi xin anh đừng từ chối. Anh sẽ không buồn đâu, tôi đã suy nghĩ kĩ. Tôi sẽ dành cho anh một món quà bất ngờ.

Im lặng.

– Cô sẽ chẳng làm được tôi ngạc nhiên thêm nữa bằng bất kì món quà bất ngờ nào.

Nàng khẽ cắn môi. Nụ cười đau buồn lại thoáng qua mặt.

– Anh muốn gì ở tôi? – Nàng hỏi, khẽ đến mức hầu như không thành tiếng.

tiếng.

– Thưa tiểu thư Victôria, tôi chẳng cần gì ở tiểu thư cả. Chỉ đơn giản là tôi ngồi nghỉ trên đá, và đang sẵn sàng bỏ đi.

– Còn tôi thì đi dạo trong rừng, suốt ngày đi dạo trong rừng và vô tình tới đây. Lúc nãy tôi có thể đi đường khác, dọc bờ sông, nếu thế chắc bây giờ không ở đây, nơi…

– Thưa tiểu thư, khu rừng này là của tiểu thư, chứ không phải của tôi.

– Juhannes, trước đây tôi đã làm anh đau khổ, bây giờ tôi muốn sửa chữa lại lỗi lầm của mình. Đúng là tôi có chuẩn bị một món quà bất ngờ cho anh thật, và tôi nghĩ… Tôi hi vọng rằng anh sẽ rất vui. Ngoài ra, tôi chẳng còn biết nói gì nữa. Nhưng tôi tha thiết mong anh đến.

– Nếu điều ấy làm cô vui, tôi sẽ đến.

– Anh đến thật chứ?

– Vâng, cảm ơn vì cô đã mời.

Rồi chàng quay người đi xuống theo con đường nhỏ tắt qua rừng. Victôria vẫn ngồi trên tảng đá, chiếc giỏ bên cạnh. Juhannes không về nhà mà đi đi lại lại trên con đường ấy. Hàng nghìn ý nghĩ đang chen chúc trong đầu chàng. Điều bất ngờ à? Chính nàng nói như thế, nói cách đây một phút, và giọng nàng run run. Một niềm vui hồi hộp bỗng trỗi dậy trong chàng. Trái tim chàng đập mạnh, dồn dập, và chàng có cảm giác như đang mọc cánh. Có thể không phải ngẫu nhiên nàng mặc áo vàng hôm nay? Chàng đã kịp nhìn tay nàng – lần trước đeo nhẫn, nay thì không.

Một giờ trôi qua. Hơi ẩm của rừng và đất bốc lên xung quanh, chui vào ngực, vào tim chàng. Chàng ngồi xuống, ngả người về phía sau, gối đầu vào hai tay và lắng nghe tiếng chim cu ở bờ bên kia. Không khí tràn ngập tiếng chim hót.

Thế là tất cả lại bắt đầu một lần nữa. Khi xuất hiện ở mỏ đá trong chiếc áo vàng và chiếc mũ đỏ thẫm như máu, trông nàng giống một con bướm mùa hè sặc sỡ đang bay từ tảng đá này đến tảng đá khác. Rồi bỗng nhiên nàng đứng lại trước chàng. “Tôi không định làm phiền anh”, – nàng nói rồi mỉm cười, đôi môi đang cười màu đỏ, khuôn mặt nàng bừng sáng, đôi mắt long lanh như hai vì sao. Trên cổ nàng xuất hiện những đường gân nhỏ màu xanh, một vài nốt ruồi dưới mắt có vẻ càng làm làn da nàng ấm áp. Năm nay nàng hai mươi tuổi.

Món quà bất ngờ à? Nàng định làm gì vậy? Có thể nàng sẽ cho chàng xem những cuốn sách của chàng chăng? Nàng sẽ đặt trước mặt chàng hai ba tập sách làm chàng vui bằng cách nói là nàng đã mua chúng, thậm chí còn rọc ra đọc. Đây, xin mời, đây là một bằng chứng nhỏ chứng tỏ tôi chú ý và thông cảm với anh. Xin anh đừng coi thường nó.

Chàng vụt đứng dậy và ngạc nhiên đến lặng người, Victôria đang quay lại, chiếc giỏ của nàng trống rỗng.

– Cô không hái được hoa à? – Chàng hỏi, vẫn nghĩ về chuyện của mình.

– Không. Tôi không tìm hoa. Tôi chỉ ngồi trên đá…

– À, mà nhân tiện tôi muốn nói với cô, – chàng nói, – rằng cô đừng nghĩ là cô đã gây cho tôi đau khổ. Cô chẳng có gì phải hối lỗi, sửa chữa hay an ủi tôi cả.

– Vấn đề không phải ở chỗ ấy, – nàng lơ đãng nói. Rồi chợt nghĩ đến điều đó, nàng liếc nhìn chàng, vẻ tư lự. – Hoàn toàn không phải thế. Đơn giản là tôi có cảm giác rằng lúc ấy… Tôi không muốn anh để bụng giận tôi vì những gì xảy ra lần nọ.

– Tôi không hề giận cô.

Nàng nghĩ ngợi thêm trong chốc lát. Bỗng nhiên nàng đứng thẳng người.

– Thôi được, thế càng tốt, – nàng nói, – đó là một bài học cho tôi sau này. Đối với anh điều ấy cũng chẳng phải là một sự đau khổ quá lớn. Nói như thế đủ rồi.

– Tuỳ cô. Còn về nỗi buồn của tôi thì cô hoàn toàn không quan tâm tới, trước kia cũng như bây giờ.

– Tạm biệt, – nàng nói. – Tạm biệt.

– Tạm biệt, – chàng đáp.

Rồi họ bỏ đi, mỗi người một ngả. Chàng đứng lại ngoái nhìn. Nàng vẫn đi tiếp. Chàng chìa tay, khẽ thì thầm nhắc đi nhắc lại những lời âu yếm: “Anh không hề giận em, không! Anh yêu em như trước đây. Rất yêu…”. Rồi bỗng chàng kêu to: “Victôria!”.

Nàng nghe thấy, khẽ rùng mình, ngoái đầu nhưng không đứng lại.

Thêm mấy ngày nữa trôi qua. Sự thanh thản hoàn toàn bỏ rơi Juhannes. Chàng không làm việc, không ngủ và hầu như suốt ngày ở trong rừng. Một lần chàng leo lên ngọn đồi cao thông phủ kín, nơi có cột cờ của lâu đài: Ngọn cờ đã được cắm lên đấy. Trên đỉnh tháp tròn của lâu đài cũng có một ngọn cờ như thế.

Chàng bỗng cảm thấy lo lắng một cách khó hiểu. Sẽ có khách tới lâu đài, sẽ có lễ hội lớn.

Hôm ấy trời nóng, dòng sông lặng lẽ chảy qua những quả đồi hoang đứng im vì nóng nực. Một con tàu tiến lại gần bờ, để lại phía sau những cuộn bọt sóng màu trắng hình quạt. Có bốn cỗ xe ngựa phóng ra từ sân lâu đài rồi bắt đầu chạy xuống về phía bến.

Con tàu cập bến. Các quý ông, quý bà bước lên xe ngựa. Từ phía lâu đài vọng tới những tiếng súng nổ chào mừng. ở đấy có hai người đàn ông cầm súng săn đang liên tiếp cho đạn vào nòng bắn, rồi lại cho đạn vào nòng bắn tiếp. Đúng phát thứ hai mươi mốt những cỗ xe ngựa chạy qua cổng vào lâu đài, và họ ngừng bắn.

Quả thế thực, trong lâu đài sẽ có tiệc tùng vui vẻ, khách được đón bằng cờ và các tràng súng. Trong xe có những người nào đấy mặc quân phục đang ngồi, có thể trong số đó có cả chàng trung uý Ôttô.

Juhannes đi từ đồi xuống và bước về nhà. Một người từ lâu đài đuổi kịp chàng. Người này giấu một bức thư trong mũ, thư của tiểu thư Victôria. Tiểu thư đang chờ chàng trả lời.

Với trái tim đập rộn, Juhannes hồi hộp đọc thư nàng. Victôria vẫn một mực mời chàng tới nhà. Nàng viết cho chàng những lời thật cảm động, và yêu cầu chàng phải tới. Nàng muốn mời chàng tới dự lễ đúng ngày hôm nay, và chờ chàng trả lời nàng qua người này.

Thế đấy, một hạnh phúc bất ngờ như thế lại đến với Juhannes. Máu đổ dồn lên mặt chàng. Chàng nói với người kia rằng chàng nhờ chuyển lời cảm ơn, và rằng chàng sẽ tới, tới ngay bây giờ.

– Cho anh đấy, cầm lấy!

Chàng giúi cho người kia một món tiền thưởng hậu hĩnh, rồi chạy vụt về nhà thay quần áo.

VIII

Lần đầu tiên trong đời Juhannes bước qua ngưỡng cửa vào lâu đài, và theo cầu thang leo lên tầng hai. Phòng khách đang nhộn nhạo tiếng nói. Trái tim chàng đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Chàng gõ cửa rồi bước vào.

Bà chủ lâu đài, một phụ nữ còn trẻ, ra đón chàng, chào mời một cách lịch sự rồi bắt tay chàng. Rất lấy làm hân hạnh – bà ta biết chàng từ lúc hẵng còn bé tí… thế mà bây giờ chàng đã lớn thế này… Hình như bà còn muốn nói thêm điều gì nữa. Bà cầm tay Juhannes trong tay mình, nhìn chàng với vẻ dò xét.

Ông chủ lâu đài cũng đi lại chìa tay cho chàng. Bà chủ nói đúng – bây giờ chàng lớn thật. Và không chỉ về tuổi tác. Chàng bây giờ đã là một người nổi tiếng. Rất vui mừng được đón tiếp…

Người ta giới thiệu Juhannes với khách, với quan chưởng ấn đang mang đầy huân chương, với vợ ông, với ông chủ điền trang bên cạnh và với trung uý Ôttô. Không thấy Victôria ở đâu. Một chốc sau Victôria xuất hiện, nhợt nhạt và có vẻ lúng túng. Nàng dẫn theo mình một cô gái trẻ. Họ bước vào phòng, chào hỏi mọi người, ai cũng nói với họ một vài lời. Sau đó họ đến đứng trước Juhannes.

Victôria mỉm cười nói với chàng:

– Đây là Camilla, lẽ nào không phải là điều bất ngờ? Hai anh chị có biết nhau mà, phải không?

Nàng đứng nhìn họ, và một chốc sau bỏ ra ngoài.

Phút đầu tiên, vì bất ngờ Juhannes cảm thấy lưỡi chàng dính chặt trong miệng. Thế đấy, món quà bất ngờ của Victôria là thế đấy. Là người tốt bụng, nàng đã tìm một người khác cho Juhannes thay nàng. Nào, hai bạn thân mến của tôi, xin mời. Chúc các bạn tình yêu và hạnh phúc! Đang mùa xuân đẹp đẽ, mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Nếu thích, các bạn có thể mở tung cửa sổ vì khu vườn đang ngào ngạt hương hoa, còn trên những ngọn cây cao chim sáo đã bắt đầu làm tổ. Nào, sao các bạn lại im lặng? Hãy mỉm cười với nhau đi.

– Vâng, tất nhiên là chúng tôi quen nhau, – Camilla đáp, không hề lúng túng. – ở vùng này, ngày xưa anh ấy đã cứu tôi khỏi chết đuối.

Camilla thật trẻ trung, trong sáng và vui vẻ. Nàng mặc chiếc áo màu hồng, nàng vừa tròn mười bảy tuổi. Bình tĩnh trở lại, Juhannes cũng bắt đầu cười và cũng pha trò. Và thật sự nghe những lời nói hồn nhiên, sung sướng của Camilla, dần dần chàng cũng vui lên. Hai người tán gẫu với nhau khá lâu, trái tim chàng đã đập đều hơn trước. Nàng vẫn còn giữ cái thói quen đáng yêu của trẻ con là khi nghe chàng nói, đầu hơi ngoẹo sang một bên.

Victôria lại quay vào, dắt tay chàng trung uý đến trước Juhannes và nói:

– Chắc anh biết Ôttô, chồng chưa cưới của tôi. Anh còn nhớ anh ấy chứ?

Tất nhiên hai người còn nhớ nhau. Họ nói một vài câu cần nói trong những trường hợp tương tự, rồi cúi chào, mỗi người đi một nơi.

Còn lại một mình Juhannes và Victôria. Chàng hỏi:

– Đó là món quà bất ngờ của cô à?

– Vâng, – nàng vội đáp, vẻ buồn buồn. – Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được, ngoài ra, tôi chẳng còn biết làm gì hơn. Đừng làm bộ nữa, tốt hơn là hãy cảm ơn tôi đi. Tôi thấy anh đang vui đấy.

– Cảm ơn cô. Vâng, tôi đang vui.

Một s

sự tuyệt vọng tột độ như bóp chặt cổ họng Juhannes, tất cả máu dồn lên mặt. Gì thì gì, phải công nhận rằng nàng đã không để chàng thiệt: ngày xưa nàng gây cho chàng đau khổ, nhưng bây giờ nàng đang đền bù cho chàng thật hậu hĩnh để chuộc lại lỗi lầm của mình. Chàng thật sự biết ơn nàng.

– Hôm nay tôi lại thấy cô đeo nhẫn, – chàng khẽ nói. – Đừng bao giờ cởi nó ra nữa.

Im lặng.

– Tôi sẽ chẳng cởi nó ra nữa, – nàng đáp.

Họ nhìn chăm chăm vào mặt nhau. Môi Juhannes run run. Chàng hất đầu chỉ về phía Ôttô rồi nói, giọng khàn khàn và thô lỗ:

– Thưa tiểu thư Victôria, tiểu thư thật tinh trong việc chọn người. Anh ta đẹp trai, vai rộng, lại đeo ngù vàng.

Nàng bình tĩnh đáp lại:

– Không, anh ấy không đẹp trai chút nào, nhưng là người rất có giáo dục. Mà điều ấy không phải không quan trọng.

– Cảm ơn! – Chàng phá lên cười to rồi đủng đỉnh nói thêm: – Còn túi anh ta thì đầy tiền. Điều ấy lại càng quan trọng.

Victôria lập tức bỏ đi.

Như người mất hồn, chàng vật vờ đi lại giữa phòng khách. Camilla kể chuyện gì đó rồi hỏi chàng vài câu, nhưng chàng không nghe và không trả lời. Nàng lại nói thêm điều gì nữa, thậm chí chạm tay vào người chàng và nhắc lại câu hỏi của mình, nhưng chàng vẫn không đáp lại.

– Anh ấy suy nghĩ gì thế nhỉ? – Camilla vừa cười vừa khẽ kêu lên. – Lúc nào cũng suy nghĩ, suy nghĩ.

– Anh ấy muốn được ở một mình, – Victôria đáp. – Anh ấy cũng đuổi cả tôi đi. – Rồi bỗng nhiên nàng lại gần Juhannes và cao giọng nói thêm: – Chắc anh ấy đang nghĩ cách xin lỗi tôi thế nào cho tốt nhất. Đừng quan tâm tới điều ấy. Ngược lại, chính tôi phải xin lỗi anh vì mãi bây giờ mới mời anh đến chơi. Đó là một sơ ý lớn của tôi. Tôi quên mất anh, may mà phút cuối cùng chợt nhớ ra. Mà thôi, hi vọng anh sẽ tha thứ cho tôi, quả là tôi bận nhiều việc quá.

Juhannes ngơ ngác nhìn nàng, không hiểu gì, còn Camilla thì ngạc nhiên hết nhìn người này đến nhìn người khác. Victôria đứng trước chàng, bình tĩnh, nhợt nhạt, mặt nàng lộ vẻ hài lòng. Nàng đã trả thù được chàng.

– Đàn ông bây giờ thế đấy. – Nàng quay sang nói với Camilla. – Không thể đòi hỏi nhiều ở họ được. Ông chồng chưa cưới của tôi ngồi đằng kia nói chuyện về việc săn hươu, còn ở đây thì anh nhà thơ đang bận suy nghĩ sáng tác… Hỡi nhà thơ, xin nhà thơ hãy nói với chúng tôi một đôi lời!

Juhannes rùng mình, gân xanh nổi lên hai bên thái dương!

