HỒI THỨ BẢY
ây nói về Thompson, khi tiếp được mảnh giấy của Xích Tử, đọc xong, thì nở một nụ cười khoái trá. Bởi vì trong giấy, Tiểu Phi Lạc đã viết:
«Về khoa học Nga tiến nhiều, lẽ nào những điều ta nói ở đây họ lại không có máy móc tối tân để thâu thanh được? Âu là ta chỉ bàn phiếm với nhau. Ấy là kế «dĩ hư tàng thực». Tôi nào có lòng xài xể ai đâu? Những cái tôi nói nãy giờ, thì trong ngôn ngữ của các hiệu cao lâu, thực đơn ghi là «bốn món ăn chơi». Xin vào đề ngay. Vì nếu câu chuyện dài lê thê, sợ e ăn hết cái Tết mà chưa dứt. Và, sở dĩ «bốn món ăn chơi» của tôi có mùi vị của cái mà ông gọi là «xài xể», bởi vì có va chạm mạnh, tia lửa mới xẹt ra; có tia lửa mới nhúm đốt nhiên liệu cháy; nhiên liệu đốt cháy mới phát ra ánh sáng; có ánh sáng mới rọi thấu những huyền ẩn của vấn đề mà ông thắc mắc.»
Thompson trao mảnh giấy cho họ Hồ và hỏi:
- Thực đơn của bữa tiệc đầu năm nay như vậy đó. Chẳng hay ông bạn tôi có ý kiến chi chăng?
Đọc xong, Hồ Hữu Tường thấy số phận mình phải làm cái hình nộm để cho tên phù thủy mới này giương cung mà bắn vào. Mang cái nghiệp này, dành ôm bụng chịu. Song hẹn lòng sẽ cũng rán thỉnh thoảng hiện hồn ma lên mà nhát tên phù thủy chơi. Bèn hỏi Thompson:
- Chẳng hay ông thắc mắc về vấn đề chi?
Thompson chẳng đáp, trao cho Hồ hai tài liệu về địa lý mà ta đã biết. Họ Hồ chưa kịp có ý kiến chi, thì Xích Tử đã khởi sự:
- Hôm qua, chúng tôi bàn đến vấn đề trị giá cái kế hoạch ếm mồ mả mà hai tài liệu này nói tới. Giá tiền mà tài liệu này đề nghị là một trăm triệu đô la, tôi thấy ít lắm. Trước khi vào đề, tôi phải đặt lại câu chuyện giá cả.
Thompson hỏi:
- Chẳng hay ông Xích Tử muốn đặt lại như thế nào?
- Theo ý tôi, thì vấn đề chiến tranh ở Việt Nam, có hai cách xử sự. Cách thứ nhất là cấp. Cách thứ hai là hoãn.
- Cấp là làm sao?
- Là tìm thế kết thúc cuộc chiến tranh thật mau lẹ, trong một thời gian ngắn ngủi kỉ lục. Tức là phải áp dụng lý thuyết của cố đại tướng Mac Arthur, khêu khích cho Tàu mắc vào vòng chiến lược nguyên tử mà phá hủy tất cả cơ sở nguyên tử, kỹ nghệ, kinh tế, làm cho Tàu kiệt quệ, mà phải hàng đầu vô điều kiện. Và nếu Nga lớ quớ bước vào vòng chiến, thì mần Nga luôn, tận diệt khối Cộng Sản để dứt hậu hoạn... Ông Thompson, ông hãy dùng máy tính điện tử mà tính coi trong một cuộc thế giới chiến tranh thứ ba như vậy, Mỹ phải hao bao nhiêu dân số, kỹ nghệ và kinh tế, Mỹ phải bị phá hủy bao nhiêu, và chi phí của chiến tranh là bao nhiêu tỉ đô la.
Thompson đáp:
- Tính mà làm chi cho mất công? Các báo chí Hoa Kỳ thảy đều có bài nghiên cứu về sự đại hy sanh ấy! Hình như các báo thảy đồng ý rằng sẽ có tới 75 triệu người chết, 50 phần trăm kỹ nghệ bị tàn phá và tốn hao mấy ngàn tỉ đô la... Theo ý riêng của tôi, có lẽ chánh phủ Hoa Kỳ phải đắn đo lắm trước khi dùng biện pháp chót ấy. Còn hoãn là làm sao?
- Hoãn là cù cưa, cú cứa cà nhầy, lằng nhằng, hai mươi năm đánh nhau nữa, mà theo truyện Tàu, thì bất phân thắng bại. Còn theo danh từ của các nhà lên võ đài, là đánh cuội. Kể cửa chót là mỗi năm hao tổn của Hoa Kỳ là năm trăm triệu đô la. Lấy số 20 năm làm căn bản để tính, thì sơ sơ, cũng tốn mười tỉ đô la. Muốn khỏi tốn mười tỉ đô la, mà không chịu hy sanh một số nhỏ là một trăm triệu đô la, thì trong việc áp phe, ai lại tiếc kỳ như vậy?
Họ Hồ vừa đọc xong tài liệu, đặt trên bàn, rồi ngồi nhổ râu ngắm trần nhà mà cười tủm tỉm, Thompson thấy vậy hỏi:
- Ông bạn tôi, do đâu mà cười tủm tỉm vậy?
Họ Hồ chậm rãi đáp:
- Lão thầy địa lý, tác giả bức thơ, rồi cả nhóm thầy địa lý thảo ra cái thông cáo, đến cậu Xích Tử đây thảy đều dốt.
Xích Tử bị một đòn chưởng, nhảy nhỏm hỏi:
- Bác nói cháu dốt, mà dốt về chỗ nào?
- Dốt cái tinh thần khoa học. Trong khoa học, khi nghiên cứu một công lệ nào, thì bắt buộc, nhà nghiên cứu phải định cái «domaine de validité» tức là cái địa hạt nào mà công lệ ấy có giá trị. Ví dụ, hoc sanh các lớp nhỏ học rằng mỗi một gờ-ram mà thọ lãnh một nhiệt lực một ca-lô-ri, thì nhiệt độ lên một. Công lệ ấy chỉ tương đối đúng, trong cái địa hạt của nước lỏng nghĩa là nhiệt độ từ 0 đến 100. Ngoài địa hạt ấy, công lệ ấy không thể áp dụng nữa. Một công lệ chỉ đúng trong một địa hạt, mà mình làm cuộc ngoại suy để áp dụng ra ngoài cái domaine de validité, ấy là mình dốt, không có tinh thần khoa học.
