Lời “rào” đầu

Mục lục

Lời “rào đầu”

Mách nước Diêm Vương

Nhất thế giới

Nhất trí 100%

Toà nhà không hố xí

Ăn qua loa

Hàng xuất khẩu đặc biệt

Đồng chí Sáu La Mã

Bà con Lênin ở Việt Nam

Chùm chuyện Phạm Tuân bay vào vũ trụ

Dễ biết quá

Chỉ riêng Việt Nam

Đồng hương trên vũ trụ

Đỏ tay và đỏ má

Câu hỏi định mệnh

Lên nhanh nhất và xuống nhanh nhất

Bộ ta có nhà máy gì?

Lệnh anh Ba

Vấn đề đầu tiên

Lý lịch vào khối SEV

Kít chê Đặng ngu

Phần Việt Nam...

Họ “Tôn Thất”

Cả ngày xếp hàng

Bạn học anh Ba

Tin vào Đảng...

Một phần ba

“Bảng đỏ, sao vàng”

Chỉ cần ném...

Ai được dân thích nhiều hơn?

Ba thủ lợn

Chuyện lương...

Đầy tớ nhân dân

Đưa hình đi đâu?

Quái vật Thái Bình Dương

Nhại thơ, hoạ thơ Tố Hữu

“Ngang” như... Nguyễn Tuân

Bãi lầy đo tội

Tranh, tượng biết nói

Ba con vẹt

Người mới

Quốc ca mới

Dọn nhà

Có anh Ba... Lăm

Mong sống lâu

Lẫn

Không có ba cây...

Hoài Thanh mất tích

Ngọc Hoàng cũng khóc

Lại chuyện Ngọc Hoàng cũng khóc

Theo lời các cụ

Môn thi đấu mới

Tin kỳ cục trên trần

Địch sao nổi!

Bốn tấm hình

Con trai anh Năm

Rùa ngựa, ngựa rùa

Ám chỉ ai?

Xứng đáng là tổng bí thư Phụ lục

Vè “tiêu cực” và dăm chuyện đặt vè

Báo Đảng sợ... vè “tiêu cực”

Vè chợ búa

Vè lương tháng

Vè giáo dục

Vè làng văn

Vè Phạm Tuân

Vài chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975

Cầu Thượng đế phù hộ

Dân chúng đỡ khổ

Ông bầu

Tranh khoả thân

Dọn nhà

Vài chuyện tiếu lâm chính trị Trung Quốc, Liên Xô, Đức

TRUNG QUỐC

Mao Chủ tịch nói...

LIÊN XÔ

Chùm chuyện tiếu lâm thời Khơrútsốp

Khơ chết ngất

Khơ sợ “tệ sùng bái cá nhân Khơrútsốp”

Bội thu và thất thu

Xêđenban mặc áo mưa

Quỷ sứ cũng phải sợ

Chùm chuyện tiếu lâm thời Brrzhnev

Dân say bét nhè

Đồ dối trá

Chưa tỉnh hôn mê

Không sợ chuyện tiếu lâm

Người kế nhiệm

ĐỨC

Chùm chuyện tiếu lâm thời Hítle

*

Lời “rào” đầu

Tiếu lâm nói chung và tiếu lâm chính trị nói riêng là thể loại văn học dân gian truyền miệng tồn tại lâu đời ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam ta. Tuy nhiên, trong cuốn sách “mini” này, người sưu tầm (nói cho đúng hơn: người nghe và ghi) chỉ dám “khoanh vùng” mảng tiếu lâm chính trị năm 1980. Có hai lý do khiến tôi làm như vậy. Thứ nhất, đó là năm ở ta rộ lên nhiều chuyện tiếu lâm chính trị (hệ quả hiển nhiên của thời kỳ trì trệ trước khi cả nước bước vào vận hội Đổi mới). Thứ hai, đó cũng là năm tôi gặp “hoạ”, có tới mấy tháng phải nằm bẹp tại Bệnh viện Trưng Vương và Viện Điều dưỡng (Tp. Hồ Chí Minh). Thế nhưng, trong “hoạ” lại có... “phúc”. Đúng mấy tháng dài nằm viện ấy, tôi được dịp làm quen với nhiều cán bộ mọi miền. Và điều đáng nói là chính họ đã kể cho tôi cùng đám bạn chung cảnh ngộ nghe đủ thứ chuyện tiếu lâm, mà đa phần là tiếu lâm chính trị. Giữa lúc ngay cả bệnh nhân cán bộ cũng phải chia sẻ tình trạng thiếu thuốc, thiếu ăn với bà con dân thường thì những mẩu chuyện tiếu lâm cùng những câu vè mà bọn tôi rỉ rả kể cho nhau nghe quả là liều thuốc và món ăn tinh thần vô giá.