– Thế à? Cô yêu cầu tôi nói đôi lời? Sẵn sàng!

– Ồ không, không cần.

Rồi nàng tỏ ý muốn bỏ đi.

– Để đi thẳng vào việc, – chàng mỉm cười nói, với vẻ dễ dãi, mặc dù giọng chàng run run, – để khỏi vòng vèo thêm nữa, xin hỏi tiểu thư Victôria, có phải cách đây không lâu, chính tiểu thư cũng yêu, phải không ạ?

Một sự im lặng chết chóc kéo dài trong mấy giây. Cả ba người đều nghe rõ tiếng tim mình đập mạnh. Camilla hoảng sợ, vội vàng đỡ lời:

– Tất nhiên là thế, Victôria đã yêu, yêu chồng chưa cưới của mình. Họ đã làm lễ đính hôn với nhau cách đây không lâu, lẽ nào anh không biết điều ấy?

Cửa vào phòng ăn được mở toang.

Juhannes tìm thấy chỗ của mình ở bàn ăn và đến đứng cạnh. Dãy bàn ăn lắc lư, chao đảo trước mặt chàng. Chàng nhìn thấy những khuôn mặt xa lạ, và nghe đủ các giọng nói xen lẫn nhau.

– Xin lỗi, – bỗng có giọng của Victôria sau lưng Juhannes.

Chàng né sang một bên.

Nàng cầm lấy tấm thiếp ghi tên Juhannes đưa gần về cuối dãy bàn thêm bảy chỗ ngồi nữa, cạnh chỗ một ông già vốn trước kia là gia sư của lâu đài và nổi tiếng là người thích uống rượu. Còn tấm thiếp của người bị Juhannes thay thế được Victôria đem đến đặt ở chỗ trước đấy của chàng. Sau đó nàng mới ngồi xuống chỗ của mình.

Juhannes nhìn thấy tất cả những điều ấy. Bà chủ nhà bối rối vội vã mời khách ngồi xuống đầu dãy bàn bên kia, cố tránh không bắt gặp ánh mắt chàng.

Ngạc nhiên và lúng túng, Juhannes thẫn thờ đi đến chỗ mới của mình. Còn chỗ lúc đầu định dành cho chàng thì bây giờ dành cho một chàng trai ở hai ống tay áo có những chiếc măng sét bằng kim cương. Anh ta là bạn của Đitlef từ thành phố tới. Bên trái anh ta là Victôria, còn bên phải là Camilla.

Bữa tiệc bắt đầu.

Ông giáo già nói có biết Juhannes từ ngày còn nhỏ. Hai người trò chuyện với nhau. Ông giáo kể là ông thời trẻ cũng làm thơ, và ông vẫn giữ được những bài thơ ấy cho đến bây giờ, có dịp ông sẽ cho chàng xem. Còn hôm nay ông được mời đến lâu đài dự cuộc vui này nhân dịp lễ đính hôn của Victôria. Vì tình cũ, ông chủ, bà chủ đã dành cho ông cái vinh hạnh bất ngờ ấy.

– Tôi chưa được đọc các cuốn sách của anh, – ông nói với Juhannes. – Khi hứng đọc, tôi chỉ đọc các tác phẩm của chính tôi. Trong ngăn kéo bàn làm việc, tôi có một số truyện ngắn và thơ tôi viết. Khi tôi chết, chúng sẽ được in. Cứ để độc giả lúc ấy sẽ biết tôi là người thế nào. Mà thôi, chẳng cần nói tới điều ấy, chúng tôi, các nhà văn thuộc thế hệ già, bây giờ có ăn nhập gì với lớp trẻ bây giờ đâu. Vì vậy, chúng tôi chẳng công bố tác phẩm của mình vội. Nào, xin uống mừng sức khoẻ anh.

Bữa tiệc tiếp tục. Ông chủ lâu đài gõ gõ vào chiếc cốc của mình rồi đứng dậy. Khuôn mặt xương xương, kiêu kì của ông lộ vẻ hồi hộp – rõ ràng là ông đang rất hạnh phúc. Juhannes cúi thấp đầu. Cốc chàng đã cạn, chẳng ai rót rượu cho chàng. Chàng tự rót lấy, rót thật đầy rồi lại cúi xuống bàn ăn. Thế đấy!

Ông chủ nói lâu và khá hùng biện, nhiều tiếng kêu sung sướng vang lên mừng ông – thế là cuộc đính hôn đã được chính thức công bố: từ khắp nơi mọi người tranh nhau chúc mừng con gái ông chủ lâu đài và con trai quan chưởng ấn.

Juhannes lại nốc cạn cốc rượu của mình.

Mấy phút sau sự hồi hộp lắng xuống, chàng bắt đầu bình tĩnh trở lại. Rượu sâm banh ấm áp chạy khắp cơ thể chàng. Chàng nghe thấy quan chưởng ấn đáp lời, và lần nữa lại vang lên tiếng chạm cốc, tiếng kêu “Ural!”. Một lần chàng quay nhìn sang Victôria – mặt nàng tái nhợt và như đang buồn bã điều gì; nàng không ngước nhìn lên. Nhưng Camilla lại gật đầu và mỉm cười với chàng. Chàng cũng gật đầu đáp lại.

Còn ông giáo già ngồi cạnh thì vẫn thao thao bất tuyệt.

– Vui, thật vui khi thấy đôi bạn trẻ này thành vợ thành chồng với nhau. Tôi thì không được số phận chiều chuộng cho lắm. Thời trẻ, khi còn là một sinh viên, tôi có rất nhiều triển vọng để tiến xa, tôi có một tài năng hiếm có! Bố tôi xuất thân từ một gia đình cao quý, nhà ra nhà, tiền hàng đống, còn tàu bè của riêng chúng tôi thì không đếm xuể. Vì vậy mà tôi nói rằng lúc ấy một tương lai sáng sủa đang chờ tôi trước mặt. Người yêu của tôi cũng trẻ và là con cái một gia đình tử tế. Thế rồi sao? Tôi đi tới gặp nàng, bộc lộ hết trái tim mình. “Không!” – Nàng bảo tôi như thế. “Anh hiểu chứ? Không”, – nàng nói, – “tôi không đồng ý lấy anh!” Không sao, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được. Tôi tiếp tục học, và đón nhận cú đòn ấy như một người đàn ông chân chính. Nhưng rồi bố tôi gặp vận không may – tàu đắm, hối phiếu xuống giá… nói tóm lại là bố tôi đã phá sản. Tôi thì sao? Tôi cũng dũng cảm đón nhận cú đòn này như một người đàn ông chân chính! Còn cô kia thì bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn. Cô ấy trở lại thành phố và tìm đến tôi. Anh thử đoán xem cô ấy cần gì ở tôi? Lúc này tôi đã thành một người nghèo, một anh giáo quèn, mọi ước mơ về tương lai đều sụp đổ, thơ tôi viết thì xếp xó trong ngăn kéo bàn làm việc. Thế mà đúng lúc ấy cô nàng tìm đến và nói là đồng ý lấy tôi. Lấy tôi!

Ông giáo nhìn Juhannes, hỏi:

– Anh có hiểu nổi một người như thế không?

– Còn ông, ông không đồng ý à?

– Tôi hỏi anh, lẽ nào tôi có thể đồng ý lấy cô ấy? Tôi là một thằng nghèo, nghèo rớt mùng tơi với đồng lương của anh giáo, hút thuốc loại rẻ tiền, mà cũng chỉ những ngày chủ nhật mới dám hút! Tôi có thể làm gì được? Tôi không được phép bắt cô ấy phải chịu một cuộc sống như thế. Nào, anh nói đi, anh có thể hiểu được một người như cô ấy không? Sau đấy cô ấy ra sao?

– Quỷ bắt anh đi! Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi. Cô ấy lấy chồng, lấy một ông đại uý. Một năm sau thì lấy. Đại uý pháo binh. Nào, xin uống mừng sức khoẻ anh!

– Người ta nói có một loại phụ nữ bao giờ cũng tìm ai đấy để họ che chở và thông cảm. Khi người đàn ông hạnh phúc, họ căm ghét anh ta vì thấy họ là người thừa, nhưng hễ anh ta gặp nạn và đau khổ là lập tức họ tìm đến, sẵn sàng làm vợ anh ta.

– Nhưng tại sao cô ấy lại từ chối tôi khi tôi đang hạnh phúc? Về tương lai, tôi có đủ điều kiện thuận lợi, không kém một hoàng tử chính cống.

– Ai biết được. Chắc cô ấy chờ đến khi ông cúi đầu cam chịu.

– Nhưng tôi đã không cúi đầu. Chưa một lần nào. Tôi giữ được lòng tự trọng và đã không chấp nhận sự hi sinh của cô ấy. Anh có thể nói gì về điều này?

Juhannes im lặng.

– Cũng có thể anh nói đúng, – ông giáo già nói tiếp. – Thề có Chúa trên cao rằng anh nói đúng, – ông bỗng kêu lên và lại uống cạn cốc rượu. – C

Cuối cùng, cô ấy đã lấy một ông già đại uý làm chồng, chăm sóc, bón cho ông ta ăn từng thìa như đứa trẻ, và trở thành người điều hành mọi chuyện trong nhà ông ta. Trong nhà ông đại uý pháo binh!

Juhannes ngước mắt nhìn lên. Tay cầm chặt cốc rượu, Victôria đang nhìn chàng. Sau đó nàng giơ cao cốc rượu. Chàng luống cuống và cũng vội cầm lấy cốc rượu của mình. Tay chàng run run.

Thấy vậy nàng phá lên cười rồi quay sang nói rất to và nâng cốc với láng giềng của chàng. Người láng giềng đó chính là ông giáo già.

Juhannes đặt chiếc cốc xuống bàn rồi mỉm cười một cách ngơ ngác và tội nghiệp. Khách khứa ai cũng quay lại nhìn chàng.

Ông giáo già cảm động đến ứa nước mắt trước sự quan tâm của cô học trò. Ông vội vàng uống cạn cốc rượu.

– Và cứ thế tôi sống cho đến tuổi già thế này, – ông nói tiếp. – Tôi đi một mình lang thang trên đời, cô đơn và không ai biết đến. Số phận đời tôi thế đấy. Không người nào hiểu được cái gì đang nằm sâu trong tâm hồn tôi, không người nào thấy tôi than vãn học trò. Mà phải nói đâu xa, cứ lấy con chim ngói làm thí dụ chẳng hạn. Anh có biết cái con chim khi nào cũng buồn ấy sẽ chẳng bao giờ chịu uống nước trong từ suối, mà trước khi uống, nó phải khoắng đục đã không?

– Không, tôi không biết điều ấy.

– Thế thì tiếc thật. Nhưng thực tế đúng như vậy. Tôi cũng giống con chim ấy. Tôi đã không lấy làm vợ người đàn bà tôi mong muốn. Nhưng trong đời, tôi cũng có những cái vui của tôi. Thế mà tôi thường cố tình phá hoại chúng. Bao giờ tôi cũng khuấy đục chúng lên. Nhưng được cái sau này tôi chẳng còn sợ sự thất vọng đe doạ nữa. Anh hãy nhìn Victôria đang ngồi kia. Cô ấy vừa uống mừng sức khoẻ tôi. Tôi từng là thầy dạy học của cô ấy, bây giờ cô ấy lấy chồng, và tôi vui mừng, vui mừng một cách chân thành, như thể cô ấy là con tôi vậy. Rất có thể có lúc nào đấy tôi sẽ dạy con cái cô ấy học. Vâng, nói gì thì nói, cuộc đời vẫn còn nhiều điều vui. Mà rồi anh biết không, nhân tiện anh nói về lòng thương phụ nữ, càng nghĩ tôi càng thấy anh nói đúng… Quỷ tha ma bắt tôi đi, anh nói đúng thật mà… ấy, xin lỗi, chờ cho một chút.

Nói đoạn, ông giáo già đứng bật dậy, túm lấy cốc rượu rồi đi về phía Victôria. Lúc này ông đã không còn đứng vững nữa, và vừa đi vừa cúi gập xuống.

Hết người này đến người khác thay nhau đứng dậy nói lời chúc mừng và đề nghị nâng cốc. Anh chàng trung uý nói xong, đến lượt ông chủ điền trang bên cạnh nâng cốc mời mọi người uống vì phụ nữ và vì bà chủ nhà. Rồi bỗng nhiên anh thanh niên có măng sét kim cương đứng dậy, nhắc tên Juhannes. Anh ta nói như thể anh ta được phép thay mặt nhiều người chúc mừng nhà thơ trẻ của thế hệ trẻ ngày nay. Đó là sự biết ơn chân thành của những người cùng tuổi với Juhannes, những lời nói đầy ngưỡng mộ và kính trọng.

Juhannes không dám tin vào điều chàng nghe. Chàng khẽ nói với ông giáo:

– Anh ấy nói về tôi đấy à?

– Vâng, anh ta đã nhanh hơn tôi. Chính tôi đang định đứng lên nâng cốc chúc mừng anh đấy. Sáng nay Victôria có yêu cầu tôi làm việc đó.

– Ai nhờ bác?

Ông giáo già nhìn thẳng vào mắt chàng.

– Không ai nhờ tôi cả.

Trong khi anh kia nói, mọi con mắt đều hướng về Juhannes, thậm chí cả ông chủ lâu đài cũng gật đầu với chàng, còn bà chưởng ấn thì đưa ống nhòm lên nhìn. Anh kia nói xong, mọi người cùng uống cạn cốc.

– Sao, đáp lại anh ta đi chứ? – Ông giáo bảo chàng. – Anh ta đã nâng cốc mừng anh, đáng lẽ làm việc ấy phải là tôi, người bạn văn chương già của anh mới phải. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với những nhận xét của anh ta về anh. Hoàn toàn không.

Juhannes nhìn về phía Victôria đang ngồi. Chính nàng đã nhờ chàng trai có măng sét kim cương kia nói về chàng. Nhưng vì sao? Lúc đầu nàng nhờ người khác, nghĩa là ngay từ sáng sớm nàng đã có ý nghĩ ấy. Vì sao? Còn bây giờ nàng đang ngồi cúi đầu, mặt không để lộ tình cảm gì.

Rồi bỗng nhiên một sự xúc động sâu xa ập đến làm mờ mắt chàng. Chàng những muốn chạy ào đến quỳ xuống cảm ơn nàng, cảm ơn nàng vô tận. Chàng sẽ làm điều ấy khi mọi người đứng dậy khỏi bàn.

Với nụ cười rạng rỡ trên môi, Camilla nói chuyện không ngớt với những người ngồi cạnh. Nàng rất thỏa mãn, vì ở cái tuổi mười bảy của mình, nàng còn chưa biết gì ngoài những điều vui sướng. Nàng gật đầu mấy cái liền với Juhannes và ra hiệu bảo chàng đứng dậy.

Và chàng đứng dậy.

Chàng nói ngắn gọn bằng giọng trầm và xúc động. Trong buổi lễ hôm nay mà ngôi nhà này đã tổ chức để mừng một sự kiện trọng đại của gia đình, thậm chí một người ngoài xa lạ như chàng cũng được mọi người chú ý tới. Chàng muốn cảm ơn người đầu tiên có ý định mời chàng, và người đã nói về chàng những lời tốt đẹp như vậy. Và chàng cũng không thể không cảm ơn tất cả những người có mặt hôm nay vì họ đã lắng nghe những lời khen kia về chàng, một người xa lạ. Chàng nghĩ lí do duy nhất chàng được mời tới dự ngày lễ long trọng này là vì chàng là con trai của người láng giềng sống trong rừng, cách lâu đài không xa…

– Đúng thế! – Bỗng Victôria kêu lên, mắt long lanh.

Mọi người quay lại nhìn nàng. Mặt nàng đỏ bừng, ngực phập phồng. Juhannes im bặt. Một sự im lặng bất tiện kéo dài.

– Victôria! – Ông chủ lâu đài ngạc nhiên lên tiếng.

– Nói tiếp nữa đi! – Nàng lại kêu to. – Vâng, đó là nguyên nhân duy nhất. Được, mời anh nói tiếp. – Rồi bất chợt đôi mắt nàng cụp xuống. Nàng mỉm cười một cách bất lực và khẽ lắc đầu. Sau đó, quay sang bố, nàng giải thích: – Con cố tình làm thế… chả là anh ta cứ vờ khiêm tốn mãi. Nhưng con không hề có ý định ngắt lời anh ta…

Nghe lời giải thích ấy của nàng, Juhannes lập tức bình tĩnh trở lại. Trái tim chàng đập rất mạnh. Chàng nhận thấy bà chủ lâu đài đang nhìn Victôria, nước mắt rưng rưng, với vẻ buồn tiếc vô hạn.