Thompson giỏ tai nghe, gật đầu có vẻ công nhận. Họ Hồ bồi thêm:
- Này ông Thompson, như trong địa hạt của sử học, cái công lệ «giai cấp tranh đấu» có giá trị tương đối từ khoảng ít trăm năm trước Jésus cho đến bây giờ. Từ bây giờ về sau, loài người sẽ thoát ngoài vòm của luật tranh đấu rồi, mà kẻ nào toan làm cuộc ngoại suy để áp dụng thuyết «giai cấp tranh đấu» cho tương lai, thì kẻ ấy là kẻ dốt tinh thần khoa học.
Thompson hỏi:
- Còn trong địa hát địa lý này?
- Khoa địa lý, nếu có hiệu lực, thì chỉ có hiệu lực trong lãnh vực mà cá nhơn có ảnh hưởng đầy đủ đến xã hội. Chẳng hạn như trong xã hội phong kiến, trong xã hội tư bản, mà con người có đầy đủ ảnh hưởng. Nhưng ở trong một xã hội Cộng sản, con người chẳng có vai trò tự chủ, mà chủ động là guồng máy của đảng, thì khoa địa lý không còn áp dụng đầy đủ được. Ví như Hoa Kỳ nghe theo đề nghị mà ếm mả cụ phó bảng Huy, rồi Hồ Chí Minh chết theo đó, thì cuộc diện ở Bắc Việt sẽ không thay đổi chút nào. Nghĩa là dự tri của thầy địa lý hỏng bét.
- Hồ Chí Minh chết, mà tại sao cuộc diện ở Bắc Việt lại không thay đổi?
- Bởi vì, riêng cá nhơn tôi đã biết từ năm 1964, đảng Cộng sản đã chọn được cho Họ Chí Minh thêm hai người sosie (1). Gần hai mươi năm nay, có lẽ họ còn chọn được thêm được nữa. Họ làm vậy để bịp dân chúng, để bịp thế giới, không khác nào hồi trước vua Quang Trung cho một người sosie của mình là Phạm Công Trị, mặc áo đội mão vua, sang Tàu mà bịp vua Càn Long... Ví như Hoa Kỳ nghe theo đề nghị mà ếm mả cụ phó bảng Huy, cho Hồ Chí Minh thiệt chết đi, thì các ông sosie hãy còn sống. Đảng Cộng sản sẽ âm thầm chôn lén Hồ Chí Minh, không cho tin ấy lan ra ngoài. Đảng của họ, nếu còn cần thống nhất hai phe thân Nga và thân Tàu, thì đảng họ sẽ đem một ông sosie nào đó lên ngai. Rồi muôn việc cứ theo cái đà của nó. Nhược bằng hai phe theo Nga và theo Tàu muốn thanh toán nhau, thì dẫu có mười ông Hồ Chí Minh cũng không làm trái độn được...
(1) Sosie: người có bề ngoài giống hệt, không ai phân biệt nổi.
Hồ Hữu Tường nhìn Xích Tử, thấy mặt nó biến ra xanh, bèn bồi thêm một chưởng. Rằng:
- Chẳng những ếm mả cụ phó bảng Huy không có lợi mà còn thêm hại cho miền Nam tự do này nữa!
Thompson hỏi:
- Chẳng hay thêm hại ở chỗ nào?
Hồ Hữu Tường hất hàm về phía Xích Tử nói:
- Cháu muốn khai mạo một cuộc đấu tranh về tư tưởng, chánh trị, văn chương với bác, đâu cháu thử trả lời cho câu hỏi của vị sử gia Thompson xem!
Xích Tử thấy mấy ngàn quyển sách mà mình đọc ở nhà hay ở hang đá thảy đều không giúp mình một tí ý kiến gì được, nên, mặc dầu trong phòng có máy lạnh, hắn ta xuất hạn. Thompson thấy vậy, phần tội nghiệp cho Xích Tử, phần muốn nghe giải thích cho rành, nên nói đỡ:
- Ông Xích Tử tuổi chưa đến hai mươi, kinh sách chưa đọc khắp. Ông bạn tôi chớ bắt bí làm chi kẻ đáng làm con cháu mình mà thôi. Ông hãy lên giọng thầy mà truyền nghề lại cho hậu sanh, kể ra cũng lỗi lạc lắm.
Xích Tử lấy trớn hạ giọng nói:
- Ngày xưa Khổng Minh thu nạp được Khương Duy, mà sở học của họ Gia Cát không đến nỗi mai một. Khoa nói dóc của bác mà được truyền cho cháu, cháu sẽ khai thác thêm mà rạng rỡ danh bác đến muôn đời!
Hồ Hữu Tường suy nghĩ giây lâu đáp:
- Hoạt động chánh trị thì kẹt, làm văn chương sáng giá không ai đọc, lập đạo thì ngại nỗi mình số đào hoa, rủi có dan díu với ai, báo chí công kích thì còn gì là ông đạo? Chỉ còn có nước nói dóc chơi cho sướng miệng. Chớ xách cần câu mà lưỡi ngay chừ để leo lại cầu chữ Y mà câu thời câu vận như Khương Thượng, thì các ông cảnh sát bảo mình điên, sẵn nhà thương Chợ Quán gần đó, các ông bắt nhốt vào thì cực thân lắm!
- Vậy thì bác nói dóc một hơi cho cháu nghe để học.
Thompson cũng cười, lại tủ lạnh lấy Whisky ra đãi và nói:
- Người ta ăn Tết bằng thức này món kia, chưa ắt là thú hơn là chúng ta đãi nhau bằng nói dóc. Nào rượu đã nhập rồi. Ta đã chuẩn bị, ông Hồ khỏi sự đi!