Gần ba chục năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn nhớ như in người kể chuyện tiếu lâm nhiều nhất, hóm hỉnh nhất (và cũng là người tôi thân thiết nhất) ở Khoa Nội cán bộ [1] hồi ấy là bác Lương Nhân, hoạ sĩ đa tài của Đoàn Cải lương Nam bộ. Chiều chiều, khi cơm nước xong xuôi, tôi cùng số bệnh nhân túc tắc đi lại được thường mời bác Lương Nhân ra vườn hoa để nghe bác kể chuyện. Bác kể chuyện cười nhưng chính bác lại không hề nhếch mép cười, có chăng chỉ “diễn” thêm bằng cặp mắt ranh mãnh và cái miệng móm xọm. Cách kể “tỉnh khô” ấy càng khiến bọn tôi cảm thấy tức cười hơn. Bởi vậy nên mới có chuyện một bệnh nhân, tên Ẩn, không ít lần phải chắp tay lạy bác Lương Nhân khi vừa thấy bác lò dò đến bên giường mình: “Con van bác! Bác mà kể tiếu lâm lúc này là con phải kêu cấp cứu đó!”. Anh Ẩn không nói giỡn. Những người mắc bệnh hen suyễn như anh, tôi và cả bác Lương Nhân nữa, hễ cười nhiều là lập tức lên cơn khó thở. Mà bác Lương Nhân đã kể thì đố ai nín được cười…

Chính bác Lương Nhân là người bảo tôi nên ghi lại chuyện tiếu lâm. Bác rủ rỉ: “Chú em là nhà báo, chú nên ghi lại mọi chuyện tiếu lâm truyền miệng để lớp con cháu đời sau biết rõ ông cha chúng đã sống và cười trong gian khó như thế nào. Chú em cứ mạnh dạn ghi đi, nghe gì ghi nấy thôi mà…” Tôi gãi tai, vờ thoái thác: “Nhiều chuyện đụng chạm ghê gớm, con hãi lắm bác ơi! Chỉ nghe thôi đã hãi rồi, bây giờ lại ghi ra giấy trắng mực đen, tang chứng - vật chứng rành rành, con ủ tờ là cái chắc!”. Bác Lương Nhân cũng vờ quắc mắt, nạt: “Sao hèn vậy mầy! Nếu người xưa ai cũng sợ ở tù như mầy, thời nay đâu còn được đọc Sử ký Tư Mã Thiên, Truyện Trạng Quỳnh, Thơ Hồ Xuân Hương…? Nội chuyện ông Trạng Quỳnh nhà ta cùng nhiều vị sĩ phu khác dám lỡm và chửi thẳng đám vua quan đồi bại, bây giờ đọc lại vẫn thấy ‘đã’ và vẫn thấy... thời sự! Mầy ghi đi. Qua [2] sẽ vắt óc nhớ lại mọi chuyện, rồi kể lai rai cho mầy ghi. Ghi sao cho hay là việc của mầy”. Nghe bùi tai nhưng, thú thật, tôi vẫn... hãi. Như đọc được ý nghĩ của gã nhà báo gầy quắt, bác Lương Nhân chậm rãi nói tiếp: “Qua chỉ bảo mầy ghi thôi mà. Đăng báo hoặc ra sách tiếu lâm chính trị lúc này thì quả là nằm mơ giữa ban ngày! Thế nhưng vài chục năm nữa, biết đâu…”

Tôi “chịu đèn” và từ hôm ấy, bắt đầu hí húi ghi ghi chép chép những chuyện tiếu lâm mà bác Lương Nhân và vài bệnh nhân khác đã kể “lai rai”. Chỉ sau một thời gian ngắn, cuốn sổ tay đóng bằng giấy in báo vàng khè đã dày đặc những con chữ nhỏ xíu. Ở ngay trang đầu, tôi nắn nót ba hàng chữ:

Tiếu lâm chính trị

Tài liệu tham khảo

(Mật – Không phổ biến)

Chưa thật yên tâm, tôi còn viết thêm lời “rào trước” với ngôn từ quen thuộc của cán bộ tuyên huấn thời ấy:

“Gần đây, nghe nhiều chuyện ‘tiếu lâm chính trị’, cảm thấy đau lòng. Ai là tác giả thứ chuyện độc hại này? Trước hết, đó là những phần tử bất mãn trong hàng ngũ cán bộ ta, đặc biệt là đám tự xưng ‘sĩ phu Bắc Hà’ (hầu hết chuyện tiếu lâm chính trị và vè đều có xuất xứ Hà Nội). Kế đến, là bọn tâm lý chiến đế quốc và bành trướng. Tôi đã phát hiện một số chuyện được ‘chế’ từ mấy tập truyện cười xuất bản ở Sài Gòn trước ngày giải phóng hoặc ‘cóp’ chuyện tiếu lâm nước ngoài (xem phần Phụ lục).

Nghe nói Ban Tuyên huấn Trung ương đang cho người sưu tầm tiếu lâm chính trị để nghiên cứu. Từng là cán bộ tuyên huấn, tôi thấy mình cần tham gia cuộc sưu tầm bổ ích ấy. Việc này lại càng thuận lợi hơn khi bệnh tật đang buộc tôi phải tạm ngưng công tác chuyên môn…

Bệnh viện Trưng Vương, tháng 4-1980”

Giờ đây, một ngày đầu tháng 3-2007, tôi lại cầm trên tay cuốn sổ đã ố vàng nhưng vẫn còn rõ ràng mọi chữ ghi trong đó. Phải nói ngay rằng suốt 27 năm qua, tôi mới chỉ cho đúng ba người đọc cuốn Tiếu lâm chính trị này. Một trong ba người ấy, bà bạn học N.P.M., cán bộ tuyên huấn cấp cao, đã giúp tôi chuyển bản chép tay gần hai chục chuyện tiếu lâm tiêu biểu (và gai góc nhất) cho mấy vị cần nghiên cứu. Như vậy, tôi đã giữ đúng lời hứa nêu trong lời “rào trước” kể trên. Chỉ tiếc rằng trong số ba người tôi tận tay đưa đọc cuốn Tiếu lâm chính trị, lại không có bác Lương Nhân, vì bác đã qua đời ngay tại Bệnh viện Trưng Vương trước khi tôi kịp hoàn tất cuốn sách. Dẫu thế, cho đến tận nay, tôi vẫn nhớ câu bác nói khi ấy: “Đăng báo hoặc ra sách tiếu lâm chính trị lúc này thì quả là nằm mơ giữa ban ngày. Thế nhưng vài chục năm nữa, biết đâu…”

Thưa bác Lương Nhân, bây giờ cái “vài chục năm nữa” ấy đã qua rồi. Và không còn là chuyện “nằm mơ giữa ban ngày” nữa khi mới đây thôi, bốn vị hào kiệt Nhân văn-Giai phẩm là Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán và Lê Đạt đã được tặng Giải thưởng Nhà nước… Cũng không phải là chuyện “nằm mơ giữa ban ngày” nữa khi từ tháng 6.2006, ngay tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở giữa thủ đô, đã có cuộc triển lãm hi hữu mà đến tận nay vẫn còn mở cửa: “Hà Nội thời bao cấp, 1976-1986”. Nhiều hiện vật sống động và… nhếch nhác của cả một thời khốc liệt đã được trưng bày, đi ngược lại với quan niệm của người xưa và không ít người nay: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Dám “phô ra” giữa thanh thiên bạch nhật cái “xấu xa” của một thời chưa xa, các vị làm bảo tàng ấy hẳn là có “tư duy mới” và có dũng khí... “mó dái ngựa”. Có lẽ họ thầm hiểu rằng việc phô ra cái “xấu xa” trong quá khứ cũng chính là cách tô đậm thêm cái “tốt đẹp” của thời hiện tại, cho dù cái tốt đẹp này đang cần nhiều chăm bẵm... Thế nhưng đông đảo người xem, đặc biệt là lớp người xem đứng tuổi như tôi, vẫn cảm thấy ở triển lãm ấy còn thiêu thiếu một cái gì đó. Và theo tôi, cái “thiêu thiếu” ấy chính là vô số chuyện tiếu lâm chính trị gai góc, vô số câu vè chua cay từng “nở rộ” suốt cả thời bao cấp, cái thời mà đời sống hầu hết dân chúng được một “vè sĩ” khái quát thật tài tình: Ăn như nhà tu, ở như nhà tù, nói như lãnh tụ. Tiếu lâm chính trị và vè cũng chính là thứ “hiện vật” cần được “phô ra” tại triển lãm ấy. Vâng, nếu tôi là người đứng ra tổ chức triển lãm, tôi sẽ không ngần ngại dành hẳn một gian để bù đắp cái “thiêu thiếu” mà người xem đã tinh tế cảm nhận. Có thể, tại gian triển lãm đó, tôi sẽ mời một số danh hài “diễn” lại một số chuyện tiếu lâm đặc sắc, như các nghệ sĩ Tiệp Khắc, Hungari từng làm hồi cuối năm 1989 mà tôi đã được chứng kiến tận mắt, và cũng như các nghệ sĩ Việt Nam ta từng diễn trong tiết mục “Thư giãn” của VTV3 mỗi chiều chủ nhật… Có thể, tôi sẽ tặng người xem những trang giấy A4 in sẵn dăm chuyện tiếu lâm và vài câu vè nổi tiếng… Có thể, với người xem sẵn tiền, tôi sẽ mời họ mua mấy cái CD ghi lại một số chuyện tiếu lâm và câu vè chọn lọc… Có thể, ngay tại gian triển lãm, tôi sẽ cho phát qua hệ thống loa (âm thanh nổi) nội dung các CD ấy để mọi người cùng nghe, cùng cười... Có thể… Có thể... Có thể... Chẳng biết đó có phải lại là “nằm mơ giữa ban ngày” hay không, nhưng rõ ràng tôi đang chuẩn bị cho giấc mơ ấy trở thành hiện thực bằng việc “phô ra” cuốn Tiếu lâm chính trị (Việt Nam, năm 1980).