– Tiểu thư Victôria nói đúng, – Juhannes nói tiếp. Quả thật chàng chẳng việc gì phải hạ thấp mình như thế. Nàng đã có nhã ý nhắc chàng biết rằng đối với con cái ông chủ lâu đài, chàng không chỉ là con trai ông lão láng giềng, mà còn là bạn của họ. Vì vậy mà chàng được mời có mặt hôm nay. Cảm ơn tiểu thư Victôria – nàng đã nói đúng. Vùng này là quê hương của chàng. Những khu rừng quanh lâu đài có thời từng là một phần của thế giới chàng đang sống, bên ngoài chúng là những đất nước xa lạ, là cuộc sống đầy những chuyện phiêu lưu kì thú. Ngày ấy Victôria và Đitlef thường mời chàng tham gia các trò chơi hay các cuộc dạo chơi của họ. Đó là kỉ niệm đầy ấn tượng nhất về tuổi thơ của chàng. Sau này nhớ lại, chàng hiểu những giây phút ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong đời chàng, đó là điều không ai có thể nghi ngờ. Và nếu những lời được nói ở đây hôm nay là đúng, và nếu trong các cuốn sách chàng viết thỉnh thoảng có loé lên một vài tia sáng, thì đó chính là những tia sáng do kí ức về tuổi thơ để lại. Đó là ánh phản quang của cái hạnh phúc mà hai người bạn này của chàng đã ban cho chàng thời bé. Chính vì vậy mà chàng phải nói rằng trong những gì chàng đã viết, có một phần đóng góp không nhỏ của họ. Chàng xin được cùng mọi người chúc mừng nàng những điều tốt lành nhất nhân ngày lễ đính hôn, đồng thời chân thành cảm ơn hai người con thừa kế của ông chủ lâu đài đã cho chàng những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc, khi không có cái gì, kể cả thời gian và hoàn cảnh, có thể ngăn cách được họ…

Lời chúc mừng này của chàng – ít ra thì nó cũng giống một bài phát biểu – không thuộc vào loại xuất sắc lắm, nhưng cũng chẳng quá tồi. Và khách khứa lại cạn chén, bữa tiệc tiếp tục, các cuộc nói chuyện được nối lại. Đitlef khẽ nói với mẹ chàng một cách khô khan:

– Hoá ra con đã viết hộ anh ta những cuốn sách ấy. Thế mà con không biết đấy. Ngộ thật.

Nhưng bà chủ lâu đài không tán thưởng câu đùa ấy của cậu con. Bà chạm cốc với các con mình rồi nói:

– Các con hãy cảm ơn anh ấy đi, nhất định phải cảm ơn. Phải thông cảm với anh ấy, ngày bé anh ấy rất cô đơn… Con làm gì thế, Victôria?

– Con muốn nhờ cô hầu đưa cho anh ấy cành mẫu đơn này như dấu hiệu của sự biết ơn. Lẽ nào không được?

– Không được! – Anh chàng trung uý nói một cách dứt khoát.

*

* *

Sau bữa tiệc, khách khứa mỗi người đi một ngả – người thì đi đi lại lại giữa các phòng, người ra hiên, thậm chí có người còn bước ra vườn. Juhannes đi xuống phòng khách có những cửa sổ mở ra vườn. Một vài người đã đến đây hút thuốc – ông địa chủ láng giềng và một ông nào đó đang thì thầm nói chuyện với nhau về tình hình tài chính của ông chủ lâu đài. Khu trang trại hầu như bỏ hoang, các bờ giậu đổ xiêu, rừng bị đốn trụi cây. Có tin đồn rằng ông chủ sẽ khó lòng thanh toán nổi số tiền bảo hiểm quá lớn mà ông kí cho tất cả bất động sản và động sản của ông.

– Thế chúng được bảo hiểm bao nhiêu?

Ông địa chủ nói ra một con số, một con số rất lớn.

– Tuy thế, nói chung ông bà chủ lâu đài này chẳng bao giờ chịu dè dặt trong việc c

chi tiêu, và thường vung tiền không tiếc. Thí dụ bữa tiệc hôm nay tốn kém mất bao nhiêu? Nhưng bây giờ hình như các kho của ông ta đã rỗng, và cả cái hộp đựng đồ trang sức quý giá nổi tiếng của bà chủ cũng rỗng nốt. Nhưng không sao, tiền bạc của anh con rể sẽ khôi phục lại sự giàu có xưa kia cho họ.

– Thế anh ta giàu lắm à?

– Ôi, giàu không biết để tiền đâu cho hết.

Juhannes lại đứng dậy rồi đi ra vườn. Hoa mẫu đơn đã nở, mùi thơm của hoa cúc, hoa nhài, hoa thuỷ tiên và hoa linh lan phả vào mặt chàng. Chàng chọn một chỗ vắng vẻ cạnh bờ giậu rồi ngồi xuống một hòn đá. Những bụi cây che chàng khỏi những đôi mắt người khác. Chàng bị giày vò bởi tất cả những gì chàng phải trải qua, chàng cảm thấy mệt mỏi rã rời, các ý nghĩ lẫn lộn trong đầu. Chàng nghĩ chàng phải đi về nhà, nhưng chàng vẫn tiếp tục ngồi yên một cách uể oải và ngớ ngẩn. Bất chợt chàng nghe có tiếng ai nói chuyện khe khẽ trên lối đi. Có người nào đang đi lại gần chàng và chàng nhận ra giọng của Victôria. Juhannes nín thở lắng nghe. Bộ quân phục trung uý của Ôttô thấp thoáng sau bóng cây – Chú rể và cô dâu đang đi dạo.

– Anh thấy hình như ở đây có chuyện gì không bình thường, – Ôttô nói. – Em nghe như uống lấy từng lời của hắn, em hồi hộp, rồi em kêu lên. Tất cả những cái ấy nghĩa là gì?

Victôria đứng lại trước Ôttô và ngẩng đầu nói:

– Anh muốn biết à?

– Vâng.

Nàng im lặng.

– Mà thôi, nếu chuyện không có gì thì anh chẳng cần quan tâm tới, – Ôttô nói tiếp. – Em có thể không nói cũng được.

– Hoàn toàn không có chuyện gì cả, – nàng nói.

Hai người đi tiếp. Sửa lại ngù vai, anh chàng trung uý nói to, vẻ đe doạ:

– Hắn phải cẩn thận, nếu không, bày tay sĩ quan này sẽ nện vào mặt hắn.

Rồi họ đi về phía chỗ hóng mát có mái che.

Juhannes ngồi rất lâu trên hòn đá, vẫn uể oải và buồn bã như trước. Bây giờ chàng thấy thờ ơ với tất cả mọi chuyện. Chú rể tỏ ý nghi ngờ, và cô dâu đã nhanh chóng xua sạch những nghi ngờ ấy. Nàng đã nói tất cả những gì cần nói trong những trường hợp tương tự. Nàng an ủi trái tim anh chàng sĩ quan và cùng anh ta đi tiếp trên con đường của mình. Còn chim sáo hót véo von trong cành lá trên đầu họ. Cũng chẳng sao. Cầu Chúa cho họ được sống lâu… Trong bữa tiệc, Juhannes đã nâng cốc nói lời chúc mừng nàng, và bằng cách ấy tự giẫm nát trái tim mình. Không dễ gì chàng quên được cái trò đùa tai hại kia của nàng, và nàng thậm chí không nói với chàng một lời cảm ơn nào. Nàng chỉ vội cầm lấy cốc rượu rồi uống một hơi hết sạch, như thể nàng muốn nói: anh nhìn đây, tôi uống mừng sức khoẻ của anh thế này đã được chưa?…

Một lần nàng đã hôn Juhannes, lúc ấy là mùa hè. Chuyện xảy ra lâu lắm rồi. Mà thôi, điều ấy có phải thực sự đã xảy ra không? Và xảy ra như thế nào? Hình như họ ngồi trên đá, nói chuyện với nhau rất lâu, sau đó hai người cùng đi trên phố. Chàng đi cạnh nàng, rất gần, đến mức thậm chí chạm cả vào tay nàng. Khi đến cửa, nàng đã ôm hôn chàng. “Em yêu anh”, – nàng nói. Còn bây giờ thì nàng đang đi qua trước mặt chàng với một người khác. Có thể họ vẫn còn ngồi ở chiếc ghế có mái che. Anh chồng sắp cưới của nàng đã tuyên bố sẽ tát vào mặt chàng. Juhannes nghe rõ hết mọi chuyện, chàng không ngủ, nhưng chàng vẫn ngồi yên một chỗ mà không bước ra trước họ. Bàn tay sĩ quan! – anh chàng kia đã nói toẹt ra như thế. à, mà đối với chàng điều ấy cũng chẳng quan trọng, vì chàng đang thờ ơ với tất cả.

Juhannes đứng dậy, lững thững đi về phía chỗ hóng mát có mái che. Không có ai ở đó. Từ ban công, Camilla đang gọi chàng: trong phòng khách mọi người bắt đầu uống cà phê. Juhannes nghe theo lời nàng gọi, đi vào nhà. Cô dâu và chú rể đang ngồi trong phòng khách, ở đây còn có nhiều người khác. Người ta đưa một cốc cà phê cho Juhannes, chàng đỡ lấy rồi chọn chỗ xa xa

ngồi xuống.

Camilla bắt đầu nói chuyện với chàng. Mặt nàng rạng rỡ, đôi mắt nhìn chàng đầy vẻ tin cậy, đến mức không kìm được, chàng cũng lên tiếng, trả lời các câu hỏi của nàng và cùng cười. Chàng trốn đi đâu? Trong vườn ư? Không đúng, nàng đã tìm chàng trong vườn nhưng không thấy. Có chuyện gì đây không bình thường – rõ ràng là chàng không ở trong vườn.

– Victôria, anh ấy ở trong vườn à? – Nàng hỏi.

– Tôi không nhìn thấy anh ấy, – Victôria đáp.

Anh chàng trung uý chau mày nhìn người vợ chưa cưới của mình với vẻ khó chịu. Như để cảnh cáo nàng, anh ta cố tình nói to với ông láng giềng địa chủ:

– Tôi nhớ là ông có mời tôi tới điền trang của ông để cùng săn chim ngói, có đúng thế không?

– Tất nhiên, tất nhiên. Xin mời! – Ông kia đáp.

Ôttô ném một cái nhìn lên người Victôria. Nàng vẫn ngồi ở tư thế cũ, im lặng và thậm chí không tìm cách ngăn anh ta đừng đi săn. Anh ta càng cau có hơn, và luôn tay vân vê đôi ria mép bé tí của mình một cách giận dữ.

Camilla lại hỏi Victôria điều gì đó.

Ôttô bỗng đứng dậy, nói với ông địa chủ:

– Thế là quyết định – ngay chiều hôm nay tôi sẽ đi với ông.

Nói xong, anh ta đi ra khỏi phòng.

Đi theo anh ta có ông địa chủ và một vài người khác trong đám khách khứa.

Tiếp đến là một lúc im lặng ngắn.

Bỗng nhiên cánh cửa mở toang, và anh chàng trung uý lại xuất hiện. Anh ta đang bị kích thích tột độ.

– Anh bỏ quên cái gì chăng? – Victôria vừa đứng dậy, vừa hỏi.

Ôttô nhún nhảy một cách kì lạ bên cửa, như thể không đứng yên nổi một chỗ, rồi anh ta đi thẳng về phía Juhannes, và dang tay, như thể vô tình, đánh chàng một cái vào mặt. Sau đó anh ta chạy vội về chỗ cũ và lại đứng nhún nhảy bên cửa như trước.

– Hãy cẩn thận một chút, tay anh va vào mắt tôi đây này!

Juhannes nói với nụ cười khàn.

– Anh nhầm đấy, – Ôttô nói. – Tôi vừa tát vào mặt anh. Anh hiểu chứ? Hiểu chứ?

Juhannes rút khăn, vừa lau mắt vừa nói:

– Không phải anh tát tôi đâu. Anh thừa biết rằng chỉ cần một tay, tôi cũng có thể bẻ gập người anh và cho vào túi.

Nói rồi chàng đứng dậy.

Ôttô vội vã mở cửa, chạy ra khỏi phòng khách.

– Thế mà tôi tát anh đấy! – Từ hành lang anh ta nói vọng vào. – Đồ nhà quê thô lỗ! – Rồi anh ta đóng sập cửa lại.

Juhannes lại ngồi xuống.

Vẫn đứng ở chỗ cũ, chính giữa phòng, Victôria chăm chú nhìn Juhannes. Mặt nàng tái nhợt như người đã chết.

– Anh ấy đánh anh thật à? – Vô cùng ngạc nhiên, Camilla hỏi.

– Không, do vụng về thôi. Anh ta va tay vào mắt tôi. Đây, nhìn đây.

– Ôi lạy Chúa! Mắt anh đỏ như máu ấy! Không, không, đừng dụi. Để tôi rửa cho anh. Khăn của anh thô lắm, để tôi lau bằng khăn tôi thì hơn. Kì lạ thật! Đúng vào mắt!

Victôria cũng chìa chiếc khăn của nàng cho Juhannes. Nàng không nói lời nào. Sau đó nàng chậm chạp đi lại gần chiếc cửa bằng kính, đứng quay lưng về phòng khách và nhìn ra vườn. Nàng xé chiếc khăn của nàng thành nhiều mảnh dài và nhỏ. Mấy phút sau nàng mở cửa, lặng lẽ đi ra khỏi phòng khách.

IX

Camilla tới, vui vẻ và vô tư. Nàng đi một mình. Không câu nệ, nàng bước vào ngôi nhà nhỏ và mỉm cười nói:

– Xin lỗi vì cháu không gõ cửa. Nước sông chảy ồn quá, đến mức cháu nghĩ có gõ, hai bác cũng chẳng nghe thấy. – Nàng đưa mắt nhìn quanh và khẽ kêu lên: – Ôi, ở đây tuyệt quá! Thật tuyệt diệu! Anh Juhannes ở đâu ạ? Cháu là bạn anh ấy. Mắt anh ấy thế nào rồi ạ?

Người ta đưa ghế cho nàng, và nàng ngồi xuống.

Juhannes được gọi từ cối xay về. Hai mắt chàng sưng tấy.

– Chẳng ai gọi em tới đây, – đó là câu đầu tiên Camilla nói. – Chỉ đơn giản là em bỗng muốn tới đây. Anh phải tiếp tục chườm nước lạnh lên mắt mới được.

– Thế này cũng chẳng sao, – Juhannes nói. – Cầu Chúa phù hộ cho cô vì lòng tốt của cô. Cái gì dẫn cô tới đây? Cô có muốn tôi cho cối xay làm việc không? Cảm ơn cô đã đến. – Chàng ôm hôn mẹ rồi dẫn bà đến trước Camilla và nói: – Đây là mẹ tôi.

Họ cùng đi xuống, về phía cối xay. Ông lão thợ xay cởi mũ cúi chào rất thấp, miệng lẩm bẩm điều gì đó. Camilla không nghe rõ, nhưng vẫn mỉm cười và nói:

– Cảm ơn, cảm ơn! Cháu rất muốn được xem chiếc cối xay của bác.

Tiếng cối chạy ầm ầm làm nàng hoảng sợ. Nàng nắm chặt tay Juhannes, và mở to mắt, nàng hết nhìn chàng lại nhìn bố chàng như chờ được họ giải thích điều gì. Nàng như người điếc, tai không nghe rõ cái gì. Một số lượng lớn các bánh xe và các bộ phận khác của chiếc cối làm nàng rất ngạc nhiên. Nàng thích thú kéo tay Juhannes, hết hỏi cái này đến cái khác. Chiếc cối được dừng lại, rồi lại cho chạy, cốt để Camilla thấy nó được vận hành thế nào.

Rất lâu sau khi đi khỏi chiếc cối xay, Camilla vẫn tiếp tục cười nói rất to, như thể tiếng chạy ầm ĩ của các bánh xe vẫn vang bên tai nàng.