Hồ Hữu Tường nhấp mấy giọt rượu để thấm lưỡi rồi nói:
- Vào đầu thế kỷ ta, ở tỉnh Phan Thiết, có một nhà ái quốc mà ai cũng biết tiếng, tên là Hồ Tá Bang. Ông là một bực thâm nho, nhưng vì thời thế không chịu ra làm quan với Nam Triều, và chỉ giao du với các bực chí sĩ trong nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy... Nhà có vốn, nên làm ăn, khuếch trương công nghệ, thương mãi để lấy lời. Có tiền lời lại làm việc có ích cho dân chúng trong vùng là mở một cái trường tư lấy tên là trường «DỤC THANH». Nơi trường này, có một thầy giáo trẻ tuổi, con của bạn là Nguyễn Sinh Huy đã qua đời. Tên thầy giáo là Nguyễn Tất Thành. Bà Hồ Tá Bang cũng một tay vừa giúp cho chồng mà mở một xưởng dệt theo lối cổ truyền, mua tơ của nông dân ươm ở quanh vùng về cho nhơn công dệt lụa. Trong xưởng dệt, lại có một cô thợ, mồ côi cha mẹ, có chút nhan sắc, phải lòng thầy giáo Thành. Hai bên dan díu nhau, rồi cô thợ cấn bầu.
Thompson chận ngang hỏi:
- Người ta nói suốt đời Nguyễn Tất Thành không vợ, không con mà?
Họ Hồ cười dài đáp:
- Tôi nào nói Tất Thành có vợ, có con! Nhưng ông ấy cũng người phàm như chúng ta, hai mươi tuổi mà không liệt dương, làm sao mà dằn lòng được đối với nụ cười duyên của cô thợ dệt mỹ miều? Đến như Phan Văn Hùm kia, để cái dương vật trên ngạch cửa, lấy dao phay chặt phụp một cái, bổ ngửa bất tỉnh nhơn sự... rồi cũng sanh được bốn cậu con trai, thì làm gì mà Tất Thành lại không làm cho cô thợ dệt có bầu?
Thompson hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Rồi Tất Thành có dịp, vào quận Hàm Tân mà thăm một người bạn khác của cha mình. Ấy là ông giáo Nguyễn Hữu Hoàn. Tất Thành bị người «chú» ấy mắng cho một mách. Rằng: «Mầy là con dòng cháu giống, cha vì dân tộc mà bị lưu đày vào Nam, mà mày điềm nhiên nhìn non sông bị ngoại bang dày xéo, thấy dân tộc bị áp bức rên siết dưới ách đô hộ. Làm trai, sao chẳng vẫy vùng mà cứu giống cứu nòi?» Tất Thành hỏi: «Chú khuyên cháu làm gì?» Giáo Hoàn đáp: «Xuất ngoại. Trước học cái hay của tất cả. Kế gom góp lực lượng của mình, chuẩn bị đầy đủ chờ cơ hội thuận tiện thì cử đồ đại sự». Tất Thành nói: «Cháu lỡ để lại một hòn máu, bỏ rơi không đành». Giáo Hoàn lại mắng một hơi nữa, rằng: «Đời Đông Hán, có kẻ không có chí lớn, gặp cơ hội làm việc đại sự được, người ta rủ làm, thì hắn mượn cớ là con đau ghẻ mà từ chối. Mày muốn làm như bọn mà Tào Tháo phê bình là những bộ xương khô chưa chôn sao? Con đẻ ra, thì mẹ nó nuôi. Rủi nuôi không nổi, mà có chết đi, thì chỉ là một đơn vị trong đám vô số người bị ngoại bang giết chết». Bị mắng như vậy, Tất Thành thôi dạy học ở trường Dục Thanh của ông Hồ Tá Bang, xin một chân bồi tàu mà sang Âu Châu... Mấy tháng sau, cô thợ dệt sanh được một đứa con trai, làng thấy không có cha, nên khai theo họ mẹ là Trần Tất Tựu.
Thompson hỏi:
- Đó là chuyện năm mươi mấy năm về trước, có ăn thua chi với câu hỏi của tôi lúc nãy?
- Ăn thua nhiều lắm chứ. Năm mà đứa con trai của ông Hồ Tá Bang, là Hồ Tá Khanh học xong về y khoa ở Pháp về, thì hòn máu bỏ rơi của Tất Thành đã lớn. Con nhà nghèo, không cha, tất nhiên Tựu thiếu học. Bác sĩ Hồ Tá Khanh muốn có người trung tín, bèn chọn trong vùng Phan Thiết mình một thanh niên, cho tiền học lái xe, để giúp việc cho mình. Do đó mà Tựu trở nên một người sốp phơ, như muôn ngàn sốp phơ khác, mà theo phò Hồ Tá Khanh mãi cho tới năm 1948. Tựu có vợ, một người công nhân làm ở hãng thuốc MIC. Vợ chồng ăn ở với nhau, sanh đẻ mấy lần, mà nuôi không được. Đi xem thầy, xem bói, họ bảo rằng vì bị xấu háy quá, nên con nuôi không sống. Vậy thì chuyến này, hễ sanh con ra, thì lựa tên thật xấu mà đặt cho, họa may mới nuôi sống được. Cuối năm 1948, hai vợ chồng sanh ra một gái. Và nghe theo lời các thầy các bà, đặt tên cho đứa nhỏ là Trần Thị Thẹp.
Thompson hỏi:
- Bây giờ ông Tựu ở đâu?
- Thong thả để tôi nói. Năm 1948, tôi ở Hà Nội về, gặp ông Tựu. Lúc ấy tôi tìm tài liệu để nghiên cứu về đời thơ ấu của Hồ Chí Minh, nên tôi biết rành về những chi tiết mà tôi đã vừa kể ở trước. Tôi mới chứng minh cho ông Tựu rõ rằng ông là «hòn máu bỏ rơi» của Nguyễn Tất Thành. Mà Nguyễn Tất Thành ngày xưa, nay đổi tên họ lại, đích thị là Hồ Chí Minh. Ông Tựu nghe noi, nghĩ rằng cha mình đường đường như vậy, còn mình chỉ là một sốp phơ quèn, thì tủi hổ. Bèn bỏ vợ, bỏ con, theo bộ đội của Hoàng Thọ để «lập chút công danh». Không dè, vừa xáp trận đầu, thì ông Tựu bị quân đội Pháp giết ngay.
- Còn số phận của đứa cháu nội của Nguyễn Tất Thành ra sao?
