TỰA

Nay nhân thong thả, góp nhặt mấy câu chuyện khôi hài, chép ra để anh em cùng xem cho vui. Những chuyện này cũng có nhiều câu lý thú, nhưng mà lời lẽ thường không được thanh nhã lắm; bởi vì rặt là chuyện góp: khi năm ba anh em vui chơi, hoặc thấy lắm sự buồn cười, hoặc thấy nhiều điều trái dở, cho nên đặt ra chuyện để mà bài bác, không giữ gìn lời lẽ. Tuy rằng suồng sã, song vẫn là câu nói thường; ý tứ không cao xa, nhưng mà chính là sự thực. Chuyện là chuyện từng người một đặt ra bốn phương góp lại, cho nên là tinh thần chung cả một dân, chứ không phải tư tưởng riêng của một người nào. Vả chăng thường có nhiều chuyện hay mà không mấy người biết. Vì thế chúng tôi nhặt nhạnh mỗi nơi một ít, in ra, để lúc nào anh em hứng vui, sẵn có mà xem cho giải trí; trước là mua được trận cười, sau nữa ghi để những tinh thần của người nước mình đã phát hiện ra ở những chuyện ấy. Ấy cũng là một ngành văn chương nên giữ lấy. Kìa như các nước Thái Tây, những đấng văn nhân cũng còn dụng công ghi chép những chuyện vui cười, làm ra thành sách; huống chi là nước ta, nhờ có chữ quốc ngữ, chắc hẳn mai sau văn chương mình cũng có thể phát đạt, thì những chuyện này rồi ra cũng là một cái di tích đáng quý, sao lại nỡ bỏ? Buổi đầu mới mẻ, lời lẽ chưa được chải chuốt, lắm câu hãy còn non nớt, xin miễn thứ và dong dự cho kẻ mới tập tành.
Thọ An, Phạm Duy Tốn
Nhâm tí, Mạnh đông


VỎ QUÍT DÀY MÓNG TAY NHỌN

Hai ông thầy, một ông thầy bói và một ông thầy thuốc, không biết làm sao mà hằn thù nhau.
Một hôm, có mụ đàn bà, chồng ốm, thuốc thang cúng vái làm sao cũng không khỏi, cùng đường, đến nhờ ông thầy bói xem hộ có phương kế nào cứu được chồng chăng.
Ông thầy gieo quẻ xong, bảo chị ấy cứ đến xin thuốc ông lang nọ cho chồng uống thì khỏi ngay. Nhưng mà bụng ông thầy muốn xỏ ông lang, mới dặn mụ ấy rằng :
- Hễ lại nhà ông lang, thì phải nói ông ấy : "Có phải thật ông là ông lang mà dao cầu mạng nhện chằng và ô thuốc mốc, không ? " Hỏi thế rồi hãy kể bệnh xin thuốc, thì thuốc mới hay. Mụ ấy xin vâng. Hỏi thăm đến nhà ông thầy thuốc nọ, rồi cũng nói như lời ông thầy bói đã dặn.
Ông lang thấy nó hỏi thế thì tức quá, đoán rằng hẳn lại thằng thầy bói xỏ mình đây; cho nên mới hỏi lại mụ nọ rằng có phải ông thầy bói dặn thế không. Mụ nọ bảo phải. Ông lang căm lắm, nhưng mà cứ lẳng lặng bốc thuốc cho mụ ấy. Tay bốc thuốc, bụng nghĩ cách để xỏ lại anh thầy bói kia. Lúc đưa thuốc cho mụ ấy, mới dặn rằng :
- Phải bắt cho được một con ruồi ở mép ông thầy bói ấy, mà làm thang thì thuốc này mới nghiệm.
Mụ ấy xin vâng; vội vàng trở lại hàng ông thầy bói, ngồi chực xem hễ có con ruồi nào đến đậu mép ông thầy thì bắt. Nhưng mà ngồi đợi mãi cũng chẳng thấy con ruồi nào đến. Nóng ruột quá ! Trời đã chiều rồi, mà chồng thì ốm nằm đợi ở nhà !
May làm sao, có hàng bánh rán rao qua. Ông thầy bói ngồi buồn, gọi vào mua ăn; ăn nhồm nhàm, mật dính cả vào râu : Bổng có một con ruồi xanh ở đâu bay lại, đậu ngay vào mép.
Mụ kia mới rón rén lại gần, giơ thẳng cánh, vả ông thầy bói một cái "đốp" lòi cả bánh rán ra.
Ông thầy bói kêu vỡ làng nước, rằng :
"Ông làm gì đứa nào mà đánh ông ?"
Mụ kia vội vàng nói đầu đuôi cho ông ta nghe, rồi một mạch chạy thẳng về nhà...