Juhannes tiễn nàng tới tận cổng lâu đài.

– Thật lòng không thể ngờ được rằng anh ta dám đánh anh, – Camilla nói, vẻ không hiểu.

– Rồi sau đó anh ta đột ngột bỏ đi săn cùng ông địa chủ láng giềng. Thật là một sự kiện khó chịu. Suốt đêm Victôria không thể nào chợp mắt.

– Ban ngày cô ấy sẽ ngủ bù. – Juhannes

đáp. – Khi nào cô trở về?

– Mai. Còn anh bao giờ lại lên thành phố?

– Đến mùa thu. Hôm nay tôi còn được gặp cô nữa không?

Nàng kêu lên:

– Vâng, tất nhiên! Anh kể với em rằng anh có một hang động, anh sẽ chỉ em xem chứ?

– Tôi sẽ đến đón cô cùng tới đó, – chàng đáp.

Trên đường quay về, chàng ngồi rất lâu trên tảng đá và trầm ngâm suy nghĩ.

Một hi vọng tươi sáng đang nhú mầm ngày càng lớn trong lòng chàng.

*

* *

Đến trưa, chàng tới lâu đài, nhưng không đi vào, mà chỉ nhắn Camilla biết rằng chàng tới đón nàng. Trong khi đứng đợi nàng, chàng thấy Victôria xuất hiện chốc lát sau cửa sổ ở tầng hai. Nàng chăm chú nhìn Juhannes rồi quay vào.

Camilla ra. Juhannes dẫn nàng tới mỏ đá và hang động. Chàng cảm thấy trong lòng thanh thản và vui sướng một cách hiếm có. Cô gái trẻ này đã xua sạch nỗi buồn của chàng. Những lời nói nhí nhảnh, vô tư của nàng như có cánh bay trong không khí, toả ánh sáng hạnh phúc xung quanh. Hôm nay Juhannes được các vị thần tốt bụng phù trợ…

– Camilla, cô có nhớ trước đây cô tặng tôi một con dao găm vỏ đựng bằng bạc không? Tôi cất nó vào hộp cùng những thứ lặt vặt khác, vì chẳng biết làm gì với nó cả.

– Ừ, mà nó cũng chẳng được tích sự gì. Nhưng rồi sao?

– Sau đó tôi đánh mất nó.

– Ồ, tưởng là gì, mất thì đã sao! Có thể em sẽ kiếm được cho anh một chiếc giống như thế. Em sẽ cố.

Họ cùng quay về nhà.

– Thế cô có nhớ cô tặng tôi một chiếc ảnh treo dây chuyền không? Một bức chân dung khá to bằng vàng. ở phía sau cô có ghi mấy chữ đề tặng thân thiện.

– Có, nhớ chứ!

– Năm ngoái ở nước ngoài tôi đã đem nó cho đi rồi, Camilla ạ.

– Ấy chết! Anh cho thật à? Sao lại thế?

– Tôi đem nói kỉ niệm một người bạn trẻ. Anh ta người Nga. Anh ta đã quỳ xuống cảm ơn tôi vì món quà này.

– Không lẽ anh ta mừng thế à? Lạy Chúa! Tất nhiên là anh ta rất vui mừng, một khi quỳ xuống như vậy. Em sẽ tặng anh chiếc khác và hi vọng anh sẽ giữ nó mãi.

Họ bước ra con đường dẫn từ lâu đài tới cối xay.

Juhannes đứng lại, nói:

– Đây, cạnh bụi cây này trước kia một chuyện thú vị đã xảy ra với tôi. Ngày ấy tôi hay đi dạo một mình. Một buổi chiều mùa hè yên tĩnh, tôi đang nằm sau bụi cây này suy nghĩ vẩn vơ thì chợt thấy có hai người đang đi trên đường. Cô gái đứng lại. Bạn trai của cô ta hỏi: “Sao cô đứng lại?”. Không có tiếng trả lời, anh ta hỏi tiếp: “Có chuyện gì vậy?”. “Không, – cô gái đáp.

– Nhưng anh không được nhìn tôi như thế”. “Mà tôi có làm điều gì xấu đâu, tôi chỉ nhìn cô thôi” – anh kia cãi lại. “Vâng, – cô gái nói, – tôi biết anh yêu tôi, nhưng xin anh hiểu cho: bố tôi chắc chắn sẽ không đồng ý”. Người đàn ông khẽ thì thầm: “Cô nói đúng, bố cô sẽ phản đối”. Rồi cô gái lại nói: “Tay anh to quá! Nhất là ở khuỷu tay đây này!”, rồi cô ta đặt tay lên khuỷu tay người đàn ông.

Im lặng.

– Sau đó rồi sao? – Camilla hỏi.

– Tôi không biết, – Juhannes đáp. – Nhưng tại sao cô ấy lại nói thế về khuỷu tay anh kia?

– Có thể vì khuỷu tay anh ta đẹp, khuỷu tay bị ống tay áo sơmi trắng che khuất. ồ, hình như tôi hiểu rồi. Chắc cô ấy cũng yêu anh ta.

– Camilla, – Juhannes nói, – nếu tôi rất yêu cô và sẵn sàng chờ đợi thêm mấy năm… Tôi chỉ nói thế thôi… Nói chung là tôi không xứng đáng với cô, nhưng dù sao, nếu một vài năm nữa tôi đề nghị cô lấy tôi làm chồng, cô có nhận lời không?

Im lặng.

Camilla bỗng đỏ mặt. Nàng trở nên lúng túng, bóp chặt tay, người hết ngả về phía trước lại ngả về phía sau. Juhannes kéo nàng vào lòng, và hỏi:

– Cô nghĩ sao? Cô đồng ý chứ?

– Vâng, – nàng đáp rồi ngả vào vòng ôm của chàng.

Một ngày sau Juhannes đến tiễn Camilla ra bến. Chàng hôn đôi tay bé nhỏ, thơ ngây và rất trẻ con của nàng, trái tim chàng tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn.

Không thấy Victôria đi cùng nàng. – Tại sao không ai tiễn em cả?

Camilla bối rối nhìn Juhannes, rồi nói rằng trong lâu đài đã xảy ra một tai hoạ khủng khiếp. Sáng nay vừa có điện báo tới. Ông chủ lâu đài đọc xong, mặt tái nhợt như xác chết, còn ông bà quan chưởng ấn thì khóc mãi không sao dừng được. Chiều hôm qua, trong khi đi săn, Ôttô đã bị bắn chết!

Juhannes vội nắm lấy tay Camilla.

– Bắn chết? Ôttô?

– Vâng. Xác anh ấy đang được chở về đây. Thật kinh khủng!

Họ đi tiếp, mỗi người chìm sâu trong ý nghĩ của mình, và chỉ có khu bến đông người, con tàu, những tiếng kêu to của các thuỷ thủ mới làm họ chợt tỉnh. Camilla bẽn lẽn chìa tay cho Juhannes. Juhannes đỡ lấy hôn và nói:

– Camilla, anh thật không xứng với em, về mọi phương diện. Nhưng nếu em đồng ý lấy anh, anh sẽ cố làm em hạnh phúc.

– Em đồng ý. Em muốn điều ấy, bao giờ em cũng muốn điều ấy!

– Anh sắp quay lại thành phố, – chàng nói. – Một tuần nữa chúng ta sẽ gặp nhau.

Camilla bước lên tàu. Juhannes đứng vẫy tay tiễn biệt nàng, cho đến khi con tàu đi khuất. Chàng quay người định về thì nhìn thấy Victôria. Nàng cũng cầm một chiếc khăn trên tay và vẫy chào Camilla.

– Tôi đến hơi muộn, – nàng nói.

Chàng không đáp. Mà có muốn, chàng biết nói gì? Bày tỏ sự thông cảm trước sự mất mát vừa qua? Chúc mừng, bắt tay nàng? Giọng nàng lí nhí hầu như không nghe nổi, còn khuôn mặt thì để lộ một sự bối rối cực độ. Rõ ràng là nàng vừa trải qua một chấn động rất lớn.

Khu bến đã trở nên vắng người.

– Mắt anh vẫn đỏ, – nàng nói rồi bỏ đi, nhưng sau đó ngoái đầu nhìn lại.

Juhannes vẫn đứng nguyên tại chỗ.

Bỗng nhiên nàng quay người, đi lại phía chàng.

– Ôttô đã chết, – nàng nói một cách dứt khoát, đôi mắt long lanh. – Anh im lặng. Anh tự tin vào mình quá! Thế mà anh ấy tốt hơn anh hàng trăm lần, anh nghe rõ chứ? Anh có biết vì sao anh ấy chết không? Người ta bắn chết anh ấy, bắn nát cái đầu bé nhỏ và ngốc nghếch của anh ấy, anh ấy tốt hơn anh hàng trăm lần…

Nàng oà lên khóc tấm tức rồi vội vàng bước đi trong sự tuyệt vọng tột độ.

Khuya hôm ấy có người gõ cửa nhà ông lão thợ xay. Juhannes ra mở, thấy Victôria đang đứng bên ngưỡng cửa. Nàng ra hiệu cho chàng đi ra. Chàng làm theo. Nàng vội túm lấy tay chàng lôi đi… Bàn tay nàng lạnh như băng.

– Cô ngồi xuống đi, – chàng nói. – Ngồi xuống và hãy nghỉ ngơi một chút. – Tôi biết cô đang rất mệt.

Họ cùng ngồi xuống. Nàng khẽ nói:

– Chắc anh phải nghĩ về tôi nhiều điều xấu lắm! Tôi sẽ không để anh yên một phút nào đâu.

– Cô đang rất đau khổ, – chàng đáp. – Hãy nghe tôi, Victôria, bình tĩnh lại đi. Tôi có thể giúp cô việc gì được không?

– Xin hãy vì Chúa mà bỏ qua những lời tôi nói sáng nay! – Nàng van vỉ. – Quả thật tôi đang rất bất hạnh, bất hạnh nhiều năm nay. Tôi nói anh ta tốt hơn anh trăm lần, điều ấy không đúng đâu, hãy tha thứ cho tôi! Anh ta đã chết, anh ta là chồng chưa cưới của tôi, chỉ thế thôi. Anh nghĩ tự tôi đồng ý lấy anh ta à? Anh Juhannes, hãy nhìn đây – đây là chiếc nhẫn đính hôn của tôi, tôi vứt nó đây, anh xem, tôi đã vứt rồi! – Nàng vứt chiếc nhẫn vào bụi, cả hai cùng nghe tiếng nó rơi. – Chỉ bố tôi muốn có cuộc hôn nhân này. Bố tôi nghèo, ông đã hoàn toàn phá sản, mà Ôttô thì sớm hoặc muộn sẽ được nhận rất nhiều tiền. “Con phải lấy Ôttô!”, – bố tôi bảo tôi. “Con không muốn”, – tôi đáp. “Con hãy nghĩ tới bố mẹ con, tới lâu đài, tới trang trại, tổ tiên và danh dự của bố”. “Thôi được, con đồng ý, – tôi đáp. – Con đồng ý nhưng phải chờ ba năm nữa”. Bố tôi cảm ơn tôi và đồng ý chờ. Ôttô cũng chờ. Mọi người chờ, nhưng tôi bị bắt phải mang chiếc nhẫn đính hôn này. Thời gian cứ trôi, và tôi hiểu chẳng còn gì có thể cứu tôi được nữa. “Chờ thêm làm gì? – tôi nói có với bố tôi. – Bố hãy cho mời chồng chưa cưới của con tới”. “Cầu Chúa phù hộ cho con”, – bố tôi nói rồi lại lần nữa cảm ơn tôi vì tôi đã đồng ý lấy Ôttô. Và sau đó Ôttô đến. Tôi không ra bến đón anh ta, chỉ đứng bên cửa sổ phòng tôi nhìn ra và thấy xe anh ta đang tiến về phía lâu đài. Lúc ấy tôi chạy bổ tới mẹ tôi và quỳ trước bà. “Có chuyện gì thế con?”, – mẹ tôi hỏi. “Con không thể, – tôi đáp, – con không thể lấy anh ấy làm chồng, mẹ ạ. Nhưng anh ấy đã đến và đang đứng dưới kia. Tốt hơn bố mẹ cứ đăng kí bảo hiểm đời con, rồi con sẽ nhảy xuống nước tự tử, ở vịnh hoặc ở chân đê chẳng hạn. Như vậy con còn dễ chịu hơn”. Nghe thế, mặt mẹ tôi tái nhợt như xác chết, rồi bà oà khóc vì thương tôi. Bố tôi tới và nói: “Kìa, Victôria thân yêu, con phải xuống đón chú rể đi chứ!”. “Không, con không xuống được” – tôi nói và lại xin ông thương, đăng kí tiền bảo hiểm cuộc đời tôi. Bố tôi không nói gì, chỉ ngồi xuống ghế và trầm ngâm suy nghĩ. Hai tay ông run lẩy bẩy. Thấy vậy tôi vội nói: “Dẫn chú rể vào đây cho con, con đồng ý”.

Victôria dừng lời. Toàn thân nàng run lên. Juhannes cầm lấy bàn tay kia của nàng rồi lấy tay mình xoa ấm.

– Cảm ơn, – nàng nói. – Anh Juhannes, anh hãy bóp chặt tay tôi thêm nữa. Vâng, bóp chặt nữa đi! Lạy Chúa, tay anh ấm làm sao? Tôi rất biết ơn anh. Có điều hãy bỏ quá cho nh

những lời tôi nói sáng nay ở bến.

– Tôi quên từ lâu rồi. Cô có muốn tôi mang khăn mùi soa lại cho cô không?

– Không, cảm ơn. Tôi không hiểu vì sao tôi run, dù đầu tôi đang nóng bừng. Juhannes, tôi phải xin lỗi anh vì nhiều việc…

– Không, không, không cần. Đấy, cô đã bình tĩnh lại ít nhiều. Cô hãy ngồi yên nhé.

– Bữa tiệc vừa rồi anh nâng cốc vì tôi, và nói những lời chúc mừng tốt đẹp. Từ khi anh đứng dậy cho đến khi anh ngồi xuống, tôi bị lôi cuốn chẳng còn biết gì nữa. Tôi chỉ nghe giọng nói của anh. Nó vang lên như tiếng đàn đại phong cầm, và tôi đau khổ vì nó làm tôi xúc động đến thế. Bố tôi phải hỏi vì sao tôi kêu to điều gì đó với anh, làm ngắt lời anh. Ông rất không hài lòng. Nhưng mẹ tôi thì không hỏi gì cả, vì bà hiểu. Từ lâu tôi đã thú nhận hết mọi chuyện với bà, và cách đây hai năm, khi từ thành phố trở về, tôi lại nói tất cả với bà lần nữa. Tức là sau khi tôi và anh gặp nhau lần nọ.

– Không cần phải nói chuyện ấy nữa.

– Vâng, nhưng anh hãy cao thượng tha lỗi cho tôi. Tôi phải làm gì bây giờ? Lúc này bố tôi đang ở nhà, ông luôn đi đi lại lại trong phòng. Đây là một đòn khủng khiếp đối với ông. Ngày mai là chủ nhật. Ông đã ra lệnh thải hết tất cả người hầu và rồi suốt ngày không ra thêm một lệnh gì nữa. Mặt ông xám ngoét, lúc nào cũng im lặng. Cái chết của chàng rể tương lai tác động lên ông mạnh thế đấy. Tôi nói với mẹ tôi rằng tôi muốn đến gặp anh. “Sáng mai mẹ con mình sẽ lên thành phố với ông bà quan chưởng ấn” – mẹ tôi nói. “Con đến với Juhannes” – tôi nhắc lại lần nữa. “Bố con không còn tiền, không thể sống ở đây cả ba người được. Bố con sẽ ở lại lâu đài một mình”, mẹ tôi đáp, lúc nào cũng cố hướng câu chuyện sang đề tài khác. Cuối cùng tôi đi về phía cửa. Mẹ tôi nhìn theo. “Con đến với anh ấy”, – tôi nói lần cuối cùng. Mẹ tôi bước lại, hôn tôi và nói: “Thôi được, cầu Chúa phù hộ cho các con”.

Juhannes buông tay Victôria ra. – Thế là tay cô đã được sưởi ấm.