- Năm 1952, tôi đi Pháp ít lâu, khi về thăm quê nhà, có gặp mẹ góa con côi ấy. Đến năm 1955, trước khi mắc kẹt bên Bình Xuyên, tôi lại gặp một lần nữa. Lần này bà mẹ nói: «Con Thẹp này đã tới tuổi đi học, mà mang cái tên xấu háy ấy vào trường, chi cho khỏi bị bạn tác chế nhạo? Nó sẽ xấu hổ mà bỏ học. Vậy bây giờ phải làm sao?» Tôi bèn bày cho bả xuống Tòa Hòa giải khai rằng khi sanh ra nó, thì mắc kẹt ở vùng Việt Minh chiếm đóng. Cha nó sau lại bị đạn lạc mà chết. Nó không có ghi trong bộ đời. Nên xin lập một tờ «thế vì khai sanh» cho nó, cải họ nó sửa tên nó lại cho tốt, để cho nó khỏi thẹn với tên Thẹp xấu xí kia.
- Ông bạn có biết con nhỏ cải tên họ lại ra làm sao chăng?
- Biết chớ! Lúc ấy, tôi muốn chơi xỏ nhè nhẹ Hồ Chí Minh chơi. Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa duy vật, tôi bảo đặt cho con nhỏ tên Tâm. Hồ Chí Minh đề cao chủ nghĩa độc tài, tố khổ các từng lớp nhân dân, thì tôi bảo lấy chữ lót cho con nhỏ là Hồng. Hồng đây không phải là màu đỏ của Cộng sản. Hồng đây có nghĩa là rộng rãi và bao dung. Hồng Tâm ấy là cái lòng rộng rãi và bao dung, từ bi và tha thứ như là lòng của Quan Âm Bồ Tát. Tôi không nói rõ rằng họ Hồ của đứa nhỏ là họ Hồ của Hồ Chí Minh, mà tôi gạt bà mẹ rằng nên lấy họ của tôi, cũng là họ Hồ. Để ngày sau, nếu tôi có giàu lớn được, thì con Thẹp đến nhìn bà con với tôi, tôi sẽ giúp đỡ cho nó. Ấy vậy mà đứa cháu nội rơi rớt của Hồ Chí Minh có một tờ thế vì khai sanh với tên là Hồ Hồng Tâm... Nãy giờ tôi nói vòng quanh ta bà thế giới để vào đề mà cắt nghĩa rằng ếm mả ông phó bảng Huy không có lợi, mà thêm có hại.
Thompson nói:
- Bên Hoa Kỳ không có khoa địa lý. Nên tôi không hiểu lý ấy. Vậy ông bạn làm ơn cho trót mà cắt nghĩa cho đầy đủ.
- Như tôi đã nói ở trước, có ếm mả ông phó bảng Huy, thì cũng không thay đổi chút gì về cuộc thế ở Bắc Việt, mặc dầu có thể làm cho Hồ Chí Minh thiệt chết ngủm. Nhưng mà, sự ếm mả ấy lại không phải chỉ ảnh hưởng riêng cho Hồ Chí Minh, lại ảnh hưởng đến cả con cháu của nhà độc tài đó đến mấy đời. Ví dụ, nó sẽ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của con Trần Thị Thẹp, bây giờ đổi tên họ lại là Hồ Hồng Tâm.
- Tai hại là tai hại cho Hồ Hồng Tâm mà thôi, cớ sao ta phải âu lo?
- Hiện nay, Hồ Hồng Tâm ở mảnh đất bên này, nghĩa là bên thế giới tự do. Nếu cái mộ của ông phó bảng Huy phát, thì ngày sau, Hồng Tâm sẽ có một tương lai rực rỡ lắm. Mà tương lai rực rỡ bên thế giới tự do chỉ có thể quan niệm được là một sự nghiệp khổng lồ trên căn bản của những giá trị tinh thần của Thế giới Tự do... Để tôi phác qua một thí dụ cho ông bạn hiểu. Người ta thường so sánh sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản trong thế kỷ XX này với sự làn tràn của đạo quân Mông Cổ vào thế kỷ XIII. Xưa Mông Cổ đánh đâu thắng đó, chinh phục từ Á sang Âu. Mà sang quá nước Việt, lại bị quân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Tuấn, đánh lùi ba lượt và phải cầu hòa. Còn bây giờ đây, chủ nghĩa Cộng sản tràn lan. Cần có một Trần Quốc Tuấn mới, mới đánh lùi được chủ nghĩa Cộng sản, đem một vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu lại cho dân Việt. Về một mặt, không phải là ai cũng có thể làm vị Trần Quốc Tuấn mới này. Về một mặt khác, cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa Cộng sản là một cuộc chiến tranh lý tưởng. Nó đòi hỏi một bộ óc thông minh xuất chúng mà thôi, chớ chẳng phải đòi một sức mạnh cự muôn người hay một võ nghệ siêu quần... Nếu may mà, nhờ ngôi mộ của ông phó bảng Huy phát, con Hồ Hồng Tâm có thể đào tạo thành một Trần Quốc Tuấn mới, thì bổn phận của chúng ta là người chống Cộng, chúng ta phải tận dụng khả năng để cung cấp cho nàng một nền học thực siêu phàm, một căn bản đạo đức vững chãi, một ý chí cứng rắn như kim cương, để cho nàng lãnh một vai trò lịch sử của mình. Vì lập luận như vậy, mà tôi cho rằng ếm mả cụ phó bảng Huy là làm một công việc trái ngược với quyền lợi tối cao của Thế giới Tự do nghĩa là có hại chớ không có lợi.
Bị một tràng lý luận tréo cẳng ngỗng của Hồ Hữu Tường, mà Thompson phân vân. Còn Xích Tử chới với, thấy sở học của mình đối với cái của tay tổ nói dóc là Hồ Hữu Tường, kể ra chỉ là hột cát nằm bên hòn núi Thái Sơn. Trong tâm trạng ấy, nó còn bị bồi thêm một chưởng nữa. Họ Hồ nói:
- Bây giờ, tôi xin kết luận. Lời đề nghị của lão thầy địa lý đã viết trong thơ cho đại tướng Westmoreland không có chút giá trị gì cả. Hoa Kỳ chẳng những khỏi phải hao một trăm triệu đô la, mà đến một đồng cũng không nên. Còn cậu Lê Xích Tử này, ông Thompson không nên giữ lại làm chi. Nên phóng thích hắn cho rồi, kẻo tốn công nuôi nấng...
