MẤY LỜI NÓI ĐẦU

Tôi là nhạc sĩ Phạm Duy, con trai út của cụ Phạm Duy Tốn, nhà văn xã hội đầu tiên của Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong vài bút danh cụ đã chọn để viết văn, viết báo, bút hiệu Thọ An được cụ dùng để đưa ra những truyện cười thường được gọi là truyện TIẾU LÂM AN NAM.

Ba cuốn TIẾU LÂM AN NAM mà quý bạn đang đọc đây là những cuốn sao chép từ bộ sách do HIỆU ÍCH KÝ, 58 Phố Hàng Giấy Hà Nội ấn hành nhiều lần (lần thứ ba là vào năm 1924). Về sau, sách được tái bản bởi một nhà xuất bản khác là HIỆU QUẢNG THỊNH ở Phố Hàng Gai và vì không muốn dùng danh từ "an nam" nữa cho nên sách được đặt tên là TIẾU LÂM QUẢNG KÝ (Tiếu lâm là rừng cười - Quảng là rộng rãi - KÝ là ghi chép). Cái tên QUẢNG KÝ đã khiến cho tôi đoán rằng: có lẽ đây là sự hợp tác của hai nhà QUẢNG (THỊNH) và ( ÍCH) KÝ trong việc ấn loát và phát hành 108 truyện vui cười do bố tôi đã ghi chép từ dân gian này.

Ngay từ khi sách được in ra thì, theo nhà báo Vũ Bằng viết trong tạp chí VĂN ở Saigon hồi 1972 - số đặc biệt về Phạm Duy Tốn, "... nhiều bậc đạo đức phải giấu giếm vì bị coi là tục tĩu, nhưng thực ra thì hầu hết đều đọc vì ai cũng nhận rằng cái cười là cái riêng biệt của con người (le rire est le propre de l'homme) - cái cười chân thật, cao cả, hồn nhiên có sức quyến rũ và bồi bổ -- le rire franc, large, spontané et réconforte (DALE CARNEGIE); cái cười không những là phép trị bịnh rất thần hiệu mà còn là nguồn chính của nhuệ khí nữa -- le rire est non seulement un puissant thérapeutique mais une véritable source de jouvence ( JAMES SULLY) "

Cũng trong tạp chí VĂN đó, khi nói về truyện TIẾU LÂM AN NAM của bố tôi, ký giả Thiên Tướng đã viết: "... chiến tranh làm cho con người đạo đức hơn lúc nào hết, do đó lưỡi kéo của bà kiểm duyệt lúc nào cũng sẵn sàng cắt xén những đoạn hay những truyện có hại cho... thuần phong mỹ tục. (...) Ðạo đức cũng hay hay, nhưng vì đạo đức quá mà lúc này chúng ta không được đọc "xả láng" những truyện tiếu lâm của Thọ An - Phạm Duy Tốn sưu tập, âu cũng là điều đáng tiếc..."

Trong hơn nửa thế kỷ loạn lạc trên đất nước và phân hoá trong lòng người, ngoài một truyện ngắn (SỐNG CHẾT MẶC BAY) được đưa vào chương trình giáo dục của chính quyền miền Nam trước đây, toàn bộ tác phẩm của nhà văn, nhà báo Thọ An - Phạm Duy Tốn chưa được biết tới...

... cho nên vào lúc cuối đời, vì không thể cùng với các bạn làm văn học (nhất là các bạn ở trong nước) làm ngay cuộc sưu tầm và công bố toàn thể sự nghiệp của Thọ An - Phạm Duy Tốn, tôi mạo muội tự làm công việc tìm tòi để cho đăng trên mạng lưới INTERNET, rồi cho vào một CD-Rom những tài liệu mà tôi có được của bố tôi trước khi tôi chết. Tối thiểu, tôi cũng làm được một điều rất bình thường và rất cần thiết là có ngay một chút gia tài còn lại của bố tôi để truyền cho các con, các cháu và các chít...

Dám mong bạn đọc có được những giờ phút rất vui với những truyện cười của dân gian Việt Nam này.

Phạm Duy
THỊ TRẤN GIỮA ÐÀNG
Midway City, 1998


TỰA

Sau đây là bài tựa của Thọ An, Phạm Duy Tốn, mở đầu cho 108 truyện tiếu lâm An-Nam:

Nay nhân thong thả, góp nhặt mấy câu chuyện khôi hài, chép ra để anh em cùng xem cho vui. Những chuyện này cũng có nhiều câu lý thú, nhưng mà lời lẽ thường không được thanh nhã lắm; bởi vì rặt là chuyện góp: khi năm ba anh em vui chơi, hoặc thấy lắm sự buồn cười, hoặc thấy nhiều điều trái dở, cho nên đặt ra chuyện để mà bài bác, không giữ gìn lời lẽ. Tuy rằng suồng sã, song vẫn là câu nói thường; ý tứ không cao xa, nhưng mà chính là sự thực. Chuyện là chuyện từng người một đặt ra bốn phương góp lại, cho nên là tinh thần chung cả một dân, chứ không phải tư tưởng riêng của một người nào. Vả chăng thường có nhiều chuyện hay mà không mấy người biết. Vì thế chúng tôi nhặt nhạnh mỗi nơi một ít, in ra, để lúc nào anh em hứng vui, sẵn có mà xem cho giải trí; trước là mua được trận cười, sau nữa ghi để những tinh thần của người nước mình đã phát hiện ra ở những chuyện ấy. Ấy cũng là một ngành văn chương nên giữ lấy. Kìa như các nước Thái Tây, những đấng văn nhân cũng còn dụng công ghi chép những chuyện vui cười, làm ra thành sách; huống chi là nước ta, nhờ có chữ quốc ngữ, chắc hẳn mai sau văn chương mình cũng có thể phát đạt, thì những chuyện này rồi ra cũng là một cái di tích đáng quý, sao lại nỡ bỏ? Buổi đầu mới mẻ, lời lẽ chưa được chải chuốt, lắm câu hãy còn non nớt, xin miễn thứ và dong dự cho kẻ mới tập tành.

Thọ An, Phạm Duy Tốn


Nhâm tí, Mạnh đông

TƯỞNG LÀ GÌ

Có hai bác tính hay sợ vợ, cùng ở láng giềng với nhau.
Một hôm, bác nọ, vợ đi vắng; ở nhà trời mưa, có váy vợ phơi quên không cất vào, để mưa ướt cả. Khi vợ về, nó chửi cho một trận đê nhục; chán rồi, nó đánh cu cậu tối tăm cả mắt mũi lại.
Bác bên cạnh thấy bác kia vợ đánh chửi tệ như vậy, mới lẩm bẩm rằng:
- Ð... mẹ kiếp ! Chẳng phải tay ông !...
Vợ nghe thấy, trợn mắt lên, hỏi dồn rằng:
- Phải tay ông, thì ông làm gì, hử? Ông làm cái gì ???
- Phải tay ông, thì ông... cất trước lúc trời mưa, chứ gì !...