– Cảm ơn anh, vâng, vâng, bây giờ tôi rất ấm… “Cầu Chúa phù hộ cho các con”, – mẹ tôi nói. Tôi đã thú nhận tất cả với bà, từ lâu bà đã biết. “Thế con yêu ai, con gái của mẹ?”, – bà nói. “Mẹ còn hỏi con yêu ai cơ à? – Tôi nói. – Con yêu Juhannes, suốt đời con chỉ yêu một mình anh ấy, chỉ một mình anh ấy…”

Juhannes khẽ động đậy.

– Bây giờ đã muộn. ở nhà chắc mọi người đang lo lắng về cô.

– Không, – nàng đáp. – Họ biết tôi yêu anh, Juhannes. Chắc anh cũng cảm thấy rằng họ biết tôi yêu anh. Suốt những năm qua tôi đau khổ vì yêu anh, và không người nào, không một người nào trên đời này hiểu nổi điều ấy. Tôi thường đi trên con đường này và nghĩ: “Có lẽ nên đi tắt qua rừng thì hơn, vì Juhannes cũng thích đi dạo theo lối này”. Và tôi đã làm thế thật. Còn vào ngày tôi biết tin anh về, tôi đã cố tình mặc chiếc áo màu vàng. Tôi hầu như phát ốm lên vì hồi hộp và chờ đợi, luôn đi từ phòng này sang phòng khác. “Hôm nay con rạng rỡ hẳn lên!” – mẹ tôi nói. Còn tôi thì vừa đi vừa tự bảo mình: “Chàng đã về! Chàng ở đây, và chàng thật xinh đẹp”. – Tất cả những điều này đều đúng sự thật. Sang ngày hôm sau, không chịu thêm được nữa, tôi lại mặc chiếc áo màu vàng rồi đi lên mỏ đá để gặp anh. Anh nhớ chứ? Và tôi đã nhìn thấy anh, có điều tôi phải vờ nói rằng tôi đi hái hoa, tuy hoàn toàn không phải như vậy… Lúc ấy anh không còn vui mừng khi gặp tôi, nhưng dù sao tôi vẫn đến cảm ơn vì được nhìn thấy anh. Từ lần gặp cuối cùng tới nay đã hơn hai năm trôi qua. Tay anh cầm cành lá, anh ngồi, khua khua nó trước mặt. Khi anh bỏ đi, tôi đã nhặt cành lá ấy lên và mang về nhà…

– Victôria, – chàng nói bằng giọng run run. – Đừng bao giờ nhắc lại những chuyện ấy nữa.

– Đừng bao giờ à? – Nàng hoảng sợ nói, vội giữ chặt tay chàng. – Không bao giờ nhắc lại! Điều ấy làm anh khó chịu? – Rồi nàng hồi hộp vuốt ve bàn tay chàng. – Mà làm sao tôi có thể hi vọng rằng nó sẽ làm anh thích thú? Tôi đã gây cho anh chừng ấy đau khổ. Nhưng có thể có lúc nào đó anh sẽ tha thứ cho tôi.

– Từ lâu tôi đã tha thứ cho cô. Vấn đề không phải ở đấy.

– Thế thì ở đâu?

Im lặng.

– Tôi đã có vợ chưa cưới, – chàng đáp.

X

Ngày hôm sau, chủ nhật, chính bản thân ông chủ lâu đài đến gặp ông lão thợ xay, yêu cầu ông đến trưa tới lâu đài chở xác trung úy Ôttô ra bến để đưa lên tàu thuỷ. Ông lão nhìn, vẻ không hiểu. Thấy vậy, ông chủ lâu đài giải thích một cách ngắn gọn rằng ông đã thải tất cả đầy tớ, bây giờ họ đang ở nhà thờ, và hiện ông chẳng còn người nào ở nhà nữa.

Chắc ông chủ lâu đài suốt đêm qua không ngủ một chút nào. Ông giống một xác chết thì đúng hơn, thêm vào đó râu ria lại không được cạo.

Nhưng theo thói quen, ông vẫn cầm tung tẩy chiếc gậy trong tay và giữ thẳng người.

Chọn đôi ngựa tốt nhất, mặc bộ quần áo đẹp nhất, ông lão thợ xay đi tới lâu đài. Ông lão tự tay thắng ngựa, còn ông chủ lâu đài thì giúp ông đưa xác Ôttô vào xe. Tất cả những điều này được làm một cách lặng lẽ, có vẻ bí mật và không một ai chứng kiến.

Rồi ông lão đánh xe đến bến. Theo sau xe là ông bà quan chưởng ấn, bà chủ lâu đài và Victôria. Cả bốn người đi bộ. Ông chủ lâu đài đứng hồi lâu dưới chân cầu thang vẫy tay tiễn họ. Gió làm bay phất phơ mái tóc bạc của ông.

Khi xác người chết được đưa lên tàu, những người đi theo cũng bước lên. Bà chủ lâu đài gọi to với ông lão thợ xay, nhờ ông gửi lời chào ông chủ một lần nữa. Cả Victôria cũng yêu cầu ông làm như vậy.

Con tàu rời bến. Ông lão thợ xay đứng nhìn theo nó mãi.

Gió thổi mạnh, biển nổi sóng, và chỉ mười lăm phút sau tàu mới khuất hẳn sau những hòn đảo. Ông lão quay xe về nhà.

Ông lão dẫn ngựa vào chuồng, cho chúng ăn rồi quyết định tới lâu đài chuyển lời hỏi thăm của bà chủ và con gái cho ông chủ. Nhưng cánh cửa dẫn vào bếp đóng chặt. Ông lão đi một vòng quanh nhà, định vào bằng cửa chính, nhưng cả cửa này cũng đóng. “Bây giờ giữa trưa, chắc ông chủ đang ngủ”, – ông lão nghĩ bụng. Nhưng vốn là người đã nói là làm và đang muốn thực hiện lời hứa của chính mình, ông lão đi xuống nơi trước kia là chỗ ở của gia nhân và đầy tớ, với hi vọng gặp ai đó có thể nhờ chuyển lời chào cho ông chủ được chăng, nhưng cũng chẳng gặp người nào. Ông lão lại đi ra sân, dạo một vòng xung quanh rồi cuối cùng ghé vào phòng trước đây tiểu thư ở. Vẫn không thấy ai. Cả lâu đài có vẻ như đã chết.

Ông lão định bỏ về thì bỗng thấy có ánh nến lấp loé dưới tầng hầm và đứng lại. Qua ô cửa nhỏ có chấn song, ông lão nhìn thấy một người đi xuống tầng hầm, một tay cầm ngọn nến, tay kia xách chiếc ghế bọc vải lụa đỏ. Người ấy chính là ông chủ lâu đài. Ông đã cạo râu, mặc chiếc áo đuôi tôm như sắp đi dự vũ hội. “Mình sẽ gõ vào cửa sổ rồi chuyển lời hỏi thăm của vợ ông ấy”, – ông lão thợ xay nghĩ, nhưng vẫn đứng yên một chỗ.

Ông chủ lâu đài đưa nến soi khắp nơi, nhìn quanh một lượt rồi ngồi xuống. Ông lấy từ đâu đó ra một bó to rơm hoặc cỏ khô đặt chắn ngang ngưỡng cửa. Sau đó ông tưới thứ nước gì đấy lên nó. Rồi ông bê về phía cánh cửa mấy chiếc hòm, bó rơm, chiếc thang gấp làm vườn và cũng tưới ướt chúng bằng thứ nước kia. Ông lão thợ xay để ý thấy ông chủ lâu đài lúc nào cũng cố giữ để không giây bẩn vào tay hoặc quần áo. Cuối cùng, ông lấy mẩu nến cháy dở đặt lên bó rơm ướt. Làm xong tất cả những việc ấy, ông ngồi xuống chiếc ghế. Còn ông lão thợ xay thì đứng quan sát việc này, mỗi lúc càng ngạc nhiên gấp bội, và đã không đủ sức rời mắt khỏi ô cửa sổ nhỏ bé. Bỗng nhiên ông chợt nghĩ có thể một điều gì đấy rùng rợn sắp xảy ra. Ông chủ lâu đài vẫn ngồi yên trên ghế, mắt nhìn đăm đăm vào mẩu nến đang ngắn dần, ngắn dần. Hai tay ông để yên trên đầu gối. Ông lão thợ xay thấy ông khẽ phủi một cọng rơm nhỏ khỏi tay áo đuôi tôm màu đen của ông, rồi lại đặt tay lên gối như cũ.

Đúng lúc này ông lão thợ xay bỗng kêu to hoảng sợ.

Ông chủ lâu đài ngoái nhìn ra ngoài. Rồi ông vụt đứng dậy, đi lại gần ô cửa và dán người vào đó. Đôi mắt ông để lộ một nỗi đau đớn vô hạn. Miệng ông méo xệch. Ông lặng lẽ giơ cả hai tay lên doạ, rồi sau đó ông lùi sâu vào tầng hầm, một tay vẫn còn giơ nắm đấm. Ông gieo mạnh người xuống ghế. Mẩu nến đã cháy hết. Ngay lúc ấy một ngọn lửa khổng lồ bùng lên.

Ông lão thợ xay kêu lên, ôm đầu bỏ chạy. Lúc đầu ông sợ hãi chạy quanh sân, không biết phải làm gì, rồi ông lão chạy một vòng xung quanh ngôi nhà. Sau đó, ông lão cúi xuống, đem hết sức bẻ mạnh các song sắt.

Ông lão nghe có tiếng rên từ tầng hầm vọng lên, như từ cõi địa ngục. Tiếng rên ấy lặp lại hai lần, và rồi, hết sức kinh hoàng, ông lão nhảy ra khỏi cửa sổ, chạy thẳng một mạch về nhà, không lần nào dám ngoái đầu nhìn lại.

Mấy phút sau, khi ông lão và Juhannes chạy trở lại, cả khu lâu đài – một ngôi nhà gỗ cổ xưa – đã bốc lửa rừng rực. Có thể mấy người nữa từ bến chạy tới, nhưng lúc này họ chẳng còn có thể làm gì được nữa. Tất cả

đã bị thiêu cháy thành tro.

Còn ông lão thợ xay thì sau đó không hề hé răng nói với ai một lời về những điều ông lão được chứng kiến.

XI

Tình yêu là gì, các bạn biết không? Tình yêu chỉ là ngọn gió nhẹ làm bụi hồng khẽ lung lay và rồi tắt hẳn. Nhưng cũng có một loại tình yêu khác ăn sâu như dấu ấn, suốt đời không bị xoá nhoà, cả khi xuống mồ cũng vậy. Cả hai loại tình yêu ấy đều do Chúa tạo nên, và trong mắt Người, tình yêu kéo dài vô tận, nhưng tình yêu cũng chết.

Trên đường có hai bà mẹ đang đi và nói chuyện với nhau. Một người mặc bộ quần áo màu xanh da trời thật đẹp vì chồng bà ta vừa trở về sau nhiều năm đi xa đâu đó. Còn người thứ hai thì mặc áo tang màu đen. Bà này có ba người con gái, hai người da ngăm đen, một người tóc vàng. Người con gái tóc vàng ấy của bà đã chết. Từ ngày ấy tới nay đã mười năm trôi qua, suốt mười năm dài, nhưng bà mẹ vẫn tiếp tục để tang con.

– Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp! – Bà mẹ mặc áo xanh giơ tay kêu to sung sướng. – Tôi ngây ngất vì nắng ấm, vì tình yêu, tôi đang tràn trề hạnh phúc. Tôi sẵn sàng cởi truồng ở đây, chính giữa đường, để vươn cao tay về phía mặt trời và đón nhận những cái hôn của nó.

Nhưng người đàn bà mặc áo đen thì im lặng. Bà không mỉm cười, cũng không trả lời.

– Không lẽ đến bây giờ bà vẫn còn khóc thương đứa con của bà đã chết? – Người đàn bà mặc áo xanh thật thà hỏi. – Vì từ ngày nó chết đã mười năm rồi còn gì?

Người đàn bà mặc áo đen đáp:

– Vâng. Nếu sống, bây giờ con tôi đã mười lăm tuổi.

Nghe thế, bà kia vội nói, cốt để an ủi:

– Nhưng bà còn hai cô bé nữa cơ mà, mà chúng còn sống cả!

– Vâng, nhưng da chúng ngăm đen, – bà áo đen đáp. – Còn đứa đã chết thì tóc vàng.

Và rồi cả hai bà mẹ người nào đi đường ấy, mang theo tình yêu của mình.

Nhưng cả hai cô gái da ngăm đen cũng có tình yêu riêng của họ. Họ cùng yêu một người đàn ông.

Người này đến gặp cô gái và nói:

– Tôi đến xin lời khuyên của cô, vì tôi yêu em cô. Hôm qua tôi đã phản bội cô ấy. Cô ấy bắt gặp tôi đúng lúc tôi đang hôn con hầu của cô. Cô ấy kêu lên – thậm chí đó không phải là tiếng kêu, mà là tiếng rên – rồi biến mất. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi yêu em gái cô, xin cô hãy vì Chúa mà nói lại với cô ấy giúp tôi.

Cô kia nghe thế tái mặt, tay ôm ngực, nhưng liền sau đó cô mỉm cười như thể ủng hộ anh ta, và nói:

– Tôi sẽ giúp anh.

Ngày hôm sau anh ta đến gặp cô em, quỳ xuống dưới chân cô và nồng nàn thổ lộ tình yêu của mình. Cô đưa mắt nhìn anh ta một lượt rồi đáp:

– Anh đang xin của bố thí, nhưng rất tiếc tôi không thể cho anh hơn mười đồng curon. Anh hãy tới xin chị tôi, chị ấy giàu hơn.

Nói đoạn, cô bước ra ngoài, kiêu hãnh ngẩng cao đầu.

Nhưng về đến phòng mình, cô nằm vật xuống sàn, vò đầu bứt tóc đau khổ vì tình yêu…

Mùa đông, trời lạnh, sương mù, bụi và gió. Juhannes lại ở thành phố, trong căn phòng bé nhỏ của mình. Cành phong vẫn gõ vào bức tường của căn nhà gỗ mà chàng vẫn đứng chiêm ngưỡng bình minh từ cửa sổ. Lúc này mặt trời đang bị che khuất.

Suốt thời gian qua công việc lôi cuốn chàng mãnh liệt. Chàng đã viết hàng đống giấy. Mùa đông này đống giấy ấy càng lớn thêm. Trong vương quốc đầu óc tưởng tượng của chàng chứa đầy biết bao câu chuyện khác nhau, như đêm đen được soi sáng bởi ngọn lửa mặt trời.

Nhưng thời gian cứ tiếp tục trôi qua, không ngày nào giống ngày nào. Có những ngày rất tốt, nhưng cũng có những ngày xấu. Nhiều khi giữa lúc công việc đang say sưa nhất bỗng một ý nghĩ nào đó, một cái nhìn của ai đó hay một câu nói được nói ra từ lâu vụt đến trong óc chàng, làm cơn cảm hứng vụt tắt. Những lúc ấy chàng thường đứng dậy, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Chàng đi lại nhiều đến mức sàn nhà mòn, nổi lên một đường trắng, mỗi ngày một rõ hơn…

Hôm nay, khi không làm việc nổi, không suy nghĩ nổi, không biết chạy đâu cho thoát các kí ức quá khứ, tôi ngồi thử viết về những gì tôi trải qua đêm nọ. Bạn đọc thân mến, đối với tôi, hôm nay là một ngày thật nặng nề. Tuyết rơi, trên phố không một bóng người, cái gì trông cũng buồn bã, và một nỗi buồn tuyệt vọng đang đè nặng trái tim tôi. Tôi đi một lần hết phố, sau đó suốt mấy giờ liền đi đi lại lại trong phòng với hi vọng sẽ bình tĩnh lại ít nhiều. Nhưng rồi đêm sắp đến mà tôi vẫn không cảm thấy dễ chịu hơn. Trong ngực tôi đáng lẽ lửa phải bốc cháy, thế mà người tôi lạnh lẽo, nhợt nhạt như một ngày sắp tắt. Bạn đọc thân mến, trong một tâm trạng như thế mà tôi định viết về một đêm tươi sáng, hạnh phúc. Công việc làm tôi được an ủi chút ít – ai cũng biết đấy, có thể mấy giờ nữa niềm vui sẽ đến với tôi cũng nên…

Có tiếng gõ cửa, và Camilla Seier – vợ chưa cưới của chàng, người đã cùng chàng bí mật đính hôn – bước vào phòng. Juhannes đặt bút đứng dậy. Họ mỉm cười chào nhau.