Đây nói về nhóm bốn ký giả trong nhóm CHÂN TRỜI tối ba mươi Tết đã chứng kiến việc Lê Xích Tử từ nhà họ Hồ bước ra là mắc kẹt vào «Tru Tiên trận», nên sáng hôm sau, trong khi đi viếng đầu năm các bạn đồng nghiệp, bốn vị đã rỉ tay cho nhiều người biết cái tin lạ lùng ấy. Tin nầy truyện từ miệng này sang qua tai người kia. Chỉ một buổi sáng, mà giới viết báo thảy đều hay việc Xích Tử hạ san, đến nhà Hồ Hữu Tường, rồi thình lình biến mất, không biết đi đâu mà «họ» lai ném đá vào nhà Tường cho hay rằng Xích Tử đã mắc vào «Tru tiên trận». Người bàn tới, kẻ nói lùi. Có người tính đến nhà Hồ Hữu Tường hỏi cho rõ chi tiết của vụ lạ lùng này, nhưng bạn tác ngăn lại nói: «Ấy chết! Đừng lại nhà thằng cha ấy mà mang họa. Chung quanh vùng ấy, bao giờ tôi cũng thấy thậm thò thậm thụt những người có vẻ khả nghi. Không phải nhân viên của CIA, thì là Công an Quốc gia. Không Công an Quốc gia, thì là tình báo của «họ». Không tình báo của «họ», thì là cán bộ của Đệ nhị Văn phòng Pháp, hay là mật vụ của Intelligence Service Anh... Hay là cùng một lượt tất cả những cái ấy. Anh mà ghé nhà ấy, thì anh lập tức bị chụp hình, bi theo dõi. Trừ khi nào anh thật tình đau bịnh lỗ mũi, ghé mà mua thuốc thì chẳng sao: bởi người ta điều tra biết anh bịnh, nên chẳng làm khó chi anh. Chớ anh đến đó, với mục đích khác hơn là để nhờ trị bịnh lỗ mũi, thì mục đích này sẽ bị phát giác. Rồi anh sẽ mắc vào «Tru tiên trận» như thằng Xích Tử ấy. Luận điều này đã làm cho hầu hết đều thụt.
Nhưng mà luận điệu này không làm nao núng hai mươi tám nàng sinh viên gốc ở Tây Đô văn phái. Cảm tình nồng hậu của các nàng đối với đứa em út lém mép là Xích Tử không dễ bị một sự sợ sệt vu vơ làm lấn áp được. Các nàng lại tìm được một cái lý để ứng phó lại bất cứ ai hỏi các nàng vì sao lại tới nhà họ Hồ mà làm gì? Các nàng sẽ đáp: «Ông ấy sanh trưởng ở làng Thường Thạnh, tỉnh Cần Thơ, thì đối với chúng tôi đã có tình đồng hương rồi. Lúc nhỏ, ông nuôi cái mộng làm văn sĩ để làm rạng rỡ làng mình, thơm lây cả tỉnh mình. Còn chúng tôi cũng nuôi cái chí làm rạng góc Tây Đô, phức cõi Nam». Thì kể ra, ông cũng là bực tiên thanh của Tây Đô văn phái, cũng như Chateaubriand là tiên thanh cho phong trào văn chương Lãng mạn ở Pháp. Vì vậy mà chúng tôi là bực hậu sanh, ngày Tết chúng tôi đến viếng ông. Viếng là viếng một đồng hương. Viếng là viếng một nhà văn tiên thanh. Còn nhà chánh trị Hồ Hữu Tường, năm mười năm tung ra một biện pháp khác để mưu đồ việc an bang tế thế, còn nhà tư tưởng Hồ Hữu Tường toan tổng hợp ba cái văn mình kỹ sư, chánh ủy và tu sĩ, chúng tôi là con gái, chúng tôi hiểu không nổi, chúng tôi chẳng viếng chào và chúc Tết làm gì». Có một lập trường vững chắc như vậy, các nàng quyết định đến nhà họ Hồ, rồi trong ba điều bốn chuyện, hỏi thăm tin tức về Xích Tử và mưu định cứu Xích Tử ra khỏi «Tru tiên trận». Song các nàng nghĩ. Mình làm con gái, ngày mồng một Tết đến xông nhà người ta, không biết gia chủ có tin dị đoan mà phiền trách chi chăng? Nên các nàng hẹn nhau, đúng ba giờ chiều sẽ đến, chờ cho buổi sáng, có người đến xông nhà cho rồi...
Ba giờ chiều, trước sau vài phút đồng hồ, các nàng đều đến đường Phan Văn Trị, ngồi chật ních cả nhà. Ghế nào cũng bị choáng bởi hai nàng, mà hãy còn mấy cô ngồi trên tấm bố trải ngay trên gạch. Xe của Thompson cũng đến, đưa Hồ Hữu Tường về. Nhà sử gia Hoa Kỳ thấy cảnh náo nhiệt, không quên chụp một vài «bôi» ảnh màu, để có một bức họa tự nhiên, mà chẳng kém bức tranh của Matisse hay Picasso, do hai mươi tám màu áo khác nhau, sặc sỡ, lộng lẫy, của các cô mặc trong dịp Tết. Họ Hồ vừa bước vào nhà, thì nàng Mẫu Đơn đứng dậy, thay lời cho chị em, nói:
- Thưa bác, có lẽ bác đã có chút ngạc nhiên, khi vừa thấy hai mươi tám chị em của chúng cháu, mà bác chưa từng gặp mặt bao giờ. Nhưng cháu xin nói ngay rằng chúng cháu thảy sanh trưởng trong tỉnh Cần Thơ, mà Ngô Đình Diệm dốt nát, đổi tên là tỉnh Phong Dinh. Tỉnh Cần Thơ là tỉnh chôn nhau cắt rún của bác, thì chúng ta là người đồng hương. Tình đồng hương này khiến các cháu đến đây, trước thềm năm ất tỵ, chúc cho bác sống lâu hơn hai mươi năm nữa, mà vẫn sáng suốt, không lẫn lộn, không lẩm cẩm, rồi viết một chuyện trào phúng hay hơn tất cả, hay cho đến đỗi khi đọc lại trước khi cho đi in, bác khoái trá, cười hả hả, rồi tắt hơi luôn như Trình Giảo Kim trong tiểu thuyết. Đối với một nhà văn có cái chết nào nên thơ, đẹp, sung sướng hơn là cái chết mà các cháu chúc cho bác đó?