Trong cuốn sách mỏng này, ngoài phần chính là 58 chuyện tiếu lâm chính trị được chọn lọc và chú thích kỹ lưỡng, còn có thêm phần Phụ lục (22 chuyện) gồm “Vè ‘tiêu cực’ và dăm chuyện đặt vè”, “Vài chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975” và “Vài chuyện tiếu lâm chính trị Trung Quốc, Liên Xô, Đức”.

Điều cần lưu ý là phần lớn chuyện tiếu lâm chính trị mà tôi ghi được trong năm 1980 (năm có nhiều lễ kỷ niệm lớn và nhiều sự kiện quan trọng) đều mang tính thời sự rất cao. Chẳng hạn, khi vừa hay tin Phạm Tuân “quá giang lên vũ trụ” [3] , lập tức các “sĩ phu dân gian” cho ra lò loạt tiếu lâm và vè “ăn theo”. Tuy nhiên, cũng có một số chuyện và vè “phát sinh” từ trước năm 1980 (tỷ như chuyện “Toà nhà không hố xí”), nhưng tới năm 1980 bà con ta vẫn hay kể lại và tôi vẫn cứ ghi. Tôi còn ghi thêm đôi ba chuyện nghe được trong năm 1981...

Tôi cũng xin thưa rằng ngoại trừ một số chuyện tiếu lâm “chế” hoặc “cóp” như tôi từng phát hiện và đưa vào phần Phụ lục, hầu hết số còn lại đều thấm đẫm chất thâm thuý - đặc trưng của dòng văn học dân gian truyền miệng có “sức chảy” ghê gớm, băng qua mọi “ghềnh thác” cường quyền. Đương nhiên, số chuyện tiếu lâm chính trị và vè tôi đã “nghe và ghi” vỏn vẹn trong năm 1980 mới chỉ chụp “cắt lớp” được một “tầng mỏng” của dòng văn học tuy dân dã song cũng rất mực uyên thâm ấy...

Kể chuyện tiếu lâm tài tình như bác Lương Nhân đã khó, ghi lại cho hay lời kể “tỉnh khô” đó cũng khó chẳng kém. Dù tôi đã hết sức cố gắng nhưng nếu có chuyện nào ghi chưa thật “đã” thì kính mong quý vị “sĩ phu dân gian” ngày xưa cùng quý vị bạn đọc ngày nay rộng lòng châm chước.