– Sao anh không hỏi gì em về buổi vũ hội? – Vừa ngồi xuống ghế, nàng hỏi luôn. – Em nhảy hết không sót một điệu nào. Buổi vũ hội kéo dài tới ba giờ sáng. Em nhảy với Richmond.

– Camilla, cảm ơn vì em đã đến với anh. Anh đang buồn và chua xót, còn em thì thật vui vẻ, có thể em sẽ làm được anh khuây khoả. Em mặc áo nào đi dự hội?

– Tất nhiên là áo đỏ. Lạy Chúa, em chẳng còn nhớ gì nữa, nhưng hình như em đã nói và cười rất nhiều. Em mặc áo đỏ, tay để trần – để trần đến vai đây này. Còn Richmond thì làm việc trong toà đại sứ ở Luân Đôn.

– Thế à?

– Bố mẹ anh ta là người Anh, nhưng anh ta lại sinh ở đây. Sao mắt anh thế? Đỏ như máu ấy. Anh khóc à?

– Không, – chàng cười đáp. – Chỉ vì anh nhìn quá chăm chú, quá sâu vào các chuyện cổ tích của anh mà thôi. ở đấy có rất nhiều ánh nắng rực rỡ. Camilla, cô bé ngoan của anh, đừng xé các tờ giấy của anh nữa, không thế, em xé cũng nhiều rồi.

– Ôi, lạy Chúa, em mải suy nghĩ, quên mất. Đừng giận em nhé, Juhannes.

– Không sao, chúng chỉ là những bản phác thảo mà thôi. Nhưng khoan: hình như trước đây đầu em có gài một bông hồng cơ mà?

– Tất nhiên, một bông hồng đỏ, đỏ gần như thành đen. Mà này, anh biết không, tuần trăng mật của ta, ta có thể đến Luân Đôn cũng được. ở đấy không đến nỗi quá tồi như người ta nói đâu. Còn về sương mù thì chỉ là chuyện bịa.

– Vì sao em biết?

– Richmond cho em biết vậy. Anh ấy vừa nói với em tối nay. Ai chứ anh ấy thì chắc biết rõ. Anh cũng có quen anh ấy, không đúng thế sao?

– Không, anh không quen. Trước đây một lần anh ta nâng cốc và nói đôi lời về anh; anh ta mặc áo có đôi măng sét kim cương. Đó là tất cả những gì anh nhớ về anh ta.

– Richmond là một người tuyệt diệu. Anh hãy tưởng tượng xem, anh ấy đi lại gần em, cúi thấp đầu và nói: “Thưa tiểu thư, chắc tiểu thư không còn nhớ tôi…”. Và rồi sau đó, anh biết không, em đã tặng anh ấy bông hồng.

– Bông hồng? Bông hồng nào?

– Bông hồng em vẫn gài trên tóc. Em lấy và tặng anh ấy.

– Anh thấy hình như em đã yêu anh ta!

Hai má đỏ bừng, Camilla sôi nổi cãi lại:

– Không! Không hề, không một chút nào! Nếu có người nào đó em thích và đối xử tốt với anh ta, điều ấy hoàn toàn không có nghĩa… Chà, Juhannes, anh điên rồi chăng? Từ nay cho đến hết đời em sẽ chẳng bao giờ nhắc đến tên anh ấy nữa!

– Trời ơi, Camilla, anh hoàn toàn không định… ấy, em đừng nghĩ thế… Ngược lại, anh còn muốn cảm ơn anh ta vì đã giúp em giải trí.

– Lại còn thế! Suốt đời em sẽ không hé môi nói chuyện với anh ta lần nào nữa!

Im lặng.

– Thôi, thôi, ta sẽ không nói chuyện này nữa chứ? Em về à?

– Vâng, đã đến lúc em phải về. Công việc của anh thế nào? Mẹ em hỏi về công việc của anh đấy. Anh biết không, lâu lắm em không gặp Victôria, thế mà vừa rồi em gặp đấy.

– Ngay vừa rồi à?

– Vâng, trên đường tới đây. Cô ấy mỉm cười với em. Trời ơi, bây giờ cô ấy gầy quá! Này anh, sắp sửa anh định về nhà à?

– Vâng, sắp sửa, – chàng vụt đứng dậy, đáp. Mặt chàng đỏ bừng. – Có thể vài ngày sắp tới. Anh chỉ còn viết nốt cái này. Anh vừa nghĩ xong đoạn kết cho những câu chuyện của anh.

– Ồ, vâng, anh phải viết nốt đã! Em hãy tưởng tượng rằng em đang nhìn xuống mặt đất từ độ cao chim bay, em sẽ thấy nó như một chiếc áo choàng tuyệt đẹp và kì dị của Đức Giáo hoàng. Trong các đường gấp của nó là từng đoàn người đi lại. Họ đi từng đôi một. Trời sắp tối, xung quanh thật yên tĩnh, đây là quãng thời gian dành cho tình yêu. Anh sẽ đặt tên cho cuốn sách của anh là “Từ thế hệ này đến thế hệ khác”. Anh nghĩ nó sẽ là một bức tranh đồ sộ; anh thường tưởng tượng nhìn thấy nó trước mặt, và lần nào cũng thấy như lòng anh mở rộng, sẵn sàng ôm cả trái đất vào vòng tay mình. Họ kia – những con người, những con vật, những con chim, và bất chợt tình yêu đến với mỗi sinh vật trọng các loài ấy, Camilla ạ. Xung quanh đâu đâu cũng tràn ngập không khí chờ đợi đắm say, những đôi mắt nóng chảy, những bộ ngực run rẩy. Đôi má của trái đất đỏ ửng dịu dàng, màu đỏ bẽn lẽn của những trái tim trần truồng. Chỉ đâu đó

đó xa xa nổi lên một ngọn núi đá khổng lồ đang thiu thiu ngủ, một mình nó là không thấy gì, không nghe gì. Sáng hôm sau Đức Sáng thế lại dọi sáng bốn phương bằng những tia nắng ấm áp của mình. Cuốn sách sẽ được gọi là “Từ thế hệ này đến thế hệ khác”.

– Thế đấy.

– Vâng. Và khi nào viết xong, anh sẽ đi. Cảm ơn em đã đến thăm anh, Camilla. Em hãy quên đi tất cả những gì anh nói lúc nãy. Anh không hề ám chỉ điều gì xấu.

– Mà em cũng có nhớ gì nữa đâu. Nhưng dù sao em sẽ không bao giờ nhắc đến tên anh ta nữa. Không bao giờ!

Sáng hôm sau Camilla lại đến, hồi hộp và xúc động khác thường.

– Có chuyện gì thế?

– Với em à? Không, – nàng vội vàng đáp. – Nhưng em yêu anh. Xin anh đừng nghĩ đã có chuyện gì xảy ra với em, và rằng em không yêu anh nữa. Nhưng anh có biết em quyết định điều gì không: chúng ta sẽ không tới Luân Đôn nữa.

– Ở đấy thì có gì tốt! Cái anh chàng khoe khoang ấy có biết mình đang nói gì đâu! ở Luân Đôn sương mù nhiều hơn người ta tưởng rất nhiều. Sao anh nhìn em như thế? Em có nhắc tên anh ấy đâu? Anh chàng phét lác ấy đã nói dối em, chỉ thế thôi! Chúng ta sẽ chẳng tới Luân Đôn nào cả!

Juhannes vẫn nhìn nàng, còn chăm chú hơn trước.

– Được, ta sẽ không tới Luân Đôn, – chàng đáp, vẻ trầm ngâm.

– Vâng, phải thế! Vậy là ta quyết định rồi nhé! Còn anh đã viết xong cuốn… “Từ thế hệ này đến thế hệ khác” chưa? Lạy Chúa, nó hay lắm. Hãy viết nốt đi, Juhannes, và đến nhà em chơi! Thời gian của tình yêu, anh nói thế phải không nhỉ? Và chiếc áo choàng tuyệt diệu của Giáo hoàng, và má hồng của đêm đen… anh thấy chưa, em nhớ hết tất cả những điều anh kể. Thời gian gần đây em ít đến thăm anh, nhưng từ nay em sẽ đến hàng ngày để xem bao giờ anh kết thúc công việc.

– Sắp rồi, – chàng nói, mắt vẫn không ngớt nhìn nàng.

– Hôm nay em đem những cuốn sách của anh sang phòng em. Em muốn đọc lại chúng một lần nữa, không chán một chút nào, em đọc say sưa nữa là khác. Này Juhannes, anh làm ơn tiễn em về nhà nhé. Em sợ đi một mình không hay lắm. Ngộ nhỡ có ai đang chờ em ngoài phố thì sao? Cứ đi đi lại lại và chờ em. Em gần như tin chắc như thế…

– Rồi bỗng nhiên nàng oà lên khóc, vừa nấc, vừa thì thầm: – Em đã gọi anh ấy là phét lác, em thật là người không tốt. Em rất buồn vì đã gọi anh ấy như vậy. Anh ấy không hề nói dối em, ngược lại, bao giờ cũng… Thứ ba này nhà em có khách, nhưng anh ấy sẽ không tới. Anh tới chứ? Anh có nghe em nói không? Anh hứa đi! Dù sao, đáng lẽ em không nên nói xấu về anh ấy. Em không biết anh đang nghĩ gì về em…

Juhannes đáp:

– Hình như anh bắt đầu hiểu chuyện gì đang xảy ra với em.

Camilla vội ôm cổ Juhannes, áp sát người vào ngực chàng, bối rối và run rẩy.

– Nhưng em cũng yêu anh! – Nàng kêu lên. – Hãy tin em đi! Em không chỉ yêu một mình anh ấy đâu, chưa đến mức ấy. Năm ngoái, khi anh nói anh yêu em, em thật hạnh phúc, thế mà bây giờ anh ấy bỗng xuất hiện. Em không hiểu gì cả. Juhannes, không lẽ, em là người đáng kinh tởm như vậy? Có lẽ em chỉ yêu anh ấy nhiều hơn anh một chút, một chút nhỏ mà thôi. Trong việc này em không biết làm gì cả, đơn giản là mọi cái bỗng ập xuống đầu em. Lạy Chúa, từ ngày nhìn thấy anh ấy, đã nhiều đêm em không chợp mắt, và càng ngày càng yêu anh ấy hơn. Em phải làm gì bây giờ? Anh nhiều tuổi hơn em, anh phải khuyên em chứ! Anh ấy đưa em tới đây và bây giờ đang đứng chờ em ngoài đấy để lại đưa em về nhà, chắc phải lạnh lắm… Anh có khinh em không, Juhannes? Em chưa hề hôn anh ấy, không, anh cứ tin em đi! Em chỉ tặng anh ấy bông hồng thôi. Sao anh không trả lời, Juhannes? Anh phải khuyên em nên làm gì, vì em không thể tiếp tục thêm thế này được nữa!

Juhannes vẫn ngồi yên và lắng nghe. Cuối cùng chàng nói:

– Anh chẳng có gì để khuyên em cả.

– Cảm ơn anh, anh Juhannes yêu quý, cảm ơn vì anh không giận em, – nàng vừa lau nước mắt vừa nói. – Có điều anh phải biết rằng em cũng yêu anh. Thề có Chúa, từ nay em sẽ đến với anh thường xuyên hơn và sẽ làm tất cả những gì anh muốn. Chỉ vì em yêu anh hơn trước. Anh hiểu cho, em không muốn điều ấy. Em không có lỗi!

Chàng lặng lẽ đứng dậy, đội mũ và nói:

– Ta đi chứ?

Họ cùng đi xuống theo cầu thang.

Richmond đang đứng ngoài phố. Đó là một chàng trai tóc đen, mắt đen. Đôi mắt anh ta chứa đầy tuổi trẻ và niềm vui cuộc sống. Vì đứng ngoài trời lạnh, hai má anh ta đỏ ửng.

– Chắc anh lạnh lắm nhỉ? – Camilla chạy bổ đến, hỏi.

Giọng nàng run run vì hồi hộp. Sau đó nàng chạy vụt lại Juhannes, cầm tay chàng và nói:

– Xin lỗi vì em không hỏi anh có lạnh không. Anh cũng không mặc áo bành tô. Anh có muốn em chạy vào nhà lấy cho anh không? Không à? Nếu thế thì ít ra cũng phải cài cúc áo này lại.

Nói rồi tự nàng cài cúc cho Juhannes.

Juhannes chìa tay cho Richmond. ý nghĩ của chàng đang bay đâu đó rất xa, như thể những điều đang xảy ra lúc này hoàn toàn không liên quan gì tới chàng. Chàng lơ đãng mỉm cười và nói:

– Rất vui mừng được gặp lại anh.

Mặt Richmond không tỏ vẻ lúng túng hoặc giả vờ. Anh ta vui mừng được gặp Juhannes như gặp một người bạn cũ. Anh ta cởi mũ, cúi đầu một cách lịch sự:

– Gần đây tôi có nhìn thấy một trong những cuốn sách của anh trong cửa kính một cửa hàng sách ở Luân Đôn. Nó đã được dịch ra tiếng Anh. Tôi rất vui mừng khi thấy nó, như thể được nghe thấy một lời chào từ quê hương vậy.

Camilla đi giữa hai người, lúc nhìn người này, lúc nhìn người kia. Cuối cùng nàng nói:

– Nghĩa là thứ ba này anh sẽ tới nhà em chứ, Juhannes? Ôi, em xin lỗi vì lúc nào cũng chỉ nhắc đến chuyện mình cả.

Nàng nói thêm rồi mỉm cười. Nhưng cũng liền lúc ấy nàng quay sang Richmond với vẻ van xin và cũng mời anh ta. – Chỉ toàn những người gần gũi thôi. Hai mẹ con Victôria cũng được mời, tất cả chỉ mười người, không hơn.

Juhannes bỗng đứng lại, nói:

– Có lẽ tôi phải quay lại.

– Hẹn đến thứ ba nhé! – Camilla nói. Richmond cầm tay Juhannes, bóp chặt.

Rồi hai người trẻ tuổi hạnh phúc kia đi tiếp trên con đường của mình.

XII

Người đàn bà mặc áo xanh da trời đang hết sức lo lắng. Bà chờ đợi bất cứ lúc nào từ ngoài vườn cũng vọng tiếng huýt sáo ra hiệu của người tình, mà anh ta thì tất nhiên không thể vào nhà được, chừng nào chồng bà còn chưa đi. Chao, chồng với con, đã bốn mươi tuổi, mà lại còn hói đầu nữa! Không hiểu hôm nay có một vài ý nghĩ độc ác nào đấy đã xoá màu hồng khỏi má ông và bắt ông ngồi như dán người vào ghế, ngồi một cách bất động, kiên nhẫn, mũi chúi vào tờ báo.

Bà hốt hoảng, không thể ngồi yên một chỗ – thế là chuông đồng hồ gõ mười một tiếng. Bà cho lũ trẻ ngủ từ lâu, nhưng ông chồng vẫn không chịu đi ra khỏi nhà. Sẽ thế nào nếu người tình của bà đến, dùng chiếc chìa khóa bí mật mở cửa. Và rồi hai người đàn ông chạm trán nhau, mắt nhìn thẳng vào mắt? Bà không dám nghĩ tiếp ý nghĩ khủng khiếp ấy.

Chui vào chỗ tối trong phòng, bà đau khổ vò đầu, bẻ tay, cuối cùng không chịu nổi, bà lên tiếng:

– Đã mười một giờ. Nếu ông định tới câu lạc bộ thì đến giờ rồi đấy. Ông chồng đứng bật dậy, mặt còn tái nhợt hơn trước, rồi vội vã ra đi.

Qua bờ giậu khu vườn, ông dừng lại vì nghe có tiếng huýt sáo rất khẽ. Có ai đó đang bước đi trên con đường rải sỏi, cho chìa khoá vào khoá cổng rồi đi vào. Một chốc sau ông thấy có hai bóng người thấp thoáng trong phòng khách.

Cả tiếng huýt sáo, tiếng bước chân, cả hai cái bóng trong phòng, ông đều quen thuộc từ lâu.