Một tràng pháo tay nổ ran chứng tỏ rằng Mẫu Đơn đã được chị em đồng ý. Nàng ngồi xuống, thì Tường Vi đứng dậy nối lời:
- Lão nhà nho nào làm cố vấn cho Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh lại làm Phong Dinh thật là một lão dốt nát và bị Cộng sản đem thuyết duy vật mà nhồi sọ. Tỉnh của chúng ta giàu có, ấy là nhờ ngọn nước của sông Hậu Giang, trên kia cuồn cuộn chảy mạnh không kịp bồi phù sa, rồi khi chảy tới tỉnh ta, bị nước biển ngăn lại, mà phải chảy dịu đi, êm đi, phù sa nhờ đó mà có thể lắng xuống, bồi ruộng: ruộng mỗi năm được bón bằng món phân thiên nhiên này mà trúng mùa. Tỉnh ta nhờ thiên nhiên mà giàu có, chớ nào phải do Ngô Đình Diệm đặt tên cho mà giàu có được? Còn cháu nói lão nhà nho ấy bị Cộng sản nhồi sọ, vì đặt cái tên Phong Dinh cho tỉnh, ấy là nhắc cho dân trong tỉnh là cao vọng của họ chỉ đến cái nấc vật chất, cầu giàu có để hưởng thụ, nói nôm na là «làm công tử». Còn những giá trị cao siêu của tinh thần, những cái chân, thiện, mỹ... thì hãy quên đi! Nếu bác có thể nào chuyển lời này cho bác quốc trưởng Phan Khắc Sửu, cũng là người sanh trưởng ở Cần Thơ như chúng ta, thì bác cũng nên nói cho bác Sửu, bỏ quách cái tên Phong Dinh chướng tai gai mắt chúng cháu quá!
Một tràng pháo tay ủng hộ lời đề nghị của Tường Vi. Nàng ngồi xuống, nhường lời cho Vạn Thọ:
- Cháu quê mùa, mộc mạc, giản dị. Song cháu nghĩ, cái giản dị, mộc mạc, quê mùa lại gần chơn lý và dễ được quần chúng cảm thông. Tên tỉnh của chúng ta là Cần Thơ, vốn là tiếng Cao Miên di truyền lại. Nhưng là một gia tài quí giá của lịch sử giao lại cho dân tộc Việt, nói chung, cho người sanh trưởng trong tỉnh, nói riêng. Phân tích theo ý nghĩa tầm nguyên cần có nghĩa là nhọc lòng hết sức để phụng sự một cao vọng nào đó: như phong trào Cần Vương, trong lịch sử nước ta, là phong trào ái quốc, phát sanh vào lúc thực dân Pháp đặt gót đô hộ lên lưng của dân tộc, và nhọc lòng hết sức cho nhà vua là tượng trưng chung của dân tộc. Và cũng theo nghĩa tầm nguyên, thơ có nghĩa là sách vở, tượng trưng cho văn học, cho cái ý muốn nâng cao trình độ trí thức. Vậy Cần Thơ là một khẩu hiệu, là một đường lối: phải nhọc lòng hết sức mà phụng sự cho văn thuật và văn chương, để nâng cao trình độ trí thức của dân trong tỉnh, nói riêng, của toàn dân Việt, nói chung. Chối bỏ tên Cần Thơ, ấy là chối bỏ cái cao vọng ấy. Tội của Ngô Đình Diệm quả chẳng nhỏ. Bác cũng nên chuyển lời này cho bác quốc trưởng Phan Khắc Sửu, phải phục hồi tên Cần Thơ lại cho tỉnh của chúng ta.
Một tràng pháo tay lại ủng hộ lời đề nghị của Vạn Thọ. Nàng ngồi xuống, Hồ Hữu Tường đáp lễ trả lời:
- Lời của ba cháu, trong dịp đầu năm nay, quả là lời châu ngọc. Bác xin mượn vài câu của Nguyễn Du, sửa lại vài chữ, mà khen các cháu. Khen rằng:
Nghe qua, nắc nỏm khen thầm:
Giá đành tú khẩu, cẩm tâm, khác thường.
Ví chen vào Đaị Học đường,
Thì tranh giải nhứt, dễ nhường cho ai?
Một tràng pháo tay hoan nghinh lời khen của nhà văn già. Nàng Bụp, ngây thơ đứng lên nói:
- Thưa bác, chúng cháu đã chen vào Đại học đường hơn hai năm nay, và cũng len lỏi vào làng văn được mười mấy tháng. Bác quá yêu chúng cháu chưa bao giờ tranh được giải nhứt. Lúc còn học ở trường trung học Cần Thơ, chúng cháu còn nhường tài cho một cậu em nhỏ hơn chúng cháu tới ba tuổi. Lên Sài Gòn, chen vào Đại học, chúng cháu chật vật lắm mới khỏi thua bạn tác. Bước vào làng văn, chúng cháu chưa ai tranh việc ăn khách nổi với anh ba tàu là Kim Dung tác giả «Cô gái Đồ Long». Chắc chắn là chúng cháu phải nhờ bác dắt dẫn rất lâu, rất công phu, họa may chúng cháu mới xứng đáng với lời khen của bác.