Chuyện tiếu lâm thường có dị bản, mỗi người nghe lại hay “thêm mắm thêm muối” khi kể lại cho người khác, thế nên tình trạng “tam sao thất bản” khó tránh khỏi. Có khi một chuyện, tôi lại được nghe mấy người kể, mỗi người lại kể một khác, nên tôi phải chọn những tình tiết “đắt” nhất để ghi lại... Trong nhiều chuyện, cái thực và cái hư đan xen lẫn lộn, song tôi vẫn ghi cả hai để bạn đọc “rộng đường dư luận”. Quả là tôi vẫn chưa quên lời bác Lương Nhân: “... nghe gì ghi nấy thôi mà...” Viết đến đây, tôi lại sực nhớ đến câu chuyện bi hài liên quan đến một bậc trưởng lão trong làng văn Việt Nam - cụ Nguyễn Công Hoan. Số là tác giả Bước đường cùng đã bị “cạo” khi vừa đăng trên báo Văn nghệ mấy bài đầu rút từ cuốn hồi ký chưa công bố, với tựa đề: Nhớ gì ghi nấy. Vậy mà chính cái tựa đề hiền khô ấy lại bị hạch tội ngay giữa thời “chống xét lại”. Một vị lãnh đạo tuyên huấn đã đăng đàn phê phán, đại ý: “Phải viết có lập trường giai cấp, theo đúng đường lối của Đảng, chứ không thể viết theo kiểu ‘nhớ gì ghi nấy’ sặc mùi khách quan tư sản...” Dẫu vậy, Trần Khốt này vẫn bảo vệ “lập trường” nghe gì ghi nấy khi “phô ra” cuốn Tiếu lâm chính trị (Việt Nam, năm 1980) này...

Lời “rào” đầu đã khá dài, song tôi vẫn thấy mình cần “rào” thêm đoạn cuối:

Vì muốn ghi lại trung thực những chuyện tiếu lâm lưu truyền rộng rãi trong dân gian thời bao cấp, tôi đã giữ nguyên tên hoặc bí danh một số vị lãnh đạo thời đó, đồng thời không né tránh tên Đảng (viết hoa), cho dù việc liều lĩnh ghi trên giấy trắng mực đen như vậy có thể bị khép vào tội “phạm huý” và “phạm thượng”. Nhưng biết làm sao được khi dân gian đã lưu truyền như thế và ở nhiều nước người ta cũng “phạm huý”, “phạm thượng” như thế? Nhân đây, tôi cũng xin thưa thêm chuyện này: Một lãnh tụ nổi tiếng nước ngoài, ông L.I. Brezhnev, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, từng “được” giới “sĩ phu dân gian” Liên Xô và Đông Âu đặt khá nhiều chuyện tiếu lâm chua cay (xem phần Phụ lục). Nhưng điều thật lạ là con người thường bị báo chí phương Tây gọi là “độc tài khét tiếng” ấy lại chưa hề tống đi Sibiri bất kỳ người sáng tác tiếu lâm chính trị nào! Trái lại, những người đặt chuyện hay còn được ông... tặng quà. Chẳng những thế, ông còn đích thân kể chuyện tiếu lâm chế giễu chính mình cho các vị lãnh đạo nước ngoài cùng nghe và cùng cười. Chuyện hi hữu này đã được đăng trên tờ báo của Bộ Công an có rất nhiều người đọc: An ninh Thế giới, ngày 18.12.2006. Dù không dám “nằm mơ giữa ban ngày” nhưng tôi vẫn mong sao các bạn làm công tác an ninh tư tưởng ở ta hôm nay cũng cần tham khảo (và học tập, nên lắm chứ?) cách ứng xử của vị lãnh tụ Xô-viết ngày xưa. Cả thời xưa lẫn thời nay, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, việc đặt và kể chuyện tiếu lâm hoặc vè chẳng qua chỉ là cách “xả stress” khá... hiền lành. “Xả” đỡ nguy hơn “nổ” nhiều lắm...

Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, đầu Xuân 2007

Trần Khốt

*

[1]Khoa nội dành cho cán bộ sơ-trung cấp (Các chú thích đều của Trần Khốt)

[2]Cách xưng hô thân mật của người Nam bộ cao tuổi, có thể hiểu là “bác”, “chú”, “tao”...

[3]Thơ Bến Nghé, báo Sài Gòn Giải phóng

[4]Thế giới thứ ba là thế giới các nước nghèo, hai thế giới còn lại là thế giới các nước xã hội chủ nghĩa và thế giới các nước tư bản chủ nghĩa.

[5]Tức tầng trệt, như người Nam thường gọi. Các tầng kế tiếp là lầu một, lầu hai, lầu ba...