Ông đi tới câu lạc bộ. Câu lạc bộ mở cửa, các cửa sổ đều sáng ánh đèn, nhưng ông không vào. Trong nửa giờ ông đi lang thang trên các phố và dọc bờ giậu khu vườn nhà mình. Suốt nửa giờ đằng đẵng. “Ta chờ thêm tí nữa!” – ông nghĩ rồi lại đi tiếp thêm mười lăm phút. Cuối cùng ông bước vào vườn, đi lên cầu thang và gõ vào cánh cửa của chính nhà mình.

Cô hầu hé cửa nhìn ra và nói: – Bà chủ từ lâu đã…

Nhưng vừa nhận thấy ai đang đứng trước mặt, cô ta liền im bặt.

– Từ lâu đã đi ngủ chứ gì? – Ông chủ đỡ lời. – Hãy báo cho bà chủ biết rằng chồng bà đã về.

Cô gái biến mất. Cô gõ cửa phòng bà chủ và nói qua cánh cửa đóng chặt:

– Thưa bà, con được yêu cầu báo lại với bà rằng ông chủ đã về.

Từ bên kia cánh cửa, bà chủ hỏi:

– Mày nói sao? Ông chủ về à? Ai yêu cầu mày báo lại?

– Chính ông chủ. Ông ấy đang đứng ngoài hiên.

Từ phòng bà chủ vọng ra một tiếng kêu tuyệt vọng, sau đó là tiếng thì thào rất nhanh, tiếng cánh cửa mở và đóng sập lại, rồi tất cả chìm trong im lặng.

Ông chủ bước vào nhà. Vợ ông hoảng sợ, mặt cắt không còn giọt máu. Ông chồng thấy vậy, thương hại nói:

– Hôm nay câu lạc bộ đóng cửa. Tôi nhờ con hầu báo trước để bà khỏi hoảng sợ.

Bà kia ngồi phịch xuống ghế – bà đã bình tĩnh trở lại, bà đã được cứu thoát, bà hạnh phúc. Trong trạng thái ngây ngất ấy, lòng tốt của bà đã thắng, và bà hỏi thăm về sức khoẻ của chồng:

– Da anh trắng bệch, anh không khoẻ à, anh yêu

yêu?

– Tôi không ốm, – ông chồng đáp.

– Hay có chuyện gì xảy ra chăng? Mặt anh méo hẳn, trông kì lạ lắm.

– Không, tôi cười đấy. Đó là nụ cười của tôi. Từ nay tôi muốn cười theo cách riêng của mình.

Bà kia chú ý lắng nghe những lời rời rạc, khàn khàn của chồng, nhưng không sao hiểu nổi ý nghĩa của chúng. Chồng bà nói thế nghĩa là gì? Bỗng nhiên ông kia dang tay ôm chặt bà, ghì mạnh như hai gọng kìm, rồi thì thào vào mặt vợ:

– Hay ta cắm sừng thằng ấy đi… cái thằng vừa ra khỏi đây ấy mà.. Ta cắm sừng hắn nhé?

Bà ré lên, gọi cô hầu tới. Với nụ cười khàn trên môi, chồng bà bỏ bà ra, rồi há to miệng, hai tay tự vỗ vào mông mình.

Sáng hôm sau, trái tim nhân ái lại trỗi dậy trong người đàn bà, và bà nói với chồng:

– Hôm qua anh lên cơn động kinh sợ quá, bây giờ em thấy anh hình như khỏi rồi, nhưng trông anh vẫn nhợt nhạt lắm.

– Vâng, – chồng bà đáp. – ở tuổi tôi, muốn đùa vui một tí cũng phải trả giá quá đắt. Từ nay tôi sẽ không đùa như thế nữa.

*

* *

Tu sĩ Wend kể đủ chuyện về tình yêu. Một lần, kể xong một chuyện, ông nói:

– Trên đời chẳng có mối tình nào đẹp như mối tình này.

Khi chuyến chu du kéo dài của tuần trăng mật kết thúc, đôi vợ chồng trẻ mới cưới trở về nhà và sống cùng nhau.

Một ngôi sao băng chạy qua bầu trời, đến đậu trên mái nhà của họ.

Mùa hè, hai người cùng đi dạo, vai kề vai. Họ hái những bông hồng màu vàng, đỏ và xanh để tặng nhau. Họ đứng nhìn ngọn cỏ chao chao theo gió, họ lắng nghe tiếng chim hót trong rừng, và mỗi lời họ nói với nhau đều chứa đầy âu yếm. Mùa đông họ cùng đi xe trượt tuyết có những chiếc chuông nhỏ kêu leng keng, trên đầu họ là bầu trời trong xanh, còn tít trên cao là những ngôi sao đang bay đi bay lại trong các khoảng không vô cùng vô tận.

Cứ thế nhiều năm, rất nhiều năm trôi qua. Đôi vợ chồng trẻ này đã sinh được ba người con, nhưng trái tim họ vẫn thuộc về nhau như ngày đầu họ hôn nhau say đắm.

Nhưng bỗng nhiên người chồng mắc bệnh. Bệnh tình bắt người đàn ông kiêu hãnh này phải nằm trên giường rất lâu, và cũng bằng cách ấy bắt bà vợ phải chịu những thử thách ghê gớm về lòng kiên nhẫn. Cuối cùng khỏi bệnh, ngồi dậy, ông không nhận ra chính mình: căn bệnh tai ác đã làm ông trở nên xấu xí, trên đầu tóc rụng sạch không còn sợi nào.

Những ý nghĩ cay đắng giày vò ông. Và rồi một hôm ông bảo vợ:

– Có lẽ bây giờ em không yêu anh nữa?

Nghe thế, vợ ông đỏ bừng mặt, vòng tay ôm cổ ông và hôn với ông tất cả tình cảm mãnh liệt như ngày mới yêu nhau. Bà nói:

– Em yêu anh, yêu anh như trước kia. Em không bao giờ quên ơn anh vì anh đã chọn em chứ không phải cô gái khác; vì chính anh đã mang lại hạnh phúc cho em. Sau đó bà vào phòng, lấy kéo cắt hết những nõn tóc vàng óng của mình để được giống người chồng mà bà yêu quý.

Và lần nữa nhiều, nhiều năm trôi qua. Đôi vợ chồng trẻ ấy về già, con cái họ đã trưởng thành. Như trước kia, họ chia sẻ cho nhau mọi niềm vui lớn bé. Mùa hè họ đi dạo trên đồng, ngắm nhìn ngọn cỏ phất phơ trước gió, còn mùa đông, họ mặc quần áo thật ấm rồi cùng phóng nhanh trên xe trượt tuyết dưới bầu trời đầy sao. Trái tim họ vẫn nồng cháy và hạnh phúc giống ngày nào, như thể họ vừa được uống cạn cốc rượu thần tình yêu.

Nhưng bỗng nhiên người vợ mắc bệnh bại liệt. Người phụ nữ già nua này không còn đi lại được nữa. Chồng bà phải cho bà lên chiếc ghế có bánh xe và đẩy đi. Căn bệnh làm bà phải chịu những đau khổ ghê gớm, và để lại trên khuôn mặt bà những đường nhăn sâu.

Một hôm bà nói:

– Có lẽ em chết đi thì hơn. Trông em thật thảm hại. Mặt em xấu xí, còn mặt anh thì rất đẹp. Anh không thể hôn em và yêu em như ngày xưa nữa.

Nhưng ông chồng đỏ bừng mặt vì xúc động, vội ôm bà, nói:

– Không, em là hạnh phúc của anh, anh yêu em hơn cả chính mình, yêu như ngày đầu, như giây phút đầu tiên khi em tặng anh bông hồng. Em còn nhớ chứ? Em chìa bông hồng cho anh và nhìn anh bằng đôi mắt xinh đẹp của em. Bông hồng toả hương thơm như em, và cũng như bông hồng, má em đỏ ửng, còn anh thì ngây ngất vì em. Nhưng bây giờ anh còn yêu em hơn trước, em xinh đẹp hơn những ngày tháng chúng ta còn trẻ, và bằng cả trái tim mình, anh cảm ơn em, hàng ngày cầu Chúa phù hộ cho em vì em luôn ở bên anh.

Nói rồi ông đi vào phòng, lấy axít té vào mặt mình. Sau đó ông nói với vợ:

– Không may anh để axít té lên mặt, hai má anh bỏng rộp, bây giờ em không yêu anh nữa?

– Ôi chàng rể của em, người yêu của em! – Người phụ nữ già nua vừa thì thầm, vừa âu yếm hôn tay ông. – Anh là người đẹp nhất trên trái đất này. Nghe tiếng anh, trái tim em thổn thức, và em sẽ yêu anh, yêu anh mãi cho đến khi chết.

XIII

Juhannes gặp Camilla giữa phố, cùng bố mẹ nàng và anh chàng Richmond trẻ tuổi. Cho xe ngựa dừng lại, họ vui vẻ gọi to, chào Juhannes.

Camilla túm lấy tay chàng, nói:

– Thế là anh không đến nhà em! Anh biết không, hôm ấy là vũ hội vui lắm cơ! Mọi người chờ anh mãi, chờ đến phút cuối cùng mà anh chẳng đến.

– Anh bận, – chàng đáp.

– Đừng giận vì từ ấy đến nay em không lại thăm anh, – nàng nói tiếp. – Những ngày sắp tới thế nào em cũng đến. Chờ Richmond đi là em đến ngay. Chà, buổi dạ hội ở nhà em mới vui làm sao! Victôria bỗng cảm thấy khó chịu, người ta phải đưa cô ấy về, anh biết không? ít ngày nữa, em sẽ tới thăm cô ấy. Có lẽ cô ấy đã đỡ hơn, biết đâu lại chẳng khỏi hẳn rồi. Em tặng Richmond một chân dung đeo dây chuyền giống hệt như cái của anh. Anh Juhannes, anh phải hứa với em là anh sẽ chú ý tới chiếc lò sưởi trong phòng anh, để bao giờ nó cũng có lửa. Khi viết, anh quên hết mọi chuyện, và phòng anh thì lạnh như trong nhà mồ vậy. Anh phải nhắc nhở cô hầu mới được.

– Được, anh sẽ nhắc cô ấy, – Juhannes đáp.

Bà Seier cũng nói chuyện với chàng và hỏi về công việc chàng đang làm. Cuốn “Từ thế hệ này sang thế hệ khác” ra sao rồi? Bà rất nóng lòng chờ được đọc cuốn sách này của chàng.

Juhannes lịch sự đáp lại mọi câu hỏi của họ rồi cúi đầu chào từ biệt. Chiếc xe lăn bánh đi tiếp. Chàng thì liên quan gì đến cỗ xe, đến những con người này và những lời nói hoa mĩ của họ? Chàng bỗng thấ trong lòng thật trống trải, lạnh lẽo, và cảm giác ấy vẫn bám chặt lấy chàng cho đến khi về tới nhà. Một người nào đó đang đi đi lại lại ngoài phố ngay trước cửa nhà chàng. Đó là người quen của chàng, ông giáo già vốn là gia sư trong lâu đài.

Juhannes chào ông.

Ông giáo mặc chiếc áo bành tô ấm, dài và được chải chuốt cẩn thận; ông có vẻ mặt cương quyết và dũng cảm.

– Bạn cũ và là đồng nghiệp của anh đang đứng trước anh, – ông nói. – Nào, anh bạn trẻ, hãy chìa tay cho tôi bắt. Vừa rồi Chúa đã đưa tôi vào con đường tội lỗi – tôi lập gia đình, có nhà, mảnh vườn nhỏ và một người vợ. Thế mới biết trên đời này vẫn còn nhiều điều kì diệu. Anh có thể nói gì về điều ấy?

Juhannes ngạc nhiên nhìn ông giáo già.

– Nghĩa là anh không có gì phản đối à? Thế thì được, anh nghe tôi nói đây, tôi dạy học cho con trai bà ấy. Bà ấy có một người con trai với người chồng trước. Bà ấy là người đã có chồng, tất nhiên là goá, vì chồng chết. Vâng, tôi đã lấy một bà goá. Anh có quyền nhận xét rằng không phải ngay từ khi còn nằm trong nôi, tôi đã được báo trước điều này, ấy thế mà bây giờ tôi lấy một bà goá làm vợ. Cậu con trai của chúng tôi đương nhiên là đứa con của bà ấy với người chồng cũ. Vâng, nói tóm lại là tôi đi đến nhà bà ấy dạy học, đưa mắt nhìn mảnh vườn, nhìn bà goá và rồi suốt hàng giờ liền suy nghĩ không dứt về đề tài này. Sau đó đùng một cái – người ta đề nghị tôi nhận tất cả những thứ trên. “Đúng là cái điều này không ai báo trước cho ta từ ngày còn nằm trong nôi thật”, – tôi tự nói với mình đại loại như vậy, tuy nhiên tôi đã quyết định nhận lời, bởi vì, ai biết đấy, có thể mới sinh ra, số phận đã định trước cho tôi điều này. Và rồi nó đã xảy ra thật.

– Chúc mừng ông, – Juhannes nói.

– Khoan! Không được nói thêm một lời nào nữa! Tôi biết anh định nói gì rồi. “Còn mối tình đầu thì sao, không lẽ ông đã quên mối tình bất tử của thời trẻ rồi sao?” – Đấy, tôi chắc anh định nói như thế. Nhưng thế thì thưa anh bạn rất quý mến của tôi, cho phép tôi được hỏi anh: còn người yêu đầu tiên và duy nhất ấy của tôi thì sao? Lẽ nào cô ta không lấy một ông đại uý pháo binh già? Còn một câu hỏi nhỏ thế này nữa: đã bao giờ, dù chỉ một lần trong đời, anh gặp được người đàn ông nào đã lấy làm vợ chính người đàn bà mà anh ta mong muốn? Tôi thì tôi chưa hề gặp một người nào như vậy. Tôi có nghe chuyện một người được Chúa chấp nhận lời cầu, cho lấy người đàn bà anh ta yêu lần đầu và duy nhất trong đời. Nhưng rồi cuộc tình duyên cũng chẳng kết thúc tốt đẹp. Vì sao? Anh sẽ hỏi tôi thế chứ gì? Được, tôi xin trả lời: – Vì một lí do rất đơn giản là chẳng bao lâu sau đó người đàn bà ấy đã chết – chẳng bao lâu sau đó, anh hiểu chứ, ha, ha, ha! Thế đấy, bao giờ cũ

cũng vậy. Không ai lấy được người mình yêu bao giờ, và nếu cái điều lạ ấy xảy ra, thì lập tức người đàn bà đó sẽ chết. Vâng, số phận chơi với ta cái trò độc địa này đấy. Vì vậy con người phải tự tìm cho mình một người yêu khác, và đừng có cố đoán non, đoán già gì ở đây cả. Suy cho cùng, thì anh ta cũng chẳng phải chết vì sự không chung thuỷ ấy. Anh hãy tin tôi đi, cuộc đời là thế đấy, và con người chúng ta có thể chịu đựng được cả những cái còn ghê gớm hơn nhiều. Cứ lấy tôi làm thí dụ chẳng hạn.

Juhannes nói:

– Tôi thấy ông có vẻ rất hài lòng với cuộc sống.

– Vâng, hài lòng ở mức cao nhất. Hãy lắng nghe, hãy nhìn, hãy cảm nhận! Thử hỏi cái bể đời mênh mông đầy đau khổ này có để được dấu vết lại trên người tôi không? Tôi có ăn, có mặc, có nhà, có vợ, có con – ấy là tôi định nói về cậu con riêng của vợ tôi. Còn về những bài thơ của tôi thì tôi có thể trả lời thẳng với anh thế này. Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi ạ, tôi già hơn anh, và có lẽ cũng được trời ban cho nhiều tài năng hơn. ấy thế mà thơ tôi lại bị xếp xó trong ngăn kéo bàn làm việc. Nhưng chúng sẽ được in sau khi tôi chết. “Nghĩa là chúng chẳng được tích sự gì cho ông cả?” – anh sẽ vặn lại tôi thế chứ gì? Anh lại lầm lần nữa, vì hiện nay tôi dùng chúng để mang lại niềm vui cho gia đình tôi. Đêm đêm, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, tôi mở ngăn kéo, lấy tập thơ của tôi ra đọc cho vợ và cậu con trai nghe. Bà nhà tôi bốn mươi tuổi, cậu con mười hai, cả hai người đều hết lòng khen ngợi chúng. à mà có dịp, xin mời anh ghé lại nhà chúng tôi chơi, anh sẽ được mời ăn bữa tối và mời uống rượu. Cứ xem như anh đã được mời rồi. Cầu Chúa phù hộ cho anh.