Hồ Hữu Tường đáp:
- Thành công trong văn chương, không thể bằng vào số độc giả mà chấm điểm. Lúc Victor Hugo cho in ra bộ Les Misérables (Những kẻ khốn nạn), thì Eugene Sue lại lôi cuốn độc giả mãnh liệt hơn bằng bộ tiểu thuyết Les mystères de Paris (Những bí mật của thành Paris). Nhưng lịch sử văn chương nào ghi tên của E. Sue, còn V. Hugo được làm lễ quốc táng, linh cửu quàn tại Panthéon là nơi mà nước Pháp rước linh cửu của những đứa con làm vinh quang cho mình. Lúc bác còn nhỏ, tiểu thuyết Fantômas làm mê say độc giả Pháp, còn mấy trăm lần hơn kiếm hiệp ta làm độc giả ta mê say. Ngay khi ấy, trong mấy mươi năm, quyển Les nourritures terrestres (Món ăn của trần gian) của Gide chỉ bán có vài trăm quyển. Nhưng Gide được giải Nobel về văn chương, được cả thế giới ca ngợi là văn hào. Còn bộ Fantômas mấy mươi năm nay chôn vùi trong lãng quên. Các cháu chớ lấy việc ăn khách làm cân vàng thước ngọc mà đo giá trị một tác phẩm văn chương... À, mà mấy cháu nói ở Cần Thơ có cậu nhỏ nào, nhỏ tuổi hơn mấy cháu mà đã lỗi lạc hơn mấy cháu?
Lài đứng dậy, mảnh mai, yêu kiều, nói nhỏ nhẹ:
- Cậu ấy tên là Lê Xích Tử. Hình như tối hôm qua có đến đây viếng bác, bước khỏi nhà là bị nhốt vào Tru tiên trận. Chẳng hay số phận của cậu ấy bây giờ thế nào?
Hồ Hữu Tường thừ người giây lâu, rồi đáp:
- Tưởng là ai đâu, chớ té ra cậu ấy. Quả là hôm qua, lúc tám giờ tối, cậu có đến đây, nói ba hoa mấy câu, vừa bước ra khỏi cửa, là mắc nạn. Hiện nay, cậu còn nằm trong trận, trụ hình ở cung Đoài, là cung của Tây Phương. Suốt cả buổi sáng nay, chính bác đây, bác cũng vướng vào Tru tiên trận. Nhờ bác có «tụ đỉnh liên hoa» mà thoát nạn, được đưa về nhà, là gặp ngay các cháu đây...
Rồi Hồ thuật rõ chi tiết cuộc nói chuyện tại biệt thự cho các nàng nghe, và kết luận:
- Bởi bác biết chắc rằng lời của bác thế nào cũng bị máy thâu thanh tối tân, của Nga cấp cho Việt Cộng, nó hút, nghĩa là lời ấy bị Hồ Chí Minh nghe rõ, và bởi bác sợ Hồ Chí Minh quá, nên bác mới lập luận mà xúi Hoa Kỳ đừng ếm mồ của ông phó bảng Huy.
Bụp ngây thơ hỏi:
- Cháu tưởng bác yên hùng, bị xử tử mà cười dài, không chút sợ sệt, như các báo đã đăng dạo nọ. Không dè bác lại sợ Hồ Chí Minh. Bác sợ nhà lãnh tụ độc tài Cộng sản ấy nơi chỗ nào?
Hồ Hữu Tường cười xòa đáp:
- Thiên thần Achille toàn thân cứng rắn, không ai làm sao cho phủng được. Nhưng ở nơi gót còn có chút điểm yếu mềm. Huống hồ là bác. Hồ Chí Minh biết chỗ yếu ớt đó của bác, rủi bác lọt vào tay hắn, hắn dùng phép bí mật mà trị bác nơi chỗ yếu ớt đó, thì làm sao bác chịu nổi?
- Chẳng hay chỗ yếu ớt đó của bác là chỗ nào?
Hồ Hữu Tường chau mày, có vẻ lo âu, đáp:
- Khó nói quá. Các cháu là con gái, bác nói, bác ngượng miệng.
- Không sao đâu! Các cháu là gái tân thời, đi phòng trà xem những tuồng thoát y vũ, vào đăng xinh nhảy tuýt, đọc tất cả tác phẩm của Chu Tử nào Yêu, Sống, Loạn, Ghen, Tiền, gặp những trang sống sượng nhứt mà chẳng đỏ mặt tía tai. Điều mà bác nói, chắc gì là khiêu dâm bằng văn của Cô Bạch Mai? Bác nói hết sự thật đi, biết đâu các cháu chẳng nghĩ ra được kế để che chở cho bác?
- Thế thì bác nói. Mà hễ có cháu nào đỏ mật, thì bác dừng lại ngay nhé! Số là Hồ Chí Minh biết rõ rằng bác không sợ chết, không sợ chết vì bị bắn một cái rầm, không sợ chết vì bị chặt cổ một cái phụp, không sợ chết vì bị thắt cổ le lưỡi thè lè. Bởi vậy cho nên, năm 1945, bác ở Hà Nội, sát bên nách hắn, mà hắn đâu có giết bác? Nhưng hai mươi năm qua, khoa học tiến bộ, Hồ Chí Minh áp dụng khoa học tối tân, tìm ra được một kỹ thuật để trị được cái lì của bác. Phân tích máu của đàn ông, của hầu hết đàn ông y học đã chứng minh rằng máu của họ không phải chỉ có hai thứ huyết cầu, là hồng huyết cầu, và bạch huyết cầu như bấy lâu người ta đã dạy.
«Họ còn có một thứ huyết cầu thứ ba nữa, gọi là huyết cầu 35, nhờ sự phát minh ra kiếng hiển vi điện tử (microscope électronique) mà người ta mới khám phá ra được. Vì nó là loại tế vi (virus). Bất cứ đàn ông nào, thảy đều có huyết cầu 35 trong máu, không ít thì nhiều. Mượn một câu của nhà Phật, là «chúng sanh giai hữu Phật tánh» mà nói, thì khoa học ngày này có thể tuyên bố rằng: «Chúng đàn ông» giai hữu «huyết cầu 35». Huyết cầu đỏ và huyết cầu trắng toàn là thứ huyết cầu vô tri vô giác. Còn huyết cầu 35 là thứ huyết cầu luôn luôn chịu ảnh hưởng của lục trần, do lục căn cho vào. Bất cứ, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, thảy đều có thể làm cho huyết cầu 35 sôi động. Nhãn là mắt, mắt thấy gái đẹp, huyết cầu 35 rung chuyển, thì cậu trai động tình, nhìn theo muốn lọt tròng. Nhĩ là tai, tai nghe giọng oanh thỏ thẻ, thì chàng thấy trái tim rung động. Tỉ là mũi, mũi ngửi mùi thơm, hoặc tự nhiên, hoặc của nước hoa, của một người đẹp, thì lòng chàng nao nao. Thiệt là lưỡi, chỗ này bác tự kiểm duyệt đi, các cháu muốn hiểu, thì đi xem xi nê, đến mấy chỗ cụp lạc, các đào kép Âu Mỹ hôn nhau say sưa, các cháu sẽ hiểu phần vô ngôn ấy. Thân là người, là đụng cham; cậu si tình nào mà nắm được bàn tay của ý trung nhơn, là trái tim đập thùng thùng. Còn cuối cùng, ý là ý. Các nhà văn muốn cho tác phẩm mình ăn khách, chỉ có bịa ra những pha thật gợi ý, kích thích huyết cầu 35 của đọc giả. Khoa học ngày nay lại tiến nhiều, chẳng những nhờ lục căn, lục trần mà khích động huyết cầu 35, lại còn chế được những thứ thuốc làm cho chúng nó sanh đẻ ra rất mau lẹ, rất nhiều.
Nàng Súng quê mùa, không hiểu vì sao mà sự tiến bộ khoa học này lại làm cho Hồ Hữu Tường sợ quá như vậy. Bèn hỏi toạc móng heo. Cực chẳng đã, họ Hồ phải giải thích:
- Cháu nghĩ coi, nếu ngày kia, bác lọt vào tay Hồ Chí Minh, mà Hồ Chí Minh không giết, lại thi hành biện pháp độc địa, thì bác đây chịu sao nổi? Phương pháp độc địa ấy là: Một mặt, thiến mất cái của quí của bác đi, mà chừa lại nguyên hai đùm, để cho cái «chức vụ» hãy còn mà cái «cơ quan» mất hẳn. Việc ấy ví như Trung Cộng có lò máy chế bom nguyên tử, mà không có oanh tạc cơ tối tân để cho bom nguyên tử sang qua đội bên địch. Một mặt, bắt buộc bác ăn đồ bổ, không phải ăn khẩu phần thường của dân, không phải ăn theo «tiểu táo», không phải ăn theo «trung táo, không phải ăn theo «đại táo» như Mao Trạch Đông, Chu Ăn Lai, mà ăn theo chế độ «thượng thái táo». Mặt thứ ba, bắt buộc bác uống những món thuốc tối tân để làm cho huyết cầu 35 sanh sôi nảy nở rất nhiều. Còn mặt thứ tư, là tuyển một số phụ nữ kiếu cuốc, cô nào cũng đẹp, cô nào cũng có duyên, cô nào cũng lão luyện thuật «địch vận», cho luôn luôn quây quần bên bác, vận dụng đủ nghệ thuật để khích động lục căn, điều khiển lục trần của bác, hầu tổ chức một cuộc «xuống đường» đại qui mô của những huyết cầu 35 trong máu của bác. Mà bác đã bị thiến mất của quí, thì bác còn biện pháp gì mà trấn áp cuộc «cách mạng thường trực» của đám «quần chúng lao khổ» là huyết cầu 35 trong nội thân của bác, xuống đường bạo động, phá phách từ sớm tới chiều, ngày này tới ngày kia... Rồi Hồ Chí Minh còn tìm thuốc trường sanh bất tử mà cho bác uống, để kéo dài cái khổ của bác. Hỏi các cháu, bác làm sao mà chịu nổi một cách trừng phạt khoa học như vậy?
Hồ Hữu Tường nói xong, mà cảm thấy sự ghê sợ của cách trừng phạt ấy, nên vẻ mặt có dáng mất tinh thần. Các nàng ngồi im, không biết làm sao mà cứu Xích Tử. Thì nàng Xuân Lan đứng lên nói:
- Thưa bác, tưởng cách trừng phạt gì gớm ghê hơn nữa, thì mới nên lo. Chớ chỉ có chừng ấy thôi, thì hãy còn biện pháp rất hay để đối phó.
Mấy chục cắp mắt đều quay nhìn Xuân Lan. Họ Hồ hỏi:
- Cháu có kế gì, hãy đem ra bàn thử!
- Thưa bác, trước khi trình bày kế ấy, cháu xin phép bác cho cháu nói rằng phép ấy đã được năm bảy ngàn năm kinh nghiệm. Thuở xưa, miền Nam nhờ ấm áp, mà cây cỏ thạnh mậu, văn minh nông nghiệp phát triển sớm hơn ở miền Bắc lạnh lẽo, rồi con người sớm chuộng văn, quên võ. Kết quả là, tuy văn minh hơn, miền Nam đánh thua miền Bắc. Cầm đầu miền Bắc lúc ấy là Hoàng Đế, học được sở đắc của miền Nam, như y học, như nghề dệt, như phép dưỡng sinh. Phép dưỡng sinh này, mấy ngàn năm sau, được Lão Tử phục hưng lại, phát triển thêm. Và từ ấy được gọi là phép dưỡng sinh của Hoàng, Lão. Đến bây giờ, thất kỳ truyền. Chỉ còn có một đôi gia đình theo đạo Minh Sư còn giữ được phép ấy mà thôi. Gia đình cháu mấy đời theo đạo Minh Sư, nên cháu biết phép dưỡng sinh ấy. Gần đây, báo HÒA ĐỒNG xướng ra chủ thuyết «Phục hưng mới». Cháu lại học về I khoa, nên cháu nghĩ rằng trong việc phục hưng mới này, đem phép dưỡng sinh mà phục hưng, hiện đại hóa, phát xiển theo qui củ của khoa học, thì trong phép dưỡng sinh này có rất nhiều thuật để giúp bác trấn áp được «cuộc cách mạng thường trực» của huyết cầu 35, nếu rủi mà bác lọt vào tay Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh thi thố kế sâu độc như bác đã thị kiến.
Hồ Hữu Tường nghe nói mừng rỡ, vội vã hỏi:
- Phép dưỡng sinh như thế nào? Thuật trấn áp cuộc «cách mạng thường trực của huyết cầu 35» như thế nào?
Muốn biết Xuân Lan trả lời làm sao, hãy xem đến hồi sau phân giải.