Nói đoạn, ông giáo già chìa tay cho Juhannes. Rồi bỗng nhiên ông hỏi:

– Anh đã nghe tin Victôria rồi chứ?

– Victôria? Chưa. Nghĩa là tôi chỉ nghe rằng…

– Không lẽ anh không nhận thấy cô ấy đang chết dần chết mòn, và rằng hai vệt quầng dưới mắt mỗi ngày một tím đen?

– Từ mùa xuân năm ngoái tới nay tôi chưa gặp lại cô ấy. Lẽ nào đến bây giờ cô ấy vẫn còn ốm?

– Đúng thế! – Ông giáo đáp với vẻ cương quyết đột ngột rồi giẫm mạnh chân xuống đất.

– Người ta mới nói lại với tôi rằng… Không, tôi không thấy cô ấy đau ốm, tôi không gặp cô ấy. Sao, bệnh tình cô ấy nguy hiểm lắm à?

– Vâng. Có thể cô ấy đã chết. Anh hiểu chứ?

Juhannes ngơ ngác nhìn ông giáo già, nhìn cánh cửa nhà mình, như không biết nên bước đi hay đứng lại. Lần nữa chàng lại nhìn ông giáo, nhìn chiếc áo bành tô dài, chiếc mũ của ông, rồi chàng mỉm một nụ cười thảm hại, đau đớn, như một người bất ngờ rơi vào tai hoạ.

Còn ông giáo già thì vẫn nói tiếp với giọng đầy vẻ đe dọa:

– Đây cũng là một thí dụ nữa, anh thử bác lại đi. Cô ấy cũng chẳng lấy được người mình yêu, chẳng lấy được chàng trung úy trẻ tuổi xinh đẹp, người có thể nói được số phận dành sẵn cho cô ấy từ bé. Một buổi chiều nọ anh ta đi săn và rồi một viên đạn lạc vớ vẩn nào đó cắm đúng vào trán anh ta, làm cái sọ của anh ta vỡ toác ra. Và thế là anh ta nằm yên bất động, như vật hy sinh của một trò đùa mà Chúa ban cho anh ta. Còn Victôria, vợ chưa cưới của anh ta, thì cứ chết dần chết mòn vì đau buồn, con rắn độc cứ gặm nhấm, hút dần máu trong tim cô ấy, mà tất cả những điều này lại xảy ra ngay trước mặt chúng ta, những người bạn của cô ấy. Mấy ngày trước đây cô ấy có đến chơi nhà ông bà Seier nào đó. à mà cô ấy có nói với tôi rằng ở đấy người ta cũng chờ cả anh, nhưng anh không tới. Vâng, chính trong buổi vũ hội hôm đó cô ấy có vẻ luôn đứng ngồi không yên, và rồi chắc vì thương nhớ người yêu đã chết, cô ấy phẫn chí bất chấp tất cả, bỗng nhiên tươi tỉnh hẳn lên, nhảy suốt buổi, nhảy như một người điên vậy. Sau đó cô ấy ngã vật xuống, sàn nhà loang vết máu. Người ta đỡ cô ấy dậy, bế ra xe và chở về nhà. Cô ấy chống đỡ chẳng được bao lâu.

Ông giáo đến kề bên Juhannes rồi nói với vẻ cương quyết:

– Victôria chết rồi!

Như người mù, Juhannes giơ tay quờ quạng trước mặt.

– Chết? Bao giờ? Không thể thế được! Victôria chết thật rồi sao?

– Vâng, chết thật rồi, – ông giáo đáp. – Chết hôm nay, buổi sáng, hay đúng hơn là buổi trưa.

Ông cho tay vào túi rồi lấy ra một chiếc bì thư dày. – Còn bức thư này cô ấy nhờ tôi chuyển cho anh. Đây, anh cầm lấy. “Lúc nào cháu chết, nhờ bác…”. Cô ấy nói thế, sau đó thì chết. Tôi chuyển bức thư cho anh, và sứ mạng của tôi đến đây coi như chấm dứt.

Và rồi không chào, không nói thêm một lời, ông giáo già bỏ đi, vội vã bước theo đường phố rồi biến mất.

Juhannes vẫn đứng yên với bức thư trong tay, Victôria đã chết. Chàng nói to tên nàng một lần, hai lần, nhiều lần bằng giọng đờ đẫn không bộc lộ một tình cảm nào. Chàng nhìn bức thư – vẫn nét chữ quen thuộc, vẫn những hàng chữ đều đặn như xưa, nhưng người viết chúng đã không còn nữa!

Chàng đi vào nhà, bước lên thang gác, tìm trong chùm chiếc chìa khóa thích hợp rồi mở cửa phòng chàng. Trong phòng lạnh và tối. Chàng ngồi bên cửa sổ, và dưới ánh sáng mờ mờ của một ngày sắp tắt, chàng bắt đầu đọc bức thư của Victôria.

“Anh Juhannes thân yêu, nàng viết. – Khi anh nhận được thư này, em đã không còn nữa trên đời! Kể cũng lạ bây giờ em không còn thấy ngại ngùng nữa và em viết cho anh, như thể giữa chúng ta không có một sự ngăn cách nào. Trước kia, khi còn khoẻ, em thà phải ngày đêm đau khổ còn hơn phải viết cho anh lần nữa. Nhưng lúc này, khi sự sống đang từ từ rời bỏ em, mọi cái đều thay đổi. Người ngoài đã nhìn thấy em nôn ra máu, bác sĩ khám và nói em chỉ còn lại một phần phổi trái, vậy thì em còn gì phải xấu hổ nữa.

Em đang nằm trên giường và nghĩ về những lời cuối cùng em nói với anh dạo nọ. Hôm ấy là buổi tối, trong rừng. Lúc ấy em không biết rằng đó là những lời cuối cùng em nói với anh, nếu không, em đã từ biệt anh cẩn thận và cảm ơn anh. Bây giờ em không còn gặp được anh nữa, và em thật đau buồn vì đã không quỳ xuống trước anh, hôn chân anh và con đường anh vừa đi qua, không nói với anh rằng em yêu anh vô hạn. Em nằm liệt giường suốt ngày hôm qua và hôm nay, lúc nào cũng mong khoẻ lại chút ít, đủ sức trở về quê, đi vào rừng tìm lại chỗ anh và em đã ngồi và anh cầm tay em trong tay anh. Lúc ấy em sẽ bò dưới đất, lần tìm từng dấu chân anh và phủ chúng bằng những cái hôn của em. Nhưng em không thể về nhà được, nếu không cảm thấy khoẻ hơn như mẹ em hi vọng.

Anh Juhannes yêu quý! Em thật khó làm quen được với ý nghĩ rằng em sinh ra ở đời này là để yêu anh, thế mà bây giờ em đã phải giã từ cuộc sống. Thật là một cảm giác lạ lùng khi em nằm ở đây để chờ giờ phút thần chết đến bắt em đi. Hết bước này đến bư ớc khác, em đang đi xa dần cuộc sống, xa dần con người và sự nhộn nhạo của đường phố. Và từ nay em sẽ chẳng còn bao giờ được thấy lại mùa xuân nữa, trong khi những ngôi nhà này, những đường phố này và cây cối trong công viên vẫn tiếp tục sống như không có chuyện gì xảy ra. Hôm nay người ta cho phép em được ngồi một chốc trên giường và nhìn ra ngoài qua cửa sổ. ở góc phố có hai người gặp nhau, họ chào nhau, cầm tay nhau rồi vừa cười vừa nói với nhau điều gì đó, còn em thì cảm thấy lạ lùng rằng em phải nằm đây để nhìn họ, và để chết. Em nghĩ: hai người kia không biết em đang nằm chờ chết, mà thậm chí có biết, họ vẫn chào hỏi và nói chuyện với nhau vui vẻ. Đêm qua, khi trời tối hẳn, em tư ởng giờ phút cuối cùng của đời em đã đến. Trái tim em bỗng nhiên ngừng đập, và em có cảm giác như nghe rõ từ xa tiếng thì thầm của thời gian vĩnh cửu. Nhưng ngay phút sau em chợt tỉnh, và em lại thở được. Em không thể nào diễn tả nổi cái cảm giác ấy. Mẹ em nghĩ đơn giản là do em nhớ lại tiếng suối và tiếng thác chảy ở quê nhà.

Trời ơi, Juhannes, anh phải hiểu rằng em yêu anh biết nhường nào! Em không thể để lộ anh thấy điều ấy được vì có nhiều điều ngăn cản em, nhất là tính tình của em. Bố em vẫn nhiều khi quá nghiêm khắc với bản thân mình, mà em là con gái ông. Nhưng bây giờ, khi sắp chết và chẳng còn gì cứu vãn được nữa, em viết thư này để nói với anh điều đó. Chính em cũng ngạc nhiên vì sao em làm thế, vì mọi chuyện với anh đều thế cả, đặc biệt là lúc này, khi em không còn nữa. Như ng dù sao em vẫn muốn được ở cạnh anh cho đến giây phút cuối cùng, ít ra cũng để khỏi cảm thấy cô đơn hơn trước. Em như nhìn thấy anh đang đọc thư em, thấy rõ mọi cử động của anh, thấy đôi vai, đôi tay anh, thấy anh đang cầm thư em trước mặt và đọc. Và em nghĩ thế là ta không còn quá xa nhau nữa! Em không thể cho người gọi anh đến với em, em không có quyền làm thế. Cách đây hai ngày mẹ em muốn gọi anh, nhưng em quyết định viết thư cho anh tốt hơn. Ngoài ra, em muốn anh nhớ em như ngày em chưa đau ốm. Em nhớ rằng anh… (đến đây có mấy chữ bị xoá không đọc được)… đôi mắt và đôi mi em; nhưng bây giờ cả chúng cũng chẳng còn được như trước. Vì vậy mà em không muốn anh gặp em. Và em

em còn yêu cầu anh điều này nữa: đừng nhìn em đang nằm trong quan tài. Có lẽ em cũng không thay đổi quá nhiều, chỉ nhợt nhạt hơn, và khi chết, em vẫn mặc chiếc áo vàng anh thích, nhưng dù sao nhìn em, anh vẫn cảm thấy nặng nề.

Đã nhiều lần em thử viết bức thư này, nhưng vẫn không nói hết với anh một phần rất nhỏ những gì em muốn nói. Em sợ lắm. Em không muốn chết, tận đáy lòng, em cầu mong Chúa trời bỗng nhiên cho em khoẻ hơn chút ít, để được sống tiếp, dù chỉ tới mùa xuân. Lúc ấy ngày sẽ sáng hơn, và trên cây chồi xanh hé nụ. Nếu sống qua lần này, em sẽ chẳng bao giờ cư xử không tốt với anh nữa, anh Juhannes ạ. Đã bao lần em khóc khi nghĩ tới điều ấy! Chao, em muốn được ra phố làm sao, muốn đư ợc vuốt ve những tảng đá trên cầu, muốn đứng cạnh mỗi ng ưỡng cửa và cảm ơn mỗi bậc cầu thang và cư xử thật tốt với mọi người! Còn ai đối xử với em xấu đến đâu cũng được, miễn là cho em sống. Em sẽ chẳng bao giờ nói ra một lời than vãn, và nếu có người nào đó đánh em, em chỉ cười, và cảm ơn, và tạ ơn Chúa, miễn là em được sống. Vì suy cho cùng, em còn chưa bắt đầu sống một cách thực sự, chưa làm được điều gì cho ng ười khác, thế mà cái cuộc đời chư a sống ấy của em đang ngắn dần từng phút một và sắp sửa chấm dứt. Nếu biết em đau khổ vì phải chết thế này, chắc anh sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp em. Tất nhiên anh sẽ chẳng làm được gì cả, nhưng em cứ nghĩ: nếu anh và tất cả mọi người trên trái đất cùng cầu Chúa cho em được sống, chắc Chúa sẽ rủ lòng thương, có đúng thế không? Ôi, lúc ấy em sẽ biết ơn anh nhường nào, em sẽ không bao giờ làm điều xấu nữa, và sẽ mỉm cười đón nhận tất cả mọi cú đòn của số phận, miễn là em được sống.

Mẹ em ngồi bên em và khóc. Bà ngồi suốt đêm, không ngớt khóc thương em. Điều ấy an ủi em ít nhiều và làm nhẹ bớt nỗi đau xa cách. Hôm nay em còn nghĩ thế này nữa: anh sẽ đối xử với em thế nào nhỉ, nếu bỗng một ngày đẹp trời nọ, em ăn mặc thật đẹp đi đến với anh giữa phố, không phải để nói điều gì đó xúc phạm, mà để chìa cho anh bông hồng em mua sẵn từ trước! Nhưng sau đó em chợt nhớ rằng em chẳng bao giờ còn được phép làm những điều em muốn, vì từ nay cho tới khi chết, em không còn hi vọng bệnh giảm. Bây giờ em thường khóc, nằm và khóc, khóc thật lâu và không gì an ủi được. Juhannes, bạn của em, người yêu duy nhất của em trên đời này, khi trời tối anh hãy đến với em và hãy ngồi bên em một chốc. Em sẽ không khóc, em sẽ cố hết sức mỉm cười vì hạnh phúc, vì anh đã đến với em.

Nhưng lòng tự hào của em đâu rồi, sự dũng cảm của em đâu rồi? Em không còn là con gái của cha em nữa! Sở dĩ như thế vì em đã quá yếu, vì em không còn sức lực nữa. Em đã đau khổ quá lâu, anh Juhannes ạ, đau khổ từ lâu chứ không phải chỉ những ngày gần đây. Em đau khổ khi anh bỏ ra nước ngoài, còn từ khi anh và em tới thành phố này, mỗi ngày đối với em là một sự tra tấn không sao chịu nổi. Trước kia em không hề nghĩ rằng đêm có thể kéo dài đến vô cùng tận như thế. Trong suốt cả thời gian vừa qua em chỉ hai lần nhìn thấy anh giữa phố. Một lần anh vừa khẽ hát vừa đi ngang, nhưng không nhìn thấy em. Hôm ở nhà Camilla, em hi vọng sẽ gặp, được nói chuyện với anh, em sẽ cảm ơn anh vì được nhìn thấy anh, dù chỉ từ xa. Nh ưng anh đã không tới. Em nghĩ anh không tới vì em. Từ mười một giờ, em bắt đầu nhảy vì không đủ sức chờ thêm được nữa. Vâng, Juhannes, em yêu anh, suốt đời chỉ yêu một mình anh. Viết bức thư này cho anh là em, Victôria, và Chúa đang đứng sau lưng để đọc những dòng em viết.

Còn bây giờ em phải chia tay anh, trời đã tối, em không nhìn thấy gì nữa. Vĩnh biệt, Juhannes, cảm ơn anh vì từng ngày em được sống. Rời bỏ thế giới này bay lên, cho đến phút cuối cùng em sẽ cảm ơn anh, và trong suốt đường bay lâu dài của em, em sẽ luôn nhắc tên anh. Cầu mong anh hạnh phúc. Hãy tha thứ cho em vì những đau khổ em đã gây cho anh, và cả vì em chưa kịp quỳ dưới chân anh xin lỗi. Em đang làm điều ấy lúc này trong trái tim mình. Cầu cho anh được hạnh phúc, Juhannes, và hãy tha thứ cho em, tha thứ vĩnh viễn. Một lần nữa, xin cảm ơn anh vì tất cả, vì tất cả, vì mỗi ngày, mỗi giờ em sống. Em không còn đủ sức viết tiếp.

Victôria của anh.

Nến đã được thắp, trong phòng sáng hơn nhiều. Lại lần nữa em rơi vào cõi lãng quên, và em bay đâu đó rất xa trái đất. Lạy Chúa, lần này em không còn thấy sợ như trước, thậm chí em còn nghe cả tiếng nhạc khe khẽ, và điều quan trọng nhất là xung quanh không còn bóng tối. Em thật biết ơn anh. Sức lực đang rời bỏ em. Vĩnh biệt anh yêu quý, vĩnh biệt…”

—oOo—